Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 58/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002,

Căn cứ Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, Nghị định số 39/CP ngày 05/07/1996 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, Nghị định số 40/CP ngày 05/07/1996 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Thông tư số 25/2003/TT-BTC ngày 28/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông;

Xét đề nghị của Sở Tài chính Vật giá tại tờ trình số 973/TTg-STCVG ngày 22 tháng 04 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản lý và sử dụng các khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/4/2003 - ngày Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ có hiệu lực và thay thế Quyết định số 51/2003/QĐ-UB ngày 23/5/2000 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố Hà Nội; Giám đốc Công an Thành phố Hà nội; Giám đốc các Sở Tài chính Vật giá, Giao thông công chính; Giám đốc Kho bạc nhà nước Hà Nội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, thị trấn thuộc Thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2003/QĐ-UB ngày 12 tháng 05 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân Thành Hà Nội )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản quy định này quy định những nội dung về việc quản lý và sử dụng các khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đường sắt, trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa (Gọi tắt chung là TTATGT) trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Người có thẩm quyền xử phạt, ra quyết định xử phạt, lập biên bản và mức tiền xử phạt cho từng hành vi vi phạm được thực hiện theo đúng quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 2/7/2002; nghị định số 39/CP ngày 05/07/1996 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; Nghị định số 40/CP ngày 05/07/1996 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Thông tư số 25/2003/TT-BTC ngày 28/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Điều 3: Số tiền phạt thu được phải nộp đủ và kịp thời vào ngân sách thành phố qua hệ thống Kho bạc Nhà nuớc Hà Nội.

Điều 4: Phân cấp nhiệm vụ chi từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cho các đơn vị cấp Thành phố, quận, huyện cụ thể.:

1- Công an Thành phố là đầu mối tiếp nhận nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính được Kho bạc Nhà nước Hà Nội trích theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 25/2003/TT-BTC ngày 28/3/2003 của Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo 197 Thành phố được trích từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính cân đối vào dự toán kinh phí hỗ trợ của Công an Thành phố và được tổng hợp vào quyết toán chung của Công an Thành phố.

2- Thanh tra Giao thông công chính thuộc Sở Giao thông công chính là đầu mối tiếp nhận nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính được Kho bạc Nhà nuớc Hà Nội trích theo tỷ lệ quu định tại Thông tư số 25/2003/TT-BTC và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật NSNN.

Nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban ATGT được trích từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính cân đối vào dự toán chi ngân sách của Sở Giao thông công chính và được tổng hợp vào quyết toán chung của Sở Giao thông công chính.

3. Công an quận, huyện (là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 197 các quận, huyện), Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn lập dự toán kinh phí chi cho công tác đảm bảo TTATGT của quận, huyện, phường, thị trấn quản lý gửi Phòng Tài chính Vật giá quận, huyện để tổng hợp dự toán kinh phí báo cáo Uỷ ban nhân dân quận, huyện phê duyệt và được quyết toán vào ngân sách quận, huyện.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRONG VIỆC QUẢN LÝ NGUỒN THU, PHÂN BỔ SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN CÁC KHOẢN THU – CHI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 39/CP, 40/CP,15/CP

Điều 5: Số thu từ xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là nguồn thu của ngân sách nhà nước được để lại cho ngân sách thành phố quản lý và sử dụng phải nộp đủ, kịp thời vào ngân sách qua hệ thống Kho Bạc nhà nước các cấp (Việc thu tiền phạt tại chỗ được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính) và được phân chia theo tỷ lệ sau:

Trích 30% số thu phạt trực tiếp vào tài khoản của Công an Thành phố.

Trích 12% số thu phạt trực tiếp vào tài khoản của Thanh tra Giao thông công chính thuộc Sở Giao thông công chính.

Trích 58% số thu phạt còn lại nộp vào Ngân sách Thành phố để điều hành tập trung theo quy định.

Điều 6: Sử dụng nguồn tiền thu phạt cho công tác đảm bảo TTATGT và chống ùn tắc giao thông:

1- 30% trích cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn, được chi theo nội dung:

Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm TTATGT (Khoảng 20% đến 30% trên tổng số kinh phí được trích).

Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông.

Chi bồi dưỡng cho lực lượng Công an toàn Thành phố (Thành phố, quận, huyện, phường, thị trấn) trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT.

Chi đào tạo, tập huấn, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng cho công tác bảo đảm TTATGT.

Chi sửa chữa phương tiện, xăng dầu phục vụ tuần tra kiểm soát.

Chi khác phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.

Việc sử dụng kinh phí phải thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quản lý tài chính hiện hành.

2. 12% trích cho lực lượng Thanh tra giao thông, được chi theo nội dung:

Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm TTATGT (Khoảng 20% - 30% trên tổng số kinh phí được trích).

Tuyên truyến, phổ biến hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông.

Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT (Bao gồm cả lực lượng Thanh tra giao thông TW đặt tại địa bàn).

Chi đào tạo, tập huấn, sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm TTATGT.

Chi sửa chữa phương tiện, xăng dầu phục vụ tuần tra kiểm soát.

Chi khác phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.

Việc sử dụng kinh phí phải thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quản lý tài chính hiện hành.

3. 58% trích điều tiết chung vào Ngân sách Thành phố để chi cho các lực lượng sau:

2% trích cho Kho bạc Nhà nuớc Hà Nội thực hiện việc tổ chức thu tiền phạt, nội dung:

Chi thực hiện việc thu tiền phạt.

Chi cho cơ quan được Kho bạc Nhà nước Hà Nội uỷ quyền thu phạt theo quy định.

Chi in ấn, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác thu tiền phạt.

Chi khác phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.

16% trích cho Ban An toàn giao thông và Ban chỉ đạo 197 của Thành phố bao gồm:

Chi bộ máy hoạt động của Ban An toàn giao thông và Ban chỉ đạo 197.

Chi hoạt động, kiểm tra liên ngành của Ban An toàn giao thông và Ban chỉ đạo 197.

Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền TTATGT.

Chi tổ chức đào tạo các nghiệp vụ về an toàn giao thông cho các đối tượng trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông của địa phương.

Chi sơ kết, tổng kết công tác giữ gìn TTATGT.

Khoản trích này được coi là nguồn cân đối chi của Ngân sách Thành phố: trường hợp thực hiện nhiệm vụ chung của Thành phố mà nguồn trích 16% không đảm bảo, ngân sách Thành phố sẽ được bổ sung dự toán.

10% trích cho quận, huyện, phường, thị trấn để bồi dưỡng trích cho các lực lượng truch tiếp tham gia trên địa bàn.

30% tổng số thu được cân đối chung vào Ngân sách Thành phố để điều hoà bổ sung kinh phí cho công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn Thành phố và các nội dung sau:

Tăng cường trang thiết bị về phương tiện đặc biệt cho lực lượng Thanh tra Giao thông công chính theo đề án được Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Chi bồi dưỡng cho các lực lượng khác huy động tham gia công tác giữ gìn TTATGT.

Một số nhiệm vụ đặc thù trong đảm bảo TTATGT được Uỷ ban nhân dân Thành phố giao.

Điều 7: Mức chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm các Nghị định về đảm bảo TTATGT của Chính phủ (Bồi dưỡng ngoài giờ, bồi dưỡng làm đêm, công tác phí) cụ thể như sau:

Lực lượng Công an trực tiếp tham gia công tác đảm bảo TTATGT: Mức chi không quá 300.000 đ/người/ tháng.

Lực lượng thanh tra giao thông: Mức chi không quá 3.000.000 đ/người/ tháng.

Các lực lượng không chuyên trách (ngoài lực lượng Công an, Thanh tra giao thông công chính) trực tiếp tham gia phố hợp giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở địa bàn các quận, huyện, phường, thị trấn: Mức chi không quá 10.000 đ/người/ngày.

Tổng kinh phí để thực hiện mức chi trên không được vượt quá tỷ lệ (%) nguồn thu phân bổ cho các đơn vị quy định tại Điều 6 của bản quy định này. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chung của Thành phố mà nguồn trích không bảo đảm, Ngân sách Thành phố sẽ xem xét bổ sung dự toán.

Điều 8: Quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí từ tiền thu phạt.

1. Lập dự toán và duyệt dự toán.

Hàng năm, Sở Giao thông công chính (Ban An toàn giao thông), Công an Thành phố (Ban Chỉ đạo 197) được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông căn cứ nội dung được chi ghi tại Điều 6 và mức chi ghi tại Điều 7 lập dự toán kinh phí của đơn vị mình gửi Sở Tài chính Vật giá để tổng hợp và thẩm tra trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định cùng với dự toán ngân sách hàng năm.

Tại quận, huyện các đơn vị được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông (Công an quận, huyện là thường trực Ban Chỉ đạo 197 quân, huyện; UBND phường, thị trấn) căn cứ vào chế độ và nhiệm vụ hoạt động lập dự toán gửi phòng Tài chính Vật giá quận, huyện để tổng hợp, thẩm tra trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện quyết định cùng với dự toán ngân sách hàng năm..

Riêng Kho bạc Nhà nước Hà Nội lập dự toán gửi Sở Tài chính Vật giá để thẩm tra phê duyệt dự toán theo điều 4.4 của quy định này để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân Thành phố.

2. Đinh kỳ 5 ngày, Kho bạc Nhà nước Hà Nội tạm trích chuyển vào tài khoản của Công an Thành phố, Thanh tra Giao thông công chính (Sở Giao thông công chính) số tiền thu phạt được để lại theo tỷ lện phân chia quy định tại Điều 5. Đến ngày 5 tháng sau khi xác định chính thức số thực thu Kho bạc Nhà nước sẽ trích đủ theo quy định.;

3. Vào ngày 5 hàng tháng, Kho bạc Nhà nước Hà Nội có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Tài chính Vật giá về tổng số thực thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vự TTATGT của tháng trước. Số trích cho Công an Thành phố và Thanh tra Giao thông công chính; số nộp vào Ngân sách Thành phố (Theo đúng các tỷ lệ quy định tại Điều 5).

4. Sở Tài chính Vật giá căn cứ vào số thực thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT và dự toán được duyệt hàng năm của Kho bạc Nhà nước Thành phố, Ban ATGT (Sở GTCC), Ban chỉ đạo 197 (Công an Thành phố) để cấp kinh phí cho các đơn vị theo quy định.

5. Riêng kinh phí chi về chế độ đối với lực lựong không chuyên trách, chi hoạt động chỉ đạo kiểm tra về giữ gìn TTATGT của cấp quận, huyện, phường, thị trấn Ngân sách Thành phố bổ sung vào cân đối chi của Ngân sách quận, huyện; Uỷ ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo Phòng Tài chính Vật giá cấp phát kinh phí cho các đơn vị và các phường, thị trấn quyết toán vào Ngân sách quận, huyện.

6. Cấp phát kinh phí:

Căn cứ để trích và cấp phát kinh phí:

Dự toán năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Uỷ ban nhân dân Thành phố đối với Ban An toàn giao thông, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố; Uỷ ban nhân dân quân, huyện đối với các đơn vị thuộc quận, huyện).

Các chế độ, định mức do Bộ Tài chính quy định và mức chi do Uỷ ban nhân dân Thành phố quy định tại quy định này.

Số thực thu được về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực TTATGT đã nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Hàng quý, căn cứ vào số tiền phạt thu được và dự toán được duyệt, Sở Tài chính Vật giá cấp phát kịp thời kinh phí cho các đơn vị thuộc Thành phố. Đơn vị quận, huyện Phòng Tài chính Vật giá cấp kinh phí cho hoạt động chỉ đạo và bồi dưỡng cho các đơn vị trực tiếp tham gia giữ gìn TTATGT theo mức chi Uỷ ban nhân dân Thành phố quy định.

Số tiền phân bổ cho các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông quy định tại Điều 6 là mức kinh phí được trích tối đa. Số tiền thu phạt sử dụng không hết trong năm được chuyển sang năm sau để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT và cho việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Trường hợp Kho bạc Nhà nước trích thừa cho Công an thành phố và Thanh tra giao thông, sau khi quyết toán sẽ được giảm trừ vào dự toán năm sau. Trường hợp Kho bạc Nhà nước trích thiếu cho Công an Thành phố và Thanh tra giao thông công chính, sau khi quyết toán sẽ được cấp bù vào dự toán năm sau.

Quyết toán:

Sở Tài chính Vật giá và Kho bạc Nhà nước Hà Nội đối chiếu tổng hợp các nguồn thu tiền phạt đã nộp vào ngân sách Thành phố và báo cáo quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Các đơn vị được thụ hưởng tiên thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT chịu trách nhiệm quyết toán theo đúng quy định của Luật NSNN (các đơn vị thuộc Thành phố; các đơn vị thuộc quận, huyện quyết toán với Phòng Tài chính Vật giá đồng gửi Ban ATTGT Thành phố; các đơn vị thuộc quận, huyện quyết toán với Phòng Tài chính Vật giá quận, huyện.). Phòng Tài chính Vật giá tổng hợp quyết toán gửi Sở Tài chính Vật giá.

Sở Tài chính Vật giá tổng hợp báo cáo quyết toán chung trên địa bàn Thành phố để báo cáo với Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Tài chính theo đúng quy định của Luật NSNN.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9: Phân công trách nhiệm:

1. Công an Thành phố là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 197 của Thành phò có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố trong việc triển khai các kế hoạch thường xuyên, đột xuất, điều hành lực lượng Công an Thành phố trực tếp tham gia vào các nhiệm vụ giữ gìn TTATGT và xử lý các vụ vi phạm hành chính theo các Nghị đinh về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Chính phủ.

2. Sở Giao thông công chính là cơ quan thường trực ban An toàn giao thông Thành phố có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố trong việc triển khai các kế hoạch thường xuyên, đột xuất về TTATGT và điều hành các lực lượng Thanh tra Giao thông công chính trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ xử lý các vụ vi phạm theo Nghị định 39/CP, 40/CP và 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các Phương, thị trấn bố trí các lực lượng tham gia phố hợp xử lý vi phạm TTATG trên địa bàn quận, huyện quản lý.

4. Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm tổng hợp nguồn thu phạt được nộp vào ngân sách Thành phố qua hệ thống Kho bạc và nhu cầu chi cho các hoạt động phục vụ trật tự an toàn giao thông của Ban An toàn giao thông, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận huyện, Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Căn cứ vào số tiền thu phạt thực nộp ngân sách nhà nước và dự toán được duyệt hàng năm để thực hiện cấp phát, quản lý, quyết toán theo chế độ quy định.

5. Cục Thuế Thành phố Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kịp thời và quản lý biên lai thu tiền phạt (Theo mẫu quy định của Bộ Tài chính).

6. Hệ thống Kho bạc Nhà nước từ Thành phố đến quận, huyện có trách nhiệm bố trí các điểm thu phạt hợp lý, tạo điều kiện cho các đối tượng nộp phạt và ngân sách nhà nước kịp thời, thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản số thu tiền phạt hàng quý cho Sở Tài chính Vật giá tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố theo quy định.

Điều 10. Tổ chức thực hiện:

Giám đốc Công an Thành phố; Giám đốc Sở Giao thông công chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc bản quy định này và tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động giữ gìn TTATGT trên địa bàn đạt hiệu quả.

Sở Tài chính Vật giá, Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Phòng Tài chính Vật giá và Kho bạc Nhà nước các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và cấp phát kinh phí ngân sách từ tiền thu phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cho các lực lượng của địa phương tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông theo quy định; Hướng dẫn các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, chống các biểu hiện tiêu cực và quyết toán theo đúng nội dung của quy định này./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 58/2003/QĐ-UB về Quy định quản lý và sử dụng khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 58/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/05/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Văn Nghiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản