Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 61/2006/QĐ-BTC

 

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ ĐỊNH MỨC CHI TIÊU ÁP DỤNG CHO CHO CÁC DỰ ÁN/CHƯƠNG TRÌNH CÓ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 4/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại
,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Qui định về một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)”.

Điều 2. Những định mức chi được ban hành kèm theo Quyết định này là mức trần tối đa. Trong phạm vi các định mức quy định tại Quyết định này và trong phạm vi cho phép của nguồn ngân sách chi quản lý dự án/chương trình, giám đốc các Ban quản lý dự án/chương trình ODA quyết định mức chi cụ thể áp dụng cho dự án/chương trình một cách phù hợp.

Điều 3. Đối tượng áp dụng Quyết định này là các dự án/chương trình ODA vay nợ (chi tiêu từ nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng trong nước) và các dự án ODA viện trợ không hoàn lại (chi tiêu từ nguồn vốn đối ứng trong nước).

Đối với các dự án ODA viện trợ không hoàn lại, được chi tiêu từ nguồn vốn viện trợ, áp dụng các mức chi theo định mức của nhà tài trợ được quy định tại các thỏa thuận tài trợ hoặc áp dụng mức chi do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản dự án thống nhất quy định cụ thể trong trường hợp nhà tài trợ không quy định cụ thể tại các thỏa thuận tài trợ.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định, hướng dẫn về các loại định mức đối với các nội dung chi như hướng dẫn tại Quyết định này trước đây do Bộ Tài chính ban hành, hoặc Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất để Bộ chủ quản ban hành áp dụng cho một số dự án ODA sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo triển khai và hướng dẫn các đơn vị, các dự án trực thuộc có sử dụng nguồn ODA thực hiện Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ, Các Bộ, Ban, ngành Trung ương;
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh;
- Các Ban quản lý dự án ODA;
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp)
- Công báo
- Vụ Pháp chế
- Website chính phủ
- Các Vụ ĐT, HCSN, NSNN, KBNN;
- Lưu VT, TCĐN

BỘ TRƯỞNG




Vũ Văn Ninh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ ĐỊNH MỨC CHI TIÊU ÁP DỤNG CHO CÁC DỰ ÁN/CHƯƠNG TRÌNH CÓ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2006/QĐ-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2006 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính)

Điều 1. Tiền lương, phụ cấp quản lý dự án/chương trình của cán bộ làm việc tại các Ban quản lý (BQL) dự án/chương trình ODA (sau đây gọi tắt là dự án).

1.1 BQL dự án ODA hành chính sự nghiệp (HCSN), BQL dự án ODA hỗn hợp có nội dung hoạt động vừa có tính chất hành chính sự nghiệp và xây dựng cơ bản:  

1.1.1 Tiền lương: Các cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế các cơ quan HCSN khi được điều động sang công tác chuyên trách hoặc phân công công tác kiêm nhiệm tại các BQL dự án ODA được cơ quan điều động chi trả, thanh toán tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn) theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trường hợp cơ quan điều động không chi trả tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp và ghi rõ trong quyết định điều động cán bộ, công chức, viên chức thì BQL dự án có trách nhiệm chi trả tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp từ nguồn kinh phí quản lý dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước.

1.1.2 Phụ cấp quản lý dự án ODA: các cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế HCSN khi được điều động sang công tác chuyên trách hoặc phân công công tác kiêm nhiệm tại các BQL dự án còn được BQL dự án chi trả một khoản phụ cấp quản lý dự án tối đa bằng tiền lương, phụ cấp đang được thanh toán ở cơ quan điều động, cụ thể:

- Đối với cán bộ, công chức viên chức được điều động sang công tác chuyên trách tại các BQL dự án được hưởng phụ cấp quản lý dự án bằng 100% mức lương, phụ cấp đang được thanh toán.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức được phân công công tác kiêm nhiệm tại các BQL dự án được hưởng phụ cấp quản lý dự án theo tỷ lệ phù hợp với thời gian làm việc tại dự án. Trường hợp được phân công làm kiêm nhiệm ở nhiều BQL dự án thì chỉ được hưởng phụ cấp ở một BQL dự án có thời gian làm việc kiêm nhiệm nhiều nhất. Cơ quan ra quyết định phân công phải ghi rõ trong quyết định phân công công tác tỷ lệ thời gian làm việc kiêm nhiệm ở từng dự án để làm cơ sở xác định mức phụ cấp quản lý dự án.

- Các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các BQL dự án ODA viện trợ không hoàn lại nếu được hưởng phụ cấp từ nguồn vốn nước ngoài tài trợ thì không được hưởng phụ cấp quản lý dự án ODA từ nguồn vốn đối ứng theo Quyết định này.

1.2 BQL dự án ODA xây dựng cơ bản (XDCB): Tiền lương và thu nhập của các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các BQL dự án ODA XDCB được áp dụng quy định tại Quyết định số 198/1999/QĐ-TTg ngày 30/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Tiền lương của cán bộ, viên chức làm việc tại các BQL dự án đầu tư xây dựng. Phụ cấp quản lý dự án ODA theo quy định ở mục 1.1.2 trên đây không áp dụng đối với các BQL dự án ODA XDCB.

Tiền lương và phụ cấp quản lý dự án ODA quy định tại mục 1.1, và tiền lương, thu nhập quy định tại mục 1.2 của Điều 1 trên đây chỉ áp dụng đối với các BQL dự án chuyên trách được thành lập theo quyết định của cơ quan chủ quản để thực hiện dự án.

1.3 Đối với các cán bộ làm ở các cấp thực thi dự án như tổ/nhóm thực thi dự án cấp huyện, xã, thôn, bản, tùy theo tính chất công việc của dự án, các cán bộ này chỉ được hưởng phụ cấp trong thời gian thực hiện từng hoạt động dự án trên địa bàn của địa phương.

- Mức phụ cấp tối đa đối với cán bộ dự án cấp huyện không quá 200.000 VNĐ/tháng/người.

- Mức phụ cấp tối đa đối với cán bộ dự án cấp xã, thôn, bản không quá 120.000VNĐ/tháng/ người.

Khoản phụ cấp này được tính trong tổng mức dự toán của từng hoạt động được giao thực hiện.

 Điều 2. Tiền công/ Tiền lương của người lao động tuyển dụng theo chế độ hợp đồng của các BQL dự án ODA.

2.1 Về tiền lương:

2.1.1 Đối với lao động hợp đồng làm công việc mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ trong các dự án ODA (cả ODA XDCB và ODA HCSN) thực hiện nguyên tắc trả lương theo mức bằng với lương của người lao động trong biên chế có trình độ đào tạo, trình độ nghiệp vụ công việc và thâm niên công tác tương đương (đã nhân theo hệ số điều chỉnh đối với dự án ODA XDCB hoặc cộng thêm phụ cấp quản lý dự án ODA đối với dự án ODA HCSN nêu tại Điều 1, mục 1 trên đây).

2.1.2. Đối với lao động hợp đồng làm công việc đơn giản, không mang tính chất nghiệp vụ của dự án như lái xe, văn thư, bảo vệ, tạp vụ,... căn cứ bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về Chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và được áp dụng hệ số điều chỉnh không vượt quá 1,5 lần để thoả thuận mức thù lao.

2.2 Chế độ bảo hiểm:

Chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động tuyển dụng theo chế độ hợp đồng được áp dụng theo quy định hiện hành.

Điều 3. Định mức chi dịch thuật:

3.1 Dịch viết:

3.1.1 Dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: không quá 45.000 VNĐ/trang 350 từ.

3.1.2. Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: không quá 50.000 VNĐ/trang 350 từ.

3.2 Dịch nói:

3.2.1 Dịch nói thông thường: không quá 80.000 VNĐ/giờ/người, tương đương với không quá 640.000 VNĐ/ngày/người làm việc 8 tiếng.

3.2.2. Dịch đuổi: không quá 200.000 VNĐ/giờ/người, tương đương với không quá 1.600.000 VNĐ/ngày/người làm việc 8 tiếng.

Các định mức chi dịch thuật nói trên chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thiết khi BQL dự án ODA phải thuê biên phiên dịch từ bên ngoài, không áp dụng cho biên, phiên dịch là cán bộ của BQL dự án ODA.

Điều 4. Chế độ công tác phí

4.1 Áp dụng các quy định tại Thông tư 118/2004/TT-BTC ngày 8/12/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.

Trường hợp đặc biệt đi công tác bằng máy bay, giám đốc dự án được quyết định việc cho phép cán bộ, khách mời của dự án đi theo nguồn chi trả của dự án.

4.2 Khoán tiền đi lại ở những vùng núi cao, hải đảo, biên giới không có các phương tiện giao thông công cộng, đi lại không có hoá đơn, chứng từ, không có cơ sở xác định mức tiền cước vận tải ô tô công cộng để tính toán mức khoán theo quy định tại Thông tư 118/2004/TT –BTC. Giám đốc BQL dự án sẽ quyết định mức khoán cụ thể trong khoảng từ 50.000 – 100.000 VNĐ/người/chuyến công tác (cho cả hai lượt đi - về) tuỳ theo độ dài quãng đường .

Điều 5. Chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn

5.1 Nguyên tắc áp dụng:

- Đối với các dự án có hoạt động tập huấn, mức chi được áp dụng như chế độ chi hội nghị, hội thảo.

Hội nghị, hội thảo: thời gian tổ chức không quá 3 ngày

Tập huấn: thời gian tổ chức không quá 7 ngày

- Các dự án tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn với qui mô toàn quốc, toàn tỉnh, thành phố, hoặc toàn dự án phải được phép bằng văn bản của cơ quan chủ quản đầu tư hoặc của Trưởng ban chỉ đạo của Dự án.

- Chi phí hội nghị, hội thảo, tập huấn nêu trong Quyết định này được áp dụng thống nhất đối với các hội nghị tổng kết, hội nghị đánh giá theo định kỳ, hội nghị có tính chất chỉ đạo, triển khai và phải nằm trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt..

- Tất cả các BQL dự án ODA khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn phải nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, chuẩn bị nội dung có chất lượng, cân nhắc thành phần, số lượng đại biểu tham dự theo nguyên tắchiệu quả và chi tiêu tiết kiệm.

- Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo các lĩnh vực chuyên ngành của từng dự án (ví dụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên trong các dự án giáo dục, tập huấn kỹ thuật nông/lâm/thuỷ lợi, hội thảo đầu bờ, v.v. trong các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo bồi dưỡng y tá, bác sỹ, nhân viên y tế v.v. trong các dự án y tế, v.v.) thì áp dụng các định mức chi tiêu theo các quy định hiện hành về mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

5.2 Các mức chi cụ thể:

5.2.1. Thanh toán tiền tàu xe và tiền thuê chỗ ở khi tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn: áp dụng qui đinh tại Điều 4.

5.2.2. Phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt:

- Đối với hội nghị, hội thảo, tập huấn tổ chức tại các thành phố trực thuôc Trung ương: Cán bộ ban tổ chức, đại biểu, giảng viên của hội nghị, hội thảo, tập huấn được hưởng mức phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt không quá 80.000 VNĐ/ngày/người.

- Đối với hội nghị, hội thảo tổ chức tại các tỉnh, thành còn lại trong cả nước: Cán bộ ban tổ chức, đại biểu, giảng viên của hội nghị, hội thảo, tập huấn được hưởng mức phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt không quá 60.000 VNĐ/ngày/người.

Thành viên ban tổ chức, đại biểu, giảng viên của hội nghị, hội thảo, tập huấn đã hưởng phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt theo quy định tại mục 5.2.2 điều này sẽ không được hưởng phụ cấp công tác phí theo quy định tại Điều 4 của Quyết định này.

Thống nhất quy định đối với các hội nghị, hội thảo, tập huấn do các BQL dự án ODA tổ chức, ban tổ chức sẽ chi 100% phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt cho tất cả cán bộ tổ chức, đại biểu tham dự và giảng viên từ nguồn kinh phí của dự án. Cơ quan cử đại biểu tham dự không thanh toán tiền phụ cấp công tác phí cho cán bộ được cử tham dự hội nghị, hội thảo. Ban tổ chức hội nghị, hội thảo cần thông báo rõ trong giấy mời chế độ chi cho các đại biểu dự hội nghị, hội thảo. Trường hợp đặc biệt, ban tổ chức hội nghị, hội thảo không chi thanh toán tiền ăn và tiêu vặt cho các đại biểu tham dự cũng phải ghi rõ trong giấy mời.

5.2.3     Tiền thuê giảng viên:

Đối với các hội nghị, hội thảo, tập huấn có thuê giảng viên thì định mức thuê giảng viên áp dụng theo quy định về chi phí thuê giảng viên tại Thông tư 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.

Mức trần nêu trên đã bao gồm cả tiền công giảng và soạn tài liệu giảng dạy.

Trường hợp đặc biệt, nếu tài liệu giảng dạy hay tham khảo thuộc loại chuyên môn sâu, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và chất xám, BQL dự án có thể tính trả tiền chuẩn bị tài liệu riêng theo dạng hợp đồng công việc, bao gồm cả tiền in ấn tài liệu.

5.2.4     Văn phòng phẩm: Ban tổ chức được thanh toán tiền theo thực chi nhưng không vượt quá mức 50.000 VNĐ/người/khoá ở các hội nghị, hội thảo, tập huấn tổ chức tại các thành phố trực thuộc trung ương, không vượt quá mức 30.000 VNĐ/người/khoá ở các hội nghị, hội thảo, tập huấn tổ chức tại các nơi còn lại.

5.2.5 Giải khát giữa giờ: Ban tổ chức được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá mức 15.000 VNĐ/người/ngày ở các hội nghị, hội thảo, tập huấn tại các thành phố trực thuộc trung ương, không vượt quá mức 10.000VNĐ/người/ngày ở hội nghị, hội thảo, tập huấn tổ chức tại các nơi còn lại.

5.2.6 Các khoản chi khác như thuê phòng họp, thuê thiết bị, cắt dán phông chữ... trong chế độ chi hội nghị, hội thảo được thanh toán theo chế độ thực chi do giám đốc BQL dự án quyết định trên cơ sở tiết kiệm và hợp lý.

Điều 6: Chi chuyên gia tư vấn trong nước

Việc đấu thầu lựa chọn chuyên gia tư vấn trong nước được thực hiện theo các quy định hiện hành về đấu thầu. Trong trường hợp không thể lựa chọn được chuyên gia tư vấn thích hợp thông qua phương thức đấu thầu thì tùy thuộc vào yêu cầu của dự án, trình độ chuyên môn, học hàm, học vị, thâm niên công tác, khả năng ngoại ngữ, năng lực thực hiện, nhiệm vụ của tư vấn, qui mô của dự án, và địa bàn thực thi nhiệm vụ của chuyên gia tư vấn, giám đốc BQL dự án lựa chọn mức chi cho tư vấn quy định dưới đây, đề xuất Bộ/ cơ quan địa phương chủ quản quyết định phê duyệt để áp dụng. Đây là mức chi trọn gói, bao gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại thuế theo quy định hiện hành.

- Mức 1: từ 1.600.000 VNĐ đến 3.200.000 VNĐ/ tháng/người hoặc mức tiền Đồng tương đương từ 100 USD – 200 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển)

- Mức 2: từ 4.800.000 VNĐ đến 8.000.000 VNĐ/tháng/người hoặc mức tiền Đồng tương đương 300 USD – 500 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển)

- Mức 3: từ 12.800.000 VNĐ đến 19.200.000 VNĐ/tháng/người hoặc mức tiền Đồng tương đương 800 USD – 1.200 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển)

- Mức 4: Trường hợp đặc biệt, dự án cần chuyên gia tư vấn có chuyên môn cao, ngành nghề đặc biệt, đặc thù, BQL dự án có thể trình cơ quan chủ quản dự án quyết định mức thù lao cao hơn theo thỏa thuận với chuyên gia tư vấn.

Trường hợp, dự án áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói theo quy định của Luật Đấu thầu, các mức chi tư vấn trong nước nêu trên là căn cứ để lập và xét duyệt dự toán giá trị hợp đồng.

Điều 7. Chi phí thường xuyên khác: mua văn phòng phẩm, sửa chữa xe, máy, vật tư, xăng xe phục vụ công tác chuyên môn, cước phí thông tin liên lạc theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền duyệt hàng năm và phải có chứng từ chi hợp lệ, hợp pháp và không vượt quá mức dự toán/ hoặc mức trích cho chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành. /.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61/2006/QĐ-BTC ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 61/2006/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/11/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 21 đến số 22
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 03/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản