Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4212/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 02 tháng 11 năm 2015.

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGÀNH QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÃ HỘI Ở ĐỊA BÀN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2015 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Công an xã năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa VII; Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Thông tư số 06/2010/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 677/QĐ-X11 ngày 26/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Chương trình khung giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở - đào tạo cho đối tượng Trưởng Công an cấp xã;

Căn cứ Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1015/TTr-SNV ngày 09/9/2015, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 1003/TTr-CAT(PX14) ngày 15/7/2015 và ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 2595/STC-NS ngày 27/10/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở cho Trưởng Công an, Phó trưởng Công an xã giai đoạn 2015-2020”, với những nội dung chính như sau:

1. Đối tượng áp dụng: Công chức Trưởng Công an cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là Phó trưởng Công an xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và dự nguồn cho các chức danh này.

2. Mục tiêu đào tạo

a) Mục tiêu chung: Góp phần xây dựng đội ngũ công chức Trưởng Công an xã chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- 100% Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp xã có trình độ đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở;

- Mở 02 lớp đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở cho 300 Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp xã và dự nguồn cho các chức danh này.

3. Nội dung đào tạo

a) Đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ: Thực hiện theo Quyết định số 677/QĐ-X11 ngày 26/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Chương trình khung giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở - đào tạo cho đối tượng Trưởng Công an cấp xã;

b) Đào tạo tin học, ngoại ngữ: Đào tạo Tin học cấp độ A; Anh văn cấp độ B theo Chương trình do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành.

4. Các giải pháp thực hiện

a) Tiến độ thực hiện mở lớp: Giai đoạn 2015-2017 mở 01 lớp 150 học viên; giai đoạn 2017-2020 mở 01 lớp 150 học viên.

b) Điều kiện tuyển sinh:

- Người được cử đi đào tạo phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (hoặc tương đương), có tuổi đời từ 20 đến 40 tuổi. Đối với những người đang giữ chức vụ Trưởng Công an xã, tuổi đời có thể cao hơn nhưng không quá 50 tuổi tính từ ngày nhập học.

- Ưu tiên tuyển sinh đối với cán bộ đang đảm trách nhiệm vụ Công an viên thường trực; chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân đã xuất ngũ nằm trong quy hoạch dự nguồn cho chức danh Trưởng, Phó trưởng Công an xã.

c) Cơ sở đào tạo phối hợp mở lớp: Công an tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Trường Trung cấp nghiệp vụ Công an nhân dân II tổ chức đào tạo chương trình Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở; phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đào tạo chương trình tin học và ngoại ngữ.

d) Chế độ, chính sách đối với học viên:

- Chế độ hỗ trợ đi học cho học viên thực hiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam.

- Trong thời gian tập trung học tập, học viên được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).

đ) Kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 4.542.600.000 đồng (2.271.300.000 đồng/lớp). Chia ra các năm như sau:

- Lớp thứ nhất:

+ Năm 2016: kinh phí 1.240.000.000 đồng (6 tháng học tập trung).

+ Năm 2017: kinh phí 1.031.300.000 đồng (5 tháng học tập trung và 5 tháng đi thực tế, thi tốt nghiệp).

- Lớp thứ hai:

+ Năm 2018: kinh phí 1.240.000.000 đồng (6 tháng học tập trung).

+ Năm 2019: kinh phí 1.031.300.000 đồng (5 tháng học tập trung và 5 tháng đi thực tế, thi tốt nghiệp).

Kinh phí thực hiện Đề án được phân bổ từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm của tỉnh.

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Công an tỉnh Quảng Nam

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch mở lớp, hợp đồng với các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện nội dung chương trình đào tạo đạt chất lượng, hiệu quả.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan của tỉnh thực hiện chiêu sinh, xét duyệt danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo trình UBND tỉnh phê duyệt.

c) Quản lý học viên trong thời gian tập trung học tập; thực hiện chế độ, chính sách theo quy định đối với học viên.

d) Lập dự toán kinh phí mở lớp (từng lớp và hằng năm) gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính tỉnh thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

2. Sở Nội vụ

a) Phối hợp với Công an tỉnh triển khai thực hiện Đề án, thẩm định danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo trình UBND tỉnh phê duyệt.

b) Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định kinh phí mở lớp trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định kinh phí mở lớp hằng năm trình UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định của nhà nước.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Chủ trì, xây dựng quy hoạch đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở cho Trưởng Công an, Phó trưởng Công an xã; xây dựng quy hoạch dự nguồn chức danh Trưởng Công an xã để đề xuất cử đi đào tạo;

b) Phối hợp với Công an tỉnh trong công tác chiêu sinh, cử người đi đào tạo đúng đối tượng.

c) Bố trí, sử dụng người đã được đào tạo đúng quy hoạch và phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, NC.
D:\Dropbox\ANH.2015\Cong an\De an CA xa\
QD phe duyet DA DT Tr CA xa 15-20.doc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4212/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án “Đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở giai đoạn 2015-2020 do tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu: 4212/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/11/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Đinh Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản