Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 10/2009/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH ỦY VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1738/SNN-KHTC ngày 23 tháng 12 năm 2008 về Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng TU và các Ban Đảng;        
- VPHĐ-UB: PVP/KT, ĐT;
- Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (CNN/Đ) MH          

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X

(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X, để triển khai Chương trình hành động của Thành ủy (số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008) về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ:

1. Xây dựng phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần ngày được nâng lên, khoảng cách mức sống giữa nội thành và ngoại thành được kéo giảm, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xã hội nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao; hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường.

2. Tổ chức thực hiện các giải pháp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển giống cây, con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn, trong đó, tập trung nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển, cung ứng vật tư nông nghiệp, nông phẩm; kiên cố hóa kênh mương, các công trình phòng, chống ngập úng, ngăn mặn, triều cường; chủ động tưới tiêu để khai thác toàn bộ đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và làm muối; xây dựng Trung tâm thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; bảo đảm tốt các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể thao ở vùng nông thôn.

- Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 bình quân tăng trên 4,5%/năm (trong đó: giai đoạn 2006 - 2010 tăng trên 6%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trên 4,0%/năm); đến năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 0,4 - 0,5% trong cơ cấu GDP của thành phố (trong đó: cơ cấu giá trị trồng trọt chiếm 30%, chăn nuôi: 30%, lâm nghiệp: 1%, thủy sản 24% và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp: 15%). Đến năm 2010, giá trị sản xuất bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm; năm 2015: 220 triệu đồng/ha/năm, năm 2020: 300 triệu đồng/ha/năm; lao động nông nghiệp giảm còn khoảng 2% so lao động của thành phố; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lao động đang làm việc trên 65%; hàng năm giải quyết việc làm cho 40.000 - 50.000 lao động nông thôn ngoại thành. Mức thu nhập bình quân ở nông thôn 4.500 USD/người/năm (bình quân toàn thành phố 6.000USD).

3. Đầu tư nâng cấp trường, lớp học đạt chuẩn theo quy định; phát triển hệ thống đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp; nâng cấp thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là các trung tâm, tụ điểm văn hóa, thể dục thể thao; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và thụ hưởng những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông 5 huyện ngoại thành vào cuối năm 2008; đến năm 2010, có 10 bác sỹ/10.000 dân; đến năm 2015 hoàn thành mức chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm; 100% người nghèo ở nông thôn được chăm sóc y tế miễn phí; 100% hộ dân có đủ nước sạch sinh hoạt, 40 - 50% hộ sản xuất nông nghiệp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 80% gia đình hộ nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

4. Từ nay đến năm 2010, các địa phương, Sở, ngành và doanh nghiệp thành phố tập trung các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ…), nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo; triển khai một bước chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị, cải thiện nâng cao đời sống cư dân nông thôn.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch, mục tiêu giai đoạn 2006 - 2010 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và kế hoạch, nhiệm vụ thành phố giao, trong đó: tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong nông nghiệp từ 5%/năm trở lên, giá trị sản xuất bình quân trên 6%/năm; hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí 6 triệu đồng/người/năm trước năm 2010; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 12 triệu đồng/người/năm còn 75%; bảo đảm trên 95% hộ dân ở nông thôn sử dụng nước sạch; 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải; tỷ lệ che phủ cây xanh trên 38%.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các Sở, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, công tác sau:

1. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

1.1. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và trên cơ sở nhu cầu của thị trường, gắn với việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả để phát triển nông nghiệp.

Xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, gắn với chế biến và nhu cầu tiêu thụ thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển mô hình sản xuất kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình tổ chức sản xuất hiện đại, tập trung có quy mô lớn (kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề, doanh nghiệp), các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao (chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, hoa cây kiểng, cá cảnh, cá sấu, chim yến…). Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến của thành phố.

Nâng cao hiệu quả Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 9-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020.

1.2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp:

- Về trồng trọt: ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn, lai tạo và sản xuất kết hợp với nhập khẩu giống, chuyển giao công nghệ để sản xuất các loại giống cây trồng sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao, tăng cường công tác quản lý, kiểm định các loại giống cây trồng; kiểm tra chất lượng các loại vật tư, phân bón, nông sản. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; nông sản sạch, an toàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học và các dự án sản xuất giống đi vào hoạt động trước năm 2010, tạo đột phá phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao; kiên cố hóa kênh mương, công trình thủy lợi, phát triển nhanh cơ giới hóa.

- Về chăn nuôi: nâng cao hiệu quả công tác thú y, chủ động phòng, chống dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, kiểm định giống; ứng dụng các phương pháp, công nghệ mới để đánh giá tiềm năng di truyền; xây dựng các trại nhân giống hạt nhân, nhập khẩu giống và công nghệ để chọn, lai tạo và nâng cao chất lượng con giống; có cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện hạ thế, nước sản xuất, hàng rào, xử lý chất thải...) để phát triển các trang trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung theo phương pháp công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học; sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

- Về nuôi trồng thủy sản: quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi, trồng, trước hết là đầu tư thủy lợi, kiểm soát nguồn nước; mở rộng việc ứng dụng quy trình luân canh và sinh sản nhân tạo; tăng cường công tác thú y thủy sản, bảo đảm an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn. Nâng cao hiệu quả chương trình khai thác hải sản theo Chiến lược kinh tế biển, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ cấu lại lực lượng đánh bắt ven bờ, hạn chế các ngư cụ và phương tiện đánh bắt lạm sát nguồn lợi thủy sản; có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề tạo việc làm, tăng thu nhập để cải thiện đời sống cho ngư dân; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, Trung tâm Thủy sản thành phố, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn; hiện đại hóa cơ sở chế biến.            

- Về lâm nghiệp: tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng; thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển hóa, phát triển rừng, mảng xanh và phòng chống sâu bệnh hại cây rừng; có kế hoạch bảo vệ tốt rừng phòng hộ, khu dự trữ sinh quyển thế giới ở huyện Cần Giờ và các loại rừng trên địa bàn thành phố.

- Về diêm nghiệp: quy hoạch ổn định vùng sản xuất muối; đầu tư, nâng cấp các ruộng muối theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ nghề muối (hệ thống đê bao thủy lợi kết hợp giao thông, nạo vét kênh rạch tiêu thoát nước ruộng muối), giao thông nội đồng, kho dự trữ và bảo quản muối; khuyến khích sản xuất muối sạch theo phương pháp kết tinh trên ruộng trải bạt, có chính sách hỗ trợ giá để diêm dân ổn định cuộc sống.

1.3. Về công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn theo quy hoạch gắn chế biến nông sản, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm theo hướng đẩy mạnh chế biến tinh, giảm dần chế biến thủ công, chú trọng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp - nông dân - nông thôn; đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại sản phẩm.

Triển khai thực hiện đề án phát triển ngành cơ khí, phục vụ nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

2. Đổi mới, xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn

- Tiếp tục tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, các tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; có chính sách khuyến khích phát triển mô hình hợp tác sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã - các doanh nghiệp - các tổ chức khoa học - các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ kinh tế nông thôn phát triển.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi các ngành hàng, liên kết giữa tổ chức sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, mỗi nhà nông một website; đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giao dịch, triển lãm hàng nông sản.

- Tập trung phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với nguyên tắc tổ chức của hợp tác xã và cơ chế thị trường; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, lao động, tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo bước đột phá để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng mức đầu tư ngân sách đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, lai tạo và sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

- Có chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nhập khẩu công nghệ mới, chế biến nông sản, bao tiêu sản phẩm, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn; xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; có chính sách thu hút thanh niên, trí thức về công tác, lao động tại nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, giáo dục, y tế.

4. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển các đô thị vệ tinh, thị trấn

4.1. Đầu tư cơ sở hạ tầng

- Lập và triển khai quy hoạch không gian và kiến trúc nhằm tạo ra diện mạo mới cho nông thôn - đô thị, chú trọng quy hoạch nhà ở nông thôn với kết cấu phù hợp, chống chịu được thiên tai, bão, lũ và quy hoạch phát triển mô hình làng đô thị sinh thái gắn với du lịch.

- Tăng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn từ nay đến năm 2020, theo hướng 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Trước mắt, trong năm 2009, tăng vốn phân cấp cho ngoại thành gấp 2 lần so với năm 2008; nâng mức vốn phân cấp cho các huyện gấp 3 lần hiện nay.

- Tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi, chống ngập úng khu vực thành phố theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao năng lực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển vào năm 2020; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư đáp ứng yêu cầu phòng tránh bão lũ, triều cường, ngăn mặn, nhất là các khu vực xung yếu (Huyện Cần Giờ, Nhà Bè...); chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.

4.2. Phát triển giáo dục - y tế - văn hóa

Tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp theo tiêu chuẩn quy định; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, góp phần nâng cao trình độ học vấn cho nhân dân, nhất là khu vực ngoại thành; phát triển đào tạo, dạy nghề theo yêu cầu chuyển dịch kinh tế nông thôn; tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế xã, tăng cường đầu tư ngân sách thực hiện tốt chương trình y tế dự phòng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.

4.3. Cải thiện, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường nông thôn

Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ môi trường với các tiêu chí, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng kế hoạch 5 năm; đầu tư xây dựng các trạm quan trắc về môi trường khu vực ngoại thành; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm; kiên quyết không phê duyệt các dự án không bảo đảm điều kiện về môi trường; tạm ngưng các dự án đang hoạt động nhưng việc xử lý chất thải chưa đạt tiêu chuẩn quy định.

5. Có chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nông dân

5.1. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân liên kết, mở rộng quy mô sản xuất các ngành nông nghiệp hiệu quả cao; bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

5.2. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn từ năm 2009 và những năm tiếp theo.

5.3. Về đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp, trong đó, tập trung quy hoạch và thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống trường dạy nghề chính quy khu vực ngoại thành theo hướng đào tạo chuyên sâu, hiện đại một số ngành chủ lực, đào tạo công nhân có bậc nghề cao, tập trung các nghề mũi nhọn đáp ứng nhu cầu các khu chế xuất, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động; có chính sách hợp lý nhằm hướng nghiệp, khuyến khích học sinh vào các ngành học, cấp học phù hợp với yêu cầu thị trường lao động, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho học viên nghèo, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Định kỳ điều tra, đánh giá và dự báo nhu cầu lao động ở ngoại thành, trên cơ sở đó định hướng điều chỉnh công tác đào tạo, dạy nghề gắn với sử dụng lao động; liên kết chặt chẽ giữa các trường dạy nghề, kỹ thuật với các doanh nghiệp sử dụng lao động nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu việc làm và sử dụng lao động ở nông thôn.

- Đầu tư nâng cấp Trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp thành Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật nông nghiệp để đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, doanh nhân nông thôn; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo công nhân các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản, thủy sản, sinh vật cảnh, chế biến thực phẩm, khuyến công phục vụ nông nghiệp để phát triển ngành nghề truyền thống, sơ chế, bảo quản, tồn trữ nông sản cho nông dân và cơ sở sản xuất nông sản.

- Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động nông nghiệp; đầu tư, đổi mới hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, tư vấn hỗ trợ chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với việc phát triển các dự án nhỏ giải quyết việc làm (dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, cá cảnh, cá sấu…).

- Tập trung giải quyết việc lảm cho nông dân, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; có giải pháp nâng cao trình độ văn hóa, dân trí, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn; triển khai kế hoạch hợp tác sản xuất nông nghiệp với các đối tác trong nước và nước ngoài có nhu cầu; tăng cường các chương trình giao lưu, hợp tác với tổ chức nông dân ở các nước.

5.4. Tăng cường các nguồn lực và giải pháp thực hiện đồng bộ về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo; trong đó, ưu tiên đầu tư ngân sách cho quỹ hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người dân có đất bị thu hồi.

5.5. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng các hương ước, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa ở nông thôn.

5.6. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, cấp học bổng cho học sinh nghèo, cận nghèo; thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho dân cư nông thôn; rà soát, miễn giảm các khoản đóng góp bắt buộc đối với nông dân. Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ ở nông thôn.

5.7. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện của người dân, không để phát sinh các điểm nóng ở nông thôn.

6. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân

- Nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các huyện; từ nguồn lực của toàn thành phố để bổ sung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn cán bộ có năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng bộ, chi bộ cơ sở để
thật sự là hạt nhân toàn diện trên địa bàn nông thôn; củng cố, nâng cao năng lực
cơ quan quản lý nông nghiệp của huyện, xã và hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân.

- Tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn, qua đó đề xuất, kiến nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; có chính sách bồi thường hợp lý khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân.

7. Một số nhiệm vụ cấp bách cần tập trung đến năm 2010:

7.1. Phấn đấu đến cuối năm 2008, hoàn thành cơ bản công tác rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2025, phù hợp với yêu cầu phát triển các ngành kinh tế (quy hoạch nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội…) và công khai quy hoạch vào đầu năm 2009; quản lý nghiêm ngặt theo quy hoạch, ổn định diện tích đất nông nghiệp, bảo đảm độ che phủ rừng và cây xanh phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị và bảo vệ môi trường, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

7.2. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Chương trình giống cây, giống con chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống có hiệu quả các loại dịch hại cây trồng, vật nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung thực hiện đề án Chiến lược phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá.

7.3. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dạy nghề, chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất.

7.4. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng đường rừng Sác, Cần Giờ; dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch Nhà Bè - Cần Giờ, đê bao ven sông Sài Gòn, các dự án hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 13 xã chuyển đổi và các dự án sản xuất giống; các chương trình đầu tư hạ tầng nông thôn (thủy lợi, công trình phòng, chống ngập, giao thông nông thôn, hạ tầng các xã - phường chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp…), tiếp tục đầu tư Trung tâm Thủy sản tại huyện Cần Giờ để đưa vào hoạt động chậm nhất vào năm 2015. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm, có biện pháp ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm phát sinh, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường thành phố.

7.5. Bảo đảm tiến độ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vệ sinh an toàn thực phẩm; dân số và kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa, góp phần cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho cư dân nông thôn.

7.6. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp các huyện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Giám đốc các Sở, các cơ quan ngang Sở, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn, kiểm tra việc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đến năm 2020 và chương trình hành động của Thành ủy trong đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức và hoạt động của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Thành phố.

2. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) theo chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, đồng thời phối hợp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn là cơ quan thường trực, có trách nhiệm điều phối, bảo đảm việc triển khai thực hiện thống nhất Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình triển khai, nếu cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các Sở, ngành, các địa phương chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2009/QĐ-UBND về kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 10/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 38 đến số 39
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản