Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/QĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ MỤC TIÊU VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NHÀ TRẺ-TRƯỜNG MẪU GIÁO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ Nghị định số 87/HĐBT ngày 09 tháng 06 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 293/CP ngày 04 tháng 07 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Pháp lệnh ngày 14 tháng 11 năm 1979 về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em;

Căn cứ Chỉ thị số 102/HĐBT ngày 27 tháng 04 năm 1989 về tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

Căn cứ đề nghị của Viện trưởng Viện nghiên cứu trẻ em trước tuổi học, Cục trưởng Cục Bảo vệ giáo dục trẻ em và Chủ tịch Hội đồng giáo dục mầm non,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành bản quy định về mục tiêu và kế hoạch đào tạo nhà trẻ-trường mẫu giáo, kèm theo quyết định này.

Điều 2. Bản quyết định này áp dụng cho tất cả các nhà trẻ-trường mẫu giáo trong cả nước, kể từ năm học 1989-1990.

Điều 3. Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị tổ chức thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành quy định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Phạm Minh Hạc

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỤC TIÊU KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO CỦA NHÀ TRẺ, TRƯỜNG MẪU GIÁO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ ngày 03 tháng 02 năm 1990 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục).

Để quản lý nhà trẻ và trường mẫu giáo theo yêu cầu của cải cách giáo dục (Nghị quyết số 14 ngày 11 tháng 01 năm 1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), Bộ Giáo dục ban hành “Bản quy định về mục tiêu kế hoạch đào tạo của nhà trẻ - trường mẫu giáo”.

Mục tiêu kế hoạch đào tạo nêu rõ vị trí, tính chất, nhiệm vụ của nhà trẻ, trường mẫu giáo, cụ thể hoá những yêu cầu cần đạt đối với từng độ tuổi trẻ em trước tuổi học, quy định các nguyên tắc, phương pháp và kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ em, các yêu cầu về cơ sở vật chất, kinh phí và nhiệm vụ của công tác quản lý nhà trẻ, trường mẫu giáo.

Mục tiêu kế hoạch đào tạo của nhà trẻ, mẫu giáo là văn bản pháp quy dùng để quản lý (tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra,...) toàn bộ hoạt động của nhà trẻ, trường mẫu giáo trong cả nước.

Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên nhà trẻ và trường mẫu giáo có trách nhiệm tổ chức thực hiện mục tiêu kế hoạch đào tạo dưới sự chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục, trước hết của Trưởng phòng Giáo dục quận (huyện).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, tuỳ theo chức năng của mình, các ngành, các đoàn thể có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trẻ, trường mẫu giáo thực hiện bản quy định này.

I. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT, NHIỆM VỤ

1. Vị trí

Nhà trẻ và trường mẫu giáo là đơn vị cơ sở của ngành Giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do ngành Giáo dục quản lý. Nhà trẻ, trường mẫu giáo thu nhận trẻ từ 3 tháng đến 6 hoặc 7 tuổi (trước khi trẻ vào lớp 1) để chăm sóc giáo dục, đặt nền móng đầu tiên cho viện hình thành, phát triển nhân cách của trẻ và chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho trẻ bước vào trường phổ thông.

2. Tính chất

Nhà trẻ, trường mẫu giáo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có 3 tính chất sau đây:

2.1 Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục nhằm hình thành, phát triển nhân cách trẻ em một cách toàn diện.

2.2 Chăm sóc, giáo dục trẻ em mang tính chất giáo dục gia đình, giữa cô và trẻ là quan hệ tình cảm mẹ - con, trẻ thông qua chơi mà học, học bằng chơi.

2.3 Tổ chức nhà trẻ, trường mẫu giáo mang tính chất tự nguyện, Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo.

3. Nhiệm vụ

Nhà trẻ, trường mẫu giáo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiệm vụ sau đây:

3.1 Đảm bảo cho trẻ em dưới 6, 7 tuổi phát triển một cách toàn diện.

3.2 Tuyên truyền và hướng dẫn cho các bậc cha mẹ những kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ.

3.3 Kết hợp chặt chẽ với gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

4. Các loại hình nhà trẻ, mẫu giáo

a) Chính quy:

– Nhà trẻ (cả ngày, hai buổi, một buổi, ngày mùa).

– Trường mẫu giáo (cả ngày, hai buổi, một buổi, ngày mùa).

– Nhà trẻ - mẫu giáo (hợp nhất).

– Lớp mẫu giáo 5 tuổi 26 tuần (không qua lớp 3, 4 tuổi) bao gồm cả những trẻ 6 tuổi chưa vào lớp 1.

b) Phi chính quy:

– Nhóm trẻ gia đình.

– Nhóm tuổi thơ,

– Lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi học chương trình 36 buổi (ngắn hạn).

II. MỤC TIÊU GIÁO DỤC

1. Mục tiêu chung

Hình thành ở trẻ những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cơ thể phát triển hài hoà, cân đối.

– Giàu lòng thương, biết quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ những người gần gũi (bố, mẹ, bạn bè, cô giáo...) thật thà, lễ phép, mạnh dạn, hồn nhiên.

– Yêu thích cái đẹp, biết giữ gìn cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp ở xung quanh.

– Thông minh, ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi, có một số kỹ năng sơ đẳng (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận...) cần thiết để vào trường phổ thông, thích đi học.

2. Những yêu cầu cần đạt đối với từng độ tuổi

Căn cứ vào đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các nhà trẻ và trường mẫu giáo từng bước thực hiện những yêu cầu tối thiểu, tiến lên thực hiện các yêu cầu chuẩn.

YÊU CẦU TỐI THIỂU

a) Yêu cầu cần đạt của trẻ cuối 6 tháng tuổi:

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

5,9 kg

5,5 kg

Chiều cao

62,4 cm

60,6 cm

– Trẻ sạch sẽ, có nền nếp ăn, thức, ngủ một cách hợp lý.

– Trẻ biết lẫy và bắt đầu biết xoay, trườn.

– Biết quay đầu về phía phát ra âm thanh hoặc tiếng gọi.

– Trẻ biết hóng chuyện và và biểu lộ tình cảm vui mừng khi có người lớn tiếp xúc.

– Biết giơ tay về phía đồ chơi ở phía trước mặt và biết cầm nắm khi được người lớn đưa cho.

b) Yêu cầu cần đạt cuối 12 tháng tuổi

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

8,1 kg

7,4 kg

Chiều cao

70,7 cm

68,6 cm

– Trẻ sạch sẽ, biết đi men, quen với nền nếp sinh hoạt (ăn, thức, ngủ)

– Nhận biết được và thể hiện cảm xúc tích cực khi tiếp xúc với những người gần gũi (ông, bà, cha, mẹ, cô nuôi dạy trẻ...)

– Trẻ biết thực hiện một số động tác, theo chỉ bảo của người lớn (hoan hô, vỗ tay, chào...)

– Trẻ thích hoạt động với đồ vật, đồ chơi. Nhận biết được một vài đồ vật, đồ chơi mà trẻ hay tiếp xúc.

– Trẻ biết phát âm bập bẹ.

– Trẻ thích nghe hát.

c) Yêu cầu cần đạt cuối 18 tháng tuổi

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

9,1 kg

8,5 kg

Chiều cao

76,3 cm

74,8 cm

– Trẻ sạch sẽ, có nền nếp ăn, thức, ngủ, đi vệ sinh.

– Trẻ biết đi.

– Trẻ biết tên mình, tên gọi của một vài đồ dùng gần gũi (thìa, bát,...)

– Biết tên gọi của một vài động tác: đi, đứng lên, ngồi xuống...

– Biết trả lời bằng cách chỉ tay vào một số đối tượng quen thuộc được hỏi.

– Biết bắt chước một số âm trong lời nói.

– Biết sử dụng một vài đồ dùng, đồ chơi quen thuộc (cầm bát, cầm thìa, xếp khối gỗ...)

– Thích vận động theo nhịp điệu.

d) Yêu cầu cần đạt cuối 24 tháng tuổi

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

9,9 kg

9,4 kg

Chiều cao

80,9 cm

79,9 cm

– Trẻ biết đi vững.

– Trẻ tự xúc ăn, có nền nếp vệ sinh (rửa tay, rửa mặt, “đi bô”...) theo hướng dẫn của cô

– Nói được câu 2–3 từ trở lên.

– Biết gọi tên đồ vật, đồ chơi, một số hoa quả, con vật gần gũi,...

– Trả lời được một số câu hỏi (Cái gì đây? Con gì đây? Ai đây? Làm gì đấy?...)

– Biết thực hiện những yêu cầu của người lớn (lấy cho cô, cho cô xem,...)

– Biết sử dụng một số đồ dùng sinh hoạt (cốc, thìa, bát...)

– Trẻ nhận biết bài hát quen thuộc và làm động tác theo cô, biết hành động với đồ vật, đồ chơi khéo léo hơn.

đ) Yêu cầu cần đạt cuối 36 tháng tuổi

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

11,6 kg

11,1 kg

Chiều cao

89,4 cm

88,4 cm

– Các vận động đi, chạy vững vàng.

– Trẻ bắt đầu tự phục vụ: rửa tay, rửa mặt, đi vệ sinh, thu dọn đồ chơi...

– Trẻ biết chào vâng, dạ; trẻ nói được yêu cầu của mình.

– Nhận biết được một số đồ vật, con vật trong môi trường gần gũi mà trẻ hay tiếp xúc.

– Trẻ nhận biết được 3 màu xanh, đỏ, vàng. Phân biệt được các đồ vật có sự khác nhau rõ nét về kích thước; trẻ biết chơi những trò chơi đơn giản.

– Trẻ biết trả lời một số câu hỏi (Ở đâu? Để làm gì? Đi đâu?...)

– Trẻ thích múa hát, đọc thơ, nghe kể chuyện, xem tranh ảnh.

e) Yêu cầu cần đạt của trẻ 3-4 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo bé)

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

12,9 kg

12,6 kg

Chiều cao

94,4 cm

93,5 cm

– Trẻ khoẻ mạnh, bước đầu vận động (ngồi, đi, đứng, chạy) đúng tư thế.

– Thích chơi với bạn trong nhóm. Biết vâng lời người lớn. Biết lời nói, việc làm nào của bạn là ngoan, hư, đẹp-xấu, biết nhận lỗi.

– Thích tiếp xúc với thiên nhiên. Không nghịch phá vật nuôi, cây trồng.

– Thích tham gia vào các hoạt động tạo hình, múa hát, kể chuyện, đọc thơ.

– Biết làm một số công việc tự phục vụ: bê cất ghế, rửa tay, lau mặt, xếp guốc dép, dọn đồ chơi (có sự giúp đỡ của cô).

– Biết tên mình, tên bố mẹ, anh chị em trong gia đình, tên giáo viên, bạn bè gần gũi.

– Nhận biết những dấu hiệu nổi bật của sự vật, hiện tượng xung quanh (màu sắc, hình dạng, kích thước)

– Biết đặt các câu hỏi (Ai? Cái gì đây?) Biết nói rõ tiếng.

g) Yêu cầu cần đạt của trẻ 4-5 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo nhỡ)

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

 Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

14,4 kg

13,8 kg

Chiều cao

100,7 cm

99,3 cm

– Trẻ khoẻ mạnh, ngồi, đi, đứng, chạy, nhảy đúng tư thế.

– Bước đầu định hướng phải, trái, trước, sau.

– Bước đầu biết giữ vệ sinh thân thể (mặt mũi, chân tay, đầu tóc, quần áo gọn gàng, sạch sẽ), vệ sinh khi ăn uống. Biết sử dụng đồ dùng đúng sinh hoạt cần thiết.

– Biết thương yêu bố mẹ, cô giáo và những người gần gũi, vâng lời, lễ phép với người lớn, hoà thuận với bạn bè, em nhỏ. Biết việc làm nào của bạn, của mình là ngoan, hư, tốt, xấu.

– Hứng thù khi tiếp xúc với thiên nhiên, thích múa hát, nghe kể chuyện, vẽ, nặn, cắt dán, xem tranh ảnh.

– Nhận biết được những đặc điểm, những mối liên hệ rõ nét của các vật và hiện tượng xung quanh. Bước đầu biết tự tổ chức những trò chơi mà trẻ ưa thích. Thích đặt các câu hỏi tại sao, biết trả lời thành câu.

h) Yêu cầu cần đạt của trẻ 5-6 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo lớn)

– Về thể lực: có cân nặng và chiều cao không dưới mốc sau:

 Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Cân nặng

16,0 kg

15,0 kg

Chiều cao

106,4 cm

104,8 cm

– Trẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ngồi, đi, đứng, chạy, nhảy vững vàng, thoải mái, đúng tư thế. Định hướng vận động đúng.

– Biết giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, vệ sinh trường lớp. Biết sử dụng và giữ gìn một số đồ dùng sinh hoạt.

– Biết thương yêu, kính trọng ông bà, cha mẹ, những người lao động. Yêu kính Bác Hồ,. Biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, những người gần gũi. Phân biệt được lời nói, việc làm nào của mình, của bạn là tốt–xấu. Thật thà và biết nhận lỗi, sửa lỗi.

– Hào hứng tham gia và thể hiện tình cảm của mình khi múa hát, đọc thơ, kể chuyện, vẽ, nặn, cắt, dán,...

– Thông minh, ham hiểu biết, thích khám phá tìm tòi, có một số kỹ năng sơ đẳng (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận...) cần thiết để vào trường phổ thông.

– Tập trung chú ý, biết hoàn thành những công việc được giao.

– Biết diễn đạt rõ ý của mình cho người khác hiểu.

YÊU CẦU CHUẨN

Yêu cầu của trẻ 6 tháng tuổi

– Về thể lực: tăng đều hàng tháng, cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A. Chỉ tiêu cụ thể:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

5,9

7,8

5,5

7,2

Chiều cao (cm)

62,6

67,8

60,6

65,9

– Trẻ khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, bụng không ỏng...

– Trẻ biết xoay, trườn dễ dàng.

– Chú ý lắng nghe âm thanh và biết quay đầu về phía phát ra âm thanh.

– Biết biểu lộ tình cảm vui mừng khi có người tiếp xúc, biết phân biệt người quen, người lạ và ngữ điệu của giọng nói (âu yếm hay gắt mắng).

– Biết giơ tay về phía đồ chơi ở bất cứ hướng nào và cầm được đồ chơi.

b) Yêu cầu cần đạt của trẻ cuối 12 tháng tuổi

– Về thể lực: tiếp tục tăng cân đều hàng tháng, cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A. Cụ thể:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

8,1

10,2

7,4

9,5

Chiều cao (cm)

70,7

76,1

68,6

74,3

– Trẻ khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, bụng không ỏng, sạch sẽ, quen với nền nếp sinh hoạt của nhà trẻ (ăn, thức, ngủ).

– Trẻ biết đi men, đứng không cần đỡ.

– Có nhu cầu giao tiếp tình cảm với người lớn. Nhận biết được những người gần gũi (bố mẹ, ông bà, cô giáo...)

– Biết thực hiện một số yêu cầu của người lớn (ăn, uống, nằm xuống, hoan hô, vỗ tay, chào...).

– Nhận biết một số đồ vật, đồ chơi mà trẻ hay tiếp xúc. Khi cô giáo đặt câu hỏi dạng danh từ + đâu? (Ví dụ: Con gà đâu?) hoặc chỉ bằng tay.

– Trẻ biết làm cùng với người lớn một số hành động cụ thể với đồ vật, đồ chơi (đóng mở nắp hộp, chồng khối gỗ, tháo lắp vòng...).

– Trẻ biết phát âm bập bẹ và bắt đầu xuất hiện một số từ đơn giản (ông, bà, mẹ, ba,..).

– Trẻ thích nghe hát.

c) Yêu cầu cần đạt của trẻ cuối 18 tháng tuổi

– Tăng cân đều hàng quý, cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A. Cụ thể:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

9,1

11,5

8,5

10,8

Chiều cao (cm)

76,3

82,4

74,8

80,9

– Trẻ sạch sẽ, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, bụng không ỏng, có nền nếp ăn, thức, ngủ.

– Trẻ đi vững.

– Trẻ biết tên mình, tên những người gần gũi (bố mẹ, anh chị, cô giáo...), tên gọi các đồ vật, dụng cụ sinh hoạt gần gũi (quần áo, mũ dép, thìa, bàn, ghế...)

– Biết tên các con vật quen biết và một số bộ phận của chúng (mắt, tay, chân...). Hiểu tên gọi các động tác (đi, chạy, nằm xuống, ngồi xuống...)

– Trẻ có thể bắt chước nhiều âm trong lời nói, có thể giao tiếp với người lớn bằng những câu 2 từ .

– Trẻ biết tự cầm cốc uống nước, cầm thìa xúc cơm, biết một số thao tác sắp xếp, đóng mở với các đồ vật đơn giản.

d) Yêu cầu cần đạt của trẻ cuối 24 tháng tuổi

– Tăng cân đều hàng quý, cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A. Cụ thể:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

9,9

12,6

9,4

11,9

Chiều cao (cm)

80,9

87,6

79,9

86,5

– Trẻ sạch sẽ, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, bụng không ỏng, có nền nếp ăn, thức, ngủ.

– Tự xúc ăn, có nền nếp vệ sinh (rửa mặt, rửa tay) theo sự hướng dẫn của cô.

– Biết đi vững, bắt đầu biết chạy.

– Có thể giao tiếp với người lớn bằng những câu 2–3 từ .

– Biết gọi tên các đồ vật, đồ chơi, tranh vẽ, một số hoa quả, con vật gần gũi.

– Biết thực hiện một số yêu cầu của người lớn (cho cô xem, lấy cho cô cái cốc...)

– Trẻ nhận biết được 1, 2 nhân vật qua truyện tranh, biết đọc thơ theo cô.

– Trả lời được một số câu hỏi: Cái gì đây? Ai đây? Làm gì đấy?

– Trẻ biết hành động với đồ vật, đồ chơi theo mẫu của cô (tháo, lắp vòng, lồng hộp, xếp hình đơn giản), chọn màu (xanh lá cây, đỏ), kích thước (to, nhỏ).

– Biết bắt chước vài hành động của người lớn.

– Trẻ chú ý và biết vỗ tay theo bài hát.

đ) Yêu cầu cần đạt của trẻ cuối 36 tháng tuổi

– Tăng cân nặng hàng quý, cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A. Cụ thể:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

11,6

14,7

11,1

13,9

Chiều cao (cm)

89,4

96,5

88,4

95,6

– Trẻ sạch sẽ, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tóc đen, mắt sáng, bụng không ỏng, có nền nếp ăn, thức, ngủ.

– Biết thực hiện các động tác thể dục đơn giản, quen thuộc theo mẫu và chỉ dẫn bằng lời của cô.

– Trẻ bắt đầu có nền nếp tự phục vụ, thích sạch sẽ (rửa mặt, rửa tay, thu dọn đồ chơi...)

– Trẻ có thể chủ động diễn đạt yêu cầu của mình bằng ngôn ngữ. Biết trả lời các câu hỏi của cô: Để làm gì? Đi đâu? Như thế nào?

– Biết vâng lời và thực hiện yêu cầu của người lớn, không tranh giành đồ chơi của bạn.

– Trẻ nhận biết được một số đồ vật, con vật trong môi trường gần gũi.

– Trẻ nhớ được tên truyện, tên nhân vật trong những truyện trẻ được nghe nhiều lần. Trẻ thuộc vài bài thơ, bài hát mà trẻ thích.

– Trẻ biết dùng một số đồ vật thay thế trong trò chơi.

– Trẻ thích múa hát, đọc thơ, nghe kể chuyện.

e) Yêu cầu cần đạt của trẻ 3-4 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo bé)

– Trẻ khoẻ mạnh, tăng cân đều, đến cuối tuổi mẫu giáo bé cần đạt:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

12,9

16,7

12,6

16,0

Chiều cao (cm)

94,4

102,9

93,5

101,6

– Trẻ sạch sẽ, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, có nền nếp ăn, thức, ngủ.

– Trẻ khoẻ mạnh, bước đầu vận động (ngồi, đi, chạy) đúng tư thế. Biết quay phải, trái theo vật chuẩn.

– Bước đầu biết giữ gìn vệ sinh thân thể (mặt, mũi, chân tay, quần áo, đầu tóc) gọn gàng, sạch sẽ, vệ sinh môi trường (không vứt rác bừa bãi...).

– Thích chơi với bạn, hồn nhiên, mạnh dạn trong nhóm (không tranh giành đồ chơi của bạn). Biết vâng lời người lớn, biết lời nói, việc làm nào của bạn, là ngoan–hư, đẹp–xấu. Biết nhận lỗi.

– Thích tiếp xúc với thiên nhiên. Thích tham gia vào các hoạt động múa hát, đọc thơ, kể chuyện, vẽ, nặn,... Bước đầu thể hiện được cảm xúc của mình trong những hoạt động ấy.

– Biết một số việc tự phục vụ bản thân, biết sử dụng một số đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt của mình.

– Biết tên, chỗ ở gia đình, tên bố mẹ, anh chị trong gia đình, tên cô giáo, bạn bè cùng lớp. Biết quan sát, nhận biết tìm ra những dấu hiệu nổi bật và những biến đổi rõ nét của sự vật, hiện tượng xung quanh (màu sắc, hình dạng, kích thước...)

– Biết đặt các câu hỏi (Ai? Cái gì đây?...) đúng chỗ, đúng lúc; biết rõ lời, rõ tiếng, trả lời thành câu.

g) Yêu cầu cần đạt của trẻ 4-5 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo nhỡ)

– Cân nặng và chiều cao tiếp tục tăng đều đặn đến cuối tuổi mẫu giáo nhỡ cần đạt:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

14,4

18,7

13,8

17,7

Chiều cao (cm)

100,7

109,9

99,3

108,4

– Trẻ sạch sẽ, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, có nền nếp ăn, thức, ngủ.

– Trẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ngồi, đi, đứng, chạy, nhảy đúng tư thế. Bước đầu định hướng được trái, phải, trước, sau.

– Biết giữ gìn vệ sinh thân thể (mặt, mũi, chân tay, quần áo, đầu tóc) gọn gàng, sạch sẽ, vệ sinh môi trường (cất xếp đồ dùng, đồ chơi ngăn nắp).

– Vâng lời người lớn, biết giúp đỡ và vui chơi hoà thuận với bạn bè, em nhỏ. Biết thương yêu bố mẹ, cô giáo và những người gần gũi. Biết việc làm nào của bạn, của mình là ngoan-hư, tốt-xấu. Thật thà nhận lỗi và cố gắng sửa lỗi.

– Hứng thú khi tiếp xúc với thiên nhiên và nhận ra vẻ đẹp của nó (màu sắc, âm thanh) và biết thể hiện cảm xúc của mình trong các hoạt động đó.

– Biết làm một số việc tự phục vụ. Biết cách sử dụng và giữ gìn một số đồ dùng phục vụ sinh hoạt (khăn, gương, lược...) đồ dùng học tập (bút, giấy, đất nặn...).

– Biết quan sát, nhận xét được những đặc điểm, những mối liên hệ đơn giản giữa các sự vật, hiện tượng xung quanh. Bước đầu biết tự tổ chức những hoạt động mà trẻ yêu thích, hoàn thành tốt công việc được giao.

– Thích đặt câu hỏi về nguyên nhân: Ở đâu? Tại sao? Biết diễn đạt rõ ràng ý của mình.

h) Yêu cầu cần đạt của trẻ 5-6 tuổi (cuối tuổi mẫu giáo lớn)

– Cân nặng và chiều cao tiếp tục tăng đều đặn đến cuối tuổi mẫu giáo lớn cần đạt:

Giới tính

Nội dung

TRAI

GÁI

Từ

Đến

Từ

Đến

Cân nặng (kg)

16,0

20,7

15,0

19,5

Chiều cao (cm)

106,4

116,1

104,8

114,6

– Trẻ sạch sẽ, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tóc bóng, mắt sáng, nhanh nhẹn, hoạt bát, thích tập luyện, có nền nếp ăn, thức, ngủ. Ngồi, đi, đứng, chạy, nhảy vững vàng, thoải mái, đúng tư thế. Định hướng vận động nhanh, nhạy, đúng.

– Có thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường.

– Biết thương yêu, kính trọng ông bà, cha mẹ, yêu kính Bác Hồ, những người lao động.. Biết quan tâm thông cảm giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, những người gần gũi. Hiểu được những lời nói, việc làm nào của mình, của bạn bè là tốt, xấu. Biết nhận lỗi, sửa lỗi, thật thà.

– Có nhu cầu tham gia vào các hoạt động tạo hình, âm nhạc... Nhận ra được vẻ đẹp và thể hiện cảm xúc của mình trong các hoạt động đó.

– Biết quan sát, tập trung chú ý, nhận xét được những đặc điểm, những mối liên hệ, sự biến đổi của sự vật, hiện tượng xung quanh.

– Hồn nhiên, mạnh dạn, biết tự tổ chức những hoạt động mà trẻ ưa thích. Biết diễn đạt những ý kiến, nhận xét của mình rõ ràng, mạch lạc.

– Thông minh, ham hiểu biết, thích khám phá tìm tòi, có một số kỹ năng sơ đẳng (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận...) và một số nền nếp, thói quen để dễ thích nghi với hoạt động học tập khi bước vào lớp 1.

III. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP CHĂM SÓC, GIÁO DỤC MẦM NON

1. Các nguyên tắc chỉ đạo

1.1 Giáo dục mầm non cần có tính mục đích (xây dựng những cơ sở ban đầu của nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam) nhưng không áp đặt, gò bó trẻ em, yêu thương, tôn trọng nhân cách trẻ, lấy quan hệ tình cảm mẹ-con giữa cô và cháu là yếu tố quyết định.

1.2 Tổ chức cuộc sống và hoạt động cho trẻ phù hợp với đặc điểm phát triển của từng lứa tuổi. Kết hợp hài hoà giữa chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục để trẻ được phát triển toàn diện.

1.3 Liên kết các biện pháp chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tạo thành những yếu tố tổng hợp tác động đồng bộ đến sức khoẻ của trẻ, quán triệt phương châm phòng bệnh và phát hiện chữa bệnh kịp thời cho trẻ, thực hiện chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi.

1.4 Liên kết các biện pháp sư phạm thành một hệ thống đồng bộ, tác động đến nhân cách toàn diện của trẻ bằng những hình thức giáo dục nhẹ nhàng, mang tính tổng hợp, lấy hoạt động tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi và vui chơi làm con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách trẻ.

1.5 Kết hợp việc giáo dục trong nhóm với việc chăm sóc và giáo dục từng cháu một, đặc biệt đối với lứa tuổi nhỏ.

1.6 Dẫn dắt trẻ từng bước đến với thực tiễn xã hội của người lớn, với nền văn hoá dân tộc và văn hoá thế giới.

1.7 Kết hợp việc chăm sóc và giáo dục trẻ ở nhà trẻ, trường mẫu giáo với việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở gia đình.

2. Phương pháp giáo dục

Phương pháp chăm sóc giáo dục mầm non là cách thức và con đường tác động lên đứa trẻ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Phương pháp chăm sóc giáo dục mầm non quy định bởi tính chất đặc thù của quá trình và bởi đặc điểm tâm lý, sinh lý của lứa tuổi từ 0-7 tuổi. Phương pháp chăm sóc và giáo dục phải được thực hiện gắn quyện với nhau trong quá trình tổ chức cuộc sống của trẻ ở nhà trẻ và trường mẫu giáo. Đây chỉ đề cập đến một số phương pháp thường dùng và có hiệu quả nhất.

2.1 Phương pháp dùng tình cảm là việc dùng lời nói, cử chỉ âu yếm, dịu dàng để tạo ra xúc cảm tích cực của trẻ. Phương pháp này đặc biệt có tác dụng tốt đối với lứa tuổi nhỏ.

2.2 Phương pháp dùng hoạt động với đồ vật là việc tổ chức cho trẻ được trực tiếp hoạt động với đồ vật, dùng đồ chơi nhằm làm quen với cuộc sống xã hội.

2.3 Phương pháp dùng trò chơi là việc sử dụng các trò chơi, các yếu tố chơi vào các hoạt động của trẻ nhằm thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đã được đặt ra một cách có hiệu quả, không gò bó áp đặt trẻ. Đây là phương pháp chủ đạo cần được sử dụng nhiều nhất ở nhà trẻ và trường mẫu giáo.

2.4 Phương pháp giáo dục trẻ em trong nhóm bạn bè là phương pháp dùng người thực, việc thực tác động, hỗ trợ lẫn nhau nhằm mục đích hình thành những phẩm chất tốt, uốn nắn những thói hư, tật xấu ở trẻ.

2.5 Phương pháp trực quan là việc cho trẻ quan sát sự vật, hiện tượng xung quanh (vật thật, vật mẫu, tranh ảnh, phim đèn chiếu) để trẻ tích luỹ các ấn tượng một cách phong phú, giúp cho việc lĩnh hội kinh nghiệm, tri thức của cuộc sống một cách dễ dàng.

2.6 Phương pháp dùng tình huống có vấn đề là việc tạo ra trước trẻ những tình huống buộc trẻ phải suy nghĩ, tìm phương tiện, sử dụng kinh nghiệm đã có để giải quyết nhiệm vụ, nhằm phát huy tích cực chủ động sáng tạo của trẻ.

2.7 Phương pháp đàm thoại là việc trao đổi giữa trẻ với người lớn nhằm thoả mãn nhu cầu giao tiếp và tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ.

2.8 Phương pháp giải thích là việc dùng lời nói nhằm giúp trẻ hiểu được sự vật, hiện tượng, những chuẩn mực hành vi đạo đức gần gũi đối với trẻ. Những lời giải thích cần ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng.

2.9 Phương pháp nêu gương là việc lấy gương người thật, việc thật làm kiểu mẫu cho trẻ noi theo. Có thể lấy gương cô giáo, gương người lớn và đặc biệt là gương của bạn bè cùng tuổi.

2.10 Phương pháp đánh giá là việc thể hiện thái độ của người lớn đối với trẻ em.

– Khen: là biểu hiện thái độ đồng tình, khuyến khích một hành động, một cử chỉ tốt đẹp nào đó của trẻ nhằm khêu gợi niềm vui sướng, lòng tự tin, khích lệ trẻ mong muốn làm những điều tốt đẹp.

– Chê trách: là biểu hiện thái độ không đồng tình, với những hành vi, việc làm xấu của trẻ, nhằm ngăn chặn chúng xảy ra.

Sử dụng phương pháp đánh giá chủ yếu là khen, nêu gương tốt cho trẻ học theo. Chê trách là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, đặc biệt nghiêm cấm sử dụng hình phạt thân thể.

Trên đây là một số phương pháp thường sử dụng ở nhà trẻ, trường mẫu giáo. Mỗi phương pháp nêu trên chỉ có thể phát huy tác dụng cao của nó trong sự liên kết với các phương pháp thích hợp. Giáo dục mầm non chỉ có thể đạt kết quả khi cô giáo nắm vững các nguyên tắc chỉ đạo công tác giáo dục mầm non, làm cơ sở cho việc lựa chọn và vận dụng đúng đắn linh hoạt các phương pháp giáo dục trẻ.

3. Những biện pháp chăm sóc sức khoẻ cho trẻ

3.1 Chăm sóc vệ sinh:

– Vệ sinh cá nhân: lau mặt, rửa tay, vệ sinh khi “đi bô”.

– Vệ sinh phòng (nhóm): thông thoáng khí, vệ sinh nền nhà, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi.

– Vệ sinh môi trường: vệ sinh trong nhà trẻ và xung quanh nhà trẻ.

3.2 Theo dõi thể lực, sức khoẻ bằng biểu đồ phát triển.

3.3 Quản lý tiêm chủng đúng lịch.

3.4 Khám sức khoẻ định kỳ.

3.5 Phòng và xử lý một số tai nạn có thể xảy ra ở nhà trẻ.

3.6 Phòng và xử lý tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi tại nhà trẻ.

3.7 Chế độ sinh hoạt: thực hiện đúng chế độ sinh hoạt đối với từng lứa tuổi của trẻ theo thời gian biểu.

3.8 Chế độ dinh dưỡng:

– Đảm bảo chế độ ăn phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ (bột, cháo, cơm nát, cơm thường).

– Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng đạm, béo, đường, muối khoáng, sinh tố.

– Hàng ngày cho trẻ uống đủ nước, nhất là mùa hè.

– Đảm bảo ăn uống vệ sinh sạch sẽ.

– Chế biến phù hợp và thay đổi thực phẩm để trẻ ăn ngon và hết suất.

4. Hình thức tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà trẻ và trường mẫu giáo

4.1 Giờ chơi: là hình thức hoạt động chủ yếu của trẻ em ở nhà trẻ và trường mẫu giáo. Ở nhà trẻ, trẻ thường chơi với đồ vật, ở trường mẫu giáo trẻ thường chơi trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi có luật... Qua các trò chơi, trẻ lĩnh hội được chức năng và phương thức sử dụng đồ vật và nhập vào nhóm bạn để mô phỏng lại sinh hoạt của người lớn trong xã hội, qua đó mà học làm người. Giờ chơi có thể diễn ra trong nhà hoặc ngoài trời.

Tổ chức chơi cần đạt những yêu cầu sau đây:

– Trẻ thoải mái, tự nguyện, thực sự nhập cuộc vào trò chơi.

– Trẻ chủ động, sáng tạo.

– Nội dung chơi bổ ích, khơi động được trí tưởng tượng của trẻ.

– Có đồ chơi hoặc vật thật thay thế đa dạng, an toàn.

4.2 Chơi tập: là hình thức luyện tập các chức năng phát triển của trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ qua các trò chơi sinh hoạt.

4.3 Dạo chơi và hoạt động ngoài trời: là hình thức tổ chức giúp trẻ tiếp xúc rộng rãi với môi trường xung quanh, mở rộng tầm hiểu biết của trẻ, cho trẻ được thở hít không khí trong lành, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tổ chức dạo chơi và hoạt động ngoài trời cần đạt những yêu cầu sau đây:

– Hấp dẫn: trẻ được tích cực hoạt động có mục đích dưới sự hướng dẫn của cô.

– Không quá sức, an toàn.

– Tận dụng không gian để trẻ hoạt động.

– Mỗi tuần có thể tổ chức ít nhất một lần.

– Những nơi có điều kiện, hàng ngày có thể cho trẻ dạo chơi xung quanh sân trường.

4.4 Giờ học: là hình thức tổ chức để trực tiếp cho trẻ làm quen với những tri thức, kỹ năng cần cho cuộc sống của trẻ. Giờ học thường diễn ra trong thời gian nhất định, tuỳ vào khả năng làm việc của trẻ ở từng lứa tuổi.

Giờ học có thể tiến hành trong lớp học, ngoài trời, có thể tiến hành giờ học cho toàn lớp, cho từng nhóm nhỏ hoặc mỗi cháu.

Tổ chức giờ học cần đạt các yêu cầu sau:

– Tất cả trẻ em đều tích cực hoạt động, tránh ngồi thụ động nghe giảng.

– Sử dụng trò chơi học tập phù hợp với nội dung giờ học.

– Kết hợp linh hoạt nhiều lĩnh vực tri thức như thơ, chuyện với múa hát, làm quen với môi trường xung quanh, với tạo hình...

– Giờ học diễn ra nhẹ nhàng, không gò bó, thu hút sự chú ý của trẻ.

4.5 Tham quan: là hình thức tổ chức giúp trẻ tiếp xúc với những công trình văn hoá, xã hội (Ví dụ: lăng Bác Hồ, vườn cây Bác Hồ, nhà bảo tàng, di tích lịch sử địa phương, trại chăn nuôi, cửa hàng, xưởng máy...)

Tổ chức các cuộc tham quan cần đạt các yêu cầu sau:

– Trẻ được quan sát có mục đích, hứng thú.

– Cần thuyết minh, giải thích rõ ràng, dễ hiểu.

– An toàn, vừa sức với trẻ (không cho trẻ đi quá xa, quá lâu)

4.6 Ngày hội, ngày lễ: là một hình thức tổ chức giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống xã hội trong những thời điểm có ý nghĩa nhất để giáo dục truyền thống và mang lại niềm vui, niềm tự hào cho trẻ. Những ngày hội, ngày lễ được tổ chức trong nhà trẻ và trường mẫu giáo (chủ yếu là trường mẫu giáo): ngày khai trường, tết trung thu, ngày hội của cô 20-11, ngày hội của mẹ và cô 8-3, tết nguyên đán, ngày tết thiếu nhi 1-6...)

Tổ chức ngày hội, ngày lễ cần đạt các yêu cầu sau:

– Gây ấn tưọng tốt, hấp dẫn, vui tươi cho trẻ.

– Sử dụng nhiều hình thức hoạt động mang tính tổng hợp.

– Tất cả trẻ em đều được tham gia.

– Hoạt động của trẻ phải phù hợp với nội dung của ngày lễ.

IV. KẾ HOẠCH CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ TRONG NHÀ TRẺ VÀ TRƯỜNG MẪU GIÁO

1. Kế hoạch thời gian

1.1 Đối với nhà trẻ: Nhà trẻ tiếp nhận trẻ mới và chuyển nhóm cho trẻ cũ thường mỗi quý một lần. Tuy nhiên, tuỳ điều kiện cụ thể của từng nhà trẻ, việc tiếp nhận trẻ mới và chuyển nhóm cho trẻ có thể thay đổi phù hợp với tình hình của nhà trẻ và của địa phương.

1.2 Đối với trường mẫu giáo: Năm học ở trường mẫu giáo bắt đầu từ ngày 5/9 và kết thúc vào ngày 2/6 hàng năm. Từ 3/6 đến 20/6, nhà trường nghỉ để sửa sang trường sở. Từ ngày 20/6 và các tháng 7,8 nếu gia đình có yêu cầu gởi con thì trường mẫu giáo có trách nhiệm tổ chức việc chăm sóc, giáo dục các cháu (với sự đóng góp kinh phí của phụ huynh tuỳ điều kiện thực tế).

Các ngày nghỉ lễ, tất cả các cô được nghỉ theo quy định chung.

2. Chế độ sinh hoạt của trẻ từ 3-36 tháng

2.1 Thời gian biểu (mẫu) của trẻ 3-6 tháng:

NỘI DUNG

THỜI GIAN

Đón trẻ

7h00–8h00

Ngủ

8h00–9h30

Ăn (1)

9h30–10h00

Chơi - Tập

10h00–11h00

Ngủ

11h00–12h30

Ăn (1)

12h30–13h00

Chơi - Tập

13h00–14h00

Ngủ

14h00–15h30

Ăn (1)

15h30–16h30

(1) Ăn: dưới 3 tháng trẻ bú mẹ hoàn thoàn. Trẻ từ 4 tháng trở đi cho ăn thêm bột loãng 1-2 bữa/ngày.

2.2 Thời gian biểu (mẫu) của trẻ 6-12 tháng:

NỘI DUNG

THỜI GIAN

Đón trẻ

7h00–8h00

Ngủ

8h00–9h30

Ăn

9h30–10h30

Chơi - Tập

10h30–11h30

Bú mẹ - Ngủ

11h30–14h00

Ăn

14h00–15h00

Chơi - Tập

15h00–16h00

Bé ngủ, lớn chơi,về

16h00–17h00

2.3 Thời gian biểu (mẫu) của trẻ 12-18 tháng:

NỘI DUNG

THỜI GIAN

Đón trẻ

7h00–8h00

Chơi - Tập

8h00–8h30

Ngủ

8h30–10h00

Ăn

10h00–11h00

Chơi - Tập

11h00–12h00

Ăn phụ (nếu có) ngủ

12h00–14h30

Ăn

14h30–15h30

Chơi, về

15h30–17h00

2.4 Thời gian biểu (mẫu) của trẻ 18-24 tháng:

NỘI DUNG

THỜI GIAN

Đón trẻ

7h00–8h00

Chơi - Tập

8h00–10h00

Ăn

10h00–11h00

Ngủ

11h00–14h00

Chơi - Tập

14h00–15h00

Ăn

15h00–16h00

Chơi, về

16h00–17h00

2.5 Thời gian biểu (mẫu) của trẻ 24-36 tháng:

NỘI DUNG

THỜI GIAN

Đón trẻ

7h00–8h00

Chơi - Tập

8h00–10h00

Ăn

10h00–11h00

Ngủ

11h00–14h00

Chơi - Tập

14h00–15h00

Ăn

15h00–16h00

Chơi, vẽ

16h00–17h00

3. Chế độ sinh hoạt của trẻ từ 36-72 tháng tuổi (3-6 tuổi)

3.1 Chế độ sinh hoạt của lớp mẫu giáo bé (3-4 tuổi)

THỜI GIAN(HÈ)

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

THỜI GIAN (ĐÔNG)

6h45–8h00

Đón trẻ, vui chơi, hoạt động tự chọn, thể dục sáng, điểm danh

7h00–8h30

8h00–8h30

Các giờ học

8h30–9h00

8h30–9h20

Hoạt động ngoài trời

9h00–9h40

9h20–10h10

Vui chơi

9h40–10h30

10h10–11h10

Vệ sinh, ăn trưa

10h30–11h30

11h10–14h00

Ngủ trưa

11h30–14h30

14h00–14h50

Vệ sinh, vận động nhẹ, ăn quà

14h30–15h20

14h50–15h40

Vui chơi, lao động luyện tập, nêu gương (chiều thứ bảy)

15h20–16h00

15h40–17h00

Vệ sinh, trả trẻ (trẻ vui chơi theo ý thích)

16h00–17h00

3.2 Chế độ sinh hoạt của lớp mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi)

THỜI GIAN(HÈ)

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

THỜI GIAN (ĐÔNG)

6h45–8h00

Đón trẻ, vui chơi, hoạt động tự chọn, thể dục buổi sáng, điểm danh

7h00–8h30

8h00–9h00

Các giờ học

8h30–9h30

9h00–9h30

Hoạt động ngoài trời

9h30–10h00

9h30–10h20

Vui chơi

10h00–10h50

10h20–11h00

Vệ sinh, ăn trưa

10h50–11h30

11h00–14h00

Ngủ trưa

11h30–14h30

14h00–14h40

Vệ sinh, vận động nhẹ, ăn quà

14h30–15h10

14h40–15h40

Vui chơi hoặc lao động rèn luyện, nêu gương (chiều thứ bảy)

15h10–16h00

15h40–17h00

Vệ sinh, trả trẻ (trẻ vui chơi theo ý thích)

16h00–17h00

3.3 Chế độ sinh hoạt của lớp mẫu giáo lớn (5-6 tuổi)

THỜI GIAN(HÈ)

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

THỜI GIAN (ĐÔNG)

6h45–8h00

Đón trẻ, vui chơi, hoạt động tự chọn, thể dục buổi sáng, điểm danh

7h00–8h30

8h00–9h10

Các giờ học

8h30–9h40

9h10–9h55

Hoạt động ngoài trời

9h40–10h15

9h55–10h35

Vui chơi

10h15–11h00

10h35–11h20

Vệ sinh, ăn trưa

11h00–11h40

11h20–14h00

Ngủ trưa

11h40–14h30

14h00–14h30

Vệ sinh, vận động nhẹ, ăn quà

14h30–15h00

14h30–16h00

Vui chơi hoặc lao động rèn luyện)

15h00–16h00

16h00–17h00

Vệ sinh, trả trẻ (trẻ vui chơi theo ý thích)

16h00–17h00

V. ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ NHÀ TRẺ - MẪU GIÁO

1. Vai trò và nhiệm vụ của giáo viên, cán bộ quản lý nhà trẻ - mẫu giáo

1.1 Vai trò

Giáo viên, cán bộ quản lý nhà trẻ, mẫu giáo là lực lượng chủ yếu có vai trò quyết định trong sự nghiệp giáo dục mầm non.

1.2 Nhiệm vụ

1.2.1 Đối với giáo viên nhà trẻ - mẫu giáo

– Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của nhà trẻ, trường mẫu giáo, thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch giáo dục (hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, cả năm) phù hợp với điều kiện của từng nhà trẻ, trường mẫu giáo.

– Gần gũi, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ để thống nhất việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và tuyên truyền cho cha mẹ trẻ những kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ.

– Làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, bảo quản và sử dụng tốt  trang thiết bị, tài sản của nhóm, lớp phụ trách.

– Đoàn kết, nhất trí và phấn đấu xây dựng nhóm, lớp, trường tiên tiến.

– Phấn đấu, tự rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt theo tiêu chuẩn quy định.

1.2.2 Đối với cán bộ quản lý nhà trẻ - mẫu giáo

– Bảo đảm chất lượng chăm sóc và giáo dục theo yêu cầu mục tiêu đào tạo.

– Bảo đảm chỉ tiêu về số lượng của nhà trẻ, trường mẫu giáo.

– Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những quy định về chuyên môn và có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên nhà trẻ, trường mẫu giáo.

– Từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

– Từng bước hoàn thiện việc trang bị cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn cho những trường, lớp có đủ điều kiện.

– Thường xuyên rút kinh nghiệm và cải tiến công tác quản lý nhà trẻ, trường mẫu giáo để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo mục tiêu, kế hoạch đào tạo.

2. Yêu cầu cơ bản đối với giáo viên, Hiệu trưởng, Hiệu Phó nhà trẻ, trường mẫu giáo

2.1 Đối với đội ngũ giáo viên trực tiếp nuôi dạy trẻ:

– Yêu thương, tôn trọng trẻ, có tinh thần trách nhiệm.

– Qua các lớp đào tạo và bồi dưỡng nhằm tiêu chuẩn hoá trình độ trung học sư phạm mầm non.

– Nắm được quan điểm, mục tiêu đào tạo, nội dung, phương pháp giáo dục mầm non, biết vận dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

2.2 Đối với đội ngũ Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trẻ, trường mẫu giáo:

Ngoài các yêu cầu như giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ, đội ngũ cán bộ quản lý cần phải đạt các yêu cầu sau:

– Gương mẫu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

– Có khả năng tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra các hoạt động trong nhà trẻ, trường mẫu giáo.

– Có uy tín với quần chúng, đoàn kết và vận động quần chúng hoàn thành nhiệm vụ.

– Làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo.

– Có trình độ về nghiệp vụ quản lý ngành học mầm non.

2.3 Yêu cầu về số lượng: đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhân viên của nhà trẻ, trường mẫu giáo được quy định theo quy định của Nhà nước và của Bộ Giáo dục.

VI. VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT - TÀI CHÍNH

1. Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc giáo dục của nhà trẻ, trường mẫu giáo là điều kiện hết sức quan trọng đối với việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ cần được từng bước đáp ứng nhu cầu quy định, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ.

1.1 Trường lớp:

Những trường lớp hiện có cần được cải tạo và được hoàn thiện dần để phục vụ có hiệu quả ngày càng cao việc chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ.

Những trường lớp mới cần được xây dựng theo đúng quy cách, cụ thể là:

– Địa điểm: nhà trẻ và trường mẫu giáo nên đặt tại nơi trung tâm của khu dân cư, cách xa nguồn bẩn, độc hại.

– Quy mô: tuỳ theo điều kiện và nhu cầu của từng nơi mà xây dựng.

● Nhà trẻ 1– 2– 3 nhóm.

● Trường mẫu giáo 3– 6– 9 lớp. Tối đa không quá 12 lớp.

– Cấu trúc của nhà trẻ, trường mẫu giáo cần có:

● Nhà trẻ: phòng dành cho một nhóm trẻ gồm có: nơi tiếp nhận, nơi chơi, nơi ngủ, nơi vệ sinh,...

● Mẫu giáo: phòng học cho trẻ tối thiểu rộng từ 46–50m2 thoáng mát, đủ ánh sáng, nền nhà lát gạch hoặc tráng xi măng, lát gỗ,... (trong điều kiện hiện nay, một phòng có thể dùng cho các hoạt động của trẻ: học tập, vui chơi, ăn ngủ.

Các phòng chung cho nhà trẻ, trường mẫu giáo gồm có:

● Khối các phòng hành chính (văn phòng, phòng y tế, phòng đồ dùng, đồ chơi, phòng truyền thống nếu có điều kiện).

● Khối các phòng phục vụ (nhà bếp, nhà kho,...)

● Hệ thống công trình phụ (hố tiêu, tiểu, nơi rửa,...)

● Có sân chơi, cây xanh, có cổng, hàng rào bao quanh trường.

1.2 Thiết bị chăm sóc, giáo dục:

Thiết bị chăm sóc giáo dục cụ thể cho nhà trẻ, trường mẫu giáo đã được quy định trong tài liệu “Xây dựng mô hình nhà trẻ - trường mẫu giáo trọng điểm” (12/1987 của Cục Bảo vệ và Giáo dục Trẻ em.

1.3 Sách, báo chí:

– Sách cho giáo viên: chương trình, tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ,... các loại báo như Nhân dân, Phụ nữ, Văn nghệ, báo Giáo viên, báo địa phương,...

– Hàng năm nhà trẻ, trường mẫu giáo cần có kế hoạch mua bổ sung để đảm bảo cho giáo viên và các cháu có tài liệu học tập.

1.4 Sử dụng, bảo quản:

– Nhà trẻ, trường mẫu giáo cần làm tốt công tác bảo quản thiết bị chăm sóc giáo dục, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ. Thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời những người vi phạm nội quy.

– Thực hiện đúng chế độ kiểm kê tài sản hàng năm và có kế hoạch sửa chữa, thanh lý kịp thời.

2. Tài chính

– Kinh phí hoạt động của nhà trẻ, trường mẫu giáo thuộc khu vực Nhà nước cần được đảm bảo và cấp phát kịp thời, đầy đủ cho 4 nhóm chi bao gồm:

● Nhóm 1: Chi lương và các chế độ phụ cấp theo lương của giáo viên, cán bộ và công nhân viên.

● Nhóm 2: Chi cho giảng dạy và học tập.

● Nhóm 3: Chi cho hành chính quản lý.

● Nhóm 4: Chi mua sắm, sửa chữa, xây dựng.

– Kinh phí trên được gọi là kinh phí thường xuyên. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, đặc khu trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã, quận, huyện,... thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, công nông lâm trường, phải có kế hoạch đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất như trường sở, các thiết bị phục vụ việc dạy và học tập, kinh phí chống xuống cấp trường, lớp, bàn ghế... của nhà trẻ, trường mẫu giáo trực thuộc.

– Kinh phí nhà trẻ, mẫu giáo khu vực tập thể các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, phường trích ngân sách địa phương hỗ trợ việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu và các chi phí thường xuyên phục vụ nhiệm vụ dạy, học và nuôi ở các trường lớp, đặc biệt việc chi bồi dưỡng các lớp ngắn ngày cho giáo viên thuộc địa bàn này để nâng cao trình độ.

– Các nguồn kinh phí của nhà trẻ, trường mẫu giáo:

● Ngân sách nhà nước (tỉnh, thành phố...)

● Ngân sách xã, phường, cơ quan, xí nghiệp.

● Đóng góp của cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm.

Hiệu trưởng trường mẫu giáo và Hiệu trưởng nhà trẻ báo cáo các quyết toán trong và ngoài ngân sách theo các chế độ tài chính hiện hành.

Quản lý tài chính gồm 2 nguồn thu: nguồn Nhà nước (trong ngân sách) và nguồn ngoài ngân sách. Tất cả phải theo chế độ dự toán, thanh quyết toán tài chính hiện hành.

VII. VỀ BỘ MÁY TỔ CHỨC NHÀ TRẺ, TRƯỜNG MẪU GIÁO

Nội dung và cách thức quản lý cụ thể thực hiện theo Điều lệ tạm thời về tổ chức nhà trẻ (Quyết định số 260-UB/QĐ ngày 21/4/1977) và Điều lệ trường mẫu giáo (số 435/QĐ ngày 29/3/1980 của Bộ Giáo dục)

Các nhà trẻ, trường mẫu giáo có trách nhiệm thực hiện các quy định này.

VIII. ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ CƠ SỞ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO NHÀ TRẺ, TRƯỜNG MẪU GIÁO VỚI SỰ PHỐI HỢP CỦA CÁC LỰC LƯỢNG XÃ HỘI

1. Đảng bộ, chính quyền địa phương, cơ sở lãnh đạo và chỉ đạo nhà trẻ-trường mẫu giáo.

1.1 Sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo thể hiện chủ yếu là:

– Quán triệt trong Đảng bộ và nhân dân đường lối giáo dục của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

– Lãnh đạo chính quyền địa phương và cơ sở thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn quản lý nhà trẻ, trường mẫu giáo theo quy định của Nhà nước.

– Lãnh đạo các ngành, các đoàn thể, các lực lượng xã hội phối hợp với nhà trẻ, trường mẫu giáo để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

1.2 Sự chỉ đạo của chính quyền đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo thể hiện chủ yếu là:

– Chỉ đạo nhà trẻ, trường mẫu giáo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm, thực hiện từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.

– Lập kế hoạch tài chính giáo dục (Nhà nước, nhân dân, cha mẹ các cháu) và kế hoạch lao động (biên chế), kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất thiết bị chăm sóc giáo dục trẻ em.

– Chỉ đạo Hội đồng giáo dục cơ sở phối hợp với các ngành, các đoàn thể các lực lượng xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

– Thực hiện chế độ chính sách hiện hành đối với giáo viên cán bộ quản lý nhà trẻ, trường mẫu giáo.

– Kiểm tra hoạt động của nhà trẻ, trường mẫu giáo.

2. Các lực lượng xã hội tham gia phối hợp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

2.1 Gia đình và xã hội cha mẹ học sinh:

– Phối hợp gia đình và nhà trẻ - trường mẫu giáo trong việc thực hiện nội dung, phương pháp điều kiện bảo vệ, chăm sóc, giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch đào tạo (nêu trên).

– Hội cha mẹ học sinh vận động thành viên của hội cùng nhà trẻ, trường mẫu giáo tuyên truyền, giáo dục chính sách bảo vệ, giáo dục trẻ của Đảng, Nhà nước và mục tiêu, kế hoạch đào tạo (nêu trên), bồi dưỡng kiến thức khoa học giáo dục trẻ em, trao đổi kinh nghiệm khắc phục các quan điểm, phương pháp lạc hậu trong nuôi dạy trẻ em, góp phần xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật để chăm sóc, giáo dục trẻ, chăm lo đời sống giáo viên.

2.2 Các đoàn thể:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương và cơ sở xây dựng chi đoàn nhà trẻ, trường mẫu giáo vững mạnh, nòng cốt trong mọi hoạt động của nhà trẻ, trường mẫu giáo gương mẫu trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch đào tạo (nêu trên).

– Công đoàn ở địa phương và cơ sở kết hợp với nhà trẻ, trường mẫu giáo tham gia giáo dục, tổ chức thi đua, xây dựng tập thể giáo viên đoàn kết thực hiện tốt kế hoạch đào tạo (nêu trên).

– Hội Phụ nữ ở địa phương và cơ sở tổ chức, động viên hội viên xây dựng gia đình văn hoá mới, thực hiện chính sách dân số, phối hợp với nhà trẻ, trường mẫu giáo tuyên truyền đường lối chính sách bảo vệ, giáo dục trẻ, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp khoa học chăm sóc giáo dục trẻ... quan tâm chăm sóc đời sống giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo.

2.3 Các lực lượng xã hội:

– Trường phổ thông cơ sở cấp 1 phối hợp trong quan hệ nối tiếp chuẩn bị cho mẫu giáo 5 tuổi vào lớp 1 phổ thông cơ sở, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học.

– Y tế địa phương, cơ sở phối hợp chặt chẽ với nhà trẻ, trường mẫu giáo trong chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh, phát hiện bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chữa bệnh cho trẻ, góp phần thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng trẻ theo mục tiêu đào tạo (nêu trên).

– Các cơ sở sản xuất góp phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị chăm sóc, giáo dục trẻ.

– Các cơ sở văn hoá, khoa học kỹ thuật kết hợp với nhà trẻ, trường mẫu giáo góp phần xây dựng các điều kiện hoạt động, vui chơi, văn hoá, văn nghệ, thể dục của nhà trẻ, trường mẫu giáo.

IX. THỰC HIỆN MỤC TIÊU KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO

1. Việc thực hiện mục tiêu kế hoạch đào tạo nhà trẻ, trường mẫu giáo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đội ngũ giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo cùng phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh.

2. Trong chỉ đạo thực hiện, phải bảo đảm tính thống nhất trong cả nước đồng thời phải phù hợp với từng vùng, từng nhà trẻ, trường mẫu giáo.

3. Các cơ quan của Bộ Giáo dục căn cứ vào mục tiêu kế hoạch đào tạo (nêu trên) chỉ đạo nội dung công tác nhà trẻ - mẫu giáo, chỉ đạo việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên, biên soạn chương trình, sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn, nghiên cứu sản xuất thiết bị, hoàn chỉnh chế độ chính sách về quản lý nhà trẻ - mẫu giáo và đối với giáo viên, cán bộ quản lý. Thực hiện sự phân cấp quản lý nhà trẻ - mẫu giáo cho các Sở, Phòng Giáo dục theo các quy định hiện hành và bổ sung để quản lý tốt việc thực hiện mục tiêu kế hoạch đào tạo (nêu trên).

4. Các cấp chính quyền địa phương và cơ sở chỉ đạo, phối hợp, cộng tác, kiểm tra theo nội dung mục VIII trên đây.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 55/QĐ năm 1990 Quy định mục tiêu và kế hoạch đào tạo nhà trẻ-trường mẫu giáo do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 55/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/02/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Phạm Minh Hạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản