Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 426/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

- Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;

- Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 26/11/2015;

- Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17/6/2020;

- Căn cứ Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

- Căn cứ Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030;

- Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 18/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh;

- Căn cứ Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Căn cứ Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 113/TTr-VHTTDL ngày 19/7/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(Có Đề án kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa TT&DL; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UB MTTQ VN và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh.
- Như Điều 3 (thi hành)
- TP, PTP, CV Khối NCTH -VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KGVX (Giang).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng; nơi có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Có sự khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá của cộng đồng dân tộc sinh sống từ lâu đời. Tất cả yếu tố đó đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để Tuyên Quang tập trung khai thác, phát triển du lịch.

Thời gian qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch được triển khai, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuyên Quang đã hình thành một số khu, điểm với sản phẩm du lịch đó là: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng; Khu du lịch Na Hang - Lâm Bình; điểm du lịch thác Bản Ba, huyện Chiêm Hóa thu hút du khách khám phá loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại; các điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam chứng nhận “Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”. Du lịch cộng đồng đang phát triển rộng tại các huyện, thành phố, thu hút đông khách du lịch, nhất là các điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Hệ thống cơ sở kinh doanh du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả. Môi trường du lịch được cải thiện, nhận thức về du lịch đổi mới, có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển du lịch là một trong các khâu đột phá của tỉnh, vì vậy việc xây dựng Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là hết sức cần thiết, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch một cách bền vững đến năm 2025 và những năm tiếp theo, từng bước đưa du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.

II. CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

1. Chủ trương của Đảng

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh;

- Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 18/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Văn bản pháp lý

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

- Luật Di sản Văn hóa ngày 21/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

- Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

- Luật Du lịch ngày 19/6/2017;

- Luật Ngân sách nhà nước ngày 26/11/2015;

- Luật Đầu tư ngày 17/6/2020;

- Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

- Nghị quyết số 120/2020/NQ-QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

- Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030;

- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 03/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2022, tầm nhìn đến 2025;

- Chương trình, kế hoạch, đề án của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt có thời hạn đến năm 2025, 2030.

Phần II

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG

I. PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Các chỉ tiêu phát triển cơ bản

- Lượng khách du lịch: Trong giai đoạn 2016-2020, Tuyên Quang thu hút 8.445.700 lượt khách, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; tăng trưởng bình quân 4,85%/năm.

- Tổng thu xã hội từ du lịch: Giai đoạn 2016-2020, tổng thu xã hội từ du lịch đạt 7.425 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 5,2%/năm.

Lượng khách du lịch và tổng thu xã hội du lịch giai đoạn 2016 - 2020

Số tt

Nội dung

Đơn vị tính

Thực hiện (năm)

Tổng giai đoạn 2016- 2020

Tăng trưởng BQ (%/năm)

2016

2017

2018

2019

2020

1

Lượt khách du lịch, trong đó:

Lượt

1.440.550

1.590.900

1.760.600

1.945.650

1.708.000

8.445.700

4,85

-

Khách nội địa

Lượt

1.435.240

1.585.350

1.754.570

1.939.061

1.704.330

8.418.551

5,0

-

Khách quốc tế

Lượt

5.310

5.550

6.030

6.589

3.670

27.149

5,6

2

Tổng thu xã hội từ du lịch

Tỷ đồng

1.239

1.380

1.556

1.750

1.500

7.425

5,2

Khách du lịch đến tỉnh chủ yếu là khách nội địa, chiếm 99,7%, trong đó khách du lịch đến từ Hà Nội, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Khách du lịch quốc tế chiếm số lượng nhỏ, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh... với mục đích khám phá cảnh quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống, trải nghiệm du lịch cộng đồng.

2. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Xác định hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của ngành du lịch nói riêng, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới[1]. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, chủ yếu là nguồn vốn viện trợ ADB và các nguồn khác để đầu tư phát triển kết nối hệ thống giao thông[2]. Việc từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đã tạo thuận lợi cho các loại hình du lịch phát triển, nhất là du lịch cộng đồng tại các huyện Lâm Bình, Na Hang.

Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, hiện toàn tỉnh có 385 cơ sở lưu trú (tăng 105 cơ sở so với năm 2015) với 3.974 phòng, 5.695 giường, trong đó có 33 khách sạn xếp hạng từ 1-4 sao; tuy nhiên, các cơ sở lưu trú du lịch phân bố không đồng đều; công suất sử dụng phòng bình quân đạt trên 50%[3].

Tại các huyện đã tập trung phát triển mô hình lưu trú homestay, toàn tỉnh có 76 hộ kinh doanh homestay (tăng 62 cơ sở so với năm 2015), trong đó huyện Lâm Bình chiếm 37% tổng số homestay của tỉnh; tuy nhiên, số cơ sở lưu trú homestay có quy mô lớn còn ít, chủ yếu các hộ gia đình tận dụng chính ngôi nhà đang sinh sống để cải tạo, nâng cấp phục vụ du lịch.

Dịch vụ ăn uống, nhà hàng tăng nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Toàn tỉnh hiện có trên 220 cơ sở (tăng 110 cơ sở so với năm 2015), trong đó phát triển mới một số nhà hàng quy mô lớn, đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp[4]. Phát triển một số khu vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, mua sắm... có tác dụng bổ trợ cho hoạt động du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách[5].

Dịch vụ vận chuyển khách du lịch đã có sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh[6], nhất là vận tải đường thủy. Hiện toàn tỉnh có 70 tàu, thuyền du lịch (tăng 27 tàu so với năm 2015) hoạt động tại lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, trong đó có tàu du lịch lớn như Hải Anh Travel, Phương Nga, Hoàng Tuấn[7]. Các công ty, chi nhánh, đại lý lữ hành trên địa bàn tỉnh được thành lập, đáp ứng yêu cầu đưa, đón phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang. Hiện tại tỉnh có 15 công ty, chi nhánh, đại lý lữ hành (tăng 12 cơ sở so với năm 2015).

Thu hút một số doanh nghiệp đang đầu tư và khai thác phát triển hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch. Trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp đầu tư dịch vụ phát triển du lịch với số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng[8]. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư phát huy giá trị vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình....

3. Công tác quy hoạch phát triển du lịch

Công tác quy hoạch phát triển du lịch được triển khai tương đối đồng bộ. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã hoàn thành quy hoạch các khu du lịch và một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, thành phố[9]; một số điểm du lịch trên địa bàn các huyện đã hoàn thành quy hoạch và đang triển khai thực hiện dự án đầu tư.

4. Cơ chế, chính sách phát triển du lịch

Hàng năm, tỉnh dành nguồn lực hỗ trợ đầu phát triển hạ tầng du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 đã hỗ trợ 346 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang- Lâm Bình, ngoài ra còn hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại một số khu, điểm du lịch, đầu tư hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch... tạo động lực thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, một số địa phương có chính sách cụ thể hỗ trợ cho cộng đồng phát triển du lịch[10].

5. Khai thác các sản phẩm du lịch

Với tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã tập trung khai thác và phát triển mạnh các loại hình: Du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng qua đó đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Xây dựng được Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh; lễ hội được tổ chức thường niên với quy mô lớn, gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực, cùng nhiều hoạt động nổi bật, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia... Các huyện, thành phố đã khai thác và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, tiêu biểu như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Then, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, thành phố Tuyên Quang; Lễ hội lồng tông của các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình...

6. Xúc tiến quảng bá du lịch

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch từng bước chuyên nghiệp hóa, đổi mới hình thức và nội dung, kết hợp nhiều hình thức và phương tiện, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá hình ảnh du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019 - 2022, tầm nhìn đến 2025”; đưa vào hoạt động “Cổng Thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động kết hợp bản đồ số du lịch tỉnh Tuyên Quang” tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu, tra cứu thông tin, trải nghiệm trong hành trình du lịch đến Tuyên Quang, đồng thời giúp doanh nghiệp du lịch quảng bá, cung cấp thông tin cho khách du lịch nhanh chóng, tiết kiệm và thúc đẩy hoạt động du lịch hiệu quả; ban hành Kế hoạch thí điểm tuyên truyền, quảng bá trực quan về du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2021; đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực; các cơ quan báo chí đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phim quảng bá du lịch; phát hành các tờ rơi, tập gấp, ấn phẩm, pano quảng cáo du lịch tâm lớn; tham gia hội nghị, hội chợ xúc tiến, quảng bá đầu tư du lịch tại các tỉnh, thành phố; thường xuyên tổ chức đón các doanh nghiệp lữ hành trong nước khảo sát các tuyên, điểm du lịch và đưa khách du lịch đến Tuyên Quang[11].... Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu về miền đất, con người, văn hóa, du lịch của tỉnh, để lại nhũng ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, đưa hình ảnh du lịch Tuyên Quang đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.

Tổ chức cuộc thi và chọn Logo du lịch Tuyên Quang với thiết kế biểu tượng cây Đa và đình Tân Trào như một thông điệp gửi tới du khách về vùng đất chiến khu xưa “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”; slogan “Nơi vẻ đẹp hội tụ”; lựa chọn được thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm du lịch “Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và một số sản phẩm như: Quả còn may mắn, đàn tính của dân tộc Tày, trống Tang Sành dân tộc Cao Lan, chuông, trống của dân tộc Dao...

7. Liên kết hợp tác phát triển du lịch

Công tác liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế được đẩy mạnh. Đăng cai và tham gia các sự kiện, hoạt động liên kết phát triển du lịch như: Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” của 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang; Chương trình hợp tác thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc[12]; ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Tuyên Quang - Hà Nội - Hà Giang[13]; Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Kạn[14]; liên kết hợp tác quốc tế với Châu Văn Sơn (Van Nam - Trung Quốc), Xiêng Khoảng (Lào), Hàn Quốc, Nhật Bản[15] để phát triển thị trường khách cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, công tác liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước được tăng cường, thường xuyên tổ chức đón các công ty lữ hành trong nước và quốc tế đến Tuyên Quang khảo sát, xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch tập trung vào khai thác các khu, điểm có sản phẩm du lịch nổi bật nhằm trao đổi, phát triển thị trường giữa các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lữ hành.[16]

8. Phát triển nguồn nhân lực du lịch

Xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu quan trọng trong hoạt động du lịch. Trường Đại học Tân Trào đã mở chuyên ngành tuyển sinh và đào tạo cho các sinh viên chuyên ngành du lịch[17]. Cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ như lễ tân, du lịch cộng đồng, chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch[18]. Cử công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực du lịch tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý, nghiệp vụ về du lịch, tham gia các Hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi cấp khu vực... qua đó nghiệp vụ, kỹ năng quản lý trong ngành du lịch từng bước được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

9. Công tác quản lý nhà nước về du lịch

Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến huyện, thành phố từng bước được củng cố, tăng cường. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh, huyện được thành lập đã phát huy vai trò quản lý hoạt động du lịch, tạo được sự chuyển biến tích cực trong sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong hoạt động phát triển du lịch, đồng thời các Ban Chỉ đạo đã thường xuyên kiện toàn và sửa đổi quy chế hoạt động đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần thực hiện đúng các quy định pháp luật về du lịch trên địa bàn.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về lợi ích phát triển du lịch được nâng lên; hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, khai thác các tiềm năng và phát triển các tuyến, điểm du lịch; đã mời gọi được một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư dự án phục vụ du lịch; hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị, các khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng; di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm; đổi mới hình thức xúc tiến quảng bá, đưa vào hoạt động cổng thông tin du lịch thông minh, website chuyên đề du lịch; xây dựng logo du lịch của tỉnh...; tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế; công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về du lịch được quan tâm; hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hoạt động du lịch của tỉnh; các khu, điểm du lịch đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh đã đăng ký nhãn hiệu, được du khách lựa chọn làm quà tặng; chất lượng dịch vụ du lịch dần đáp ứng nhu cầu của du khách.

2. Những hạn chế, nguyên nhân

Chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, chiến lược trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú, mua sắm du lịch trên địa bàn tỉnh còn ít và hạn chế năng lực; việc xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh như du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng còn thiếu hấp dẫn; lượng khách du lịch quốc tế còn thấp; công tác xúc tiến, quảng bá tuy đã có đổi mới nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp; sản phẩm, hàng hóa, đồ lưu niệm chưa phong phú; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng công tác phát triển du lịch; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch còn thấp; công tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương, nhất là với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch hiệu quả còn chưa cao...

Nguyên nhân: Hạ tầng hỗ trợ và phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng; các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch đều đang trong giai đoạn triển khai thực hiện; nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ phụ trợ du lịch tại các khu, điểm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí dành cho công tác quảng bá, xúc tiên, các chương trình hợp tác, liên kết, hỗ trợ bôi dưỡng, tập huấn du lịch còn hạn chế.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHÁCH DU LỊCH

I. QUAN ĐIỂM

Phát triển du lịch của tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, đội ngũ doanh nhân, nhân dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là chủ thể hưởng lợi. Phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế: Tài nguyên và nền tảng phát triển du lịch, văn hóa của địa phương, nhất là di tích lịch sử, không gian, cảnh quan kỳ thú; di sản, bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc; con người thân thiện; an ninh trật tự an toàn.. .xây dựng thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đặc trưng, riêng có... đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiến tới cấp quốc tế. Khai thác phải đi đôi với bảo vệ vững chắc tài nguyên du lịch của tỉnh, nhất là không gian cảnh quan, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái, an ninh trật tự...

II. MỤC TIÊU

I. Mục tiêu chung

Xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nhanh, bền vững ngành du lịch của tỉnh; tập trung xây dựng hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại; khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực miền núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, tăng thu ngân sách cho địa phương; phát triển ngành du lịch là ngành tổng hợp thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển...

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025:

- Xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản pham du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm linh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.

- Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

- Xây dựng 01 (một) làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đồng bộ, bài bản, có bản sắc đặc trưng riêng.

- Phấn đấu đón trên 03 triệu lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động.

2.2. Đến năm 2030:

- Hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia Tân Trào là khu du lịch lịch sử quốc gia có uy tín, chất lượng; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia.

- Phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch; đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên; tạo việc làm cho trên 35.000 lao động.

- Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đáp ứng đa dạng thị trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHÁCH DU LỊCH

Căn cứ thực tế phát triển thị trường du lịch của Tuyên Quang thời gian qua, xu thế phát triển thị trường khách du lịch Việt Nam và khu vực, khả năng phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, định hướng thị trường khách du lịch Tuyên Quang đến 2025 và định hướng đến năm 2030 được phân theo các thị trường cơ bản, như sau:

1. Thị trường trong nước

- Thị trường Hà Nội: Trong giai đoạn tới sẽ trở thành phân khúc thị trường chủ đạo chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng số khách du lịch của tỉnh; trong đó tỷ lệ khách lưu trú chiếm khoảng 75 - 80%.

- Các thị trường lân cận: Bao gồm các thị trường từ các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng... Dự báo chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng số khách đến Tuyên Quang, tỷ lệ lưu trú chiếm khoảng 50%.

- Thị trường nội tỉnh: Là thị trường quan trọng của du lịch Tuyên Quang, song không còn là phân khúc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các phân khúc thị trường. Dự báo thị trường này chiếm tỷ trọng khoảng 20%. về cơ cấu khách chủ yếu vẫn là khách tham quan, du lịch trong ngày. Tuy nhiên, bộ phận khách lưu trú (nghỉ cuối tuần) sẽ tăng lên trong các giai đoạn tới.

- Các thị trường xa: Là khách du lịch từ các tỉnh miền Trung và miền Nam, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 15% trong tổng số khách đến Tuyên Quang, tỷ lệ khách lưu trú đạt khoảng 90-95%.

2. Thị trường khách nước ngoài

Trong giai đoạn 2021 - 2025 khả năng còn ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tập trung thu hút thị trường khách nội địa và khách du lịch một số nước dịch COVID-19 được kiểm soát, kiềm chế. Giai đoạn 2026 - 2030, chú trọng thu hút thị trường khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, các nước Châu Âu...

PHẦN IV

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích và trách nhiệm về phát triển du lịch và kinh tế du lịch cho chính quyền các cấp. Xác định rõ phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp xu thế và tiềm năng, lợi thế của địa phương; là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Có cơ chế, chính sách để huy động sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, định hướng của tỉnh, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về phát triển du lịch, trong đó cấp ủy, chính quyền là chủ thể kiến tạo, doanh nghiệp và người dân là chủ thể trực tiếp thực hiện và hưởng lợi trong phát triển du lịch, nhất là trong kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm du lịch; nâng cao ý thức của người dân về phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Tuyên Quang “Vẻ đẹp hội tụ, điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách”.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên kết vùng, xã hội hóa cao và mang tính văn hóa sâu sắc, có giá trị kinh tế cao, bền vững, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó Tuyên Quang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch rất quan trọng, riêng có như: Du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe... có điều kiện xây dựng thành các sản phẩm du lịch chất lượng cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế.

II. THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH; HUY ĐỘNG HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG, CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch

- Đưa các địa điểm, các dự án đầu tư phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng các quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt.

- Rà soát, lập, bổ sung quy hoạch không gian, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng các khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế:

Tập trung quy hoạch, phát triển du lịch thành phố Tuyên Quang là trung tâm kết nối du lịch của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Triển khai quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia.

Lập và triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang- Lâm Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch và triển khai các khu, điểm du lịch có tài nguyên du lịch để thuận lợi thu hút dự án đầu tư, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

- Lập hồ sơ khoa học Khu thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, góp phần tạo lập thương hiệu quốc tế của du lịch địa phương.

2. Huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch

Tập trung huy động nguồn lực, trọng tâm là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và trong nhân dân để đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, đề án phát triển du lịch, nhất là đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch; giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, các điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện đường bộ, bến đậu phương tiện thủy, các điểm “Check in” hấp dẫn tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; điểm du lịch xã Hồng Thái, huyện Na Hang; thác Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa; các điểm du lịch cộng đồng các huyện, thành phố...

- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin; hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường... ở các khu, điểm du lịch.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, ưu tiên xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp, tiêu chuẩn quốc tế....phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

- Triển khai các dự án, đề án khoa học công nghệ về công nghiệp, nông nghiệp, nhân giống một số cây bản địa có hoa, có màu sắc đặc trưng vùng miền, theo mùa.. .có thể trồng đại trà, trồng theo chuyên đề, tạo cảnh quan hấp dẫn, bản sắc, dọc các tuyến đường thuộc tua, tuyến, các khu, điểm tham quan, du lịch.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống phục vụ du lịch; xây dựng các trang trại, gia trại nông nghiệp tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp.

III. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH, ƯU TIÊN CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG, RIÊNG CÓ ĐÁP ỨNG THỊ TRƯỜNG

1. Phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có: Du lịch lịch sử, nghỉ dưỡng, tâm linh, lễ hội, sinh thái, cộng đồng

1.1. Du lịch lịch sử:

- Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch lịch sử, trọng tâm là khai thác, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tần Trào: Hoàn thiện xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Nhà Bảo tàng, Phòng chiếu phim; xây dựng phương án trưng bày Nhà bảo tàng; xây dựng phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”; quy hoạch và triển khai các dự án trồng cây xanh và các loại hoa tạo cảnh quan khu di tích; thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư xây dựng Khu đón tiếp khách, khu dịch vụ, lưu trú, bãi đỗ xe... đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khuyến khích đầu tư xây cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch (nằm ngoài khu vực hảo vệ theo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa); xây dựng khu di tích Đồng Man - Lũng Tẩu trở thành điểm du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng dịch vụ làng văn hóa du lịch Tân Lập trở thành điểm đến ấn tượng đối với du khách; phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch Quốc gia.

- Hoàn thành việc lập và triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, trong đó tập trung bảo tồn địa hình, cảnh quan thiên nhiên gắn với các di tích và địa điểm di tích; phát triển cảnh quan kiến trúc tạo không gian cho du khách trải nghiệm; đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ du khách như: Khu đón tiếp, khu dịch vụ bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe, nhà trưng bày; nâng cao chất lượng hướng dẫn khách du lịch; phát triển dịch vụ lưu trú homestay.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày Bảo tàng tỉnh, trở thành điểm đến trong hành trình nghiên cứu, tham quan trải nghiệm của du khách và giáo dục lịch sử truyền thống. Xây dựng bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số hưởng tới phát triển du lịch (dự kiến xây dựng tại huyện Lâm Bình).

- Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa và danh thắng trên địa bàn các huyện, thành phố có lợi thế để khai thác phát triển du lịch.

1.2. Du lịch tâm linh; lễ hội:

- Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch theo Đề án đã được phê duyệt, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tiến tới các lễ hội Festival và Camaval (du lịch sự kiện)[19]. Tổ chức Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, khai hội chùa Hương Nghiêm tại thành phố Tuyên Quang theo hướng đổi mới cách thức, quy mô tổ chức như rước Mẫu trên sông Lô, gắn với các hoạt động phụ trợ (liên hoan hát Chầu văn; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí khu vực thành phố Tuyên Quang). Xây dựng các tua, tuyên du lịch tâm linh từ thành phố Tuyên Quang tới các di tích tâm linh trên địa bàn các huyện và tuyến du lịch kết nối du lịch tâm linh với sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, đồng thời liên kết tuyến du lịch tâm linh của Tuyên Quang với các tỉnh trong khu vực.

- Xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên thành sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia: Hằng năm tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với sự kiện văn hóa cấp khu vực hoặc quốc gia[20]. Đổi mới nội dung, cách thức tổ chức Lễ hội Thành Tuyên với các hoạt động trưng bày, diễn diễu mô hình gắn với trình diễn các hoạt động văn hóa để tạo điểm nhấn, thu hút du khách.

- Xây dựng, phát triển lễ hội nhảy lửa của người Pà Then, xã Hồng Quang, huyên Lâm Bình trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.

- Xây dựng các chương trình du lịch gắn với lễ hội theo nguyên tắc tôn trọng bản sắc văn hóa truyền thống: Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày (Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa); lễ hội cầu mùa (Tân Trào, Sơn Dương), lễ hội Động Tiên và chợ quê (Hàm Yên); hội đua thuyền trên Sông Lô (thành phố Tuyên Quang)...

1.3. Du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng:

- Tập trung phát triển Khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế. Tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch ngắm cảnh lòng hồ; trải nghiệm tham quan rừng đặc dụng; khám phá hang động; leo thác; cáp treo, khinh khí cầu ngắm cảnh hồ trên cao; thể thao mạo hiểm dưới nước (đua thuyền kayak, mô tô nước, lướt ván...); thể thao mạo hiểm trên núi (đua xe ô tô, mô tô, xe đạp địa hình, leo núi..); phân vùng phát triển dịch vụ câu cá và tổ chức cuộc thi câu cá trên hồ; xây dựng vườn thực vật, khu vườn sưu tập thực vật và vườn ươm sản xuất các loại cây giống bản địa; đầu tư, tạo điểm nhấn không gian cảnh quan khu vực dọc hai bên lòng hồ, các bến thuyền du lịch.

- Đầu tư xây dựng phát triển các điểm du lịch sinh thái: Thác Bản Ba, thác Khuôn Nhòa, hang Thẳm Mên (xã Trung Hà), thác Lụa (xã Hòa Phú), huyện Chiêm Hóa); Hồ Khản (xã Thái Sơn), thôn Cao Đường (xã Yên Thuận), thác Lăn, thác Mạ Héc (xã Yên Phú), huyện Hàm Yên; soi Tình Húc thành phố Tuyên Quang; hang Khấu Lấu, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn; hồ Hoa Lũng (xã Đại Phú), huyện Sơn Dương... trở thành điểm kết nối du lịch sinh thái của tỉnh.

- Xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp. Tập trung thu hút các dự án phát triển các dịch vụ: Khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khu dịch vụ thể thao, trung tâm thương mại, khu đô thị sinh thái, khu điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; các hoạt động sản xuất, dịch vụ nghỉ ngơi, lưu trú tái hiện lại không gian sinh sống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh...

1.4. Du lịch cộng đồng:

- Xây dựng 01 (một) làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đồng bộ, bài bản, có đặc trưng riêng. Mỗi huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch.

- Hỗ trợ duy trì, phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch[21].

2. Tập trung khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển các sản phẩm du lịch mới

2.1. Khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng:

Mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch: Huyện Lâm Bình, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; huyện Na Hang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; huyện Chiêm Hóa phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; huyện Hàm Yên, Yên Sơn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp; huyện Sơn Dương phát triển sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa; thành phố Tuyên Quang phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh...

2.2. Khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mới:

- Sản phẩm ngắm cảnh, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp:

Phát triển mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang; ruộng bậc thang xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm[22] như: Cam sành, thanh long ruột đỏ huyện Hàm Yên; làng nghề chè Vĩnh Tân, huyện Sơn Dương; chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình bưởi Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; cá lồng hồ Na Hang, Lâm Bình...kết nối với các điểm du lịch của tỉnh.

- Phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, ẩm thực đặc trưng của địa phương:

- Khai thác phát triển các khu kinh tế ban đêm: Đầu tư xây dựng chợ đêm, khu ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ du lịch tại thành phố Tuyên Quang; chợ đêm mua sắm tại thị trấn Na Hang. Khuyến khích nhân dân tham gia bán hàng nông sản, đặc sản, ẩm thực, hàng hóa lưu niệm của địa phương.

- Đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm quà lưu niệm độc đáo, đặc sản ẩm thực của địa phương... tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu, điểm du lịch, phục vụ nhu cầu của thị trường và du khách.

- Tổ chức cuộc thi ẩm thực để lựa chọn món ăn đặc trưng của mỗi điểm du lịch; tổ chức cuộc thi “Thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Tuyên Quang để lựa chọn, bổ sung vào hệ thống mặt hàng quà lưu niệm du lịch của tỉnh (định kỳ 2 năm/lần).

IV. ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÚC TIẾN, THU HÚT ĐẦU TƯ; NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢNG BÁ DU LỊCH; TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, HỢP TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; công tác bảo tồn, quản lý di sản, di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch, các dữ liệu, thông tin về di sản văn hóa phi vật thể để quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.

2. Phát huy sức mạnh công nghệ thông tin và mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch bảo đảm chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2022, tầm nhìn đến 2025; duy trì và nâng cao chất lượng "Cổng Thông tin du lịch tỉnh Tuyên Quang".

4. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các khu dịch vụ du lịch phức hợp, du lịch sinh thái, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương.

5. Xây dựng các chương trình, kế hoạch quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm và có chiến lược cho từng loại hình, sản phẩm du lịch: Xây dựng “Đề án tổng thể truyền thông du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư du lịch giai đoạn 2021-2025...

6. Đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; tham gia hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến quảng bá du lịch, các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế.

7. Tổ chức cuộc thi chuyên đề “Anh du lịch Tuyên Quang” (định kỳ 2 năm/lần).

8. Tổ chức liên kết tua, tuyến giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực; chủ động hợp tác với các địa phương trong vùng; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động chương trình hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế...

V. XÂY DỰNG, BAN HÀNH CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trọng tâm là: Cơ chế chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đào tạo nguồn nhân lực; truyền thông, xúc tiến quảng bá; xây dựng hạ tầng viễn thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới; sản xuất sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch...nhằm hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức, cá nhân uy tín, tiềm lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư, phát triển du lịch ở địa phương.

2. Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, hỗ trợ sản phẩm du lịch lưu niệm, quà tặng du lịch, dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, có khả năng thu hút khách du lịch.

3. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương, góp phần hình thành các điểm du lịch nông nghiệp (trang trại, gia trại) cho du khách trải nghiệm, mua sắm hàng hóa, đặc biệt phát triển sản phẩm quà tặng du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

4. Huy động nguồn quỹ, nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh.

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục, thu gọn đầu mối, giảm thiểu thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng; công bố, công khai đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương cho cộng đồng xã hội, nhất là doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình đầu tư, kinh doanh phát triển du lịch ở địa phương.

VI. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH

1. Rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.

2. Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch.

3. Tập trung ưu tiên phát triển nguồn lực tại chỗ, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, như: Bảo đảm vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên, kỹ năng phục vụ buồng, bàn, bar, nấu ăn, dịch vụ vận chuyển du lịch... đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và trình độ ngoại ngữ.

4. Có chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín cao cho lĩnh vực du lịch địa phương.

5. Huy động, lồng ghép các nguồn lực phục vụ đào tạo nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết trong đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành du lịch của các cơ sở đào tạo trên địa bàn; khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ đào tạo nhân lực cho lĩnh vực du lịch, nhất là nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ từ các dự án nước ngoài.

VII. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG

1. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ cảnh quan, môi trường hệ sinh thái, tại các khu, điểm di tích, khu bảo tồn thiên nhiên. Hạn chế các hoạt động có tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, như: Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; san, đào đất ven hành lang trục đường và khoảng không gian tầm nhìn dọc các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn tỉnh, trong đó có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông đến các điểm, khu du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2. Phân bổ hợp lý diện tích đất đáp ứng nhu cầu phát triển các khu, điểm du lịch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2021 -2030 và tổ chức quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên.

3. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải, chất thải đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp tại các khu, điểm du lịch.

VIII. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, trọng tâm là: Quản lý và thực hiện các quy hoạch du lịch; quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên du lịch; bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa; bảo vệ thương hiệu du lịch của địa phương, như: Nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; an ninh, an toàn cho khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch thực sự thân thiện.

2. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, biên chế theo đề án vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị phụ trách lĩnh vực du lịch, bảo đảm đáp ứng và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

3. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhanh, bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch.

PHẦN V

KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KINH PHÍ THỰC HIỆN VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

1. Tổng kinh phí: 15.527.980 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn ngân sách Trung ương: 557.500 triệu đồng.

- Nguồn ngân sách địa phương: 750.097 triệu đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 14.220.383 triệu đồng.

2. Phân kỳ đầu tư

2.7. Giai đoạn 2021 - 2025:

- Tập trung đầu tư và thu hút các dự án phát triển du lịch.

- Nguồn kinh phí: 12.340.540 triệu đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách Trung ương: 457.500 triệu đồng.

Nguồn ngân sách địa phương: 566.857 triệu đồng.

Nguồn xã hội hóa: 11.316.183 triệu đồng.

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030:

- Tiếp tục hoàn thiện dự án đầu tư; đầu tư sản phẩm du lịch mới tại các khu, điểm du lịch đã đầu tư.

- Nguồn kinh phí: 3.187.440 triệu đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách Trung ương: 100.000 triệu đồng.

Nguồn ngân sách địa phương: 183.240 triệu đồng.

Nguồn xã hội hóa: 2.904.200 triệu đồng.

(Có biểu thực hiện nhiệm vụ Đề án gửi kèm)

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển du lịch

Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển du lịch các cấp; xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ, hằng năm; chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án; đôn đốc, kiểm tra, giám sát; hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển du lịch, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phân công thực hiện các nội dung Đề án; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Chủ trì thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đề án theo phân công và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ theo nội dung đề án. Xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu xây dựng Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; đề xuất bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các khu, điểm du lịch; rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, tham mưu bố trí kinh phí trình cấp thẩm quyền phê quyệt theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

5. Sở Công thương

Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phát triển, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ phát triển du lịch; triển khai hiệu quả việc sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm địa phương đáp ứng nhu cầu du khách; bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề, nghề truyền thống.

Nghiên cứu phát triển các trung tâm thương mại, chợ, gian trưng bày, làng nghề truyền thống, các sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.

Trang bị cho các cơ sở sản xuất kiến thức về quy trình, phương pháp cải tiến mẫu mã sản phẩm, chú trọng sản phẩm lưu niệm quà tặng du lịch, mẫu mã mới... nhằm đẩy mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển du lịch.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đề xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, thương hiệu của tỉnh để hỗ trợ, đầu tư, gắn kết phát triển các điểm du lịch trải nghiệm nông nghiệp và nông thôn.

Nghiên cứu các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đặc sản để phục vụ du lịch; mô hình gia trại, trang trại du lịch nông nghiệp; quản lý, khai thác tốt các hệ thống hồ, đập, các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch. Bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm.

7. Sở Xây dựng

Tham mưu quản lý, hướng dẫn triển khai quy hoạch, thẩm định các dự án đầu tư phát triển du lịch; triển khai xây dựng các công trình công cộng, các công trình trọng điểm phục vụ hoạt động du lịch.

8. Sở Giao thông Vận tải

Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách, đảm bảo chất lượng dịch vụ vận tải; chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo sự kết nối và phát triển du lịch; lắp đặt, quản lý hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan cấp biển hiệu cho phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định; tổ chức các tuyến vận tải khách công cộng đến các khu, điểm du lịch.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các thủ tục về tài nguyên và môi trường cho các dự án phát triển du lịch; đề xuất phân bổ quỹ đất cho phát triển du lịch vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương; phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp thu gom, xử lý chất thải, rác thải tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Nội vụ

Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

11. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện, các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Tuyên Quang với các đối tác nước ngoài; chủ trì tham mưu mời, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài tham dự các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phóng viên báo chí nước ngoài đến tác nghiệp tại tỉnh; tranh thủ sự quan tâm của báo chí nước ngoài để quảng bá nhũng nét văn hóa đặc trưng, các danh lam thắng cảnh, các cơ sở làng nghề truyền thống và các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh để mời gọi khách du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.

12. Sở Thông tin và Truyền thông

Định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh phản ánh, tuyên truyền, quảng bá về du lịch của tỉnh, trong đó tập trung xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách du lịch; quản lý ứng dụng công nghệ thông tin và tuyên truyền trong hoạt động du lịch; tham mưu triển khai thực hiện Đề án du lịch thông minh theo nội dung đã được phê duyệt.

13. Sở Khoa học và Công nghệ

Hướng dẫn các địa phương cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. Hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gắn với phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu để phục vụ phát triển du lịch; chú trọng thực hiện các dự án nhân giống phát triển cây bản địa gắn với phát triển du lịch sinh thái.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo; Trường Đại học Tân Trào

Tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu đưa vào chương trình nội dung giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch, lịch sử văn hóa Tuyên Quang, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường phục vụ phát triển du lịch trong trường học và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

15. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong hoạt động du lịch. Phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở hoạt động du lịch, khách du lịch, môi trường du lịch.

Chú trọng công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành du lịch tại Trường Đại học Tân Trào.

16. Báo Tuyên Quang; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền du lịch, xúc tiến thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch, nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch. Tăng cường các hoạt động thông tin, thời lượng phát sóng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá về du lịch. Quảng bá các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh; nêu gương điển hình các mô hình phát triển du lịch tại địa phương.

17. Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực du lịch; triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm tuyên truyền, quảng bá trực quan về du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2021; xây dựng triển khai Đề án tổng thể truyền thông về du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

18. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh

Chủ trì xây dựng dự án mời gọi đầu tư của các khu du lịch vào danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư theo thứ tự ưu tiên của tỉnh; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện xây dựng các dự án phát triển du lịch, xây dựng các tua, tuyến du lịch; tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch.

19. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Chủ trì việc nghiên cứu đưa các đề án, dự án phát triển du lịch trên địa bàn vào quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Cân đối, bố trí ngân sách ưu tiên cho phát triển du lịch; lồng ghép các chương trình, dự án gắn với phát triển du lịch.

- Hoàn thành xây dựng Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương thực sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Chủ động triển khai, mở rộng liên kết trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

- Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, hợp tác phát triển du lịch tại địa phương.

- Chỉ đạo, quản lý việc bảo vệ tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về du lịch; vận động nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên, thực hiện nếp sống văn minh trong du lịch, hương tới mục tiêu phát triển bền vững.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trong và ngoài tỉnh xây dựng các kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án.

20. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Tuyên Quang, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tuyên Quang

- Vận động, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Chú trọng xây dựng thương hiệu, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch. Tích cực hưởng ứng các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch của tỉnh.

- Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng các sản phẩm để làm quà tặng; phát triển, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ phát triển du lịch; phát triển các trung tâm thương mại, chợ, gian trưng bày, làng nghề truyền thống, các sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trong Đề án, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.

 

BIỂU NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh)

STT

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Tổng mức đầu tư

Ngân sách nhà nước

Trong đó

Vốn xã hội hóa

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Ngân sách

TW

Ngân sách địa phương

Tổng vốn

Ngân sách nhả nước

Trong đó

Vốn xã hội hóa

Tổng vốn

Ngân sách nhà nước

Trong đó

Vốn xã hội hóa

Ngân sách TW

Ngân sách địa phương

Ngân sách TW

Ngân sách địa phương

 

TỔNG KINH PHÍ

 

 

 

15.527.980

1.307.597

557.500

750.097

14.220.383

12.340.540

1.024.357

457.500

566.857

11.316.183

3.187.440

283.240

100.000

183.240

2.904.200

I

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG DU LỊCH

 

754.800

729.800

466.000

263.800

25.000

532.800

522.800

366.000

156.800

10.000

222.000

207.000

100.000

107.000

15.000

1

Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái huyện Lâm Bình

UBND huyện Lâm Bình

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh; các cơ quan liên quan

2018-2030

185.000

185.000

185.000

 

 

85.000

85.000

85.000

 

 

100.000

100.000

100.000

 

 

2

Đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch sinh thái Na Hang

UBND huyện Na Hang

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh; các cơ quan liên quan

2021-2025

55.000

55.000

25.000

30.000

 

55.000

55.000

25.000

30.000

 

 

 

 

 

 

3

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh; UBND thành phố

Các cơ quan liên quan

2021-2025

106.000

106.000

106.000

 

 

106.000

106.000

106.000

 

 

 

 

 

 

 

4

Đầu tư các điểm du lịch cộng đồng khác trên địa bàn huyện, thành phố

UBND các huyện, thành phố

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh; các cơ quan liên quan

2021-2025

119.000

119.000

 

119.000

 

119.000

119.000

 

119.000

 

 

 

 

 

 

5

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại Khu du lịch Tân Trào: Dự án cấp điện; cấp nước khu du lịch, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường; phát triển hệ thống Thông tin liên lạc...

Doanh nghiệp; Ban quản lý DADTXD CCTDD& CN tỉnh, SVHTTDL

UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn; các cơ quan liên quan

2021-2025

252.000

252.000

150.000

102.000

 

150.000

150.000

150.000

 

 

102.000

102.000

 

102.000

 

6

Hạ tầng viễn thông:

 

 

 

37.800

12.800

 

12.800

25.000

17.800

7.800

 

7.800

10.000

20.000

5.000

 

5.000

15.000

-

Trạm phát sóng di động

Sở Thông tin truyền thông

UBND các huyện, thành phố; Các cơ quan liên quan

2021-2030

25.000

 

 

 

25.000

10.000

0

 

 

10.000

15.000

 

 

 

15.000

-

Điểm phát sóng wifi miễn phí

10.000

10.000

 

10.000

 

5.000

5.000

 

5.000

 

5.000

5.000

 

5.000

 

-

Điểm phát sóng wifi miễn phí tại các điểm du lịch cộng đồng

2.800

2.800

 

2.800

 

2.800

2.800

 

2.800

 

 

 

 

 

 

II

DỰ ÁN ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT, PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH

 

14.526.400

430.400

91.500

338.900

14.096.000

11.675.600

406.800

91.500

315.300

11.268.800

2.850.800

23.600

0

23.600

2.827.200

 

 

1

Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng (hỗ trợ đầu tư ban đầu; nhà vệ sinh, phòng tắm)

UBND các huyện, thành phố

Các cơ quan liên quan

2021-2025

12.000

12.000

 

12.000

 

8.400

8.400

 

8.400

 

3.600

3.600

 

3.600

 

2

Đầu tư bãi đỗ xe, nhà chờ khách, bến thủy Đà Vị của Khu du lịch sinh thái Na Hang

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Na Hang

2021-2025

40.000

40.000

 

40.000

 

40.000

40.000

 

40.000

 

 

 

 

 

 

3

Đầu tư Điểm du lịch sinh thái, nghi dưỡng Phiêng Bung, huyện Na Hang

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

1.500.000

 

 

 

1.500.000

1.200.000

 

 

 

1.200.000

300.000

 

 

 

300.000

4

Đầu tư xây dựng cáp treo, khu biệt thự cao cấp, các nhà hàng ăn uống tại Khu du lịch Na Hang, Lâm Bình

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

2.000.000

 

 

 

2.000.000

1.600.000

 

 

 

1.600.000

400.000

 

 

 

400.000

5

Xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái (Lâm Bình)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan liên quan

2021-2025

20.000

20.000

15.000

5.000

 

20.000

20.000

15.000

5.000

 

 

 

 

 

 

6

Đầu tư khu thể thao, vui chơi giải trí dưới nước tại Khu thể thao dưới nước (Khu vực Cọc Vài, thuộc xã Thượng Lâm, khu du lịch Lâm Bình

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

106.000

 

 

 

106.000

84.800

 

 

 

84.800

21.200

 

 

 

21.200

7

Cải tạo, nâng cấp tuyến đường khai thác loại hình du lịch trải nghiệm rừng đặc dụng, khám phá hệ sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình

UBNDNa Hang, Lâm Bình

Các cơ quan liên quan

2021-2025

10.000

10.000

 

10.000

 

10.000

10.000

 

10.000

 

 

 

 

 

 

8

Đầu tư xây dựng Khu vui chơi giải nghi dưỡng công cộng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thương mại, khu đô thị sinh thái, khu điều dưỡng chăm sóc sức khỏe...tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

5.000.000

 

 

 

5.000.000

4.000.000

 

 

 

4.000.000

1.000.000

 

 

 

1.000.000

9

Đầu tư xây dựng "Khu nghỉ dưỡng Hồng Thái, Na Hang

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

1.000.000

 

 

 

1.000.000

800.000

 

 

 

800.000

200.000

 

 

 

200.000

10

Lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang- Lâm Bình

Sớ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBNDcác huyện Na Hang, Lâm Bình; các cơ quan liên quan

2021-2022

15.000

15.000

 

15.000

 

15.000

15.000

 

15.000

 

 

 

 

 

 

11

Lập hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bé - Na Hang trình UNSESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện Na Hang, Lâm Bình; các cơ quan liên quan

2021-2025

20.000

20.000

 

20.000

 

20.000

20.000

 

20.000

 

 

 

 

 

 

12

Đầu tư các dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái, nghi dưỡng tại huyện Na Hang (dự kiến xã Năng Khả, Sinh Long, thị trấn Na Hang)

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

100.000

 

 

 

100.000

80.000

 

 

 

80.000

20.000

 

 

 

20.000

13

Đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn từ 3-5 sao tại khu du lịch sinh thái Lâm Bình.

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

500.000

 

 

 

500.000

400.000

 

 

 

400.000

100.000

 

 

 

100.000

14

Tổ chức thường niên hội đua thuyền kayak trên lòng hồ Na Hang- Lâm Bình

UBNDNa Hang, Lâm Bình

Các cơ quan liên quan

2021-2025

5.000

2.000

 

2.000

3.000

5.000

2.000

 

2.000

3.000

 

 

 

 

 

15

Dự án trồng hoa tạo cảnh quan trên hồ thủy điện Tuyên Quang

Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh

UBND huyện Na Hang, Lâm Bình

2021-2025

30.000

30.000

 

30.000

 

20.000

20.000

 

20.000

 

10.000

10.000

 

10.000

 

16

Triển khai dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

BQLĐTXDC CT DDT; BQLCKDLT; UBND huyện Yên Sơn, Dương; các cơ quan liên quan

2021-2024

105.000

105.000

 

105.000

 

105.000

105.000

 

105.000

 

 

 

 

 

 

17

Đổi mới hoạt động, trưng bày, tham quan tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các Cơ quan liên quan

2021-2025

21.500

21.500

20.000

1.500

 

21.500

21.500

20.000

1.500

 

 

 

 

 

 

18

Xây dựng Khu du lịch sinh thái Đồng Man - Lũng Tẩu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND huyện Sơn Dương; các cơ quan liên quan

2021-2023

10.000

10.000

 

10.000

 

10.000

10.000

 

10.000

 

 

 

 

 

 

19

Đầu tư khách sạn cao cấp, resort, dịch vụ thể thao tại xã Minh Thanh, Tú Thịnh (Sơn Dương)

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

3.430.000

 

 

 

3.430.000

2.744.000

 

 

 

2.744.000

686.000

 

 

 

686.000

20

Bảo quản, tu bổ cụm tượng đài, phù điều Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan liên quan

2021

5.000

5.000

 

5.000

 

5.000

5.000

 

5.000

 

 

 

 

 

 

21

Đầu tư xây dựng Khu biệt thự, khách sạn, khu spa.. tại điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2025

135.000

 

 

 

135.000

135.000

 

 

 

135.000

 

 

 

 

 

22

Thuê phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh để khách du lịch tìm hiểu, lựa chọn mua sắm hàng hóa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cơ quan liên quan

2021-2025

500

500

500

 

 

500

500

500

 

 

 

 

 

 

 

23

Đầu tư xây dựng phát triển khu du lịch ẩm thực kết hợp chợ đêm phục vụ khách du lịch tại thành phố

UBND thành phố

Các cơ quan liên quan

2021-2030

300.000

50.000

 

50.000

250.000

240.000

50.000

 

50.000

190.000

60.000

 

 

 

60.000

24

Sản xuất các sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm du lịch của tỉnh

Doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

25

Xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2030

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thành phố; Các cơ quan liên quan

2022

900

900

 

900

 

900

900

 

900

 

 

 

 

 

 

26

Tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019- 2025

UBND các huyện, thành phố

Sớ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Các cơ quan liên quan

2019-2025

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

27

Lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan liên quan

2021

2.500

2.500

 

2.500

 

2.500

2.500

 

2.500

 

 

 

 

 

 

28

Dự án trồng cây tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh

UBND các huyện, thành phố; doanh nghiệp

Các cơ quan liên quan

2021-2030

58.000

16.000

 

16.000

42.000

8.000

6.000

 

6.000

2.000

50.000

10.000

 

10.000

40.000

29

Đầu tư xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch

UBND các huyện, thành phố

Các cơ quan liên quan

2021-2025

100.000

70.000

56.000

14.000

30.000

100.000

70.000

56.000

14.000

30.000

 

 

 

 

 

III

CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Cơ quan liên quan

2021-2025

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2025

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện sản xuất hàng hóa đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện,thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2025

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV

XÚC TIẾN DU LỊCH

 

 

239.200

139.817

 

139.817

99.383

128.300

90.917

 

90.917

37.383

110.900

48.900

 

48.900

62.000

 

1

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thí điểm tuyên truyền, quảng bá trực quan về du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020-2021.

BQL các Khu du lịch tỉnh

Trung tâm XTĐT tỉnh; các cơ quan liên quan

2020-2021

7.600

2.717

 

2.717

4.883

7.600

2.717

 

2.717

4.883

 

 

 

 

 

2

Xây dựng Đề án tổng thể truyền thông về du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

BQL các Khu du lịch tỉnh

Trung tâm XTĐT tỉnh; các cơ quan liên quan

2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, du lịch quốc gia, khu vực

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thành phố; Các cơ quan liên quan

2021-2030

140.000

70.000

 

70.000

70.000

70.000

50.000

 

50.000

20.000

70.000

20.000

 

20.000

50.000

4

Đầu tư hệ thống biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn các khu, điểm du lịch

UBND các huyện, thành phố

Các cơ quan liên quan

2021-2030

40.000

20.000

 

20.000

20.000

20.000

10.000

 

10.000

10.000

20.000

10.000

 

10.000

10.000

5

Tổ chức hội nghị, hội chợ, khảo sát, phát hành ấn phẩm xúc tiến du lịch

Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh

UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2030

20.000

20.000

 

20.000

 

10.000

10.000

 

10.000

 

10.000

10.000

 

10.000

 

6

Tổ chức, tham gia chương trình hợp tác phát triển du lịch trong chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc; thành phố Hồ Chính Minh với 8 tỉnh Đòng Bắc; Tuyên Quang - Hà Nội; Tuyên Quang - Hà Giang...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2030

20.000

16.000

 

16.000

4.000

10.000

8.000

 

8.000

2.000

10.000

8.000

 

8.000

2.000

7

Tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2025” nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh

Sở VHTTDL; Sở Thông tin Truyền thông;

UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2025

9.600

9.100

 

9.100

500

9.600

9.100

 

9.100

500

 

 

 

 

 

8

Tổ chức cuộc thi “Thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Tuyên Quang (2 năm/lần)

Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh

Các cơ quan liên quan

2021-2030

1.500

1.500

 

1.500

 

600

600

 

600

 

900

900

 

900

 

9

Tổ chức cuộc thi chuyên đề “Ảnh du lịch Tuyên Quang” (2 năm/lần) nhằm khai thác hiệu quả mạng xã hội trong công tác quảng bá du lịch của tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan liên quan

2021-2025

500

500

 

500

 

500

500

 

500

 

 

 

 

 

 

V

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH

 

 

7.580

7.580

 

7.580

0

3.840

3.840

 

3.840

0

3.740

3.740

 

3.740

0

 

1

Tổ chức định kỳ các hội thi tay nghề du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2030

3.000

3.000

 

3.000

 

1.500

1.500

 

1.500

 

1.500

1.500

 

1.500

 

2

Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2021-2030

4.480

4.480

 

4.480

0

2.240

2.240

 

2.240

 

2.240

2.240

 

2.240

 

3

Thành lập, tổ chức công bố Hiệp hội du lịch tỉnh Tuyên Quang

Sở Nội vụ

UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan

2023

100

100

 

100

 

100

100

 

100

 

 

 

 

 

 

 



[1] Các dự án triển khai: Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận tỉnh) kết nối Tuyên Quang với các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn tổng chiều dài 57km, đã hoàn thành đưa vào khai thác 20,3km; hoàn thiện công trình 02 tuyến đường dọc sông Lô đấu nối với các tuyến QL 37, QL 2C, đường Hồ Chí Minh, liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án sửa chữa QL.279 đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, chiều dài 94,4km kết nối QL.3 địa phận tỉnh Bắc Kạn với QL 2 địa phận tỉnh Hà Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

[2] Các dự án triển khai:

- Hoàn thành nâng cấp tỉnh lộ ĐT 187, ĐT 189 kết nối với các tỉnh miền núi phía Bắc; cải tạo, nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 37, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch của thành phố Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào; nguồn vốn hỗ trợ Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia về du lịch và bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vào các khu, diểm du lịch.

- Dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch: Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Lâm Bình, Khu du lịch sinh thái Na Hang: 166 tỷ đồng.

- Dự án thuộc nguồn ngân sách tỉnh: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Đầu tư bằng vốn trung hạn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào: xây Nhà tưởng niệm các vị tiền bối Cách mạng; xây dựng kè chống sạt lở bờ suối Khuôn Pén khu vực vườn cây lưu niệm...

[3] Tập trung chủ yếu ở địa bàn thành phố Tuyên Quang, với 147 cơ sở (27 khách sạn, 120 nhà nghỉ), chiếm 51% hệ thống cơ sở lưu trú; số lượng cơ sở lưu trú du lịch còn lại phân bố ở các huyện: Sơn Dương: 57; Chiêm Hóa: 51; Yên Sơn: 43; Lâm Bình: 33; Na Hang: 29; Hàm Yên: 25.

[4] Trung tâm tổ chức sự kiện; Nhà hàng Thành Tín, Sen Vàng (thành phố), Sơn Thủy 168 (Sơn Dương), Vượng Duy (Lâm Bình); Ngọc An 2 (Chiêm Hóa)...

[5] Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang; Điện máy xanh; Lotte Cinema Tuyên Quang; RenYoga Tuyên Quang; Laspa, L’amour- foot massage &saunas Tuyên Quang;..

[6] Vận chuyển khách ô tô: Bảo Yến, Hồng Thịnh, Cường An, các công ty kinh doanh dịch vụ taxi, công ty kinh doanh dịch vụ xe bus...

[7] Vận chuyển đường thủy: Năm 2015 có 43 thuyền, đến năm 2020 có 70 tàu, thuyền du lịch.

[8] Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh: Điện Biên đầu tư khách sạn 4 sao Mường Thanh; Công ty TNHH MTV Hòa Thu đầu tư Khách sạn Royal Palace, Trung tâm tổ chức sự kiện; Khu du lịch nghi dưỡng Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch nghi dưỡng cao cấp Mỹ Lâm; Tập đoàn Vingroup đã đầu tư Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang; Công ty TTHH Nga Viên tại Khu du lịch sinh thái Na Hang; Công ty TNHH Sông Gâm tại Khu du lịch sinh thái thác Bản Ba; các điểm du lịch cộng đồng...

[9] Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bào quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tình Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; Quy hoạch chi tiết Khu vui chơi giải trí, nghi dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Hoàn thiện công tác quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe, khu dịch vụ thương mại tại đền, chùa của thành phố (Đền Hạ, đền Thượng, đền Cảnh Xanh, đền Mò Than, đền Mẫu Ỷ La, chùa Hương Nghiêm, chùa An Vinh).

[10] Huyện Chiêm Hóa đã hỗ trợ 450 triệu đồng từ ngân sách huyện cho 9 hộ làm mô hình homestay; huyện Na Hang hỗ trợ 200 triệu đồng từ ngân sách huyện cho 10 hộ làm mô hình du lịch homestay; huyện Lâm Bình hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 15 hộ làm mô hình du lịch homestay từ nguồn vốn tài trợ của doanh nghiệp.

[11] Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, đu lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tổ chức gian hàng tuyên truyền quảng bá du lịch Tuyên Quang trong chương trình triển lãm đặc trưng văn hóa du lịch vùng miền của các tỉnh miền núi phía Bắc tại Hà Nội; Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, 2018; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2017, 2018, 2019; Hội nghị liên kết các Trung tâm Xúc tiến du lịch miền Bắc tại Quảng Ninh; Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam tại Hà Nội; Hội chợ thương mại, du lịch Việt- Trung tại thành phố Móng Cái; Hội chợ Du lịch - Ẩm thực, làng nghề thủ công thương mại tỉnh Thái Nguyên 2017; Lễ hội Tràng An 2017 tại Ninh Bình; Hội nghị quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc năm 2017 tại Lào Cai; Hội thảo khoa học “Hành trình theo chân Bác và điểm đến du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc"; Tổ chức trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội Bia Hà Nội 2017, 2019; tham gia Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang tại các huyện, thành phố của tỉnh; tham gia gian hàng quảng bá giới thiệu văn hóa, du lịch tại Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2018 tại Vĩnh Phúc; Tham gia gian hàng trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2019 tại Cao Bằng; quảng bá xúc tiến nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào...

[12] Kết nối kích cầu đu lịch, khảo sát du lịch, hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng đông bắc: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang

[13] Tổ chức Hội thảo du lịch; khảo sát phát triển các điểm du lịch; in bản đồ du lịch, quảng bá ngày hội văn hóa dân tộc Tuyên Quang tại phổ đi bộ Hà Nội.

[14] Tổ chức khảo sát tuyến du lịch; xây dựng kết nối tua du lịch lòng hồ Bắc Mê - Na Hang - Ba Bể.

[15] Tham gia xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch, hội nghị du lịch, tham gia biểu diễn văn nghệ các sự kiện văn hóa tại tỉnh và các nước.

[16] Tổ chức chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch cho doanh nghiệp: Năm 2017 có 65 doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, Tuyên Quang; Năm 2020 có 42 doanh nghiệp dịch vụ gồm thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang.

[17] Trường Đại học Tân Trào đã tuyển sinh và đào tạo: 56 học viên chuyên ngành du lịch.

[18] Bồi dưỡng: 35 lớp cho 2.610 lượt lao động, cụ thể:

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 15 lớp (Nghiệp vụ Lễ tân, nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch, Quản lý nhà nước về du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh, hướng dẫn viên).

- Ban Quản lý các Khu du lịch tình tổ chức 5 lớp (Nghiệp vụ du lịch, chế biến món ăn, kinh doanh du lịch, cộng đồng).

- Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức 3 lớp (Nghiệp vụ du lịch, học tập kinh nghiệm).

- UBND các huyện, thành phố tổ chức 12 lớp (Du lịch cộng đồng, lễ tân, kinh doanh du lịch , học tập kinh nghiệm).

[19] Du lịch lễ hội tháng 02 Âm lịch- Lễ hội rước Mau gắn với Festival và Carnaval tín ngưỡng thờ Mẫu; du lịch lễ hội tháng 8 - Lễ hội Trăng Rằm; du lịch lễ hội “Mùa trả ơn” vào tháng 12...

[20] Tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Ngày hội văn hóa, Thể thao các dân tộc tỉnh Tuyên Quang lần thứ nhất (2021); Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Tuyên Quang gắn với Lễ hội Thành Tuyên (2022); Lễ hội Thành Tuyên gắn với Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" (2023); Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ nhất (quy mô toàn quốc, gồm 10 tỉnh có đồng bào dân tộc Sán Chay sinh sống) 2025; Lễ hội Thành Tuyên và Ngày hội văn hóa, Thể thao các dân tộc tỉnh Tuyên Quang lần thứ hai (2025)...

[21] Các điểm du lịch đã được đầu tư hạ tầng (3): Làng Văn hóa du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương); thôn Bó Củng, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa); Làng văn hóa dân tộc Cao Lan Giếng Tanh, xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang).

- Các điểm du lịch đề xuất đầu tư hạ tầng (đang hoạt động): 11 điểm, trong đó, huyện Chiêm Hóa (2 điểm): thôn An Thịnh, xã Tân An; thôn Bàn Ba, xã Trung Hà); huyện Lâm Bình (7): Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; thôn Bản Bon, xã Phúc Yên; thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình; thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn; huyện Na Hang (2 điểm): Thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; thôn Nà Khá, xã Năng Khả.

- Các điểm du lịch đề xuất đầu tư hạ tầng (điểm mới): 6 điểm, trong đó: Huyện Yên Sơn: 1 điểm (thôn Động Sơn, xã Chân Sơn); huyện Hàm Yên: 2 điểm (thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu; thôn Cao Đường, xã Yên Thuận); huyện Na Hang: 1 điểm (thôn Bản Bung, xã Thanh Tương); huyện Lâm Bình: 2 điểm (thôn Khuổi Trang, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang).

[22] Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 426/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 426/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản