Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 562/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 11 tháng 04 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHƯƠNG ÁN TRỒNG HOA HAI BÊN ĐƯỜNG LIÊN XÃ, LIÊN THÔN TẠO CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 52/TTr-SNN ngày 27 tháng 3 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện phương án trồng hoa hai bên đường liên xã, liên thôn tạo cảnh quan môi trường nông thôn; với những nội dung chính sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Tạo phong trào tự chủ, tự giác của các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện chỉnh trang lề đường, khuôn viên trồng hoa, cây hoa xây dựng cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp đảm bảo bền vững, an toàn; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nông thôn.

2. Yêu cầu:

- Chọn tuyến đường phù hợp trồng hoa, cây hoa đúng vị trí, kích thước, phải đảm bảo được kết cấu đường, không được phá vỡ nền đường ảnh hưởng đến kết cấu.

- Lựa chọn loại hoa trồng đa dạng, đảm bảo phù hợp theo vị trí từng nơi, có tính thích nghi thời tiết, khí hậu nắng nóng khô hạn mùa hè, chịu rét mùa đông, ít sâu bệnh, dễ trồng và dễ chăm sóc.

- Không xây bờ bao bên lề đường để trồng hoa làm ảnh hưởng đến thoát nước mặt đường và an toàn của người dân tham gia giao thông.

- Thực hiện việc phân giao nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ theo từng tuyến đường, vị trí cụ thể trên địa bàn.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH NĂM 2018

1. Chỉ tiêu kế hoạch năm 2018:

- Đối với huyện Kim Bảng và Duy Tiên: Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm của tất cả các xã, thị trấn đã thực hiện kế hoạch trồng hoa năm 2017. Xây dựng kế hoạch dặm, tỉa, trồng lại đối với diện tích đã chết và đảm bảo duy trì tốt công tác quản lý, chăm sóc hoa sau trồng, đồng thời triển khai thực hiện trồng các vị trí mới theo quy hoạch.

- Đối với Thành phố Phủ Lý và các huyện còn lại phát động kế hoạch thực hiện đồng loạt tại các địa phương tùy theo kế hoạch, trong đó tập trung tại các khu vực trung tâm; cơ quan; trường học; trạm xá; nhà văn hóa xã, thôn xóm.

- Mỗi huyện, thành phố phấn đấu ít nhất trồng được 30.000m2 cây hoa các loại trên địa bàn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp nông thôn.

2. Lựa chọn tuyến đường, địa điểm trồng hoa, cây cảnh:

- Tập trung lựa chọn thực hiện tại các tuyến đường đã hoàn thiện xong và có hè đường, thuộc các khu vực trung tâm công cộng, cơ quan, công sở, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn xóm, khu dân cư.... Các đoạn đường không có cây bóng mát, cây ăn quả, nền đường có thể cải tạo dễ dàng để trồng hoa, cây cảnh và có nguồn nước tưới, chăm sóc thuận lợi.

- Đối với các điểm công cộng, cơ quan, công sở: thực hiện việc trồng hoa trong khuôn viên các cơ quan, công sở, trường học.

3. Lựa chọn các giống hoa:

Không nhất thiết trồng một loại hoa, đa dạng các loại hoa trong đó tập trung 3 loại chính như sau:

- Các loại hoa, cây trồng làm thảm: gồm cây lạc cảnh, hoa mười giờ, cây hoa sam, cây cỏ lá tre,...

- Các loại hoa, cây trồng làm nền, hàng viền: gồm cây hoa chuỗi ngọc, chiều tím, cây hoa ngũ sắc, cây xương rồng bát tiên,...

- Các loại hoa, cây trồng làm điểm nhấn: gồm cây hoa dâm bụt, cây hoa giấy, cây hoa mẫu đơn...

4. Tiến độ triển khai thực hiện:

- Từ ngày 05/4 - 15/4/2018, UBND các huyện và thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó lựa chọn cụ thể các tuyến đường, vị trí, diện tích và loại hoa trồng. Tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xong trước 11/4/2018.

- Từ ngày 16/4 - 20/4/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp Kế hoạch phát động trồng hoa của các huyện, thành phố. Phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng địa phương.

- Từ 21/4/2018 các cấp, các ngành, đoàn thể phát động phong trào trồng hoa chung sức xây dựng nông thôn mới. Chủ thể là người dân, lấy đoàn viên, hội viên của các hội, đoàn thể làm nòng cốt.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền:

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện, thành phố, đài phát thanh xã, phường, thị trấn về chủ trương phát động phong trào trồng hoa tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Khuyến khích việc xã hội hóa nguồn kinh phí trong quá trình thực hiện.

- Các cấp ủy, chính quyền vào cuộc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể trên địa bàn; coi đây là một chỉ tiêu đánh giá thi đua, khen thưởng cuối năm.

- Các tổ chức hội, đoàn thể chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia trồng và chăm sóc hoa, chung sức xây dựng nông thôn mới.

2. Cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh:

- Cơ chế hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư, sau khi có kết quả nghiệm thu cuối năm 2018, trong đó:

+ Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, theo thực tế kết quả triển khai thực hiện, nghiệm thu sau khi trồng 1 tháng, đảm bảo cây sống. Kinh phí hỗ trợ giống tính theo định mức đối với từng cây hoa trồng/m2.

+ Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức hội nghị, tập huấn, kiểm tra, nghiệm thu.

- Định mức hỗ trợ:

STT

Loài cây

Mật độ trồng (kg, cây/m2)

Dự kiến giá giống/m2, cây

Định mức hỗ trợ giống (đ/m2, cây)

I

Những loại cây hoa làm thảm, viền

 

 

 

1

Cây cỏ lạc

50 cây

40.000

20.000

2

Cây hoa mười giờ

2,0 kg

20.000

10.000

3

Cây hoa Sam Nhật

2,0 kg

20.000

10.000

4

Cây chiều tím

50 cây

50.000

25.000

5

Chuỗi ngọc, dâm xanh, cẩm tú mai

50 cây

50.000

25.000

6

Cây hoa ngũ sắc thái

20 cây

120.000

60.000

7

Cây hoa xương rồng bát tiên

25 cây

50.000

25.000

8

Cây lá đỏ

50 cây

60.000

30.000

9

Một số loại cây khác

50 cây

50.000

25.000

I

Những loại cây hoa trồng điểm

 

 

 

1

Cây hoa đơn, dâm bụt, hoa giấy

cây

30.000-60.000

15.000-30.000

Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh.

3. Dự toán kinh phí thực hiện: 37.399,6 triệu đồng (Ba mươi bảy tỷ ba trăm chín mươi chín triệu sáu trăm nghìn đồng), trong đó:

- Kinh phí mua giống: 12.750,0 triệu đồng.

- Kinh phí hội nghị, tập huấn, kiểm tra, nghiệm thu: 149,6 triệu đồng.

- Kinh phí chi phí sản xuất: 24.500,0 triệu đồng.

- 100% công lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ giao cho các hội, đoàn thể, thôn xóm, các cơ quan, công sở, trường học, hộ gia đình trong khu dân cư.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan thường trực, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch trên địa bàn.

- Phối hợp Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam xây dựng, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc một số loại cây hoa chủ yếu.

- Chủ trì liên hệ với đơn vị cung ứng giống hoa, cây cảnh (nếu các đơn vị có nhu cầu đăng ký), ký hợp đồng mua bán đảm bảo chất lượng giống hoa, cây hoa.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loại giống hoa, cây hoa trồng đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, báo cáo kết quả hàng tháng, hàng quý; tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

- Chủ trì đoàn thẩm định kết quả thực hiện của UBND các huyện, thành phố gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch; Đồng thời hướng dẫn sử dụng, thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ.

3. Sở Giao thông vận tải; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cụ thể, thành lập Tổ công tác chỉ đạo trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

5. Các tổ chức chính trị xã hội: Tuyên truyền, vận động các cấp hội, đoàn thể; hội viên, đoàn viên trên từng địa bàn tích cực tham gia phong trào trồng hoa chung sức xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể chính trị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như điều 2;
- Lưu VT, NN.
C-NN/2018

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Minh Hiến

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 562/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt kế hoạch thực hiện phương án trồng hoa hai bên đường liên xã, liên thôn tạo cảnh quan môi trường nông thôn do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 562/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Trương Minh Hiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản