Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 364/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 19 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;

Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;

Căn cứ Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT, ngày 23 tháng 7 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2015;

Căn cứ Quyết định số 3159/QĐ-UBND, ngày 07 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 18/TTr-SGDĐT, ngày 01 tháng 02 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2019-2025 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Các tổ chức chính trị, xã hội của tnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




H'Yim Kđoh

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 19/02/2019 của UBND tỉnh)

Căn cứ các quy định hiện hành và trên cơ sở tình hình thực tế triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2011 - 2018 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh; từng bước triển khai chương trình tiếng Anh mới ở các cấp học, trình độ đào tạo; nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương và đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với giáo dục mầm non:

Phấn đấu đến năm 2020 có 20% và đến năm 2025 có 40% trẻ mầm non được làm quen với ngoại ngữ.

b) Đối với giáo dục phổ thông

- Đến năm 2020 có hơn 30% và đến năm 2025 có hơn 50% học sinh lớp 1 và lớp 2 học tự chọn chương trình môn ngoại ngữ.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo chương trình 7 năm hiện hành và tăng cường triển khai chương hình tiếng Anh 10 năm trong tất cả các cấp học ở các trường phổ thông; phấn đấu năm học 2019-2020, 70% các trường tiểu học (TH), 50% các trường trung học cơ sở (THCS); 40% các trường trung học phổ thông (THPT); đến năm học 2024-2025, 100% học sinh TH, 70% trường THCS, 60% trường THPT học chương trình ngoại ngữ 10 năm.

- Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học chương trình tăng cường tiếng Pháp ở các trường TH Võ Thị Sáu, TH Lê Hồng Phong, Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột và THPT chuyên Nguyễn Du; đến năm học 2020-2021 có 10% và đến năm học 2024-2025 có 30% học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được học ngoại ngữ thứ 2.

- Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để triển khai dạy và học môn Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và một số môn học khác bằng tiếng Anh ở Trường THPT chuyên Nguyễn Du và một số trường TH, THCS, THPT có điều kiện từ năm học 2020-2021; đến năm học 2024-2025, có 5% học sinh THPT được học môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

c) Đối với giáo dục nghề nghiệp

Phấn đấu đến năm 2025, 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo.

d) Đối với giáo dục thường xuyên

Tiếp tục đổi mới dạy và học ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng cơ bản nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học; phấn đấu có 20% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ vào năm 2020 và đạt 50% vào năm 2025.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

2.1. Tăng cường công tác thông tin truyền thông

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về dạy và học ngoại ngữ bằng các hình thức và phương pháp phù hợp gồm đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng tờ gấp, tổ chức hội nghị, hội thảo... nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

b) Tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt mục tiêu, yêu cầu nội dung của Đề án; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý các cấp, các ngành, giáo viên, phụ huynh học sinh về đổi mới dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

c) Tăng cường khai thác, khuyến khích việc sử dụng các chương trình dạy và học ngoại ngữ trên truyền hình, Internet; phổ biến và cung cấp các tài liệu, sách, báo chuyên ngành ngoại ngữ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường nhằm thu hút sự tham gia của học sinh, sinh viên và toàn xã hội về việc sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, học tập và làm việc.

2.2. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực chuyên môn và tuyển dụng giáo viên tiếng Anh

a) Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh thông qua các kỳ thi khảo sát, đánh giá năng lực; thực hiện việc đánh giá thường xuyên, định kỳ, tăng cường hình thức đánh giá thông qua dạy học và tự đánh giá. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng cho việc xác định nhu cầu bồi dưỡng.

b) Tiếp tục phối hợp với các trường đại học, các đơn vị, tổ chức có năng lực và uy tín được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép để tổ chức bồi dưỡng cho những giáo viên chưa đạt chuẩn và tổ chức đánh giá năng lực sau bồi dưỡng; chú trọng bồi dưỡng tại chỗ có sự tham gia của giáo viên tiếng Anh bản ngữ nhằm nâng cao hiệu quả bồi dưỡng.

c) Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học cho giáo viên tiếng Anh; gắn hoạt động bồi dưỡng với sinh hoạt tổ chuyên môn, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tự bồi dưỡng.

d) Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng những giáo viên các bộ môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác có năng lực ngôn ngữ để có thể dạy học môn học bằng tiếng Anh; có chính sách khuyến khích giáo viên học và tự học để nâng cao năng lực dạy học bằng tiếng Anh.

đ) Thực hiện quy chế tuyển dụng giáo viên tiếng Anh theo quy định của Bộ GDĐT: Giáo viên có trình độ đào tạo chính quy từ Cao đẳng sư phạm trở lên, có chứng chỉ năng lực ngôn ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chuẩn TOEFL, IELTS, FCI hoặc tương đương với trình độ B2 đối với giáo viên TH, THCS và trình độ đại học có chứng chỉ C1 đối với giáo viên THPT, GDTX và GDNN; đảm bảo tuyển đủ số lượng giáo viên tiếng Anh cho các cấp học theo lộ trình của Kế hoạch triển khai Đề án.

e) Tăng cường các kỹ năng nghe, nói chuẩn bằng cách tạo cơ hội cho giáo viên tiếng Anh được tiếp xúc với giáo viên bản ngữ; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh cốt cán được học tập để nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài.

2.3. Tiếp tục triển khai dạy và học chương trình ngoại ngữ 10 năm trong các nhà trường

a) Tiếp tục triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp TH, THCS và cấp THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

b) Triển khai áp dụng kiểm tra, đánh giá đầu ra ngoại ngữ đối với học sinh các cấp học theo định dạng bài thi Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc.

c) Triển khai thí điểm việc dạy học môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác bằng tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Nguyễn Du, rút kinh nghiệm và mở rộng cho một số trường TH, THCS, THPT khác có điều kiện.

d) Triển khai dạy ngoại ngữ thứ 2 cho một số trường TH, THCS, THPT có điều kiện.

đ) Khuyến khích các trường phổ thông sử dụng các bộ sách bổ trợ, sách song ngữ để nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ.

e) Tăng cường tổ chức các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động của các câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường để phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, phát triển các kỹ năng thuyết trình, giao tiếp.

g) Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn tiếng Anh đối với giáo dục nghề nghiệp; chương trình tiếng Anh chuyên ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với giáo dục nghề nghiệp.

h) Tiếp tục củng cố và nhân rộng trường học điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

32.4. Tăng cường cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu, thiết bị dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học ngoại ngữ

a) Rà soát cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường để có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án.

b) Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ; phấn đấu 100% trường học đều được trang bị thiết bị tối thiểu dạy học ngoại ngữ và tăng cường đầu tư phòng nghe nhìn, phòng đa phương tiện cho những trường trọng điểm về chất lượng dạy học ngoại ngữ.

c) Tận dụng các nguồn học liệu, đặc biệt là học liệu trực tuyến, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để đẩy mạnh phương thức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ từ xa.

2.5. Thực hiện chính sách ưu tiên đối với giáo viên dạy học bằng ngoại ngữ

a) Có chính sách ưu tiên cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ có trình độ chuyên môn cao, giáo viên có nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia tham gia các khóa học nâng cao trình độ tiếng Anh trong nước và nước ngoài.

b) Có chính sách hỗ trợ cho các giáo viên môn Toán, Khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng Anh; ưu tiên tuyển chọn những giáo viên có khả năng dạy môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác có có trình độ đạt chuẩn B2 trở lên tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo trong nước và nước ngoài để có thể dạy song ngữ các môn học trong nhà trường, theo hướng dẫn và quy định của Trung ương.

c) Ưu tiên tuyển dụng sinh viên môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác đạt chuẩn trình độ đào tạo và sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp; có chính sách khuyến khích giáo viên các môn học tự học thêm tiếng Anh để dạy song ngữ, theo hướng dẫn và quy định của Trung ương.

d) Ưu tiên các nguồn học bổng, các chương trình đi học ngắn hạn ở nước ngoài để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên ngoại ngữ cốt cán nhằm đáp ứng năng lực theo yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ.

2.6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác dạy và học ngoại ngữ; khuyến khích và phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; thu hút đầu tư nước ngoài phát triển mở rộng các loại hình đào tạo tiếng Anh; thành lập các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá năng lực ngoại ngữ có chất lượng.

2.7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ

a) Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảng dạy và học tập ngoại ngữ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế với các tổ chức nước ngoài trong dạy và học ngoại ngữ; chú trọng mô hình dạy học tiếng Anh tăng cường theo hình thức xã hội hóa trong các nhà trường.

b) Tạo điều kiện thuận lợi và sẵn sàng đón tiếp các chuyên gia, giảng viên có trình độ cao ở nước ngoài tư vấn, hỗ trợ, giảng dạy cho giáo viên và học sinh; cử cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh tham dự các khóa bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước.

c) Tổ chức các hội nghị, tập huấn và triển khai hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trên địa bàn tỉnh; phát triển và quản lý tốt các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, các cơ sở có yếu tố nước ngoài góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh.

d) Mở rộng, đa dạng hóa các loại hình hợp tác quốc tế về giáo dục; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cá nhân có nguyện vọng tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngoại ngữ; hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh sử dụng tiếng Anh.

2.8. Tăng cường đổi mới công tác quản lý, giám sát chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý, giám sát chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường, các trung tâm ngoại ngữ; thường xuyên giám sát và kiểm tra đánh giá việc thực hiện triển khai đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường; giám sát việc sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, tài liệu, học liệu được cấp phát phục vụ cho công tác dạy học ngoại ngữ.

3. Lộ trình thực hiện Đề án

Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án theo các giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2025, lộ trình triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như sau:

3.1. Giai đoạn 2019-2020

a) Bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh

- Tiếp tục bồi dưỡng và tổ chức thi cấp chứng chỉ đạt chuẩn cho giáo viên tiếng Anh; phấn đấu đến năm học 2019-2020 hoàn thành việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho tất cả những giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn.

- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh, kết hợp với chương trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo, tập huấn, báo cáo chuyên đề nâng cao năng lực dạy học, đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói... cho giáo viên tiếng Anh.

- Tuyển chọn một số giáo viên môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác có năng lực ngôn ngữ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành để dạy học môn học bằng tiếng Anh trong Trường THPT chuyên Nguyễn Du và một số trường TH, THCS, THPT khác có đủ điều kiện.

- Chọn cử và tạo điều kiện cho các giáo viên tiếng Anh được tham gia học tập, bồi dưỡng với giáo viên bản ngữ và nước ngoài.

b) Triển khai dạy và học chương trình tiếng Anh 10 năm

- Năm học 2019-2020: Tiếp tục triển khai mở rộng dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm cho các cấp học; phấn đấu 70% các trường TH, 50% các trường THCS; 40% các trường THPT dạy học theo chương trình 10 năm.

- Triển khai cho khoảng 30% học sinh lớp 1 và lớp 2 học tự chọn chương trình môn ngoại ngữ trong các trường TH có điều kiện; phấn đấu 20% trẻ mầm non được làm quen với ngoại ngữ.

- Củng cố và phát triển mô hình trường điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

c) Triển khai chương trình ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp

Triển khai chương trình ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có 20% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo.

d) Triển khai chương trình ngoại ngữ đối với giáo dục thường xuyên

Tiếp tục triển khai đổi mới dạy và học ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên; phấn đấu có 20% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 bậc trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 vào năm 2020.

e) Tăng cường cơ sở vật chất, học liệu, thiết bị dạy học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học ngoại ngữ

- Tiến hành rà soát cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ trong tất cả trường học trên địa bàn tỉnh; đầu tư, nâng cấp bổ sung cho 60% số trường đủ trang thiết bị tối thiểu dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới; đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện ở các trường trọng điểm.

- Năm học 2019-2020, đầu tư nâng cấp để có trên 80% số trường phổ thông có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng dạy học theo chương trình mới; tiếp tục đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các nhà trường.

- Tiếp tục tận dụng và tăng cường đầu tư xây dựng các nguồn học liệu, đặc biệt là học liệu trực tuyến, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để đẩy mạnh phương thức đào tạo ngoại ngữ từ xa trong tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh.

3.2. Giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục và tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2019-2020 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

a) Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh

- Kết hợp với kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo, tập huấn, báo cáo chuyên đề nâng cao năng lực dạy học, đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói... cho giáo viên tiếng Anh.

- Tiếp tục tuyển chọn giáo viên môn Toán và Khoa học tự nhiên có năng lực ngôn ngữ để đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành dạy học môn học bằng tiếng Anh trong các trường THPT.

- Chọn cử và tạo điều kiện cho các giáo viên tiếng Anh được tham gia học tập, bồi dưỡng với giáo viên bản ngữ và nước ngoài.

b) Triển khai dạy và học chương trình tiếng Anh 10 năm

- Giai đoạn 2021 - 2022:

+ Tiếp tục triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh 10 năm trong các cấp học; phấn đấu đến năm học 2021-2022, 80% trường TH, 60% trường THCS, 50% trường THPT; năm học 2022-2023, 100% học sinh lớp 3 học học theo chương trình mới.

- Triển khai cho khoảng 50% học sinh lớp 1 và lớp 2 học tự chọn chương trình môn ngoại ngữ trong các trường TH có điều kiện; phấn đấu 30% trẻ mầm non được làm quen với ngoại ngữ.

+ Triển khai dạy thí điểm môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác tại một số trường TH, THCS, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, chuẩn bị các điều kiện để triển khai tại một số trường phổ thông khác trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột có điều kiện.

- Giai đoạn 2023-2025:

+ Tiếp tục triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh 10 năm trong các cấp học; 100% học sinh TH (từ lớp 3 đến lớp 5), phấn đấu 70% trường THCS, 60% trường THPT được học chương trình ngoại ngữ 10 năm;

+ Triển khai cho khoảng 70% học sinh lớp 1 và lớp 2 học tự chọn chương trình môn ngoại ngữ trong các trường TH có điều kiện; phấn đấu 40% trẻ mầm non được làm quen với ngoại ngữ.

+ Trong giai đoạn này tiếp tục triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh 10 năm dạy học môn Toán, Khoa học tự nhiên và một số môn học khác bằng tiếng Anh ở các trường TH, THCS, THPT có đủ điều kiện; triển khai dạy học chương trình tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục triển khai dạy học ngoại ngữ 2 tại các trường TH, THCS, THPT có đủ điều kiện; củng cố và nhân rộng trường học điển hình về dạy và học ngoại ngữ.

c) Triển khai chương trình ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp

Triển khai chương trình ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo.

d) Triển khai chương trình ngoại ngữ đối với giáo dục thường xuyên

Tiếp tục triển khai đổi mới dạy và học ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên; phấn đấu có 50% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2020.

e) Tăng cường cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu, thiết bị dạy học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học ngoại ngữ

Tiếp tục rà soát, đầu tư, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chuyên dụng, phòng nghe nhìn, phòng học đa phương tiện, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tài liệu và các nguồn học liệu để đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ.

4. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện Kế hoạch

4.1. Kinh phí thực hiện

a) Giai đoạn 2019-2020

Năm

Nội dung thực hiện

Thuyết minh

Số tiền (đồng)

2019

Bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho giáo viên tiếng Anh.

250 người x 15.000.000 đồng

3.750.000.000

Bồi dưỡng năng lực sư phạm (đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng ICT trong dạy học bộ môn)

200 người x 10.000.000 đồng

2.000.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, tài liệu, (Mua sắm 3 phòng dạy học ngoại ngữ đa phương tiện)

6 phòng x 1.500.000.000 đồng

9.000.000.000

2020

Bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho giáo viên tiếng Anh.

169 người x 15.000.000 đồng

2.535.000.000

Bồi dưỡng năng lực sư phạm (đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng ICT trong dạy học bộ môn)

200 người x 10.000.000 đồng

2.000.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, tài liệu, (Mua sắm thiết bị dạy học thông thường cho các trường TH và THCS)

51 bộ x 60.000.000 đồng

3,060.000.000

Cử cán bộ quản lý, giáo viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài

6 người x 100.000.000 đồng

600.000.000

Tổng cộng: 22.945.000.000 đồng

Tổng kinh phí dự toán để thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2019-2020 là: 22.945.000.000 đồng (Hai mươi hai tỷ, chín trăm bốn mươi lăm triệu đồng chẵn).

b) Giai đoạn 2021-2025

Năm

Nội dung thực hiện

Thuyết minh

Số tiền (đồng)

2021

Bồi dưỡng năng lực sư phạm (đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng ICT trong dạy học bộ môn)

182 người x 10.000.000 đồng

1.820.000.000

Bồi dưỡng giáo viên các bộ môn Khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng Anh

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, tài liệu, (Mua sắm thiết bị dạy học thông thường cho các trường TH và THCS)

100 bộ x 60.000.000 đồng

6.000.000.000

Cử cán bộ quản lý, giáo viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

2022

Bồi dưỡng giáo viên các bộ môn Khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng Anh

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu (Mua sắm thiết bị dạy học thông thường cho các trường TH và THCS)

100 bộ x 60.000.000 đồng

6.000.000.000

Cử cán bộ quản lý, giáo viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Bồi dưỡng năng lực sư phạm (đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng ICT trong dạy học bộ môn)

175 người x 10.000.000 đồng

1.750.000.000

2023

Bồi dưỡng giáo viên các bộ môn Khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng Anh

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu (Mua sắm thiết bị dạy học thông thường cho các trường TH và THCS)

6 phòng x 1.500.000.000 đồng

9.000.000.000

Cử cán bộ quản lý, giáo viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Bồi dưỡng năng lực sư phạm (đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng ICT trong dạy học bộ môn)

150 người x 10.000.000 đồng

1.500.000.000

2024

Bồi dưỡng giáo viên các bộ môn Khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng Anh

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu (Mua sắm thiết bị dạy học thông thường cho các trường TH và THCS)

100 bộ x 60.000.000 đồng

6.000.000.000

Cử cán bộ quản lý, giáo viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Bồi dưỡng năng lực sư phạm (đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng ICT trong dạy học bộ môn)

150 người x 10.000.000 đồng

1.500.000.000

2025

Bồi dưỡng giáo viên các bộ môn Khoa học tự nhiên dạy học bằng tiếng Anh

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu (Mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ đa phương tiện)

6 phòng x 1.500.000.000 đồng

9.000.000.000

 

Cử cán bộ quản lý, giáo viên học tập ngắn hạn ở nước ngoài

2 người x 100.000.000 đồng

200.000.000

Tổng cộng: 44.570.000.000 đồng

Tổng kinh phí dự toán để thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là: 44.570.000.000 đồng (Bốn mươi bốn tỷ, năm trăm bảy mươi triệu đồng chẵn).

Tổng kinh phí cả 2 giai đoạn:

22.945.000.000 đồng + 44.570.000.000 đồng = 67.515.000.000 đồng (Sáu mươi bảy tỷ, năm trăm mười lăm triệu đồng chẵn).

4.2. Nguồn vốn thực hiện

a) Nguồn ngân sách nhà nước bố trí hằng năm chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo phân cấp ngân sách nhà nước; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

b) Nguồn thu các cơ sở giáo dục và đào tạo; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục cụ thể hóa nội dung Kế hoạch để triển khai thực hiện.

c) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách thực hiện Kế hoạch.

d) Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ các cấp học theo chuẩn hóa.

d) Tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ hằng năm.

5.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (không bao gồm các trường sư phạm) phù hợp với Kế hoạch triển khai chung và đặc thù của các trình độ đào tạo.

b) Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án đối với giáo dục nghề nghiệp (không bao gồm các trường sư phạm) gửi Sở GDĐT tổng hợp.

c) Tổ chức giám sát, kiểm tra, thường xuyên đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (không bao gồm các trường sư phạm); phối hợp với Sở GDĐT định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp, xây dựng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch.

5.4. Sở Tài chính

a) Hằng năm, trên cơ sở dự toán kinh phí do các cơ quan, đơn vị dự toán thuộc ngân sách tỉnh lập, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành chức năng có liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn thực hiện Kế hoạch.

5.5. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các quy định về cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng định mức biên chế giáo viên, giảng viên ngoại ngữ phù hợp trong hệ thống giáo dục quốc dân.

5.6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến “Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019-2025”; tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; tuyên truyền những kết quả đạt được, những điểm sáng về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh.

5.7. Các tổ chức liên quan

Hội Khuyến học tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành.

5.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Xây dựng chương trình, cụ thể hóa mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch để chỉ đạo trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hằng năm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí để thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện tại địa phương, định kỳ báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo.

c) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu chung toàn tỉnh.

d) Chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên nói chung và giáo viên ngoại ngữ nói riêng.

5.9. Các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh

a) Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác dạy và học ngoại ngữ tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch triển khai Đề án.

b) Tích cực, chủ động triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của cơ sở.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2019-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn xử lý hoặc để báo cáo UBND tỉnh giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền./.

 

BẢNG TỔNG HỢP LỘ TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2018 - 2025

(Kèm theo Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 19/02/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

STT

HOẠT ĐỘNG ĐỀ XUẤT

 

Lộ TRÌNH THỰC HIỆN TỪNG NẮM

NGUỒN KINH PHÍ ĐỀ XUẤT (đv: triệu đồng)

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021-2025

Tổng kinh phí đề xuất

Ngân sách hỗ trợ từ Trung ương (70%) (Qua Bộ GDĐT)

NSĐP/đơn vị (30%)

Các nguồn kinh phí phù hợp khác

I

Chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa

 

x

x

x

 

 

 

 

2

Tổ chức tập huấn, hội thảo

 

x

x

x

 

 

 

 

II

Kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổ chức đánh giá đầu vào lớp 3, 6,10

 

x

x

x

 

 

 

 

2

Thực hiện đánh giá thường xuyên

 

x

x

x

 

 

 

 

III

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ

Tổng

450

369

667

17.855

12.498,5

5.356,5

 

1

Bồi dưỡng và khảo sát NLNN cho GV (đv: GV)

 

250

169

 

6.285

4.399,5

1.885,5

 

2

Bồi dưỡng NLSP (đổi mới PPDH, KTĐG, ứng dụng ICT trong dạy học) (đv: GV)

 

200

200

657

10.570

7.399

3.171

 

3

Tập huấn giáo viên dạy Toán và các môn KH bằng tiếng Anh (đv: GV)

 

 

 

10

1.000

700

300

 

IV

Điều kiện dạy và học ngoại ngữ

Tổng

6

51

312

48.060

33.642

14.418

 

1

Mua sắm TBDH cấp TH và THCS (đv: bộ)

 

 

51

300

21.060

14.742

6.318

 

2

Mua sắm phòng bộ môn cấp THPT (đv: phòng)

 

6

 

12

27.000

18.900

8.100

 

V

Công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, môi trường dạy và học ngoại ngữ

Tổng

 

6

10

1.600

1.120

480

 

1

Tăng cường công tác truyền thông về Đề án

 

x

x

x

 

1.120

480

 

2

Mở rộng đa dạng hóa hình thức hợp tác quốc tế

 

x

x

x

 

 

 

 

3

Bồi dưỡng, giáo viên ở ngoài nước (đv: GV)

 

 

6

10

1.600

 

 

 

VI

Cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Thiết lập cơ chế, chính sách, quy định về tuyển dụng giáo viên tiếng Anh

 

x

x

x

 

 

 

 

2

Xây dựng cơ chế chính sách hợp tác quốc tế

 

x

x

x

 

 

 

 

VII

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên định kỳ và đột xuất

 

x

x

x

 

 

 

 

2

Tổ chức sơ kết, tổng kết và đánh giá

 

 

x

x

(2025)

 

 

 

 

3

Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý

 

x

x

x

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

67.515

47.260,5

20.254,5