Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 44/2012/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 16  tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 37/CP ngày 20/6/1996 của Chính phủ xác định 5 quan điểm chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2000 va 2020;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/06/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 22/2012/NQ-HĐND8 ngày 03/10/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa VIII - kỳ họp thứ 5 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 56/TTr-SYT ngày 13 tháng 08 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu: Điều chỉnh quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 là cụ thể hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được những mục tiêu trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Dương.

a) Mục tiêu tổng quát:

- Làm giảm tỷ lệ mắc và chết các bệnh nhiễm trùng, bệnh dịch, thanh toán hoặc khống chế đến mức thấp nhất các bệnh có vaccin phòng ngừa.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đi đôi với nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh.

- Chủ động phòng chống các bệnh không lây, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các vấn đề sức khỏe có xu hướng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ sức khỏe trẻ em, thanh thiếu niên, người dân tộc ít người, người lao động, chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế và chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số - KHHGĐ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, nâng cao sức khỏe cho mọi đối tượng, tăng tuổi thọ trung bình và chất lượng cuộc sống cho người dân.

b) Các mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và năm 2020:

- Tỷ suất chết trẻ em < 1 tuổi < 8 ‰ năm 2015 và năm 2020 là <6 ‰.

- Tỷ suất chết trẻ em < 5 tuổi < 9 ‰ năm 2015 và năm 2020 là < 7 ‰.

- Tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống <30 năm 2015 và năm 2020 là <20 .

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh < 2500g là < 4% năm 2015 và năm 2020 là <3%.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ < 5 tuổi là < 11% năm 2015 và năm 2020 là <10%

- Loại trừ cơ bản bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván vào năm 2020.

- Tỷ lệ trẻ <1 tuổi tiêm chủng đủ các loại vắc xin đạt >98% vào năm 2020.

- 100% hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh năm 2020.

- Trên 95% bà mẹ có thai được khám thai 3 lần trở lên năm 2020.

- 100% xã có bác sĩ năm 2015; Trên 90 % xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã vào năm 2015.

- 6,8 bác sĩ/10.000 dân năm 2015 và 7,5 bác sĩ/10.000 dân năm 2020.

- 1,2 dược sĩ đại học/10.000 dân năm 2015 và 1,7 dược sĩ /10.000 dân năm 2020.

- 37 cán bộ y tế/10.000 dân năm 2015 và 42 cán bộ y tế /10.000 dân năm 2020.

- 100% ấp/khu phố có nhân viên y tế hoạt động thường xuyên.

- Giường bệnh/10.000 dân là 27 giường năm 2015 và 30 giường /10.000 dân năm 2020.

- Quản lý thu gom xử lý chất thải y tế rắn : 100% cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đảm bảo xử lý chất thải đúng theo quy định của Bộ Y tế vào năm 2015.

- Mức giảm sinh: 0,2‰ năm 2015 và 0,1‰ năm 2020.

- Tỷ số giới tính khi sinh (bé trai/gái): 110/100 năm 2015 và 106/100 năm 2020.

- Cơ sở vật chất của ngành từ tuyến tỉnh đến xã được xây dựng kiên cố, đúng thiết kế mẫu của Bộ Y tế, được cung cấp trang thiết bị, bố trí cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ theo quy định và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bảng tổng hợp các chỉ tiêu cụ thể

 

2015

2020

1. Sức khỏe bệnh tật

 

 

Tỷ suất chết trẻ em < 1 tuổi

< 8 ‰

< 6 ‰

Tỷ suất chết trẻ em < 5 tuổi

< 9 ‰

< 7 ‰

Tỷ suất chết mẹ /100.000 trẻ đẻ sống

< 30 ‰

< 20 ‰

Tỷ lệ trẻ sơ sinh cân < 2500g

< 4 %

< 3 %

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em < 5 tuổi

< 11 %

< 10 %

Tỷ lệ trẻ < 1t tiêm đủ các loại vaccine

> 96 %

> 98 %

Tỷ lệ trẻ 8 - 12 tuổi mắc bướu cổ

< 0,34 %

< 0,3 %

Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối Iod

98 %

> 98 %

2. Sức khỏe sinh sản

 

 

Tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng BPTT

> 73 %

> 76 %

Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm VAT

>  92%

95%

Tỷ lệ tai biến sản khoa/số đẻ

0,10%

0,09%

3. Khám chữa bệnh

 

 

Số giường bệnh

5597

7865

Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân

27

30

Công suất sử dụng giường bệnh :

 

 

Tuyến tỉnh (%)

> 90

> 90

Tuyến huyện (%)

> 85

> 85

Số lần khám bệnh/đầu người dân

2,2

2,5

Tỷ lệ hộ GĐ có hố xí hợp vệ sinh

> 98%

100%

4. Y tế cơ sở

 

 

Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ

100%

100%

Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về YTX

> 90%

100%

5. Nhân lực y tế

 

 

Tỷ lệ cán bộ y tế/10.000 dân

37

42

Tỷ lệ BS/10.000 dân

6,8

7,5

6. Ngân sách y tế (triệu đồng )

 

 

- Tổng chi ngân sách y tế

1,210,295

3,330,559

- Ngân sách y tế xã / năm

57,4

68,8

2. Các Dự án trọng điểm phát triển sự nghiệp chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020:

a) Các Dự án đầu tư giai đoạn đến năm 2015:

- Dự án đầu tư đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh:

+ Bệnh viện Điều Dưỡng - Phục Hồi Chức năng: xây dựng mới giai đoạn 1 quy mô 100 giường, diện tích đất là 22.800 m2. Vốn đầu tư: 210 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 150 tỷ và vốn xã hội hóa 60 tỷ).

+ Bệnh viện đa khoa tỉnh: xây dựng mới, quy mô 1.500 giường, diện tích đất hơn 150.000 m2. Giai đoạn 1: vốn đầu tư: 1.300 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 1.000 tỷ và vốn xã hội hóa 300 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Nhi: xây dựng mới giai đoạn 1 quy mô 200 giường. Diện tích đất 34.800 m2. Vốn đầu tư : 400 tỷ (trong đó: vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ 300 tỷ và vốn xã hội hóa 100 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi: xây dựng mới giai đoạn 1 quy mô 150 giường; Diện tích đất 23.200 m2. Vốn đầu tư: 250 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 150 tỷ và vốn xã hội hóa 100 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Tâm Thần: xây dựng mới, giai đoạn 1 quy mô 150 giường. Diện tích đất 22.000 m2. Vốn đầu tư : 250 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 150 tỷ và vốn xã hội hóa 100 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Ung Bướu: xây dựng mới, giai đoạn 1 quy mô 200 giường. Diện tích đất 40.000 m2. Vốn đầu tư: 250 tỷ (trong đó: vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ 150 tỷ và vốn xã hội hóa 100 tỷ).

+ Bệnh viện Y học cổ truyền: nâng cấp lên quy mô 200 giường; diện tích đất 12.270 m2. Vốn đầu tư 50 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa huyện Tân Uyên: Xây mới quy mô 150 giường; diện tích đất 20.005m2. Tổng vốn đầu tư 180 tỷ (vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ).

+ Bệnh viện đa khoa thị xã Thuận An: nâng cấp lên quy mô 200 giường. Diện tích đất 25.000m2. vốn đầu tư 150 tỷ (vốn trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết)

+ Bệnh viện đa khoa Dĩ An: nâng cấp lên quy mô 150 giường. Diện tích đất 14.400 m2. Vốn đầu tư 100 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa Phú Giáo: nâng cấp lên quy mô 100 giường. Diện tích đất 1.837m2. Vốn đầu tư 50 tỷ (vốn ngân sách).

+ Xây dựng mới 08 Phòng khám Đa khoa khu vực và 14 Trạm Y tế.

+ Xây dựng mới Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS.

+ Xây dựng mới 07 Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

- Một số dự án khác:

+ Tiếp tục triển khai thực hiện: dự án hệ thống điện dự phòng toàn khu cụm Y tế; Đề án Công nghệ thông tin ngành y tế; Đề án đảm bảo nguôn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt theo quyết định 337/QĐ-UBND ngày 10/2/2012 của Ủy ban nhan dân tỉnh.

+ Tiếp tục xây dựng “Đề án xử lý chất thải y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2025”.

- Vận động xã hội hóa:

+ Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước II, 50 - 100 giường.

+ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Miền Đông, 1.000 giường.

+ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (Chánh Nghĩa - Thủ Dầu Một), 50 - 100 giường.

+ Bệnh viện Sản - Nhi đồng quốc tế (Chánh Nghĩa - Thủ Dầu Một), 50 - 100 giường.

+ 03 phòng khám đa khoa tư nhân ở những khu vực đông dân và khu, cụm công nghiệp.

Tổng vốn giai đoạn 2012-2015 là : 5.352 tỷ, Trong đó:

+ Vốn ngân sách: 2.992 tỷ:

· Dự án đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh : 2.599 tỷ.

· Dự án đầu tư đáp ứng nhiệm vụ Y tế dự phòng: 273 tỷ.

· Dự án khác: 120 tỷ.

+ Vốn xã hội hóa: 2.360 tỷ.

b) Các Dự án đầu tư giai đoạn năm 2016 - 2020:

- Dự án đầu tư đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh:

+ Bệnh viện Điều Dưỡng - Phục Hồi Chức năng: giai đoạn 2: nâng cấp lên quy mô 200 giường khi cần để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, phù hợp quy mô dân số và nguồn lực. Vốn đầu tư : 204 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 154 tỷ và vốn xã hội hóa 50 tỷ).

+ Bệnh viện đa khoa tỉnh 1.500 giường: giai đoạn 2: tiếp tục đầu tư với số vốn 2.640 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 1.640 tỷ và vốn xã hội hóa 1.000 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Nhi: giai đoạn 2: nâng cấp lên quy mô 400 giường. Vốn đầu tư 325 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách 225 tỷ và vốn xã hội hóa 100 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi: giai đoạn 2: nâng cấp lên quy mô 300 giường khi cần để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, phù hợp quy mô dân số và nguồn lực. Vốn đầu tư 304 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 224 tỷ và vốn xã hội hóa 80 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Tâm Thần: giai đoạn 2: nâng cấp lên quy mô 300 giường khi cần để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, phù hợp quy mô dân số và nguồn lực. Vốn đầu tư 303 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 223 tỷ và vốn xã hội hóa 80 tỷ).

+ Bệnh viện chuyên khoa Ung Bướu: giai đoạn 2: nâng cấp lên quy mô 300 - 400 giường khi cần để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, phù hợp quy mô dân số và nguồn lực. Vốn đầu tư 328 tỷ (trong đó: vốn ngân sách 248 tỷ và vốn xã hội hóa 80 tỷ).

+ Bệnh viện Y học cổ truyền: nâng cấp lên quy mô 300 giường, vốn đầu tư 150 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa huyện Tân Uyên: nâng cấp lên quy mô 200 giường. Vốn đầu tư 100 tỷ (vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ).

+ Bệnh viện đa khoa Dĩ An: nâng cấp lên quy mô 200 giường, vốn đầu tư 90 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa Phú Giáo: nâng cấp lên quy mô 150 giường. Vốn đầu tư 80 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa huyện Bến Cát: nâng cấp lên quy mô 200 giường, vốn đầu tư 140 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa Dầu Tiếng: nâng cấp lên quy mô 100 giường. Vốn đầu tư 70 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa Bắc Tân Uyên: xây dựng bệnh viện quy mô từ 80 - 100 giường, khi cần có để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, phù hợp quy mô dân số và nguồn lực. Vốn đầu tư 130 tỷ (vốn ngân sách).

+ Bệnh viện đa khoa Bắc Bến Cát: xây dựng bệnh viện quy mô từ 80 - 100 giường, khi cần có để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, phù hợp quy mô dân số và nguồn lực. Vốn đầu tư 130 tỷ (vốn ngân sách).

+ Xây mới 07 Phòng khám đa khoa khu vực và 15 trạm y tế.

- Dự án đầu tư đáp ứng nhiệm vụ Y tế dự phòng:

+ Trung tâm pháp y: xây mới, diện tích đất 2.000 m2. Vốn đầu tư 15,5 tỷ   (vốn ngân sách).

+ Trung tâm dinh dưỡng : xây mới, diện tích đất 2.000 m2. Vốn đầu tư 15,5 tỷ (vốn ngân sách),

+ Trung tâm chứng nhận hợp quy và kiểm nghiệm An toàn thực phẩm: xây mới, diện tích đất 4.000 m2. Vốn đầu tư 25 tỷ (vốn ngân sách).

+ Xây dựng mới Chi Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, diện tích đất 4.000m2; Chi Cục Dân số - Kế Hoạch hóa gia đình, diện tích 3.000m2.

+ 03 trung tâm Y tế huyện/thị mới: đô thị mới, Bắc Tân Uyên, Bắc Bến Cát. Xây mới với diện tích đất 3.000 m2/Trung tâm. Vốn đầu tư 79 tỷ (vốn ngân sách).

- Một số dự án khác:

+ Văn phòng Sở Y tế diện tích 4.000 m2: xây mới, đăng ký tại khu hành chính tập trung Thành phố mới Bình Dương.

+ Dự án phát triển mạng lưới y tế khi dân số gia tăng và hình thành vùng đô thị Nam Bình Dương: xây dựng 07 phòng khám đa khoa các quận nội thành và xây dựng trạm y tế xã, phường mới thành lập khi chia tách quận huyện. Vốn ngân sách.

- Vận động xã hội hóa: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa, Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nội tiết - Huyết học, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt và một số bệnh viện khác theo nhu cầu của xã hội; 7 phòng khám đa khoa tư nhân ở những khu vực đông dân và cụm khu công nghiệp.

Tổng vốn giai đoạn 2016 - 2020 là : 5.936 tỷ, Trong đó:

+ Vốn ngân sách: 3.936 tỷ.

+ Vốn xã hội hóa: 2.000 tỷ.

3. Các giải pháp chủ yếu:

a) Giải pháp về vốn: Tăng mức ngân sách của tỉnh đầu tư cho ngành Y tế: Ngân sách tỉnh cấp cho ngành Y tế chiếm từ 6-10 % trên tổng chi ngân sách của tỉnh, trên cơ sở ưu tiên, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Đồng thời mở rộng các nguồn thu từ viện phí, bảo hiểm y tế, các dịch vụ y tế, phòng chống dịch. Kêu gọi thêm đầu tư viện trợ và hợp tác quốc tế.

b) Giải pháp phát triển nhân lực y tế: Triển khai tốt đề án phát triển nguồn nhân lực Y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung phối hợp và liên kết với các nơi để đào tạo nguồn, đề xuất các chính sách chế độ có sức thu hút nhằm phát triển nguồn nhân lực Y, Dược và khác.

c) Giải pháp phát triển hệ thống tổ chức mạng lưới y tế toàn tỉnh:

- Mạng lưới khám chữa bệnh:

+ Tuyến tỉnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh được nâng cấp toàn diện và tăng dần số giường bệnh lên 1.500 giường đạt tiêu chuẩn Bệnh viện loại I vào năm 2015, mở rộng quy mô khám và điều trị của Bệnh viện Y học cổ truyền. Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, ... Từng bước thành lập thêm các bệnh viện chuyên khoa. Cân nhắc phát triển phù hợp với phát triển nguồn nhân lực y tế và trang thiết bị.

+ Tuyến huyện - thị: các bệnh viện huyện cần được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, tùy theo quy mô dân số và địa bàn phục vụ. Xây dựng mới các phòng khám đa khoa khu vực và phòng khám đa khoa khu, cụm công nghiệp. Phát triển các Bệnh viện và phòng khám đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập.

- Mạng lưới Y tế dự phòng:

+ Hệ Y tế dự phòng tuyến tỉnh bao gồm: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm ... đi vào hoạt động chuyên khoa sâu và phát triển kỹ thuật cao.

Triển khai cung ứng các dịch vụ có thu như tiêm ngừa, xét nghiệm, chăm sóc thai sản, dịch vụ khám chữa bệnh,....

+ Tuyến huyện, đầu tư theo quy hoạch chung và chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành cho Trung tâm y tế tuyến huyện từ nguồn TW cũng như của địa phương.

+ Trong 5 năm tới, cần tập trung đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng cho đội ngũ cán bộ hệ dự phòng. Các Trưởng phó khoa ở các Trung tâm phải được đào tạo sau đại học chuyên ngành y tế dự phòng, y tế công cộng.

d) Giải pháp đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế:

- Ưu tiên xây dựng mới các Trung tâm Y tế thuộc hệ dự phòng. Đẩy nhanh việc thực hiện đề án nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế.

- Cần tập trung vốn ban đầu và tiếp tục trong những năm sau phù hợp với Ngân sách y tế và từng thời kỳ phát triển của kinh tế xã hội. Hạn chế đầu tư dàn đều, tập trung cùng một lúc và không đầu tư nâng cấp cho các hạng mục tạm thời.

đ) Giải pháp phát triển y tế cơ sở, xây dựng mô hình CSSKBĐ tới hộ gia đình :

- Sử dụng hiệu quả cơ sở và trang thiết bị, hàng năm tiếp tục nâng cấp và bảo dưỡng về nhà cửa và trang bị cho khoảng 20-30% trạm y tế xã. Duy trì 100% trạm y tế có Bác sỹ.

- Đào tạo CBYT, đào tạo mới nữ hộ sinh trung học, Bác sỹ cho xã còn thiếu và nhân viên y tế thôn ấp để thường xuyên có đội ngũ thay thế. Tùy quy mô dân số, số lượng cán bộ ở trạm y tế có thể tăng thêm cho phù hợp để đảm bảo nhiệm vụ.

- Trạm y tế xã đảm bảo cung cấp đủ thuốc thiết yếu có chất lượng cho nhân dân trong xã và người vãng lai.

- Xây dựng kế hoạch ngân sách ưu tiên cho hoạt động các trạm y tế xã - phường bằng nhiều nguồn.

e) Giải pháp về khoa học - kỹ thuật: Đánh giá hiện trạng sử dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế để xây dựng đề án phát triển công nghệ thông tin trong ngành y tế đến năm 2015. Từng bước nghiên cứu phát triển ứng dụng các trang thiết bị y tế vào hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng các thành tựu của y học vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, chuyển giao công nghệ.

g) Giải pháp về các chính sách chế độ: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi, phù hợp và hiệu quả để phát triển về: nguồn vốn, quản lý tài chính, nhân lực y tế, xã hội hóa ... tạo điều kiện để ngành y tế triển khai hoạt động theo những chỉ tiêu sức khỏe đã đề ra cho từng giai đoạn.

4. Tổ chức thực hiện:

a) Thành lập Ban chỉ đạo của Sở Y tế, do Giám đốc Sở Y tế làm trưởng ban chỉ đạo, tiến hành thành lập các nhóm công tác để phân công và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc thực hiện quy hoạch của ngành.

b) Giao Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các chương trình dự án trọng điểm; các đề án đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Công bố, công khai điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: chịu trách nhiệm bố trí và cân đối các nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế để đảm bảo cho Quy hoạch được thực hiện theo đúng tiến độ và giám sát việc thực hiện trên địa bàn tỉnh.

d) Sở Tài chính: chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ngành y tế theo kế hoạch 5 năm, hàng năm. Cùng với Sở Y tế cân đối ngân sách toàn ngành và cho các lĩnh vực ưu tiên trong điều chỉnh Quy hoạch.

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điều chỉnh này.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Cục Kiểm tra VB QPPL - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT.HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Như điều 2;
- LĐVP, Thái, TH, TTCB, Website tỉnh;
- Lưu: VT, HCTC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/2012/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 44/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Lê Thanh Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản