Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 56/2007/QĐ-UBND

Tam kỳ, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 36/2005/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1189/TTr-SGTVT ngày 26 tháng 10 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành theo Quyết định này Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các Sở, ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- VP Chính phủ, Bộ GTVT (b/c);
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TTTU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- CPVP;
- Lưu VT, TH, KTTH, KTN.
(D:\HUNG\Giao thong\VBPLUAT\QD 12. Quy dinh quan ly du an ha tang GT duong bo.doc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56 /2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này quy định việc tổ chức quản lý và phân công trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Quảng Nam phải tuân thủ quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 3. Các hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh là một phần trong mạng lưới giao thông liên hoàn do Nhà nước thống nhất quản lý, không phân biệt đường bộ được xây dựng bằng nguồn vốn nào.

Điều 4. Việc sử dụng, khai thác và xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không được ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình đường bộ.

Điều 5. Cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ là tổ chức được cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm quản lý nhà nước về đường bộ trên địa bàn;

Đơn vị trực tiếp quản lý khai thác và bảo trì đường bộ là các tổ chức kinh tế, xã hội được Cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ giao nhiệm vụ thực hiện các công việc cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ.

Chương II

PHÂN LOẠI, ĐẶT TÊN, SỐ HIỆU VÀ QUẢN LÝ DỮ LIỆU ĐƯỜNG BỘ

Điều 6.

1. Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh, ngoài hệ thống quốc lộ do Trung ương quản lý, còn lại được chia thành 6 hệ thống đường sau:

a. Hệ thống đường tỉnh (ĐT);

b. Hệ thống đường huyện (ĐH);

c. Hệ thống đường xã (ĐX);

d. Hệ thống đường đô thị;

e. Hệ thống đường chuyên dùng;

Việc phân loại 5 hệ thống đường nêu trên được quy định tại các mục 2, 3, 4, 5 và mục 6 của Điều 5 Nghị định số 186/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

f. Hệ thống đường dân sinh: Là các đường nối từ trung tâm thôn đến các khu dân cư, các hộ gia đình, đường kiệt, hẽm trong các khu đô thị và đường nối ra đồng ruộng, các khu vực sản xuất.

2. Thẩm quyền phân loại, điều chỉnh các hệ thống đường bộ và đặt tên, số hiệu đường bộ thực hiện theo quy định tài điều 6, 7 của Nghị định số 186/204/NĐ-CP của Chính phủ;

Đối với hệ thống đường dân sinh do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

Điều 7. Quy định về đặt tên hoặc số hiệu đường bộ:

1. Đường tỉnh được đặt số hiệu theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và thống nhất trên toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có các đường tỉnh được đặt số hiệu từ ĐT603 đến ĐT620, trong đó ĐT là ký hiệu của đường tỉnh, 603 - 620 là số hiệu đường.

Trường hợp số lượng đường tỉnh tăng lên theo sự phát triển sẽ bổ sung thêm các chỉ số phụ a, b, c ... sau các số hiệu trên.

2. Hệ thống đường huyện được đặt số hiệu thống nhất trên toàn tỉnh gồm có chữ ĐH.x.y. Trong đó ĐH là ký hiệu cho đường huyện, x là số thứ tự từ 1 đến 99, y là chữ cái viết tắt của tên huyện (ví dụ: ĐH9.ĐB là tuyến đường ĐH số 9 tại huyện Điện Bàn).

3. Hệ thống đường xã được đặt tên theo địa danh hoặc tập quán bằng cách thêm chữ ĐX phía trước. (ví dụ: ĐX. QL1A - Đồng Nghệ);

4. Đối với các tuyến đường đô thị, đường chuyên dùng: Trình tự phân loại, đặt tên và số hiệu theo quy định tại Quyết định số 36/2005/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2006 của Bộ Giao thông Vận tải.

5. Hệ thống đường dân sinh được đặt tên theo tên địa danh hoặc tập quán (ví dụ: Đường Hoà Thuận);

Điều 8. Quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ.

Cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có trách nhiệm điều tra, khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu về đường bộ trên địa bàn phục vụ cho công tác quản lý và đầu tư phát triển. Cơ sở dữ liệu đường bộ bao gồm: Danh mục đường giao thông, chiều dài, kết cấu, năm xây dựng, tải trọng khai thác, chất lượng hiện tại và các nội dung khác, được lập và chỉnh lý hàng năm theo phụ lục 1 và 2 kèm theo Quy định này.

Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương xây dựng, chỉnh lý cơ sở dữ liệu hàng năm và tổng hợp để quản lý dữ liệu chung toàn tỉnh.

Cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ phải có hồ sơ quản lý riêng cho từng công trình gồm bản vẽ hoàn công; các biên bản kiểm tra, kiểm định công trình; hồ sơ về sửa chữa, nâng cấp ...

Điều 9. Định kỳ hàng năm cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có trách nhiệm tổng hợp, thống kê các thay đổi về cơ sở hạ tầng do mình quản lý báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, mẫu báo cáo như phụ lục 4, 5 kèm theo Quy định này.

Chương III

NỘI DUNG QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 10. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khi công trình được đưa vào sử dụng để đảm bảo khai thác có hiệu quả và kéo dài tuổi thọ công trình, gồm các hoạt động: Quản lý hành lang an toàn đường bộ; quản lý tải trọng, phương tiện lưu hành; kiểm tra, đánh giá hiện trạng kỹ thuật và tổ chức công tác bảo trì, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất.

1- Quản lý hành lang an toàn đường bộ:

Đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ. Trong trường hợp cần thiết có thể cho phép xây dựng một số công trình thiết yếu như sau:

a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng;

b) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ;

c) Công trình phải bố trí trên cùng một mặt bằng với công trình đường bộ để bảo đảm tính đồng bộ và tiết kiệm.

Khi xây dựng các công trình trong phạm vi đất và không gian dành cho hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm khai thác an toàn công trình đường bộ và phải được cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ đồng ý trong bước lập dự án đầu tư.

Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ phải có giấy phép thi công của cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có thẩm quyền.

Hành lang an toàn đường bộ thực hiện theo quy định tại các điều từ 13 đến 22 của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với đường dân sinh và các công trình, hạng mục khác, hành lang an toàn được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thi công thực hiện theo các quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và hướng dẫn thực hiện chi tiết tại phụ lục 6 kèm theo Quy định này.

2- Quản lý tải trọng, phương tiện lưu hành:

Không cho phép lưu thông các phương tiện có tổng tải trọng vượt tải trọng cho phép của cầu, đường. Tải trọng cho phép lưu thông được xác định theo tải trọng thiết kế hoặc theo kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng công trình và do cơ quan có thẩm quyền công bố.

Trường hợp cần thiết do vận chuyển những loại hàng hoá không thể tháo rời được, phương tiện có thể lưu thông vượt tải trọng cho phép của cầu, đường nhưng phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu chủ phương tiện thực hiện những biện pháp gia cố để tăng tải trọng cầu, đường trước khi lưu hành để đảm bảo an toàn công trình.

Việc cấp giấy phép lưu hành cho phương tiện quá khổ, quá tải trọng thực hiện theo các quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và hướng dẫn thực hiện chi tiết tại phụ lục 7 kèm theo Quy định này.

Thủ tục giải quyết, cấp giấy phép lưu hành đặc biệt phải hoàn thành trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp phải gia cố cầu, đường thì giải quyết theo trình tự vận chuyển hàng hoá siêu trường, siêu trọng. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm hướng dẫn về thủ tục và trình tự giải quyết cấp phép vận chuyển siêu trường, siêu trọng.

3- Kiểm tra, đánh giá hiện trạng kỹ thuật và tổ chức bảo trì:

a) Việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng kỹ thuật đường bộ phải được tổ chức định kỳ tối thiểu một năm một lần. Kết quả kiểm tra, đánh giá được lập theo phụ lục 3 kèm theo Quy định này và được lưu vào hồ sơ quản lý.

b) Công tác bảo trì đường bộ gồm có công tác sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ.

Sửa chữa thường xuyên bao gồm những công việc: Khơi thông cống rãnh; phát tuyến; đắp đất bù phụ nền, lề đường; sơn sửa cọc tiêu, biển báo; vá ổ gà, khắc phục hư hỏng để đảm bảo giao thông bước 1 khi có thiên tai và các sửa chữa nhỏ khác.

Sửa chữa định kỳ là sửa chữa những hư hỏng cục bộ có khối lượng tập trung như sửa chữa mặt đường từng đoạn ngắn, bổ sung các công trình kè, tường chắn, khắc phục hư hỏng do thiên tai để kiên cố hoá công trình...

c) Cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có trách nhiệm tổ chức bảo trì đường bộ hàng năm. Đơn vị trực tiếp quản lý khai thác và bảo trì đường bộ có thể là các tổ chức kinh tế có chức năng, ngành nghề kinh doanh phù hợp theo quy định, do cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ lựa chọn và điều hành thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy định hành chính phù hợp với quy định của pháp luật. Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác bảo trì theo các quy định.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 11. Tổ chức và phân cấp quản lý đường bộ:

1. Sở Giao thông Vận tải là đơn vị quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường huyện, đường đô thị trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức quản lý và bảo trì hệ thống đường xã.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý hệ thống đường dân sinh.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác đường chuyên dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ.

6. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) tự tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ trong giai đoạn khai thác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

7. Thẩm quyền công bố tải trọng cầu đường và cấp giấy phép lưu hành đặc biệt:

Đối với hệ thống đường tỉnh: UBND tỉnh công bố tải trọng, Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ, quá tải cầu, đường.

Đối với hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường dân sinh trong các đô thị: UBND cấp huyện công bố tải trọng, cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ cấp giấy phép cho xe quá khổ, quá tải cầu, đường, giải quyết thủ tục cấp phép vận chuyển siêu trường, siêu trọng.

Ủy ban nhân dân cấp xã công bố tải trọng đối với hệ thống đường dân sinh ở khu vực nông thôn và giải quyết các trường hợp lưu hành quá khổ, quá tải cầu, đường.

Điều 12. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm:

1. Trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

2. Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, bảo vệ công trình đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh;

3. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh; hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì đường bộ thuộc địa phương quản lý;

4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

5. Phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

6. Xây dựng kế hoạch, tổ chức, kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch hoạ.

7. Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong việc đề xuất bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ, phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, địch hoạ gây ra đối với hệ thống đường bộ;

8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

Điều 13. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn cho ngành giao thông và các địa phương liên quan thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ hàng năm. Khi thẩm định các dự án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ đúng các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 14. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; hướng dẫn quản lý quy hoạch xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ

Điều 15. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND cấp huyện xây dựng quy định về cấp phát và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông để quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm sử dụng đúng mục đích.

Điều 16. Các Chủ đầu tư khi lập quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình có ảnh hưởng đến an toàn các công trình đường bộ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ phải xem xét và trả lời bằng văn bản trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Chủ đầu tư.

Điều 17. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các quy định về phạm vi đất dành cho an toàn các công trình đường bộ trên địa bàn.

3. Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

4. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ. Huy động lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khôi phục giao thông khi có sự cố hư hỏng, ách tắc xảy ra.

5. Cấp, thu hồi giấy phép thi công trên đường bộ theo phân cấp.

6. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường dân sinh trên địa bàn và các loại đường khác theo phân cấp của UBND cấp huyện.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn.

3. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ, bảo vệ các cột mốc lộ giới.

4. Quản lý việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

5. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi có sự cố hư hỏng xảy ra.

6. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện, tố giác và ngăn chặn hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường bộ, hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, được khen thưởng theo đúng quy định của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 56/2007/QĐ-UBND về Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu: 56/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Đức Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 13/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản