Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2014/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 03 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG THU, MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ ĐO ĐẠC, LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2003/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2003/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư số 50/2013/TT-BTNMT ngày 27/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Căn cứ Nghị quyết số 55/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về quy định đối tượng thu, mức thu, quản lý và sử dụng phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 735/TTr -TC ngày 20 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đối tượng thu, mức thu, quản lý và sử dụng phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 29/2003/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2003 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc quy định về chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí đo đạc lập bản đồ địa chính (hệ tọa độ giả định) và lập hồ sơ địa chính.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐỐI TƯỢNG THU, MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ ĐO ĐẠC, LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích thu phí

Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính là khoản thu đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính nhằm hỗ trợ thêm cho chi phí đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Điều 2. Đối tượng nộp phí

1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ địa chính để giao đất, cho thuê đất mới hoặc được phép thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.

2. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có yêu cầu đo đạc, lập bản đồ địa chính để thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

3. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được Nhà nước đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp Nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, dự án đa dạng hóa nông nghiệp và các dự án khác).

Điều 3. Trường hợp không nộp phí

1. Các cá nhân, hộ gia đình được cơ quan Nhà nước đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp Nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, dự án đa dạng hóa nông nghiệp và các dự án khác).

2. Trường hợp thửa đất của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai nay thực hiện các quyền của người sử dụng đất mà không làm thay đổi mục đích sử dụng, diện tích thửa đất (cả thực hiện quyền một phần thửa đất), trừ trường hợp người sử dụng đất có đơn yêu cầu tự nguyện đề nghị đo đạc lại thửa đất.

Điều 4. Cơ quan thu phí

Cơ quan thu phí là các cơ quan, đơn vị có chức năng trong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

Chương II

MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN PHÍ

Điều 5. Mức thu phí

1. Đối với khu vực nông thôn (bao gồm các xã thuộc các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết):

Stt

Diện tích (m2)

Đơn giá (đồng/m2)

1

Diện tích ≤ 300 m2

1.500

2

Diện tích > 300-500 m2

950

3

Diện tích > 500-1.000 m2

650

4

Diện tích > 1.000-3.000 m2

350

5

Diện tích > 3.000-10.000 m2

160

6

Diện tích trên 10.000 m2

103

2. Đối với khu vực đô thị (bao gồm các phường thuộc thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và các thị trấn thuộc các huyện):

Stt

Diện tích (m2)

Đơn giá (đồng/m2)

1

Diện tích ≤ 300 m2

1.500

2

Diện tích > 300-500 m2

1.100

3

Diện tích > 500-1.000 m2

970

4

Diện tích > 1.000-3.000 m2

502

5

Diện tích > 3.000-10.000 m2

237

6

Diện tích trên 10.000 m2

150

Điều 6. Quản lý và sử dụng tiền phí

1. Tiền thu phí đo đạc, lập bản đồ địa chính là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, toàn bộ số tiền thu phí được nộp vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách của cơ quan thu phí. Từ tài khoản tiền phí thu được, đơn vị phân phối và sử dụng như sau:

a) Đối với trường hợp kinh phí ngân sách Nhà nước đã chi cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp Nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, dự án đa dạng hóa nông nghiệp và các dự án khác), đơn vị thu phí được để lại 20% để trang trải chi phí phục vụ công tác thu phí, 80% phần tiền phí còn lại phải nộp vào ngân sách tỉnh:

b) Đối với trường hợp kinh phí ngân sách Nhà nước chưa chi cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp Nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) thì cơ quan thu phí được để lại 100% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí thực hiện công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và phục vụ công tác thu phí.

Nội dung chi từ nguồn phí được để lại bao gồm:

+ Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương, trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo chế độ quy định:

+ Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí (chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú) theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành:

+ Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí thực hiện theo quy định hiện hành:

+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí.

c) Trường hợp cơ quan thu phí là đơn vị sự nghiệp, số thu được để lại là nguồn thu sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Hàng năm, tổ chức thu phí lập dự toán thu, chi gửi cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp cùng với thời gian lập dự toán ngân sách hàng năm và gửi cơ quan thuế cùng cấp, kho bạc Nhà nước nơi tổ chức thu mở tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách để kiểm soát chi theo quy định hiện hành; hàng năm phải quyết toán thu phí theo thực tế cùng vời thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Điều 7. Chứng từ thu phí; đăng ký kê khai, thu nộp, hạch toán kế toán và quyết toán phí; công khai chế độ thu phí

Thực hiện các quy định về chứng từ thu phí, tiền thu phí, đăng ký, kê khai, thu, nộp phí, hạch toán kế toán, quyết toán phí và công khai chế độ thu phí theo đúng quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ; Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phát hành, sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành khác.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 8. Tổ chức, cá nhân không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phí thì ngoài việc phải trả đủ số tiền phí theo mức quy định tại Quy định này, còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Việc xử lý vi phạm phải theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định.

Điều 9. Đơn vị, cá nhân thu phí vi phạm chế độ thu, nộp tiền phí, tiền phạt; chế độ kê khai, nộp phí vào ngân sách Nhà nước; chế độ kế toán và quyết toán phí thì bị xử lý theo Pháp lệnh Phí và lệ phí và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Chương IV

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 10.

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 11.

Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12.

1. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, cơ quan thuế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần điều chỉnh, tổ chức thu kịp thời phản ánh với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Khi chưa có quy định sửa đổi, bổ sung của Ủy ban nhân dân tỉnh thì vẫn thực hiện theo quy định hiện hành./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2014/QĐ-UBND về đối tượng thu, mức thu, quản lý và sử dụng phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 39/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản