Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 1405/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KIỆN ẤP TRỨNG GIA CẦM VÀ CHĂN NUÔI THỦY CẦM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Pháp lệnh Thú y năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Mục tiêu
1. Kiểm soát hoạt động ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm nhằm bảo đảm phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.
2. Khuyến khích phát triển chăn nuôi, ấp trứng gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp để tăng trưởng bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định điều kiện ấp trứng gia cầm theo phương thức thủ công, công nghiệp và điều kiện chăn nuôi thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng) theo hình thức trang trại, công nghiệp và vịt chạy đồng (kể cả vịt thời vụ).
2. Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở ấp trứng gia cầm, chủ cơ sở chăn nuôi thủy cầm quy định tại khoản 1 Điều này.
Chủ cơ sở ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm phải thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về giống vật nuôi, về thú y và các quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Điều kiện ấp trứng gia cầm
Cơ sở ấp trứng gia cầm phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cơ sở ấp trứng không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì chủ cơ sở ấp trứng phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về hoạt động kinh doanh ấp trứng gia cầm.
2. Địa điểm của cơ sở ấp trứng phải phù hợp với quy hoạch của địa phương và ở ngoài khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư; ngoài khuôn viên trường học, bệnh viện, chợ, cơ quan và các nơi công cộng khác.
3. Về vệ sinh thú y:
a) Trứng đưa vào ấp phải được sản xuất từ các đàn gia cầm bố mẹ khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định;
b) Có nơi để xử lý gia cầm con chết, trứng hỏng, vỏ trứng và các chất thải khác;
c) Tiêu độc khử trùng định kỳ;
d) Dụng cụ ấp trứng, phương tiện vận chuyển trứng, gia cầm con phải được tiêu độc khử trùng sau mỗi lần sử dụng;
đ) Có sổ ghi chép theo dõi trứng đưa vào ấp và xuất bán gia cầm con;
e) Ngừng hoạt động ấp trứng trong thời gian công bố có dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Điều 4. Điều kiện chăn nuôi thuỷ cầm
1. Đối với cơ sở chăn nuôi thủy cầm theo hình thức trang trại, công nghiệp:
a) Giống thủy cầm nuôi phải được sản xuất từ các cơ sở ấp trứng đủ điều kiện theo quy định tại
b) Cơ sở chăn nuôi không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì chủ cơ sở chăn nuôi phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về hoạt động kinh doanh chăn nuôi thủy cầm;
c) Địa điểm của cơ sở chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch của địa phương và ở ngoài khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư; ngoài khuôn viên trường học, bệnh viện, chợ, cơ quan và các nơi công cộng khác;
d) Thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm định kỳ cho đàn thủy cầm theo quy định và có sổ ghi chép theo dõi tiêm phòng;
đ) Thực hiện tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi định kỳ;
e) Khi phát hiện thủy cầm có dấu hiệu bị bệnh, chủ chăn nuôi phải khai báo ngay với chính quyền hoặc nhân viên thú y xã; không được bán chạy thủy cầm bệnh; thủy cầm chết phải được tiêu hủy theo đúng quy định;
g) Khi có dịch, chủ chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y; chỉ nuôi mới hoặc tái đàn sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch trên địa bàn.
2. Đối với chăn nuôi vịt chạy đồng:
a) Chủ chăn nuôi vịt chạy đồng phải khai báo về việc chăn nuôi và địa bàn chăn thả vịt với Ủy ban nhân dân cấp xã để được cấp sổ theo dõi;
b) Giống thủy cầm nuôi phải được sản xuất từ các cơ sở ấp trứng đủ điều kiện theo quy định tại
c) Đàn vịt phải được tiêm phòng định kỳ theo quy định;
d) Chỉ được di chuyển đàn vịt trong địa bàn đã khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
đ) Khi phát hiện đàn vịt có dấu hiệu bị bệnh, chủ chăn nuôi phải khai báo ngay với chính quyền hoặc nhân viên thú y xã; không được bán chạy thuỷ cầm bệnh; thuỷ cầm chết phải được tiêu huỷ theo đúng quy định;
e) Khi có dịch, chủ chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y; chỉ nuôi mới hoặc tái đàn sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch trên địa bàn.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quyết định này trên địa bàn;
b) Xây dựng, phê duyệt quy hoạch cơ sở ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm trang trại, công nghiệp;
c) Triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định của pháp luật về thú y;
d) Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định tại Quyết định này theo quy định của Nghị định số 47/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi và Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
đ) Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân hạn chế, tiến tới xóa bỏ chăn nuôi thủy cầm nhỏ lẻ, phân tán.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Quy định cụ thể về quy mô đối với cơ sở ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm và hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật về ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm theo quy định của Quyết định này;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra thực hiện các điều kiện ấp trứng gia cầm, chăn nuôi thủy cầm, quy hoạch xây dựng cơ sở ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm trang trại, công nghiệp.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Nghị định 129/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
- 2Nghị định 88/2006/NĐ-CP về việc đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh
- 3Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 4Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004
- 5Nghị định 47/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi
- 6Thông tư 92/2007/TT-BNN hướng dẫn thực hiện Quyết định 1405/QĐ-TTg về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 1405/QĐ-TTg năm 2007 về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1405/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/10/2007
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 742 đến số 743
- Ngày hiệu lực: 16/10/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra