Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/2011/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 26 tháng 08 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ ĐẦU TƯ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH BẮC NINH”

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 2.5.2010 của Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Quyết định số 100/2010/QĐ-UB ngày 9.8.2010 của UBND tỉnh Bắc Ninh quy định số lượng, chức danh và chế độ phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc tỉnh Bắc Ninh;

Căn cứ Kết luận kỳ họp UBND tỉnh ngày 21.7.2011;

Xét đề nghị của Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tại tờ trình số 65/TTr-PTTH, ngày 10.8.2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động Đài Truyền thanh cơ sở tỉnh Bắc Ninh” với những nội dung sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở, góp phần tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh, kinh tế - xã hội phát triển, thiết thực xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa cho nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

Thực hiện tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố vào 2 buổi:

- Sáng: từ 5 giờ 30 phút - 7 giờ 00;

- Chiều: Từ 17 giờ 00 - 18 giờ 45 phút.

Ngoài việc tiếp âm các Đài cấp trên, Đài Truyền thanh cơ sở còn trực tiếp sản xuất các chương trình địa phương mỗi tuần sản xuất 3 chương trình, mỗi chương trình có thời lượng 20 phút vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Phát lại vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bẩy. Riêng ngày Chủ nhật có một chương trình tổng hợp lại những vấn đề, sự kiện nổi bật trong tuần (trên cơ sở tổng hợp lại 3 chương trình mới sản xuất trong tuần).

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1.Về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật

1.1. Về cơ sở vật chất: Mỗi Đài Truyền thanh cơ sở được bố trí 02 phòng:

- 01 phòng để máy tăng âm, máy phát sóng;

- 01 phòng bá âm và làm việc của tuyên truyền viên, phát thanh viên.

Các phòng máy, phòng bá âm và làm việc có thể tận dụng cơ sở vật chất hiện có hoặc được bố trí ở tại Nhà Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa thể thao xã, không phải xây mới.

1.2. Về trang thiết bị kỹ thuật:

Hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp 83 Đài theo phương thức đầu tư xen kẽ vừa truyền thanh hữu tuyến vừa truyền thanh vô tuyến. Bổ sung thêm trang thiết bị cho 43 Đài đã được UBND tỉnh đầu tư giai đoạn 1 (2005 - 2006).

a. Hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp 83 Đài theo phương thức đầu tư xen kẽ vừa truyền thanh hữu tuyến vừa truyền thanh vô tuyến.

* 30 Đài đầu tư truyền thanh vô tuyến gồm:

+ 01 máy phát sóng FM 50W + Anten máy phát

+ 01 cột Anten

+ 15 cụm thu FM công suất 50W + 15 card giải mã

+ 01 bàn điều khiển trung tâm

+ Từ 30 - 40 loa công cộng (tuỳ theo địa bàn xã, phường, thị trấn)

+ 01 đầu thu AM/FM hoặc Radio casette để thu chương trình phát thanh của đài cấp trên để truyền tới các loa

+ 02 Micro để thu âm chương trình địa phương

+ Bàn pha âm từ 04 - 08 đường vào

+ 01 bộ máy vi tính thu in, biên tập chương trình phát thanh

+ 01 bộ lưu điện 1000W

+ 01 máy ghi âm kỹ thuật số

+ 01 Ổn áp Lioa 3 KW.

* 53 Đài đầu tư truyền thanh hữu tuyến gồm:

+ 02 máy tăng âm truyền thanh, mỗi máy công suất 500W

+ Từ 04 - 07 km đường dây (kéo từ Đài xã đến các trạm truyền thanh thôn, do vậy không cố định cho tất cả các xã)

+ Từ 30 - 40 loa công cộng + biến áp (tuỳ theo địa bàn xã, phường, thị trấn)

+ 01 đầu thu AM/FM hoặc Radio casette để thu chương trình phát thanh của Đài cấp trên để truyền tới các loa

+ 02 Micro để thu âm chương trình địa phương

+ Bàn pha âm từ 04 - 08 đường vào

+ 01 bộ máy vi tính thu in, biên tập chương trình phát thanh

+ 01 bộ lưu điện 1000W

+ 01 máy ghi âm kỹ thuật số

+ 01 Ổn áp Lioa 3 KW.

Chuyển thực hiện ghi âm phỏng vấn, thu in, biên tập chương trình Phát thanh công nghệ Analog sử dụng băng từ trước kia sang phương thức ghi âm, thu in kỹ thuật số. Số thiết bị của các Đài hiện có, qua rà soát, đang còn hoạt động bình thường, được sử dụng làm thiết bị dự phòng.

b. Bổ sung thêm trang thiết bị cho 43 Đài đã được UBND tỉnh đầu tư giai đoạn 1 (2005 - 2006), cụ thể:

+ 01 máy ghi âm kỹ thuật số

+ 01 bộ máy vi tính thu in, biên tập chương trình phát thanh

+ 01 bộ lưu điện 1000W.

2. Về nguồn nhân lực và chế độ chính sách

2.1. Nguồn nhân lực:

Đài Truyền thanh cơ sở có 2 cán bộ, gồm 01 Trưởng Đài, và 01 nhân viên.

2.2. Chế độ chính sách:

Cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở được hưởng phụ cấp hàng tháng theo Quyết định số 100/2010/QĐ-UB ngày 9.8.2010 của UBND tỉnh Bắc Ninh về quy định chế độ phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc tỉnh Bắc Ninh, cụ thể:

- Trưởng Đài: Hưởng phụ cấp hệ số 0,85 mức lương tối thiểu/tháng

- Nhân viên: Hưởng phụ cấp hệ số 0,53 mức lương tối thiểu/tháng.

3. Giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng

3.1. Tiếp âm các chương trình phát thanh của Đài cấp trên

Đài Truyền thanh cơ sở tiếp âm trọn vẹn các chương trình thời sự của Đài cấp trên 02 buổi/ngày, cụ thể :

- Sáng: Từ 5 giờ 30 phút - 7 giờ 00:

+ 5 giờ 30 phút - 6 giờ 00: Tiếp âm Đài PT&TH tỉnh

+ 6 giờ 00 - 6 giờ 30 phút: Tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam

+ 6 giờ 30 phút - 7 giờ 00: Tiếp âm Đài huyện, thị xã, thành phố.

- Chiều: Từ 17 giờ 00 - 18 giờ 45 phút:

+ 17 giờ 00 - 17 giờ 30 phút: Tiếp âm Đài huyện, thị xã, thành phố

+ 17 giờ 30 phút - 18 giờ 00: Tiếp âm Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh

+ 18 giờ 00 - 18 giờ 45 phút: Tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam.

3. 2. Đổi mới phương thức sản xuất chương trình phát thanh.

- Các Đài Truyền thanh cơ sở, sau khi được đầu tư trang thiết bị sẽ chuyển từ ghi âm, thu in các chương trình phát thanh sử dụng băng casset đã lạc hậu, sang ghi âm kỹ thuật số, thu in chương trình bằng phần mềm trên hệ thống máy vi tính.

- Kết cấu nội dung chương trình truyền thanh 20 phút của Đài cơ sở giai đoạn 2011 - 2015 bố trí theo hướng tương tác và xu thế phát thanh hiện đại, đáp ứng đầy đủ 3 yếu tố cơ bản là thông tin, tuyên truyền và giải trí cho bà con nhân dân.

- Thời gian phát sóng của Đài cơ sở dựa trên đặc thù của từng địa phương được bố trí, sắp xếp sao cho khoa học.

3.3. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Hàng năm, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, thời gian từ 7 - 10 ngày cho cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở.

Đài Phát thanh & Truyền hình Bắc Ninh tăng cường kiểm tra hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành để khích lệ các Đài Truyền thanh; tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, như tham quan Đài bạn; Trao đổi chương trình; Liên hoan Truyền thanh cơ sở; Liên hoan tiếng hát những người làm công tác truyền thanh...

III. Kinh phí để triển khai, thực hiện

Kinh phí thực hiện Đề án là: 20.560.150.000 đồng (Hai mươi tỷ, năm trăm sáu mươi triệu, một trăm năm mươi ngàn đồng).

Bao gồm:

1. Đầu tư nâng cấp thiết bị Đài Truyền thanh cơ sở:

+ 30 Đài truyền thanh vô tuyến:

210.740.000đ/1 Đài x 30 = 6.322.200.000đ (1)

+ 53 Đài truyền thanh hữu tuyến:

204.100.000đ/1 Đài x 53 = 10.817.300.000đ (2)

Tổng cộng 83 Đài = (1) + (2) = 17.139.500.000đ (3)

2. Bổ sung nâng cấp thiết bị Đài Truyền thanh cơ sở đã được đầu tư:

Tổng số: 43 Đài x 18.700.000đ = 804.100.000đ (4)

3. Tổng kinh phí thiết bị (cả đầu tư mới và bổ sung):

Tổng cộng = (3) + (4) = 17.943.600.000đ. (5)

4. Chi phí quản lý dự án, tư vấn xây dựng, chi phí khác và dự phòng phí theo quy định: 2.616.550.000 đ. (6)

IV. Lộ trình thực hiện:

+ Năm 2011: Hỗ trợ 08 Đài xã điểm theo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); Đồng thời hỗ trợ bổ sung cho các Đài đã được đầu tư giai đoạn 2005 – 2006, cụ thể:

Hỗ trợ 08 Đài xã điểm chương trình xây dựng NTM, trong đó đầu tư mới cho 6 Đài xã (Phượng Mao - Quế Võ, Đông Thọ - Yên Phong, Tương Giang - Từ Sơn, Bình Dương - Gia Bình, Tân Chi - Tiên Du, An Bình - Thuận Thành) và bổ sung thiết bị cho 2 Đài xã (Trung Kênh - Lương Tài, Khắc Niệm - thành phố Bắc Ninh) đã được đầu tư giai đoạn 2005 - 2006; Đồng thời hỗ trợ bổ sung cho các Đài đã được đầu tư giai đoạn 2005 - 2006.

02 Đài Truyền thanh vô tuyến = 421.480.000đ.

04 Đài Truyền thanh hữu tuyến = 816.400.000đ

43 Đài bổ sung thêm thiết bị = 804.100.000đ

Kinh phí thiết bị: 2.041.980.000đ

Chi phí quản lý dự án, tư vấn xây dựng, chi phí khác và dự phòng phí theo quy định: 299.212.000đ

Tổng kinh phí: 2.341.192.000đ

(Hai tỷ, ba trăm bốn mốt triệu, một trăm chín mươi hai ngàn đồng).

+ Năm 2012: Hỗ trợ 15 Đài truyền thanh vô tuyến; 25 Đài truyền thanh hữu tuyến.

15 Đài truyền thanh vô tuyến = 3.161.100.000đ

25 Đài truyền thanh hữu tuyến = 5.102.500.000đ

Kinh phí thiết bị: 8.263.600.000đ.

Chi phí quản lý dự án, tư vấn xây dựng, chi phí khác và dự phòng phí theo quy định: 1.204.165.000đ

Tổng kinh phí: 9.467.765.000đ (Chín tỷ, bốn trăm sáu mươi bảy triệu, bảy trăm sáu mươi ngàn đồng).

+ Năm 2013: hỗ trợ

13 Đài truyền thanh vô tuyến = 2.739.620.000đ

24 Đài truyền thanh hữu tuyến = 4.898.400.000đ

Kinh phí thiết bị: 7.638.020.000đ.

Chi phí quản lý dự án, tư vấn xây dựng, chi phí khác và dự phòng phí theo quy định: 1.113.173.000đ

Tổng kinh phí: 8.751.193.000đ (Tám tỷ, bảy trăm năm mươi mốt triệu, một trăm chín mươi ba ngàn đồng).

- Nguồn kinh phí về cơ sở vật chất được phân khai theo lộ trình thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013;

- Chế độ cho cán bộ làm công tác truyền thanh cấp xã do ngân sách Nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán ngân sách xã cấp hàng năm theo dự toán của Đài Truyền thanh cấp xã;

- Nguồn kinh phí trang thiết bị kỹ thuật được bố trí bổ sung trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình của Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Giao cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, các cơ quan liên quan và các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; Các Sở: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tử Quỳnh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 108/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hỗ trợ đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động Đài Truyền thanh cơ sở tỉnh Bắc Ninh"

  • Số hiệu: 108/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Tử Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản