Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 494/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 19 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải y tế;

Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 501/TTr-STNMT ngày 17 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ: TN&MT; Y tế (báo cáo);
- CT; các PCT UBND tỉnh;
- CVP UBND tỉnh;
- PCVP Tổng hợp;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, (TQ109).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Xuân Thu Vân

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 494/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất thải y tế nguy hại; đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,., trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở y tế trong công tác phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.

2. Yêu cầu:

- Các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định của pháp luật về phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.

- Chất thải y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

- Đến năm 2025, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, khu vực cách ly, cơ sở thu dung, điều trị covid-19, khu vực phong tỏa,... trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

II. NỘI DUNG

1. Tổng quan về các cơ sở y tế, chất thải y tế và công tác quản lý, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

1.1. Tổng quan về các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

a) Tuyến tỉnh:

Hệ thống mạng lưới y tế của tỉnh ngày càng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh gồm:

- 01 Bệnh viện Đa khoa tỉnh (1.000 giường bệnh); Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi (100 giường bệnh); Bệnh viện Tâm thần (80 giường bệnh), Bệnh viện Quân dân y (100 giường bệnh); Bệnh xá Công an (20 giường bệnh).

- 04 Trung tâm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Khoa điều dưỡng 30 giường bệnh); Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Giám Định y khoa, Trung tâm Pháp Y.

- 02 Chi cục: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tỉnh hiện có 02 Bệnh viện Đa khoa tư nhân: Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic (50 giường bệnh) và Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu (250 giường bệnh).

- Dự kiến thành lập mới 03 bệnh viện: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Sản - Nhi giai đoạn 2021 - 2025.

b) Tuyến huyện:

- 07 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (Thành phố Bạc Liêu 40 giường bệnh; Vĩnh Lợi 100 giường bệnh; Hòa Bình 130 giường bệnh; Đông Hải 100 giường bệnh; Giá Rai 300 giường bệnh; Hồng Dân 140 giường bệnh; Phước Long 250 giường bệnh).

- 01 Phòng Khám Đa khoa khu vực (10 giường bệnh).

- 07 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, thành phố.

c) Tuyến xã:

- 64 Trạm y tế xã, phường, thị trấn do Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý (tổng cộng 274 giường bệnh).

- Bên cạnh đó, các cơ sở y tế ngoài công lập cũng phát triển nhanh về số lượng và quy mô, tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 310 cơ sở y ngoài công lập.

Tổng số giường bệnh trên địa bàn tỉnh hiện tại là 2.974 giường, trong đó giường bệnh công lập là 2.674 giường và giường bệnh tư nhân là 300 giường.

1.2. Hiện trạng phát sinh chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

- Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế bao gồm: Chất thải lây nhiễm (sắc nhọn, không sắc nhọn, lây nhiễm cao, mô bệnh phẩm); chất thải hóa học thường gặp trong y tế như: Dược phẩm bị hỏng hoặc quá hạn, hóa chất khử trùng, hóa chất chứa kim loại nặng và các bình chứa áp suất; hóa chất gây độc tế bào chưa xuất hiện do không có cơ sở y tế nào trong tỉnh áp dụng hóa trị liệu điều trị ung thư, một khối lượng nhỏ chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lý khác. Bên cạnh đó, còn có một lượng chất thải lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu điều trị, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,..

- Đối với rác thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế: Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trung bình mỗi giường bệnh phát sinh khoảng 0,3 kg/ngày chất thải y tế nguy hại, do đó lượng rác thải phát sinh cụ thể tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh như sau:

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 1.000 giường bệnh tương đương 300 kg/ngày.

Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi: 100 giường bệnh tương đương 30 kg/ngày.

Bệnh viện Tâm thần: 80 giường bệnh tương đương 24 kg/ngày.

Bệnh viện Quân dân y: 100 giường bệnh tương đương 30 kg/ngày.

Bệnh xá Công an: 20 giường bệnh tương đương 6 kg/ngày.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khoa điều dưỡng: 30 giường bệnh tương đương 9 kg/ngày.

Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic: 50 giường bệnh tương đương 15 kg/ngày.

Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu: 250 giường bệnh tương đương 75 kg/ngày. 4,

Trung tâm Y tế Thành phố Bạc Liêu: 40 giường bệnh tương đương 12 kg/ngày.

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Lợi: 100 giường bệnh tương đương 30 kg/ngày.

Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình: 130 giường bệnh tương đương 39 kg/ngày.

Trung tâm Y tế huyện Đông Hải: 100 giường bệnh tương đương 30 kg/ngày.

Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai: 300 giường bệnh tương đương 90 kg/ngày.

Trung tâm Y tế huyện Hồng Dân: 140 giường bệnh tương đương 42 kg/ngày.

Trung tâm Y tế huyện Phước Long: 250 giường bệnh tương đương 75 kg/ngày.

Phòng Khám Đa khoa khu vực: 10 giường bệnh tương đương 3 kg/ngày.

64 Trạm y tế xã, phường, thị trấn do Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý: Tổng cộng 274 giường bệnh tương đương 82,2 kg/ngày.

Tổng giường bệnh trên địa bàn tỉnh là 2.974 giường, tương đương 892,2kg/ngày.

- Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu điều trị, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,.. Theo Công văn số 1769/BYT-KH-TC ngày 31/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn các tiêu chuẩn, định mức giường cách ly tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 về xử lý chất thải rắn 3kg/1 người/1 ngày và hiện tại mỗi ngày lượng chất thải rắn phát sinh ước tính khoảng 4.000 - 6.000 kg/ngày.

Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 4.892,2 - 6.892,2 kg/ngày đêm.

1.3. Hiện trạng công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

1.3.1. Công tác phân loại, thu gom:

Các cơ sở y tế, các khu điều trị, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,... đã bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế; công tác phân loại, thu gom chất thải y tế trong đó có chất thải y tế nguy hại đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế, bao bì và dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.3.2. Năng lực xử lý:

a) Hình thức xử lý:

* Xử lý bằng công nghệ hấp ướt không đốt, thân thiện với môi trường (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải giải phu và chất thải hóa học): Xử lý bằng mô hình cụm, chất thải y tế nguy hại sau khi được xử lý bằng công nghệ không đốt, trở thành chất y tế thải thông thường, được quản lý theo các quy định hiện hành về xử lý chất thải y tế thông thường.

- Cụm 1:

Đơn vị xử lý: Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

Năng lực xử lý: Công suất tối đa 400 kg/ngày (02 hệ thống, mỗi hệ thống 200 kg/ngày).

Phạm vi xử lý: Xử lý cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi. Trung tâm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Giám Định y khoa; Trung tâm Pháp Y. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Bệnh viện Tâm thần. Bệnh viện Quân dân y. Bệnh xá Công an. Riêng Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic và Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thì công ty tự xử lý.

- Cụm 2:

Đơn vị xử lý: Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai.

Năng lực xử lý: Công suất tối đa 250 kg/ngày.

Phạm vi xử lý: Xử lý cho Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và cơ sở y tế trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải.

- Cụm 3:

Đơn vị xử lý: Trung tâm Y tế huyện Phước Long.

Năng lực xử lý: Công suất tối đa 250 kg/ngày.

Phạm vi xử lý: Xử lý cho Trung tâm Y tế huyện Phước Long và cơ sở y tế trên địa bàn huyện Phước Long và huyện Hồng Dân.

* Xử lý bằng lò đốt rác y tế:

Hiện tại các lò đốt rác y tế tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng nhiều năm nên đã hư hỏng, xuống cấp, công nghệ lạc hậu, khó sửa chữa và tìm kiếm phụ tùng thay thế, đã tạm dừng hoạt động hơn 02 năm để thực hiện theo mô hình cụm tại Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 27/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; riêng lò đốt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu còn hoạt động nhưng đã cũ, xuống cấp, công suất tối đa chỉ đạt 700 - 900kg ngày đêm. Do đó, lò đốt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu hiện tại không đảm bảo để xử lý số lượng rác phát sinh hiện nay.

b) Phương thức thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế đến noi xử lý:

Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm Y tế huyện Phước Long nơi có các mô hình cụm để xử lý chất thải y tế sử dụng xe chuyên dụng để thu gom, vận chuyển chất thải y tế của các trung tâm y tế tuyến huyện, các khu điều trị, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa đến nơi lưu giữ để xử lý.

1.4. Đánh giá chung:

- Công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế thực hiện theo quy định; các đơn vị thường xuyên được đào tạo về công tác quản lý chất thải y tế, ý thức của nhân viên y tế, người lao động và nhân viên trực tiếp vận hành xử lý rác thải y tế thực hiện đúng công tác quản lý chất thải y tế.

- Mô hình xử lý bằng công nghệ hấp ướt tại 03 cụm thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và huyện Phước Long có công suất đảm bảo việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các cơ sở y tế có giường bệnh trên địa bàn tỉnh (Tuy nhiên công nghệ hấp ướt không đốt chỉ xử lý những chất thải mềm, còn lại một số chất thải cứng như: Bộ phận cơ thể, vật sắc nhọn vẫn cần lò đốt để xử lý; đồng thời, hiện tại đối với chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện dã chiến, thu dung khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa,... trên địa bàn tỉnh phát sinh tương đối lớn (hơn 4.000 - 6.000 kg/ngày) và được xử lý tại lò đốt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu với công suất tối đa chỉ đạt 700kg/mẻ/ngày đêm nên hiện tại không đảm bảo để xử lý, cần phải tăng công suất và thuê dịch vụ để xử lý.

- Từ những thực trạng trên, việc đầu tư nâng cấp quy mô xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh để đáp ứng khả năng xử lý cho giai đoạn 2021 - 2025 là thực sự cần thiết và cấp bách.

2. Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025:

Theo kế hoạch phát triển 5 năm 2021 - 2025 về lĩnh vực y tế sẽ thực hiện một số nội dung có liên quan như:

Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Dự án xây dựng và thành lập mới 03 Bệnh viện (Bệnh viện Y học cổ truyền quy mô 100 giường, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng quy mô 100 giường và Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 350 giường) trong giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngoài ngân sách (theo hình thức đối tác công tư, xã hội hóa, liên doanh, liên kết).

Y tế tuyến tỉnh: Tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, thành lập một số chuyên khoa sâu, triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Tiếp tục đầu tư để phát triển nâng hạng một số đơn vị y tế trong ngành, trọng tâm là các bệnh viện ở tuyến tỉnh.

Y tế tuyến huyện: Tiếp tục mờ rộng quy mô giường bệnh của Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; đến năm 2025, mỗi Trung tâm Y tế đạt từ 130 - 300 giường bệnh, thành lập và xây dựng Trung tâm vận chuyển cấp cứu huyện Đông Hải và Trung tâm vận chuyển cấp cứu thành phố Bạc Liêu với quy mô mỗi đơn vị 20 giường lưu bệnh.

Tổng số giường bệnh theo kế hoạch ngành y tế đến năm 2025 là 4.165 giường bệnh, tương đương lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh 1.249,5 kg/ngày (mỗi giường bệnh phát sinh chất thải y tế nguy hại 0,3 kg/ngày).

Theo kế hoạch trên thì lượng chất thải y tế sẽ tăng so với hiện tại, bên cạnh đó tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lượng chất thải lây nhiễm phát sinh tương đối lớn, do đó cần đầu tư thêm các công trình xử lý chất thải theo mô hình cụm để xử lý đảm bảo lượng chất thải phát sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

2.1. Mô hình xử lý:

a) Tiếp tục xử lý theo cụm cơ sở y tế:

- Cụm 1:

Đơn vị xử lý: Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

Công nghệ xử lý: Hấp ướt công suất tối đa 400 kg/ngày (hiện tại 02 hệ thống). Sẽ đầu tư thêm 01 lò đốt chất thải y tế bàng công nghệ hiện đại công suất 3.000 kg/ngày (để chủ động trong tình huống bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị,...) để xử lý các chất thải phát sinh tại các khu bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực cách ly, phong tỏa,., và lượng chất thải y tế nguy hại không xử lý được bằng công nghệ hấp ướt.

Kinh phí thực hiện dự kiến 5.000.000.000 đồng/lò. Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn vốn đầu tư công hàng năm; nguồn xã hội hóa hoặc các nguồn hỗ trợ, hợp pháp khác theo quy định (nếu có); tranh thủ nguồn hỗ trợ Trung ương.

Phạm vi xử lý: Xử lý cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi. Trung tâm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Giám Định y khoa; Trung tâm Pháp Y. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm. Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Sản - Nhi giai đoạn 2021 - 2025. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần. Các khu bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực cách ly, phong tỏa,... trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi. Riêng Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic và Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thì công ty tự xử lý.

- Cụm 2:

Đơn vị xử lý: Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai.

Công nghệ xử lý: Hấp ướt công suất tối đa 200 kg/ngày (hiện tại 01 hệ thống). Sẽ đầu tư thêm 01 lò đốt chất thải y tế bằng công nghệ hiện đại công suất 1.500 kg/ngày (để chủ động trong tình huống bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị,...) để xử lý các chất thải phát sinh tại các khu bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực cách ly, phong tỏa,.. và lượng chất thải y tế nguy hại không xử lý được bằng công nghệ hấp ướt...

Kinh phí thực hiện dự kiến 3.000.000.000 đồng/lò. Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn vốn đầu tư công hàng năm; nguồn xã hội hóa hoặc các nguồn hỗ trợ, hợp pháp khác theo quy định (nếu có); tranh thủ nguồn hỗ trợ Trung ương.

Phạm vi xử lý: Xử lý cho Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và cơ sở y tế trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải. Các khu bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực cách ly, phong tỏa,... trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải.

- Cụm 3:

Đơn vị xử lý: Trung tâm Y tế huyện Phước Long.

Công nghệ xử lý: Hấp ướt công suất tối đa 200 kg/ngày (hiện tại 01 hệ thống). Sẽ đầu tư thêm 01 lò đốt chất thải y tế bàng công nghệ hiện đại công suất 1.500 kg/ngày (để chủ động trong tình huống bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị,...) để xử lý các chất thải phát sinh tại các khu bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực cách ly, phong tỏa,., và lượng chất thải y tế nguy hại không xử lý được bằng công nghệ hấp ướt.

Kinh phí thực hiện dự kiến 3.000.000.000 đồng/lò. Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn vốn đầu tư công hàng năm; nguồn xã hội hóa hoặc các nguồn hỗ trợ, hợp pháp khác theo quy định (nếu có); tranh thủ nguồn hỗ trợ Trung ương.

Phạm vi xử lý: Xử lý cho Trung tâm Y tế huyện Phước Long và cơ sở y tế trên địa bàn huyện Phước Long và huyện Hồng Dân. Các khu bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực cách ly, phong tỏa,... trên địa bàn huyện Phước Long và huyện Hồng Dân.

b) Xử lý tại chỗ:

Các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại; trường hợp công trình xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo hoặc chưa có công trình hoặc có sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải thì hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý theo quy định.

2.2. Kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại:

2.2.1. Phương thức phân loại, thu gom, lưu giữ:

a) Phân loại, thu gom:

Các cơ sở y tế thực hiện việc phân loại, thu gom chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải như sau:

- Tại Bệnh viện: Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm về nơi lưu giữ ít nhất là 01 lần/ngày hoặc theo khối lượng phát sinh.

- Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày:

Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm không sắc nhọn từ nơi phát sinh đến nơi xử lý là 03 ngày/lần.

Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh đến nơi xử lý tối thiểu là 01 lần/tháng.

- Đối với khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,..: thực hiện việc phân loại, thu gom theo hướng dẫn tại Quyết định số 3455/QĐ- BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định có liên quan.

b) Lưu giữ:

- Các cơ sở y tế phải bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế, phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế và bệnh viện: Phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục I, Phụ lục 01, Kế hoạch này.

Các cơ sở y tế còn lại: Phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục II, Phụ lục 01, Kế hoạch này.

- Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.

- Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng, trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.

- Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm:

Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường; trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày.

Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín.

Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm, phải ưu tiên xử lý trong ngày; trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.

- Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải.

Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định tại Phụ lục 02, Kế hoạch này.

Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật.

Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa, có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn; trường hợp lưu chứa hóa chất thải ở dạng lỏng, phải có nắp đậy kín để chống bay hơi và tràn đổ chất thải.

- Đối với khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,.. thực hiện việc lưu giữ thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 3455/QĐ- BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19.

2.2.2. Phương thức vận chuyển:

a. Đối với các cơ sở xử lý theo cụm:

- Việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,... trong cụm đến cơ sở xử lý có thể thực hiện bằng các hình thức sau:

Ký hợp đồng với đơn vị xử lý cụm để thực hiện việc vận chuyển chất thải của cơ sở y tế đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại.

Thuê đơn vị có đủ năng lực, điều kiện theo quy định để thực hiện vận chuyển chất thải của cơ sở y tế đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại.

Tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ nguồn chất thải nguy hại tại Phụ lục 02 của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại; trong quá trình vận chuyển chất thải y tế từ cơ sở y tế về cơ sở xử lý chất thải y tế cho cụm, khi xảy ra tràn đổ, cháy, nổ chất thải y tế hoặc các sự cố khác phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

- Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại: Cơ sở y tế, đơn vị được thuê vận chuyển chất thải y tế nguy hại sử dụng xe thùng kín hoặc sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm.

- Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

Có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo quy định tại Phụ lục 02, Kế hoạch này với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải.

Được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải.

- Chất thải lây nhiễm trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các thùng, hộp hoặc túi kín, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển.

b. Đối với các cơ sở xử lý tại chỗ:

Thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế của đơn vị để xử lý đảm bảo đúng quy định.

2.2.3. Tần suất vận chuyển chất thải y tế nguy hại tới cụm xử lý:

Các cơ sở y tế trong cụm vận chuyển chất thải y tế nguy hại tới cơ sở y tế xử lý cho cụm với tần suất sao cho phù hợp với tần suất thu gom và thời gian lưu giữ theo quy định.

2.2.4. Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại trong cụm:

a) Phương tiện vận chuyển:

- Hiện 03 cụm xử lý chất thải y tế nguy hại đã được trang bị xe tải để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm (cụm 1 được trang bị xe có tải trọng 1,5 tấn; cụm 2 và 3 mỗi cụm được trang bị xe có tải trọng 01 tấn).

Xe tải vận chuyển rác thải y tế cụm 1: số xe 94A-001.72.

Xe tải vận chuyển rác thải y tế cụm 2: số xe 94A-001.04.

Xe tải vận chuyển rác thải y tế cụm 3: số xe 94A-000.84.

Tuy nhiên số xe trên đã được đầu tư năm 2018, tải trọng nhỏ, đến nay đã xuống cấp không đảm bảo công suất vận chuyển. Do đó sẽ đầu tư thêm 05 xe tải trọng 2 tấn để vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại (Loại xe: Tải 2 tấn và các phụ kiện đi kèm: 02 bình bọt chữa cháy, 01 cái xẻng, 01 hộp sơ cứu vết thương, 02 bộ găng tay công nghiệp, 02 đôi ủng công nghiệp, 02 cái tạp dề công nghiệp, 02 bộ quần áo bảo hộ, có lắp hệ thống GPS) cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Trung tâm Y tế: Thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình. Kinh phí thực hiện dự kiến 1.000.000.000 đồng/xe. Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn vốn đầu tư công hàng năm; nguồn xã hội hóa hoặc các nguồn hỗ trợ, hợp pháp khác theo quy định (nếu có); tranh thủ nguồn hỗ trợ Trung ương.

- Đối với những khu vực mà phương tiện vận chuyển trên không đến được thì sử dụng phương tiện khác (xe mô tô, xe gắn máy) để thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

b) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Tổng hợp Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bac Liêu giai đoạn 2021 - 2025:

3.1. Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025:

STT

Nội dung

Địa điểm thực hiện

Công nghệ, công suất xửchất thải y tế nguy hại (kg/giờ)

Phạm vi thực hiện

Đơn vị thu gom, vận chuyển

1

Cụm 1: Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu

Số 6, Nguyễn Huệ, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Công nghệ hấp ướt, tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý, 400kg/ngày. Lò đốt công nghệ hiện đại công suất 3.000kg/ngày

Xử lý cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu; Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi; Bệnh viện Tâm thần; Bệnh viện Quân dân y; Bệnh xá Công an và các trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Giám Định y khoa; Trung tâm Pháp Y; Trung tâm Y tế thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Vĩnh Lợi; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Sản - Nhi giai đoạn 2021 - 2025; các bệnh viện, phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Vĩnh Lợi; 26 Trạm Y tế trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Vĩnh Lợi. Trung tâm vận chuyển, cấp cứu thành phố Bạc Liêu. Khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,... trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Vĩnh Lợi.

Xe chuyên dụng thu gom chất thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc các cơ sở y tế trong cụm tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị vận chuyển

2

Cụm 2: Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai

Quốc lộ 1A, Khóm 1, Phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

Công nghệ hấp ướt, tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý, 200kg/ngày. Lò đốt công nghệ hiện đại công suất 1.500kg/ngày.

Xử lý chất thải nguy hại của Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai, Trung tâm Y tế huyện Đông Hải, Phòng khám đa khoa khu vực Điền Hải, các cơ sở y tế tư nhân và 21 Trạm Y tế xã trên địa bàn thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải. Trung tâm vận chuyển, cấp cứu huyện Đông Hải. Khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,...trên địa bàn thị xã Giá Rai, Đông Hải.

Xe chuyên dụng thu gom chất thải của Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai hoặc các cơ sở y tế trong cụm tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị vận chuyển

3

Cụm 3: Trung tâm Y tế huyện Phước Long

Ấp Long Thành, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu

Công nghệ hấp ướt, tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý 200kg/ngày. Lò đốt công nghệ hiện đại công suất 1.500kg/ngày.

Xử lý chất thải nguy hại của Trung tâm Y tế huyện Phước Long, Trung tâm Y tế huyện Hồng Dân, các cơ sở y tế tư nhân và 17 Trạm Y tế xã trên địa bàn huyện Phước Long và huyện Hồng Dân. Khu cách ly, bệnh viện dã chiến, thu dung, khu vực phong tỏa,...trên địa bàn huyện Phước Long, Hồng Dân.

Xe chuyên dụng thu gom chất thải của Trung tâm Y tế huyện Phước Long hoặc các cơ sở y tế trong cụm tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị vận chuyển

Ghi chú: Các đơn vị có thể xem xét, ký hợp đồng xử lý chất thải y tế nguy hại với đơn vị xử lý cụm cho phù hợp.

III. KINH PHÍ

3.1. Dự toán kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch dự kiến là: 16.000.000.000 đồng (Mười sáu tỷ đồng) (chi tiết theo Phụ lục 04 kèm theo).

3.2. Nguồn kinh phí:

1. Kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị.

2. Nguồn vốn đầu tư công hàng năm.

3. Kinh phí thường xuyên của các đơn vị (đối với các cơ sở tự xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ).

4. Nguồn kinh phí thu từ các cơ sở y tế thuộc đối tượng phải xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm.

5. Nguồn xã hội hóa hoặc các nguồn hỗ trợ, hợp pháp khác theo quy định (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông và phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung nội dung Kế hoạch khi có sự thay đổi các quy định của pháp luật hoặc thực tế công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh có những phát sinh cần phải điều chỉnh công tác quản lý.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế) theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Y tế chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 5 8/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 Bộ trưởng của Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường về các thay đổi trong thực tế công tác quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung Kế hoạch theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế xử lý theo cụm.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp, thay thế các công trình xử lý chất thải y tế theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 06 (B) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch sổ 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đối với các nội dung ngân sách đảm bảo, theo thứ tự công việc ưu tiên, nhu cầu cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc xây dựng giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế xử lý theo cụm.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, Ngành, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

5. Công an tỉnh chịu trách nhiệm:

Tăng cường công tác nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn quản lý; thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch của các đơn vị theo thẩm quyền.

- Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý về việc quản lý chất thải y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại.

- Hàng năm, xem xét bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn.

7. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm:

- Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng cho các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

8. Cơ sở y tế có đặt cụm xử lý rác thải y tế chịu trách nhiệm:

- Thực hiện quản lý chất thải nguy hại không lây nhiễm (có tên tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) và một số chất thải nguy hại khác phát sinh tại các cơ sở theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ và Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Phân công 01 lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở.

- Lập và ghi đầy đủ thông tin vào sổ bàn giao chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ trường hợp cơ sở y tế tự thực hiện xử lý chất thải y tế).

- Cơ sở xử lý chất thải theo mô hình cụm phải sử dụng sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại (thay thế chứng từ chất thải y tế nguy hại) theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện chuyển giao chất thải y tế nguy hại.

- Bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Cân đối kinh phí để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; kinh phí vận hành công trình xử lý chất thải y tế nguy hại và quan trắc chất lượng môi trường định kỳ để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các công trình xử lý đến môi trường.

- Tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật về việc quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan.

- Hàng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan.

- Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

9. Cơ sở y tế phát sinh chất thải y tế nguy hại chịu trách nhiệm:

- Thực hiện các quy định tại Điều 23 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Triển khai thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo nội dung Kế hoạch này.

- Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/ 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế từ các cơ sở y tế trong cụm về xử lý.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC: 01

YÊU CẦU KỸ THUẬT KHU LƯU GIỮ CHẤT THẢI TẠI CƠ SỞ Y TẾ
(Kèm theo Quyết định số: 494/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ Y TẾ THỰC HIỆN XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ THEO MÔ HÌNH CỤM CƠ SỞ Y TẾ VÀ BỆNH VIỆN

1. Có mái che cho khu vực lưu giữ; nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn.

2. Có phân chia các ô hoặc có dụng cụ, thiết bị lưu giữ riêng cho từng loại chất thải hoặc nhóm chất thải có cùng tính chất; từng ô, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trong khu vực lưu giữ phải có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải y tế nguy hại được lưu giữ theo Phụ lục 02, Kế hoạch này với kích thước phù hợp, dễ nhận biết.

3. Có vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, đổ tràn chất thải y tế nguy hại ở dạng lỏng.

4. Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy.

5. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

II. ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ Y TẾ KHÁC

1. Có mái che cho khu vực lưu giữ; nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn.

2. Bố trí vị trí phù hợp để đặt các dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế.

3. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải phù hợp với từng loại chất thải và lượng chất thải phát sinh trong cơ sở y tế; các chất thải khác nhau nhưng cùng áp dụng một phương pháp xử lý được lưu giữ trong cùng một dụng cụ, thiết bị lưu chứa.

4. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải có nắp đậy kín, có biểu lượng loại chất thải lưu giữ theo đúng quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Kế hoạch này.

5. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

 

PHỤ LỤC: 02

BIỂU TƯỢNG TRÊN BAO BÌ, DỤNG CỤ, THIẾT BỊ LƯU CHỨA CHẤT THẢI Y TẾ
(Kèm theo Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

CẢNH BÁO VỀ CHẤT THẢI CÓ CHỨA CHẤT GÂY ĐỘC TẾ BÀO

CẢNH BÁO VỀ CHẤT THẢI CÓ CHỨA CHẤT GÂY BỆNH

CẢNH BÁO CHUNG VỀ SỰ NGUY HIỂM CỦA CHẤT THẢI NGUY HẠI

BIỂU TƯỢNG CHẤT THẢI TÁI CHẾ

CẢNH BÁO VỀ CHẤT THẢI CÓ CHỨA CÁC CHẤT ĐỘC HẠI

CẢNH BÁO VỀ CHẤT THẢI CÓ CHỨA CHẤT ĂN MÒN

CẢNH BÁO VỀ CHẤT THẢI CÓ CHẤT DỄ CHÁY

Ghi chú: Trình bày, thiết kế và màu sắc của dấu hiệu cảnh báo chất thải nguy hại áp dụng theo các quy định trong TCVN 5053:1990.

 

PHỤ LỤC: 03

MẪU SỐ GIAO NHẬN CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI
(Kèm theo Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MẪU BÌA SỔ

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ SỞ Y TẾ
--------------------

 

SỔ GIAO NHẬN CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI

II. NỘI DUNG GHI TRONG SỔ

Ngày, tháng, năm

Lượng chất thải bàn giao (Kg)

Người giao chất thải ( ghi rõ họ và tên)

Người nhận chất thải (Ký ghi rõ họ và tên)

Chất thải lây nhiễm

Chất thải nguy hại khác

Tổng số

Sắc nhọn

Không sắc nhọn

Giải phẫu

Chất thải A

Chất thải B

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng tháng...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- Sổ giao nhận chất thải này được sử dụng thay thế cho chứng từ chất thải nguy hại đối với cơ sở y tế xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm khi bàn giao chất thải; đối với cơ sở y tế thuê đơn vị xử lý chất thải theo mô hình tập trung được sử dụng để theo dõi lượng chất thải bàn giao trong tháng làm cơ sở để xuất chứng từ chất thải nguy hại hàng tháng;

- Sổ bàn giao chất thải được Chủ nguồn thải lập thành 02 Sổ, Chủ nguồn thải giữ 01 Sổ và Cơ sở xử lý chất thải giữ 01 Sổ. Mỗi lần giao nhận chất thải giữa hai bên phải điền đầy đủ thông tin và ký nhận giữa hai bên vào 02 sổ để theo dõi, đối chiếu và quản lý;

- Không được tẩy xóa, sửa chữa các thông tin trong Sổ.

 

PHỤ LỤC: 04

DỰ TRÙ KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Tên hạng mục

Địa điểm thực hiện

Quy mô đầu tư

Khái toán nguồn vốn (1.000 đồng)

Đơn vị thực hiện

01

Lò đốt rác y tế công nghệ hiện đại

Bệnh viện đa khoa tỉnh

Công suất 3.000kg/ngày

5.000.000

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường

02

Lò đốt rác y tế công nghệ hiện đại

Trung tâm y tế thị xã Giá Rai

Công suất 1.500kg/ngày

3.000.000

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường

03

Lò đốt rác y tế công nghệ hiện đại

Trung tâm y tế huyện Phước Long

Công suất 1.500kg/ngày

3.000.000

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường

04

05 xe tải chở rác thải y tế nguy hại (các phụ kiện đi kèm: 02 Bình bọt chữa cháy, 01 Cái xẻng, 01 hộp sơ cứu vết thương, 02 bộ găng tay công nghiệp, 02 đôi ủng công nghiệp, 02 cái tạp dề công nghiệp, 02 bộ quần áo bảo hộ, lắp hệ thống GPS)

Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Trung tạm Y tế thị xã Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Hòa Bình

Tải trọng 2 tấn (mỗi xe trị giá 1.000.000.000 đồng)

5.000.000

Sở Y tế

Tổng cộng

16.000.000