Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 382/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 12 tháng 10 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC TỪ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH DO CÁC CÔNG TY NÔNG, LÂM NGHIỆP KHÔNG THUỘC DIỆN SẮP XẾP LẠI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2014/NĐ-CP, BAN QUẢN LÝ RỪNG VÀ CÁC TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP KHÁC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung tại: Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung tại: Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII;
Căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về ổn định dân cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường;
Căn cứ Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
Căn cứ Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp, được sửa đổi, bổ sung tại: Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; khoản 2 Điều 1 Thông tư số 11/2022/TT-BTNMT ngày 20 tháng 10 tháng 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;
Căn cứ các Văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Số 1596/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26 tháng 3 năm 2020 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ; số 1398/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Tổng cục Quản lý đất đai về đôn đốc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; số 1490/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 10 tháng 3 tháng 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh;
Căn cứ Văn bản số 1246/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tổng cục Quản lý đất đai về việc hướng dẫn đề cương chi tiết xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh;
Căn cứ Thông báo số 856-TB/TU ngày 08 tháng 9 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thông báo kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 39 ngày 08 tháng 9 năm 2023;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 369/TTr-STNMT ngày 02 tháng 3 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” (Đề án) với những nội dung chính như sau:
1. Tên Đề án: Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
2. Mục tiêu của Đề án
2.1. Mục tiêu tổng quát
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh (nông, lâm trường), góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ quản lý đất đai gắn với hồ sơ quản lý rừng trên đất đối với ba (03) ban quản lý rừng đặc dụng (Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu) trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành việc đo đạc chi tiết, lập phương án giao diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả lại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Hoàn thành thủ tục, hồ sơ giao đất, cho thuê đất đồng bộ, thống nhất với ranh giới đất trên thực địa; hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất trong phạm vi thực hiện Đề án.
- Cung cấp hồ sơ kỹ thuật, pháp lý phục vụ cho việc lập và thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý, sử dụng đất; phát hiện những tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp, chính sách để xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng; đề xuất giải pháp, xây dựng lộ trình giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai, thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Phạm vi thực hiện
- Toàn bộ diện tích đất do Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu thuộc địa bàn các huyện: Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên (được thành lập tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang) chưa được đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định.
- Diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh trả về địa phương quản lý khi thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ.
4. Nhiệm vụ thực hiện của Đề án
- Đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính; hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất do Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu quản lý thuộc địa bàn các huyện: Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên.
- Đo đạc địa chính, đăng ký đất đai; lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả về địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai (đối với địa bàn đã có cơ sở dữ liệu địa chính).
- Lập Phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
- Thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; thực hiện xử lý, thu hồi đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghĩa vụ tài chính đất đai theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại địa phương.
5. Thời gian thực hiện: Đề án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025, lộ trình thực hiện cụ thể:
- Hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt Đề án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán: Quý III năm 2023.
- Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện Đề án theo Thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt: Năm 2023.
- Triển khai thực hiện, hoàn thành tổng kết Đề án từ năm 2023 đến hết năm 2025.
6. Kinh phí thực hiện
- Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự tính là 85,218 tỷ đồng.
- Kinh phí thực hiện sẽ được xác định cụ thể sau khi lập, phê duyệt và thực hiện thiết kế kỹ thuật - dự toán.
7. Nguồn vốn thực hiện
- Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 và khoản 5 Điều 2 Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân sách địa phương.
- Từ nguồn đầu tư đóng góp, ủng hộ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án được phê duyệt tại Điều 1, Quyết định này.
- Tổ chức lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đối với nhiệm vụ lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xác định giá thuê đất (nếu có); giao đất, giao rừng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định để làm cơ sở lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện; giám sát kỹ thuật và nghiệm thu sản phẩm.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện nội dung của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ Trung ương cho tỉnh để thực hiện Dự án.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
- Hướng dẫn các ban quản lý rừng đặc dụng và đơn vị tư vấn thực hiện việc xác định ranh giới và cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Đề án với Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu tổ chức thực hiện tổng kết Đề án.
2. Sở Tài chính
Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung tổ chức thẩm định Dự toán theo quy định, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đề án; hướng dẫn xử lý tài sản nhà nước và tài sản khác trên diện tích đất trả về địa phương (trong quá trình bàn giao đất về cho địa phương và quá trình lập phương án bố trí sử dụng diện tích đất này).
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập đề cương, nhiệm vụ, dự toán chi tiết; lập hồ sơ quản lý rừng theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan trong việc xử lý tài sản là rừng trồng trên đất.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Đề án.
4. Thanh tra tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; trong đó tập trung xử lý hoặc đề xuất giải quyết (đối với trường hợp vượt thẩm quyền) các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật (nếu có) trong phạm vi ranh giới đất thuộc các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia Tam Đảo (trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh), công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật.
5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng đất có liên quan thực hiện tổng rà soát đất đai đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường và xây dựng, trình phê duyệt, triển khai thực hiện phương án quản lý, sử dụng đất theo hướng dẫn chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Công an tỉnh chỉ đạo đảm bảo an ninh trong quá trình rà soát đất đai, cắm mốc, đo đạc đối với đất ở khu vực phức tạp về an ninh và trong quá trình kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, giải quyết tranh chấp, xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện Đề án
Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện Đề án phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xác định vị trí cắm mốc ranh giới ngoài thực địa phục vụ cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; xây dựng, thực hiện Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất bàn giao cho địa phương; hướng dẫn lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
7. Các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công, đơn vị kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình thực hiện các nội dung của Đề án.
(Có Đề án kèm theo)
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chánh Thanh tra tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện Đề án; Giám đốc các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC TỪ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH DO CÁC CÔNG TY NÔNG, LÂM NGHIỆP KHÔNG THUỘC DIỆN SẮP XẾP LẠI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2014/NĐ-CP, BAN QUẢN LÝ RỪNG VÀ CÁC TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP KHÁC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Phê duyệt tại Quyết định số:382/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
PHẦN I
THÔNG TIN KHÁI QUÁT VỀ ĐỀ ÁN
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;
- Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII;
- Chị thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 02 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;
- Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về ổn định dân cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường;
- Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
- Văn bản số 1596/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ;
- Văn bản số 1398/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Tổng cục Quản lý đất đai về đôn đốc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thông báo số 856-TB/TU ngày 08 tháng 9 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thông báo kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 39 ngày 08 tháng 9 năm 2023;
II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh (nông, lâm trường), góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ quản lý đất đai gắn với hồ sơ quản lý rừng trên đất đối với ba (03) ban quản lý rừng đặc dụng (Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu) trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành việc đo đạc chi tiết, lập phương án giao diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả lại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Hoàn thành thủ tục, hồ sơ giao đất, cho thuê đất đồng bộ, thống nhất với ranh giới đất trên thực địa; hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất trong phạm vị thực hiện Đề án.
- Cung cấp hồ sơ kỹ thuật, pháp lý phục vụ cho việc lập và thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý, sử dụng đất; phát hiện những tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp, chính sách để xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng; đề xuất giải pháp, xây dựng lộ trình giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai, thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho nhà nước theo quy định của pháp luật.
III. PHẠM VI ĐỊA BÀN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Toàn bộ diện tích đất do Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu thuộc địa bàn các huyện: Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên (được thành lập tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang) chưa được đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định.
2. Diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh trả về địa phương quản lý khi thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.IV. PHẠM VI NHIỆM VỤ THỰC HIỆN TRONG ĐỀ ÁN
1. Đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính; hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất do Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu quản lý thuộc địa bàn các huyện: Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên.
2. Đo đạc địa chính, đăng ký đất đai; lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả về địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai (đối với địa bàn đã có cơ sở dữ liệu địa chính).
3. Lập Phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
4. Thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; thực hiện xử lý, thu hồi đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghĩa vụ tài chính đất đai theo quy định của pháp luật.
5. Đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại địa phương.
V. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
1. Lập, trình phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính; hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với 03 ban quản lý rừng đặc dụng và Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc địa chính, đăng ký đất đai; lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả về địa phương quản lý.
2. Đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính; hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất do 03 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý.
3. Đo đạc địa chính, đăng ký đất đai; lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả về địa phương quản lý; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
4. Lập Phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
5. Thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
6. Giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; thực hiện xử lý, thu hồi đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghĩa vụ tài chính đất đai theo quy định của pháp luật.
7. Đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại địa phương.
8. Hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kỹ thuật, quản lý chất lượng, quản lý Đề án; kiểm tra, đôn đốc tiến độ, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.
9. Đánh giá giữa kỳ, tổ chức nghiệm thu, tổng kết báo cáo công tác thực hiện Đề án.
VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Đề án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025, lộ trình thực hiện cụ thể:
- Hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt Đề án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán: Quý III năm 2023.
- Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện Đề án theo Thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt: Năm 2023.
- Triển khai thực hiện, hoàn thành tổng kết Đề án từ năm 2023 đến hết năm 2025.
VII. TỔNG DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án theo khái toán: 85,218 tỷ đồng.
- Kinh phí thực hiện sẽ được xác định cụ thể sau khi lập, phê duyệt và thực hiện Thiết kế kỹ thuật - Dự toán.
VIII. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 và khoản 5 Điều 2 Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân sách địa phương.
- Từ nguồn đầu tư đóng góp, ủng hộ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
IX. ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ, ĐƠN VỊ PHỐI HỢP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường
Là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Đề án; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ:
- Lập thiết kế kỹ thuật - dự toán trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện Đề án theo quy định.
- Kiểm tra, nghiệm thu các sản phẩm của Đề án theo thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt.
- Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án.
- Tham mưu tổ chức tổng kết Đề án.
2. Các cơ quan phối hợp
2.1. Sở Tài chính
- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung tổ chức thẩm định Dự toán theo quy định; đề xuất bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở phân cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về xác định giá trị tài sản trên đất, xử lý tài sản trên diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán; lập hồ sơ quản lý đất đai, quản lý rừng theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan trong việc xử lý tài sản là rừng trồng trên đất; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác của Đề án.
2.3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đơn vị tư vấn xây dựng Phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương. Công khai minh bạch Phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.
- Thực hiện giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thu tiền sử dụng đất đối với người được giao đất theo quy định hiện hành.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác của Đề án.
2.4. Công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan lập Phương án quản lý, sử dụng diện tích đất bàn giao cho địa phương theo quy định. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
2.5. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan: Phối hợp chặt chẽ các đơn vị thi công trong quá trình thực hiện các nội dung của Đề án.
PHẦN II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. VĂN BẢN ÁP DỤNG ĐỂ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
- Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
- Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
- Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;
- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
- Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất;
- Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất;
- Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê đất mặt nước;
- Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
- Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;
- Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
- Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;
- Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai;
- Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về hồ sơ địa chính;
- Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về bản đồ địa chính;
- Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp;
- Thông tư số 49/2016/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai;
- Thông tư số 05/2017/TT-BTNMT ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Thông tư 14/2017/TT-BTNMT ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai;
- Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;
- Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
- Thông tư số 11/2022/TT-BTNMT ngày 20 tháng 10 năm 2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Văn bản số 1596/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ;
- Văn bản số 1490/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 10 tháng 3 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh;
- Văn bản số 1246/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tổng cục Quản lý đất đai về việc hướng dẫn đề cương chi tiết xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh;
- Văn bản số 1398/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Tổng cục Quản lý đất đai về đôn đốc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;
- Thông báo số 856-TB/TU ngày 08 tháng 9 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thông báo kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 39 ngày 08 tháng 9 năm 2023;
- Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đơn giá Đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
- Hồ sơ về quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tài liệu khác có liên quan.
II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong quá trình hình thành và phát triển, mặc dù các nông, lâm trường quốc doanh có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa; địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Sau khi các nông, lâm trường quốc doanh được rà soát, sắp xếp theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hiệu quả sử dụng đất chưa cao; hệ thống số liệu, tài liệu, bản đồ về đất đai chưa đầy đủ và thiếu chính xác; ranh giới sử dụng đất nhiều nơi chưa được xác định rõ trên thực địa; tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp; diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu được thực hiện trên sổ sách, chưa có hồ sơ địa chính để quản lý, sử dụng.
Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 1596/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26 tháng 3 năm 2020 của về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ.
III. KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA TỈNH TUYÊN QUANG
1.1. Vị trí địa lý
Tuyên Quang là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên 5.867,9 km2, chiếm 1,77% diện tích cả nước. Ranh giới hành chính Tuyên Quang tiếp giáp với:
- Phía Bắc và Tây Bắc giáp với tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng;
- Phía Nam giáp với tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc;
- Phía Tây giáp với tỉnh Yên Bái;
- Phía Đông giáp với tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Địa giới hành chính của Tuyên Quang nằm trong phạm vi toạ độ địa lý từ 21°30'- 22°40' vĩ độ Bắc và 104°53'-105°40' kinh độ Ðông.
1.2. Địa hình, địa mạo
Tỉnh Tuyên Quang có địa hình tương đối đa dạng và phức tạp với trên 70% diện tích là đồi núi. Phần lớn địa hình có hướng nghiêng từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam. Các dãy núi chính cũng chạy theo hướng này và có cấu trúc vòng cung rõ rệt, nhưng không kéo dài liên tục, mà bị chia cắt thành những khối rời rạc (cánh cung sông Gâm).
1.3. Khí hậu
Tuyên Quang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, bị chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có sự thay đổi, khác biệt theo thời gian, không gian và có sự khác nhau giữa các vùng, cụ thể:
- Tiểu vùng phía Bắc gồm huyện Na Hang, Lâm Bình và phần phía Bắc của các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa. Đặc trưng của tiểu vùng này là có mùa Đông kéo dài (khoảng 5 - 6 tháng, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau), nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,30C (các tháng mùa Đông từ 10 - 120C, mùa Hè từ 25 - 260C), lượng mưa 1.730 mm, thường xuất hiện sương muối về mùa Đông (tháng 1, 2), gió lốc và gió xoáy về mùa Hè.
- Tiểu vùng phía Nam bao gồm phần còn lại của tỉnh với một số đặc trưng: Mùa Đông chỉ dài 4 - 5 tháng (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau). Nhiệt độ trung bình năm 23 - 240C (mùa Đông từ 13 - 140C, mùa Hè từ 26 - 270C). Lượng mưa tương đối cao (1.800 mm). Các tháng đầu mùa Hè xuất hiện mưa dông (tuy ít xảy ra) với cường độ lớn thường gây ra những trận lụt, lũ quyét gây nhiều tổn thất cho nhân dân địa phương.
Độ ẩm không khí trung bình năm dao động từ 82,6 - 86,8%. Trong đó, vùng núi cao, độ ẩm trung bình hàng năm từ 86% - 88%; ở vùng thấp, độ ẩm trung bình hàng năm từ 81 - 84%.
1.4. Thủy văn
Mạng lưới sông ngòi tương đối dày đặc với mật độ 0,9km/km2 và phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn tỉnh. Chế độ thủy văn trên địa bàn tỉnh chia làm hai mùa rõ rệt, theo hai mùa của khí hậu. Mùa lũ tập trung tới 80% tổng lượng nước trong năm và thường gây ra ngập lụt ở một số vùng.
Mật độ sông suối trong lưu vực đạt 1,1 km/km2, tương ứng với tổng chiều dài toàn bộ sông suối là 1.771 km. Mật độ phân bố không đồng đều trên toàn bộ lưu vực, chủ yếu tập trung ở phía thượng lưu. Hai phụ lưu lớn của sông Phó Đáy là Lượng Quang và Ngòi Le có mật độ lớn hơn 1,3 km/km2. Lưu vực sông Phó Đáy có diện tích nhỏ nên tỷ lệ nước góp vào dòng chính không lớn, chỉ bằng 1/10 lượng nước góp của sông Gâm và dòng chính. Ngoài 3 sông lớn nêu trên, tỉnh Tuyên Quang có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ.
2. Điều kiện kinh tế, xã hội
2.1. Thực trạng dân số, dân cư và văn hóa - xã hội
Giai đoạn 2010 - 2020, dân số của tỉnh đã tăng từ 729,7 ngàn người năm
2010 lên 792,9 ngàn người năm 2020, bao gồm 22 dân tộc chủ yếu sinh sống,
trong đó các dân tộc chiếm đa số Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay… Mật độ
dân số bình quân năm 2020 là 135 người/km2. Dân cư phân bố không đều, địa phương có mật độ dân cư tập trung cao là thành phố Tuyên Quang (706 người/km2), huyện Sơn Dương (235 người/km2) và một số huyện có mật độ dân số thấp là huyện Lâm Bình (40 người/km2) và huyện Na Hang (51 người/km2). Tỷ lệ tăng dân số của tỉnh giảm từ 10,8‰ năm 2010 xuống 10,31‰ năm 2020.
2.2. Thực trạng lao động
Tuyên Quang đang trong thời kỳ “dân số vàng”, tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi chiếm 29,12% và nhóm dân số trên 65 tuổi chiếm 6,98%. Năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của tỉnh là 480,5 ngàn người (chiếm 60,6% tổng dân số), trong đó có 54,5 ngàn người ở thành thị (chiếm tỷ lệ 11,35%) và 426 ngàn người ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 88,65%). Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm là 474,3 ngàn người (năm 2020), chiếm 59,8% tổng dân số toàn tỉnh.
Nguồn nhân lực của tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo năm 2020 đạt 21,32%, tăng 7,32% so với năm 2010. Tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt 4,2%/năm.
2.3. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 6,6%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng đạt 5,9%/năm. Tính chung cả thời kỳ 2011 - 2020, tăng trưởng GRDP đạt 6,3%/năm.
- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch giữa các ngành kinh tế theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành CN-XD: Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 33,0% năm 2010 xuống 28,2% năm 2020, giảm 4,8%; tăng tỷ trọng ngành CN-XD tăng từ 21,7% năm 2010 lên 28,8% năm 2020, tăng 7,0%; tỷ trọng ngành dịch vụ giảm từ 45,2% năm 2010 xuống 43,3% năm 2020, giảm 1,9%.
- GRDP bình quân đầu người (GRDP/người) tăng từ 28,9 triệu đồng năm 2015 tăng lên 44,7 triệu đồng năm 2020, tăng gấp 1,55 lần so với năm 2015. Tăng trưởng GRDP/người của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt 6,8%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 6,8%/năm; giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GRDP/người tỉnh Tuyên Quang bình quân đạt 6,8%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng nhanh, từ 21,1 triệu đồng năm 2016, tăng lên 32,2 triệu đồng năm 2020. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 11,1%/năm.
IV. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC NÔNG, LÂM TRƯỜNG
Trước tháng 11 năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 14 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ với diện tích đất các đơn vị quản lý, sử dụng là 69.239,3 ha (đất rừng sản xuất 22.224,5 ha, đất rừng phòng hộ 44.797 ha; đất nông nghiệp còn lại 1.996,4 ha; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 19,7 ha; đất sử dụng vào mục đích công cộng 22,3 ha; đất có mặt nước chuyên dùng 44,4 ha; đất phi nông nghiệp còn lại 79,9 ha và 55,1 ha đất chưa sử dụng). Diện tích đất này đã được rà soát, hoàn thiện thủ tục về cắm mốc ranh giới, thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ. Tổng diện tích đất các đơn vị đã bàn giao và dự kiến tiếp tục bàn giao về địa phương quản lý theo Phương án sử dụng đất được duyệt là 33.371,05 ha Từ sau tháng 11 năm 2019, Tỉnh quyết định thành lập thêm 03 ban quản lý rừng đặc dụng (Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào, Ban quản lý rừng đặc dụng Na Hang và Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu) với tổng diện tích các đơn vị quản lý là 40.365,47 ha. Toàn bộ diện tích đất này chưa được đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định.
V. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC NÔNG, LÂM TRƯỜNG
1. Về chấp hành văn bản pháp luật hiện hành; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện
Để tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 và tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ; Quyết định 112/2008/QĐ-BNN ngày 19 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Định mức kinh tế-kỹ thuật giao rừng, cho thuê rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích lâm nghiệp gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng. Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang (Khóa XV) đã ban hành Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 25 tháng 6 năm 2014 thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2015 thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2016 thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý; phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2017, điều chỉnh tại Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2018, chỉ đạo lập phương án giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ trả lại địa phương tại Thông báo số 65/TB-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân tỉnh về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh...
2. Về kết quả tổ chức thực hiện rà soát, sắp xếp và cắm mốc, đo đạc, cấp Giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP
2.1. Về rà soát sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp và xây dựng Phương án sử dụng đất sau sắp xếp
a) Đối với các công ty do tỉnh quản lý
Hoàn thành phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới cho 05/05 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 327/TT-ĐMDN ngày 01 tháng 3 năm 2016, cụ thể:
- Chuyển đổi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Tuyên Bình, Sơn Dương thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới tại Quyết định số 162, 163, 164, 165/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2016).
- Chuyển Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi, nhà nước không nắm giữ cổ phần (Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới tại Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2016).
Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp sau khi được phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới, đã hoàn thành Phương án sử dụng đất được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 07/2014/TT-BTNMT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường b) Các công ty, đơn vị lâm nghiệp thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam quản lý
Do Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có căn cứ để tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Phương án sử dụng đất của đơn vị. Hiện nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam đang hoàn thiện Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các thủ tục về đất đai tại địa phương theo quy định.
2.2. Công tác rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp
Thực hiện Văn bản số 539/CPCP-KTTH ngày 22 tháng 01 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ về kinh phí thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận đối với các công ty nông lâm nghiệp và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1215/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 07 tháng 4 năm 2015, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận đối với 09 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (gồm 05 công ty trách nhiệm hữu hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và 04 đơn vị lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam) tại Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2017, điều chỉnh tại Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2018 để thực hiện cắm 1.903 mốc (cắm bổ sung cho 05 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý và cắm mới cho 04 đơn vị lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam), lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất cho 1.259,17 km/76 xã, thị trấn và cấp đổi 116 Giấy chứng nhận theo quy định. Kết quả đã thực hiện đo đạc cho 3.548 mốc ranh giới (1.749 mốc đã cắm theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP và cắm bổ sung 1.799 mốc mới), lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất cho 1.201,85 km/73 xã, thị trấn và cấp đổi 71 Giấy chứng nhận theo quy định.
3. Thực trạng về số lượng, chất lượng, khả năng sử dụng hồ sơ, bản đồ hiện có
- Đối với 14 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh được thành lập trước tháng 11 năm 2019, các loại hồ sơ, tài liệu, bản đồ hiện có gồm: Hồ sơ quy hoạch sử dụng đất, hồ sơ thu hồi, giao đất, cho thuê đất, hồ sơ phê duyệt Phương án sử dụng đất; bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ thu hồi, giao đất, cho thuê đất và các loại hồ sơ, tài liệu khác có liên quan, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, sử dụng đất của các đơn vị. Đối với diện tích đất các đơn vị bàn giao về địa phương quản lý chưa được đo đạc lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định.
- Đối với 03 ban quản lý rừng đặc dụng được thành lập tháng 11 năm 2019 hiện chưa có hồ sơ, tài liệu, bản đồ về thu hồi, giao đất. Diện tích đất các đơn vị đang quản lý được khoanh định trên cơ sở bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã, cấp huyện; bản đồ quy hoạch phân 3 loại rừng theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh có tỷ lệ lớn nên độ chính xác không cao, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất của các đơn vị.
VI. THỰC TRẠNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Nguồn nhân lực hiện có từ Phòng Quản lý đất đai, Phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang; các tổ chức, doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ có đủ năng lực chuyên môn và trang thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án.
Ngoài ra còn có lực lượng tham gia, gồm: Cán bộ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đóng tại các huyện, công chức địa chính của các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi thực hiện Đề án về cơ bản có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu tình hình thực tế quản lý sử dụng đất tại địa phương và lực lượng cán bộ của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản rừng và các tổ chức, cá nhân khác.
2. Trang thiết bị và công nghệ thực hiện
Trình độ công nghệ và các trang thiết bị đang sử dụng hiện nay cho phép thực hiện tốt các nội dung công việc của Đề án. Bằng các phương tiện và công nghệ hiện đại như công nghệ định vị toàn cầu (GPSS), máy toàn đạc điện tử, RTK công nghệ bản đồ số mà các cơ quan, đơn vị đang sử dụng khá phổ biến thì việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án là khả thi cao, sản phẩm đạt độ tin cậy.
VII. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nội dung và khối lượng nhiệm vụ
1.1. Lập và thực hiện các Thiết kế kỹ thuật - Dự toán
a) Đối với 03 Ban quản lý rừng đặc dụng
Lập và thực hiện Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính; hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất các đơn vị đang quản lý là 40.365,47 ha (chi tiết có Biểu số 01 kèm theo).
Khối lượng thực hiện cụ thể gồm:
- Lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất (bản đồ ranh giới; bảng thống kê tọa độ các điểm mốc ranh giới, điểm đặc trưng, đường ranh giới; sơ đồ vị trí mốc ranh giới; bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất; bản xác nhận đường ranh giới sử dụng đất và các tài liệu khác theo quy định): 1.264 điểm/590,2 km chiều dài đường ranh giới.
- Xây dựng lưới địa chính: 86 điểm.
- Đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: 40.365,47 ha/địa bàn 15 xã, thị trấn.
- Cấp mới Giấy chứng nhận: 30 giấy.
- Hồ sơ giao rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
b) Đối với các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ
Lập và thực hiện Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc địa chính, đăng ký đất đai; lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích các đơn vị bàn giao về địa phương quản lý khi thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ là 33.371,05 ha.
Khối lượng cụ thể, gồm:
- Xây dựng lưới địa chính: 110 điểm.
- Đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000, 1/2.000, 1/.5000, 1/10.000, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với tổng diện tích là 33.371,05 ha.
- Cấp mới Giấy chứng nhận: 18.407 giấy.
- Cấp đổi Giấy chứng nhận: 8.208 giấy.
1.2. Lập Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích 33.371,05 ha đất do 13 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ bàn giao cho địa phương quản lý khi thực hiện Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ (chi tiết có biểu số 02 kèm theo).
Nội dung này thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
1.3. Tích hợp dữ liệu địa chính
Rà soát dữ liệu không gian theo từng đơn vị hành chính cấp xã để xử lý các lỗi dọc biên giữa các xã tiếp giáp nhau; chuyển đổi dữ liệu địa chính được xây dựng theo đơn vị hành chính cấp xã vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện; xử lý những bất cập về thông tin thuộc tính địa chính trong quá trình tích hợp cơ sở dữ liệu theo đơn vị hành chính xã; thử nghiệm việc quản lý, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu đã được tích hợp.
1.4. Kiểm tra, kiểm soát, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật
- Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Trên cơ sở đó, các sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu của Đề án, trong đó ưu tiên thực hiện đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao đất về địa phương quản lý. Xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý sử dụng đất.
- Tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp về đất đai phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
1.5. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường tại địa phương.
1.6. Công tác quản lý thực hiện Đề án
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả về địa phương quản lý (theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT).
- Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán, xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện Đề án, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xác định vị trí cắm mốc ranh giới ngoài thực địa phục vụ cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính, xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đơn vị thi công phối hợp các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan thực hiện công tác xác định vị trí mốc ranh giới tại thực địa. Thực hiện đúc mốc, cắm mốc và đo đạc lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính; lập Phương án quản lý, sử dụng đất, hồ sơ giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra giám sát kỹ thuật và nghiệm thu sản phẩm.
2. Các giải pháp thực hiện Đề án
2.1. Giải pháp công nghệ, quy trình kỹ thuật
a) Về thiết bị và công nghệ
Trình độ công nghệ và các trang thiết bị đang sử dụng hiện nay cho phép thực hiện tốt các nội dung công việc của Đề án. Bằng các phương tiện và công nghệ hiện đại như công nghệ định vị toàn cầu (GNSS), máy toàn đạc điện tử, Máy đo GPS bằng RTK, công nghệ bản đồ số mà các cơ quan, đơn vị đang sử dụng khá phổ biến thì việc thực hiện xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ địa chính đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh rất thuận lợi, sản phẩm đạt độ tin cậy cao. Hầu hết các đơn vị làm công tác đo đạc và bản đồ đều sử dụng các thiết bị đo GPS, máy toàn đạc điện tử, RTK và các thiết bị điện tử khác. Số liệu được xử lý trên máy tính bằng phần mềm chuyên dụng, bản đồ được xử lý và thành lập bằng công nghệ số.
b) Quy trình kỹ thuật xác định, cắm và đo đạc mốc ranh giới, đường ranh giới sử dụng đất
Quy trình kỹ thuật rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc ranh giới và đường ranh giới sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT, cụ thể:
- Thu thập tài liệu và bản đồ, thực hiện các công việc nội nghiệp, gồm:
+ Các loại bản đồ đất lâm nghiệp, bản đồ địa chính cơ sở; bản đồ địa chính chính quy, bản đồ nền; bản đồ địa hình và các loại bản đồ khác đang sử dụng để quản lý đất nông, lâm trường.
+ Bản đồ địa giới hành chính (theo Chỉ thị 364/CT, được chỉnh lý, bổ sung theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ) của các cấp xã, huyện, tỉnh.
+ Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ kiểm kê rừng và bản đồ quy hoạch 3 loại rừng.
+ Các loại ảnh hàng không, ảnh viễn thám.
+ Các loại bản đồ chuyên đề khác có liên quan.
- Chuẩn bị bản đồ nền: Bản đồ nền phải đảm bảo sử dụng tài liệu gần thời điểm sử dụng nhất, thể hiện đầy đủ các yếu tố địa hình. Nếu bản đồ nền thiếu các yếu tố địa hình thì chuyển vẽ từ bản đồ địa hình tỷ lệ lớn nhất có trong khu vực.
- Chuyển sơ bộ đường ranh giới lên bản đồ nền.
- Thiết kế vị trí mốc trên bản đồ nền; dự kiến điểm cắm mốc, số lượng, mật độ mốc, đánh số hiệu mốc (số lượng và mật độ mốc ranh giới được xác định phù hợp với mức độ phức tạp và quy mô diện tích khoanh đất tại thực địa nhưng khoảng cách trung bình giữa hai mốc liền kề trên đường ranh giới không nhỏ hơn 700 mét trên thực địa đối với đất lâm nghiệp, không nhỏ hơn 300 mét trên thực địa đối với đất nông nghiệp còn lại và đất phi nông nghiệp).
- Đúc mốc ranh giới: Đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Xác định ranh giới, vị trí cắm mốc giới ở thực địa. Thành phần tham gia xác định ranh giới, vị trí cắm mốc ranh giới tại thực địa gồm: Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (chủ trì); đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường; đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã; đại diện tổ chức quản lý, sử dụng đất; đại diện đơn vị thi công; người sử dụng đất có liên quan.
- Lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất; bản xác nhận đường ranh giới sử dụng đất.
- Chôn (cắm) mốc; lập sơ đồ vị trí mốc ranh giới.
- Đo đạc xác định tọa độ mốc, điểm đặc trưng và đường ranh giới.
- Lập hồ sơ ranh giới theo quy định.
c) Quy trình kỹ thuật về đo đạc, lập bản đồ địa chính
- Lưới địa chính được lập theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Việc đo đạc, xác định hiện trạng, lập bản đồ địa chính trong phạm vi thực hiện Đề án, gồm:
+ Xác định theo chỉ tiêu loại đất cơ bản và hiện trạng quản lý, sử dụng đất. Áp dụng quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT và Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
+ Đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp của tổ chức và hộ gia đình, cá nhân xen kẽ trong diện tích đất của các ban quản lý rừng đặc dụng được đo đạc bóc tách theo phạm vị ranh giới của từng chủ sử dụng, quản lý đất. Áp dụng quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT và Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
- Việc đo đạc, xác định hiện trạng, lập bản đồ địa chính đất được thực hiện đồng thời với quá trình lập hồ sơ mốc giới và ranh giới sử dụng đất. Đối với các khu vực nhỏ, các thửa đất độc lập thì thực hiện trích đo theo quy định.
d) Quy trình kỹ thuật tổng hợp, thống kê chi tiết hiện trạng quản lý, sử dụng đất
Thực hiện theo quy định về thống kê, kiểm kê đất đai. Lập các biểu mẫu thống kê chuyên đề để thực hiện, để tổng hợp trước và sau khi đo đạc chi tiết. Bảng biểu kèm theo được tổng hợp theo mẫu quy định.
e) Quy trình kỹ thuật tích hợp dữ liệu địa chính
Thực hiện theo quy định chung hiện hành, trong đó việc tích hợp vào cơ sở dữ liệu địa phương thực hiện theo phạm vi dữ liệu đất đai đất chung theo đơn vị hành chính cấp xã của nông, lâm trường; việc tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương do Tổng cục Quản lý đất đai thực hiện theo phạm vi dữ liệu đất đai đất chung theo đơn vị hành chính cấp xã của nông, lâm trường và các dữ liệu tổng hợp, báo cáo chuyên đề nông lâm trường trên phạm vi cả nước.
g) Giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính
Thực hiện việc giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
h) Về quy trình kỹ thuật điều tra rừng
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.
2.2. Giải pháp về đầu tư; nguồn kinh phí; hình thức quản lý đầu tư
- Nguồn kinh phí đầu tư thực hiện dự án là ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
- Hình thức quản lý đầu tư thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Đối với các nhiệm vụ: Xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc tọa độ mốc ranh giới, đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện phải khảo sát, lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án; đối với các nhiệm vụ giải quyết đất chồng lấn, tranh chấp, lấn, chiếm đất đai, thực hiện phương án giao đất đối với diện tích trả về địa phương quản lý sẽ đưa vào kế hoạch hàng năm của các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ để làm căn cứ triển khai thực hiện.
2.3. Giải pháp về nguồn nhân lực thi công, giám sát, quản lý chất lượng
a) Nguồn nhân lực thi công
Lực lượng thi công thực hiện chính là các đơn vị tại địa phương, các đơn vị Trung ương và các tỉnh khác, cụ thể: Các đơn vị ở địa phương gồm các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị tư vấn có đủ năng lực hoạt động về đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh; ở Trung ương là các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, như các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc và Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Trung tâm Viễn thám Quốc gia, các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác tại các tỉnh có đầy đủ năng lực và điều kiện tham gia thực hiện Đề án.
b) Giám sát thi công và quản lý chất lượng sản phẩm
- Cơ sở để thực hiện kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu chất lượng, khối lượng các sản phẩm của Đề án là các quy định hiện hành, Đề án và Thiết kế kỹ thuật - Dự toán được phê duyệt.
- Nội dung, phương pháp, trách nhiệm kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu sản phẩm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 49/2016/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai.
- Lực lượng thực hiện là các đơn vị được Cục đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ có nội dung về kiểm tra, nghiệm thu công trình đo đạc bản đồ địa chính. Chủ yếu là các đơn vị của Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là những đơn vị có trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình đo đạc, lập bản đồ địa chính các loại tỷ lệ. Ngoài ra có lực lượng chuyên môn tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng với cán bộ kỹ thuật của các ban quản lý rừng đặc dụng tham gia trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm.
2.4. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến chính sách pháp luật
- Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vị Đề án chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tại địa phương tổ chức họp dân (người dân có liên quan tại các địa bàn triển khai Đề án) và tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh tại địa phương về lợi ích của Đề án.
- Biện pháp tuyên truyền có thể thông qua các cuộc họp, gặp gỡ trực tiếp, hội thảo, hoặc thông qua các trang thông tin của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các phương tiên thông tin đại chúng.
2.5. Giải pháp phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức các cấp, giữa cơ quan nhà nước với đơn vị thi công, tổ chức sử dụng đất và người dân
- Đối với nhiệm vụ xác định ranh giới, vị trí cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ giao rừng: Phối hợp thực hiện giữa Sở Tài nguyên và Môi trường (chủ trì), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã, các Ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị thi công, người sử dụng đất có liên quan (quy định tại khoản 3, Điều 11 Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT).
- Đối với nhiệm vụ xác định nguồn gốc sử dụng đất: Phối hợp giữa các ban quản lý rừng đặc dụng, các đối tượng lấn, chiếm, có đất chồng lấn, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị kiểm lâm tại địa phương.
- Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính: Phối hợp giữa đơn vị tư vấn, các Ban quản lý rừng đặc dụng với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị kiểm tra nghiệm thu, giám sát chất lượng, Chủ đầu tư.
- Các bước xử lý quỹ đất bàn giao cho địa phương thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT.
VIII. SẢN PHẨM, KẾT QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
Sản phẩm của Đề án (dạng giấy và dạng số), bao gồm:
1. Sản phẩm hồ sơ ranh giới sử dụng đất được lập theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT, gồm:
- Bản đồ ranh giới, gồm các mảnh bản đồ địa chính có chứa đường ranh giới sử dụng đất. Số lượng, chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể sẽ xác định trong Thiết kế kỹ thuật - Dự toán được duyệt.
- Bảng thống kê tọa độ các điểm mốc ranh giới, điểm đặc trưng, đường ranh giới.
- Sơ đồ vị trí mốc ranh giới.
- Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.
- Bản xác nhận đường ranh giới sử dụng đất.
- Biên bản về các trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong.
- Bảng kê diện tích đất của tổ chức.
- Báo cáo kết quả lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Bản đồ địa chính các loại tỷ lệ 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000, 1/.10.000 lập theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
3. Bộ dữ liệu về đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
4. Dữ liệu đất đai nông lâm trường đã được tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương và Trung ương.
5. Hồ sơ giao rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
6. Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất nông lâm trường, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
7. Kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên đề (nếu có).
8. Báo cáo tổng kết Đề án: Đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất; các giải pháp, chính sách xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên phạm vi toàn tỉnh.
9. Các loại hồ sơ, tài liệu khác theo Thiết kế kỹ thuật - Dự toán được duyệt.
IX. KHÁI TOÁN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1.1. Cơ sở lập khai toán kinh phí
- Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.490.000 đồng/tháng;
- Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;
- Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
- Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm, công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức (mức 3 là cấp trách nhiệm tổ trưởng khảo sát, đo đạc: hệ số phụ 0,2);
- Thông tư số 06/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động đối với cán bộ, công chức, viên chức (mức 2 là phụ cấp lưu động cho tổ, đội điều tra đo đạc nông nghiệp, lâm nghiêp, hệ số phụ cấp 0,4);
- Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện phụ cấp khu vực;
- Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN ngày 19 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật giao rừng, cho thuê rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích lâm nghiệp gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng;
- Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập, quản lý kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên và môi trường;
- Thông tư số 49/2013/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành kèm theo Định mức kinh tế kỹ thuật xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp ban hành kèm theo (Định mức 49);
- Thông tư số 14/2017/TT-BTNMT ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Thông tư số 14/2017/TT-BTNMT - Định mức 14);
- Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đơn giá Đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
- Các văn bản quy định về chế độ tài chính, chế độ bảo hiểm hiện hành có liên quan.
1.2. Lập khái toán kinh phí chi tiết cho từng hạng mục công việc
Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự tính: 85,218 tỷ đồng, trong đó:
- Kinh phí đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất do 03 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý là 34,170 tỷ đồng (có biểu số 03 kèm theo).
- Kinh phí giao rừng cho 03 Ban quán lý rừng đặc dụng là 8,793 tỷ đồng theo định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN ngày 19 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có biểu số 04 kèm theo).
- Kinh phí đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trả lại địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương là 42,255 tỷ đồng (có biểu số 05 kèm theo).
2. Nguồn vốn thực hiện Đề án
- Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 và khoản 5 Điều 2 Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân sách địa phương.
- Từ nguồn đầu tư đóng góp, ủng hộ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Đối với các nhiệm vụ chưa tính toán kinh phí trong Đề án này, nguồn vốn thực hiện theo phân cấp ngân sách.
X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án được phê duyệt tại Điều 1, Quyết định này.
- Tổ chức lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đối với nhiệm vụ lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xác định giá thuê đất (nếu có); giao đất, giao rừng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định để làm cơ sở lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện; giám sát kỹ thuật và nghiệm thu sản phẩm.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện nội dung của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ Trung ương cho tỉnh để thực hiện Dự án.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương quản lý.
- Hướng dẫn các ban quản lý rừng đặc dụng và đơn vị tư vấn thực hiện việc xác định ranh giới và cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Đề án với Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu tổ chức thực hiện tổng kết Đề án.
2. Sở Tài chính
Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung tổ chức thẩm định Dự toán theo quy định, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đề án; hướng dẫn xử lý tài sản nhà nước và tài sản khác trên diện tích đất trả về địa phương (trong quá trình bàn giao đất về cho địa phương và quá trình lập phương án bố trí sử dụng diện tích đất này).
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán; lập hồ sơ quản lý rừng theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan trong việc xử lý tài sản là rừng trồng trên đất.
- Chỉ đạo phòng ban chuyên môn có liên quan và các đơn vị trực thuộc như: Chi cục Kiểm lâm, các ban quản lý rừng phòng hộ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Đề án.
4. Thanh tra tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; trong đó tập trung xử lý hoặc đề xuất giải quyết (đối với trường hợp vượt thẩm quyền) các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật (nếu có) trong phạm vi ranh giới đất thuộc các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia Tam Đảo (trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh), công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật.
5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng đất có liên quan thực hiện tổng rà soát đất đai đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường và xây dựng, trình phê duyệt, triển khai thực hiện phương án quản lý, sử dụng đất theo hướng dẫn chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Công an tỉnh chỉ đạo đảm bảo an ninh trong quá trình rà soát đất đai, cắm mốc, đo đạc đối với đất ở khu vực phức tạp về an ninh và trong quá trình kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, giải quyết tranh chấp, xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện Đề án
Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện Đề án phối hợp với đơn vị thi công, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xác định vị trí cắm mốc ranh giới ngoài thực địa phục vụ cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; xây dựng, thực hiện Phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất bàn giao cho địa phương; hướng dẫn lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
7. Các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công, đơn vị kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình thực hiện các nội dung của Đề án.
8. Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến hết năm 2025 (lộ trình cụ thể tại mục VI phần I của Đề án).
PHẦN III
I. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI
Thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh giúp cho các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và người dân sử dụng đất ổn định, quản lý, khai thác, sử dụng đất, rừng có hiệu quả, giúp cơ quan nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đất đai, rừng theo quy định của pháp luật, tránh lãng phí, tiêu cực.
Trên cơ sở điều tra, đo đạc, thống kê chi tiết giúp cơ quan quản lý nắm chắc quỹ đất và thực trạng tình hình sử dụng đất, làm cơ sở thực hiện việc giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện chính sách tài chính về đất đai, tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xác định được cụ thể, chi tiết ranh giới ngoài thực địa sẽ là cơ sở để giải quyết tranh chấp về đất đai, hạn chế tình trạng để bị lấn, chiếm; xác định được các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất, kiến nghị giải quyết.
Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh cũng là một trong những biện pháp bảo vệ rừng; góp phần quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững một sản lượng lớn lâm sản phục vụ nhu cầu của xã hội. Từ các loại gỗ, tre, nứa … tạo ra các mặt hàng đa dạng và phong phú, các dự án du lịch sinh thái tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo động lực cho người dân gắn bó với rừng, tham gia tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh giúp cho việc quản lý, sử dụng đất, rừng của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Qua đó đề ra được những biện pháp khai thác, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên đất, rừng; đặc biệt là khai thác, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng góp phần cung cấp nguồn gỗ, các loại lâm sản, điều hòa, tạo ra oxy, bảo vệ nguồn nước, động thực vật, tàng trữ được các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo môi trường sinh thái cho sự sống.
III. ĐÁNH GIÁ TÍNH BỀN VỮNG CỦA ĐỀ ÁN
Đất đai luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia, đặc biệt trong những năm trở lại đây, khi nền kinh tế của Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể, vấn đề đất đai càng trở thành một vấn đề nóng bỏng. Đối với các ban quản lý rừng và các công ty nông, lâm nghiệp có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn tình trạng quản lý chưa chặt chẽ quỹ đất, hiệu quả sử dụng đất thấp, còn để xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, diện tích, để bị lấn, bị chiếm; cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép; giao khoán không đúng đối tượng… Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, nhất là nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục rà soát trả lại một phần diện tích đất sử dụng không hiệu quả của các đơn vị về địa phương để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc thực hiện Đề án sẽ:
- Cung cấp thông tin quan trọng, trên cơ sở đó hoạch định các chính sách quản lý đất đai đối với các ban quản lý rừng và các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương.
- Rà soát, sắp xếp lại quỹ đất của các ban quản lý rừng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và năng lực quản lý của đơn vị, phù hợp quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh; đây cũng là cơ sở để tiếp tục xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp, đáp ứng yêu cầu về rừng đặc dụng, chức năng phòng hộ đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có được tài liệu hồ sơ kỹ thuật và pháp lý để phục vụ cho việc quản lý đất đai được chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch; hạn chế tối đa việc tham nhũng, tiêu cực về đất đai; giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai.
- Đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người quản lý, sử dụng đất; đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước.
- Góp phần rất lớn vào việc sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, bảo vệ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.
IV. ĐÁNH GIÁ RỦI RO CỦA ĐỀ ÁN
1. Các đơn vị tham gia thực hiện Đề án không thực hiện được công việc đúng tiến độ và chất lượng.
Phương án khắc phục: Các đơn vị cam kết đảm bảo huy động nguồn lực của mình hoàn thành công việc đúng thời gian và chất lượng theo yêu cầu, phối hợp ở mức cao nhất trong khi thực hiện.
2. Quá trình thi công không đảm bảo yêu cầu đồng bộ, sự phối hợp của cấp cơ sở (cấp xã) không chặt chẽ, gây chậm tiến độ hoàn thành Đề án.
Phương án khắc phục: Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đảm bảo sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường đối với chính quyền cơ sở và các ngành tại địa phương.
3. Không giải quyết kịp thời kinh phí.
Do nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án lớn nên cần chủ động lên kế hoạch sớm, ưu tiên chỉ đạo và bố trí kinh phí để tập trung hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công việc, tránh dàn trải.
4. Dễ nảy sinh tiêu cực, bị lợi dụng trong quá trình rà soát lập Phương án quản lý, sử dụng đất; vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản trên đất, nhất là diện tích đất có vốn rừng trồng của nhà nước.
Phương án khắc phục: Phải công khai phương án bố trí sử dụng đất, đảm bảo minh bạch trong quá trình lập Phương án quản lý, sử dụng đất; ưu tiên người dân sản xuất nông nghiệp, sinh sống bằng nghề rừng tại các địa phương nơi có đất; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các Sở ngành (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường) trong quá trình lập Phương án quản lý, sử dụng đất tại các địa phương; kịp thời hướng dẫn xử lý tài sản trên đất chuyển về cho địa phương ngay trong quá trình điều chuyển và trong quá trình lập phương án bố trí sử dụng đất.
PHẦN IV
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
I. KẾT LUẬN
Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.867,9 km2, gồm 07 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 06 huyện), trong đó đất có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh nằm ở tất cả địa bàn các huyện, thành phố. Do đó nguồn lực của địa phương phục vụ cho công tác rà soát việc sử dụng đất đai, xác định mốc giới, đo đạc bản đồ địa chính còn hạn chế, thực hiện chắp vá, chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung vào đất sản xuất nông nghiệp, đất đô thị, dân cư.
Để quản lý nguồn tài nguyên đất đai hiệu quả, bền vững, xác định rõ phạm vi sử dụng đất, quản lý chặt chẽ quỹ đất, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, tạo điều kiện cho việc sử dụng đất ngày càng hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật, phát huy tiềm năng đất đai thì việc xây dựng và thực hiện “Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” là rất quan trọng, đồng thời để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Để tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường quốc doanh; thực hiện có hiệu quả Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Đề án sau khi phê duyệt, kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm giúp đỡ, trình Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Tuyên Quang để triển khai thực hiện./.
[1] - Diện tích đất giữ lại của 03 Công ty cổ phần chè đã thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, diện tích đất giữ lại của 02 Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang, Lâm Bình đã thực hiện sắp xếp đổi mới theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP và đã hoàn thành hồ sơ đất đai theo quy định nên không thuộc đối tượng thực hiện theo Đề án này.
- Diện tích đất giữ lại của 09 công ty lâm nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp Tuyên Bình, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa; Công ty cổ phần lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi; Công ty lâm nghiệp Hàm Yên, Tân Thành, Tân Phong) thuộc trường hợp sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP nên không thuộc đối tượng thực hiện theo Đề án này.
- Đối với diện tích đất do các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Diện tích này cơ bản đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định nên không thuộc đối tượng thực hiện theo Đề án này.
[2] Kết quả đến nay cấp được 15.845 Giấy chứng nhận cho các chủ sử dụng đất với diện tích 4.566 ha trên diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao về địa phương quản lý.
[3] Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp Chiêm Hóa tại Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 15/8/2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp Tuyên Bình tại Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 02/8/2017; Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp Sơn Dương tại Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 02/8/2017; Công ty cổ phần lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi tại Quyết định số 355/QĐ-UBND ngày 16/10/2017; Công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp Yên Sơn tại Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 23/9/2017.
- 1Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2022 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 2Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố Cần Thơ
- 3Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 4Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2023 tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Nghị định 170/2004/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh
- 2Nghị định 200/2004/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh
- 3Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 4Thông tư 05/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ ban hành
- 5Thông tư 06/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ ban hành
- 6Nghị quyết số 28-NQ/TW về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Bộ Chính trị ban hành
- 7Quyết định 112/2008/QĐ-BNN về định mức kinh tế-kỹ thuật giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích lâm nghiệp gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8Quyết định 513/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Luật đất đai 2013
- 10Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2014 tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 11Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- 12Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất
- 13Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 14Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất
- 15Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
- 16Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 17Thông tư 24/2014/TT-BTNMT về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 18Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về bản đồ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 19Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 20Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp
- 21Thông tư 49/2014/TT-BTNMT về Định mức kinh tế - kỹ thuật xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới hành chính và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 22Thông tư 07/2015/TT-BTNMT Quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 23Kế hoạch 33/KH-UBND năm 2015 thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 24Nghị định 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ
- 25Luật ngân sách nhà nước 2015
- 26Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 27Nghị quyết 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng do Quốc hội ban hành
- 28Thông tư 05/2017/TT-BTNMT quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 29Luật Quy hoạch 2017
- 30Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2016 thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quản lý
- 31Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước
- 32Thông tư 136/2017/TT-BTC về quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 33Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai
- 34Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai và sửa đổi thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 35Thông tư 49/2016/TT-BTNMT quy định công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 36Chỉ thị 13-CT/TW năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 37Luật Đo đạc và bản đồ 2018
- 38Thông tư 14/2017/TT-BTNMT Quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 39Luật Lâm nghiệp 2017
- 40Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp
- 41Nghị định 27/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ
- 42Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 43Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 44Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 45Thông tư 27/2018/TT-BTNMT về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 46Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 47Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
- 48Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai
- 49Quyết định 28/2019/QĐ-UBND về Đơn giá đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 50Quyết định 32/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh hiện do công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 51Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường do Chính phủ ban hành
- 52Công văn 1596/BTNMT-TCQLĐĐ năm 2020 về thực hiện Quyết định 32/QĐ-TTg và Nghị quyết 22/NQ-CP do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 53Nghị quyết 134/2020/QH14 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Quốc hội ban hành
- 54Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư quy định hướng dẫn Luật Đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 55Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 56Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2022 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 57Thông tư 11/2022/TT-BTNMT sửa đổi một số Thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 58Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố Cần Thơ
- 59Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 60Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2023 tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Quyết định 382/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- Số hiệu: 382/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/10/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Nguyễn Mạnh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/10/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra