Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 446/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1981/SNN-KHTC ngày 29 tháng 12 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu chung:

- Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố, tiến hành xây dựng Chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật công nghệ sinh học tiên tiến, tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xử lý môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, chất lượng, hiệu quả, duy trì và cải thiện môi trường sinh thái cho thành phố Hồ Chí Minh.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

1.2.1. Giai đoạn 2011 - 2015:

a) Trồng trọt:

- Giống: lai tạo (20 - 30 giống rau, 4 - 5 giống hoa kiểng mới) và nhân nhanh bằng công nghệ tế bào thực vật một số giống cây trồng có giá trị (1 - 2 triệu cây giống cấy mô). Xây dựng và phát triển hệ thống các phòng nuôi cấy mô thực vật, kể cả đối với các hộ sản xuất. Hoàn thiện quy trình nhân nhanh một số cây dược liệu quý (10 - 20 giống).

- Quy trình canh tác: ứng dụng các chế phẩm sinh học (phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, …) trên 50% diện tích canh tác rau, hoa, cây kiểng.

- Phòng trừ dịch bệnh: xây dựng quy định chẩn đoán virus gây bệnh chính trên rau, hoa, cây kiểng và một số cây công nghiệp bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

- Bảo tồn nguồn gen: Hình thành bộ sưu tập nguồn gen các giống lan rừng đặc hữu của khu vực phía Nam.

b) Chăn nuôi:

- Giống: chuẩn hóa hệ thống giống. Sử dụng thống nhất hệ thống ghi chép trong công tác quản lý giống phục vụ cho việc đánh giá chất lượng giống. Sử dụng phương pháp BLUP để ước tính giá trị giống phục vụ cho công tác chọn lọc di truyền. Đồng thời tiến tới làm chủ công nghệ phôi để bước đầu tạo ra giống vật nuôi (bò sữa…) có chủ động giới tính. Đưa vào sản xuất thử nghiệm sản phẩm phôi bò thuần đông lạnh cung cấp cho thị trường trong nước.

- Bảo tồn nguồn gen: hình thành hệ thống các trại giống với nhiệm vụ là liên tục chọn dòng và cải thiện di truyền để không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng giống. Tiến tới lưu trữ nguồn gen của các giống gia súc, gia cầm thuần chủng trong phòng thí nghiệm nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cải tạo giống và lai tạo giống mới.

- Phòng trừ dịch bệnh: tạo các bộ kit chẩn đoán bệnh (lở mồm long móng, heo tai xanh…) phục vụ phòng trị có hiệu quả một số bệnh nguy hiểm, thường gặp ở các đối tượng vật nuôi.

c) Thủy sản:

- Giống: chủ động nhân nhanh nguồn giống thủy sản. Hoàn thiện quy trình sản xuất và thuần dưỡng thủy sản theo công nghệ sạch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh. Sử dụng phương pháp BLUP để chọn tạo giống thủy sản, đặc biệt là cá cảnh.

- Quy trình nuôi: chọn tạo và nuôi cấy các loại tảo phổ biến phục vụ cho công tác sản xuất thức ăn thủy sản.

- Phòng trừ dịch bệnh: thương mại hóa các bộ kit chẩn đoán bệnh, chế phẩm sinh học, vacxin phòng bệnh cá tra.

d) Vi sinh - Môi trường - Năng lượng:

Bước đầu nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào việc tạo năng lượng sinh học từ các phế liệu nông nghiệp.

đ) Xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ:

- Đào tạo được đội ngũ cán bộ công nghệ sinh học chuyên sâu (Tiến sĩ, Thạc sĩ). Hình thành một đội ngũ kỹ thuật viên thành thạo một số kỹ thuật cơ bản về công nghệ sinh học hiện đại (nuôi cấy mô thực vật, cấy chuyển phôi trên bò…) để có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, không chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm.

- Hoàn thiện và bước đầu đưa vào sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh.

1.2.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

a) Trồng trọt:

- Giống: tạo ra các dòng cây chuyển gen thuộc các nhóm giống cây trồng khác nhau (rau, hoa, cây kiểng).

- Quy trình canh tác: ứng dụng quy trình hữu cơ sinh học (sử dụng các chế phẩm sinh học) vào 90% diện tích canh tác rau.

- Phòng trừ dịch bệnh: hoàn thiện các quy trình chẩn đoán bệnh virus trên rau, hoa, cây kiểng. Tạo kháng thể đa và đơn dòng của một số loại virus gây hại trên rau, hoa và cây kiểng, phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh.

- Bảo tồn nguồn gen: xây dựng ngân hàng gen một số gen quý hiếm phân lập được từ các giống lan rừng Việt Nam.

b) Chăn nuôi:

- Giống: 10 - 15% bê con từ công nghệ phôi có chủ động giới tính. Ứng dụng phương pháp BLUP có sử dụng các chất đánh dấu DNA trong chọn tạo giống. Ứng dụng công nghệ gen trên động vật để tạo ra sản phẩm dược sinh học.

- Quy trình chăn nuôi: ứng dụng công nghệ vi sinh, enzyme vào quy trình sản xuất các loại chế phẩm và thức ăn chăn nuôi có hiệu suất tiêu hóa cao, giúp sinh trưởng nhanh, hạ giá thành sản xuất, sản phẩm an toàn vệ sinh. Nghiên cứu ứng dụng phát triển cây công nghệ sinh học nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bắp, đậu nành biến đổi gen…).

- Phòng trừ dịch bệnh: hoàn thiện các quy trình phát hiện bệnh và dư lượng kháng sinh.

c) Thủy sản:

- Giống: tạo giống cá kiểng mới bằng công nghệ gen.

- Quy trình nuôi: ứng dụng công nghệ vi sinh, enzyme vào quy trình sản xuất các loại chế phẩm và thức ăn thủy sản có hiệu suất tiêu hóa cao, giúp sinh trưởng nhanh, hạ giá thành sản xuất, sản phẩm an toàn vệ sinh.

- Phòng trừ dịch bệnh: phát triển chế phẩm tăng sức đề kháng cho tôm, cá, tạo kit chẩn đoán cho tất cả các virus và vi khuẩn gây bệnh trên tôm, cá. Tạo vacxin phòng bệnh cho tôm và cá.

d) Vi sinh - Môi trường - Năng lượng:

- Sản xuất công nghiệp các chế phẩm, hoạt chất sinh học để xử lý tốt chất thải và phế thải từ nông nghiệp.

- Nghiên cứu ứng dụng các loại polymer sinh học tự phân hủy từ phế liệu nông nghiệp.

đ) Xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ:

- Đào tạo đội ngũ cán bộ và kỹ thuật viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về công nghệ sinh học, mà còn đào tạo một lực lượng cán bộ, kỹ thuật viên về cách tiếp cận thị trường và cách chuyển giao công nghệ từ phòng thí nghiệm ra thực tế sản xuất để thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học.

- Xây dựng được trang thiết bị và nguồn nhân lực đảm bảo phát triển và ứng dụng hầu hết các lĩnh vực công nghệ sinh học hiện đại trong nông nghiệp.

1.2.3. Tầm nhìn đến 2025:

- Đưa nền công nghệ sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước, góp phần đưa nền nông nghiệp đô thị tại thành phố có hiệu quả và giá trị cao.

- Hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghệ sinh học vừa và nhỏ phục vụ việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại thành phố và các tỉnh trong khu vực.

2. Các nhiệm vụ chủ yếu:

2.1. Lĩnh vực trồng trọt:

2.1.1. Giai đoạn từ 2011-2015:

- Nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai, công nghệ tế bào và công nghệ gen để tạo ra các giống rau, hoa kiểng mới có đặc tính nông học ưu việt, phù hợp với nhu cầu thị trường và khí hậu khu vực phía Nam. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi nhân giống để nhân nhanh các giống rau, hoa kiểng quý đáp ứng cho nhu cầu giống chất lượng cao, sạch bệnh trong khu vực.

- Ứng dụng các chế phẩm sinh học (phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…) vào phục vụ canh tác rau, hoa, cây kiểng.

- Ứng dụng công nghệ protein, công nghệ gen để nghiên cứu tạo ra các bộ kit phát hiện bệnh trên cây trồng, đặc biệt là bệnh do virus gây ra, góp phần hiệu quả vào việc phòng trị bệnh. Nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học (thuốc trừ sâu vi sinh, thuốc diệt côn trùng vi sinh…) với hiệu quả và tính ổn định cao.

- Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, nuôi cấy tế bào thực vật để đưa vào lưu giữ nguồn gen in vitro các giống rau, hoa kiểng quý, mang tính đặc thù của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoa lan.

- Nghiên cứu ứng dụng hormone thực vật vào việc bảo quản rau quả, hoa sau thu hoạch nhằm phục vụ cho công tác vận chuyển và bảo quản. Nghiên cứu các bộ kit kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh dùng trong trồng trọt.

2.1.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ gen để tạo ra các giống rau, hoa kiểng chuyển gen có khả năng kháng bệnh, chống chịu các điều kiện bất lợi của môi trường; tạo các giống hoa lâu tàn, quả chín chậm nhằm phục vụ cho công tác xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ vi nhân giống để nhân nhanh các giống rau, hoa kiểng chuyển gen phục vụ cho sản xuất. Nghiên cứu đưa vào sản xuất các cây hương liệu và dược liệu.

- Ứng dụng công nghệ gen, công nghệ protein sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ cho quy trình canh tác rau, hoa, cây kiểng.

- Ứng dụng công nghệ gen và công nghệ protein vào sản xuất các kháng thể đa, đơn dòng của các loại virus gây bệnh trên rau, hoa và cây kiểng.

- Ứng dụng công nghệ gen, chỉ thị phân tử để sàng lọc và phân lập các gen quý hiếm từ bộ sưu tập để phục vụ cho công tác tạo giống mới bằng chuyển gen.

2.2. Lĩnh vực chăn nuôi:

2.2.1. Giai đoạn từ 2011 - 2015:

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phôi, chọn lọc giới tính để áp dụng cho công tác nhân giống đàn bò sữa chất lượng cao của Thành phố và các vùng trong cả nước. Nghiên cứu thành công và bước đầu đưa vào sản xuất tinh trùng bò đông lạnh đã chọn lọc bộ nhiễm sắc thể mang nhiễm sắc thể giới tính hoặc X hoặc Y.

- Nghiên cứu các chế phẩm, hoạt chất sinh học (interferon) bổ sung vào thức ăn cho gia súc, gia cầm giúp tăng sức đề kháng. Ứng dụng công nghệ lên men, làm giàu dinh dưỡng cho các phụ phẩm nông nghiệp như thân bắp (ngô), mía… làm thức ăn cho chăn nuôi bò quy mô công nghiệp. Nghiên cứu công nghệ lưu giữ dinh dưỡng trong nguồn thức ăn xanh bảo quản lâu ngày.

- Nghiên cứu và ứng dụng các bộ kit chẩn đoán bệnh trên gia súc như viêm vú, tình trạng chậm sinh trên bò sữa và heo. Nghiên cứu phát triển các dược sinh học và vacxin phòng các bệnh nguy hiểm thường gặp: lở mồm long móng ở bò, tai xanh ở heo, bệnh cúm trên gia cầm.

- Xây dựng ngân hàng các đoạn gen liên quan đến tình trạng kinh tế quan trọng: sữa, thịt, năng suất sinh sản của giống lợn, bò nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh.

2.2.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tạo ra các giống lai có chất lượng cao. Mở rộng sản xuất sản phẩm phôi bò đã xác định giới tính, tinh trùng tươi hoặc tinh trùng đông lạnh đã phân biệt giới tính (nhiễm sắc thể X hoặc Y) để cung cấp cho thị trường trong nước và các nước trong khu vực.

- Nghiên cứu tạo động vật chuyển gen trong công nghiệp sản xuất sữa, sản phẩm dược sinh học …

- Ứng dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất thức ăn gia súc để tạo sản phẩm giàu dinh dưỡng (có hàm lượng cao các chất vi lượng, vi khoáng, các interferon, 1g…), có hiệu suất tiêu hóa cao, giá thành hạ, sinh trưởng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghiên cứu các chế phẩm sinh học (probiotic) bổ sung vào thức ăn cho gia súc, gia cầm.

- Nghiên cứu các bộ kit phát hiện vi khuẩn gây hại, dư lượng thuốc kháng sinh và thuốc cấm dùng trong thịt gia súc, gia cầm.

2.3. Lĩnh vực thủy sản:

2.3.1. Giai đoạn 2011-2015:

- Xây dựng quy trình thuần hóa và nhân nhanh các giống cá kiểng phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Ứng dụng các công nghệ enzyme, protein và vi sinh để sản xuất các loại thức ăn cho một số đối tượng nuôi trồng thủy sản có hiệu suất tiêu hóa cao, giá thành hạ, sinh trưởng tốt, sản phẩm nuôi an toàn. Xây dựng quy trình nuôi một số loại tảo phổ biến phục vụ cho công tác sản xuất thức ăn thủy sản.

- Ứng dụng sinh học phân tử để sản xuất các bộ kit chẩn đoán, các chế phẩm sinh học tăng cường sức đề kháng bệnh và các loại vacxin thế hệ mới (vacxin tái tổ hợp, vacxin kỹ thuật gen) để phòng trị có hiệu quả một số bệnh nguy hiểm thường gặp trong nuôi trồng thủy sản.

2.3.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Bước đầu ứng dụng công nghệ sinh học (dinh dưỡng, sinh lý, sinh sản, công nghệ gen) và công nghệ di truyền (chuyển cấy gen, đa bội thể, điều khiển giới tính) trong công tác chọn tạo một số giống mới (cá kiểng).

- Nghiên cứu chế tạo các loại thực phẩm chức năng trong lĩnh vực thủy sản bằng cách bổ sung các hoạt chất sinh học.

- Ứng dụng công nghệ gen trong việc sản xuất các loại vacxin phòng bệnh và kit chẩn đoán bệnh cho tôm cá. Nghiên cứu các bộ kit phát hiện vi khuẩn gây hại và dư lượng thuốc kháng sinh dùng trong các sản phẩm chế biến thủy sản.

2.4. Lĩnh vực Vi sinh - Môi trường - Năng lượng:

2.4.1. Giai đoạn 2011 - 2015:

- Bước đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất năng lượng sinh học (cồn sinh học từ lignocellulose, dầu diesel sinh học…) từ phế liệu nông nghiệp.

- Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý các phế liệu nông nghiệp (rơm rạ, vỏ café…) để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

- Nghiên cứu và ứng dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý chuồng nuôi gia súc, gia cầm, ao nuôi thủy sản.

2.4.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Sản xuất công nghiệp các chế phẩm vi sinh để xử lý các phê liệu nông nghiệp, xử lý chuồng nuôi gia súc, gia cầm và ao nuôi thủy sản.

- Nghiên cứu ứng dụng các loại polymer phân hủy sinh học từ phế liệu nông nghiệp.

3. Một số giải pháp chính:

3.1. Triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

- Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D); các dự án sản xuất thử sản phẩm; dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp và các dự án hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học nông nghiệp.

- Thúc đẩy việc tạo lập hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập, phát triển các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao, tiếp nhận và nhập khẩu các công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp vào sản xuất và đời sống.

3.2. Xây dựng và phát triển cơ sở, vật chất kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp sinh học nông nghiệp:

- Hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị các phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ cho những nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y dược và chế biến thực phẩm.

- Hỗ trợ, đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị cho một số đơn vị liên quan đến công nghệ sinh học để triển khai và ứng dụng các công nghệ, sản phẩm công nghệ sinh học như Trung tâm Quản lý kiểm định giống cây trồng, vật nuôi; Phòng kiểm nghiệm phân tích của Chi cục Thú y,…

- Phát triển một số Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, nhằm ứng dụng và triển khai tốt nhất các kết quả nghiên cứu về công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho công nghệ sinh học.

3.3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực về công nghệ sinh học:

- Nghiên cứu, trình thành phố ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để nhanh chóng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thu hút nhân tài và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

- Phối hợp với các trường Đại học để đào tạo cử nhân công nghệ sinh học, cán bộ khoa học đã có học vị tiến sĩ, thạc sĩ được gửi đến các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn (3 - 6 tháng) nhằm cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn; gửi nghiên cứu sinh đến các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ theo các nội dung nghiên cứu của Chương trình.

- Ngoài đội ngũ cán bộ làm nghiên cứu, thành phố cần phát triển đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về công nghệ sinh học. Đây là lực lượng cán bộ kỹ thuật của các cơ quan quản lý chuyên ngành, các đơn vị chuyển giao, các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, công nghệ sinh học nông nghiệp…

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp.

- Thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bản quyền giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật, quy trình công nghệ…) đối với lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp.

3.4. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền:

- Thực hiện các dự án hợp tác với các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm tận dụng kiến thức, công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến và các sự giúp đỡ khác của thế giới để phát triển nhanh, mạnh và giải quyết được một số vấn đề quan trọng, bức xúc của công nghệ sinh học nông nghiệp tại thành phố.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi người dân về vai trò quan trọng của công nghệ sinh học đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng.

3.5. Huy động các nguồn nhân lực để đầu tư, phát triển công nghệ sinh học thành phố:

- Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các nội dung của Chương trình.

- Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Chương trình (đã bao gồm Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh) là 2.474 tỷ đồng. Trong đó vốn từ nguồn ngân sách nhà nước chiếm 75%, từ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp là 15% và 10% còn lại là từ các nguồn khác, cụ thể như sau:

+ Giai đoạn 2010 - 2015: dự kiến khoảng 1.337 tỷ đồng, bao gồm nghiên cứu khoa học chiếm 30 tỷ đồng; đào tạo nhân lực là 45,5 tỷ đồng; xây dựng vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm là 1.100 tỷ đồng; hợp tác quốc tế là 30 tỷ đồng; dự án sản xuất thử là 25 tỷ đồng; phát triển doanh nghiệp công nghệ sinh học là 100 tỷ đồng; xây dựng cơ sở pháp lý là 2 tỷ đồng; công tác thông tin, tuyên truyền là 2,5 tỷ đồng và công quản lý, điều hành chương trình là 2 tỷ đồng.

……………

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp: tổ chức hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

- Các tổ chức, cá nhân khác liên quan có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, đề tài và dự án của Chương trình này, đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên:
- Lưu: VT, (CNN-M) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 446/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025

  • Số hiệu: 446/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/01/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản