Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 19 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC Ở TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngay 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020";

Căn cứ Thông báo số 377-TB/TU ngày 21/12/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020"

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 28/TTr-SGD & ĐT-GDTrH ngày 06/01/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 – 2020”

(Có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Hiệu trưởng (Giám đốc) các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Thị Bích Liên

 

ĐỀ ÁN

DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC Ở TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 19/01/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương)

PHẦN I

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết của đề án

Ngoại ngữ đã được khẳng định là công cụ quan trọng của các quốc gia trong quá trình hội nhập. Nước ta đã có những chủ trương, chiến lược để nâng cao khả năng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Ngày 30/9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, với mục tiêu là “đổi mới toàn diện việc dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học Ngoại ngữ mới ở các cấp học nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực ngoại ngữ của nguồn nhân lực, biến Ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hải Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội với nhiều điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta cần nguồn nhân lực không những có trình độ chuyên môn mà còn có trình độ ngoại ngữ để tiếp thu và khai thác các tiến bộ trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Tuy nhiên, trên thực tế trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực Hải Dương nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Một trong những nguyên nhân của thực tế trên là chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh còn thấp. Điều đó đòi hỏi phải có những chủ trương và biện pháp đột phá để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục. Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2020” là sự cần thiết trong việc tạo ra bước chuyển biến trong dạy và học ngoại ngữ, trong đó tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất cho việc dạy và học ngoại ngữ, nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, hướng tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

II. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2020” được xây dựng trên cơ sở các văn bản pháp lý sau:

- Luật giáo dục quy định: “Ngoại ngữ được quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần bảo đảm để người học được học liên tục và có hiệu quả”;

- Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 11/6/2001 về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, trong đó yêu cầu xây dựng Đề án “Giảng dạy, học tập ngoại ngữ trong trường phổ thông”;

- Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;

- Công văn số 855/KH-BGDĐT ngày 03/12/2010 của Bộ GD&ĐT về Kế hoạch thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” Chương trình phát triển Giáo dục trung học.

III. Thực trạng dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục

1. Về quy mô giảng dạy

Hải Dương là tỉnh đã thực hiện sớm việc dạy ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Đến nay 100% các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh thực hiện dạy ngoại ngữ. Các ngoại ngữ giảng dạy là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga, trong đó tiếng Anh là ngoại ngữ được dạy ở tất cả các cơ sở giáo dục; tiếng Pháp được dạy ở 5 trường THPT, và tiếng Nga được dạy ở trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, 100% các trường THCS (272 trường) và 100% các trường THPT (54 trường) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh hệ 7 năm, không còn trường nào dạy chương trình cũ 3 năm. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Bộ GD & ĐT triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học theo Đề án ngoại ngữ 2020, tỉnh đã có 4 trường Tiểu học (trong tổng số 279 trường) tham gia thí điểm. Đến năm học 2011 - 2012, trên cơ sở đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất, tỉnh đã có 40 trường tiểu học tham gia dạy chính thức chương trình tiếng Anh mới.

Đối với giáo dục thường xuyên: 100% các trung tâm giáo dục thường xuyên (12 trung tâm) thực hiện dạy tiếng Anh là môn tự chọn; trong đó có 3 trung tâm dạy chương trình SGK tiếng Anh phổ thông dành cho giáo dục thường xuyên, có 9 trung tâm thực hiện dạy tiếng Anh chương trình 400 tiết (chứng chỉ A).

2. Về đội ngũ giáo viên

Đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay các cấp học đã đủ về số lượng, với 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Cấp Tiểu học có 317 giáo viên, trong đó 100% có trình độ ĐH, CĐ; cấp THCS có 675 giáo viên, trong đó 304 giáo viên có trình độ Đại học (45%); cấp THPT có 259 giáo viên, trong đó có 17 giáo viên có trình độ thạc sĩ (6%); Các trung tâm GDTX huyện, TP, TX có 33 giáo viên, trong đó 100% có trình độ ĐH.

Hạn chế là giáo viên được đào tạo từ các nguồn khác nhau. Số giáo viên được đào tạo chính quy từ các cơ sở đào tạo về ngoại ngữ có chất lượng chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn; còn số lượng lớn giáo viên được đào tạo theo hình thức không chính quy, hoặc giáo viên chuyển từ tiếng Nga sang dạy tiếng Anh… Năng lực ngoại ngữ (NLNN) của một bộ phận lớn giáo viên còn hạn chế. Qua các đợt khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ, tỉ lệ giáo viên chưa đạt trình độ năng lực theo yêu cầu còn chiếm tỉ lệ cao ở cả 3 cấp học, đặc biệt còn một bộ phận nhỏ giáo viên chỉ đạt trình độ NLNN thấp hơn so với chuẩn từ 3 đến 4 bậc.

Ngoài ra, nhiều giáo viên còn gặp khó khăn về phương pháp giảng dạy do chưa có nhiều cơ hội được tham gia các lớp bồi dưỡng do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, có ít cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các giáo viên từ những nước nói tiếng Anh; phần lớn giáo viên tiếng Anh ở cấp Tiểu học chưa được tuyển biên chế, nên chưa yên tâm công tác, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công việc.

Thống kê tình hình đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học tỉnh Hải Dương:

Cấp học

Số lượng Giáo viên

Bằng cấp của giáo viên

NLNN của giáo viên

ĐH không chính quy

ĐH không chính quy

CĐ chính quy

CĐ không chính quy

Chưa đạt chuẩn

A1

A2

B1

B2

C1

Tiểu học

317

0

245

66

6

0

122

125

46

0

0

THCS

675

53

304

316

2

0

37

94

362

87

0

THPT

259

143

116

0

0

0

6

15

117

101

10

GDTX

33

0

33

0

0

0

 

 

 

 

 

Tổng số

1284

196

698

382

8

0

165

234

525

188

10

3. Về cơ sở vật chất

Một số trường đã quan tâm mua sắm các trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ theo hướng hiện đại và hiện đã đáp ứng về cơ bản các trang thiết bị tối thiểu cho việc giảng dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường thiếu các thiết bị tối thiểu cho việc học ngoại ngữ như đài, băng, đĩa CD, hoặc có nhưng đã cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng, chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời. Hầu hết các trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng. Các thiết bị hiện đại như máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể... còn ít. Nhiều trường nhất là các trường Tiểu học gặp khó khăn trong việc tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, bổ sung, thay thế thiết bị do kinh phí hạn chế.

4. Về việc học tập ngoại ngữ của học sinh

Về khả năng, ý thức học ngoại ngữ của học sinh ở các cấp học hiện nay còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Còn nhiều học sinh chưa say mê và có ý thức học tập tích cực môn ngoại ngữ. Do đó, nhiều học sinh mặc dù đã được học tiếng Anh ở trường nhiều năm nhưng vẫn không nắm được vốn kiến thức ngôn ngữ cơ bản và hầu như không sử dụng được tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp thông thường. Nhiều học sinh nhất là ở cấp THPT chưa nhận thức đầy đủ được vai trò của ngoại ngữ trong học tập và công việc sau nay, phần lớn có tâm lý học các môn cho các kỳ thi, chưa chú ý học, luyện tập ngoại ngữ để phát triển khả năng giao tiếp.

5. Đánh giá chung về thực trạng dạy học ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục

Qui mô dạy học môn tiếng Anh trong những năm qua ở các cơ sở giáo dục của tỉnh đã có bước phát triển, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế về năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, cũng như nhận thức của người học. Năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy của nhiều giáo viên còn thấp, chưa đạt yêu cầu để thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh theo Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Các điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ cho việc dạy học ở nhiều trường như phòng học ngoại ngữ, các thiết bị dạy học ngoại ngữ... còn thiếu, không đảm bảo thực hiện triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới.

PHẦN II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai có hiệu quả chương trình ngoại ngữ mới theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, trong đó tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục của tỉnh; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học ngoại ngữ, đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, phấn đấu nâng cao NLNN của học sinh, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của học sinh Hải Dương, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về trình độ NLNN của giáo viên tiếng Anh

Phấn đấu đạt trình độ NLNN của giáo viên theo Khung NLNN quy định của Bộ GD và ĐT theo từng giai đoạn, như sau:

+ Đến năm 2013:

- Ít nhất 50% giáo viên Tiểu học đạt NLNN bậc 3 (B1) trở lên, trong đó có ít nhất 30% giáo viên đạt bậc 4 (B2) trở lên;

- Ít nhất 50% giáo viên THCS đạt NLNN bậc 4 (B2) trở lên;

- Ít nhất 30% giáo viên THPT đạt NLNN bậc 5 (C1);

- Ít nhất 20% giáo viên TTGDTX đạt NLNN bậc 5 (C1).

+ Đến năm 2015:

- 100% giáo viên Tiểu học đạt NLNN bậc 3 trở lên, trong đó có ít nhất 60% giáo viên đạt bậc 4 trở lên;

- Ít nhất 80% giáo viên THCS đạt NLNN bậc 4 trở lên;

- Ít nhất 70% giáo viên THPT đạt NLNN bậc 5;

- Ít nhất 50% giáo viên TTGDTX đạt NLNN bậc 5.

Đảm bảo 100% giáo viên tham gia thực hiện chương trình ngoại ngữ mới được tập huấn về thực hiện chương trình và sách giáo khoa, được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy.

+ Đến năm 2020: 100% giáo viên ở các cấp học đạt chuẩn về NLNN theo quy định của Bộ GD và ĐT đối với từng cấp học.

2.2. Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ

+ Đến năm 2013:

- 40% các trường Tiểu học, 30% các trường THCS và THPT có phòng học thường được trang bị các thiết bị môn Tiếng Anh ở các cấp học theo quy định của Bộ GD - ĐT, trong đó khoảng 10% các trường Tiểu học, 10% các trường THCS và 20% các trường THPT có phòng bộ môn ngoại ngữ theo quy định.

+ Đến năm 2015:

- 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT và 50% các Trung tâm GDTX có phòng học thường được trang bị các thiết bị môn Tiếng Anh ở các cấp học theo quy định của Bộ GD - ĐT, trong đó có khoảng 30% các trường Tiểu học, THCS, 50% các trường THPT và 20% các Trung tâm GDTX có phòng bộ môn ngoại ngữ theo quy định.

+ Đến năm 2020:

- 100% các trường Tiểu học, THCS và THPT, Trung tâm GDTX có phòng học thường được trang bị các thiết bị môn Tiếng Anh ở các cấp học theo quy định của Bộ GD - ĐT, trong đó có khoảng 50% các trường Tiểu học, THCS và 70 % trường THPT, Trung tâm GDTX có phòng bộ môn ngoại ngữ theo quy định.

2.3. Về việc triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ

- Đến năm học 2012 - 2013: Có 40% số trường Tiểu học, 30% số trường THCS, THPT thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới.

- Đến năm học 2015 - 2016: Có 80% số trường Tiểu học, 70% số trường THCS và THPT thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới.

- Đến năm học 2018 - 2019: Đạt 100% các trường Tiểu học, THCS và THPT thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới.

- Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 10% số lượng học sinh các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp vào năm học 2012 - 2013; 50% vào năm học 2015-2016 và đạt 100% vào năm học 2019 - 2020.

- Triển khai dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên cho khoảng 30% các trung tâm GDTX vào năm học 2015 - 2016, và đạt 100% vào năm học 2019 - 2020.

2.4. Về trình độ của học sinh sau khi hoàn thành chương trình

- Học sinh tốt nghiệp Tiểu học đạt trình độ bậc 1, tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2 và tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 theo Khung NLNN.

- Học sinh tốt nghiệp trường dạy nghề đạt bậc 2 và tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp đạt bậc 3 theo Khung NLNN.

- Học sinh tốt nghiệp các cơ sở giáo dục thường xuyên đạt tương đương với trình độ đào tạo theo hình thức chính quy tương ứng ở các cấp học, trình độ đào tạo.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với cán bộ quản lý các cấp, giáo viên, phụ huynh học sinh, cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương nhằm tăng cường các biện pháp chỉ đạo của các cấp quản lý trong việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; nâng cao ý thức tự bồi dưỡng, trau dồi về NLNN và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên; thúc đẩy tinh thần ý thức, niềm say mê học ngoại ngữ của học sinh; huy động tốt nhất sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong việc hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất và phối hợp tổ chức các hoạt động tạo môi trường giáo dục ngoại ngữ lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục.

2. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo dạy học ngoại ngữ

Bổ sung biên chế chuyên viên phụ trách ngoại ngữ cấp Tiểu học của Sở GD- ĐT và chuyên viên phụ trách ngoại ngữ ở các phòng GD - ĐT huyện, TP, TX để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy và học ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục.

3. Nâng cao trình độ NLNN và năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên

Thực hiện rà soát, đánh giá NLNN của đội ngũ giáo viên tiếng Anh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp lại đội ngũ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khi thực hiện chương trình mới. Từ thực trạng về năng lực đội ngũ giáo viên, xây dựng lộ trình chuẩn bị đội ngũ có tính khả thi, phù hợp với thực tế, tập trung vào các nội dung sau:

- Bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, tập huấn thực hiện chương trình, sử dụng đồ dùng thiết bị đối với các giáo viên đã đạt chuẩn về NLNN trước khi tham gia thực hiện dạy chương trình mới.

- Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên Nguyễn Trãi và một số trường THPT.

- Bồi dưỡng để đạt chuẩn về NLNN cho các giáo viên đạt trình độ thấp hơn 1 bậc so với mức chuẩn, nhằm chuẩn bị thực hiện chương trình mới trong 1, 2 năm học sắp tới. Đối với các giáo viên đạt trình độ thấp hơn 2 bậc so với mức chuẩn, yêu cầu xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cụ thể, nhằm nâng cao trình độ NLNN của bản thân, chuẩn bị tham gia các đợt khảo sát và bồi dưỡng trong những năm học về sau.

- Thực hiện đào tạo lại, hoặc sắp xếp, bố trí công việc khác cho các giáo viên đạt trình độ thấp hơn 3 hoặc 4 bậc so với mức chuẩn hoặc không đạt bậc thấp nhất trong các bậc NLNN quy định.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán môn ngoại ngữ ở cấp tỉnh và huyện, TP, TX. Bồi dưỡng ở trong và ngoài nước đối với đội ngũ giáo viên này để làm nòng cốt thúc đẩy các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục.

4. Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách, chế độ phù hợp

- Thực hiện điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách, chế độ phù hợp đối với giáo viên tiếng Anh khi tham gia thực hiện chương trình mới.

- Có cơ chế động viên, khen thưởng các giáo viên có thành tích trong việc trau dồi năng lực chuyên môn, sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong giảng dạy; hỗ trợ tạo điều kiện về thời gian, tài liệu, kinh phí… cho giáo viên tự bồi dưỡng, đi học bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, đồng thời có cơ chế bắt buộc giáo viên phải học tập, bồi dưỡng để đạt chuẩn về năng lực theo quy định.

- Xây dựng định mức biên chế giáo viên tiếng Anh đối với các trường Tiểu học.

- Xây dựng chủ trương thu hút các giáo viên tình nguyện người nước ngoài có trình độ sư phạm và NLNN tốt tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

- Bổ sung yêu cầu về trình độ NLNN ngoài bằng cấp theo quy định đối với giáo viên khi tuyển dụng.

5. Tăng cường các hoạt động, xây dựng môi trường hỗ trợ cho dạy và học ngoại ngữ

- Tăng cường tổ chức các hội thảo, chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường.

- Phối hợp với đài truyền hình, các tổ chức, đoàn thể… trong việc tổ chức các cuộc thi tiếng Anh cho học sinh trên Đài PTTH tỉnh, cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet…

- Chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh theo cụm trường; tổ chức câu lạc bộ giáo viên ngoại ngữ theo cụm trường, cụm huyện.

- Tăng cường các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh, đặc biệt chú trọng thi nói tiếng Anh, tổ chức CLB tiếng Anh, ngoại khóa, sân chơi trí tuệ… cho học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, thúc đẩy phong trào học tiếng Anh trong nhà trường.

- Triển khai dạy môn Toán bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên Nguyễn Trãi và một số trường THPT khác có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

- Chỉ đạo các trường có điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày để có nhiều thời gian tổ chức các hoạt động học tập ngoại ngữ cho học sinh.

- Thực hiện khảo sát đầu vào học sinh lớp 6 THCS và lớp 10 THPT để tổ chức giảng dạy phù hợp đối tượng, nâng cao chất lượng dạy và học. Tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh để thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân… có điều kiện thành lập các Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ có chất lượng để đào tạo, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học.

- Tích cực thu hút sự đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong việc hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy học ngoại ngữ, tổ chức lớp học ngoại ngữ, các hoạt động ngoại khóa ngoại ngữ cho học sinh để học sinh được giao lưu, học hỏi, tăng cường khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.

6. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ.

- Tăng cường mua sắm trang thiết bị tối thiểu dạy học ngoại ngữ theo quy định của Bộ như đài, băng, đĩa CD,… và từng bước đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, đặc biệt các thiết bị nghe nhìn ứng dụng công nghệ mới để hỗ trợ, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

- Đầu tư xây dựng các phòng học thông thường (sử dụng dạy học ngoại ngữ) và phòng bộ môn ngoại ngữ theo tiêu chuẩn của Bộ GD & ĐT.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trong quá trình dạy và học ngoại ngữ.

- Khuyến khích phong trào giáo viên tự làm đồ dùng thiết bị giảng dạy; thực hiện phổ biến các giải pháp sáng tạo kỹ thuật có hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 409.804.000.000 đồng (Bốn trăm linh chín tỷ tám trăm linh bốn triệu đồng).

2. Các mục đầu tư kinh phí (đơn vị tính: triệu đồng)

STT

Các mục đầu tư kinh phí

Số tiền

1

Khảo sát, đánh giá NLNN của giáo viên

1720

2

Bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ

25000

3

Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, tập huấn thực hiện chương trình mới

14304

4

Tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài đối với đội ngũ giáo viên cốt cán của các cấp học

1740

5

Bồi dưỡng giáo viên sử dụng đồ dùng, thiết bị

1740

6

Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh

700

7

Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho phòng học thông thường để dạy ngoại ngữ

141300

8

Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho phòng học bộ môn ngoại ngữ

220800

9

Công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn khác

2500

10

Tổng cộng

409804

2. Phân kỳ kinh phí đầu tư

Số TT

Các mục đầu tư kinh phí

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng

1

Khảo sát, đánh giá NLNN giáo viên

600

200

100

100

120

200

100

100

100

100

1720

2

Bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn NLNN

1000

5000

5000

5000

5000

1000

1000

1000

500

500

25000

3

Học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng giáo viên cốt cán ở nước ngoài

3904

2500

2500

2500

2500

100

100

100

50

50

14304

4

Bồi dưỡng giáo viên sử dụng đồ dùng, thiết bị

240

250

250

250

250

100

100

100

100

100

1740

5

Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh

100

100

100

100

100

40

40

40

40

40

700

6

Bồi dưỡng giáo viên về phương pháp giảng dạy, tập huấn thực hiện chương trình mới

240

250

250

250

250

100

100

100

100

100

1740

7

Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng học thông thường để dạy ngoại ngữ

17300

10000

20000

24000

29000

10000

10000

10000

6000

5000

141300

8

Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng học bộ môn ngoại ngữ

17600

30000

30000

30000

30000

20000

20000

20000

10000

13200

220800

9

Chi công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn khác

400

400

400

400

400

100

100

100

100

100

2500

 

Tổng số

41384

48700

58600

62600

67620

31640

31540

31540

16990

19190

409804

4. Cơ cấu nguồn kinh phí

- Ngân sách nhà nước được bố trí từ Chương trình mục tiêu: 30%

- Kinh phí chi thường xuyên hàng năm: 10%

- Kinh phí từ đầu tư xã hội hóa giáo dục: 10%

- Kinh phí từ các Dự án phát triển giáo dục và đào tạo: 40%

- Các nguồn vốn hợp pháp khác: 10%

PHẦN III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã làm trưởng ban, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo làm Phó Trưởng ban, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Ban chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn và cụ thể hóa Đề án, tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá tiến độ thực hiện hàng năm và cả giai đoạn; kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc với Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

I. Lộ trình thực hiện

1.1. Giai đoạn 2011 - 2015:

+ Năm học 2011 - 2012:

- Tháng 8/2011: Tổ chức khảo sát, đánh giá NLNN của đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học và tiến hành rà soát các điều kiện cơ sở vật chất dạy học ngoại ngữ. Riêng đối với việc khảo sát năng lực ngoại ngữ của giáo viên, sẽ thực hiện thường xuyên sau các đợt bồi dưỡng NLNN cho giáo viên.

- Triển khai dạy chính thức chương trình tiếng Anh mới đối với lớp 3 ở các trường Tiểu học đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên (tổng số: 40 trường). Dạy thí điểm chương trình tiếng Anh mới đối với lớp 4 (tổng số: 4 trường).

- Tháng 10/2011: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên: Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao NLNN cho giáo viên.

- Tháng 11/2011 đến tháng 7/2012: Tổ chức các lớp nâng cao NLNN cho giáo viên cấp Tiểu học (2 lớp), THCS (10 lớp) và THPT (3 lớp) có trình độ NLNN thấp hơn 1 bậc so với chuẩn quy định.

+ Năm học 2012-2013:

- Cung cấp trang thiết bị phòng học thường sử dụng để dạy ngoại ngữ, thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ cho 40 trường Tiểu học, 80 trường THCS và 9 trường THPT.

- Từ tháng 6 đến 8/2012: Tổ chức lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho các giáo viên cốt cán cấp Tiểu học, THCS và THPT ở nước ngoài.

- Tháng 6 đến 8/2012: Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học (môn Toán) bằng tiếng Anh.

- Từ tháng 6/2012 đến tháng 11/1012: Tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên ở các cấp học có trình độ NLNN thấp hơn 2 bậc so với quy định (gồm 4 lớp Tiểu học, 3 lớp THCS và 4 lớp THPT).

- Tháng 7-8/2012: Tập huấn về thực hiện chương trình tiếng Anh mới và bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho các giáo viên ở các cấp học đã đạt chuẩn về trình độ NLNN.

- Tháng 8/2012: Bồi dưỡng giáo viên sử dụng đồ dùng thiết bị.

- Tháng 8/2012: Tiếp tục mở rộng quy mô số trường dạy chương trình tiếng Anh lớp 3; Triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 6 (80 trường THCS), và lớp 10 (9 trường THPT).

- Tháng 10/2012: Tổ chức Hội thảo dạy chương trình SGK mới ở các cấp học.

- Từ tháng 12/2012 đến 5/2013: Tổ chức đào tạo lại cho các giáo viên có trình độ NLNN thấp hơn 3 hoặc 4 bậc so với mức chuẩn hoặc không đạt bậc thấp nhất trong các bậc NLNN quy định (gồm 4 lớp Tiểu học, 1 lớp THCS và 1 lớp THPT).

+ Năm học 2013-2014:

- Tháng 6 - 8/2013: Tập huấn về thực hiện chương trình tiếng Anh mới và bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho các giáo viên ở các cấp học đã đạt chuẩn về trình độ NLNN.

- Bồi dưỡng giáo viên sử dụng đồ dùng thiết bị.

- Tiếp tục tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ NLNN cho giáo viên tiếng Anh các cấp học.

- Tháng 6 - 8/2013: Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học (môn Toán và Tin) bằng tiếng Anh.

- Tháng 6/2013: Cung cấp trang thiết bị phòng học thường sử dụng để dạy ngoại ngữ cho các trường Tiểu học, THCS và THPT phấn đấu đạt khoảng 40% trường Tiểu học, 30% trường THCS và THPT. Cung cấp thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ cho 10% trường Tiểu học, THCS và 20% trường THPT.

- Tháng 8/2013: Tiếp tục mở rộng quy mô số trường dạy chương trình tiếng Anh lớp 3, dạy chính thức lớp 6 THCS và lớp 10 THPT, dạy thí điểm lớp 7 và lớp 11, phấn đấu đạt 40% số trường Tiểu học, 30% số trường THCS, THPT thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới.

- Khảo sát năng lực và bồi dưỡng giáo viên dạy Tiếng Anh của các TTGDTX.

+ Năm học 2014-2015:

- Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy.

- Tiếp tục cung cấp trang thiết bị phòng học thường sử dụng để dạy ngoại ngữ, thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ. Cung cấp trang thiết bị phòng học thông thường môn Tiếng Anh cho 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT và 50% các Trung tâm GDTX; cung cấp trang thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ cho 30% các trường Tiểu học, THCS, 50% các trường THPT và 20 % các Trung tâm GDTX.

- Tiếp tục mở rộng quy mô các trường dạy chương trình tiếng Anh lớp 3; dạy chính thức lớp 7 THCS và lớp 11 THPT, phấn đấu đạt 70% số trường Tiểu học, THCS và THPT thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới.

- Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn Lý, Hóa, Sinh bằng tiếng Anh.

1.2. Giai đoạn 2016-2020

- Tiếp tục tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ NLNN cho giáo viên tiếng Anh các cấp học.

- Tiếp tục bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho các giáo viên ở các cấp học.

- Tiếp tục mở rộng quy mô các trường dạy chương trình tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ, phấn đấu 100% các trường Tiểu học, THCS và THPT tham gia giảng dạy vào năm học 2018 - 2019.

- Triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường đối với giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề; chương trình tiếng Anh dành cho cơ sở giáo dục thường xuyên.

- Triển khai dạy các môn khoa học (môn Lý, Hóa, Sinh) bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên Nguyễn Trãi và 1 số trường THPT đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

- Tiếp tục cung cấp trang thiết bị phòng học thường sử dụng để dạy NN, thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ, đảm bảo 100% các trường Tiểu học, THCS và THPT, Trung tâm GDTX có phòng học thường được trang bị các thiết bị tối thiểu môn Tiếng Anh và 50% các trường Tiểu học, THCS và 70 % trường THPT, Trung tâm GDTX có phòng bộ môn ngoại ngữ theo quy định.

II. Trách nhiệm của các sở, ngành, cơ sở giáo dục liên quan

a. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị báo cáo UBND tỉnh và ban Thường vụ Tỉnh ủy sau khi kết thúc mỗi năm học;

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu, trình HĐND và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức biên chế giáo viên ngoại ngữ; các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng quản lý việc dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục;

- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn triển khai công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ nhằm đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực tiếng Anh theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp các kế hoạch triển khai hoạt động và đầu tư thực hiện kế hoạch hàng năm và từng giai đoạn để đưa vào kế hoạch phát triển KT - XH chung của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, xây dựng các kế hoạch đầu tư NSNN hàng năm và từng giai đoạn để thực hiện Đề án.

c. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí kinh phí, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc chi kinh phí thực hiện Đề án theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước.

d. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn ban hành các quy định về cơ chế chính sách tuyển dụng, sử dụng định mức giáo viên dạy Tiếng Anh phù hợp trong các trường phổ thông.

e. Sở Thông tin - Truyền thông:

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và toàn xã hội về chương trình đổi mới công tác giáo dục, đào tạo ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu mới, tạo môi trường văn hóa, điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học ngoại ngữ.

f. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện kế hoạch của Đề án trong lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo các mục tiêu đề ra.

g. Ủy ban nhân dân các huyện, TP, TX có trách nhiệm:

- Chỉ đạo ngành giáo dục địa phương phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

- Tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của Đề án tại địa phương.

h. Các cơ sở giáo dục:

- Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các hoạt động có liên quan ở cơ sở mình nhằm đạt các mục tiêu của kế hoạch./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 210/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2020"

  • Số hiệu: 210/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Đặng Thị Bích Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản