Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 445/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2010 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng Thanh tra,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng với các nội dung sau:
1. Mục đích: nhằm xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành hoặc việc thực hiện các giải pháp về phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước phù hợp với các nguyên tắc Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
2. Yêu cầu: quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phải chủ động, kịp thời, đồng bộ, có lộ trình cụ thể, phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng và nội dung Công ước
- Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng và Công ước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với việc tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
- Xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về pháp luật phòng, chống tham nhũng và những nội dung cơ bản của Công ước. Trong Đề án phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền.
2. Nội luật hóa các quy định để đáp ứng yêu cầu của Công ước
Pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với nội dung của Công ước, nhưng còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ. Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Chính phủ đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới dự án luật, nghị định, thông tư, quyết định …Tuy nhiên để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Công ước, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật ở các nội dung sau:
a) Các biện pháp phòng ngừa
- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách, tăng cường tính độc lập cần thiết cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng để chủ động thực hiện tốt các chức năng phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp trong công tác này;
- Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý hành chính công, trong hoạt động tổ chức thực hiện chức năng và quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thông tin, báo cáo định kỳ về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước;
Hoàn thiện cơ chế, quy định về công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát về thực hiện mua sắm công nhằm minh bạch, cạnh tranh và khách quan trong khâu thẩm định, ra quyết định để phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.
- Hoàn thiện quy định về cơ chế đảm bảo các tổ chức tài chính, tín dụng ngân hàng đáp ứng yêu cầu giám sát, kiểm tra, điều tra thích hợp và thực hiện các quy định về bí mật ngân hàng; tăng cường hoạt động thu thập thông tin tài chính, kiểm soát giao dịch tài chính đáng ngờ, chống rửa tiền;
- Hoàn thiện quy định về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, trả lương, hưu trí công bằng và quản lý, đào tạo, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức; cung cấp các điều kiện, trang bị phương tiện vật chất và có chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; quy định khen thưởng với người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; hoàn thiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức theo lĩnh vực và ngành nghề;
- Hoàn thiện chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế của Việt Nam; minh bạch sổ sách, chứng từ, báo cáo tài chính và kiểm soát phòng ngừa hành vi giả mạo; hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức;
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng và kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
b) Bổ sung tội danh tham nhũng và thực thi pháp luật
- Nghiên cứu, đề xuất xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hành vi đưa và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có liên quan đến công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế vì mục đích vụ lợi và một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng;
- Nghiên cứu, đề xuất điều kiện áp dụng: bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư; bổ sung quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng; hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức nếu có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp;
- Nghiên cứu, đề xuất việc cụ thể hóa và hoàn thiện quy định về bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân là người đã cung cấp lời khai, cung cấp thông tin liên quan đến tố giác tham nhũng; quy định về sự hợp tác quốc tế về bảo vệ nhân chứng.
c) Hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng
- Tiến hành rà soát hệ thống pháp luật về tương trợ tư pháp, về phòng, chống tham nhũng có liên quan; bổ sung quy định về dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự, dân sự, về chuyển giao người bị kết án, thi hành án, chuyển giao vụ án hình sự; hợp tác thực thi pháp luật và liên kết điều tra tham nhũng. Nghiên cứu đàm phán, mở rộng ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng với các nước thành viên Công ước;
- Nghiên cứu, đề xuất điều kiện khả năng về hợp tác điều tra: xây dựng quy định, xác định nội dung hợp tác ký kết hiệp định, thỏa thuận với các nước để đảm bảo phối hợp hoặc chủ động, độc lập điều tra và thông báo kết quả; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất khả năng, điều kiện đáp ứng của Việt Nam để áp dụng phối hợp điều tra chung;
- Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt: nghiên cứu học tập phương pháp điều tra đặc biệt của các nước; quy định quản lý việc áp dụng điều tra đặc biệt theo quy trình chặt chẽ đối với một số vụ án cần thiết;
- Xây dựng cơ chế thực thi Công ước, tham gia Hội nghị quốc gia thành viên Công ước theo các chương trình quốc tế và khu vực để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.
d) Thu hồi tài sản tham nhũng
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự của tòa án nước ngoài; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản do tham nhũng;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; nghiên cứu bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai;
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài khoản người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
đ) Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin
- Tăng cường trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật điều tra tội phạm tham nhũng; hợp tác trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ của các nước; nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo cụ thể đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng;
- Nghiên cứu quy định cơ chế trao đổi với các nước về thông tin, tài liệu, dữ liệu để phân tích phục vụ phòng, chống tham nhũng; hợp tác với chuyên gia các nước, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng, kết quả phòng, chống tham nhũng;
- Tiến hành tổng kết 5 năm, 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng; và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
- Nghiên cứu điều tra thu nhập thông tin, đánh giá về một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng làm cơ sở để đề xuất biện pháp khắc phục, phòng ngừa tham nhũng như chi phí không chính thức của doanh nghiệp và hộ gia đình trong giao dịch với cơ quan nhà nước.
III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC
Pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của Công ước, nhưng các quy định về phòng, chống tham nhũng phải được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hướng dẫn chi tiết cho phù hợp với Công ước và tình hình thực tiễn Việt Nam. Lộ trình thực hiện Công ước được chia thành 3 giai đoạn với mục tiêu, hoạt động cụ thể như sau:
1. Giai đoạn I (từ nay đến năm 2011)
Mục tiêu là tổ chức triển khai, phân công thực hiện cơ bản toàn diện nội dung Công ước trên diện rộng; bổ sung chi tiết, hướng dẫn hoàn thiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Công ước gắn kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động cụ thể triển khai như sau:
- Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng để điều chỉnh hướng dẫn chi tiết, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Công ước và yêu cầu tình hình thực tiễn đặt ra về phòng, chống tham nhũng. Phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan theo dõi, triển khai thực hiện;
- Tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, các quy định về phòng, chống tham nhũng đã ban hành; kiểm tra, sơ kết đánh giá việc thực hiện;
- Nghiên cứu thiết lập đầu mối phối hợp, mở rộng hợp tác quan hệ với các nước tham gia ký kết Công ước để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về tổ chức, biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tham nhũng.
2. Giai đoạn II (từ năm 2011 đến năm 2016)
Mục tiêu là đánh giá kết quả bước đầu về từng giải pháp thực hiện Công ước và bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động cụ thể triển khai như sau:
Giai đoạn này tiến hành đánh giá việc thực hiện giai đoạn 1 của Kế hoạch gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mới, biện pháp, hình thức tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng điều chỉnh cho phù hợp với tình hình yêu cầu thực tế phát triển. Nghiên cứu kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng các nước, có lựa chọn từng bước áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
3. Giai đoạn III (từ năm 2016 đến năm 2020)
Mục tiêu là đánh giá toàn diện việc thực hiện nội dung Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động cụ thể triển khai như sau:
Giai đoạn này, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước chống tham nhũng có hiệu quả để bổ sung các giải pháp mới cho phù hợp với yêu cầu tình hình phát triển của Việt Nam.
1. Trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định và căn cứ vào nội dung Kế hoạch này, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Công ước vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình gắn với nội dung của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện những nội dung cụ thể được nêu tại biểu chi tiết các hoạt động thực hiện Công ước.
2. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát hệ thống văn bản luật, nghị quyết, pháp lệnh để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, sửa đổi, ban hành mới nhằm thực hiện đúng với nội dung Công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn. Các Bộ, ngành, cơ quan đã có kế hoạch phân công chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 phải gắn với nội dung nội luật hóa để thực thi Công ước. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung nội dung dự án luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự cho phù hợp với yêu cầu thực thi Công ước.
3. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hoàn thiện về: chính sách đãi ngộ, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kiện toàn tổ chức cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng và có chương trình đào tạo cho cán bộ chuyên trách chống tham nhũng; khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng.
4. Các Bộ, ngành, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chủ động quan hệ hợp tác, hỗ trợ với các quốc gia thành viên để trao đổi kinh nghiệm, thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng. Mở rộng ký kết song phương, đa phương Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước thành viên của Công ước.
5. Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng dự thảo quy chế phối hợp, chế độ báo cáo, trao đổi thông tin, tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu quốc tế liên quan đến thực hiện Công ước để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết định.
6. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất và đảm bảo kinh phí cho việc thực thi Công ước và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ, hỗ trợ khác.
7. Giao Thanh tra Chính phủ là cơ quan thường trực thực hiện Công ước có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, điều phối thực hiện chương trình, kế hoạch trên phạm vi cả nước. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế thực hiện Công ước.
- Thanh tra Chính phủ là cơ quan làm đầu mối quốc gia hỗ trợ thông tin với quốc tế trong phòng, chống tham nhũng;
- Bộ Tư pháp, Bộ Công an và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận, thực hiện các yêu cầu về tương trợ tư pháp và yêu cầu các quốc gia thành viên khác tương trợ tư pháp theo quy định tại Luật Tương trợ tư pháp.
Quá trình thực thi Công ước phải gắn với Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 bao gồm các mục tiêu, giải pháp toàn diện có liên quan đến việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đề nghị các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí cùng toàn thể nhân dân thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch Công ước theo các nội dung Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Nội dung các hoạt động thực hiện Công ước | Sản phẩm | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp chính | Thời điểm trình | Cơ quan ban hành hoặc phê duyệt | |
| I. Các biện pháp phòng ngừa (31) | ||||||
1 | 1 | Đánh giá tình hình tham nhũng và việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 5 khoản 3 - Công ước) | Báo cáo | Thanh tra Chính phủ | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng | Hàng năm | Chính phủ |
2 | 2 | Sửa đổi Luật Thanh tra. Quy định rõ chức năng, tăng cường tính độc lập và quyền hạn của đơn vị chuyên trách chống tham nhũng (Điều 6 khoản 1, 2 - Công ước) | Dự án Luật | Thanh tra Chính phủ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
3 | 3 | Xây dựng thực hiện Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức (Điều 7 khoản d - Công ước) | Kế hoạch | Học viện CT - HC QG Hồ Chí Minh | Văn phòng BCĐ TW về PCTN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo | Tháng 6 năm 2010 | Bộ trưởng Bộ Nội vụ |
4 | 4 | Thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý (Điều 7 - Công ước) | Đề án | Bộ Nội vụ | Văn phòng Chính phủ | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
5 | 5 | Xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về pháp luật phòng chống tham nhũng, Công ước và thực hiện Công ước (Điều 7 - Công ước) | Đề án | Bộ Tư pháp | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Tháng 6 năm 2010 | Bộ trưởng Bộ Tư pháp |
6 | 6 | Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức (Điều 7 - Công ước) | Đề án | Bộ Tài chính | Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
7 | 7 | Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2007/NĐ-CP về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (Điều 7 khoản 1.b - Công ước) | Nghị định | Bộ Nội vụ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN | Tháng 12 năm 2011 | Chính phủ |
8 | 8 | Sửa đổi Nghị định số 107/2006/NĐ-CP về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng…; bổ sung cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 7 - Công ước) | Nghị định | Bộ Nội vụ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN | Tháng 12 năm 2011 | Chính phủ |
9 | 9 | Quy chế khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng (Điều 7 khoản 1 - Công ước) | Quyết định | Bộ Nội vụ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
10 | 10 | Nghị định về Chế độ đãi ngộ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng (Điều 7 - khoản 1 - Công ước) | Nghị định | Bộ Nội vụ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính | Tháng 6 năm 2010 | Chính phủ |
11 | 11 | Công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội (Điều 8 khoản 1 - Công ước) | Quyết định | Thanh tra Chính phủ | Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
12 | 12 | Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và đào tạo liêm chính cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên (Điều 8 khoản 2 - Công ước) | Quyết định | Bộ Thông tin và Truyền thông | Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Nhà báo | Tháng 6 năm 2010 | Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông |
13 | 13 | Trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Điều 8 khoản 4 - Công ước) | Nghị định | Bộ Nội vụ | Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan | Tháng 6 năm 2010 | Chính phủ |
14 | 14 | Xây dựng trung tâm đấu thầu theo khu vực để thực hiện việc mua sắm công tập trung (Điều 9 khoản 1 - Công ước) | Đề án | Bộ Tài chính | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Tháng 12 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
15 | 15 | Quy định về bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản công (Điều 9 khoản 1 - Công ước) | Nghị định | Bộ Tài chính | Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan | Tháng 12 năm 2010 | Chính phủ |
16 | 16 | Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan (Điều 10 khoản b - Công ước) | Đề án | Bộ Tài chính | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
17 | 17 | Công khai trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 10 - Công ước) | Quy chế | Thanh tra Chính phủ | Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ | Tháng 12 năm 2009 | Tổng thanh tra |
18 | 18 | Minh bạch hóa quá trình chuẩn bị, trình, ban hành văn bản hành chính, quyết định cá biệt (Điều 10 - Công ước) | Đề án | Bộ Tư pháp | Văn phòng Chính phủ | Tháng 12 năm 2011 | Chính phủ |
19 | 19 | Minh bạch hóa quá trình hoạch định, trình, ban hành chính sách, pháp luật (Điều 10 - Công ước) | Đề án | Bộ Tư pháp | Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội | Tháng 12 năm 2011 | Chính phủ |
20 | 20 | Công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Điều 10 - Công ước) | Thông tư liên tịch | Viện Kiểm sát nhân dân tối cao | Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao | Tháng 10 năm 2010 | Liên ngành |
21 | 21 | Luật Tiếp cận thông tin (Điều 10 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Tư pháp | Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
22 | 22 | Rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính giai đoạn 2011 - 2020 (Điều 10 - Công ước) | Kế hoạch | Văn phòng Chính phủ | Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam | Tháng 6 năm 2011 | Thủ tướng Chính phủ |
23 | 23 | Quy chế về việc công khai danh sách doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng (Điều 12 - Công ước) | Quyết định | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, VCCI | Tháng 6 năm 2010 | Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
24 | 24 | Xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng (Điều 12 khoản 2 - Công ước) | Đề án | Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
25 | 25 | Sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán năm 2004. Bổ sung nhằm phòng ngừa tham nhũng, tăng cường minh bạch, chuẩn mực, quy trình thực hiện, kiểm soát quản lý sổ sách kế toán, kiểm toán đối với doanh nghiệp (Điều 12 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Tài chính | Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương | Tháng 10 năm 2012 | Quốc hội |
26 | 26 | Luật Tố cáo. Bổ sung việc tiếp nhận thông tin đơn thư nặc danh (Điều 13 - Công ước) | Dự án Luật | Thanh tra Chính phủ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
27 | 27 | Sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng. Tạo điều kiện kiểm soát phát hiện liên quan tham nhũng, rửa tiền (Điều 14 - Công ước) | Dự án Luật | Ngân hàng Nhà nước | Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan | Tháng 10 năm 2009 | Quốc hội |
28 | 28 | Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán (Điều 14 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Tài chính | Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
29 | 29 | Luật Đăng ký bất động sản. Minh bạch, quản lý bất động sản, hỗ trợ chống rửa tiền (Điều 14 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Tư pháp | Bộ Tài chính | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
30 | 30 | Luật Chống rửa tiền. Thay cho Nghị định chống rửa tiền năm 2005 (Điều 14 - Công ước) | Dự án Luật | Ngân hàng Nhà nước | Bộ Tư pháp, Bộ Công an | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
| II. Bổ sung tội danh tham nhũng và thực thi pháp luật (7) |
| |||||
31 | 1 | Sửa đổi Bộ luật Hình sự. Bổ sung các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng (Điều 18, 21, 22 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Tư pháp | Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng | Tháng 11 năm 2010 | Quốc hội |
32 | 2 | Nghiên cứu bổ sung Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng về bổ sung tội đưa và nhận hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế (Điều 16 khoản 1); bổ sung hành vi tham nhũng khu vực tư và tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư (Điều 21); quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng (Điều 26 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Tư pháp | Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ | Tháng 10 năm 2016 | Quốc hội |
33 | 3 | Quy chế bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng (Điều 32 khoản 1 - Công ước) | Quyết định | Bộ Công an | Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN | Tháng 6 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
34 | 4 | Luật Bảo vệ nhân chứng cung cấp thông tin tố giác tội phạm (Điều 32 - Công ước) | Dự án Luật | Bộ Công an | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao | Tháng 5 năm 2011 | Quốc hội |
35 | 5 | Nghiên cứu kết hợp tổ chức và hoạt động thanh tra với tổ chức và hoạt động kiểm tra của Đảng (Điều 36 và Điều 6 khoản 1 - Công ước) | Đề án | Thanh tra Chính phủ | Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ | Tháng 12 năm 2011 | Thủ tướng Chính phủ |
36 | 6 | Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị xem xét, khởi tố (Điều 30 - Công ước) | Thông tư liên tịch | Viện Kiểm sát nhân dân tối cao | Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng | Tháng 12 năm 2009 | Liên ngành |
37 | 7 | Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20 - Công ước) | Đề án nghiên cứu, báo cáo | Bộ Tư pháp | Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN | Năm 2016 | Chính phủ |
| III. Hợp tác quốc tế (4) | ||||||
38 | 1 | Nghiên cứu về điều tra chung; xây dựng quy định để đàm phán và rà soát ký kết hiệp ước, thỏa thuận để đảm bảo phối hợp hoặc chủ động, độc lập điều tra rồi thông báo kết quả cho nhau (Điều 49 - Công ước) | Đề án nghiên cứu, ký kết | Viện KSND tối cao | Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng | Hàng năm | Viện trưởng Viện KSND tối cao |
39 | 2 | Nghiên cứu học tập việc thực hiện điều tra đặc biệt của các nước; xây dựng quy định áp dụng điều tra đặc biệt quản lý theo quy trình chặt chẽ (Điều 50 - Công ước) | Đề án nghiên cứu, ký kết | Bộ Công an | Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao | Tháng 6 năm 2011 | Bộ trưởng Bộ Công an |
40 | 3 | Luật Thi hành án Hình sự. Bổ sung quy định hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong việc thi hành án hình sự (Điều 55 - Công ước) | Dự án luật | Bộ Công an | Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao | Tháng 5 năm 2011 | Quốc hội |
41 | 4 | Xây dựng Quy chế phối hợp để thực thi Công ước, tham gia Hội nghị quốc gia thành viên Công ước theo các chương trình quốc tế và khu vực để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng. (Điều 43 - Công ước) | Quyết định | Thanh tra Chính phủ | Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao | Tháng 10 năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
| IV. Thu hồi tài sản (2) | ||||||
42 | 1 | Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự. Nghiên cứu bổ sung thi hành án phần dân sự về bản án hình sự của tòa án nước ngoài; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng (khoản 1b, 3, 5 và 8 Điều 55 - Công ước) | Dự án Luật | Viện KSND tối cao | Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng | Tháng 10 năm 2010 | Quốc hội |
43 | 2 | Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ tài khoản người đã và đang giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy và người thân (Điều 52 - Công ước) | Nghị định | Thanh tra Chính phủ | Bộ Tư pháp, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Tháng 6 năm 2010 | Chính phủ |
| V. Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin (9) | ||||||
44 | 1 | Tăng cường trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật điều tra tội phạm tham nhũng; hợp tác trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ của các nước; (Điều 60 - Công ước) | Đề án | Bộ Công an | Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao | Tháng 6 năm 2010 | Bộ trưởng Bộ Công an |
45 | 2 | Đổi mới công tác đào tạo nghiệp vụ đối với cán bộ, thanh tra viên (Điều 60 khoản 1 - Công ước) | Đề án | Thanh tra Chính phủ | Các Bộ, ngành liên quan | Tháng 6 năm 2010 | Tổng Thanh tra |
46 | 3 | Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu để phân tích phục vụ phòng, chống tham nhũng (Điều 60 khoản 4 - Công ước) | Thông tin liên tịch | Thanh tra Chính phủ | Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng | Tháng 6 năm 2010 | Liên ngành |
47 | 4 | Công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng, kết quả phòng, chống tham nhũng của Việt Nam (Điều 61 - Công ước) | Quy định | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN | Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ | Tháng 6 năm 2011 | Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN |
48 | 5 | Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 61 khoản 3 - Công ước) | Báo cáo, Đề án | Thanh tra Chính phủ | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Văn phòng Chính phủ | Tháng 6 năm 2011 | Tổng Thanh tra |
49 | 6 | Hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng (Điều 61 - Công ước) | Quy định | Thanh tra Chính phủ | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Tháng 12 năm 2010 | Tổng Thanh tra |
50 | 7 | Điều tra chi phí không chính thức của hộ gia đình trong giao dịch với cơ quan nhà nước (Điều 61 - Công ước) | Báo cáo | Thanh tra Chính phủ | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, VCCI | Hàng năm (từ 2010) | Tổng Thanh tra |
51 | 8 | Điều tra chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan nhà nước (Điều 61 - Công ước) | Báo cáo | Thanh tra Chính phủ | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, VCCI | Hàng năm (từ 2010) | Tổng Thanh tra |
52 | 9 | Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 61 khoản 3 - Công ước) | Báo cáo, Đề án | Thanh tra Chính phủ | Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về PCTN, Văn phòng Chính phủ | Tháng 6 năm 2016 | Tổng Thanh tra |
- 1Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 2Luật phòng, chống tham nhũng 2005
- 3Luật Chứng khoán 2006
- 4Nghị định 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách
- 5Nghị định 37/2007/NĐ-CP về việc minh bạch tài sản, thu nhập
- 6Luật các Tổ chức tín dụng 1997
- 7Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 8Luật Thanh tra 2004
- 9Nghị định 158/2007/NĐ-CP quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức
- 10Luật tương trợ tư pháp 2007
- 11Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 12Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc
- 13Quyết định 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng do Chủ tịch nước ban hành
Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 445/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/04/2010
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 167 đến số 168
- Ngày hiệu lực: 07/04/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra