Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 641/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ;

Căn cứ Công văn số 3132/BNN-KH ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý Quy hoạch ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2006 - 2020 tỉnh Cao Bằng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 150/TTr-SNN ngày 15 tháng 3 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2006 - 2020 tỉnh Cao Bằng với những nội dung chính như sau:

1. Tên dự án

Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2006 - 2020.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn có quan hệ sản xuất phù hợp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo.

2.2. Mục tiêu cơ bản ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2010

1- Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp: 5,5%/năm;

2- Giá trị sản xuất/ ha đất nông nghiệp: 20 triệu đồng;

3- Cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt 85% dân số;

4- Độ che phủ rừng: 52%;

5- Tổng đàn bò: 177.000 con (tăng 7%/năm);

6- Tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp: 929 tỷ đồng (giá cố định 1994);

7- Tổng sản lượng lương thực: 215.000 tấn;

8- Di dân biên giới: 700 hộ. Xắp xếp lại dân cư: 1.000 hộ;

9- Đầu tư nâng cấp 450 - 500 công trình thủy lợi lớn, nhỏ và cơ bản hoàn thành kiên cố hóa kênh, mương;

10- Xây dựng, thành lập mới 44 Hợp tác xã trong nông nghiệp;

11- Tốc độ phát triển chăn nuôi: 6,8%/năm. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi 40% trong nông nghiệp;

12- Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm sản: 1.490 nghìn USD/năm.

2.3. Mục tiêu cơ bản ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020

1- Tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp: 4,9%/năm;

2- Tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp: 1.368,4 tỷ đồng;

3- Tổng sản lượng lương thực: 248.000 tấn;

4- Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp: 40 triệu đồng;

5- Độ che phủ rừng: 60%;

6- Cấp nước sinh hoạt nông thôn: Cơ bản hoàn thành;

7- Tiếp tục sắp xếp lại dân cư trong địa bàn toàn tỉnh;

8- Đầu tư xây dựng thêm một số hồ chứa tạo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; nâng hệ số sử dụng đất nông nghiệp từ 1,8 lần năm 2010 lên 2,0 lần năm 2020;

9- Tốc độ phát triển chăn nuôi: 4,8%/năm. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi 46% trong nông nghiệp;

10- Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản: 1.750 nghìn USD/năm;

3. Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực

3.1. Giai đoạn năm 2006 - 2010

a) Nông nghiệp

- Sản xuất lương thực: Dự kiến tổng sản lượng lương thực cả tỉnh đạt 215 ngàn tấn vào năm 2010.

- Cây ăn quả và cây công nghiệp: Dự kiến năm 2010 sản lượng mía nguyên liệu đạt trên 120 ngàn tấn/ năm. Sản lượng thuốc lá: 5.950 tấn/năm, sản lượng đậu tương: 10.000 tấn, lạc giống khoảng 2.000 ha. Giai đoạn này hoàn thành việc xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu.

- Chăn nuôi: Chú trọng phát triển đàn bò theo hướng lấy thịt, đưa tổng đàn bò cuối kỳ lên 177.000 con. Phát triển đàn trâu tăng 2%/năm, đàn lợn và gia cầm trên 5%/năm. Định hướng chăn nuôi theo mô hình trang trại và Hợp tác xã. Phấn đấu đến năm 2010 giá trị chăn nuôi chiếm 40,0% trong nông nghiệp.

Phát triển sản xuất cá giống và các vệ tinh ươm nuôi cá tại một số huyện để cung ứng đủ cá giống cho nhân dân. Phấn đấu diện tích nuôi trồng đạt 700 ha (khoảng gần 50% diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản), sản lượng thuỷ sản đạt 1.630 tấn, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành Thủy sản 5,65 - 8,0%/ năm.

b) Lâm nghiệp

Đưa độ che phủ rừng lên 52%, phấn đấu nâng tỷ trọng lâm nghiệp lên 24,37% trong cơ cấu kinh tế ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Định hướng về phát triển lâm nghiệp như sau:

- Diện tích đất rừng phòng hộ: 180.000 ha; diện tích đất lâm nghiệp rất xung yếu về phòng hộ là: 53.346 ha (thuộc rừng phòng hộ 46.302 ha, thuộc rừng đặc dụng 7.004 ha); diện tích đất rừng đặc dụng 16.964 ha gồm 8 khu đặc dụng theo quy hoạch phân chia 3 loại rừng; diện tích đất rừng sản xuất 234.081 ha.

- Công tác lâm sinh: Trồng rừng tập trung 18.920 ha. Khoanh nuôi tái sinh 64.200 ha.

- Tổng giá trị ngành Lâm nghiệp năm 2010 đạt: 310,18 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994).

- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến. Tiếp tục mở rộng diện tích trúc sào lên 3.000 ha, cây hồi 5.000 ha; phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ.

c) Sắp xếp ổn định dân cư

- Giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục đầu tư để ổn định dân cư cho 22.600 hộ của 44 xã thuộc 9 huyện biên giới; tổ chức di dân và sắp xếp lại dân cư cho 5.186 hộ, trong đó di dân biên giới 650 hộ. Khai hoang khoảng 1.338 ha tại các xã biên giới và nội địa để giải quyết đất sản xuất cho các hộ di dân, hộ nghèo theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg. Củng cố và xây dựng mới 44 Hợp tác xã trong nông nghiệp hoạt động theo luật, đưa tổng số Hợp tác xã trong nông nghiệp lên 58 Hợp tác xã, xây dựng mô hình nông thôn mới (cấp xã).

- Giai đoạn 2011 - 2015: Di chuyển dân cư 3.321 hộ, trong đó: Di dân biên giới 506 hộ, di dân nội địa 2.815 hộ; khai hoang đồng ruộng 634 ha, trong đó khai hoang khu vực biên giới 222 ha, khai hoang nội địa 412 ha.

d) Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông, lâm nghiệp

- Thủy lợi:

+ Bảo đảm cấp nước tưới chắc cho vụ mùa: 20.500 ha.

+ Bảo đảm cấp nước tưới chắc cho vụ xuân: 10.000 ha.

+ Tưới cây công nghiệp: Vùng nguyên liệu mía: 2.000 ha.

+ Vùng nguyên liệu thuốc lá: 2.500 ha.

+ Giải quyết tiêu úng khôi phục đất sản xuất: 280 ha.

- Cấp nước sinh hoạt nông thôn: Xây dựng các loại hình cấp nước phù hợp với từng vùng và tập quán của nhân dân. Đảm bảo đạt mục tiêu 85% số dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Công tác giống: Xây dựng Trung tâm Sản xuất và cung ứng các loại giống; tăng cường công tác khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất nhân giống.

e) Định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

- Vùng trồng thuốc lá: Năm 2010 diện tích 3.500 ha, trong đó Hòa An và Hà Quảng: 2.000 ha; các năm 2011 - 2020 diện tích 5.000 - 6.000 ha;

- Vùng trồng mía nguyên liệu với diện tích 4.000 ha, tại 4 huyện: Phục Hoà, Quảng Uyên, Hạ Lang và Thạch An;

- Vùng ngô hàng hoá với tổng diện tích 19.000 ha, tập trung ở 5 huyện: Trùng Khánh, Quảng Uyên, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng;

- Vùng đậu tương diện tích 6.300 ha tập trung tại 4 huyện: Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hạ Lang và Trà Lĩnh;

- Vùng sản xuất lạc giống với diện tích 2.000 ha tại 5 huyện: Nguyên Bình, Thông Nông, Thạch An, Hạ Lang và Hà Quảng;

- Vùng trồng trúc sào với diện tích 3.000 ha, tập trung tại 4 huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông và Hoà An;

- Vùng chăn nuôi bò tập trung tại 4 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình và Trùng Khánh;

- Vùng trồng hồi tại 4 huyện: Thạch An và Trà Lĩnh, với diện tích 5.000 ha; Bảo Lạc và Bảo Lâm, với diện tích 2.000 ha;

- Vùng núi đất Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, vùng tây Thạch An trồng cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ (song, mây, dược liệu,…);

- Phát triển cá nước lạnh ở Phia Oắc - Phia Đén, Tĩnh Túc (Nguyên Bình);

- Trồng cây ăn quả có múi ở Thị xã Cao Bằng, nam Hoà An; trồng mác mật tại các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Hạ Lang; trồng dẻ ăn quả ở Trùng Khánh;

- Tỷ suất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp dự kiến đến năm 2010 đạt 38 - 40% giá trị nông - lâm - thuỷ sản.

3.2. Định hướng giai đoạn 2011 - 2020

Giai đoạn từ 2011 - 2020 chủ yếu đi vào khai thác, tu bổ và chế biến làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Phát triển nông nghiệp toàn diện để bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng vùng nghèo, biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ít người (Sán Chỉ, Lô Lô, Mông, Dao,...) sinh sống. Do đó cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời có chính sách ưu đãi thu hút vốn của các thành phần kinh tế đầu tư cho ngành Nông nghiệp.

4. Nhu cầu vốn đầu tư

a) Giai đoạn năm 2006 - 2010

* Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.254 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư từ ngân sách: 907 tỷ đồng, chiếm 72,3% tổng vốn.

- Vốn vay tín dụng đầu tư: 347 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng số.

* Dự kiến đầu tư theo các ngành và lĩnh vực sau:

- Đầu tư phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 555,3 tỷ đồng (cả vốn xã điểm, kinh tế trang trại và đào tạo), trong đó vốn vay 242 tỷ.

- Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 698,7 tỷ đồng, trong đó vốn vay 105 tỷ.

- Các dự án ưu tiên: Như trong báo cáo dự án.

b) Giai đoạn năm 2011 - 2020

Dự kiến tổng nhu cầu vốn là 2.360,8 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức, trách nhiệm và thời gian thực hiện dự án

1. Cấp quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

2. Chủ dự án Quy hoạch: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Quản lý thực hiện đầu tư: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan Thường trực.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, xác định các dự án thành phần ưu tiên, các nhiệm vụ kế hoạch hàng năm, chủ đầu tư từng dự án và tiến độ thực hiện trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

4. Thời gian thực hiện: năm 2006 - 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại và Du lịch; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lô Ích Giang