Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5133/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “SẮP XẾP LẠI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐÀI TRUYỀN THANH PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở;

Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 720-TB/TU ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Thành ủy Hà Nội về Đề án sắp xếp lại và nâng cao chất lượng hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 967/TTr-STTTT ngày 25 tháng 5 năm 2017 và Công văn số 1300/STTTT-BCXBTT ngày 07 tháng 7 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội” với các nội dung cụ thể sau:

1. Mục đích

- Nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, tuyên truyền, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thành phố và chính quyền cơ sở, nhu cầu thông tin của nhân dân.

- Tăng cường các hình thức thông tin cơ sở bên cạnh việc cải tiến hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh (ĐTT) phường, xã, thị trấn; phát huy thế mạnh của ĐTT là kênh thông tin chính thức của chính quyền cơ sở, trực tiếp đến nhân dân; đồng thời từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thông tin cơ sở.

2. Nội dung

2.1. Sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn

Rà soát, sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trật tự mỹ quan đô thị. Cụ thể:

- Số lượng loa và cụm loa:

+ Đối với các phường thuộc các quận: Duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa). Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở Thông tin và Truyền thông danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp. Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp UBND các quận theo dõi, đánh giá hiệu quả, báo cáo UBND Thành phố quyết định phương án sắp xếp chính thức.

+ Đối với địa bàn thị xã Sơn Tây và các huyện: Tiếp tục duy trì hệ thống ĐTT nhưng sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

- Hệ thống ĐTT sau khi sắp xếp phải đảm bảo các yếu tố:

+ Sắp xếp loa, cụm loa tránh các vị trí sau: Gần trường học, bệnh viện, cơ quan ngoại giao, khu người cao tuổi, khu vực người nước ngoài sinh sống, khu nhà cao tầng... Tại các địa bàn giáp ranh, các phường, xã, thị trấn phải trao đổi thống nhất về vị trí cụm loa, thời gian phát thanh để không chồng lấn nội dung khi phát, gây bức xúc trong nhân dân.

+ Chủ động cấp điện cho hệ thống loa truyền thanh, có phương án dự phòng khi mất điện, đặc biệt là đối với hệ thống ĐTT không dây.

+ Thay thế, sửa chữa những loa không bảo đảm chất lượng (loa rè, lẫn tạp âm, âm lượng quá lớn).

+ Rà soát, nâng cấp thiết bị, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống can nhiễu tần số vô tuyến điện, đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống đài truyền thanh không dây.

2.2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động của ĐTT phường, xã, thị trấn

a) Địa bàn 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng):

* Nội dung thông tin:

Chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố.

* Thời gian, thời lượng:

Theo yêu cầu thực tế của nội dung thông tin và chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

b) Địa bàn các quận (còn lại):

* Nội dung thông tin:

ĐTT phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn, cụ thể:

- Tin địa phương: Công việc chung của phường; vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố; biểu dương, khen thưởng người tốt - việc tốt với cá nhân, tập thể trên địa bàn...

- Thông tin các chủ trương của Thành phố (khi có văn bản chỉ đạo).

- Thông báo công việc có mốc thời gian thực hiện (khám nghĩa vụ quân sự, tiêm chủng, giải phóng mặt bằng, chi trả lương hưu...); Thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh)...

* Thời gian, thời lượng:

- Thời gian: Tối đa hai buổi sáng - chiều/ngày, 5 ngày/tuần (thứ bảy và chủ nhật chỉ phát khi có trường hợp đặc biệt).

- Thời lượng: tối đa 15 phút/buổi phát thanh.

c) Địa bàn các huyện, thị xã:

* Nội dung thông tin:

Thực hiện tiếp sóng đài cấp trên và phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn (như nội dung thông tin đối với đài phường thuộc các quận).

* Thời gian, thời lượng:

- Thời gian: tối đa hai buổi sáng - chiều/ngày, 5 ngày/tuần (thứ bảy và chủ nhật chỉ phát khi có trường hợp đặc biệt).

- Thời lượng: tối đa 45 phút/buổi phát thanh (bao gồm cả thời lượng tiếp sóng đài cấp trên).

Thời gian, thời lượng cụ thể do UBND quận, huyện, thị xã căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, đặc điểm dân cư, quy định cho các phường, xã, thị trấn, có thông báo gửi Sở Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, tùy thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm lớn, các trường hợp đặc biệt khác, ĐTT phường, xã, thị trấn thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND và hệ thống Tuyên giáo các quận, huyện, thị xã. Không phát chương trình ca nhạc thuần túy (trừ bài hát lồng ghép trong nội dung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các trường hợp đặc biệt khác theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông).

2.3. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các loại hình thông tin cơ sở khác

- Tổ chức cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, đặc biệt là thông tin được báo chí phản ánh và dư luận quan tâm; duy trì các buổi sinh hoạt định kỳ của báo cáo viên và tuyên truyền viên cơ sở với nhân dân tại khu dân cư.

- Tổng hợp thông tin trọng tâm trong tháng, biên soạn thành tài liệu ngắn gọn, chú trọng thông tin người tốt - việc tốt để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của các quận, huyện, thị xã và các loại hình thông tin cơ sở.

- Đẩy mạnh việc sử dụng Bảng tin công cộng tại các khu dân cư trong việc cung cấp thông tin của chính quyền cơ sở đến nhân dân. Phân công thực hiện các công việc: Định kỳ ghi hoặc dán thông báo, các nội dung chỉ đạo, vận động của chính quyền cơ sở lên Bảng tin; khuyến khích việc trình bày Bảng tin công cộng sáng tạo, lôi cuốn người xem; vận động nhân dân đọc Bảng tin, tuyên truyền để thông tin tích cực, thông tin người tốt - việc tốt lan tỏa trong cộng đồng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá và có hình thức khen thưởng để động viên, khuyến khích việc sử dụng Bảng tin công cộng phục vụ nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tại cơ sở.

2.4. Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức tuyên truyền

a) Thí điểm bảng tin điện tử:

Lắp đặt Bảng tin điện tử tại các khu vực công cộng và khu chung cư cao tầng. Xây dựng nội dung, xuất bản bản tin điện tử định kỳ trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố, Cổng Thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông, cung cấp cho Cổng thông tin điện tử quận, huyện, thị xã, bảng tin điện tử tại khu vực công cộng và khu chung cư cao tầng trên toàn Thành phố, qua đó cung cấp thông tin thiết yếu cho người làm thông tin cơ sở và nhân dân. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người làm thông tin cơ sở, Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân tiếp cận, sử dụng và trao đổi thông tin trên môi trường mạng. Tăng cường sự tương tác, phản hồi giữa bản tin điện tử với người sử dụng để kịp thời nắm bắt dư luận và cung cấp thông tin thiết yếu cho cơ sở.

b) Nhắn tin tới số thuê bao điện thoại nội dung chỉ đạo, điều hành của Thành phố

Thực hiện việc nhắn tin tới số thuê bao điện thoại của người dân các nội dung: Thông báo khẩn cấp liên quan đến phòng chống thiên tai, bão lũ, an toàn, an ninh trật tự; các cảnh báo về phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh... hoặc theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

c) Thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống ĐTT tại các phường thuộc quận nội thành

* Khảo sát, lựa chọn các thiết bị thông minh (kết nối 3G, 4G, wifi...) để thay thế dần các hình thức thông tin truyền thống, bảo đảm các chức năng:

- Cung cấp thông tin địa phương; các chương trình tuyên truyền của Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; tin tức quan trọng khác dưới dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh.

- Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.

- Cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng (tiền điện, tiền nước, phí vệ sinh...).

- Cung cấp các tiện ích khác cho các hộ gia đình như: Chỉ số quan trắc môi trường, các cuộc gọi khẩn cấp, gửi các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân...

* Phạm vi thí điểm:

250 hộ gia đình trên địa bàn 5 phường (2 phường thuộc quận Ba Đình, 2 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, 1 phường thuộc quận Cầu Giấy, 50 hộ gia đình/phường).

* Lộ trình thực hiện:

- Khảo sát, lựa chọn thiết bị: Quý III/2017.

- Thí điểm lắp đặt và tổng kết đánh giá: Quý IV/2017.

- Xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng cho các phường thuộc quận nội thành: Quý I/2018.

2.5. Xây dựng quy chế hoạt động của ĐTT phường, xã, thị trấn

Xây dựng quy chế hoạt động của ĐTT phường, xã, thị trấn có tính đến đặc điểm khu dân cư trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cơ sở.

2.6. Rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm truyền thanh phường, xã, thị trấn

a) Rà soát, sắp xếp đội ngũ người làm truyền thanh phường, xã, thị trấn

Rà soát yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đối với người làm truyền thanh phường, xã, thị trấn. Bố trí, sắp xếp người làm truyền thanh phường, xã, thị trấn phù hợp với vị trí việc làm (về trình độ) và đặc điểm địa bàn (về số lượng).

b) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người làm truyền thanh phường, xã, thị trấn

- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng viết và biên tập tin, bài, khai thác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng làm tư liệu viết bài cho cán bộ ĐTT cơ sở.

- Bồi dưỡng kỹ năng phát thanh, vận hành trang thiết bị ĐTT cơ sở.

- Tăng cường hướng dẫn nội dung thông tin trọng tâm cho ĐTT cơ sở.

2.7. Tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Đề án

Các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, các cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, để nhân dân hiểu, đồng thuận trong quá trình Thành phố thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

3. Thời gian thực hiện

- Thời gian thực hiện Đề án: 2017-2018.

- Thời gian thí điểm sử dụng thiết bị thông minh: Quý IV/2017.

- Thời gian mở rộng việc sử dụng thiết bị thông minh: Năm 2018.

4. Kinh phí

- Đối với các nhiệm vụ, giải pháp tại mục 2.1, 2.2, 2.3, 2.4.a, 2.5, 2.6, 2.7 (Điều 1): Các đơn vị chủ động bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách được giao hàng năm để thực hiện.

- Đối với nhiệm vụ tại tiểu mục b, c (mục 2.4, Điều 1): Ngân sách Thành phố và xã hội hóa.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành Quy chế hoạt động ĐTT phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố; tham mưu thực hiện quản lý nhà nước và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; hướng dẫn thực hiện Đề án, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy triển khai công tác tuyên truyền trên hệ thống báo chí và thông tin cơ sở tạo đồng thuận trong nhân dân trong quá trình thực hiện Đề án; định hướng nội dung tuyên truyền trọng tâm.

- Chủ trì, phối hợp UBND các quận đánh giá kết quả, hiệu quả việc sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2017.

- Chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống đài truyền thanh không dây.

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người làm thông tin cơ sở, trước mắt tập trung bồi dưỡng nâng cao kỹ năng phát thanh và biên tập tin bài cho người làm truyền thanh phường, xã, thị trấn.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm Bảng tin điện tử.

- Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung trên Bảng thông tin cơ sở tại các khu dân cư. Hướng dẫn thực hiện việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các loại hình thông tin cơ sở khác.

- Chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhắn tin tới số thuê bao điện thoại của người dân về nội dung chỉ đạo, điều hành của Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp viễn thông hoàn thiện thiết bị đầu cuối lắp đặt tại các hộ gia đình phục vụ công tác tuyên truyền theo hình thức xã hội hóa, tổ chức triển khai thí điểm trong quý IV/2017 và xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng trên địa bàn Thành phố trong quý I/2018.

- Kiến nghị, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Thành Ủy ban hành văn bản chỉ đạo đổi mới hoạt động thông tin cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư ngày 05/9/2016 về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong quá trình Thành phố thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

- Xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên cơ sở.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt. Hướng dẫn việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hàng năm của các đơn vị đảm bảo đúng quy định.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị liên quan rà soát, sắp xếp lại biên chế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại ĐTT phường, xã, thị trấn, đảm bảo phù hợp, hiệu quả khi triển khai thực hiện Đề án.

5. Các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội

Tích cực tuyên truyền về mục đích, giải pháp thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng biên tập, phát thanh, vận hành trang thiết bị cho người làm truyền thanh cơ sở.

6. UBND các quận, huyện, thị xã

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh. UBND các quận chủ trì lựa chọn, quyết định vị trí loa để duy trì, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp chung.

- UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy đề xuất địa bàn phường thí điểm lắp đặt thiết bị đầu cuối không dây phục vụ công tác tuyên truyền; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan trong quá trình thí điểm.

- Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian, thời lượng phát thanh trên hệ thống ĐTT cơ sở.

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trên Bảng tin công cộng tại các khu dân cư theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông lắp đặt thí điểm Bảng tin điện tử tại một số phường, xã, thị trấn.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, vận động cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn, người làm thông tin cơ sở hưởng ứng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền tại cơ sở.

- Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở triển khai nhiệm vụ tuyên truyền về Đề án của Thành phố nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Văn hóa và Thể thao, Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo UBND Thanh phố, qua Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp để kịp thời xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- T.Trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Quận, huyện, thị ủy;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Báo, đài Thành phố;
- VPUB: Các PCVP, các Phòng CV;
- Lưu: VT, KGVX Dg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5133/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”

  • Số hiệu: 5133/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/08/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Đức Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản