Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3798/2003/QĐ-UB

Hải Dương, ngày 18 tháng 09 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH (TẠM THỜI) VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG

UBND TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/4/1994;

Theo đề nghị của sở Công nghiệp tại tờ trình số 276/TT-CN, ngày 20/8/2003 V/v Ban hành Quy định về tiêu chuẩn làng nghề Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Quy định (tạm thời) về tiêu chuẩn làng nghề Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương".

Điều 2. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 3. Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (Để B/c),
- Thường trực HĐND tỉnh,
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh,
- Như điều 3,
- Các Ban HĐND tỉnh,
- Lãnh đạo Văn phòng,
- Các chyên viên liên quan,
- Lưu VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Nhưng

 

QUY ĐỊNH (TẠM THỜI)

VỂ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP-TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành theo Quyết định 3798/2003/QĐ-UB ngày 18 tháng 9 năm 2003 của UBND tỉnh Hải Dương)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm làng nghề

- Làng nghề là làng (thôn) có ngành nghề sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở từng hộ trong làng tới mức trở thành nguồn sống chính hoặc thu nhập chủ yếu của người lao động trong thôn, làng.

- Làng nghề truyền thống là làng nghề đã hình thành lâu đời, sản phẩm có tính cách riêng biệt mang tính đặc thù riêng của địa phương, được nhiều nơi biết đến, sản phẩm có giá trị kinh tế và văn hóa cao.

Điều 2. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới sản xuất CN-TTCN trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về CN-TTCN trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Phát triển ngành nghề, làng nghề CN-TTCN phải gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của từng vùng, từng xã phường và xây dựng nông thôn mới.

Điều 4. Việc xây dựng tiêu chuẩn làng nghề tạo thuận lợi phát triển làng nghề CN-TTCN, dịch vụ gắn bó với các hoạt động văn hóa du lịch, giao lưu kinh tế và làm cơ sở để xây dựng, phát triển, xét công nhận làng nghề, thực hiện các chính sách ưu đãi, v.v…

Chương 2.

TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP-TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

Điều 5. Một làng, thôn được gọi là làng nghề CN-TTCN của tỉnh Hải Dương khi đủ các điều kiện sau:

1. Số hộ hoặc lao động làm nghề CN-TTCN ở làng đạt từ 35% trở lên so với tổng số hộ hoặc lao động của làng.

2. Giá trị sản xuất và thu nhập từ CN-TTCN ở làng chiếm tỷ trọng 40% trở lên so với tổng giá trị sản xuất và thu nhập của làng trong năm.

3. Thu nhập bình quân của làng nghề sản xuất CN-TTCN phải cao hơn thu nhập bình quân của xã, phường từ 10% trở lên.

4. Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Có hình thức tổ chức phù hợp, chịu sự quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội và làng văn hóa của địa phương.

Điều 6. Tên nghề của làng phải được gắn đi cùng với tên làng

+ Nếu là làng nghề truyền thống, cổ truyền còn tồn tại và phát triển thì lấy nghề đó đặt tên cho nghề của làng.

+ Nếu làng có nhiều nghề phát triển, sản phẩm nghề nào nổi tiếng nhất thì lấy nghề đó đặt tên cho nghề của làng, hoặc trong làng có nhiều nghề không phải là nghề truyền thống hay chưa có sản phẩm nghề nào nổi tiếng thì tên nghề của làng phải dựa vào nghề nào đó có giá trị sản xuất và thu nhập cao nhất để đặt tên nghề gắn với tên làng.

Việc đặt tên nghề của làng do nhân dân bàn bạc, thống nhất và chính quyền địa phương xem xét đề nghị.

Các tiêu chuẩn trên của làng phải ổn định và đạt từ 3 năm trở lên thì được UBND tỉnh tổ chức xét công nhận làng nghề.

Chương 3.

TỔ CHỨC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ

Điều 7. Việc xét duyệt, công nhận làng nghề CN-TTCN phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

Khuyến khích các địa phương có nghề sản xuất CN-TTCN phát triển (kể cả làng nghề truyền thống, cổ truyền, làng nghề mới) đăng ký xây dựng làng nghề, theo các tiêu chuẩn quy định đề nghị xét công nhận là làng nghề.

+ UBND xã, phường, thị trấn có văn bản đề nghị, được UBND huyện, thành phố đồng ý gửi hồ sơ trực tiếp về sở Công nghiệp Hải Dương để sở Công nghiệp chủ trì thống nhất với các Sở, Ban, ngành liên quan của tỉnh thẩm định và trình UBND tỉnh xét công nhận.

+ Hàng năm UBND tỉnh xét công nhận danh hiệu làng nghề, cho các làng đạt tiêu chuẩn quy định (theo Điều 5).

Điều 8. Nếu 3 năm liền không đạt các tiêu chuẩn làng nghề, UBND xã, phường, thị trấn báo cáo UBND huyện, thành phố và Sở Công nghiệp để trình UBND tỉnh dừng công nhận làng nghề.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA LÀNG NGHỀ

Điều 9. Trách nhiệm của làng nghề

+ Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng, phát triển ngành nghề, làng nghề, gắn với việc xây dựng làng văn hóa, làng an toàn và các phong trào xã hội khác.

+ Xây dựng làng nghề tiếp tục phát triển, động viên các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển các mặt hàng mà pháp luật không cấm, góp phần xây dựng kinh tế địa phương giàu mạnh, hoàn thành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước.

+ Thường xuyên đi sâu nghiên cứu cải tiến thiết bị công nghệ sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, du nhập nghề mới, sản phẩm mới và đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm hàng hóa để chiếm lĩnh thị trường, đồng thời đảm bảo vệ sinh, môi trường để duy trì và phát triển làng nghề.

+ Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành và hàng năm gửi báo cáo tình hình hoạt động của làng nghề với Sở Công nghiệp.

Điều 10. Quyền lợi của làng nghề

+ Được thực hiện các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước và của tỉnh đối với làng nghề, được hưởng chính sách khuyến công, vay vốn, giải quyết đất đai để phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội, quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề v.v...

+ Được Nhà nước bảo hộ về quyền sở hữu công nghiệp và thương hiệu sản phẩm hàng hóa của làng nghề và doanh nghiệp trong làng nghề.

+ Được đào tạo, bồi dưỡng, tham gia các lớp học nghề giành cho cán bộ quản lý, nghệ nhân, công nhân lành nghề theo quy định của Nhà nước.

+ Được xét khen thưởng theo chính sách của nhà nước.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. UBND xã, phường, thị trấn phân công cán bộ theo dõi, quản lý làng nghề, tập hợp các thông tin, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người làm nghề, giải thích cho mọi người biết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo về cấp trên xem xét giải quyết theo quy định.

Điều 12. Các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn các địa phương (làng, thôn), phấn đấu xây dựng phát triển ngành nghề, làng nghề để đạt theo tiêu chuẩn quy định và đề nghị UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề.

Điều 13. Hàng năm Sở Công nghiệp phối hợp với các sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành tổng kết việc khôi phục, nhân cấy nghề và xây dựng phát triển làng nghề, thi thợ giỏi gắn liền với công tác tổng kết công nghiệp của địa phương.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện, cần kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện quy định về làng nghề cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3798/2003/QĐ-UB về Quy định (tạm thời) tiêu chuẩn làng nghề Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 3798/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Trọng Nhưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản