Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 604/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 29 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUẢN LÝ ĐẤT CANH TÁC VÀ BẢO TỒN NGUỒN NƯỚC.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30/3/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

Căn cứ Văn bản số 409/CSCL-TTTT ngày 18/10/2016 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn về việc phê duyệt dự án thuộc chương trình Phát triển Tây Nguyên bền vững tỉnh Lâm Đồng.

Xét Báo cáo số 38/BC-KHĐT-KTĐN ngày 08/02/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thẩm định nội dung văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH tài trợ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Quản lý đất canh tác và bảo tồn nguồn nước, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Quản lý đất canh tác và bảo tồn nguồn nước.

2. Đơn vị tài trợ và các đơn vị đóng góp vốn đối ứng:

a) Đơn vị tài trợ: Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (Tổ chức IDH)

b) Các đơn vị đóng góp vốn đối ứng:

- Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam (Công ty ACOM).

- Công ty TNHH SMS Việt Nam (Công ty SMS).

3. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

4. Chủ dự án: Công ty ACOM.

Địa chỉ: phòng 801, tòa nhà Đại Minh, số 77 Hoàng Văn Thái, phường Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

5. Địa điểm thực hiện dự án: thành phố Bảo Lộc, huyện Di Linh và một số xã thuộc huyện Bảo Lâm (không bao gồm 5 xã: Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Phú, Lộc Bắc, B’Lá).

6. Thời gian dự kiến thực hiện dự án: 32 tháng.

7. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:

a) Mục tiêu dự án:

- Nâng cao nhận thức và hiểu biết của nông dân về tác động của biến đổi khí hậu, vai trò quản lý tài nguyên đất (chống xói mòn, rửa trôi đất canh tác, quản lý dinh dưỡng đất) và quản lý tài nguyên nước bằng các biện pháp kỹ thuật.

- Giảm tỷ lệ bốc hơi trong mùa khô bằng phương pháp trồng xen cây che bóng trong vườn cà phê ở mật độ thích hợp.

- Thiết lập hệ thống tưới nhỏ giọt/tưới phun mưa cục bộ tại các mô hình vườn mẫu phù hợp.

- Trang bị và hướng dẫn cho nông dân sử dụng các thiết bị đo độ ẩm và độ pH, phục vụ mục đích kiểm soát dinh dưỡng đất và sử dụng nước.

- Lưu trữ nước mùa mưa bằng cách xây ao, hồ ở điểm thấp nhất trong vườn cà phê, hoặc xây đập trữ nước mưa ở các khe suối, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng lũ quét, đồng thời cải thiện mực nước ngầm và lưu trữ nước phục vụ tưới, tiêu trong mùa khô.

b) Kết quả chủ yếu của dự án:

- Thiết lập 40 nhóm nông dân và tập huấn về phương pháp quản lý đất, dinh dưỡng; bảo tồn nguồn nước, sử dụng nước hợp lý và khôi phục đa dạng sinh học.

- Thiết lập 10 mô hình vườn mẫu (dự kiến ở mỗi xã thuộc dự án). Mỗi mô hình có 01 vườn mẫu, diện tích tối thiểu 0,5 ha làm đối chứng; bao gồm: hệ thống ruộng bậc thang, hệ thống thu gom nước, hồ chứa, hệ thống tưới tiết kiệm, chống xói mòn, rửa trôi, cây che bóng, tái canh cà phê có sử dụng giống mới, kiểm soát lượng nước tưới và dinh dưỡng đất.

- Kết hợp các hệ thống trên tạo nên cảnh quan vườn cà phê bền vững đáp ứng yêu cầu của dự án. Sau thời gian thực hiện dự án, nông dân nâng cao trình độ nhận thức và có thể giảm khắc phục được khó khăn do thời tiết bất lợi gây ra, chủ động thích ứng đối với biến đổi khí hậu; không làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất, chất lượng nông sản; đồng thời, góp phần tạo nên cảnh quan bền vững.

- Trong dài hạn, các mô hình vườn mẫu được thiết lập trong khuôn khổ hợp tác với các dự án khác sẽ được sử dụng làm địa điểm tổ chức các lớp học hiện trường để tập huấn và làm mô hình mẫu cho các nhóm nông dân áp dụng.

8. Tổng vốn: 344.162 EUR, trong đó:

a) Vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại từ Tổ chức IDH: 251.262 EUR (bằng tiền mặt).

b) Vốn đối ứng từ Công ty ACOM và Công ty SMS: 92.900 EUR (bằng hiện vật và lao động kỹ thuật).

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện dự án Chương trình phát triển Tây Nguyên bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng) có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức IDH, Công ty ACOM, Công ty SMS thực hiện có hiệu quả các nội dung của dự án đảm bảo đúng quy định của nhà tài trợ và quy định của Chính phủ Việt Nam.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Tài chính; Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện: Di linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; Giám đốc Tổ chức IDH; Giám đốc Công ty ACOM; Giám đốc Công ty SMS và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này kể từ ngày ký.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN, NV.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Dự án Quản lý đất canh tác và bảo tồn nguồn nước do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 604/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản