Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 404/2008/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 05 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của liên Bộ Tài chính-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 51/TTr-SNN ngày 22 tháng 01 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tuy Hòa; Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 404/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu và phạm vi áp dụng

1. Mục tiêu: Đảm bảo đến cuối năm 2010 toàn tỉnh đạt được mục tiêu chủ yếu sau:

- Về cấp nước: đạt 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 50% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Bộ Y tế với số lượng 60 lít nước/người/ngày.

- Về vệ sinh môi trường: đạt 70% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 70% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.

- Tất cả các nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ, trụ sở xã và các công trình công cộng khác ở nông thôn có đủ nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh; giảm thiểu ô nhiễm các làng nghề, đặc biệt là làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm.

2. Phạm vi áp dụng: Quy định này được áp dụng để tổ chức quản lý đầu tư - xây dựng; khai thác - vận hành; bảo hành đối với các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn đóng góp của người dân hưởng lợi và các nguồn tài trợ hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Nguyên tắc đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

1. Các vùng nông thôn trên phạm vi cả tỉnh; trước mắt ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, vùng thường xuyên bị khô hạn, khó khăn về nguồn nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm; ưu tiên nâng cấp và mở rộng các công trình hiện có đảm bảo hoạt động bền vững và phát huy hiệu quả.

2. Hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, vùng đồng bào dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

3. Việc bố trí kinh phí thực hiện Chương trình căn cứ khả năng ngân sách tỉnh, nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương, nguồn vốn tài trợ và các nguồn huy động khác, theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm.

4. Các đơn vị có trách nhiệm sử dụng kinh phí Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đúng mục đích, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền, kết thúc dự án phải thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.

Điều 3. Nội dung chi và mức chi của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

1. Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của liên Bộ Tài chính-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 và các quy định khác của nhà nước.

2. Đối với các mức chi ngoài các mức được quy định tại Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của liên Bộ Tài chính-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Chương II

TRÌNH TỰ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐẦU TƯ

Điều 4. Kế hoạch đầu tư

1. Căn cứ mục tiêu của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tình hình thực tế về nhu cầu nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thảo luận trong nhân dân để tổng hợp danh mục công trình cần đầu tư trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện (việc tổ chức họp dân nhất thiết phải có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và Hội Phụ nữ xã).

 Hàng năm các huyện, thành phố và các cơ quan tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm lập kế hoạch, danh mục đầu tư, nhu cầu kinh phí của các địa phương, đơn vị trên cơ sở kế hoạch giai đoạn 2006-2010 đã đăng ký và quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020 gởi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

Căn cứ vào mức ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục công trình theo thứ tự ưu tiên trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 5. Chủ trương đầu tư, chủ đầu tư

Căn cứ Quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên, khi xác định được nguồn nước, chất lượng nước, huy động được tham gia của người dân hưởng lợi (theo Thông tư tiên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007) xác định được tổ chức quản lý, vận hành công trình sau đầu tư đủ năng lực thì mới giao kế hoạch đầu tư.

Hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định giao kế hoạch triển khai nguồn kinh phí Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó nêu rõ danh mục đầu tư, mức vốn đầu tư và cơ quan tiếp nhận vốn.

1. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh là chủ đầu tư các công trình cấp nước tập trung có quy mô phục vụ trên 1.500 người; các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tiếp nhận vốn thì các cơ quan, đơn vị này là chủ đầu tư. Trên cơ sở quyết định giao kế hoạch các cơ quan, đơn vị tổ chức để thực hiện. Không phải trình xin thông báo chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các công trình cấp nước tập trung có quy mô phục vụ dưới 1.500 người thuộc địa bàn cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư; các công trình cấp nước và vệ sinh cho các nơi công cộng (trường học, trạm xá, trụ sở xã, chợ,…) do Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận vốn thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có thông báo giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc biết, thực hiện.

3. Đối với các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, công trình cấp nước phân tán (giếng khoan đường kính nhỏ, giếng đào, bể chứa) do hộ gia đình tự thực hiện với sự giám sát của cơ quan tiếp nhận vốn.

Điều 6. Trình tự lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật

1. Công trình cung cấp nước sạch tập trung; công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh cho trường học và trạm y tế, chợ, trụ sở Ủy ban nhân dân xã: trình tự lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo Luật Xây dựng, các văn bản liên quan và quy định tại Quyết định số 1103/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực và tư cách pháp nhân để lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình theo đúng quy định. Áp dụng thiết kế mẫu của các bộ ngành liên quan để giảm thấp giá thành đầu tư và rút ngắn thời gian thi công công trình.

Điều 7. Về triển khai, quản lý thi công và nghiệm thu, bàn giao

1. Công trình cấp nước tập trung; nhỏ lẻ; công trình cấp nước, vệ sinh cho trường học và trạm y tế: tổ chức đầu thầu hoặc chỉ định thầu, triển khai, quản lý thi công và nghiệm thu theo quy định xây dựng cơ bản hiện hành, áp dụng mức giảm giá trong đấu thầu hoặc chỉ định thầu quy định tại Quyết định số 1103/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Công trình vệ sinh cho hộ gia đình, hầm Biogas: do hộ gia định tự tổ chức thực hiện. Đối với các hộ xây dựng công trình theo chương trình vay vốn tín dụng thì việc triển khai, quản lý thi công, nghiệm thu và bàn giao thực hiện theo quy định hợp đồng vay dưới sự giám sát của các tổ chức đoàn thể.

3. Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng, khối lượng và bảo dưỡng công trình đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật; nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định và có sự giám sát của cộng đồng; trực tiếp quản lý, khai thác hoặc bàn giao cho địa phương, đơn vị, tổ chức cá nhân quản lý khai thác. Đơn vị sẽ quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý đầu tư xây dựng công trình và tiếp nhận quản lý, sử dụng khi công trình hoàn thành.

4. Các địa phương phải tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn mình quản lý, thành phần tham gia giám sát cộng đồng do địa phương bầu ra thông qua hội nghị do Trưởng ban công tác Mặt trận cấp xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, buôn tổ chức. Người tham gia giám sát cộng đồng phải đủ các tiêu chuẩn đã quy định tại khoản 1, phần II Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04 tháng 12 năm 2006).

Điều 8. Quyết toán vốn đầu tư

1. Việc nghiệm thu và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Công trình làm đến đâu thanh quyết toán đến đó, không chậm trễ, quá thời gian quy định.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2006/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC – CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Ở cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia II về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 theo Quyết định số 1930/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo Thông báo số 457/TB-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức giám sát đầu tư của cồng đồng ở địa phương

1. Tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn theo quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04 tháng 12 năm 2006).

2. Yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin làm rõ những vấn đề mà cộng đồng có ý kiến.

3. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề mà cộng đồng có ý kiến.

4. Thông báo các kết quả xử lý, giải quyết của cấp có thẩm quyền đối với các ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở địa phương; bố trí cán bộ thuộc Phòng Kinh tế theo dõi Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của địa phương.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã vận động người dân sử dụng nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, tham gia bảo vệ công trình cấp nước, chống ô nhiễm nguồn nước.

3. Huy động đóng góp vốn của cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều 11. Trách nhiệm của các sở, ngành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chức năng cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm tổng hợp và đề xuất giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan đến Chương trình, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đầu tư xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, kỹ thuật và các chính sách về quản lý khai thác, sử dụng và phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Định kỳ từng tháng tổ chức họp giao ban các chủ dự án để đôn đốc tình hình thực hiện Chương trình.

Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh là cơ quan giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình; kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ theo Chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện cân đối, bố trí vốn theo kế hoạch hàng năm theo quy định Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo phân cấp, kiểm tra việc thực hiện.

4. Sở Y tế có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sức khoẻ cộng đồng, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước theo quy định của Bộ Y tế; giám sát, kiểm tra các công trình vệ sinh và giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng cấp nước sạch và vệ sinh.

5. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện hướng dẫn việc quản lý và sử dụng khoản thu tiền sử dụng nước. Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng xây dựng giá trần dịch vụ cấp nước trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, hướng dẫn các đơn vị quản lý xây dựng giá dịch vụ cấp nước cho từng công trình. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị về các chế độ báo cáo, thanh quyết toán vốn đầu tư và các chế độ tài chính có liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư và quyết toán đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ.

6. Các sở, ban, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.

7. Các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước.

Điều 12. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch

Định kỳ 3 tháng 1 lần các địa phương, đơn vị tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện kế hoạch, đề xuất những vấn đề cần giải quyết và những bài học kinh nghiệm để kịp thời khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Các nội dung báo cáo khác thực hiện (theo Thông tư liên tịch số 93/2007/TTLT/BNN-BYT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2007).

Điều 13. Tổ chức quản lý khai thác, bảo vệ công trình

Tất cả các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, khai thác hoặc bàn giao công trình cho chính quyền địa phương, cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để quản lý, duy tu, bảo dưỡng và khai thác sử dụng công trình đạt hiệu quả.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp nước.

2. Tổ chức hoặc cá nhân nào vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước được quy định tại Điều 10 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp nước gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì đối tượng vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

4. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Điều 15. Điều khoản thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên có trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc các địa phương, đơn vị phản ảnh với các cơ quan, ngành chức năng có liên quan để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 404/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2006-2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 404/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Ngọc Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản