Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 389/2003/QĐ-UB

Bắc Kạn, ngày 12 tháng 3 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN TỈNH BẮC KẠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi năm 1994);

- Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo;

- Căn cứ Nghị định số 89/CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân;

- Căn cứ Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999; Nghị định số 62/2002/NĐ-CP ngày 14/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo;

- Thực hiện Thông báo số 158/TB-TU ngày 10/10/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc lãnh đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

- Căn cứ Quyết định số 2483/QĐ-UB ngày 11/12/2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thành lập Phòng Tiếp công dân của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

- Xét đề nghị của Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 274/TT-TTr ngày 13/11/2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Phòng Tiếp công dân tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2

Giao cho Thanh tra tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai phổ biến cụ thể việc thực hiện các nội dung quy định trong Quy chế này.

Điều 3

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Trưởng Phòng Tiếp công dân tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




La Thị Thính

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 389/2003/QĐ-UB ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc tổ chức tiếp công dân nhằm mục đích:

1. Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý kiến những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác lãnh đạo, quản lý, chấp hành và điều hành của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

3. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, trình đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

Điều 2

Phòng Tiếp công dân quy định trong Quy chế này là nơi tiếp dân, tiếp nhận đơn thư, ý kiến phản ánh của công dân, tổ chức, phân loại xử lý đơn thư của công dân theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Điều 3

Tại Phòng Tiếp công dân tỉnh phải niêm yết công khai những nội dung cơ bản của Luật khiếu nại, tố cáo, nội quy nơi tiếp công dân, lịch tiếp công dân của các cơ quan có liên quan và lãnh đạo tỉnh.

Điều 4

Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải đề cao tinh thần trách nhiệm, trung thực, liêm khiết, nắm vững chính sách, pháp luật, am hiểu thực tế, có năng lực chuyên môn, có thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc địa phương. Cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ tiếp công dân phải đeo thẻ công chức, vào sổ theo dõi tiếp công dân, lắng nghe, ghi chép đầy đủ nội dung công dân trình bày.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN TỈNH

Điều 5. Nhiệm vụ của Phòng Tiếp công dân tỉnh:

Phòng Tiếp công dân tỉnh là một Phòng chuyên môn trực thuộc Thanh tra nhà nước tỉnh, làm nhiệm vụ chuyên trách tiếp công dân của tỉnh theo quy định của pháp luật, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp nhận các tài liệu, giấy tờ liên quan đến khiếu nại, tố cáo do công dân cung cấp (nếu có) mà những khiếu nại, tố cáo đó có căn cứ, thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh điều tra, xác minh, kết luận, đề xuất hướng giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn người khiếu nại, viết thành từng đơn riêng để thực hiện việc khiếu nại đối với những đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh, có chữ ký của nhiều người.

2. Hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được, Phòng Tiếp công dân phải chuyển đơn tố cáo hoặc nội dung tố cáo cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

3. Trả lời rõ và yêu cầu công dân thực hiện những khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, có văn bản hoặc quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

4. Chuẩn bị nội dung, kế hoạch, hồ sơ, tài liệu và điều kiện cần thiết phục vụ cho việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của lãnh đạo tỉnh theo quy định của Quy chế này.

5. Định kỳ hàng tháng, quý, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình công tác tiếp công dân báo cáo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh và Thanh tra tỉnh.

6. Bảo vệ, bảo quản, sử dụng đúng quy định, có hiệu quả các tài sản, trang thiết bị Phòng Tiếp công dân của tỉnh.

Điều 6. Quyền hạn của Phòng Tiếp công dân tỉnh

1. Khi tiếp công dân cán bộ, công chức Phòng Tiếp công dân có quyền từ chối không tiếp và nhận đơn những trường hợp đã được kiểm tra, xem xét, xác minh kết luận rõ và đã có quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã có thông báo trả lời đầy đủ cho đương sự.

2. Không tiếp những trường hợp đang trong tình trạng say rượu, bia, những người mắc bệnh tâm thần, những người được uỷ quyền không đúng quy định của pháp luật, những người không có quyền lợi liên quan trực tiếp đến vụ việc khiếu nại, và những người có hành vi vi phạm nội quy, quy chế nơi tiếp công dân.

3. Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng, ngắn gọn những nội dung khiếu nại, tố cáo, lý do và các yêu cầu giải quyết, cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo; yêu cầu công dân ký xác nhận những nội dung khiếu nại, tố cáo nếu trình bày bằng miệng và cam đoan việc cung cấp đó là đúng sự thật.

4. Được quyền ký và chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan có thẩm quyền, được yêu cầu giải quyết và thông báo kết quả về Phòng Tiếp công dân tỉnh. Đồng thời, Phòng Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc bằng văn bản hoặc trực tiếp làm việc với cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết, trả lời người khiếu nại, tố cáo và cơ quan liên quan đúng thời hạn quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN KHI ĐẾN PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN TỈNH

Điều 7. Công dân đến Phòng Tiếp công dân tỉnh có quyền:

1. Được hướng dẫn, giải thích, trả lời những nội dung mình trình bày.

2. Được khiếu nại, tố cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Chánh Thanh tra tỉnh nếu thấy cán bộ của Phòng Tiếp công dân có những việc làm vi phạm pháp luật, cản trở, phiền hà, sách nhiễu trong khi làm nhiệm vụ.

3. Đối với trường hợp tố cáo, được yêu cầu cán bộ tiếp công dân giữ bí mật họ, tên, địa chỉ người tố cáo.

Điều 8. Công dân đến Phòng Tiếp công dân tỉnh có nghĩa vụ:

1. Phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân như chứng minh thư, giấy mời; nếu được uỷ quyền của thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị em ruột hoặc người giám hộ thì phải có giấy uỷ quyền, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

2. Phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, Quy chế của Phòng Tiếp công dân và sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân;

3. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của mình khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm đối với những thông tin, tài liệu mà mình cung cấp;

4. Ký xác nhận những nội dung đã trình bày;

5. Trường hợp có từ 5 đến 10 người đến Phòng Tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung thì phải cử đại diện từ 1 đến 2 người. Từ 10 người trở lên thì cử đại diện không quá ba người để trình bày với cán bộ tiếp công dân.

Chương IV

VIỆC TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN TỈNH VỚI CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN

Điều 9. Việc tổ chức tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân tỉnh được bố trí như sau:

1. Phòng Tiếp công dân tỉnh thường trực tiếp công dân vào các ngày làm việc trong tuần, cán bộ kiêm chức do các cơ quan cử ra tham gia tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân tỉnh thường trực tiếp công dân vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh thì không theo lịch trên;

2. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh tiếp công dân 02 ngày trong tháng, vào các ngày thứ 5 của tuần đầu và thứ ba của tuần cuối tháng.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp công dân vào ngày thứ ba của tuần cuối tháng.

4. Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng với các ban, ngành, đoàn thể liên quan sẽ tiếp công dân và giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành theo đề xuất của Phòng Tiếp công dân hoặc trường hợp khẩn thiết. Phòng Tiếp công dân tỉnh phối hợp với các ban, ngành… hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, báo cáo về vụ việc và đề xuất biện pháp giải quyết trước khi lãnh đạo các ngành tham dự tiếp công dân.

5. Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tiếp công dân vào 1 ngày (thứ ba hoặc thứ 5) của tuần cuối tháng.

Điều 10

Ngoài việc tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân tỉnh như quy định tại Điều 9, các cơ quan tham gia tiếp công dân có thể tổ chức tiếp công dân tại cơ quan khi thấy cần thiết.

Điều 11

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và cán bộ tiếp công dân không tiếp công dân và nhận đơn của công dân tại nhà riêng.

Điều 12

Quan hệ giữa Phòng Tiếp công dân tỉnh với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

1. Quan hệ giữa Phòng Tiếp công dân với các phòng chuyên môn thuộc Thanh tra tỉnh là quan hệ phối hợp công tác, cung cấp thông tin hai chiều, tạo điều kiện để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chung.

2. Đối với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh: Hàng tuần Phòng Tiếp công dân tỉnh tiếp nhận trực tiếp các đơn thư (nếu có) gửi đến Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh. Cùng với đơn thư tiếp nhận trong kỳ, Phòng Tiếp công dân tỉnh tổng hợp phân loại và xử lý đơn thư theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quy chế này.

Phòng Tiếp công dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho buổi tiếp công dân của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

3. Đối với các cơ quan chức năng: Khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc đề nghị, phản ánh của công dân có liên quan đến lĩnh vực ngành, cấp, cơ quan mình quản lý thì lãnh đạo ngành, cấp, cơ quan đó có trách nhiệm chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu có liên quan, tham gia hoặc cử người tham gia các buổi tiếp công dân cùng với lãnh đạo tỉnh khi có yêu cầu.

Thời gian và nội dung công việc tiếp công dân do Phòng Tiếp công dân bố trí sắp xếp và thông báo cụ thể đến từng cơ quan.

4. Các cơ quan của Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tiếp công dân tỉnh để tổ chức tiếp công dân mà nội dung có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình.

5. Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Công an phụ trách địa bàn phối hợp với lực lượng bảo vệ của Thanh tra nhà nước tỉnh đảm bảo an ninh trật tự Phòng Tiếp công dân tỉnh.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13

Thanh tra tỉnh phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ thống nhất quản lý, kiểm tra công tác tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân tỉnh theo quy định của pháp luật; kiến nghị các biện pháp cần thiết trong công tác tiếp công dân; kiến nghị xử lý hành chính các trường hợp cố tình vi phạm về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về công tác tiếp công dân với Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh.

Điều 14

Hàng quý, vào tuần thứ 4 của tháng cuối quý Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Đoàn đại biểu Quối hội đơn vị tỉnh nghe Phòng Tiếp công dân của tỉnh và cơ quan chức năng báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15

Quá trình thực hiện Quy chế này, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích sẽ được biểu dương, khen thưởng. Cơ quan, đơn vị, cá nhân nào vi phạm Quy chế thì tuỳ theo mức độ vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16

Việc tổ chức tiếp công dân của các cơ quan, lãnh đạo của tỉnh, các ban, ngành hữu quan, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh ở tại Phòng Tiếp công dân tỉnh được áp dụng theo Quy chế này, ngoài các quy định chung của Luật khiếu nại, tố cáo. Nghị định 89/CP ngày 07/8/1997, ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân. Nghị định số 67/1999/NĐ-CP và Nghị định số 62/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 389/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế hoạt động của Phòng Tiếp công dân tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 389/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/03/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: La Thị Thính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản