Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 557/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 30 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ RAU, QUẢ AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 ngày 26 tháng 7 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015 và Văn bản số 1087/TT-CCN ngày 29/8/2008 của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 312/TT-SNN ngày 09/3/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2009 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
Như điều 3;
- Bộ NN và PTNT;
- TV Tỉnh ủy; B/c
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Lưu VT, NN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ RAU, QUẢ AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

Căn cứ Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015 và Công văn số 1087/TT-CCN ngày 29/8/2008 của Cục Trồng trọt về việc triển khai Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả an toàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2009 - 2015 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2015 xây dựng được vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả an toàn tập trung của tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi Việt Nam (VietGAP), nhằm góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2010

- Quy hoạch được các vùng sản xuất rau có tổng diện tích khoảng 120 ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tập trung, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

- Trên cơ sở diện tích đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng được một số cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng rau, quả an toàn tập trung.

- Áp dụng Quy trình VietGAP vào vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung, tối thiểu 20% diện tích rau, quả tại các vùng được quy hoạch đáp ứng được yêu cầu sản xuất an toàn theo VietGAP. 40% số hộ sản xuất rau trong vùng quy hoạch là thành viên của tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau, quả an toàn.

- Rau, quả được sản xuất trên vùng đã quy hoạch phải được chứng nhận, công bố chất lượng. Tối thiểu 30% tổng sản phẩm rau, quả được chứng nhận và công bố sản xuất, chế biến theo VietGAP.

- Hỗ trợ rà soát và xây dựng mới một số điểm bán buôn, cửa hàng bán rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu đến năm 2015

- 100% diện tích rau, quả tại các vùng được quy hoạch đáp ứng được yêu cầu sản xuất an toàn theo VietGAP; các hộ sản xuất rau, quả trong vùng quy hoạch là thành viên của tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau, quả an toàn.

- 100% tổng sản phẩm rau, quả sản xuất trong vùng quy hoạch được chứng nhận và công bố sản xuất và chế biến theo quy trình sản xuất an toàn theo VietGAP.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho vùng rau, quả an toàn tập trung được quy hoạch.

- Hoàn thiện được hệ thống chợ đầu mối, cửa hàng bán rau, quả an toàn.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung

- Điều tra cơ bản, khảo sát, xác định vùng có đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu sản xuất rau, quả an toàn theo VietGAP; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả ở vùng quy hoạch.

- Đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ sở hạ tầng: Giao thông, kênh mương tưới, tiêu, trạm bơm, điện hạ thế... cho vùng rau, quả an toàn đã được quy hoạch.

- Triển khai tập huấn Quy trình VietGAP, xây dựng, tổng kết và nhân rộng mô hình sản xuất trên vùng rau, quả đã được quy hoạch.

- Hỗ trợ việc đánh giá, chứng nhận và công bố vùng sản xuất rau, quả an toàn và sản phẩm an toàn phù hợp VietGAP.

- Hỗ trợ rà soát, xây dựng mới các chợ bán buôn, cửa hàng bán rau, quả an toàn, kho bảo quản rau, quả và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả an toàn.

- Xây dựng thương hiệu cho vùng rau, quả an toàn.

- Thành lập bộ phận quản lý, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, chế biến rau, quả an toàn.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, quả an toàn trong giai đoạn đầu.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Về quy hoạch

- Các huyện và thành phố Đồng Hới phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra, khảo sát, xác định vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tập trung. Quy hoạch diện tích sản xuất rau an toàn từ 20 - 25 ha đối với các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và từ 10 - 15 ha đối với các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và thành phố Đồng Hới. Tiêu chuẩn mỗi vùng sản xuất rau an toàn tập trung phải có diện tích từ 1 ha trở lên và được trồng rau từ 9 tháng/năm trở lên.

2.2.Về kỹ thuật

- Hoàn thiện Quy trình VietGAP phù hợp với điều kiện sản xuất rau, quả ở Quảng Bình.

- Xây dựng mô hình sản xuất rau, quả an toàn điển hình theo VietGAP; đào tạo khuyến nông viên, cán bộ làm công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất rau, quả an toàn cấp xã, phường, thị trấn tập huấn cho nông dân sản xuất rau, quả an toàn theo Quy trình VietGAP. Triển khai nhân rộng mô hình trên toàn vùng rau, quả được quy hoạch.

- Tổ chức chứng nhận vùng sản xuất rau, quả an toàn, công bố chất lượng sản phẩm rau, quả an theo tiêu chuẩn VietGAP.

2.3. Về thông tin tuyên truyền

- Tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức sản xuất và sử dụng sản phẩm rau, quả an toàn; giới thiệu kỹ thuật sản xuất rau, quả an toàn.

- Thông tin tác hại của các loại rau, quả bị nhiễm bẩn, lợi ích của việc sử dụng rau, quả an toàn; tình hình sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn.

- Vận động, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả ở vùng quy hoạch.

2.4. Về chính sách

- Khuyến khích, hỗ trợ cho người sử dụng đất thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, cho thuê, chuyển nhượng, tích tụ đất đai hình thành vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung.

- Trên cơ sở vùng sản xuất rau, quả an toàn đã được quy hoạch tiến hành hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm: Cải tạo hoặc làm mới đường giao thông, kênh mương tưới, tiêu....

- Hỗ trợ xây dựng các chợ bán buôn, cửa hàng bán lẻ, kho bảo quản và xúc tiến thương mại.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

* Năm 2009

- Các huyện và thành phố điều tra, khảo sát, xác định vùng đủ điều kiện sản xuất rau, quả an toàn.

- Tập huấn kiến thức về rau, quả an toàn cho các hộ sản xuất nằm trong vùng quy hoạch và khuyến nông viên của tất cả các xã trong toàn tỉnh, đặc biệt là các xã nằm trong vùng quy hoạch.

- Hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả an toàn trong vùng quy hoạch.

- Lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng rau, quả an toàn.

* Năm 2010

- Các huyện, thành phố hoàn thành công tác quy hoạch vùng rau an toàn.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng rau, quả an toàn.

- Tiếp tục tập huấn cho các hộ sản xuất rau an toàn, thực hiện các mô hình sản xuất rau an toàn.

- Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả ở vùng quy hoạch.

- Hỗ trợ nông dân sản xuất, nhân rộng mô hình rau, quả an toàn.

- Xây dựng vùng sản xuất rau, quả an toàn theo VietGAP.

- Lập kế hoạch hỗ trợ xây dựng chợ bán buôn và các cửa hàng bán rau, quả an toàn.

* Năm 2011

- Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng rau, quả an toàn.

- Tiếp tục tập huấn cho nông dân, thực hiện mô hình sản xuất rau, quả an toàn.

- Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả ở vùng quy hoạch.

- Tiếp tục hỗ trợ nông sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả an toàn.

- Hỗ trợ xây dựng các cửa hàng bán rau, quả an toàn.

* Năm 2012

- Hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng rau, quả an toàn.

- Tiếp tục tập huấn cho nông dân, thực hiện mô hình sản xuất rau, quả an toàn.

- Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả ở vùng quy hoạch.

- Tiếp tục hỗ trợ xây dựng chợ bán buôn và cửa hàng bán rau, quả an toàn.

- Hỗ trợ kinh phí xác định lại vùng đủ điều kiện sản xuất rau, quả an toàn.

* Năm 2013 - 2015

- Hoàn thành tập huấn kiến thức về rau quả an toàn cho nông dân, thực hiện mô hình sản xuất rau, quả an toàn ở những địa phương có nhu cầu.

- Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả ở vùng quy hoạch.

- Tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất rau, quả an toàn.

- Hoàn thành xây dựng vùng rau, quả an toàn theo VietGAP ở các vùng đã quy hoạch.

- Hoàn thành xây dựng hệ thống cửa hàng bán rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Khái toán kinh phí

Tổng kinh phí dự toán: 12.000.000.000 đ (Mười hai tỷ đồng). Trong đó:

- Quy hoạch vùng RAT: 500.000.000 đ

- Xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng RAT: 5.000.000.000 đ

- Chuyển giao kỹ thuật: 3.000.000.000 đ

+ Đào tạo, tập huấn, tham quan học tập sản xuất rau, quả an toàn; hướng dẫn thành lập HTX, tổ HTX: 1.500.000.000 đ

+ Xây dựng mô hình sản xuất RAT: 500.000.000 đ

+ Hỗ trợ mở rộng diện tích mô hình và phát triển vùng rau: 1.000.000.000 đ

- Xây dựng các cửa hàng, thiết bị bán RAT: 3.000.000.000 đ

- Đánh giá, chứng nhận và công bố RAT: 500.000.000 đ

* Kinh phí thực hiện

Việc bố trí kinh phí hàng năm dựa vào mục tiêu giai đoạn và tiến độ thực hiện kế hoạch.

ĐVT: Triệu đồng

Năm

Kinh phí

Quy hoạch vùng RAT

Xây dựng cơ sở hạ tầng

Chuyển giao kỹ thuật

Xây dựng cửa hàng bán rau

Chứng nhận, công bố chất lượng RAT

Tổng

2009

400

2.000

500

 

 

2.900

2010

100

1.000

500

1.000

100

2.700

2011 - 2015

 

2.000

2.000

2.000

400

6.400

Tổng

500

5.000

3.000

3.000

500

12.000

2. Về nguồn vốn

- Ngân sách Trung ương đầu tư để điều tra, khảo sát, xác định vùng có đủ điều kiện sản xuất rau, quả an toàn tập trung theo VietGAP; nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ sở hạ tầng: Giao thông, kênh mương tưới, tiêu, trạm bơm, điện hạ thế. . . cho vùng rau, quả an toàn đã được quy hoạch.

- Ngân sách địa phương hỗ trợ triển khai sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả an toàn, bao gồm: Tập huấn Quy trình VietGAP, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau, quả, xây dựng mô hình sản xuất, tổng kết và nhân rộng mô hình; hỗ trợ việc đánh giá, chứng nhận và công bố vùng sản xuất rau, quả an toàn và sản phẩm rau quả an toàn phù hợp VietGAP; hỗ trợ rà soát, xây dựng mới các chợ bán buôn, cửa hàng bán rau, quả an toàn, kho bảo quản rau, quả và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

Sau khi có quy hoạch phát triển vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả an toàn; các địa phương và các đơn vị xây dựng dự án, đề án và đề xuất kinh phí cụ thể.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để thực hiện mục tiêu và kế hoạch đề ra theo đúng Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, phân công các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện như sau:

1. Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì cùng với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng năm phục vụ cho các nội dung kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; thành lập tổ chỉ đạo phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả an toàn do 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT làm Tổ trưởng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV làm Tổ phó, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Giám đốc Trung tâm KN - KN và Thủ trưởng một số đơn vị, phòng, ban liên quan làm thành viên.

2. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Đồng Hới chủ trì thực hiện việc điều tra quy hoạch vùng rau an toàn của địa phương mình. Thực hiện hỗ trợ các hạng mục để triển khai kế hoạch. Tại mỗi huyện, thành phố thành lập tổ chỉ đạo thực hiện kế hoạch do 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phụ trách nông nghiệp làm Tổ trưởng, Trưởng phòng NN & PTNT, KH - TC và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trồng rau là thành viên.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò quan trọng của việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả an toàn./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT (b/c);
- Cục Trồng trọt (b/c);
- Sở NN&PTNT;
- Sở KH-ĐT;
- Sở Tài chính;
- Sở Công Thương;
- Báo QB, Đài QB;
- Lưu VP.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 557/QĐ-UBND năm 2009 về Kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2009 - 2015

  • Số hiệu: 557/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/03/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản