Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 568/TCHQ/QĐ/TCCB

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC PHÒNG THUỘC CỤC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

- Căn Cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001; 
- Căn cứ Nghị định số 96/200/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
- Căn cứ Quyết định số 16/2003/QĐ-BTC ngày 10/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra sau thông quan trực thuộc Tổng cục Hải quan;
- Xét đề nghị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Túc

 

QUY ĐỊNH

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC PHÒNG THUỘC CỤC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN
(Ban hành kèm theo quyết định số 568/TCHQ/QĐ/TCCB ngày 21/04/2003 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

A- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

I- PHÒNG KẾ HOẠCH TỔNG HỢP

1- Giúp Cục trưởng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực kiểm tra sau thông quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Dự thảo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác kiểm tra sau thông quan của Cục

2- Xây dựng kế hoạch công tác chung của Cục, lập và theo dõi việc thực hiện kế hoạch kiểm tra sau thông quan sau khi được phê duyệt.

3- Tham mưu, đề xuất với Cục trưởng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Cục Hải quan tỉnh, thành phố về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan.

4- Tổng hợp, phân tích thông tin có liên quan ở trong và ngoài ngành Hải quan, trong và ngoài nước để phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan của Cục và của Cục Hải quan địa phương.

5- Tham mưu giúp Cục trưởng giải quyết các khiếu nại vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan theo thẩm quyền.

6- Chuẩn bị các nội dung giúp Cục trưởng sơ kết, tổng kết, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan của Cục và của ngành theo quy định. Thực hiện lưu trữ, bảo mật hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra sau thông quan của Cục.

7- Quản lý cán bộ công chức và tài sản đuợc giao. Thực hiện công tác hành chính, quản lý kinh phí hoạt động của Cục và công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định.

8- Giúp Cục trưởng đề xuất với Lãnh đạo Tổng cục tổ chức thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về kiểm tra sau thông quan.

9- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Cục trưởng giao.

II- PHÒNG NGHIỆP VỤ 1, 2 VÀ 3:

1- Địa bàn hoạt động:

a- Phòng nghiệp vụ 1: Quản lý công tác kiểm tra sau thông quan tại các tỉnh khư vực phía Bắc từ Quảng Bình trở ra phía Bắc

b- Phòng nghiệp vụ 2: Quản lý công tác kiểm tra sau thông quan tại các tỉnh khu vực miền Trung từ Quảng Trị đến Khánh Hoà và Tây Nguyên.

c- Phòng nghiệp vụ 3: Quản lý công tác kiểm tra sau thông quan tại các tỉnh khu vực phía Nam

2- Nhiệm vụ

a- Giúp Cục trưởng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các biện pháp quản lý, quy trình nghiệp vụ về lĩnh vực kiểm tra sau thông quan.

b- Đề xuất biện pháp giúp Cục trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan.

c- Theo dõi, tổng hợp thông tin có liên quan về lĩnh vực công tác được giao, đề xuất, lập kế hoạch kiểm tra sau thông quan trong phạm vi địa bàn phân công.

d- Tổ chức kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch được duyệt và đúng quy định của pháp luật.

đ- Đề xuất các hình thức, biện pháp xử lý vi phạm hành chính về kiểm tra sau thông quan; tham gia đề xuất giải quyết khiếu nại vi phạm hành chính về kiểm tra sau thông quan thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng.

e- Đề xuất, kiến nghị với Cục trưởng những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về chính sách, chế độ và cải tiến biện pháp quản lý, quy trình nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan.

g- Tổng hợp, thống kê, đánh giá tình hình và kết quả công tác kiểm tra sau thông quan của Phòng. Bảo mật hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác của Phòng.

h- Quản lý cán bộ, công chức và tài sản được giao.

i- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Cục trưởng giao.

B- CƠ CẤU TỔ CHỨC

1- Các Phòng thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có Trưởng phòng và một số Phó trưởng phòng.

Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về toàn bộ hoạt động của Phòng. Phó trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công.

2- Biên chế và bố trí cán bộ trong từng Phòng thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan do Cục Trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thống nhất với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt.

C- MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

1- Chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan.

2- Giữa các Phòng thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

3- Với Phòng kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố (thuộc địa bàn được giao quản lý) là quan hệ phối hợp công tác.

4- Phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở ngoài ngành Hải quan theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 568/TCHQ/QĐ/TCCB năm 2003 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 568/TCHQ/QĐ/TCCB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/04/2003
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/04/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản