Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 625/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 03 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;

Căn cứ Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23/7/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017- 2025;

Căn cứ Thông báo số 40/TB-UBND ngày 25/2/2021 của UBND tỉnh thông báo kết quả phiên họp của UBND tỉnh tháng 2;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 33/TTr-SGDĐT ngày 5 tháng 3 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị: GD&ĐT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Báo Vĩnh Phúc, Đài PT&TH Vĩnh Phúc; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT;
- CPVP;
- Lưu: VT, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

ĐỀ ÁN

DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 625/QĐ-UBND ngày 12 tháng 03 năm 2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã kết thúc việc thực hiện Đề án số 6584/ĐA-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020 (Đề án 6584). Dựa trên các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội-chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII; đánh giá kết quả thực hiện Đề án 6584; Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025, UBND tỉnh ban hành Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025” như sau:

I. Cơ sở pháp lý

1. Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;

2. Căn cứ Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23/7/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017- 2025;

3. Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Khung NLNNVN);

4. Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

5. Căn cứ Thông tư số 51/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 2080/QĐ-TTG ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;

6. Căn cứ Đề án số 6584/ĐA-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020;

7. Căn cứ Quyết định số 2497/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 20/09/2011 về việc phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

8. Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020 của Đại hội Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025;

9. Căn cứ văn bản số 162/KH-UBND ngày 12/11/2019 về Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025;

10. Căn cứ văn bản số 05/CTr-UBND ngày 29/12/2020 về Chương trình công tác của UBND tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021.

II. Cơ sở thực tiễn

Qua 5 năm thực hiện Đề án 6584 đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chất lượng dạy và học tiếng Anh được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, kết quả dạy và học tiếng Anh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chưa sử dụng được tiếng Anh phục vụ cho học tập và làm việc. Cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ Đề án 6584 chưa hoàn thành và bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tiếp cận chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế cho học sinh phổ thông, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ cách mạng 4.0.

Phần II

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 6584

I. Những kết quả đạt được

1. Triển khai Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm

Tính đến năm học 2020-2021, việc triển khai dạy học theo Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (gọi tắt là Chương trình tiếng Anh mới) trong các trường phổ thông đạt tỷ lệ 93,9% (mục tiêu của Đề án 6584là đạt 100%): Cấp Tiểu học có 161/161 trường với 47504/54207 (đạt 87,6%) học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học Chương trình tiếng Anh mới; có 154/161 trường TH triển khai dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1 và lớp 2 với 21556/51713 (41,7%) học sinh; cấp THCS có 148/148 trường THCS, 60746/63093 (đạt 96,3% ) học sinh học Chương trình tiếng Anh mới;Cấp THPT có 30/30 trường THPT, 32042/32107 (đạt 99,8%) học sinh học Chương trình tiếng Anh mới.

2. Chất lượng và hiệu quả dạy và học tiếng Anh

- Sau 05 năm, điểm thi trung bình môn tiếng Anh trong Kỳ thi TN THPT tăng lên so với điểm thi trung bình môn tiếng Anh cả nước: Năm 2016, điểm trung bình môn tiếng Anh của Vĩnh Phúc là 3,10 (cả nước là 3,48) thấp hơn điểm trung bình cả nước là 0,38. Năm 2017 là 4,53 (cả nước là 4,60) thấp hơn điểm trung bình cả nước là 0,07. Năm 2018 là 4,01 (cả nước là 3,90) cao hơn điểm trung bình cả nước là 0,11. Năm 2019 là 4,55 (cả nước là 4,36) cao hơn điểm trung bình cả nước là 0,19. Năm 2020 là 4,83 (cả nước là 4,57) cao hơn điểm trung bình cả nước là 0,26 (xếp thứ 11 cả nước).

- Kết quả các kỳ thi cấp quốc gia có nhiều cải thiện, tăng cả về số lượng và chất lượng giải:

+ Thi HSG quốc gia: Từ năm 2010 đến năm 2014: có 22 giải (01 giải Nhì, 7 giải Ba, 14 KK); Từ năm 2015 đến năm 2020: có 30 giải (03 giải Nhất, 11 giải Nhì, 7 giải Ba, 9 KK).

+ Thi Olympic Tài năng tiếng Anh cấp Quốc gia - Khu vực phía Bắc

Năm 2015, có 05/06 học sinh đạt giải, trong đó có 02 học sinh đạt giải Nhất, 02 giải Ba, 01 giải Khuyến khích; năm 2016 có 12/12 học sinh đạt giải, trong đó có 5 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Từ năm 2017, Bộ GDĐT hạn chế tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh nói chung và môn tiếng Anh nói riêng.

+ Thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) và một số cuộc thi khác: Tỷ lệ học sinh Vĩnh Phúc tự nguyện tham gia nhiều và đạt nhiều giải cao (năm 2019 học sinh Vĩnh Phúc chiếm 11% huy chương vàng toàn quốc cuộc thi IOE).

3. Thí điểm dạy học một số môn KHTN bằng tiếng Anh

Tính đến năm học 2020-2021, cấp THCS có 14 trường triển khai dạy học thí điểm môn Toán bằng tiếng Anh với 23 lớp, 591 học sinh; 12 trường triển khai dạy học thí điểm môn Lý bằng tiếng Anh với 16 lớp, 678 học sinh; 11 trường triển khai dạy học thí điểm môn Hóa bằng tiếng Anh với 12 lớp, 512 học sinh; 6 trường triển khai dạy học thí điểm môn Sinh bằng tiếng Anh với 6 lớp, 244 học sinh.

Cấp THPT có 12 trường triển khai triển khai dạy học thí điểm môn Toán song ngữ Anh-Việt với 19 lớp, 706 học sinh; có 10 trường dạy học thí điểm môn Lý với 12 lớp, 473 học sinh; có 11 trường dạy học thí điểm môn Hóa với 12 lớp, 490 học sinh; 10 trường triển khai dạy học thí điểm môn Sinh bằng tiếng Anh với 12 lớp, 440 học sinh.

4. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

a) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh

- Đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo qui định của Bộ GDĐT.

Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 919/970 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (Khung NLNNVN), chiếm 94,7% (vượt mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 6584 là 24,7%). Trong đó cấp Tiểu học có 347/366 giáo viên đạt yêu cầu, chiếm 94,8%; cấp THCS có 380/408 giáo viên, chiếm 93,1%; cấp THPT có 192/196 giáo viên, chiếm 98 %. Năm 2020, có 32/45 (71,1%) giáo viên tiếng Anh cấp THPT dự thi và đạt năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5 trở lên; có 05 giáo viên tiếng Anh THPT đạt năng lực tiếng Anh quốc tế Aptis trình độ C1 (bậc 5).

- Bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học và năng lực sử dụng tiếng Anh cho 100% giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo qui định: Bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh và phương pháp dạy học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; ứng dụng CNTT và khai thác phần mềm dạy học tiếng Anh; đánh giá và phát triển tài liệu giảng dạy; công tác chấm thi kỹ năng nói/viết theo định dạng đề thi (Khung NLNNVN); bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh do giảng viên người nước ngoài giảng dạy; bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế cho giáo viên tiếng Anh cấp TH và THCS.

b) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học thí điểm môn Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh: Sau 02 năm (2015, 2016) có 224 giáo viên môn Toán và KHTN được bồi dưỡng tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành, trong đó có 213/224 giáo viên đạt năng lực tiếng Anh bậc 3 và 11 giáo viên đạt bậc 2; năm 2018 và 2019 bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học và năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên dạy học thí điểm các môn KHTN bằng tiếng Anh do giảng viên người nước ngoài giảng dạy.

c) Bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ quản lý giáo dục: Kết quả sau 02 năm (2015 và 2016) có 80 cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng tiếng Anh, trong đó có 38 người đạt năng lực tiếng Anh bậc 3 và 42 giáo viên đạt bậc 1 (theo Khung NLNNVN).

5. Trang bị thiết bị dạy học ngoại ngữ

Kinh phí đã thực hiện từ năm 2015 đến 2020 là: 125,8 tỷ, trang bị thiết bị ngoại ngữ thông dụng (bộ máy chiếu, máy tính, thiết bị âm thanh): cấp tiểu học:1031 bộ; cấp THCS: 146 bộ; cấp THPT: 76 bộ; các TTGDTX: 08 bộ. Phòng học ngoại ngữ chuyên dụng: cấp tiểu học: 54 phòng; cấp THCS: 37 phòng; cấp THPT: 10 phòng.

II. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

1. Những tồn tại, hạn chế

Chưa hoàn thành một số chỉ tiêu của Đề án 6584, cụ thể như sau:

a) Việc thực hiện dạy học theo Chương trình tiếng Anh mới còn chậm (chưa đạt 100%).

b) Chất lượng môn tiếng Anh

- Năng lực tiếng Anh đầu ra của học sinh các cấp học theo qui định của Bộ GDĐT còn thấp. Kết quả khảo sát chất lượng đầu ra theo Khung NLNNVN của học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 năm 2018: có 76,48% học sinh lớp 5 đạt yêu cầu; 47,4 % học sinh lớp 9 đạt yêu cầu; có 36,4% học sinh lớp 12 đạt yêu cầu.

- Khả năng sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói và viết phục vụ cho học tập và giao tiếp của học sinh còn hạn chế (số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài và trong môi trường có yếu tố nước ngoài còn quá ít).

- Đại đa số giáo viên tiếng Anh còn hạn chế về khả năng sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói và viết phục vụ giảng dạy và giao tiếp; phương pháp dạy học còn lạc hậu, chậm đổi mới, có khoảng cách với phương pháp dạy học tiếng Anh quốc tế.

c) Việc giảng dạy thí điểm các môn KHTN bằng tiếng Anh chưa có hiệu quả vì năng lực tiếng Anh của giáo viên dạy các môn KHTN chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có chương trình và sách giáo khoa các môn KHTN bằng tiếng Anh.

d) Chưa thực hiện được nhiệm vụ đưa giáo viên tiếng Anh đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

e) Chưa hoàn thành nhiệm vụ trang bị thiết bị dạy học ngoại ngữ theo Đề án 6584 (đạt 34% kinh phí).

2. Nguyên nhân

a) Theo qui định của Bộ GDĐT, để dạy học Chương trình tiếng Anh mới, giáo viên tiếng Anh phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo cấp học (năm 2020 có 94,2% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo Khung NLNNVN). Vì vậy, việc triển khai dạy học Chương trình tiếng Anh chưa đạt 100%.

b) Chương trình tiếng Anh mới được thiết kế dài và độ khó tăng lên nhiều so với chương trình tiếng Anh hệ 7 năm nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu ra ở mỗi cấp học theo qui định của Bộ GDĐT. Hầu hết học sinh đều gặp khó khăn trong học tập môn tiếng Anh tại nhà trường như không học hết bài, không đủ thời gian thực hành sử dụng tiếng Anh, … nên kết quả khảo sát chất lượng đầu ra lớp 5, lớp 9 và lớp 12 còn nhiều hạn chế; các chương trình tiếng Anh tăng cường, bổ trợ, nâng cao theo hình thức xã hội hóa trong các trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung chương trình và chất lượng.

Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa tạo động lực, áp lực cho học sinh; Môi trường sử dụng tiếng Anh trong các trường phổ thông còn hạn chế.

Các kỳ thi còn chậm đổi mới về nội dung và hình thức thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp 10 THPT, tác động đến công tác dạy học tiếng Anh tại các trường phổ thông.

Chưa có giải pháp quản lý đủ mạnh làm thay đổi nhận thức, ý thức trong việc dạy và học tiếng Anh.

c) Đề án đưa giáo viên tiếng Anh đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài chưa được phê duyệt.

d) Một số dự án trang bị thiết bị dạy học tiếng Anh chưa được thực hiện theo Đề án 6584.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu Đề án

1. Mục tiêu chung

Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục của tỉnh, tiếp tục triển khai Chương trình tiếng Anh mới; nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc toàn diện, vững chắc.

Tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ tiếp cận chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế cho học sinh phổ thông; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên đạt chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về triển khai các chương trình dạy học ngoại ngữ

- Đến năm 2025, triển khai chương trình tiếng Anh mới cho 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Từ năm 2021, bắt đầu triển khai dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đến năm 2025, triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ theo chương trình của Bộ GDĐT cho 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

- Từ năm 2021, triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cườngcó quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO theo hình thức xã hội hóa (sử dụng phương pháp dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp; nội dung chương trình theo chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế; quản lý, giám sát quá trình dạy và học theo tiêu chuẩn ISO). Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo.

- Triển khai dạy học tiếng Hàn, Nhật, Trung phục vụ cho xuất khẩu lao động và làm việc ở các khu chế xuất và công nghiệp tại các trung tâm ngoại ngữ; thí điểm dạy học tiếng Hàn, Nhật, Trung cho học sinh một số trường phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX.

b) Về triển khai chương trình dạy học các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh: Tiếp tục triển khai thực hiện dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh và xây dựng tiền đề cho việc dạy học song bằng tại trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.

c) Về chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Đảm bảo chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục. Đến năm 2025, 70-80% học sinh các cấp học đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ theo Khung NLNNVN; 50-60% học sinh trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, 20-30% học sinh các trường phổ thông, 50% trở lên học sinh tham gia Chương trình tiếng Anh tăng cường có quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO đạt năng lực tiếng Anh đầu ra theo chuẩn quốc tế; điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đạt 5,0 trở lên, đứng trong tốp 10 các tỉnh có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước. d) Phát triển đội ngũ giáo viên

- Đối với giáo viên tiếng Anh: Đến năm 2025, có 40-50% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế, có chứng chỉ dạy tiếng Anh quốc tế; giáo viên tiếng Anh có đủ năng lực tiếng Anh tham dự các hội thảo, diễn đàn quốc tế; 100% giáo tiếng Anh được bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh và năng lực sư phạm.

- Đối với giáo viên dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh tại trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc: Đến năm 2025, 100% giáo viên dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh từ Bậc 4 (B2) trở lên theo Khung NLNNVN và quốc tế.

e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ với hệ thống học liệu, phần mềm để người học có thể học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi.

f) Huy động các nguồn lực tài trợ, xã hội hoá trong dạy học tiếng Anh và dạy học Chương trình tiếng Anh tăng cườngcó quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Phát triển đội ngũ giáo viên

a) Đảm bảo số lượng giáo viên tiếng Anh; tuyển hợp đồng giáo viên dạy thí điểm tiếng Hàn, Nhật, Trung trong một số trường phổ thông.

b) Đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong các trường phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo qui định của Bộ GDĐT. Rà soát, đánh giá lại năng lực tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh theo Khung NLNNVN và chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế; từ năm 2022, giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo qui định phải tự túc kinh phí đào tạo bồi dưỡng và được đánh giá lại.

c) Bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn năng lực tiếng Anh.

+ Bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh ở trong nước

- Bồi dưỡng năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế; bồi dưỡng và thi chứng chỉ dạy học tiếng Anh quốc tế cho giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy và giao tiếp cho giáo viên tiếng Anh.

- Bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học môn tiếng Anh; phương pháp kiểm tra và đánh giá theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; phương pháp dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông.

+ Bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh có yếu tố nước ngoài

- Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Từ năm 2022, cử từ 20 đến 40 giáo viên cốt cán các cấp học đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở nước ngoài.

- Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước do giảng viên người nước ngoài giảng dạy.

d) Tăng cường tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, hôi thao, hôi giang cho giáo viên tiếng Anh ; khuyến khích giáo viên khai thác sư dung tài liệu , học liệu, phần mềm tiếng Anh phục vụ công tác giảng dạy.

e) Đẩy mạnh các hình thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh, năng lực sư phạm, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học của giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh.

2. Xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ

a) Mời giáo viên người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh tại một số trường phổ thông:

Hàng năm, mời giáo viên người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh tại một số trường phổ thông và trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Đến năm 2025, thực hiện 100% xã hội hóa trong việc mời giáo viên người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông.

b) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng môi trường dạy và học tiếng Anh: tổ chức các cuộc thi, sân chơi trí tuệ dành cho học sinh; đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh; tổ chức các hoạt động phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh, tích cực tham gia các sân chơi tiếng Anh trong và ngoài nhà trường.

c) Tạo môi trường học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường, gia đình và xã hội để giáo viên, gia đình và người học (học sinh) cùng hỗ trợ việc học tập tiếng Anh thông qua chương trình Tiếng Anh tăng cườngcó quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO.

3. Tăng cường công tác quản lý dạy học; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

a) Tăng cường quản lý công tác dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông nhằm nâng cao chất lượng môn tiếng Anh.

b) Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực tiếng Anh theo Khung NLNNVN và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học tiếng Anh với sự hỗ trợ của các phần mềm học tiếng Anh có chất lượng nhằm giúp học sinh có thể học tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, phát triển năng lực sử dụng và giao tiếp bằng tiếng Anh.

c) Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học tiếng Anh theo yêu cầu phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh; cải tiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo hướng tạo động lực cho học sinh học tốt môn tiếng Anh.

d) Tổ chức hoặc thuê đơn vị độc lập đánh giá năng lực tiếng Anh đầu ra cho học sinh các cấp học (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) theo Khung NLNNVN hoặc quốc tế.

e) Hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và học sinh tự học ngoại ngữ và tự nguyện tham gia thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế đạt kết quả cao.

f) Thực hiện quản lý, giám sát việc dạy và học tiếng Anh tăng cường theo chuẩn ISO.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ

a) Thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường có quản lý, giám sát theo chuẩn ISO theo hình thức xã hội hóa trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh. Ngành GDĐT quản lý chuyên môn và giám sát việc triển khai để đảm bảo chất lượng của chương trình.

b) Đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ; tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng dạy học ngoại ngữ tại các trung tâm.

c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tài trợ, hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các chương trình dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho học sinh.

d) Cho phép và phối hợp các tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín về đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế đặt trung tâm khảo thí tại Vĩnh Phúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các bài đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế cho học sinh, giáo viên, cán bộ viên chức có nhu cầu.

e) Khuyến khích cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông tích cực tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và giảng dạy trong thời kỳ hội nhập.

5. Trang thiết bị dạy học

- Tăng cường mua sắm trang thiết bị, phần mềm phục vụ đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các dự án, đề án trang bị phòng học ngoại ngữ tiên tiến, hiện đại.

6. Xây dựng cơ chế, chính sách: Qui định mức thu tiền học tăng cường môn tiếng Anh theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

III. KINH PHÍ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

- Nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo hàng năm theo phân cấp.

- Nguồn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

- Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn đóng góp của người học, các nguồn xã hội hóa.

2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí

- Nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo hàng năm theo phân cấp: Thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động chuyên môn khác.

- Nguồn đầu tư công giai đoạn 2021-2025: Mua sắm phòng ngoại ngữ chuyên dụng.

- Nguồn xã hội hóa: Từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho học sinh; tham gia đóng góp của phụ huynh học sinh đối với chương trình tiếng Anh tăng cường.

3. Kinh phí thực hiện

3.1.Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 643,566 tỷ đồng (Phụ lục 2).

a) Ngân sách tỉnh: 306,316 tỷ đồng, chiếm 47,6%. Trong đó:

+ Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác: 250,316 tỷ đồng, trong đó:

- Đánh giá năng lực tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh theo Khung NLNNVN và quốc tế; thi chứng chỉ dạy học tiếng Anh quốc tế (Phụ lục 3).

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm cho giáo viên (Phụ lục 4).

-Tổ chức các kỳ thi, đánh giá năng lực tiếng Anh đầu ra cho học sinh, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ (Phụ lục 5).

+ Kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học: 56 tỷ đồng (Phụ lục 6).

b) Xã hội hóa: 337,250 tỷ đồng, chiếm 52,4% (Phụ lục 7), trong đó:

- Dạy học tiếng Anh bổ trợ, nâng cao theo hình thức liên kết với các trung tâm ngoại ngữ trong các trường phổ thông: 230 tỷ đồng.

- Tài khoản học Chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức xã hội hóa quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO: 90,75 tỷ đồng.

- Tài liệu, học liệu của học sinh Chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức xã hội hóa quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO: 16,5 tỷ đồng.

3.2. Lộ trình thực hiện

a) Năm 2021: 69,930 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh: 43,43 tỷ đồng; xã hội hóa: 26,5 tỷ đồng).

b) Năm 2022: 121,490 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh: 65,24 tỷ đồng; xã hội hóa: 56,25 tỷ đồng).

c) Năm 2023: 144,770 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh: 72,02 tỷ đồng; xã hội hóa: 72,75 tỷ đồng).

d) Năm 2024: 156,655 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh: 67,405 tỷ đồng; xã hội hóa: 89,25 tỷ đồng).

e) Năm 2025: 150,721 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh: 58,221 tỷ đồng; xã hội hóa: 92,5 tỷ đồng).

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND trong việc tổ chức triển khai thực hiện nội dung của Đề án.

- Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án theo từng giai đoạn. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác tham mưu đào tạo bồi dưỡng giáo viên; tổ chức dạy học ngoại ngữ tại các trường phổ thông của tỉnh đạt yêu cầu chất lượng đề ra.

- Hướng dẫn các nhà trường triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO.

- Xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo động lực đối với nhà trường, giáo viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ của Đề án; xây dựng qui định khuyến khích điểm đối với học sinh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế và học sinh tiên phong, chủ động học tập ngoại ngữ theo phương thức ứng dụng công nghệ tiên tiến được triển khai trong hệ thống trường công lập.

- Nghiên cứu lộ trình đẩy mạnh xã hội hoá một cách phù hợp với thực tiễn, tăng cường khai thác các nguồn lực tài trợ, hợp tác quốc tế để trong các giai đoạn tiếp theo giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo được công tác đào tạo ngoại ngữ chất lượng cao.

- Huy động, thẩm định và tiếp nhận hoạt động tài trợ của các tổ chức, cá nhân (ưu tiên các hoạt động tài trợ liên quan đến hỗ trợ công nghệ cao) thông qua các thoả thuận tài trợ thể hiện rõ tính trách nhiệm ràng buộc đối với các bên nhằm khai thác tối đa lợi ích của chương trình tài trợ.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở GDĐT và các Sở, Ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ theo quy định.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các Sở, Ngành có liên quan đề xuất, báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn chi thường xuyên hàng năm thực hiện các nội dung của Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai kinh phí thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành của Luật ngân sách Nhà nước và các qui định khác có liên quan.

4. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT trình UBND tỉnh hướng dẫn về tuyển dụng, định mức biên chế giáo viên ngoại ngữ thực hiện Đề án.

5. Sở Thông tin truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc

Tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tác dụng và yêu cầu cần thiết của việc học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu trong đời sống xã hội hiện nay.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng, các trường tiểu học, THCS ở địa phương tổ chức quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.

Thực hiện chương trình, kế hoạch do Sở GDĐT triển khai; tham gia, quản lý và kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương theo qui định.

Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chất lượng dạy-học ngoại ngữ của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền được giao phụ trách.

7. Quy trình và thời gian thực hiện Đề án

UBND tỉnh giao Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, các địa phương tổ chức, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ GDĐT; kịp thời điều chỉnh, bổ sung hàng năm các nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Đề án vào năm 2025./.

 

PHỤ LỤC 01

CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG CÓ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT THEO TIÊU CHUẨN ISO
(Kèm theo Quyết định số 625/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

A. Thông tin chung

Chương trình tiếng Anh tăng cườngcó quản lý, giám sát theo tiêu chuẩn ISO (Chương trình TATC) được triển khai nhằm hỗ trợ cho học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế. Chương trình TATC được xem là giải pháp căn bản góp phần đổi mới toàn diện cách dạy và học tiếng Anh theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin (CNTT) giúp học sinh có phương pháp học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế hiệu quả; đồng thời hỗ trợ các cấp quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh tham gia quản lý quá trình học tập của học sinh thông qua hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh.

B. Nội dung chương trình

1. Giáo trình và thời lượng dạy học

- Cấp tiểu học: Family and Friends (Nhà xuất bản: Oxford University Press) + các tài liệu bổ trợ. Thời lượng: 1017 tiết, trong đó có 315 tiết học trực tiếp, 702 tiết luyện-học trực tuyến.

- Cấp Trung học cơ sở: Solutions (Nhà xuất bản: Oxford University Press) + các tài liệu bổ trợ. Thời lượng: 1356 tiết, trong đó có 420 tiết học trực tiếp, 936 tiết luyện-học trực tuyến.

- Cấp Trung học phổ thông: Solutions (Nhà xuất bản: Oxford University Press) + các tài liệu bổ trợ. Thời lượng: 1017 tiết, trong đó có 315 tiết học trực tiếp, 702 tiết luyện-học trực tuyến.

- Thời gian học tập: 35 tuần/năm học(12 tiết học trực tiếp/1 tháng, mỗi tiết 45 phút và 26 tiết/1 tháng luyện-học trực tuyến, mỗi tiết 45 phút).

2. Phương pháp và nguyên tắc dạy học

- Sử dụng phương pháp dạy học kết hợp Trực tiếp - Trực tuyến (Blended Learning).

- Nguyên tắc dạy và học:

Nguyên tắc dạy: Dạy đúng phương pháp, dạy đủ kiến thức và kỹ năng.

Nguyên tắc học: Học đúng, học đủ và học đều.

3. Quản lý, giám sát

Các quy trình được giám sát chặt chẽ và được đo lường định lượng.

C. Trách nhiệm triển khai Chương trình

a) Nhà trường là đơn vị trực tiếp triển khai hoạt động đào tạo tiếng Anh tăng cường cho học sinh của trường mình. Nhà trường chủ động kế hoạch sau:

- Các lớp học cần có máy chiếu, loa lớp học, mạng Wifi/đường truyền internet.

- Tổ chức lớp học tiêu chuẩn: 20 học sinh.

- Nhà trường phối hợp với đơn vị tham gia thực hiện đề án để đảm bảo đủ giáo viên (nếu thiếu) thực hiện chương trình đảm bảo hiệu quả.

b) Đối với học sinh tham gia:

- Tham gia đầy đủ thời gian học tập theo quy định; Chủ động thời gian luyện học online đối với các nội dung theo yêu cầu trên các thiết bị điện tử có kết nối Internet/wifi/3G/4G.