- 1Thông tư liên tịch 37/2001/TTLT-BKHCNMT-TCHQ hướng dẫn thủ tục hải quan và kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng do Bộ Khoa học công nghệ và môi trường - Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Quyết định 1257/2001/QĐ-TCHQ ban hành tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, giấy thông báo thuế và quyết định điều chỉnh thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Quyết định 1200/2001/QĐ-TCHQ quy định chế độ quản lý, sử dụng các dấu nghiệp vụ hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/2003/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2003 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001-QH10 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Bãi bỏ Quyết định số 1494/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001, Điều 3 Quyết định số 19/2002/QĐ-TCHQ ngày 10/01/2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn khác trái với quy định tại Quyết định này.
Điều 3: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trương Chí Trung (Đã ký) |
VỀ HỒ SƠ HẢI QUAN, QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO HỢP ĐỒNG MUA BÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
1. Để tránh trùng lặp, những nội dung đã quy định rõ, cụ thể tại Luật Hải quan, Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan thì Quy định này không nhắc lại. Khi thực hiện Quy định này phải đối chiếu với Luật Hải quan và Nghị định 101/2001/NĐ-CP nêu trên.
2. Quy trình thủ tục hải quan quy định tại Phần III, Phần IV Quy định này là quy trình cơ bản áp dụng cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán. Đối với lô hàng được miễn kiểm tra thực tế, hàng có thuế suất bằng 0%, hàng thuộc đối tượng miễn thuế thì được phép giảm bớt một số bước trong quy trình cơ bản này. ở cửa khẩu có lượng hàng hoá xuất nhập khẩu không nhiều, để tránh lãng phí nhân lực, một công chức hải quan có thể kiêm nhiệm 2 - 3 khâu nghiệp vụ trong quy trình này.
3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Quy định này. Trực tiếp phụ trách quy trình thủ tục hải quan là một Lãnh đạo Chi cục để quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá và giải quyết tại chỗ các vướng mắc phát sinh và các vấn đề vượt thẩm quyền của công chức thừa hành.
4. Tại các bước đăng ký tờ khai, kiểm tra tính thuế, mỗi bước được giao cho một công chức hải quan thực hiện và chịu trách nhiệm, không phân chia thành các khâu, các việc nhỏ do nhiều người thực hiện nhằm hạn chế tối đa hồ sơ hải quan phải luân chuyển qua nhiều công chức hải quan. Đội trưởng Đội thủ tục trực tiếp điều hành các bước trong quy trình. Các bước kiểm tra thực tế hàng hoá, kiểm tra tính thuế do một Lãnh đạo Đội trực tiếp điều hành công việc và thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại Điểm 6 dưới đây. Lãnh đạo Đội không làm thay các việc mà công chức thừa hành làm trực tiếp đã thực hiện. Trong quá trình điều hành công việc, nếu phát hiện công chức hải quan làm trực tiếp tại các khâu nghiệp vụ có sai sót, sai phạm thì Lãnh đạo Đội phải kịp thời ngăn chặn và báo cáo ngay Lãnh đạo Chi cục trực tiếp phụ trách quy trình giải quyết. Đối với Chi cục Hải quan không có cấp Đội, thì Lãnh đạo Chi cục trực tiếp điều hành các bước trong quy trình.
5. Công chức hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện việc đăng ký tờ khai, kiểm tra thực tế hàng hoá, kiểm tra tính thuế lô hàng nào phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình đối với lô hàng đó, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo Lãnh đạo trực tiếp để giải quyết.
6. Lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan là lô hàng đã được Lãnh đạo Chi cục hoặc Lãnh đạo Đội xác nhận và đóng dấu nghiệp vụ "Đã làm thủ tục hải quan" vào ô số 38 tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu (mẫu HQ2002 NK ban hành kèm theo Quyết định số 1257/2001/QĐ-TCHQ ngày 28/12/2001), ô số 26 tờ khai hàng hoá xuất khẩu (mẫu HQ2002 XK ban hành kèm theo Quyết định số 1257/2001/QĐ-TCHQ ngày 28/12/2001).
Việc xác nhận đã làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hoá được quy định như sau:
a) Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế nhưng có thuế suất bằng 0%, hoặc thuộc đối tượng miễn thuế thì sau khi hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hoá, Lãnh đạo Đội trực tiếp điều hành tại khâu kiểm tra thực tế hàng hoá thực hiện;
b) Đối với lô hàng thuộc đối tượng miễn thuế, hàng có thuế suất 0% và được miễn kiểm tra thực tế thì do Lãnh đạo Chi cục phụ trách quy trình thực hiện ngay sau khi quyết định miễn kiểm tra;
c) Đối với lô hàng có thuế thì do Lãnh đạo Đội trực tiếp điều hành tại khâu kiểm tra tính thuế thực hiện.
Việc quyết định thông quan đối với hàng hoá phi mậu dịch xuất nhập khẩu cũng thực hiện theo quy định tại điểm này.
7. Qui định về cách ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá trên tờ khai hải quan:
Việc ghi kết quả kiểm tra thực tế trên tờ khai hải quan phải rõ ràng, cụ thể, đủ thông tin để công chức kiểm tra tính thuế có thể kiểm tra ngay được việc tự tính thuế của người khai hải quan mà không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm chứng từ hay doanh nghiệp và kiểm hoá viên phải giải thích thêm.
a. Trước khi ghi cụ thể kết quả kiểm tra, kiểm hoá viên bắt buộc phải ghi vào tờ khai những nội dung sau:
- Tỷ lệ kiểm tra (bao nhiêu phần trăm);
- Quy cách đóng gói: Hàng đồng nhất hay không đồng nhất (ghi cụ thể toàn bộ lô hàng là đồng nhất hay không, hoặc theo khai của người khai hải quan thì có mấy kiện, mỗi loại bao nhiêu kiện...);
- Tình trạng niêm phong (nếu có) và bao bì (ví dụ: Niêm phong có còn nguyên vẹn không, tình trạng bao bì như thế nào...).
b. Cách ghi kết quả kiểm tra:
- Nếu hàng được miễn kiểm tra thì ghi: "Hàng hoá được thông quan theo nội dung khai của người khai hải quan";
- Nếu căn cứ kết quả giám định của tổ chức giám định/kết quả kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì ghi:" căn cứ chứng thư giám định/Giấy xác nhận kết quả kiểm tra số...ngày...do...cấp" và ghi lại kết luận của tổ chức giám định/cơ quan kiểm tra Nhà nước vào tờ khai hải quan; bộ phận hải quan nào quyết đinh thông quan thì bộ phận đó ghi những kết quả này vào tờ khai hải quan.
c. Hàng phải kiểm tra xác suất:
- Nếu kiểm tra cả con-ten-nơ thì ghi rõ số con-ten-nơ, số niêm phong, kẹp chì của con-ten-nơ đã kiểm tra. Nếu chỉ kiểm tra một số kiện trong con-ten-nơ thì ghi rõ số các kiện đã kiểm tra, vị trí của kiện trong con-ten-nơ (ví dụ: phía ngoài, phía trong, bên phải, bên trái... của con-ten-nơ) và ký mã hiệu của từng kiện. Trường hợp kiện hàng không có ký mã hiệu, không phân biệt được các kiện với nhau thì phải niêm phong hoặc đánh dấu những kiện đã kiểm tra. Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố quy định hình thức đánh dấu để áp dụng cho đơn vị mình;
- Nếu là hàng rời phải ghi rõ là hàng rời, vị trí của phần hàng đã kiểm tra (ví dụ kiểm phần hàng phía trong, phía ngoài, bên trên, bên dưới...);
- Nếu hàng hoá đóng gói đồng nhất thì chọn kiểm tra những kiện bất kỳ hoặc những kiện có nghi vấn. Nếu các kiện không đồng nhất thì lựa chọn các kiện đại diện cho từng loại kiện hoặc những kiện có nghi vấn để kiểm tra, nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ kiểm tra;
- Nếu kiểm tra tỷ lệ % nhưng hàng hoá là nguyên chiếc (ví dụ 01 xe ô tô) thì kiểm tra nguyên chiếc. Nếu tỷ lệ phần trăm của số hàng là số lẻ thì làm tròn số để kiểm tra (ví dụ 3% của 50 kiện là 1,5 kiện thì làm tròn là 02 kiện để kiểm tra);
- Trong quá trình kiểm tra, nếu kiểm hoá viên xét thấy phải thay đổi tỷ lệ kiểm tra mới đảm bảo tính đại diện cao cho cả lô hàng thì báo cáo Chi cục trưởng để thay đổi tỷ lệ kiểm tra. Việc thay đổi tỷ lệ kiểm tra và lý do thay đổi phải được ghi rõ trong tờ khai hải quan;
- Khi quyết định hình thức và tỷ lệ kiểm tra, nếu đã có thông tin nghi vấn về con-ten-nơ, kiện hàng, phần hàng cụ thể thì Chi cục trưởng có thể quyết định cụ thể những con-ten-nơ, những kiện hàng hoặc phần hàng mà kiểm hóa viên phải kiểm tra. Việc quyết định này phải được thể hiện đầy đủ trên tờ khai hải quan.
Đối với các lô hàng kiểm tra xác suất, kiểm hoá viên phải chịu trách nhiệm về số hàng đã kiểm tra, phần còn lại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Việc kiểm tra xác suất phải có tính đại diện cao cho cả lô hàng. Vì vậy, Lãnh đạo Chi cục và kiểm hoá viên phải nêu cao trách nhiệm, sử dụng có hiệu quả tất cả các thông tin, kinh nghiệm có được và rất nhạy bén trong việc quyết định hình thức, tỷ lệ, biện pháp, cách thức kiểm tra.
- Ghi kết luận về thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:
+ Nếu số hàng được kiểm tra xác suất đúng như khai của người khai hải quan thì ghi:"Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế các kiện hàng nói trên, kết luận:Hàng xuất khẩu/nhập khẩu đã kiểm tra xác suất đúng như khai báo";
+ Nếu số hàng được kiểm tra xác suất khác so với khai của người khai hải quan thì thực hiện kiểm tra toàn bộ lô hàng. Khi ghi kết quả kiểm tra phải ghi cụ thể tên (mã số) mặt hàng, lượng hàng, xuất xứ, chất lượng... hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (sai nội dung gì thì ghi nội dung ấy). Những mặt hàng khác đúng như khai của người khai hải quan thì ghi "Các mặt hàng khác xuất khẩu/ nhập khẩu đúng như khai báo".
d. Hàng được kiểm tra toàn bộ:
- Nếu kết quả kiểm tra đúng như khai báo của chủ hàng thì ghi:"Hàng xuất khẩu/ nhập khẩu đúng khai báo";
- Nếu số hàng đã được kiểm tra khác so với khai của người khai hải quan thì ghi cụ thể tên (mã số) mặt hàng, lượng hàng, xuất xứ, chất lượng... hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (sai nội dung gì thì ghi nội dung ấy). Những mặt hàng khác đúng như khai của người khai hải quan thì ghi "Các mặt hàng khác xuất khẩu/nhập khẩu đúng như khai báo".
8. Hàng hoá nhập khẩu phải lấy mẫu, lưu mẫu trong các trường hợp sau:
a) Khi người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan, Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập quyết định việc cho người khai hải quan xem hàng trước và lấy mẫu trên cơ sở đơn đề nghị của người khai hải quan.
b) Hàng gia công, hàng thuộc diện bắt buộc phải lấy mẫu theo quy định;
c) Khi hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra thực tế, nhưng công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hoá không xác định được chất lượng và mã số hàng hoá phải lấy mẫu để phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định. Việc lấy mẫu được thực hiện như sau:
c.1. Đối với trường hợp phân tích, phân loại hoặc giám định chỉ để xác định số thuế phải nộp, nếu chủ hàng cam kết thực hiện theo quyết định của cơ quan Hải quan thì, sau khi đã lấy mẫu theo quy định, Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định việc giải phóng hàng mà không phải chờ kết quả giám định. Việc cam kết này phải được chủ hàng ký, ghi rõ họ tên vào ô số 31 tờ khai nhập khẩu HQ/2002-NK, hoặc ô số 22 tờ khai xuất khẩu HQ/2002-XK, là:"Hàng chờ kết quả giám định để xác định số thuế phải nộp, cam kết thực hiện theo quyết định của cơ quan Hải quan". Hải quan trả cho người khai hải quan 01 tờ khai hải quan (chưa xác nhận"Đã làm thủ tục hải quan") để làm chứng từ xuất trình cho các cơ quan chức năng khác trên đường vận chuyển. Cơ quan Hải quan chỉ xác nhận thông quan vào tờ khai hải quan khi có kết quả phân tích, phân loại, giám định chính thức;
c.2. Đối với trường hợp phân tích, phân loại hoặc giám định để xác định xem hàng hoá có được nhập khẩu/xuất khẩu không thì, sau khi đã lấy mẫu theo quy định, Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định việc cho phép chủ hàng được đưa hàng về bảo quản nếu hàng hoá đáp ứng được yêu cầu giám sát của Hải quan (cụ thể là niêm phong). Hàng hoá phải được niêm phong hải quan đưa về nơi bảo quản và chỉ được thông quan khi có kết quả phân tích, phân loại, giám định;
c.3. Đối với những mặt hàng mà Hải quan không thể xác định bằng kiểm tra thủ công, nhưng lại là mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu thường xuyên để phục vụ cho sản xuất của chính doanh nghiệp đó (ví dụ như hoá chất trong sản xuất da giầy, mỹ phẩm, xà phòng...) và các lần nhập khẩu trước đã được giám định, kết quả giám định đã được cơ quan Hải quan chấp nhận, thì những lần nhập khẩu sau (trong thời hạn 6 tháng tiếp theo) cơ quan Hải quan không yêu cầu phải giám định. Để tránh lợi dụng, Lãnh đạo Chi cục Hải quan yêu cầu doanh nghiệp có văn bản cam kết mặt hàng nhập khẩu đúng là mặt hàng nhập khẩu trước đã được giám định và khi xét thấy cần thiết có thể quyết định việc kiểm tra và trưng cầu giám định đột xuất;
c.4. Đối với các mặt hàng nhập khẩu có yêu cầu về kiểm tra chất lượng nhà nước: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 37/2001/TTLT/ BKHCNMT-TCHQ ngày 28/06/2001 của Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường và Tổng cục Hải quan.
d) Khi người khai hải quan không đồng ý với kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá thì người khai hải quan được phép lấy mẫu hàng hóa để giám định.
e) Việc lấy mẫu, lưu mẫu thực hiện theo quy định hiện hành.
9. Công chức hải quan có trách nhiệm hướng dẫn người khai hải quan làm thủ tục hải quan và các nội dung có liên quan theo đúng quy định.
10. Việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại Quy định này phải gắn liền với nghiệp vụ kiểm soát, giám sát hải quan và kiểm tra sau thông quan.
11. Quy trình này phải gắn với việc áp dụng công nghệ thông tin. Các Chi cục Hải quan áp dụng tin học trong làm thủ tục hải quan phải sử dụng hệ thống công nghệ thông tin đa chức năng của Tổng cục Hải quan.
II. QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN:
Khi làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan phải nộp hồ sơ hải quan tại trụ sở Chi cục Hải quan và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ hải quan và tính chính xác của các nội dung kê khai trong tờ khai hải quan.
1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu:
a) Chứng từ phải nộp:
- Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu: 02 bản chính;
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị tương đương hợp đồng: 01 bản sao;
- Hoá đơn thương mại (nếu hàng thuộc đối tượng chịu thuế): 01 bản chính.
b) Chứng từ phải nộp thêm đối với các trường hợp sau đây:
- Bản kê chi tiết hàng hóa (đối với hàng hóa đóng gói không đồng nhất): 02 bản chính;
- Văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đối với mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện): 01 bản chính (nếu xuất khẩu một lần);
Trường hợp văn bản này được sử dụng xuất khẩu nhiều lần thì nộp bản sao, xuất trình bản chính. Chi cục Hải quan làm thủ tục lần đầu cấp phiếu theo dõi trừ lùi, đóng dấu nghiệp vụ số 02 (ban hnàh kèm theo Quyết định số 1200/2001/QĐ-TCHQ ngày 23/11/2001) vào bản chính văn bản cho phép và ghi: "Đã cấp phiếu theo dõi trừ lùi, ngày, tháng, năm". Bản chính trả chủ hàng và bản sao lưu Hải quan.
- Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu (nếu nhận uỷ thác xuất khẩu): 01 bản sao.
c) Chứng từ phải xuất trình:
- Giấy chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: 01 bản (bản sao hoặc bản chính).
2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu:
a) Chứng từ phải nộp:
- Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu: 02 bản chính;
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị tương đương hợp đồng: 01 bản sao;
- Hoá đơn thương mại: 01 bản chính;
- Vận tải đơn: 01 Bản sao chụp từ các bản original (bản gốc) hoặc bản surrendered (vận đơn giao hàng tại cảng) hoặc Bản chính của các bản vận tải đơn có ghi chữ copy (bản sao).
b) Chứng từ phải nộp thêm đối với các trường hợp sau đây:
- Bản kê chi tiết hàng hóa (đối với hàng hóa đóng gói không đồng nhất): 01 bản chính và 1 bản sao;
- Tờ khai trị giá hàng nhập khẩu (đối với trường hợp quy định hàng thuộc diện phải khai tờ khai trị giá): 2 bản chính;
- Văn bản cho phép nhập khẩu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện): 01 bản chính (nếu nhập khẩu một lần);
Trường hợp văn bản này được sử dụng nhập khẩu nhiều lần thì nộp bản sao, xuất trình bản chính. Chi cục Hải quan làm thủ tục lần đầu cấp phiếu theo dõi trừ lùi, đóng dấu nghiệp vụ số 02 02 (ban hnàh kèm theo Quyết định số 1200/2001/QĐ-TCHQ ngày 23/11/2001) vào bản chính văn bản cho phép và ghi: "Đã cấp phiếu theo dõi trừ lùi, ngày, tháng, năm." Bản chính trả chủ hàng và bản sao lưu Hải quan.
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) (đối với trường hợp quy định phải nộp): 01 bản chính;
- Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (nếu nhận uỷ thác nhập khẩu): 01 bản sao;
- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa hoặc Thông báo miễn kiểm tra do cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng cấp (đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng): 01 bản chính;
- Giấy đăng ký kiểm dịch do cơ quan kiểm dịch cấp (đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải kiểm dịch): 01 bản chính.
- Khi làm thủ tục cho hàng hoá nhập khẩu qua cảng biển, người khai hải quan phải nộp thêm Lệnh giao hàng (D/O). Trường hợp lô hàng do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục thì người khai hải quan có thể nộp D/O cho Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan hoặc cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng.
c) Chứng từ phải xuất trình:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản (bản sao hoặc bản chính);
- Giấy chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: 01 bản (bản sao hoặc bản chính).
3. Quy định khác về các chứng từ trong hồ sơ hải quan:
a) Quy định về chứng từ được nộp chậm, bổ sung, thay thế, sửa chữa chứng từ, hồ sơ chờ kết quả giám định thực hiện theo quy định tại Điểm 2 Điều 7 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, các chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
b) Các chứng từ trong hồ sơ hải quan nếu quy định là bản sao thì Giám đốc hoặc Phó Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp xác nhận sao y bản chính, ký tên, đóng dấu lên các chứng từ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các chứng từ đó.
III. QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG XUẤT KHẨU THEO HỢP ĐỒNG MUA BÁN:
Bước 1: Tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan và quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa.
1. Nhiệm vụ của công chức hải quan tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan:
Việc tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan cho 01 lô hàng do 01 công chức hải quan thực hiện và chịu trách nhiệm làm đầy đủ các công việc sau đây:
a) Kiểm tra sự đồng bộ và đầy đủ của hồ sơ hải quan theo quy định. Trường hợp không chấp nhận đăng ký hồ sơ hải quan thì phải báo cáo Lãnh đạo trực tiếp và sau đó thông báo lý do cho người khai hải quan biết;
b) Kiểm tra việc kê khai theo nội dung yêu cầu trên tờ khai hải quan, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, sự phù hợp của nội dung khai hải quan với chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;
c) Đối chiếu chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu với lô hàng xuất khẩu;
d) Nhập dữ liệu của tờ khai hải quan vào máy vi tính và đăng ký tờ khai hải quan;
e) Chuyển hồ sơ hải quan cho Lãnh đạo Chi cục;
f) Lập biên bản vi phạm (nếu có) và:
- Đề xuất xử lý đối với hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng; hoặc:
- Hoàn chỉnh hồ sơ để Lãnh đạo Chi cục báo cáo cấp trên xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng.
g) Ra thông báo thuế theo số thuế tự tính, tự kê khai của người khai hải quan đối với các trường hợp sau:
- Hàng miễn kiểm tra thực tế;
- Hàng chuyển cửa khẩu.
2. Nhiệm vụ của Lãnh đạo Chi Cục phụ trách quy trình thủ tục hàng xuất khẩu:
a) Quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa;
b) Xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng; hoặc xác nhận vào hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính báo cáo cấp trên đối với trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng (nếu có);
c) Ký xác nhận đã làm thủ tục hải quan và thông quan đối với trường hợp quy định tại Điểm 6.(b) phần I; hoặc:
Chuyển hồ sơ cho bộ phận làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa, tính thuế (đối với trường hợp hàng xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế và phải kiểm tra thực tế);
d) Giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền của công chức hải quan cấp dưới.
Bước 2: Kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra tính thuế.
Bước này do một Lãnh đạo Đội phụ trách. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa và kiểm tra tính thuế do 02 công chức hải quan cùng thực hiện (không phân biệt mỗi người làm một việc). Các công chức thực hiện nhiệm vụ ở Bước 2 này phải làm đầy đủ và chịu trách nhiệm về các công việc sau đây:
a) Đối với lô hàng phải kiểm tra: Kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định hiện hành và quyết định của Lãnh đạo Chi cục về hình thức và tỷ lệ kiểm tra; xác nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá vào tờ khai hải quan;
b) Đối với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế: Kiểm tra việc tự tính thuế của người khai hải quan; đối chiếu nội dung tự kê khai, tự tính thuế của người khai hải quan với kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá (nếu có) và chính sách về thuế, giá; quyết định điều chỉnh số thuế phải nộp (nếu có); Ra thông báo thuế hoặc Biên lai thu thuế. Việc thông báo thuế thực hiện như sau:
- Hàng đã có kết quả kiểm tra thực tế (thông báo thuế theo kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá);
- Hàng chờ kết quả phân tích, phân loại hoặc giám định làm cơ sở để tính thuế (Thông báo thuế trên cơ sở số thuế tự tính, tự kê khai của người khai hải quan);
- Hàng chưa thông quan được trong ngày (Thông báo thuế trên cơ sở số thuế tự tính, tự kê khai của người khai hải quan).
c) Chuyển hồ sơ hải quan cho Lãnh đạo Đội trực tiếp điều hành khâu kiểm tra thực tế hàng hoá, kiểm tra tính thuế để ký xác nhận lô hàng đã làm thủ tục hải quan;
d) Đối với lô hàng phải lập biên bản vi phạm thì:
- Đề xuất xử lý đối với hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng; hoặc:
- Hoàn chỉnh hồ sơ để Lãnh đạo Chi cục báo cáo cấp trên xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng.
e) Nhập dữ liệu về kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá và tính thuế vào máy vi tính;
f) Đóng dấu nghiệp vụ "Đã làm thủ tục hải quan" vào tờ khai hàng hoá xuất khẩu và trả cho chủ hàng;
g) Chuyển hồ sơ cho đội kế toán thuế và phúc tập hồ sơ hải quan.
(Xem sơ đồ 1 qui trình thủ tục hải quan đối với một lô hàng xuất khẩu theo hợp đồng mua bán).
IV. QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU THEO HỢP ĐỒNG MUA BÁN:
Bước 1: Tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan và quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa.
1. Nhiệm vụ của công chức hải quan tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan:
Việc tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan cho 01 lô hàng do 01 công chức hải quan thực hiện và chịu trách nhiệm làm đầy đủ các công việc sau đây:
a) Kiểm tra danh sách doanh nghiệp phải cưỡng chế làm thủ tục hải quan;
b) Các công việc được quy định tại điểm 1 Bước 1 Phần III (từ điểm a đến điểm f).
2. Nhiệm vụ của Lãnh đạo Chi Cục phụ trách quy trình thủ tục nhập khẩu:
a) Quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa;
b) Xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng; hoặc xác nhận vào hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính báo cáo cấp trên đối với trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng (nếu có);
c) Giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền của công chức hải quan cấp dưới;
d) Ký xác nhận đã làm thủ tục hải quan và thông quan đối với trường hợp quy định tại Điểm 6.(b) phần I; hoặc chuyển hồ sơ hải quan cho Bước 2 đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế; hoặc chuyển hồ sơ hải quan cho Bước 3 đối với lô hàng miễn kiểm tra thực tế.
Bước 2: Kiểm tra thực tế hàng hóa.
Bước này do một Lãnh đạo Đội phụ trách. Việc kiểm tra hàng hoá phải do ít nhất hai công chức hải quan thực hiện và chịu trách nhiệm về các công việc sau đây:
a) Kiểm tra thực tế hàng hoá theo quy định và quyết định của Lãnh đạo Chi cục;
b) Xác nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá vào tờ khai hải quan;
c) Đối với lô hàng phải lập biên bản vi phạm thì:
- Đề xuất xử lý đối với hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng; hoặc:
- Hoàn chỉnh hồ sơ để lãnh đạo Chi cục báo cáo cấp trên xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng.
d) Nhập dữ liệu về kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá vào máy vi tính;
e) Chuyển hồ sơ cho khâu nghiệp vụ tiếp theo như sau:
- Chuyển cho Bước 3 đối với lô hàng có thuế, có lệ phí hải quan để công chức hải quan kiểm tra việc tính thuế của chủ hàng;
- Chuyển cho Lãnh đạo Đội trực tiếp điều hành khâu kiểm tra thực tế hàng hoá đối với lô hàng không thuế để xác nhận đã làm thủ tục hải quan và thông quan theo quy định tại Điểm 6.(a) phần I và trả tờ khai hải quan cho chủ hàng;
- Chuyển cho lãnh đạo Chi cục phụ trách qui trình giải quyết các trường hợp nêu tại điểm 2.(b),(c) Bước 1 Phần IV.
Bước 3: Kiểm tra tính thuế.
Bước này do một Lãnh đạo Đội phụ trách. Việc kiểm tra tính thuế cho một lô hàng do một công chức thực hiện (trừ việc thu tiền do thủ quỹ thực hiện). Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra tính thuế phải thực hiện đầy đủ và chịu trách nhiệm đối với các công việc sau đây:
a) Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, kết quả tự tính thuế của người khai hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) để kiểm tra xác định số thuế phải nộp của lô hàng; Viết biên lai lệ phí hải quan; Ra thông báo thuế hoặc biên lai thu thuế. Việc thông báo thuế thực hiện như quy định tại bước 2 Phần III trên đây.
b) Chuyển biên lai thu thuế và biên lai lệ phí cho thủ quỹ;
c) Nhập dữ liệu vào máy vi tính;
d) Chuyển hồ sơ cho Lãnh đạo Đội trực tiếp điều hành khâu kiểm tra tính thuế để xác nhận đã làm thủ tục hải quan và thông quan theo quy định tại điểm 6.(c) Phần I và trả tờ khai hải quan cho chủ hàng;
e) Chuyển hồ sơ hải quan cho Đội kế toán thuế và phúc tập hồ sơ hải quan.
(Xem sơ đồ 2 quy trình thủ tục hải quan đối với một lô hàng nhập khẩu theo hợp đồng mua bán).
- 1Thông tư 112/2005/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn số 5671/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Thuế về việc triển khai thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK thương mại
- 3Quyết định 31/2006/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2005 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 199/1999/QĐ-TCHQ về Quy chế kiểm tra sau giải phóng hàng do Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Thông tư 06/2000/TT-TCHQ hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6Quyết định 1494/2001/QĐ-TCHQ quy định tạm thời thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 7Quyết định 145/2003/QĐ-BTC sửa đổi bản quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu kèm theo Quyết định 53/2003/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 8Thông tư 92/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc ưu đãi thuế cho các Dự án nhà máy điện Uông Bí mở rộng và Dự án nhà máy điện Cà Mau do Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 112/2005/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 31/2006/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2005 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 1494/2001/QĐ-TCHQ quy định tạm thời thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Quyết định 19/2002/QĐ-TCHQ sửa đổi các Quyết định: 1200/2001/QĐ-TCHQ;1257/2001/QĐ-TCHQ; 1494/2001/QĐ-TCHQ; 1495/2001/QĐ-TCHQ; 1548, 1549, 1550, 1557/2001/QĐ-TCHQ về chế độ quản lý, sử dụng các dấu nghiệp vụ hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Công văn số 5671/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Thuế về việc triển khai thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK thương mại
- 2Quyết định 199/1999/QĐ-TCHQ về Quy chế kiểm tra sau giải phóng hàng do Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Thông tư 06/2000/TT-TCHQ hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Thông tư liên tịch 37/2001/TTLT-BKHCNMT-TCHQ hướng dẫn thủ tục hải quan và kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng do Bộ Khoa học công nghệ và môi trường - Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Luật Hải quan 2001
- 6Quyết định 1257/2001/QĐ-TCHQ ban hành tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, giấy thông báo thuế và quyết định điều chỉnh thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 7Nghị định 101/2001/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan
- 8Quyết định 1200/2001/QĐ-TCHQ quy định chế độ quản lý, sử dụng các dấu nghiệp vụ hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 9Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
- 10Quyết định 145/2003/QĐ-BTC sửa đổi bản quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu kèm theo Quyết định 53/2003/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 11Thông tư 92/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc ưu đãi thuế cho các Dự án nhà máy điện Uông Bí mở rộng và Dự án nhà máy điện Cà Mau do Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 56/2003/QĐ-BTC quy định về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 56/2003/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/04/2003
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trương Chí Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 39
- Ngày hiệu lực: 01/06/2003
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực