Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 636/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 04 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, THẤT THU THUẾ TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội khóa 13 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội khóa 11;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;

Căn cứ Kế hoạch số 6235/KH-BCT ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ Công Thương về Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 276/TTr-CT ngày 08/02/2018 và văn bản số 619/SCT-QLTM ngày 26/3/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2017 và thay thế Quyết định số 1656/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh”.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng; Giám đốc các doanh nghiệp, Công ty, Đại lý, Chi nhánh kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo 389 TW;
- Bộ Công Thương;
- Tổng cục Thuế;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp;
- Chi cục QLTT - Sở Công Thương;
- Chi cục Đo lường chất lượng - Sở KHCN;
- Chi cục Thuế các huyện, thành phố;
- Phó Chánh VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TC, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, THẤT THU THUẾ TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 636/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, THẤT THU THUẾ TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

1. Kết quả thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” ban hành kèm theo Quyết định số 1656/QĐ-UBND ngày 01/8/2016 của UBND tỉnh, công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả theo mục tiêu Đề án đã đề ra; cụ thể:

a) Kết quả đạt được:

- Đã quản lý được các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 168 doanh nghiệp, trong đó: Có 02 doanh nghiệp đầu mối; 01 doanh nghiệp phân phối; 01 tổng đại lý xăng dầu; 265 cửa hàng xăng dầu và đã triển khai dán tem, kẹp chì niêm phong 1.148 cột đo xăng dầu.

- Cơ bản quản lý được sản lượng xăng, dầu bán ra trên địa bàn. Sản lượng bán ra và kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính với NSNN trong lĩnh vực xăng, dầu như sau:

Tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ qua các trụ xăng, dầu đã được niêm phong trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 là 235.834.393 lít, tăng 33% so với cùng kỳ.

Tổng số thuế bảo vệ môi trường phải nộp (của 5/164 đơn vị kinh doanh xăng, dầu) trong năm 2017 là: 352.188 triệu đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp trong năm 2017 là: 66.557 triệu đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2017 là: 21.076 triệu đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

(Có biểu số liệu chi tiết theo)

b) Nguyên nhân đạt được kết quả nêu trên:

- Có sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Lâm Đồng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị mà trung tâm là ngành Thuế cùng với sự phối hợp của các ngành Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Thanh tra, Tài chính.

- Sự đồng thuận của chính quyền địa phương và nhân dân; sự tuân thủ và chấp hành các mục tiêu, giải pháp mà Đề án đã đề ra của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu;

2. Những mặt hạn chế, nguyên nhân

2.1. Hạn chế:

- Công tác dán tem, kẹp chì niêm phong công tơ tổng các cửa hàng xăng dầu vẫn chưa phải là biện pháp khả thi bởi giải pháp này vẫn còn lỗ hổng khiến một số doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ thuật tác động vào công tơ tổng để làm thay đổi số lượng sản phẩm bán ra nhằm trốn thuế;

- Thị trường xăng, dầu trong thời gian qua với rất nhiều nguồn cung, đã xuất hiện dấu hiệu về hành vi buôn lậu xăng, dầu tinh vi, đa dạng khó phát hiện trong công tác kiểm tra, kiểm soát;

- Chưa khắc phục được tình trạng mua bán hóa đơn, lợi dụng tình trạng phần lớn người tiêu dùng cá nhân khi mua xăng, dầu đều không lấy hóa đơn, nên một số cơ sở kinh doanh xăng dầu đã đưa lượng xăng dầu trên vào các hóa đơn để cung cấp cho các tổ chức hành chính sự nghiệp thanh quyết toán với NSNN, hoặc cung cấp cho các doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đồng thời hạch toán chi phí nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến giảm số thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp;

- Các cơ quan chức năng không quản lý được một số xe bồn vận chuyển xăng dầu ngoại tỉnh cung cấp hàng trực tiếp cho các công trình có nhu cầu xăng dầu lớn.

2.2. Nguyên nhân:

- Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành; thiếu chủ động, phối hợp trong công tác tham mưu, đề xuất UBND các cấp các biện pháp quản lý phù hợp hơn nhằm tăng cường quản lý thu thuế;

- Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định về kinh doanh xăng dầu còn thiếu sót, chồng chéo. Chưa có chế tài xử lý hành vi làm rách tem, đứt kẹp chì niêm phong công tơ tổng của các cửa hàng xăng dầu;

- Biện pháp quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu không có trụ sở đặt tại địa phương còn bất cập, lỏng lẻo;

- Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, các tổ chức kinh doanh trong việc mua bán hóa đơn xăng dầu bất hợp pháp chưa được triệt để và có hiệu quả.

3. Sự cần thiết phải ban hành Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đề án đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Chưa có chế tài xử lý hành vi làm rách tem, đứt kẹp chì niêm phong công tơ tổng; việc dán tem, kẹp chì niêm phong công tơ tổng của các cửa hàng xăng dầu vẫn chưa phải là biện pháp khả thi; chưa có biện pháp xử lý đối với một số doanh nghiệp thực hiện các thủ thuật tác động vào công tơ tổng để làm thay đổi số lượng xăng, dầu bán ra nhằm trốn thuế;

Bên cạnh đó về căn cứ pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính nêu trong Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã được thay thế (Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa ban hành thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ; Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí ban hành thay thế Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ);

Đồng thời ngày 12/7/2017, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 6235/KH-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu;

Xuất phát từ những yêu cầu nêu trên UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Các căn cứ pháp lý, mục tiêu và yêu cầu của Đề án

1. Căn cứ pháp lý:

- Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội khóa 11;

- Căn cứ Luật quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa 11, Luật quản lý Thuế số 21/2012/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý Thuế;

- Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa 12; Luật 106/2016/QH13 ngày 6 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa 12; Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khóa 13;

- Căn cứ Luật Thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội khóa 12;

- Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội khóa 13;

- Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

- Căn cứ Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

- Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

- Căn cứ Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa;

- Căn cứ Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;

- Căn cứ Kế hoạch số 6235/KH-BCT ngày 12/7/2017 của Bộ Công Thương về Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

2. Mục tiêu của Đề án

- Thực hiện Kế hoạch số 6235/KH-BCT ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ Công Thương về Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu; nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật; chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Nhằm quản lý chặt chẽ sản lượng bán ra của các cửa hàng xăng dầu làm căn cứ kê khai nộp thuế góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước; kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng xăng dầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; tăng cường tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trong việc cung cấp hóa đơn hợp pháp khi bán cho người tiêu dùng;

- Quản lý đầu vào đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy định.

3. Yêu cầu của Đề án:

- Tổ chức thực hiện đề án phải đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật;

- Phát hiện những thiếu sót, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định về kinh doanh xăng dầu để làm căn cứ kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu;

- Không làm ảnh hưởng hoặc gây cản trở đến hoạt động kinh doanh xăng dầu; không gây phiền hà cho người nộp thuế, phải dễ thực hiện, dễ kiểm tra và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

II. Nội dung thực hiện Đề án.

1. Phạm vi điều chỉnh của Đề án:

Đề án áp dụng đối với thương nhân đầu mối, thương nhân cung cấp phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và người tiêu thụ xăng, dầu trong tỉnh.

2. Phòng, chống gian lận thương mại

2.1. Tăng cường thanh tra, kiểm tra:

Ban chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường chỉ đạo Sở Công Thương, Cảnh sát PCCC tỉnh, Công an tỉnh, Cục thuế, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ có hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu, gian lận thương mại, đo lường, chất lượng, mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu... trên địa bàn tỉnh; cụ thể:

a) Đối với thương nhân phân phối xăng dầu đặt trụ sở tại tỉnh Lâm Đồng:

- Kiểm tra các điều kiện được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

+ Có kho, bể dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên;

+ Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên;

+ Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan nhà nước có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng;

+ Có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu, tối thiểu mười (10) cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu;

+ Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng xăng, dầu nhằm phát hiện, xử lý kịp thời xăng dầu kém chất lượng, pha dung môi; kiểm tra thực hiện việc thông báo giá theo quy định.

- Kiểm tra đối chiếu hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ để xác định lượng và giá trị xăng, dầu nhập vào tương ứng với lượng và giá trị xăng, dầu phân phối để phát hiện, xử lý lượng xăng dầu nhập vào bán ra không cập nhật, kê khai.

b) Đối với tổng đại lý xăng dầu:

- Kiểm tra điều kiện theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đối với tổng đại lý xăng dầu, gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

+ Có kho, bể xăng dầu dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên;

+ Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên;

+ Có hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu, tối thiểu mười (10) cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Hệ thống phân phối của tổng đại lý phải nằm trong hệ thống phân phối của một thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó;

+ Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng xăng, dầu nhằm phát hiện, xử lý kịp thời xăng dầu kém chất lượng, pha dung môi; kiểm tra thực hiện việc thông báo giá theo quy định.

- Kiểm tra đối chiếu hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ để xác định lượng và giá trị xăng, dầu mua vào tương ứng với lượng và giá trị xăng, dầu bán ra để phát hiện, xử lý lượng xăng dầu nhập vào bán ra không cập nhật, kê khai.

c) Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu:

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 quy định về điều kiện như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, hợp đồng đại lý xăng dầu, nghiệp vụ kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và bảo vệ môi trường; cửa hàng xăng dầu được xây dựng và có thiết kế, trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong an toàn PCCC, bảo vệ môi trường;

- Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện đo; kẹp chì bộ đếm của cột đo xăng dầu; tem, kẹp chì niêm phong (chống thất thu thuế) công tơ tổng; sai số đo lường của cột đo xăng dầu và kiểm tra các vị trí niêm phong, kẹp chì theo quy định;

- Thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng xăng, dầu nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp bán xăng dầu kém chất lượng, pha dung môi gây ảnh hưởng đến thị trường và lợi ích của người tiêu dùng;

- Kiểm tra đối chiếu hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ để xác định lượng và giá trị xăng, dầu mua vào tương ứng với lượng và giá trị xăng, dầu bán ra để phát hiện, xử lý lượng xăng dầu nhập vào bán ra không cập nhật, kê khai.

2.2. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích.

Kịp thời đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trong tình hình hiện nay.

3. Chống thất thu thuế và quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ

3.1. Quản lý sản lượng:

Bằng phương pháp dán tem (đối với cột đo xăng, dầu có công tơ tổng kiểu cơ điện), kẹp chì (đối với cột xăng, dầu có công tơ tổng kiểu cơ khí) niêm phong công tơ tổng đối với các cột đo xăng, dầu hiện đang sử dụng tại các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh để xác định các chỉ số (chỉ số đầu kỳ, chỉ số cuối kỳ), qua đó xác định lượng xăng, dầu xuất bán, cụ thể:

- Tem niêm phong, kẹp chì công tơ tổng do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất tỉnh Lâm Đồng phát hành, quản lý và xác định vị trí dán tem, kẹp chì;

- Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu phải có trách nhiệm bảo quản tem, kẹp chì niêm phong trên công tơ tổng theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nếu cơ sở kinh doanh tự ý bóc dỡ tem niêm phong, kẹp chì sẽ bị xử lý theo quy định của ngành chuyên môn và ấn định thuế theo Luật quản lý thuế hiện hành; và nếu có dấu hiệu gian lận thương mại về chất lượng sẽ bị kiểm tra xử lý theo quy định;

- Định kỳ từ ngày 01 đến ngày 03 hàng tháng, ngành Thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) cử công chức thuế đến cơ sở kinh doanh xăng, dầu để ghi chỉ số đang thể hiện công tơ tổng, chỉ số công tơ là cơ sở đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu;

- Khi cơ sở kinh doanh cần bóc tem, gỡ kẹp chì niêm phong để sửa chữa cột đo xăng, dầu hoặc các bộ phận máy móc liên quan phải thông báo trước bằng văn bản với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất tỉnh Lâm Đồng và cơ quan thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) để được giải quyết.

3.2. Quản lý giá:

a) Các cơ sở kinh doanh phải thực hiện theo thông báo của doanh nghiệp đầu mối về giá bán xăng, dầu trên thị trường nhưng không được vượt quá giá trần do ngành Tài chính thông báo; đồng thời thực hiện niêm yết giá và bán theo đúng giá đã niêm yết. Việc niêm yết giá có thể dùng bảng cố định, bảng giá tại quầy, tại bàn... hoặc treo tại nơi khách hàng có thể dễ dàng nhận biết, các cơ quan nhà nước dễ kiểm tra, kiểm soát.

b) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm về giá bán xăng, dầu, không thực hiện niêm yết giá xăng, dầu theo quy định.

3.3. Quản lý doanh thu và thuế:

a) Xác định số lượng xăng, dầu xuất bán, cụ thể:

Số lượng xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ = (chỉ số xăng, dầu cuối kỳ thể hiện trên công tơ tổng - chỉ số xăng, dầu đầu kỳ thể hiện trên công tơ tổng) + số lượng xăng, dầu giao bán thẳng không qua công tơ tổng.

Trong đó:

- Cần phải quản lý chỉ số đầu kỳ và chỉ số cuối kỳ phản ảnh trên công tơ tổng cột đo xăng, cột đo dầu để xác định số lượng xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ;

- Cần phải quản lý các hợp đồng kinh tế mua, bán xăng, dầu bằng hình thức giao thẳng đến chân công trình, đến tận nhà máy ... không qua công tơ tổng (giao tay ba giữa các doanh nghiệp với nhau).

b) Xác định doanh thu tính thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu:

Doanh thu tính thuế = số lượng xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ nhân (x) đơn giá bán theo thông báo của doanh nghiệp đầu mỗi tại thời điểm xuất bán.

Trong đó:

- Để quản lý giá bán xăng, dầu cần theo dõi, cập nhật thông báo giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo từng thời điểm;

- Kiểm tra liên lưu hóa đơn (liên 1) của hàng hóa bán ra với các chỉ số phản ánh trên công tơ tổng để đối chiếu phát hiện các trường hợp kê khai số lượng, kê khai giá tính thuế và thuế suất thuế GTGT chưa đúng quy định;

c) Xác định khoản chi phí được trừ và không được trừ, trong đó tập trung kiểm tra đối chiếu hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ để xác định lượng và giá trị xăng, dầu mua vào tương ứng với lượng và giá trị xăng, dầu bán ra.

d) Áp dụng chính sách thuế hiện hành để xác định các khoản thuế phải nộp ngân sách nhà nước.

đ) Trường hợp các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không lập hóa đơn chứng từ, không ghi chép hạch toán sổ sách theo quy định để trốn thuế, gian lận thương mại phải kiên quyết xử lý nghiêm minh. Các cơ sở kinh doanh không được sử dụng bất cứ một loại hóa đơn, chứng từ khác ngoài những hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật để cung cấp và thu tiền của khách mỗi khi có giao dịch.

e) Làm tốt công tác xác minh hóa đơn đầu vào, đầu ra; xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm chế độ phát hành, sử dụng hóa đơn.

3.4. Quản lý tình hình sử dụng hóa đơn và ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp:

- Cơ quan thuế tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; cụ thể:

+ Thành lập ban chỉ đạo và tổ chuyên trách tập trung nguồn lực thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng in, phát hành, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, báo cáo về các hành vi, thủ đoạn mới của các doanh nghiệp vi phạm về hóa đơn, đồng thời nêu các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng của cơ quan thuế, tiến hành kiểm soát hóa đơn không có giá trị sử dụng, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thuế, về hóa đơn trên trang web của cơ quan thuế; đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để kiểm soát việc sử dụng hóa đơn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Căn cứ cơ sở dữ liệu về khai thuế, sử dụng hóa đơn, tài khoản giao dịch và các giao dịch đáng ngờ tập trung phân tích dấu hiệu vi phạm đối với doanh nghiệp có tên trong danh sách rủi ro về mua bán hóa đơn bất hợp pháp để có giải pháp kịp thời tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế khi có dấu hiệu bất thường qua kiểm tra, rà soát tại cơ quan thuế. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, Cục Thuế xây dựng tiêu chí xác định doanh nghiệp có dấu hiệu thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn nhằm giúp nhận diện các doanh nghiệp vi phạm một cách dễ dàng hơn;

+ Sử dụng công nghệ thông tin trong đối chiếu hóa đơn đã hỗ trợ cung cấp ứng dụng tra cứu hóa đơn của doanh nghiệp không tồn tại tại địa chỉ đăng ký cho công chức thuế, cho các doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hiệu quả nhất;

+ Bên cạnh đó, tiến hành kiểm soát hóa đơn không có giá trị sử dụng thông qua công cụ hỗ trợ tra cứu hóa đơn các doanh nghiệp không tồn tại tại địa chỉ đăng ký của cơ quan Thuế; cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thuế, về hóa đơn trên trang web của cơ quan thuế; đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để kiểm soát việc sử dụng hóa đơn; đối chiếu chéo hóa đơn toàn địa bàn;

- Cơ quan Thuế triển khai đề án thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế (theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 của Bộ Tài chính).

Quy định này được áp dụng đối với doanh nghiệp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được cơ quan thuế lựa chọn tạo và phát hành hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Cơ quan thuế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hình thức này, nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu thủ tục hành chính và góp phần hiệu quả trong công tác ngăn chặn hành vi mua bán sử dụng hóa đơn trái phép.

- Cơ quan Thuế đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tiến hành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức tuần tra, giám sát trên khâu lưu thông hàng hóa đối với hoạt động vận chuyển xăng dầu trên đường. Với phương pháp kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở có dấu hiệu bán hàng không xuất hóa đơn lưu thông trên đường hứa hẹn đem lại những hiệu quả tích cực.

III. Các giải pháp thực hiện Đề án:

1. Công tác chỉ đạo điều hành:

- Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp đấu tranh, kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất liên tục;

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đấu tranh chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, quản lý để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của nhân dân; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng gian lận thương mại, thuế xăng dầu kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực được phân công thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo nội bộ trong sạch.

2. Công tác thông tin tuyên truyền:

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền phổ biến về pháp luật phòng, chống gian lận thương mại xăng dầu trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân thấy rõ tác hại của gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

- Phổ biến đến các thương nhân kinh doanh xăng dầu cam kết không thực hiện các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, tố giác các hành vi gian lận thương mại xăng dầu đến các cơ quan chức năng.

- Thông tin đại chúng trên địa bàn các trường hợp xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ mình, góp phần với các cơ quan chức năng chống các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân, doanh nghiệp và nhất là các cơ sở kinh doanh đang hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng biết và thực hiện về phương án quản lý phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế bằng phương pháp dán tem, kẹp chì công tơ tổng trên cột đo xăng, dầu.

- Phối hợp các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tuyên truyền các nội dung về việc thực hiện quy định về hóa đơn khi bán xăng, dầu cho khách hàng, về việc thực hiện sổ sách kế toán, về việc kê khai, nộp thuế theo quy định hiện hành của nhà nước, kinh doanh xăng dầu đảm bảo số lượng, chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh dịch vụ công hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại, kịp thời giải đáp các vướng mắc theo yêu cầu của các cơ sở kinh doanh; duy trì và phát huy tính hiệu quả của “đường dây nóng”.

- Tuyên dương những cơ sở kinh doanh nộp thuế tốt, thực hiện xử lý đối với những hành vi vi phạm Luật quản lý Thuế, các Luật Thuế hiện hành, thực hiện xử lý đối với những hành vi vi phạm về chế độ bảo quản tem theo quy định.

3. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

- Triển khai thực hiện quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lâm Đồng, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

- Sở Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế và Công An tỉnh để tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, tập trung vào những cơ sở kinh doanh có biểu hiện gian lận thương mại, thuế và kiểm tra việc bảo quản tem, kẹp chì niêm phong chỉ số công tơ tổng của cửa hàng xăng dầu. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Cục Thuế căn cứ vào kế hoạch của Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ để phối hợp kiểm tra thuế.

- Trong quá trình kiểm tra, đối chiếu thuế, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu gian lận thương mại, tiêu thụ hàng kém chất lượng, kinh doanh không lành mạnh, cơ quan thuế phối hợp với Sở Công Thương (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất;

- Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong việc tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của mạng lưới phân phối bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp thực hiện Đề án, trong đó: Sở Công Thương chịu trách nhiệm chính nội dung gian lận thương mại (gian lận đo lường, nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, pha dung môi; các điều kiện kinh doanh xăng dầu...), Cục Thuế chịu trách nhiệm chính nội dung gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế (chống thất thu thuế). Đề án được phân công, phối hợp tổ chức thực hiện như sau:

1. Sở Công Thương:

- Sở Công Thương (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) quyết định thành lập Đoàn liên ngành gồm công chức Sở Công Thương (Chi cục Quản lý Thị trường), công chức ngành Thuế (Cục Thuế, các Chi cục Thuế trực thuộc), và công chức Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), cán bộ Công an tỉnh; Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức, thực hiện việc kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh;

- Có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định tại Nghị Định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời yêu cầu từng doanh nghiệp có bản cam kết chấp hành và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót, vi phạm;

- Xác định và lập danh sách chi tiết các doanh nghiệp và số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh để gửi cho Cục Thuế cùng phối hợp thực hiện công tác dán tem, kẹp chì niêm phong công tơ tổng cột đo xăng dầu;

- Phối hợp cử công chức tham gia các tổ kiểm tra liên ngành do Cục Thuế quyết định thành lập thực hiện niêm phong bằng phương pháp dán tem, kẹp chì công tơ tổng, ghi nhận, tính toán số lượng xăng, dầu xuất ra thông qua chỉ số đầu kỳ, chỉ số cuối kỳ phản ảnh trên công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu;

- Thực hiện xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, quản lý thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu;

- Hàng năm sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và đề ra các giải pháp mới, bổ sung hoặc điều chỉnh Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế; đề xuất khen thưởng báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

2. Ngành Thuế

a) Cục Thuế, Chi cục Thuế:

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan dán tem, kẹp chì niêm phong cột đo xăng dầu khi có phát sinh; nâng cao nhận thức chính trị của đảng viên, lãnh đạo, công chức trong đơn vị và xây dựng ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao;

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn phù hợp từng thời kỳ; Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, phấn đấu tăng thu ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Đề án gắn với nội dung chính sách, pháp luật thuế tại các hội nghị triển khai chính sách, pháp luật thuế, hội nghị đối thoại về thuế;

- Hàng tháng, vào ngày 1 đến ngày 3 của tháng, ngành Thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) cử công chức thuế đến cơ sở kinh doanh xăng, dầu để ghi chỉ số đang thể hiện công tơ tổng, chỉ số công tơ là cơ sở đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu;

- Thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu của cơ sở kinh doanh xăng dầu phản ảnh trên hồ sơ khai thuế với lượng xuất ra phản ảnh trên chỉ số công tơ tổng của cột đo xăng, dầu và giá trị xuất bán xăng, dầu để xử lý theo các quy định của pháp luật về Thuế;

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm, cơ quan thuế các cấp phải đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này và đề ra các giải pháp mới, bổ sung hoặc điều chỉnh phương pháp quản lý thu thuế cho phù hợp với tình hình thực tế (có thể lồng ghép trong báo cáo sơ, tổng kết);

- Gắn việc tổ chức thực hiện Đề án với thực hiện các chuyên đề quản lý thuế và nội dung triển khai chính sách, pháp luật thuế mới ban hành, sửa đổi bổ sung theo quy định; đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hóa ngành thuế; đưa việc thực hiện Đề án thành một trong những mục tiêu thi đua theo chuyên đề, có động viên khen thưởng kịp thời;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện nội dung gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế báo cáo Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

b) Cục trưởng Cục Thuế:

- Quyết định thành lập các Tổ công tác, Tổ kiểm tra liên ngành gồm công chức ngành thuế (Cục Thuế, các Chi cục Thuế trực thuộc), công chức Sở Công Thương (Chi cục Quản lý Thị trường) và công chức Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức dán tem, kẹp chì niêm phong công tơ tổng đối với các cột đo xăng, dầu;

- Cử công chức tham gia đoàn liên ngành do Sở Công Thương quyết định thành lập để thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về các điều kiện kinh doanh xăng dầu và thuế.

3. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phát hành và quản lý tem dán, chì kẹp niêm phong theo quy định;

- Trước khi dán tem, kẹp chì công tơ tổng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm xác định các cột đo xăng dầu phải bảo đảm thực hiện các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015;

- Phối hợp cử công chức tham gia tổ kiểm tra liên ngành do Cục Thuế quyết định thành lập thực hiện đề án niêm phong bằng phương pháp dán tem, kẹp chì công tơ tổng, ghi nhận, tính toán số lượng xăng, dầu xuất ra thông qua chỉ số đầu kỳ, chỉ số cuối kỳ phản ảnh trên công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu;

- Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) chịu trách nhiệm xác định vị trí dán tem, kẹp chì. Cùng với Cục Thuế và Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường) ghi nhận số liệu trên công tơ tổng trước khi dán tem, kẹp chì và dán tem, kẹp chì công tơ tổng;

- Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Cục Thuế, Sở Công thương tập huấn cho các công chức tham gia tổ kiểm tra liên ngành về vị trí và các bộ phận liên quan đến công tơ tổng, cách thức dán tem, kẹp chì;

- Sở Khoa học Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và tem niêm phong, kẹp chì theo đúng quy định;

- Nghiên cứu đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ điều chỉnh, bổ sung quy định chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi làm rách tem, đứt kẹp chì niêm phong công tơ tổng; nghiên cứu phương pháp, giải pháp niêm phong công tơ tổng không cho phép doanh nghiệp có thể tác động vào công tơ tổng để làm thay đổi số lượng xăng dầu khi công tơ tổng vẫn được niêm phong đúng quy định.

4. Sở Tài Chính:

- Chủ trì phối hợp với Cục Thuế đề xuất và tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí thực hiện kế hoạch dán tem, kẹp chì cột đo xăng dầu; kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở dự toán Cục Thuế tỉnh xây dựng.

5. Công An tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế triển khai các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, trinh sát, đấu tranh quyết liệt với đối tượng gian lận thương mại, thuế xăng dầu. Phối hợp với cơ quan thuế, quản lý thị trường, điều tra xử lý nghiêm các trường hợp, mua, bán hóa đơn, lập khống chứng từ mua, bán xăng dầu để xử lý theo quy định;

- Phối hợp, thường xuyên với các sở, ngành, địa phương để trao đổi, cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

- Cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra do Sở Công Thương quyết định thành lập cùng với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành các điều kiện về kinh doanh xăng dầu.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Ban chỉ đạo 389 phối hợp xử lý kịp thời các tình huống theo chức năng trong quá trình tổ chức thực hiện dán niêm phong tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu;

- Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tại địa phương cung cấp các thông tin có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh xăng, dầu đóng tại địa bàn.

7. Đối với cơ sở kinh doanh xăng, dầu:

- Thực hiện đầy đủ và đúng nội dung quy định của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội khóa 13 và các quy định của nhà nước về kinh doanh xăng, dầu. Khi bán xăng, dầu phải xuất đầy đủ hóa đơn theo quy định cho người tiêu dùng;

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra;

- Thực hiện theo quy định của Nhà nước về giá bán xăng, dầu; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lượng xăng, dầu tồn kho tại thời điểm nhà nước điều chỉnh giá bán xăng, dầu trên thị trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo;

- Thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tem niêm phong bị hư hỏng do ảnh hưởng của các tác động khách quan để được thay thế tem mới.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đề án, nếu có các quy định mới liên quan đến quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Thuế có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

 

SẢN LƯỢNG BÁN RA VÀ SỐ NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 1017

STT

Chỉ tiêu

Thực hiện năm 2016

Thực hiện năm 2017

So sánh 2017/2016

1

Sản lượng xăng dầu tiêu thụ (lít)

176.869.145

235.834.393

133%

2

Tổng số thuế phải nộp (triệu đồng), trong đó:

374.465

439.821

117%

a

Số thuế BVMT (triệu đồng)

311.767

352.188

113%

b

Số thuế GTGT (triệu đồng)

47.424

66.557

140%

c

Số thuế TNDN (triệu đồng)

15.274

21.076

138%

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 636/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

  • Số hiệu: 636/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Văn Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản