Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2014/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 25 tháng 12 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24/3/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường, chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 376/TTr-SNN&PTNT ngày 04/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VÀ CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 47/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống gia súc, gia cầm và điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
2. Đối tượng áp dụng
- Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động về sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;
- Những nội dung liên quan không được quy định trong Quy định này thì thực hiện theo Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24/3/2004; Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường, chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Giải thích một số từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Gia súc gồm trâu, bò, dê, cừu, lợn, ngựa, chó, mèo.
2. Gia cầm gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút, đà điểu.
3. Quy mô chăn nuôi: gồm quy mô lớn, quy mô vừa, quy mô nhỏ và hộ gia đình (áp dụng cho chăn nuôi thương phẩm và sản xuất giống vật nuôi) có số lượng gia súc, gia cầm có mặt thường xuyên như sau:
a) Chăn nuôi quy mô lớn:
- Trâu, bò, ngựa: Từ 500 con trở lên;
- Lợn, dê, cừu, chó, mèo: Từ 1.000 con trở lên;
- Gà, vịt, ngan, ngỗng: Từ 20.000 con trở lên; chim cút, bồ câu: từ 100.000 con trở lên; đà điểu: từ 200 con trở lên.
b) Chăn nuôi quy mô vừa:
- Trâu, bò, ngựa: Từ 50 con đến dưới 500 con;
- Lợn, dê, cừu, chó, mèo: Từ 100 con đến dưới 1.000 con;
- Gà, vịt, ngan, ngỗng: Từ 5.000 con đến dưới 20.000 con; chim cút, bồ câu: từ 20.000 con đến dưới 100.000 con; đà điểu: từ 20 con đến dưới 200 con.
c) Chăn nuôi quy mô nhỏ:
- Trâu, bò, ngựa: Từ 10 con đến dưới 50 con;
- Lợn, dê, cừu, chó, mèo: Từ 30 con đến dưới 100 con;
- Gà, vịt, ngan, ngỗng: Từ 500 con đến dưới 5.000 con; chim cút, bồ câu: từ 5.000 con đến dưới 20.000 con; đà điểu: từ 10 con đến dưới 20 con.
d) Chăn nuôi hộ gia đình: Có số lượng gia súc, gia cầm thường xuyên dưới mức chăn nuôi quy mô nhỏ.
4. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung là cơ sở chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi quy mô vừa trở lên.
5. Cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm tập trung là cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm của các tổ chức, cá nhân có quy mô vừa trở lên.
6. Dịch bệnh gia súc, gia cầm là những bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc Danh mục các bệnh nguy hiểm của gia súc, gia cầm làm gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết nhiều hoặc làm lây lan trong một hoặc nhiều vùng.
7. Tiêu chuẩn vệ sinh thú y là các chỉ tiêu kỹ thuật về vệ sinh thú y đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển gia súc, gia cầm không gây hại cho sức khỏe con người và không gây ô nhiễm môi trường.
8. Kiểm tra vệ sinh thú y là việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phát hiện đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y.
9. Chất thải gia súc, gia cầm là những chất phát sinh trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
10. Thời gian ngừng thuốc cần thiết là khoảng thời gian từ khi ngừng dùng thuốc đến khi giết mổ gia súc, gia cầm, khai thác sản phẩm gia súc, gia cầm đảm bảo dư lượng thuốc trong sản phẩm gia súc, gia cầm không vượt quá giới hạn cho phép.
Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Sản xuất, kinh doanh giống giả, giống gia súc, gia cầm không đạt tiêu chuẩn giống, giống không có trong Danh mục giống gia súc, gia cầm được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
2. Sản xuất, kinh doanh giống gia súc, gia cầm gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen gia súc, gia cầm, môi trường, hệ sinh thái.
3. Nhập khẩu gia súc, gia cầm từ các nước, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm đó.
4. Kinh doanh gia súc, gia cầm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
5. Công bố tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo, thông tin sai sự thật về giống gia súc, gia cầm.
6. Sử dụng nguyên liệu, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất giả, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, bị cấm sử dụng hoặc không được phép lưu hành tại Việt Nam để sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi, thú y.
7. Đánh tráo gia súc, gia cầm đã được kiểm dịch bằng gia súc, gia cầm chưa được kiểm dịch.
8. Trốn tránh việc kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm.
9. Khai thác, lưu hành, sử dụng tinh lợn đực giống đang bị bệnh hoặc đang trong thời gian cách ly dịch bệnh theo quy định.
10. Sử dụng lợn, trâu, bò đực giống để phối trực tiếp khi đang bị bệnh hoặc trong vùng đang có dịch bệnh xảy ra.
11. Vứt xác gia súc, gia cầm làm lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cho người và gây ô nhiễm môi trường.
12. Tái đàn gia súc, gia cầm trong thời gian đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên loại gia súc, gia cầm đó.
13. Đưa gia súc, gia cầm đang bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra các bãi chăn thả chung.
14. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Mục 1. QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH GIỐNG GIA SÚC, GIA CẦM
Điều 4. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm
1. Đối với cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm quy mô nhỏ và hộ gia đình
a) Địa điểm:
- Đối với cơ sở sản xuất giống quy mô nhỏ: Khoảng cách từ cơ sở sản xuất giống đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100 m.
- Đối với hộ gia đình sản xuất giống phải có đất đủ rộng (diện tích tối thiểu 200m2) để xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải; cách biệt với nhà ở của gia đình và có khoảng cách tính từ tường chuồng trại đến nhà ở dân cư liền kề tối thiểu 10 mét.
b) Điều kiện vệ sinh: Có hệ thống xử lý chất thải để áp dụng các biện pháp xử lý chất thải của gia súc, gia cầm.
c) Có hồ sơ môi trường theo quy định.
2. Đối với cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm tập trung
a) Địa điểm:
- Đối với cơ sở sản xuất giống quy mô lớn: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 500 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 01 km.
- Đối với cơ sở sản xuất giống quy mô vừa: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 200 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 01 km (đối với cơ sở chăn nuôi lợn), 500 m (đối với cơ sở chăn nuôi trâu, bò).
b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
c) Có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
d) Có hồ sơ môi trường theo quy định.
đ) Công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống gia súc, gia cầm và thực hiện công bố hợp quy theo quy định.
Điều 5. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh giống gia súc, gia cầm
Cơ sở kinh doanh giống gia súc, gia cầm phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Có hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng giống của cơ sở sản xuất con giống.
3. Có hồ sơ, sổ nhật ký ghi chép cụ thể về nhập, xuất giống gia súc, gia cầm, số lượng, chất lượng con giống; có lý lịch con giống, giấy kiểm dịch và mục đích sử dụng.
4. Có khu vực riêng biệt để nuôi giữ con giống gia súc, gia cầm đáp ứng yêu cầu về địa điểm tương ứng với số lượng gia súc, gia cầm giống kinh doanh có mặt thường xuyên quy định tại điểm a khoản 1, hoặc điểm a khoản 2 Điều 4 Quy định này.
5. Có hồ sơ môi trường theo quy định.
1. Địa điểm:
Tùy theo số lượng lợn đực giống có mặt thường xuyên, yêu cầu về địa điểm chăn nuôi phải đảm bảo theo quy định tại điểm a khoản 1, hoặc điểm a khoản 2 Điều 4 Quy định này.
2. Ngoài ra, chủ cơ sở chăn nuôi lợn đực giống để sản xuất kinh doanh tinh sử dụng cho thụ tinh nhân tạo phải đảm bảo các điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 4 Quy định này và thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 07/2005/QĐ-BNN ngày 31/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về quản lý và sử dụng lợn đực giống.
Điều 7. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nuôi lợn đực giống để kinh doanh phối giống trực tiếp
1. Địa điểm:
Tùy theo số lượng lợn đực giống có mặt thường xuyên, yêu cầu về địa điểm chăn nuôi phải đảm bảo theo quy định tại điểm a khoản 1, hoặc điểm a khoản 2 Điều 4 Quy định này.
2. Ngoài ra, chủ cơ sở nuôi lợn đực giống để kinh doanh phối giống trực tiếp phải đảm bảo các điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 4 Quy định này; đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Lợn đực giống phải có nguồn gốc từ các cơ sở nhân giống được kiểm tra năng suất cá thể và phải đạt yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp đã ban hành, có lý lịch rõ ràng. Mỗi lợn đực giống được đánh số hoặc đeo thẻ tai để theo dõi.
b) Tuổi lợn bắt đầu phối giống trực tiếp không ít hơn 8 (tám) tháng tuổi đối với lợn nội, 10 (mười) tháng tuổi đối với lợn ngoại và tuổi sử dụng không quá ba năm. Lợn đực giống sử dụng để phối giống trực tiếp không quá 03 lần/tuần.
c) Thực hiện kiểm tra huyết thanh các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan thú y.
d) Hàng năm, chủ cơ sở phải thực hiện việc bình tuyển, giám định giống. Nếu lợn đực không đạt tiêu chuẩn giống phải loại thải kịp thời.
đ) Có sổ theo dõi phối giống.
Điều 8. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh tinh gia súc để thụ tinh nhân tạo
Cơ sở kinh doanh tinh gia súc phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Tinh gia súc phải có nhãn trong đó ghi rõ tên đực giống hoặc ký hiệu, tên và cơ sở sản xuất, các chỉ số chất lượng tinh, ngày sản xuất, hạn sử dụng và phải có bao gói bảo quản theo quy định.
2. Có hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng tinh gia súc theo quy định.
3. Có sổ sách theo dõi nhập và xuất bán tinh gia súc.
4. Có trang thiết bị bảo quản tinh theo quy định.
Điều 9. Điều kiện đối với các cơ sở ấp trứng gia cầm
Cơ sở ấp trứng gia cầm phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Địa điểm: Cơ sở ấp trứng gia cầm phải cách xa trường học, bệnh viện, chợ, công sở và các nơi công cộng khác tối thiểu 200 m; có tường rào bao quanh nhằm bảo đảm điều kiện cách ly về an toàn sinh học.
2. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm.
4. Có hồ sơ môi trường theo quy định.
Mục 2. QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM
Điều 10. Điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ và hộ gia đình
1. Địa điểm:
- Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100 m.
- Đối với chăn nuôi hộ gia đình: Có đất đủ rộng (diện tích tối thiểu 200m2) để xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải; cách biệt với nhà ở của gia đình và có khoảng cách tính từ tường chuồng trại đến nhà ở dân cư liền kề tối thiểu 10 mét.
2. Điều kiện vệ sinh: Có hệ thống xử lý chất thải để áp dụng các biện pháp xử lý chất thải của gia súc, gia cầm.
3. Có hồ sơ môi trường theo quy định.
Điều 11. Điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với cơ sở chăn nuôi tập trung.
1. Địa điểm
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương thưa dân cư, vùng trung du, miền núi.
- Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 500 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 01 km.
- Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 200 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 01 km (đối với cơ sở chăn nuôi lợn), 500 m (đối với cơ sở chăn nuôi trâu, bò).
- Đối với cơ sở chăn nuôi tổng hợp nhiều loại gia súc, gia cầm phải có khu vực riêng cho từng loại gia súc, gia cầm và có hàng rào ngăn cách; có khu vực xử lý chất thải riêng cho từng loại gia súc, gia cầm.
2. Có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
3. Có hồ sơ môi trường theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của các Sở, ngành
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
a) Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu sản xuất con giống trình UBND tỉnh phê duyệt.
b) Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng giống gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
c) Hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận về điều kiện vệ sinh thú y đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo quy định.
d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh.
đ) Tổ chức thực hiện việc giám định lợn đực giống sử dụng để sản xuất kinh doanh tinh dùng cho thụ tinh nhân tạo.
e) Hàng năm phối hợp, tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Ngành.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, khu sản xuất con giống.
d) Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ môi trường theo quy định.
3. Sở Công Thương: chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh giống gia súc, gia cầm; vận chuyển gia súc, gia cầm và ấp trứng gia cầm theo quy định của pháp luật.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: thực hiện việc cấp hoặc thu hồi giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý.
5. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành của tỉnh đối chiếu với Quy định này và các quy định khác có liên quan, tổ chức kiểm tra thực địa trong trường hợp xét thấy cần thiết làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh giống gia súc, gia cầm và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân.
- Hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định hiện hành.
6. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể nhân dân: phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trong việc triển khai thực hiện các Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Điều 13. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố
1. Thực hiện quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.
2. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quy hoạch địa điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm và ấp trứng gia cầm.
3. Thực hiện việc cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý.
4. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện việc giám định lợn đực giống sử dụng để kinh doanh phối giống trực tiếp trên địa bàn quản lý.
6. Tổ chức việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn.
7. Kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở đã đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo đề nghị.
8. Tiếp nhận và xử lý các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn.
9. Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ môi trường theo quy định.
10. Xem xét ủy quyền cho UBND cấp xã tổ chức việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với đối tượng không lập dự án đầu tư trên địa bàn.
Điều 14. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn
1. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai Quy định này đến cộng đồng dân cư trên địa bàn quản lý để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
2. Tổ chức đăng ký các hoạt động: chăn nuôi lợn đực giống để kinh doanh phối giống bằng phương pháp phối giống trực tiếp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở ấp trứng gia cầm.
3. Thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm, lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan trên địa bàn.
4. Tổ chức việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn (trong trường hợp được UBND cấp huyện ủy quyền).
Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm
1. Thực hiện các biện pháp xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy định.
2. Chấp hành việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định.
3. Khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân hoặc bệnh có dấu hiệu lây lan, phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc Trưởng thú y cấp xã để được hướng dẫn xử lý.
4. Chấp hành việc lấy mẫu để chẩn đoán xét nghiệm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khi có yêu cầu của cơ quan thú y.
5. Thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương, Trạm Thú y:
- Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trở lên: khi xuất, nhập gia súc, gia cầm phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn và Trạm Thú y cấp huyện để quản lý và thực hiện kiểm dịch theo quy định.
- Đối với cơ sở kinh doanh giống gia súc, gia cầm: khi nhập, xuất con giống gia súc, gia cầm phải khai báo với Trạm Thú y cấp huyện để kiểm tra, kiểm dịch theo quy định.
- Đối với cơ sở ấp trứng gia cầm: khai báo với Trạm Thú y cấp huyện để được giám sát về dịch bệnh và điều kiện vệ sinh thú y. Trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh con giống, kiểm dịch thú y và phòng chống dịch bệnh.
6. Lập hồ sơ môi trường theo quy định hiện hành.
7. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong hồ sơ môi trường đã được phê duyệt.
8. Khắc phục những sự cố về môi trường đúng quy định theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quyết định này, tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các nghị định khác có liên quan.
Trong quá trình thực hiện Quy định này, trường hợp có phát sinh, vướng mắc thì phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung./.
- 1Quyết định 1041/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 2Quyết định 50/2013/QĐ-UBND Quy định điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 3Quyết định 32/2013/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 4Quyết định 35/2013/QĐ-UBND về quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 5Quyết định 04/2015/QĐ-UBND Quy định về định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 – 2020
- 6Quyết định 838/QĐ-CTUBND năm 2006 Quy định về điều kiện chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 7Quyết định 2393/QĐ-UBND năm 2015 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thành phố Hà Nội
- 8Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2016 về quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 9Quyết định 737/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, kỳ 2014-2018
- 10Quyết định 694/QĐ-UBND năm 2017 công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 1Quyết định 07/2005/QĐ-BNN về quản lý và sử dụng lợn đực giống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004
- 4Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 5Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y
- 6Quyết định 1405/QĐ-TTg năm 2007 về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường
- 8Quyết định 1041/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 9Quyết định 50/2013/QĐ-UBND Quy định điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 10Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi
- 11Quyết định 32/2013/QĐ-UBND Quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 12Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- 13Quyết định 35/2013/QĐ-UBND về quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 14Quyết định 04/2015/QĐ-UBND Quy định về định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 – 2020
- 15Quyết định 838/QĐ-CTUBND năm 2006 Quy định về điều kiện chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 16Quyết định 2393/QĐ-UBND năm 2015 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thành phố Hà Nội
- 17Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2016 về quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Quyết định 47/2014/QĐ-UBND về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- Số hiệu: 47/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/12/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Phước Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra