Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 55/2004/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 14 tháng 7 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH  BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước;
- Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung ngày 09/06/2000 và Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/07/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ Quyết định số 50/2003/QĐ-UBBT ngày 01/8/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về ban hành một số chính sách đầu tư;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Bình Thuận tại Tờ trình số 391/CN/KHĐT ngày 08/7/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy chế về tổ chức và quản lý hoạt động các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2: Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Công nghiệp Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và UBND các Huyện, thành phố Phan Thiết tổ chức thực hiện tốt những nội dung của Bản Qui chế này.

Điều 3: Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, cơ quan liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Huyện, thành phố Phan Thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Xã, Phường, Thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp.
- T/T Tỉnh ủy
- T/T HĐND Tỉnh (báo cáo).
- Chủ tịch, các P.CT UBND Tỉnh.
- Lưu:     
+ VP/UB 
+ NLN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

BẢN QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP -TIỀU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2004/QĐ-UBBT ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là khu vực có qui mô diện tích từ trên 5 ha đến dưới 50 ha, tập trung sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống và do Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định thành lập.

Điều 2: Doanh nghiệp, hộ cá thể hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong hàng rào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gọi là doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được gọi là doanh nghiệp dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Doanh nghiệp xây dựng và cho thuê hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, nhà xưởng và các công trình khác trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được gọi là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỤM CÔNG  NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

Điều 3: Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

1. Ở mỗi Huyện, Thành phố có cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động được thành lập một Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để giúp Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố quản lý, tổ chức hoạt động của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công trên địa bàn.

2. Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Huyện, Thành phố do Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định thành lập.

3. Ban Quản lý cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là đơn vị sự nghiệp có chức năng quản lý hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ và sản xuất của các doanh nghiệp trong hoặc bên ngoài cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Huyện, Thành phố.

4. Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Huyện, Thành phố chịu sự quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Công nghiệp.

5. Biên chế của Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là biên chế sự nghiệp khác thuộc Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố do Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định  phân bổ theo yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 4: Chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

1. Hằng năm, lập kế hoạch phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phù hợp dự án khả thi được duyệt; Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo về Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố và Sở Công nghiệp tình hình hoạt động của cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

2. Giám sát, kiểm tra việc xây dựng và kinh doanh các công trình hạ tầng trong hàng rào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và tham gia giám sát công trình hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đảm bảo đúng đề án xây dựng, quy hoạch phát triển được duyệt.

3. Tổ chức đăng ký ban đầu và đăng ký bổ sung khi có thay đổi về tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Tham gia định giá cho thuê đất thô, đất có công trình hạ tầng. Tham gia định giá các loại phí dịch vụ trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

4. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp phép đầu tư (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đăng ký kinh doanh (doanh nghiệp trong nước), chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và thông báo kết quả cho nhà đầu tư. Tham gia giao đất trên thực địa cho các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất hoặc giao quyền sử dụng đất.    

5. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Phối hợp với Sở Công nghiệp, các ngành chức năng của Tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện để nhà đầu tư hưởng đúng và đầy đủ các ưu đãi đầu tư của Chính phủ và của Tỉnh.

6. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, môi trường, xây dựng, phòng chống cháy nổ, an toàn công nghiệp trong việc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về tình hình chấp hành pháp luật ở các lĩnh vực trên và tình hình thực hiện giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

7. Phối hợp với các ngành chức năng của Huyện, Thành phố và Uỷ ban nhân dân Xã, Phường, Thị trấn trong việc giữ gìn an ninh, trật tự  trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Điều 5: Quản lý Nhà nước chuyên ngành:

1. Sở Công nghiệp :

a) Giúp Uỷ ban nhân dân Tỉnh quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố làm đầu mối giúp các nhà đầu tư xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành danh mục ngành nghề ưu tiên đầu tư (nếu có) vào các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

b) Lập quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy chế tổ chức và quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành. Tham gia thẩm định các dự án khả thi hoặc đề án phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

c) Chủ trì và phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các Huyện, Thành phố triển khai thực hiện quy chế này. Định kỳ 6 tháng, Sở Công nghiệp báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh tình hình hoạt động và phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh và những vấn đề phát sinh cần giải quyết.

d) Đề nghị xem xét hỗ trợ của chương trình khuyến công cho các doanh nghiệp sản xuất thuộc cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả và chấp hành tốt các quy định về sản xuất kinh doanh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tổ chức thẩm định quy hoạch phát triển, đề án khả thi xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.        

b) Tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh kế hoạch vốn hàng năm cho công tác lập quy hoạch, vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

c) Tiếp nhận hồ sơ do Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đề xuất để xét cấp giấy đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp trong nước), hoặc trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định cấp giấy phép đầu tư, điều chỉnh giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (đối với doanh nghiệp trong nước).

d) Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3. Sở Tài chính:

a) Cân đối và thực hiện hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy định và theo chính sách ưu đãi của Tỉnh. Trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xét miễn, giảm tiền thuê đất và chi phí đền bù giải toả theo quy định hiện hành.

b) Chủ trì xác định giá cho thuê đất, kết cấu hạ tầng, phí dịch vụ tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Sau khi dự án khả thi cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được phê duyệt, hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về thủ tục liên quan đến việc cho thuê đất, hoặc giao đất theo quy định của pháp luật đất đai; trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao quyền sử dụng đất của dự án cho doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; giao đất, cho thuê đất các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. 

b) Tham gia xác định giá cho thuê đất tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

c) Hướng dẫn các thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

d) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (hoặc Phòng Kinh tế) Huyện, Thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư; Phối hợp với Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Huyện, Thành phố để kiểm tra, thanh tra môi trường theo kế hoạch đối với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy định.

5. Sở Thương mại và Du lịch:

a) Hướng dẫn, cung cấp mẫu biểu về thủ tục làm hồ sơ cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, vật tư sản xuất kinh doanh dịch vụ cho nhà đầu tư.

b) Phối hợp các cơ quan có liên quan hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thực hiện các thủ tục về xuất khẩu sản phẩm theo quy định của pháp luật.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua các chương trình của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu của Tỉnh.

6. Sở Xây dựng:

a) Hướng dẫn quy trình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành; Thẩm định quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng, thiết kế dự toán đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cung cấp các thông tin mới liên quan đến các chính sách kinh tế xây dựng, liên quan đến địa điểm qui hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

b) Hướng dẫn thủ tục hoàn công các công trình xây dựng cho doanh nghiệp và trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà xưởng của doanh nghiệp cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

c) Hướng dẫn Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Huyện, Thành phố giám sát việc xây dựng, hệ số sử dụng đất và sự phù hợp về kiến trúc công trình của từng doanh nghiệp trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với dự án khả thi đã được phê duyệt của toàn cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

7. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

a) Hướng dẫn việc tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa  bàn Tỉnh, đăng ký thỏa ước lao động tập thể, nội qui lao động, giải quyết tranh chấp lao động khi có phát sinh ở các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

b) Chỉ đạo Phòng Tổ chức - Lao động và Xã hội Huyện, Thành phố phối hợp với Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, chế độ lao động đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật lao động.

8. Các cơ quan chức năng khác của Tỉnh:

Thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động của cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn thuộc thẩm quyền đã được quy định. Giúp Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho phòng nghiệp vụ Huyện, Thành phố, Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thiết lập qui trình hoạt động giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thực hiện theo quy chế một đầu mối tại Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Huyện, Thành phố.

Điều 6: Quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ:

1. Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố:

a) Tham gia xây dựng quy hoạch tổng thể, tổ chức xây dựng dự án khả thi các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Khai thác các nguồn vốn, vận động các nhà đầu tư để đầu tư kinh doanh hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

b) Chỉ đạo mọi hoạt động của Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo Quy chế này và theo các quy định khác của pháp luật. Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

c) Tham gia thẩm định giá cho thuê đất, chi phí sử dụng kết cấu hạ tầng và chi phí dịch vụ tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cấp giấy phép xây dựng tại cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

d) Ban hành điều lệ hoạt động của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Huyện, Thành phố không trái với Quy chế do Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành. Phối hợp Sở Công nghiệp đề xuất danh mục ngành nghề sản xuất ưu tiên đầu tư trong các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

đ) Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giao đất, cho thuê đất đối với hộ sản xuất kinh doanh cá thể trong các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

e) Báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, năm) hoặc đột xuất khi có yêu cầu về tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn về Uỷ ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Công nghiệp).

2. Các Phòng, Ban cấp Huyện, Thành phố:

a) Hội đồng đền bù - giải tỏa, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Giao thông – Công nghiệp – Xây dựng (hoặc Phòng Kinh tế) phối hợp với Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Huyện, Thành phố để đẩy nhanh tốc độ đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, đảm bảo sớm hoàn thành thi công xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để có mặt bằng kêu gọi, thu hút đầu tư.

b) Lập nhanh các thủ tục như: tạm giao mặt bằng, thẩm định thiết kế xây dựng của nhà đầu tư theo phân cấp, thỏa thuận địa điểm được nhà đầu tư lựa chọn, thực hiện quy hoạch, quản lý việc triển khai quy hoạch được duyệt.

3. Uỷ ban nhân dân Xã, Phường, Thị trấn (Gọi tắt là Uỷ ban nhân dân Xã):

a) Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, và các cơ quan chức năng khác của Huyện, Thành phố trong việc tuyên truyền, giải thích và thực hiện chủ trương đền bù, giải toả, động viên nhân dân giải phóng mặt bằng (nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối…) để tạo điều kiện thi công nhanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, bố trí sớm đất xây dựng nhà xưởng cho nhà đầu tư.

b) Khi đã có thông báo quy hoạch hoặc quy hoạch cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được duyệt, thì Uỷ ban nhân dân Xã phải thực hiện quản lý tốt quy hoạch, không được để dân cư lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình, chôn cất mồ mã, trồng cây xanh, khai thác nguyên liệu… làm ảnh hưởng đến bố trí quy hoạch.

c) Đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội, môi trường đầu tư của các nhà đầu tư tại cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

d) Hướng dẫn và thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho công nhân, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tránh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư tại cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thuộc địa phương mình quản lý.

đ) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố trong việc lập khu tái định cư cho các hộ bị giải toả để xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

e) Tham gia quản lý các công trình công cộng: công trình đường bộ, lưới điện, cây xanh, công trình hạ tầng bên ngoài cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phối hợp với các ngành liên quan của Huyện, Thành phố để quản lý các hoạt động tại cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng trật tự, an toàn và văn minh.

Chương III

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

Điều 7: Phân cấp quản lý đầu tư:

1. Uỷ ban nhân dân Tỉnh:

- Phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh do Sở Công nghiệp trình.

- Phê duyệt dự án khả thi hoặc đề án phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và quy hoạch các khu tái định cư phục vụ cho việc di dời dân để đầu tư xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố trình.

- Cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo quy định cho các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình.

2. Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố và các Sở quản lý chuyên ngành:

Thực hiện phê duyệt dự án khả thi, thẩm định thiết kế dự toán theo phân cấp quản lý đầu tư xây dựng hiện hành của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

Điều 8: Quy định về đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, gồm:

- San lắp mặt bằng toàn bộ diện tích dự án.

- Hệ thống giao thông kể từ điểm nối đường giao thông công cộng vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hệ thống đường giao thông trong nội bộ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Hệ thống điện trung thế từ điểm nối với hệ thống điện lưới quốc gia đến trạm biến áp trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống lưới điện hạ áp 3 pha từ xuất tuyến trạm biến áp phủ khắp khu vực cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Hệ thống cấp nước từ điểm đấu nối với hệ thống cấp nước công cộng hoặc từ nguồn nước thông qua hệ thống ống dẫn bố trí khắp cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Hệ thống thoát nước: Cống thu hồi nước thải xây dựng trong khắp cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến hồ xử lý tập trung và dẫn đến điểm nối dẫn vào hệ thống thoát công cộng.

Doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư đấu nối từ các hệ thống trên đây vào khu vực sản xuất của doanh nghiệp.

Điều 9: Xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư.

Trong kế hoạch hàng năm, Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố báo cáo danh mục các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ưu tiên đầu tư, cân đối và đề xuất nguồn vốn gửi về Sở Công nghiệp tổng hợp, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư, vốn xây dựng dự án khả thi, kinh phí đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng.

Điều 10: Nguồn vốn đầu tư cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làm chủ đầu tư, được huy động từ nhiều nguồn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Uỷ ban nhân dân Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư ứng trước vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Chương IV

VỀ SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 11: Giao đất để xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp  và cho thuê đất, giao lại đất:

Sau khi dự án khả thi cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được phê duyệt, các doanh nghiệp được lựa chọn hình thức giao đất hoặc thuê đất theo quy định hiện hành.

Điều 12: Thu hồi đất đã giao để xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

1. Đất giao cho doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ để xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định giao đất mà chưa tiến hành xây dựng nếu có lý do chính đáng thì doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng nộp đơn tại Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét gia hạn 01 lần không quá 06 tháng. Quá thời hạn này nếu không tiến hành đầu tư thì sẽ bị thu hồi đất, và doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng chấm dứt quyền và nghĩa vụ liên quan đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

2. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khi được thuê hoặc giao quyền sử dụng đất chỉ được sử dụng đất vào mục đích sản xuất, dịch vụ ghi trong giấy phép đầu tư. Nếu quá 12 tháng mà chưa triển khai đầu tư với lý do chính đáng, thì làm đơn nộp tại Ban Quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thông qua Sở Tài nguyên và môi trường trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh hoặc thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố xem xét gia hạn một lần không quá 06 tháng. Quá thời hạn này nếu không tiến hành đầu tư thì sẽ bị thu hồi đất, và doanh nghiệp cũng chấm dứt quyền và nghĩa vụ liên quan đối với việc thuê hoặc giao đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Điều 13: Chuyển nhượng tài sản đã xây dựng trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Trong thời hạn còn hiệu lực của giấy phép đầu tư, sau khi được cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp thuận, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tài sản của mình xây dựng trên đất thuê cho nhà đầu tư khác, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và mục đích sử dụng đất. Bên được chuyển nhượng có quyền và trách nhiệm tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà bên chuyển nhượng đã ký kết với các đơn vị kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và  các bên có liên quan khác theo đúng thỏa thuận giữa các bên và các quy định luật pháp hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có thể bổ sung, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho nhà đầu tư.

Điều 15: Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Giao Sở Công nghiệp hướng dẫn, theo dõi thực hiện Bản Quy chế này. Nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét việc điều chỉnh, bổ sung./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 55/2004/QĐ-UBBT ban hành Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 55/2004/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/07/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản