Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2006/QĐ-UBND

Long xuyên, ngày 16 tháng 02 năm 2006.

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006-2010);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã nhằm góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả; tôn trọng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và giá trị đích thực của kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.

3. Các tổ chức kinh tế tập thể phải phát huy nội lực là chính, đồng thời cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

II. MỤC TIÊU

1. Hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và tiến lên đạt tiêu chuẩn quốc tế: phấn đấu đến năm 2010 trên 70% diện tích trồng lúa, trên 80% vùng nuôi thuỷ sản được tổ chức thành các hình thức hợp tác phù hợp.

2. Củng cố, phát triển kinh tế tập thể: Phấn đấu đến cuối năm 2006 không còn hợp tác xã yếu kém, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã phù hợp với cơ chế thị trường, phấn đấu đến năm 2010 có trên 30% số hợp tác xã mạnh.

Từng bước phát triển các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh tổng hợp hoặc liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả với số lượng hợp tác xã hoặc xã viên tăng hàng năm trên 7%.

3. Xây dựng các mô hình “liên kết bốn nhà”: Tổ chức mối liên kết giữa tổ liên kết, hợp tác xã, trang trại với doanh nghiệp. Điều kiện để có mối liên kết nầy là: doanh nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó tham gia xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu vào bảo đảm về chất lượng và ổn định về số lượng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền vận động và hướng dẫn thực hiện Luật hợp tác xã.

- UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác vận động tuyên truyền về Luật hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, làm chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời vận động nông dân tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác để sản xuất ra sản phẩm nông sản chất lượng cao ở các vùng nguyên liệu.

- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện để phổ biến các văn bản pháp luật mới nhất về kinh tế tập thể, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình hợp tác có hiệu quả. Cấp xã cần tổ chức họp báo định kỳ với chủ nhiệm các hợp tác xã, các tổ liên kết sản xuất để sơ kết tình hình hoạt động, định hướng phát triển thời gian tới.

- Thuyết phục, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng cơ cấu phân phối lợi nhuận sau thuế, theo hướng chú trọng tích lũy để phát triển sản xuất kinh doanh; trích lập các quĩ ít nhất là 50% lợi nhuận sau thuế (trong đó quỹ phát triển sản xuất không dưới 25%, quỹ dự phòng không dưới 5%).

2. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hợp tác xã.

- Định hướng và tạo điều kiện để hợp tác xã mở rộng ngành nghề, dịch vụ sản xuất kinh doanh thu hút thêm xã viên mới, phù hợp với khả năng quản lý, nhu cầu hợp tác của nông dân và nhu cầu của thị trường.

- Hướng dẫn hợp tác xã thực hiện cung cấp các dịch vụ cho nông dân thông qua hợp đồng, trong đó dịch vụ bơm tưới cần được chấn chỉnh theo hướng hợp tác xã phải ký hợp đồng với nông dân, xã viên và tổ chức nghiệm thu mỗi đợt bơm, nâng cao chất lượng phục vụ. Xây dựng kế hoạch hoạt động dịch vụ phải linh hoạt, định mức thu dịch vụ phải theo kịp biến động bất lợi …Đồng thời, thực hiện chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ hợp tác xã phát triển đúng hướng.

- Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Thực hiện các biện pháp chế tài đối với các hợp tác xã không thi hành nghiêm chỉnh quy định của luật pháp.

3. Thành lập hợp tác xã nông nghiệp mới, Liên hiệp hợp tác xã.

- Phối hợp Hội Nông dân và Chính quyền địa phương tăng cường các tổ liên kết qua việc tổ chức các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển rộng các loại hình hợp tác.

- Chỉ nên thành lập hợp tác xã mới từ tổ liên kết sản xuất hoặc nơi nông dân có nhu cầu và có đủ điều kiện thành lập hợp tác xã theo luật định. Địa bàn hợp tác xã không nhất thiết phải theo địa giới hành chính mà phải xuất phát từ nhu cầu và lĩnh vực hoạt động. Chú ý thu hút người có vốn, tay nghề, trình độ, có tâm huyết để mở các dịch vụ hoạt động có hiệu quả. Cấp xã tích cực tạo điều kiện hợp tác, vận động các thành phần xã hội tham gia phát triển kinh tế tập thể của địa phương.Tùy theo đặc điểm riêng của mình, mỗi địa phương chọn và xây dựng một mô hình kinh tế hợp tác thí điểm để nhân ra.

Chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu là phát triển xã viên, nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động của hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã có thể sáp nhập, hợp nhất, thành lập liên hiệp hợp tác xã dựa trên nhu cầu thực tế để tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát triển chuỗi giá trị, tăng lợi ích cho các thành viên tham gia.

4. Củng cố hệ thống quản lý, thông tin báo cáo.

Thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 11/2005/CT-UB ngày 5/4/2005 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tài chính kế toán hợp tác xã nông nghiệp. Củng cố chế độ thông tin báo cáo, mỗi tháng Phòng Nông nghiệp & PTNT có báo cáo cho UBND huyện, thị, thành phố và báo cáo qua mạng nội bộ về Sở, hàng quý Chi cục Hợp tác xã & PTNT tổ chức họp với cán bộ chuyên quản hợp tác xã cấp huyện để nắm tình hình phát triển hợp tác xã. Thực hiện trao đổi thông tin đến hợp tác xã có máy vi tính qua mạng Internet.

5. Củng cố, sắp xếp hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp.

Chi cục Hợp tác xã và PTNT kết hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Tài chính & Kế hoạch và UBND xã tập trung củng cố các hợp tác xã trên các lĩnh vực sau đây:

a. Về mặt tài chính: Từng bước thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 11/2005/CT-UB ngày 05/4/2005 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý tài chính kế toán hợp tác xã nông nghiệp và Luật kế toán 2004. Xử lý dứt điểm, rõ ràng các vấn đề liên quan đến công nợ và tài sản trong hợp tác xã, thanh tra làm rõ những vi phạm, quy rõ trách nhiệm cụ thể.

Công tác kế toán trong hợp tác xã phải thực hiện theo đúng Luật Kế toán, từng bước theo kịp chuẩn mực kế toán Việt Nam.Thực hiện đúng chế độ báo cáo tài chính định kỳ cho Phòng Tài chính kế hoạch, Chi cục thuế, Phòng Thống kê và Phòng nông nghiệp & PTNT. Trước khi Đại hội hàng năm, cần thực hiện việc kiểm toán nội bộ với sự hướng dẫn, tư vấn của Liên minh Hợp tác xã hoặc Chi cục Hợp tác xã và PTNT.

Các hợp tác xã nông nghiệp phải tiến hành kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản cố định hiện có, ghi chép và mở bộ sổ kế toán mới theo dõi chặt chẽ tài sản.

Việc chuẩn hóa đội ngũ làm kế toán hợp tác xã phải thực hiện dứt điểm đến cuối năm 2006. Kế toán hợp tác xã phải từ trung cấp trở lên và có giấy chứng nhận kế toán trưởng, nếu không thỏa mãn được thì hợp tác xã phải thuê kế toán theo quy định.

Sau khi kiểm tra, hướng dẫn uốn nắn các sai sót, phải thực hiện việc kiểm tra, chế tài vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán thống kê theo Nghị định 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004, cấp thực hiện là cấp huyện.

b. Về mặt tổ chức: Các hợp tác xã nông nghiệp phải thực hiện đúng Luật Hợp tác xã 2003, rà soát và nắm rõ tình hình hoạt động, nhất là đối với các hợp tác xã hoạt động cầm chừng. Tìm hiểu nguyên nhân, nếu không thể duy trì, củng cố nâng chất được thì mạnh dạn xử lý giải thể, sáp nhập, hợp nhất, hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình tổ hợp tác.

Đến cuối 2006 phải xử lý dứt điểm các trường hợp hợp tác xã không hoạt động hoặc không đủ điều kiện theo pháp luật quy định, rút giấy đăng ký kinh doanh, thu hồi con dấu.

Đối với các hợp tác xã đã thành lập phải điều chỉnh, bổ sung điều lệ hợp tác xã cho phù hợp với Luật Hợp tác xã 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành, Trung Ương.

Kiểm tra chặt chẽ việc khai báo những thay đổi sau mỗi kỳ đại hội xã viên, hợp tác xã phải khai báo những thay đổi đó và phải đăng ký với ngành thuế về hình thức sổ sách kế toán, phương pháp tính khấu hao, phương pháp tính giá thành, phương pháp tính giá xuất nhập kho theo quy định tài chính.

c. Xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại hợp tác xã nông nghiệp:

Để có thể đánh giá, phân loại thực lực hoạt động của hợp tác xã, dựa trên hướng dẫn của Cục Hợp tác xã & PTNT xây dựng 06 tiêu chí mới theo các nội dung:

- Chấp hành pháp luật, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.

- Tăng quĩ tích lũy phát triển sản xuất.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu nông sản.

- Hiệu quả tài chính .

- Hiệu quả xã hội, tính cộng đồng.

- Phát triển sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Trong từng nội dung phải có chỉ tiêu, chỉ số cụ thể, đánh giá bằng phương pháp cho điểm. Tiêu chí phải ổn định và phù hợp, có thể điều chỉnh 3 năm một lần cho phù hợp thực tế. Từ việc đánh giá phân loại này sẽ áp dụng những chính sách phù hợp và chính sách đó phải có sự cách biệt lớn cho từng loại (chính sách cho hợp tác xã mạnh phải thật sự kích thích và cách biệt lớn so với chính sách cho loại trung bình).

6. Đào tạo, tập huấn cán bộ hợp tác xã:

a. Tập huấn Quản trị và khả năng kinh doanh:

Nội dung tập huấn: Áp dụng Chương trình tập huấn ngắn hạn SIYB do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chuyển giao cho Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoặc các chương trình tương tự của các tổ chức khác.

Tập huấn khởi sự doanh nghiệp (SYB): Đối tượng là chủ trang trại và sáng lập viên hợp tác xã, thương lái, những người có ý định tạo lập doanh nghiệp nhỏ nông thôn, mỗi năm thực hiện từ 10-15 lớp.

Tập huấn tăng cường khả năng kinh doanh (IYB): Đối tượng là ban quản trị các hợp tác xã khá - mạnh và doanh nghiệp nhỏ nông thôn đã đi vào hoạt động ổn định từ 3 năm trở lên, mỗi năm thực hiện 10 lớp.

Tập huấn các kiến thức theo dạng chuyên đề có tính chuyên sâu như: Các chiến lược Marketing và thâm nhập khai thác thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu, lập kế hoạch dự án và tiếp cận các nguồn tài trợ qua tiếp cận chương trình CEFE do Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức GTZ triển khai trong chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh An Giang.

b. Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Tài chính - Kế toán

Tăng cường kỹ năng kế toán: Tiếp tục tập huấn kế toán trên vi tính và tập huấn Kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ cho các hợp tác xả nông nghiệp có mở ra nhiều dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp.Tiến tới chuyên nghiệp hóa công tác kế toán trong hợp tác xã bằng các phần mềm chuyên dụng.

Tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ và bồi dưỡng kế toán trưởng theo quy định để đến cuối 2007 tất cả các hợp tác xã nông nghiệp phải có kế toán trưởng theo quy định của Luật Kế toán 2003, nếu không hội đủ điều kiện thì hợp tác xã phải thuê kế toán.

Tập huấn cho Ban quản trị, Ban kiểm soát hợp tác xã, Kế toán khả năng đọc - lập - phân tích báo cáo tài chính. Khả năng lập báo cáo kế toán quản trị, tham mưu các vấn đề quản trị tài chính của bộ phận tài vụ.

c. Tập huấn sử dụng vi tính và khai thác thông tin trên Internet

Kết hợp Sở Khoa học công nghệ mở các lớp tập huấn sử dụng Internet cho chủ trang trại, hợp tác xã, thương lái để trang bị kỹ năng khai thác, trao đổi thông tin, quảng bá sản phẩm, giao dịch qua mạng.

d. Tập huấn kỹ thuật:

Tập huấn áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế SQF/GAP vùng nguyên liệu cá, lúa.

Các lớp kỹ thuật nông nghiệp cho chủ trang trại, kỹ thuật viên của hợp tác xã: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Các lớp kỹ thuật cơ khí, vận hành, bảo dưỡng máy nông nghiệp

Các lớp kỹ thuật về công nghệ sau thu hoạch.

7. Thông tin thị trường và xúc tiến thương mại:

Giúp đỡ các hợp tác xã có điều kiện xây dựng dự án xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để được hỗ trợ 50% theo Nghị định 88/2005/NĐ-CP, tham gia hội chợ triển lãm. Giúp quảng bá sản phẩm miễn phí có thời hạn trên trang website của Sở Nông nghiệp & PTNT, tiến tới hướng dẫn hợp tác xã, trang trại tự thiết kế mở trang web riêng. Tạo mối liên kết giữa hợp tác xã và các thương lái, hàng xáo, các doanh nghiệp để nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh.

8. Về tín dụng.

Trên cơ sở phấn đấu hoàn chỉnh số sách kế toán, minh bạch tài chính và hoạt động có lãi các hợp tác xã có thể tiếp cận các nguồn tín dụng để vay đầu tư mới, mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh theo điều 8, Nghị định 88/2005/NĐ-CP.

Khuyến khích và giúp đỡ cho hợp tác xã mở ra tín dụng nội bộ theo quy định của Ngân hàng nhà nước, giúp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn và giải quyết kịp thời nhu cầu thiếu vốn vào cuối vụ của số đông nông dân và xã viên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp & PTNT có nhiệm vụ:

Chủ trì phối hợp Sở ngành, UBND huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch về UBND tỉnh.

Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện liên kết 4 nhà, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, chủ trang trại thông qua ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp với UBND các huyện, thị, thành, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã hiện có, nhất là những hợp tác xã thuộc diện trung bình, yếu kém. Phối hợp Hội Nông dân nâng chất các tổ liên kết sản xuất, làm tiền đề xây dựng hợp tác xã nông nghiệp phát triển vững chắc.

- Phối hợp với các trường Đại học, Liên minh Hợp tác xã xây dựng kế hoạch và thống nhất nội dung, phương pháp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chủ chốt của hợp tác xã. Tranh thủ các nguồn tài trợ để thực hiện các lớp đào tạo chuyên đề theo yêu cầu thực tế của cơ sở.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có liên quan cho các tổ liên kết, trang trại, hợp tác xã, đặc biệt là công tác giống và xây dựng vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Phối hợpLiên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân thực hiện công tác tư vấn, giúp các hợp tác xã, chủ trang trại xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, dịch vụ phù hợp với khả năng quản lý và nhu cầu của thị trường; thành lập các câu lạc bộ hợp tác xã, tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm, nhân rộng điển hình trong phong trào kinh tế tập thể.

2. Sở Tài chính có kế hoạch đào tạo lại về kế toán-tài chính doanh nghiệp cho cán bộ chuyên quản cấp huyện để đủ sức kiểm tra tài chính hợp tác xã và tham mưu cho UBND cấp huyện xử lý các vi phạm.

3. Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường công tác giúp đỡ, tư vấn kiểm toán nội bộ định kỳ đối với hợp tác xã nông nghiệp.

4. Các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; từ đó tham gia cùng tổ liên kết, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

5. Các tổ chức tín dụng quan tâm cho vay theo dự án đối với các hợp tác xã thực hiện tốt công tác kế toán, được ngành tài chính kiểm tra hoặc thực hiện tốt kiểm toán nội bộ.

6. UBND huyện, thị, thành phố.

Chỉ đạo cấp xã tăng cường công tác vận động phát triển kinh tế tập thể (dưới nhiều hình thức hợp tác) vững mạnh, kiên quyết giải thể các hợp tác xã yếu kém đã củng cố nhiều lần nhưng không được. Xử lý các hợp tác xã vi phạm chế độ báo cáo tài chính định kỳ theo Nghị định 185/2004/NĐ-CP.

Bố trí cán bộ chuyên trách hợp tác xã, trang trại ở Phòng Nông nghiệp & PTNT và cán bộ chuyên quản tài chính hợp tác đối với các huyện có nhiều hợp tác xã.

Đẩy mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, tiến tới đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, chỉ đạo thực hiện tốt các qui hoạch ngành, bảo vệ môi trường tốt, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Liên minh HTX, Chủ tịch UBND Huyện, Thị, Thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông thủy sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Kim Yên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2006/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 07/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/02/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Phạm Kim Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản