Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 3
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 42/2006/QĐ-UBND

Quận 3, ngày 26 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO QUẬN 3

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ Quyết định số 114/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban Tôn giáo quận - huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân quận - huyện; 
Căn cứ Quyết định số 260/2004/QĐ-UB ngày 24 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo quận - huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân quận - huyện;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo quận 3;
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ quận 3 và Báo cáo thẩm định số 464/BC-TP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Phòng Tư pháp quận 3,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Tôn giáo quận 3 trực thuộc Ủy ban nhân dân quận 3.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Trưởng Phòng Nội vụ và Trưởng Ban Tôn giáo quận 3 có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Thình

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TÔN GIÁO QUẬN 3
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2006/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân quận 3)

Chương 1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 1. Chức năng

- Ban Tôn giáo quận là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận 3, chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân quận; đồng thời chịu sự hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo của Ban Tôn giáo thành phố.

- Ban Tôn giáo quận có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quận quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác tôn giáo trên địa bàn quận theo đúng quy định của pháp luật.

- Ban Tôn giáo là cơ quan đầu mối liên hệ với các cá nhân và tổ chức tôn giáo, phối hợp với các cơ quan có liên quan nhằm giải quyết các vấn đề tôn giáo trên địa bàn quận.

Điều 2. Nhiệm vụ

Ban Tôn giáo có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện các mặt công tác sau:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý các hoạt động tôn giáo; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các văn bản về quản lý hoạt động tôn giáo trên địa bàn quận.

- Đề xuất giải quyết các khiếu nại về vấn đề tôn giáo theo thẩm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Ban Tôn giáo có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân quận để báo cáo về Ban Tôn giáo thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

- Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân chức sắc, tín đồ tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, đảm bảo mọi hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

- Phối hợp Hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật tổ chức học tập, phổ biến các quy định, các chủ trương chính sách liên quan tôn giáo cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân trong quận, cũng như học tập cho các chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Phối hợp với các đoàn thể vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo chấp hành pháp luật và thực hiện tốt chính sách tôn giáo.

- Thực hiện công tác nắm thông tin, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác tôn giáo với Ủy ban nhân dân quận và Ban Tôn giáo thành phố. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Ủy ban nhân dân quận.

- Tiếp nhận hồ sơ, thụ lý và đề xuất Ủy ban nhân dân quận giải quyết về:

+ Các chương trình lễ hội sinh hoạt tôn giáo.

+ Quản lý cơ sở liên quan đến vấn đề sửa chữa nơi thờ tự.

+ Về hoạt động tôn giáo của các chức sắc, hoạt động các tổ chức tôn giáo.

+ Đề xuất giải quyết các khiếu nại về tôn giáo.

Điều 3. Quyền hạn

- Quản lý hoạt động của các tổ chức và cá nhân chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn quận.

- Triệu tập các đơn vị trực thuộc có liên quan để triển khai, phổ biến các chủ trương, chính sách quy định của Đảng - Nhà nước có liên quan đến công tác tôn giáo để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn do Ban quản lý.

Chương 2:

TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 4. Ban Tôn giáo quận có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách.

Điều 5. Ban Tôn giáo quận gồm: Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và chuyên viên.

- Trưởng ban phụ trách chung, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Ban trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Có trách nhiệm xây dựng chế độ sinh hoạt, bố trí phân công nhiệm vụ phù hợp quy định chung, có trách nhiệm thỉnh thị, báo cáo kết quả hoạt động của Ban cho Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận và Ban Tôn giáo thành phố.

- Phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các công tác được phân công, liên đới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và được ủy quyền thực hiện một số công việc khi Trưởng ban vắng mặt.

- Chuyên viên được phân công tổng hợp báo cáo, nắm tình hình và phụ trách chuyên sâu 01 tôn giáo.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 6. Giờ giấc làm việc của cơ quan:

1. Ban Tôn giáo làm việc từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Nghỉ làm việc vào ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định chung.

2. Giờ làm việc: làm đúng và đủ 8 giờ/ngày:

- Sáng: từ 7 giờ 30 phút - 11 giờ 30 phút.

- Chiều: từ 13 giờ 00 phút - 17 giờ 00 phút.

Cán bộ, công chức phải có mặt tại nơi làm việc đúng theo quy định (trừ trường hợp đi dự họp hoặc đi công tác). Từng bộ phận phải cử cán bộ, công chức để tiếp nhận và giải quyết công việc.

3. Cán bộ, công chức phải có bảng tên, chức vụ, chức danh đặt tại bàn làm việc và đeo thẻ công chức theo quy định.

Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo:

1. Ban Tôn giáo nghiêm chỉnh thực hiện chế độ thông tin báo cáo (tháng, quý, 06 tháng, năm) theo quy định của Ủy ban nhân dân quận, Ban Tôn giáo thành phố.

2. Trong quá trình công tác nếu có tình huống đột xuất phát sinh, chuyên viên phải kịp thời thông tin, báo cáo ngay cho Trưởng ban để Trưởng ban đề ra hướng giải quyết trong phạm vi chức năng và quyền hạn. Ngoài ra các chuyên viên giúp việc có nhiệm vụ thông tin, báo cáo kịp thời những công việc mình phụ trách khi Trưởng ban yêu cầu.

3. Trưởng ban chịu trách nhiệm đảm bảo việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ (hoặc bất thường) theo quy định của Ủy ban nhân dân quận và ngành cấp trên kịp thời, chính xác, trung trực.

Điều 8. Chế độ hội họp

1. Ban Tôn giáo họp cơ quan mỗi tuần 01 lần (vào sáng thứ hai hàng tuần).

2. Ngoài ra, Ban có thể tổ chức họp bất thường phổ biến, triển khai những công việc đột xuất của thành phố hoặc quận.

3. Tùy theo nhu cầu công tác, Ban có thể tổ chức các cuộc họp giao ban với các ngành có liên quan để thống nhất trước khi đề xuất Ủy ban nhân dân quận.

4. Cán bộ, công chức có trách nhiệm thực hiện tốt chế độ trực cơ quan hàng ngày theo lịch phân công.

Điều 9. Mối quan hệ công tác

1. Đối với Ban Tôn giáo thành phố: Ban Tôn giáo quận thường xuyên liên hệ để được hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời thực hiện các công tác theo yêu cầu của Ban Tôn giáo thành phố.

2. Đối với Ủy ban nhân dân quận: chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân quận. Trưởng ban có trách nhiệm tiếp nhận chỉ thị, chương trình công tác để tham mưu kế hoạch và báo cáo Ủy ban nhân dân quận những kết quả công tác được phân công.

Trường hợp Hội đồng nhân dân quận có yêu cầu, nếu được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thì Trưởng ban báo cáo hoặc giải trình những vấn đề có liên quan trong kỳ họp của Hội đồng nhân dân.

3. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận: thực hiện mối quan hệ bình đẳng, phối hợp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được quy định. Trong trường hợp chưa đạt được sự nhất trí của các đơn vị về các công việc có liên quan, Trưởng ban chủ động tập hợp báo cáo để xin ý kiến Ủy ban nhân dân quận.

4. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: thực hiện phối hợp để vận động quần chúng có đạo và các chức sắc chấp hành chính sách pháp luật. Kết hợp xây dựng lực lượng nòng cốt trong tôn giáo.

- Hỗ trợ công tác tuyên truyền những nội dung có liên quan tôn giáo. Trao đổi những kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả nội dung liên tịch với các đoàn thể.

- Thông tin tình hình tôn giáo giúp các đoàn thể chủ động trong công tác tuyên truyền vận động.

5. Đối với Ủy ban nhân dân các phường:

Hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp tài liệu, thông tin để giúp Ủy ban nhân dân các phường thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn phường.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Trưởng Ban Tôn giáo quận có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu có những khó khăn vướng mắc, Trưởng ban trao đổi thống nhất với Phòng Nội vụ quận đề xuất Ủy ban nhân dân quận điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Thình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2006/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của ban tôn giáo quận 3 do Ủy ban nhân dân Quận 3 ban hành

  • Số hiệu: 42/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/12/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trịnh Văn Thình
  • Ngày công báo: 15/01/2007
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 02/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản