Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4860/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 27 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP THEO CƠ CẤU 3 LOẠI RỪNG TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh;

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025;

Căn cứ Kết luận số 295-KL/TU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (Khóa XX), tại Hội nghị lần thứ 59;

Căn cứ Nghị quyết số 91/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 của HĐND tỉnh Khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ họp thứ 14) phê duyệt Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Văn bản số 1845/LN-KHTC ngày 29/11/2023 của Cục Lâm nghiệp- Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ý kiến đối với điều chỉnh diện tích 3 loại rừng tỉnh Bình Định;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chính, cụ thể:

I. KẾT QUẢ RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP THEO CƠ CẤU 3 LOẠI RỪNG

1. Hiện trạng diện tích quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bình Định năm 2022

Tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp năm 2022 là 379.464,80 ha, trong đó cơ cấu diện tích 3 loại rừng cụ thể như sau:

- Quy hoạch rừng đặc dụng : 32.839,65 ha; chiếm 8,66%

- Quy hoạch rừng phòng hộ : 178.241,67 ha; chiếm 46,97%

- Quy hoạch rừng sản xuất : 168.383,48 ha; chiếm 44,37%

2. Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp

2.1. Chuyển từ ngoài quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch lâm nghiệp

2.1.1. Nguyên tắc

- Theo quy định tại Mục c, Khoản 1, Điều 10, Luật Lâm nghiệp năm 2017: “Rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất”;

- Các khu vực đồi núi dốc có nguy cơ sạt lở cao, phải được rà soát xem xét đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ;

- Diện tích rà soát đưa vào quy hoạch lâm nghiệp phải đảm bảo tiêu chí rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ- CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

2.1.2. Diện tích, địa điểm

Tổng diện tích đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp đưa vào quy hoạch lâm nghiệp là 284,79 ha, trong đó chuyển vào quy hoạch rừng phòng hộ: 106,95 ha; vào quy hoạch rừng sản xuất: 177,84 ha. Hiện trạng: rừng tự nhiên: 42,47 ha; rừng trồng: 239,24 ha; đất chưa có rừng: 3,08 ha, cụ thể như sau:

a) Chuyển vào quy hoạch rừng phòng hộ

- Đối tượng: Rừng tự nhiên liền kề vùng quy hoạch rừng phòng hộ; các khu vực đồi núi dốc có nguy cơ sạt lở cao đồng thời đảm bảo tiêu chí phòng hộ quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

- Diện tích: 106,95 ha, gồm rừng tự nhiên: 40,88 ha; rừng trồng: 63,42 ha; đất chưa có rừng: 2,65 ha.

- Địa điểm: Thị xã Hoài Nhơn, huyện An Lão, huyện Vĩnh Thạnh.

+ Tại thị xã Hoài Nhơn: 15,57 ha, là rừng trồng phi lao ven biển do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoài Nhơn đang quản lý, hiện nay ngoài quy hoạch lâm nghiệp theo Quyết định số 4854/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Bình Định; đảm bảo tiêu chí phòng hộ nên đề xuất đưa vào quy hoạch để quản lý.

+ Tại huyện An Lão: 34,55 ha, là khu vực sạt lở tại xã An Hòa để thực hiện theo quy chế phòng hộ đầu nguồn chống sạt lở, trồng rừng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

+ Tại huyện Vĩnh Thạnh: 56,83 ha gồm: Rừng tự nhiên hỗn giao tre nứa ngoài quy hoạch lâm nghiệp 40,88 ha; khu vực sạt lở thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh 1,22 ha; rừng trồng phòng hộ cảnh quan từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp 14,73 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý. b) Chuyển vào quy hoạch rừng sản xuất

- Đối tượng: Rừng tự nhiên liền kề vùng quy hoạch rừng sản xuất; đất đồi núi đồng thời đảm bảo tiêu chí rừng sản xuất quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

- Diện tích: 177,84 ha, gồm: rừng tự nhiên: 1,59 ha; rừng trồng: 175,82 ha; đất chưa có rừng: 0,43 ha.

- Địa điểm: Huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

+ Huyện An Lão: 79,69 ha rừng trồng ngoài lâm nghiệp vào quy hoạch rừng sản xuất tại xã An Vinh để thực hiện phương án giao đất lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số (theo Quy hoạch sử dụng đất huyện An Lão thời kỳ 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 10/01/2023).

+ Huyện Vân Canh: 96,56 ha, đất rừng trồng do Công ty TNHH lâm nghiệp Quy Nhơn quản lý (diện tích này trước đây là rừng trồng sản xuất, năm 2018 rà soát đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện Khu Công nghiệp dịch vụ BECAMEX Bình Định, hiện nay không còn nằm trong Khu Công nghiệp dịch vụ BECAMEX).

+ Huyện Vĩnh Thạnh: 1,59 ha rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp, tại xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Kim.

2.2. Chuyển từ quy hoạch lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp

2.2.1. Nguyên tắc

- Đối với diện tích quy hoạch lâm nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; hoặc hiện trạng đã và đang sử dụng mục đích khác không phải rừng (đường giao thông hiện trạng, khu dân cư hiện trạng, đất khác…) nhưng còn chồng lấn trong quy hoạch lâm nghiệp phải được rà soát và loại trừ đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp;

- Đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong thời gian tới phải được rà soát đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp (theo Văn bản số 5561/BNN-TCLN ngày 22/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT);

- Đối với rừng tự nhiên thuộc công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ “Tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác” quy định tại Điều 41a, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, gồm: (i) “Dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; (ii) “Dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu (giao thông, thuỷ lợi, bảo vệ, phát triển rừng), dự án tạo nguồn điện và hệ thống truyền tải điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng, tôn tạo di tích cách mạng, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Dự án thăm dò, khai thác khoáng sản, du lịch sinh thái được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”.

2.2.2. Diện tích, địa điểm

Tổng diện tích chuyển từ quy hoạch lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030: 9.956,35 ha, trong đó từ quy hoạch rừng sản xuất: 7.922,10 ha; quy hoạch rừng phòng hộ: 1.840,87 ha; quy hoạch rừng đặc dụng: 193,38 ha. Hiện trạng gồm: rừng tự nhiên: 192,79 ha; rừng trồng: 8.868,17 ha; đất chưa có rừng: 625,63 ha; các loại đất khác: 269,76 ha, bao gồm:

2.2.2.1. Loại trừ diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đã sử dụng cho mục đích khác không phải là rừng

Tổng diện tích loại trừ ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 269,76 ha, trong đó từ quy hoạch rừng phòng hộ: 57,94 ha; quy hoạch rừng đặc dụng: 0,46 ha; quy hoạch rừng sản xuất: 211,36 ha, cụ thể:

- Diện tích có hiện trạng đường giao thông: 98,29 ha, bao gồm: Tuyến đường DT từ An Quang đi An Toàn: 23,94 ha; đường DT 637 từ thị trấn Vĩnh Thạnh đi Vĩnh Sơn: 43,53 ha; đường DT từ Canh Hòa đi Canh Liên: 29,19 ha; đường hiện trạng ven hồ Vạn Hội, Hoài Ân: 1,63 ha.

- Diện tích có hiện trạng là các loại đất đã sử dụng mục đích khác: 7,51 ha, gồm: Khu dân cư hiện trạng: 2,24 ha (huyện Hoài Ân: 0,14 ha, thị xã An Nhơn: 0,07 ha, huyện Vân Canh: 2,03 ha); Khu Nghĩa địa hiện trạng: 0,13 ha tại huyện Tuy Phước; Trường bắn Quốc gia 2: 4,94 ha và kênh Thượng Sơn: 0,2 ha tại huyện Tây Sơn.

- Diện tích quy hoạch lâm nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: 163,96 ha.

2.2.2.2. Đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp đối với diện tích thực hiện các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp thuộc các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được cấp thẩm quyền chấp thuận: 380,96 ha, trong đó: Từ quy hoạch rừng phòng hộ: 31,79 ha; Từ quy hoạch rừng sản xuất: 349,17 ha. Hiện trạng: Rừng tự nhiên: 10,49 ha (rừng tự nhiên sản xuất: 6,2 ha; phòng hộ: 4,29 ha thuộc công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4); Rừng trồng: 350,44 ha (rừng trồng sản xuất: 324,70 ha, phòng hộ: 25,74 ha); Đất chưa có rừng: 20,03 ha (quy hoạch sản xuất: 18,27ha, phòng hộ: 1,76ha).

2.2.2.3. Đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp đối với diện tích thực hiện các công trình, dự án trong danh mục quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt

a) Đối tượng đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp

- Thuộc chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp khác không phải là rừng để thực hiện các công trình, dự án trong danh mục quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt cho 11 huyện/thị xã/thành phố.

- Phù hợp với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

b) Diện tích: Tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp thuộc các công trình, dự án trong danh mục Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt: 5.745,55 ha.

- Phân theo cơ cấu 3 loại rừng

+ Từ quy hoạch rừng sản xuất: 4.627,20 ha.

+ Từ quy hoạch rừng phòng hộ: 1.104,87 ha.

+ Từ quy hoạch rừng đặc dụng: 13,48 ha (quy hoạch rừng đặc dụng đưa ra ngoài Quy hoạch 3 loại rừng thuộc các công trình, dự án: Tại xã An Toàn, huyện An Lão: 4,52 ha, gồm đường giao thông từ Trung tâm cụm xã An Toàn đi thác K50; đường giao thông từ thôn 1 đi khu sản xuất và kênh mương nội đồng tại thôn 1; tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát: 7,03 ha, là đất trồng rừng có nguồn gốc trước đây là rừng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tại khu vực suối khoáng Chánh Thắng trong phạm vi ranh giới khu vực dự án Khu du lịch sinh thái và Nhà máy sản xuất suối khoáng Chánh Thắng; tại xã Cát Hưng, huyện Phù Cát: 1,93 ha, khu vực công trình tôn giáo chùa Tịnh Lâm đã xây dựng trước năm 2008 hiện trạng không có rừng tự nhiên điều chỉnh ra ngoài quy hoạch đặc dụng để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mục đích tôn giáo.

- Phân theo hiện trạng rừng

+ Rừng tự nhiên: 75,24 ha (rừng tự nhiên phòng hộ: 58,74 ha; sản xuất: 12,15 ha; đặc dụng: 4,35 ha), thuộc các công trình, dự án: Công trình Quốc phòng 6,62 ha (công trình Quốc phòng nước Giáp và căn cứ hậu cần An Hưng, thuộc huyện An Lão); các công trình giao thông: 28,94 ha; các công trình năng lượng: 39,37 ha (thủy điện Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3 và Vĩnh Sơn 4); các công trình Thủy lợi: 0,3 ha.

+ Rừng trồng: 5.275,90 ha (rừng trồng phòng hộ: 891,66 ha; sản xuất: 4.379,62 ha; đặc dụng: 4,62 ha).

+ Đất chưa có rừng: 394,41 ha (quy hoạch phòng hộ: 154,47 ha; sản xuất: 235,43 ha; đặc dụng: 4,51 ha).

2.2.2.4. Đưa ra ngoài Quy hoạch lâm nghiệp đối với diện tích thực hiện các công trình, dự án chưa có trong Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030

a) Cơ sở rà soát, bổ sung

- Xuất phát từ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực; các công trình/dự án tại các huyện/thị xã/thành phố, trong đó có đất lâm nghiệp cần chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp và sang đất nông nghiệp khác không phải là rừng nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Từ đó làm cơ sở rà soát bổ sung đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

- Phù hợp với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

b) Diện tích: Tổng diện tích rà soát bổ sung đưa ra ngoài Quy hoạch lâm nghiệp các công trình, dự án chưa có trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030: 3.560,08 ha.

- Phân theo cơ cấu 3 loại rừng

+ Từ quy hoạch rừng sản xuất: 2.734,37 ha;

+ Từ quy hoạch rừng phòng hộ: 646,27 ha;

+ Từ quy hoạch rừng đặc dụng: 179,44 ha, tại thành phố Quy Nhơn gồm: Các công trình thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại 12 phường nội thành, thành phố Quy Nhơn được phê duyệt tại Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 16/5/2020 của UBND tỉnh Bình Định: 102,78 ha (trong đó: Đất quân sự: 5,96 ha; đất dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan: 77,51 ha; đất giao thông: 3,02 ha; khu cây xanh cách ly: 16,29 ha); Quy hoạch các điểm du lịch - dịch vụ dọc tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu được phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 12/6/2019 của UBND tỉnh Bình Định: 24,08 ha (trong đó: Điểm du lịch 8C, 9G, 9H: 23,75 ha; đất giao thông: 0,33 ha. Dự án điện gió Hòn Đôi: 8,33 ha); diện tích có hiện trạng trồng cây ăn quả: 44,25 ha tại khu vực 1, phường Ghềnh Ráng.

- Phân theo hiện trạng rừng

+ Rừng tự nhiên: 107,06 ha rừng tự nhiên phòng hộ, thuộc các công trình, dự án: Công trình Giao thông: 15,17 ha (mở rộng đường Tây tỉnh và đường Vĩnh Thạnh đi Phù Cát); công trình thủy lợi: 91,78 ha (nâng cấp hồ Định Bình, Vĩnh Thạnh và hồ Quang Hiển, Vân Canh); công trình Năng lượng: 0,11 ha (thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh mở rộng).

+ Rừng trồng: 3.241,83 ha (rừng trồng sản xuất: 2.619,96 ha; phòng hộ: 510,81 ha; đặc dụng: 111,06 ha);

+ Đất chưa có rừng: 211,19 ha (quy hoạch sản xuất: 114,41 ha; phòng hộ: 28,40 ha; đặc dụng: 68,38 ha);

- Mục đích sử dụng đất sau chuyển đổi

+ Bổ sung quy hoạch đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp để chuyển đổi sang đất năng lượng (DNL): 581,78 ha.

+ Bổ sung quy hoạch đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp để chuyển đổi sang đất giao thông (DGT): 62,71 ha.

+ Bổ sung quy hoạch đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp để chuyển đổi sang đất thủy lợi (DTL): 411,29 ha.

+ Nhu cầu chuyển từ đất quy hoạch lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp: 754,09 ha để đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp và khu công nghiệp trên địa bàn huyện Vân Canh theo Quyết định số 719/QĐ-UBND ngày 08/3/2022 của UBND tỉnh Bình Định.

+ Bổ sung Quy hoạch đưa ra quy hoạch lâm nghiệp để chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp khác của các công trình, dự án tại các huyện/thị xã/thành phố: 1.750,21 ha, gồm: Phát triển cây ăn quả: 831,67 ha; công trình dự án Quốc phòng: 7,90 ha; khu công nghiệp, cụm công nghiệp: 189,42 ha; đất thương mại, dịch vụ: 143,84 ha; đất sản xuất vật liệu xây dựng, khoáng sản: 145,96 ha; khu vui chơi giải trí công cộng: 21,77 ha; khu xử lý chất thải: 24,72 ha; đất nghĩa trang, nghĩa địa: 117,41 ha; đất ở: 33,04 ha; cây hàng năm và đất nông nghiệp khác: 224,04 ha; các nhu cầu khác: 10,44 ha.

3. Chuyển đổi loại rừng trong cơ cấu 3 loại rừng

3.1. Từ quy hoạch rừng phòng hộ chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất

a) Nguyên tắc: Khu vực chuyển đổi đảm bảo các tiêu chí rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển đổi sang phát triển rừng sản xuất theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và tiêu chí rừng sản xuất quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

b) Diện tích: 648,58 ha.

c) Địa điểm: Huyện An Lão, Hoài Ân, Vân Canh và thị xã Hoài Nhơn.

- Huyện Hoài Ân: 14,78 ha đã cấp quyền sử dụng đất gắn với sử dụng rừng sản xuất thuộc Dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (Dự án KFW6).

- Huyện Vân Canh 372,35 ha, bao gồm: Tại xã Canh Hiệp 28,14 ha, Canh Liên 12,68 ha, Canh Thuận 149,21 ha, để thu hồi, cấp đổi đất sản xuất cho người dân khi thực hiện Phương án khoanh vùng lưu vực phòng hộ để bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt suối Phướng, huyện Vân Canh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5103/QĐ-UBND ngày 21/12/2021; tại xã Canh Vinh 182,32 ha rừng trồng có nguồn gốc trước đây là rừng sản xuất, sau đó điều chỉnh sang chức năng phòng hộ tại Quyết định số 2937/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của UBND tỉnh Bình Định với mục đích phòng hộ lưu vực hồ Đá Mài, tuy nhiên hiện nay quy hoạch hồ Đá Mài không thực hiện nên khu vực này chuyển sang sản xuất để phát triển trồng rừng gỗ lớn.

- Thị xã Hoài Nhơn: 1,73 ha (rừng trồng của dân xen kẽ trong khu rừng sản xuất).

- Huyện An Lão: 259,72 ha, tại xã An Vinh, An Trung (rà soát chuyển đổi để lập phương án giao đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất).

3.2. Từ quy hoạch rừng phòng hộ chuyển sang quy hoạch rừng đặc dụng

a) Nguyên tắc: Khu vực chuyển đổi đảm bảo các tiêu chí rừng đặc dụng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ để bảo tồn loài, đa dạng sinh học; bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng.

b) Diện tích: 23.191,74 ha.

c) Địa điểm: Huyện Vĩnh Thạnh.

Theo Kết luận số 108-KL/TU ngày 23/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định về chủ trương chuyển đổi chức năng rừng phòng hộ ở 04 xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh sang rừng đặc dụng với định hướng cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn thiết lập Khu dự trữ thiên nhiên nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học về thành phần loài, về yếu tố địa lý, về dạng sống và về giá trị sử dụng; bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng (trong khu vực này có 03 Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bình Định công nhận).

3.3. Từ quy hoạch rừng sản xuất chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ

a) Nguyên tắc: Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và một số ít diện tích đất rừng sản xuất xen kẽ trong các khu rừng phòng hộ đồng thời đảm bảo các tiêu chí rừng phòng hộ quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Diện tích: 183,88 ha.

c) Địa điểm: Thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Vĩnh Thạnh.

- Tại thị xã Hoài Nhơn: 3,58 ha, thuộc xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc, nguồn gốc rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoài Nhơn quản lý.

- Tại huyện Phù Cát: 82,63 ha tại khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở cao Núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành.

- Tại huyện Vĩnh Thạnh: 97,67 ha thuộc khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao tại thị trấn Vĩnh Thạnh 16,12 ha, xã Vĩnh Kim 81,55 ha.

3.4. Từ quy hoạch rừng đặc dụng chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất

a) Nguyên tắc: Khu vực chuyển đổi đảm bảo tiêu chí rừng sản xuất tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

b) Diện tích: 1,07 ha.

c) Địa điểm: Huyện An Lão, đất nương rẫy người dân đang canh tác.

4. Quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn 2021-2030

4.1. Quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng đến năm 2030

a) Tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030 là 369.793,24 ha, theo cơ cấu 3 loại rừng cụ thể như sau:

+ Quy hoạch rừng đặc dụng: 55.836,94 ha;

+ Quy hoạch rừng phòng hộ: 152.851,31 ha;

+ Quy hoạch rừng sản xuất: 161.104,99.

b) Biến động quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030 so với hiện trạng quy hoạch lâm nghiệp năm 2022 theo cơ cấu 3 loại rừng, cụ thể như sau:

TT

Hạng mục

Hiện trạng năm 2022

Quy hoạch đến năm 2030

Chênh lệch

A

B

1

2

3=2-1

 

Tổng cộng

379.464,80

369.793,24

-9.671,56

1

Đất rừng đặc dụng

32.839,65

55.836,94

22.997,29

2

Đất rừng phòng hộ

178.241,67

152.851,31

-25.390,36

3

Đất rừng sản xuất

168.383,48

161.104,99

-7.278,49

Hiện trạng diện tích quy hoạch lâm nghiệp năm 2022: 379.464,80 ha; phương án đến năm 2030 tỉnh Bình Định có diện tích quy hoạch lâm nghiệp: 369.793,24 ha, giảm 9.671,56 ha so với năm 2022, nguyên nhân:

- Biến động tăng: 284,79 ha, do chuyển từ đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch lâm nghiệp;

- Biến động giảm: 9.956,35 ha, gồm:

+ Diện tích quy hoạch lâm nghiệp đã sử dụng cho mục đích khác không phải lâm nghiệp: 269,76 ha.

+ Đưa từ quy hoạch lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 9.686,59 ha để sử dụng cho các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,…

4.2. So sánh với chỉ tiêu sử dụng đất cấp Quốc gia phân bổ theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ

a) Về quy mô diện tích

- Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định diện tích quy hoạch lâm nghiệp xác định đến năm 2030: 369.793,24 ha. Phân kỳ theo giai đoạn cụ thể như sau:

TT

Hạng mục

Chỉ tiêu phân bổ QĐ 326/QĐ-TTg

Kết quả rà soát

Tăng giảm

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

A

B

1

2

3

4

5=4-2

 

Tổng cộng

373.920,00

371.562,00

377.027,11

369.793,24

-1.768,76

1

Đất rừng đặc dụng

34.882,00

36.241,00

56.082,78

55.836,94

19.595,94

2

Đất rừng phòng hộ

174.933,00

172.998,00

154.655,52

152.851,31

-20.146,69

 

Cộng (1+2)

209.815,00

209.239,00

210.738,30

208.688,25

-550,75

3

Đất rừng sản xuất

164.105,00

162.323,00

166.288,81

161.104,99

-1.218,01

- Theo chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, diện tích quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030 tỉnh Bình Định được phân bổ: 371.562,00 ha.

- Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp xác định đến năm 2030: 369.793,24 ha, thấp hơn 1.768,76 ha so với chỉ tiêu phân bổ. Nguyên nhân chênh lệch: Đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp một số công trình, dự án mới phát sinh như: Dự án nâng cấp hồ chứa nước Định Bình: 372,7 ha; các dự án điện gió và các công trình truyền dẫn: 581,78 ha/11 dự án; định hướng quy hoạch các cụm công nghiệp tại huyện Tây Sơn: 143,19 ha; chuyển đổi để phát triển cây ăn quả: 831,67 ha; bổ sung các mỏ vật liệu xây dựng: 129,48 ha.

b) Về cơ cấu 3 loại rừng

- Quy hoạch rừng đặc dụng đến năm 2030:

+ Phân bổ chỉ tiêu theo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia đến năm 2030: 36.241,00 ha.

+ Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp xác định đến năm 2030: 55.836,94 ha.

+ Nguyên nhân chênh lệch: 19.595,94 ha, do chuyển từ quy hoạch rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng đặc dụng theo Kết luận số 108-KL/TU ngày 23/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định và kết quả rà soát, điều chỉnh đã nêu trên.

- Quy hoạch rừng phòng hộ đến năm 2030:

+ Phân bổ chỉ tiêu theo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia đến năm 2030: 172.998,00 ha.

+ Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp xác định đến năm 2030: 152.851,31 ha.

+ Nguyên nhân chênh lệch: 20.146,69 ha, do chuyển từ quy hoạch rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng đặc dụng theo Kết luận số 108-KL/TU ngày 23/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định và kết quả rà soát, điều chỉnh đã nêu trên.

Như vậy, tổng diện tích quy hoạch rừng đặc dụng và phòng hộ theo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia đến năm 2030 là 209.239,00 ha, Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp xác định đến năm 2030: 208.688,25 ha, thấp hơn chỉ tiêu phân bổ: 550,75 ha, cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu đã được phân bổ.

- Quy hoạch rừng sản xuất đến năm 2030:

+ Phân bổ chỉ tiêu theo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia đến năm 2030: 162.323,00 ha.

+ Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp xác định đến năm 2030: 161.104,99 ha.

+ Nguyên nhân chênh lệch: 1.218,01 ha, do phát sinh đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp một số công trình dự án mới phát sinh theo kết quả rà soát, điều chỉnh đã nêu trên.

c) Sự phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất cấp Quốc gia phân bổ theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ

Kết quả xây dựng Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chỉ tiêu sử dụng đất thuộc quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030: 9.671,56 ha, trong đó: quy hoạch rừng đặc dụng: 193,38 ha; quy hoạch rừng phòng hộ: 1.733,92 ha; quy hoạch rừng sản xuất: 7.744,26 ha.

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất Quốc gia năm 2021-2025. Theo đó, diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định được phân bổ là 371.562,00 ha trong đó có 3.401,35 ha quy hoạch rừng phòng hộ chuyển sang quy hoạch rừng đặc dụng, giảm so với hiện trạng quy hoạch lâm nghiệp năm 2022 (379.464,80 ha): 7.902,80 ha, trong đó: quy hoạch rừng đặc dụng: 0,0 ha; quy hoạch rừng phòng hộ: 1.842,32 ha; quy hoạch rừng sản xuất: 6.060,48 ha.

Theo kết quả xây dựng Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định chỉ tiêu sử dụng đất thuộc quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030: 9.671,56 ha, tăng 1.768,76 ha so với chỉ tiêu phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch rừng đặc dụng tăng: 193,38 ha; chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch rừng phòng hộ thấp hơn: 108,40 ha; chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch rừng sản xuất tăng: 1.638,78 ha.

Căn cứ Điều 3 Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thì trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có nhu cầu sử dụng đất phát sinh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phù hợp với quy định hoặc trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2026-2030) vào năm 2024. Do đó, trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất, UBND tỉnh đã có báo cáo, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh Bình Định được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3048/UBND-KT ngày 16/5/2023, Văn bản số 7296/UBND-KT ngày 06/10/2023 của UBND tỉnh.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì việc rà soát, điều chỉnh tăng 1.768,76 ha đất quy hoạch lâm nghiệp so với chỉ tiêu phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 và đã được UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định nên đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo tại Điều 3 Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Định hướng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030

a) Tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm túc quy hoạch lâm nghiệp sau khi được phê duyệt, thực hiện các giải pháp đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt 58%.

b) Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2030 duy trì ở mức 58%.

II. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP THEO CƠ CẤU 3 LOẠI RỪNG TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Duy trì diện tích quy hoạch lâm nghiệp từ 361.000 ha - 369.900 ha, cụ thể:

1. Quy hoạch rừng đặc dụng

a) Diện tích quy hoạch rừng đặc dụng vào khoảng 55.000 đến 55.900 ha, chiếm 15,1% diện tích quy hoạch lâm nghiệp.

b) Nâng cấp Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn thành Vườn Quốc gia với quy mô diện tích khoảng 22.676 ha. Thành lập Khu rừng lịch sử, văn hóa cảnh quan Núi Bà với quy mô diện tích khoảng 8.299 ha; Khu rừng lịch sử cảnh quan Quy Hòa - Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn với diện tích khoảng 1.460 ha; Khu rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 23.400 ha.

2. Quy hoạch rừng phòng hộ

a) Diện tích quy hoạch rừng phòng hộ duy trì khoảng 151.000 đến 153.000 ha, chiếm 41,4% diện tích quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó bao gồm các Khu rừng phòng hộ ở huyện An Lão 23.467 ha; huyện Hoài Ân 26.843 ha, thị xã Hoài Nhơn 6.245 ha; huyện Phù Cát 13.007 ha; huyện Phù Mỹ 12.001 ha; huyện Tây Sơn 21.685 ha; huyện Tuy Phước 339 ha; huyện Vân Canh 26.793 ha; huyện Vĩnh Thạnh 14.436 ha; thành phố Quy Nhơn 6.620 ha, thị xã An Nhơn 1.417 ha.

b) Thay thế loài cây trồng phổ biến hiện nay là các loài Keo bằng các loài cây bản địa có khả năng phòng hộ bền vững, chống thoái hóa đất; hướng tới mục đích sử dụng chính là cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

3. Quy hoạch rừng sản xuất

a) Diện tích quy hoạch rừng sản xuất duy trì khoảng 155.000 đến 161.000 ha, chiếm 43,5% diện tích lâm nghiệp.

b) Hàng năm khai thác và trồng lại rừng bình quân khoảng 10.000 ha; sản lượng khoảng 2 triệu tấn, trong đó gỗ lớn khoảng 400.000 tấn.

c) Khuyến khích kinh doanh rừng gỗ lớn gắn với Chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững. Duy trì diện tích kinh doanh rừng gỗ lớn khoảng 20.000 ha, tăng trưởng bình quân trên 22-25m³/ha/năm, tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt 50 - 60%.

III. DIỆN TÍCH CHUYỂN LOẠI RỪNG

1. Phương án chuyển loại rừng

Căn cứ vào Phương án được phê duyệt, các chủ rừng; các tổ chức được giao quản lý rừng có diện tích chuyển đổi có trách nhiệm xây dựng Phương án chuyển loại rừng trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật.

2. Phương án quản lý, sử dụng rừng; xử lý tài sản khi chuyển đổi

a) Đối với đất rừng chuyển đổi từ phòng hộ, đặc dụng sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất:

- Rừng trồng chuyển đổi có nguồn gốc đầu tư bằng vốn Ngân sách nhà nước do các Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý:

+ Ban quản lý rừng phòng hộ tiếp tục quản lý, xây dựng phương án sử dụng đất khi chuyển loại rừng. Tổ chức khai thác nếu rừng đến tuổi khai thác; nếu rừng chưa đến tuổi khai thác, xác định giá rừng trồng tại thời điểm bàn giao để thu hồi vốn Nhà nước đã đầu tư.

+ Xác định diện tích, địa điểm các khu rừng để thực hiện bàn giao về địa phương để lập phương án giao đất, giao rừng cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định.

- Rừng chuyển đổi là rừng trồng phòng hộ, đặc dụng do người dân tự bỏ vốn trồng rừng trên đất thuộc quản lý của UBND cấp xã: Xác định diện tích, địa điểm các khu rừng thuộc quy hoạch chuyển loại rừng. Chính quyền địa phương có trách nhiệm lập phương án giao đất rừng cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định.

- Sau khi thực hiện xong phương án chuyển loại rừng, các chủ rừng quản lý theo quy chế rừng sản xuất.

b) Đối với đất rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch rừng sản xuất: Sau khi chuyển vào quy hoạch rừng sản xuất, quản lý theo quy chế rừng sản xuất.

c) Đối với đất rừng chuyển đổi từ quy hoạch rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch rừng phòng hộ:

- Đối với rừng tự nhiên, rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp nhưng có nguồn gốc trồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện lập hồ sơ giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý theo quy định.

- Rừng trồng do người dân tự bỏ vốn trồng rừng trên đất thuộc quản lý của UBND cấp xã: Khi xây dựng phương án chuyển đổi, phải bố trí kinh phí để thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ cây cối trên đất đồng thời đền bù quyền sử dụng đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định.

- Sau khi thực hiện xong phương án chuyển loại rừng, giao cho các Ban Quản lý rừng hoặc các tổ chức Nhà nước quản lý theo quy chế rừng phòng hộ, đặc dụng.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Công khai Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên trang thông tin của Sở để các ngành, các địa phương và đơn vị có liên quan biết, thực hiện công việc có liên quan theo quy định.

b) Quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện có các phát sinh khách quan về nhu cầu sử dụng đất thuộc quy hoạch lâm nghiệp phải báo cáo, đề nghị cấp thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

c) Hướng dẫn các địa phương, các tổ chức quản lý rừng, xây dựng các phương án chuyển đổi rừng đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác giao rừng, cho thuê rừng đồng bộ với giao đất, cho thuê đất quy hoạch lâm nghiệp.

e) Làm cơ sở để theo dõi diễn biến rừng hàng năm, cụ thể theo hướng cập nhật điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp như sau:

- Đối với diện tích loại trừ ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp, diện tích chuyển từ ngoài quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch lâm nghiệp, diện tích chuyển đổi loại rừng theo cơ cấu 3 loại rừng: Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành cập nhật điều chỉnh quy hoạch sau khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

- Đối với diện tích đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 để thực hiện công trình, dự án: Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành cập nhật điều chỉnh quy hoạch sau khi cấp thẩm quyền Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp.

g) Tham mưu UBND tỉnh đề nghị cấp thẩm quyền tích hợp quy hoạch lâm nghiệp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Trên cơ sở Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp tục cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của giai đoạn tiếp theo đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất thuộc quy hoạch lâm nghiệp và danh mục công trình, dự án phù hợp với Phương án này.

b) Chủ trì, phối hợp chỉ đạo triển khai đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy hoạch lâm nghiệp cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối kế hoạch vốn để thực hiện phương án chuyển đổi từ rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng; kế hoạch vốn cho công tác giao rừng đồng bộ với giao đất; kế hoạch vốn để lập các dự án đầu tư thành lập các khu rừng đặc dụng,…

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối, bố trí vốn để thực hiện phương án chuyển đổi từ rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng; bố trí vốn cho công tác giao rừng đồng bộ với giao đất; vốn để lập các dự án đầu tư thành lập các khu rừng đặc dụng,... Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí khi thực hiện các phương án, dự án.

5. Các Sở, ngành liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan trong Phương án theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp xã lập phương án đầy nhanh công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng.

b) Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp xã, các chủ rừng trên địa bàn khẩn trương xây dựng các phương án, kế hoạch chuyển đổi đất rừng, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

c) Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, hội đoàn thể và UBND cấp xã, chủ rừng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực lâm nghiệp.

d) Tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất lâm nghiệp theo Phương án quy hoạch lâm nghiệp đã được phê duyệt đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

7. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân,… được giao rừng, cho thuê rừng cập nhật điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo Phương án được phê duyệt tại Quyết định này.

8. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh các công trình dự án phải sử dụng đất lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với quy định, đảm bảo không vượt quá chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định này.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và các Quyết định của UBND tỉnh về rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trước đây hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ NN và PTNT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm TH-CB;
- Lưu: VT, K13.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4860/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 4860/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản