Hệ thống pháp luật

Chương 4 Quyết định 603-BLN năm 1963 ban hành quy trình tạm thời về khai thác gỗ của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO CẢ HAI HÌNH THỨC KHAI THÁC

Điều 38: Ngoài những điều khoản áp dụng riêng cho từng hình thức khai thác, cả hai hình thức khai thác đều phải theo đúng những quy định chung về chặt hạ, cắt khúc, tập trung gỗ, vận chuyển và bảo quản dưới đây:

Mục 1: Chặt hạ

Điều 39: -Để tiết kiệm gỗ, gốc cây phải chặt thấp. Những cây còn sức đâm chồi, phải sửa gốc.

1. Phải cải tiến kỹ thuật chặt hạ, những nơi có điều kiện dùng cưa, không được dùng rìu hoặc búa để chặt hạ.

2. Nếu dùng cưa, hoặc cưa, rìu kết hợp để chặt hạ thì không được chặt cây cao quá mặt đất 1/3 đường kính của cây.

3. Nếu dùng rìu búa để chặt hạ thì không được chặt cây cao quá mặt đất một lần đường kính của cây.

4. Chiều cao của gốc cây đo từ mặt đất ở phía trên dốc đến mép gốc cây.

5. Gốc cây có đường kính dưới 40cm, còn sức đâm chồi phải chặt vát cho nước khỏi đọng và phát hết sơ sước (thường gọi là gọt râu tôm).

6. Nếu gốc cây có bạnh vè, phải đẽo bạnh vè để chặt thấp. Trong trường hợp này gốc cây có thể cao hơn, nhưng nhất thiết không được quá một lần đường kính ở ngay chỗ chặt, đường kính đó kể cả bạnh vè.

Điều 40: Không được chặt cây non. Phải bảo vệ và tránh làm gẫy cây con. Trong khi chặt hạ phải ngã cây theo chiếu ít cây con.

Những cây con bị gẫy trong lúc chặt hạ phải mang ra sử dụng và gốc những cây đó phải đẽo vát cho thoát nước.

Mục 2: Cắt khúc

Điều 41: -Trong việc cắt khúc phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sử dụng gỗ:

1. Khi cắt khúc phải tìm mọi cách để sử dụng gỗ đến mức cao nhất. Những cây có thể cắt thành gỗ dài thì tuyệt đối không được cắt thành gỗ ngắn. Những khúc gỗ có thể cắt thành gỗ tạo tác thì tuyệt đối không được làm củi. Phải cắt thế nào để gỗ có giá trị sử dụng cao nhất. Trường hợp cây gỗ cong queo phải tính thật hợp lý mới cắt khúc.

2. Trong khi cắt khúc những đoạn kích thước nhỡ nhàng thừa ra phải vận xuất ra, và có kế hoạch chế biến sử dụng.

3. Các lâm trường, công trường phải dùng cưa để cắt khúc. Ở khu vực sơn tràng, nếu dùng cưa để chặt hạ thì phải cắt khúc bằng cưa.

Điều 42: Phải triệt để tận dụng cành ngọn. Tuỳ điều kiện tiêu thụ, vận xuất, vận chuyển từng nơi, lâm trường đề nghị việc phân loại các khu vực về phương diện tận dụng gỗ trình Tổng Cục lâm nghiệp duyệt ( thông qua Uỷ ban hành chính tỉnh). Mức độ sử dụng cành ngọn trong các khu vực quy định như sau:

1. Ở những vùng gần các trung tâm tiêu thụ chế biến gỗ, phải cắt khúc thành gỗ tạo tác những đoạn cành ngọn có đường kính từ 0m,15 trở lên và dài từ 1m trở lên, quy cách phẩm chất đúng như gỗ tạo tác hạng C đã quy định trong Quyết định số 42–QĐ ngày 9-8-1960 của Tổng Cục lâm nghiệp về phân loại gỗ sử dụng.

2. Ở những vùng tương đối xa các trung tâm tiêu thụ, chế biến gỗ, phải cắt khúc thành gỗ tạo tác:

a) Những cành ngọn dài từ 2m,50 trở lên đường kính từ 0m,30 trở lên, quy cách phẩm chất đúng như gỗ hạng B.

b) Cành ngọn các loại gỗ thiết mộc, hồng sắc, nhất là các loại gỗ xẻ được ván sàn đường kính từ 0m,15 trở lên và dài từ 1m trở lên có thể sử dụng làm ván sàn hoặc đồ mộc, nông cụ. Nếu gỗ có giác lõi khác màu, đường kính chỉ đo ở phần lõi.

c) Cành ngọn gỗ tạp ( nhóm VII và VIII) đúng kích thước và quy cách gỗ tạo tác hạng C sẽ khai thác tuỳ theo yêu cầu của địa phương.

3. Ở những vùng núi hiểm trở, vận xuất vận chuyển khó khăn xa các trung tâm tiêu thụ gỗ, mức độ sử dụng cành ngọn quy định như sau:

a) Cành ngọn dài từ 2m,50 trở lên, đường kính 0m,30 trở lên quy cách phẩm chất đúng theo tiêu chuẩn gỗ hạng B.

b) Cành ngọn đủ tiêu chuẩn làm gỗ tạo tác hạng C sẽ tuỳ theo yêu cầu tại địa phương.

4. Cành ngọn không dùng làm gỗ tạo tác được, phải tận dụng làm củi, đốt than tuỳ theo yêu cầu của kế hoạch và giá cả cho phép.

Điều 43: -Để tiết kiệm gỗ, cần cải tiến lối đẽo bịn.

Những nơi còn phải kéo lết bằng trâu cần phải đẽo bịn thì đầu bịn không được đẽo vào quá 1/2 đường kính của cây và chỉ được đẽo bịn ở một đầu.

Điều 44: -Tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng sơn tràng phải đích thân đến hướng dẫn việc cắt khúc và đích thân chịu trách nhiệm về việc chấp hành chế độ sử dụng gỗ trong khi cắt khúc.

Cán bộ kỹ thuật của lâm trường và hạt, trạm lâm nghiệp có trách nhiệm huấn luyện các tổ trưởng và công nhân về công tác cắt khúc, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.

Mục 3: Vận xuất

Điều 45: -Lao gỗ phải theo những quy định sau đây:

1. -Phải làm đường lao gỗ nhất định. Nếu là đường lao gỗ chủ yếu thì khi làm phải có cán bộ kỹ thuật của lâm trường, công trường hay hạt, trạm lâm nghiệp hướng dẫn.

2. -Khi đi seo bắn gỗ, công nhân phải mang theo đòn seo đã chuẩn bị sẵn. Đòn seo chỉ được chặt ở những nơi đã chỉ định và dưới sự kiểm soát của tổ trưởng; không được chặt phá cây con để làm đòn seo.

Điều 46: -Chỉ được kéo lết ở những nơi dốc nhiều, đường lầy, khai thác hết sức phân tán và chỉ được áp dụng cho các cự ly ngắn không quá một giới hạn sẽ quy định riêng cho từng địa phương.

Những khu vực khai thác tập trung mỗi công mẫu (ha) lấy ra trên 20 mét khối kể cả cành ngọn thì phải mở rộng vận xuất tương đối tốt để có thể sử dụng xe trâu, xe mộc lăn, các phương tiện cải tiến khác. Những đường vận xuất chủ yếu dùng cho nhiều khoảnh khai thác của lâm trường, công trường hoặc chung cho nhiều khu vực khai thác sơn tràng thì nhất thiết phải sửa sang để có thể sử dụng các loại xe vận xuất gỗ cải tiến.

Mục 4: Tập trung gỗ - Bãi gỗ

Điều 47: -Gỗ, củi đã khai thác phải tập trung ở bãi gỗ nhất định và phải:

1. Xếp có thứ tự thành hàng lối để kiểm điểm, thuận tiện cho việc xuất nhập, bốc lên xe hay di chuyển đi nơi khác.

2. Kê gỗ lên đà cách mặt đất ít nhất 20cm đà để kê phải quét thuốc ít nhất là 2 lần.

3. Gổ phải phân loại và xếp riêng từng loại, tối thiểu phải xếp riêng:

a) Gỗ thiết mộc; hồng sắc và tạp mộc.

b) Gỗ vỏ, gỗ lạng.

c) Gỗ có công dụng riêng như gỗ mỏ, gỗ đóng thuyền, gỗ cành ngọn để xẻ ván sàn v.v…

4. Bãi gỗ phải có lối xe vào xe ra cho thuận lợi. Phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để bốc dỡ hoặc di chuyển gỗ như: đòn seo, đà, cầu…

Điều 48: -Gỗ mang tới bãi tập trung phải đo và đánh dấu trước khi vận chuyển đi nơi khác. Trên cây gỗ phải ghi rõ bằng dấu chìm hoặc một phương pháp khác cho rõ ràng và bền lâu những ký hiệu sau đây:

- Số hiệu cây gỗ.

- Tên gỗ.

- Khối lượng.

Ngoài những ký hiệu trên còn có thể ghi thêm: hạng, phẩm chất, công dụng…

Người phụ trách bãi gỗ phải giữ một quyền sổ xuất nhập ghi rõ từng cây gỗ với những ký hiệu như trên. Sổ xuất nhập phải ghi cho cập nhật.

Mục 5: Vận chuyển gỗ

Điều 49: -Phải đặt kế hoạch vận chuyển gỗ cho khớp với kế hoạch khai thác. Trước mùa, thuận lợi cho việc vận chuyển phải chuẩn bị mọi phương tiện và lực lượng để tranh thủ thời vụ. Gỗ không được để ở các bãi tập trung quá một thời hạn là một tháng.

Điều 50: -Tìm mọi biện pháp để vận chuyển bằng đường thuỷ vì cước phí rẻ. Chỉ những trường hợp sau đây mới được vận chuyển bằng đường bộ.

1. Không có điều kiện vận chuyển thuỷ.

2. Sông ngòi bị cạn nên khả năng vận chuyển thuỷ không đảm bảo kế hoạch.

3. Trường hợp đột xuất vì vận chuyển thuỷ mất nhiều thời gian nên không đảm bảo kế hoạch, trường hợp này phải được Tổng Cục lâm nghiệp cho phép.

Trong việc vận chuyển thuỷ phải có kế hoạch cho từng thời vụ. Phải có kế hoạch sản xuất phù liệu cân đối với việc sản xuất gỗ.

Điều 51: Để sử dụng các phương tiện vận chuyển một cách hợp lý; nay quy định những trường hợp được dùng ô-tô hoặc các phương tiện cơ giới để vận chuyển gỗ như sau:

1. Cự ly vận chuyển tối thiểu phải là 10 cây số tính từ bãi gỗ. Nếu có nhiều bãi gỗ trên cùng một tuyến đường thì cự ly tính căn cứ vào cự ly bình quân của các bãi gỗ.

2. Những tuyến đường chủ yếu, thường xuyên ở những nơi khai thác tập trung tuy chưa đạt tiêu chuẩn cự ly 10 cây số, nhưng khối lượng vận chuyển trên tuyến đường đó trong một năm vượt quá 5.000 mét khối.

3. Trường hợp đột xuất cần thoả mãn một yêu cầu cấp bách tuy chưa đạt tiêu chuẩn trên nhưng nếu được Tổng Cục lâm nghiệp cho phép.

Mục 6: Bảo quản gỗ

Điều 52: Các tổ chức khai thác vận chuyển và phân phối gỗ phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ bảo quản gỗ chống mối mọt, mục và nứt nẻ.

1. Nguyên tắc chung là gỗ chặt xong phải đưa ngay ra khỏi rừng và vận chuyển nhanh chóng đến nơi tiêu thụ. Thời hạn tối đa phải mang gỗ ra khỏi rừng đã quy định ở những điều 23 và 36.

Trường hợp vì điều kiện vận chuyển khó khăn phải để gỗ tại bến ngoài trời trong một thời gian thì phải làm những việc bảo quản sau đây:

a) Nếu thời gian để gỗ từ 2 đến 6 tháng.

- Đối với gỗ từ nhóm VI trở lên cần kê cách mặt đất ít nhất là 20cm, bằng đà gỗ, bê tông. Đà để kê gỗ phải quét phải quét thuốc phòng mục tối thiểu là hai lần.

- Đối với gỗ từ nhóm VII trở xuống phải được quét hoặc phun thuốc, hóa chất thích hợp.

b) Nếu thời gian để gỗ từ 6 tháng trở lên tất cả các gỗ đều phải quét hoặc phun hóa chất trừ những gỗ thuộc nhóm II mà phần giác đã lược (lượt) đi chỉ còn lõi. Nếu còn giác cũng phải quét thuốc.

2. Tại các kho dự trữ gỗ cây.

a) Nếu có điều kiện phải ngâm gỗ dưới nước không phân biệt chủng loại gỗ.

b) Trường hợp phải để gỗ trên cạn thì đối với gỗ từ nhóm VI trở lên phải kê đà bằng gỗ đặt trên các móng bằng gạch, bê-tông, đá. Gỗ đà phải tẩm thuốc ít nhất là hai lần. Phải che đậy hai đầu gỗ để khỏi bị nứt nẻ. Đối với gổ từ nhóm VII trở xuống phải phun quét bằng hoá chất thích hợp, đầu gỗ cũng phải che đậy. Gỗ làm đà phải quét hoặc tẩm thuốc hai lần trở lên.

c) Trong thời gian để ở kho nếu thấy cây gỗ nào bị sâu nấm thì phải đưa ra sử dụng ngay để khỏi lan sang cây khác. Việc sắp xếp gỗ trong kho lán phải bố trí để cây nào vào kho trước được đem ra sử dụng trước, tránh tình trạng những cây xếp ở trên được sử dụng trước, những cây ở dưới nằm tại kho hàng năm.

Điều 53: -Các kho bến phải có kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ phương tiện để bảo quản gỗ chống bão lũ.

1. Trong mùa lũ phải để gỗ ở trên bãi cao hơn mức nước cao nhất từ trước tới nay, vận chuyển được đến đâu mới cho dần xuống nước đến đấy.

2. Phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện giữ bè xuôi như: giây song, giây cáp…

3. Trong mùa lũ phải có người thường trực canh gác, phải tổ chức lực lượng xung kích, lực lượng dự bị.

4. Phải xây dựng kho gỗ an toàn ở những nơi cần thiết để tập trung gỗ trong mùa lũ.

Quyết định 603-BLN năm 1963 ban hành quy trình tạm thời về khai thác gỗ của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 603-BLN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/08/1963
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 08/09/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH