Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 361/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 08 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA, GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013 và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 28/11/2008 và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Văn bản số 161/BKHCN-CNN ngày 21/01/2020 về việc xây dựng Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh và Văn bản số 1851/BKHCN-CNN ngày 26/6/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 26/TTr-SKHCN-QLKH, CNg ngày 03/6/2021 về việc đề nghị phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh, cấp quốc gia, giai đoạn 2021-2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh, cấp quốc gia, giai đoạn 2021-2025 (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KH và CN; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (thực hiện);
- Các sở, ngành liên quan của tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (Tuyên).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Việt Phương

 

ĐỀ ÁN KHUNG

NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số: 361/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên Đề án: Bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, chủ lực có giá trị của tỉnh Tuyên Quang, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, y tế, khoa học và môi trường (giai đoạn 2021-2025).

2. Thuộc chương trình: Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen.

3. Cơ quan quản lý Đề án: Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

4. Cơ quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen: Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Luật Đa dạng sinh học ngày 28/11/2008;

Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đa dạng sinh học;

Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Văn bản số 1851/BKHCN-CNN ngày 26/6/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

PHẦN I. NHU CẦU BẢO TỒN NGUỒN GEN VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

1. Khái quát về điều kiện tự nhiên và các nguồn gen cần bảo tồn

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, nằm giữa Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam; phía Bắc và Tây Bắc giáp các tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, phía Nam giáp các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, phía Đông giáp các tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái. Toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang với 138 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 124 xã, 10 phường và 04 thị trấn. Dân số trên 784.000 người, có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 586.795 ha; vùng núi cao chiếm 53% diện tích toàn tỉnh gồm toàn bộ huyện Na Hang và huyện Lâm Bình, 11 xã vùng cao của huyện Chiêm Hoá và 2 xã của huyện vùng cao Hàm Yên; vùng núi thấp và trung du chiếm 47% diện tích của tỉnh, bao gồm các xã còn lại của 2 huyện Chiêm Hoá, Hàm Yên và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang. Điểm cao nhất là đỉnh núi Cham Chu (thuộc huyện Hàm Yên và huyện Chiêm Hóa) có độ cao 1.587 m so với mực nước biển. Với nguồn tài nguyên, thiên nhiên đa dạng và phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

Đất sản xuất nông lâm nghiệp: Hiện toàn tỉnh có 98.468 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 16,8%), đất lâm nghiệp 440.803 ha (chiếm 75,1%), là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Diện tích mặt nước: Với khoảng 10.851 ha diện tích mặt nước, có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Diện tích rừng: Với 424.689 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 223.193 ha và rừng trồng 191.496 ha. Độ che phủ của rừng đạt trên 65%. Tuyên Quang có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng với 1.260 loài thực vật, trong đó có 69 loài quý, hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, như: Ba gạc vòng, Đinh canh, Trám đen, Táu nước, Sồi đĩa, Gù hương, Gội nếp, Lát hoa, Đảng sâm, Vương tùng, Ngải rợm… và 274 loài động vật, trong đó có 13 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, như: Voọc mũi hếch, Voọc đen má trắng, gà Lôi đuôi trắng, Trĩ sao, Vẹt ngực đỏ, Gà so ngực gụ, Vạc hoa…Tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh tập trung chủ yếu ở 2 khu bảo tồn, dự trữ thiên nhiên: Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang và Khu bảo tồn loài sinh cảnh Cham Chu thuộc huyện Hàm Yên và huyện Chiêm Hóa.

Tuyên Quang cũng là vùng có các giống cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Cam sành Hàm Yên, Hồng Na Hang, Bưởi đường Soi Hà-Xuân Vân (Yên Sơn), Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, Mận Hồng Thái, Lúa nếp cái hoa vàng (Khẩu Pái), lúa Khẩu Lường Ván; Cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Lăng, cá Chiên, cá Bỗng, Trâu ngố, Vịt bầu Minh Hương,… và có khoảng 700 loài thuộc 139 họ, 6 ngành thực vật bậc cao có thể dùng làm thuốc. Các giống vật nuôi, cây trồng và những hệ động, thực vật phong phú, đa dạng là một kho tàng lớn về các nguồn gen quý, hiếm rất cần được bảo tồn, phát triển.

2. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bảo tồn nguồn gen giai đoạn 2015-2020

Giai đoạn 2015-2020, với chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu tổ chức triển khai thực hiện 19 đề tài, dự án lĩnh vực khoa học nông nghiệp có liên quan đến nguồn gen nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát triển một số nguồn gen quý, hiếm, đặc sản, có giá trị của tỉnh, như:

- Nghiên cứu, đánh giá đa dạng sinh học rừng phòng hộ, đặc dụng; xây dựng giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, sưu tầm hiện vật gắn với phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Qua điều tra đã xác định được một số loài thực vật quý hiếm như: Kim giao, Bách xanh, Thông tre lá dài, Chò chỉ, Lan Kim Tuyến, Trầm Hương, Hoàng Đàn,...dấu tích của một số loài động vật quý hiếm như: Phân Sơn Dương, xác của Cầy giông, xác của Cầy móc cua, vết chân Hoẵng, Sơn Dương, Culi, Chim Vạc hoa,.... riêng loài Voọc mũi hếch chưa chụp được ảnh tại thực địa. Lập danh mục 319 loài động vật; 159 họ với 1.201 loài thực vật; 106 loài lâm sản ngoài gỗ được phép khai thác.

- Điều tra, đánh giá hiện trạng các loài động, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm và đưa ra các giải pháp để bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật tại khu rừng đặc dụng Cham Chu, huyện Hàm Yên. Qua điều tra, nghiên cứu đã lập danh lục 956 loài thực vật thuộc 516 chi, 151 họ và 5 ngành, trong đó có 60 loài quý hiếm; 33 loài động vật hệ thú thuộc 5 bộ, 15 họ; 53 loài bò sát thuộc 14 họ và 33 loài lưỡng cư thuộc 7 họ; 77 loài động vật hệ chim thuộc 35 họ. Xây dựng bản đồ phân bố các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm tại khu rừng đặc dụng Cham Chu, tỷ lệ 1/10.000. Sưu tập và lưu giữ 220 mẫu thực vật; 10 mẫu động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; 140 hình ảnh của một số loài động, thực vật.

- Điều tra, sưu tầm và xây dựng vườn tiêu bản một số loại cây gỗ có tại Tuyên Quang. Qua điều tra, đã xác định được số lượng, sự phân bố của các loài cây lấy gỗ hiện có, đề tài đã thu thập được 600 mẫu tiêu bản một số loài cây lâm nghiệp, cây lâm nghiệp quý, hiếm hiện có trên địa bàn tỉnh; lập danh mục 541 loài cây lâm nghiệp hiện có tại tỉnh Tuyên Quang. Xây dựng 01 vườn thực vật với diện tích 14.000 m2, trồng 560 cây lâm nghiệp thuộc 51 loài.

- Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc và đề xuất giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững một số loài có giá trị, triển vọng. Qua điều tra đã thu được 600 mẫu tiêu bản thực vật, xác định tên khoa học và định hướng cho phân tích hóa học. Lập danh mục gồm 647 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 137 họ, 4 ngành thực vật tại khu vực nghiên cứu. Xây dựng được 01 vườn ươm cây giống, diện tích 150 m2 với 1.200 cây giống; 01 vườn mẫu cây thuốc tại khu vực Thác Mơ thuộc khu vực dự trữ thiên nhiên Na Hang với diện tích 500 m2 và trồng được 1.000 cây thuốc gồm 10 loài (Thiên niên kiện, Tế tân, Bình vôi, Bách bộ, Râu hùm, Nghệ trắng, Nghệ đen, Dây đau xương, Hà thủ ô đỏ, Giảo cổ lam). Thử hoạt tính sinh học in vivo (gây độc tế bào, chống oxy hóa, kháng vi sinh vật và hoạt tính ức chế α-glucosidase, α-amylase); Phân lập và xác định thành phần hóa học 2 loài có hoạt tính tốt được lựa chọn là loài Bùm bụp quả nhỏ và Mại liễu. Tạo 40 chế phẩm dạng chiết thô và thử hoạt tính sinh học 18 mẫu (in vivo) theo định hướng chữa một trong các bệnh (kháng viêm, chữa ung thư, hạ đường huyết). Xây dựng bản đồ phân bố một số loài cây thuốc có giá trị và triển vọng tại huyện Na Hang, tỷ lệ 1/100.000.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo để sản xuất giống một số loài cá đặc sản như: Cá Lăng chấm đã sản xuất được hơn 13.462 con cá giống kích cỡ 6-8cm/con; Cá Trắm đen đã sản xuất được 2.200 con cá giống kích cỡ trung bình 13,8cm/con; Cá Rầm xanh đã sản xuất được 500 con cá giống kích cỡ 5-7 cm/con; Cá Anh vũ đã sản xuất được 8.206 con cá giống kích cỡ 5-7 cm/con; Ngoài ra, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã tiếp nhận công nghệ và sản xuất thành công giống cá Chiên được 105.455 con cá giống kích cỡ 5-10 cm/con và hiện nay Trung tâm vẫn đang phát huy kết quả thực hiện đề tài, tiếp tục duy trì sản xuất cung ứng cá giống đặc sản cho địa phương.

- Xây dựng, phát triển thương hiệu một số sản phẩm chủ lực, đặc sản, có lợi thế của tỉnh như: Chọn lọc, phát triển và xây dựng thương hiệu vịt bầu Minh Hương (huyện Hàm Yên). Sản phẩm vịt bầu Minh Hương đã duy trì, phát triển được thương hiệu, đã được gắn mã số, mã vạch và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến sản phẩm vịt bầu Minh Hương. Sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu mật ong Tuyên Quang, bánh gai Chiêm Hóa, Hồng ngâm Xuân Vân (huyện Yên Sơn),... các sản phẩm hiện nay đều có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp; Phục tráng một số giống lúa đặc sản (Khẩu Pái, Khẩu lường ván) tại tỉnh Tuyên Quang, đã sản xuất được 100 kg giống siêu nguyên chủng để phục vụ duy trì, phát triển sản xuất của người dân; Phục tráng giống lạc L14, đã sản xuất được 4.672,5kg lạc giống L14 siêu nguyên chủng và xây dựng xong mô hình sản xuất hạt nguyên chủng từ giống siêu nguyên chủng, quy mô 10 ha, năng suất đạt trên 3,0 tấn/ha năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt, giao cho Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện 01 đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu khai thác nguồn gen trâu khối lượng lớn nuôi tại Chiêm Hóa-Tuyên Quang” thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề tài được thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2022, với mục tiêu khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn gen trâu khối lượng lớn nuôi tại Chiêm Hóa-Tuyên Quang. Đề tài đã thực hiện điều tra bổ sung hiện trạng về tình hình chăn nuôi trâu tại Chiêm Hóa-Tuyên Quang và một số địa phương lân cận; Đang thực hiện nội dung nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng đàn trâu sinh sản có khối lượng lớn (quy mô 10 trâu đực và 50 trâu cái); Nghiên cứu xây dựng quy trình chăn nuôi trâu có khối lượng lớn. Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thành các nội dung đang triển khai của đề tài và đồng thời triển khai nội dung nghiên cứu xây dựng 02 mô hình chăn nuôi trâu thương phẩm, quy mô 50 con/mô hình.

Công tác bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định như đã điều tra, đánh giá, bảo tồn, phát triển được một số nguồn gen: Giống Trâu ngố Tuyên Quang, Vịt bầu Minh Hương, một số loài cây lâm nghiệp (Sữa, Gáo), một số loài thực vật làm thuốc (Thiên niên kiện; Tế tân; Bình vôi; Bách bộ; Râu hùm; Nghệ trắng; Nghệ đen; Dây đau xương; Hà thủ ô đỏ; Giảo cổ lam), một số loài cá đặc sản (Cá Chiên, Lăng chấm, Anh vũ, Bỗng,…),…

Tuy nhiên, công tác bảo tồn nguồn gen của một số loài thủy sản như cá Lăng chấm, cá Rầm xanh, cá Anh vũ; thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có giá trị kinh tế, khoa học, môi trường như Nghiến, Trai lý, Bách xanh, Pơ mu, Dẻ tùng sọc trắng, Gù hương, Thông pà cò, Lan Kim Tuyến, Lan hài các loại, Hoàng mộc, Hoàng tinh hoa trắng, Bát Giác liên, Bảy lá một hoa, lá Khôi...; giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như Cam sành Hàm Yên... còn có những hạn chế nhất định, một số nguồn gen đang có nguy cơ thoái hóa, suy giảm hoặc tuyệt chủng; phần lớn các nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế vẫn chưa được điều tra, nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống để bảo tồn và phát triển; đa số các nguồn gen đều chưa được đánh giá và thực hiện tư liệu hóa đầy đủ. Trong số 69 loài thực vật quý, hiếm có tại Tuyên Quang được ghi trong sách Đỏ Việt Nam thì có 3 loài rất nguy cấp, 25 loài nguy cấp, 41 loài sẽ nguy cấp. Phần lớn các loài quý, hiếm là những cây có giá trị kinh tế nên trước đây đã bị khai thác quá mức làm giảm tính đa dạng sinh học. Trong 274 loài động vật, có 39 loài thuộc loại quý, hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có loài Vọoc mũi hếch, Voọc đen má trắng được xếp vào loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng mang tính toàn cầu.

3. Tính cấp thiết của Đề án

Từ nhiều năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp luôn là thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, tỉnh đã hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung như: Vùng chuyên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại thành phố Tuyên Quang và một số huyện; vùng sản xuất cam tại huyện Hàm Yên với diện tích 7.269 ha; vùng trồng lạc tập trung trên 2.500 ha tại huyện Chiêm Hoá; vùng trồng bưởi đường trên 1.700 ha, hồng không hạt trên 50 ha ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn; phát triển đàn trâu trên 90.000 con, đàn bò trên 46.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 10.000 ha; bước đầu đã xúc tiến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản như: Cam sành Hàm Yên, Trâu Chiêm Hóa, Vịt bầu Minh Hương, rượu ngô Na Hang, chè Shan tuyết Na Hang, Bưởi đường Xuân Vân, Hồng ngâm Xuân Vân, bánh gai Chiêm Hóa, mật ong Tuyên Quang,… Các sản phẩm, hàng hóa đã từng bước chiếm lĩnh được thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Tuyên Quang là tỉnh có vị trí thuộc vùng trung tâm theo các vùng sinh thái lâm nghiệp, nên được đánh giá là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều nguồn gen quý, hiếm. Nhưng do tác động của con người, thiên tai nên số loài và số lượng cá thể của các loài động vật, thực vật, đặc sản, quý hiếm bị suy giảm nghiêm trọng, các giống bản địa bị mất dần do sự du nhập của các giống mới hay các động, thực vật ngoại lai. Việc khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong bối cảnh hiện nay, với sự thay đổi của môi trường, biến đổi khí hậu, vấn đề bảo tồn nguồn gen mang tính cấp thiết, cần có các giải pháp triển khai bảo tồn có hiệu quả để lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu, lai tạo, nhân giống để phát triển thành hàng hoá những nguồn gen đặc hữu.

Việc bảo tồn nguồn gen, góp phần phục tráng một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở phát triển vùng sản xuất hàng hoá có giá trị.

Vì vậy, thực hiện chủ trương của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhiệm vụ quỹ gen, đồng thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc xây dựng Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh, cấp quốc gia, giai đoạn 2021-2025 là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần làm căn cứ để xây dựng và lựa chọn các nhiệm vụ quỹ gen cho kế hoạch hằng năm nhằm bảo tồn nguồn gen, phát triển bền vững nguồn tài nguyên quý, hiếm, chủ lực có giá trị kinh tế cao, đồng thời tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện những đối tượng cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, chủ lực, có giá trị tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang.

PHẦN II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Điều tra, đánh giá, thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, chủ lực, có giá trị của tỉnh Tuyên Quang, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, y tế, khoa học và môi trường (giai đoạn 2021-2025).

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn gen; xác định nhu cầu bảo tồn và đề xuất, thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững các nguồn gen, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, y tế, khoa học và môi trường.

- Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu bảo tồn được 23 nguồn gen quý, hiếm, chủ lực, có giá trị của tỉnh theo đặc điểm sinh học của từng đối tượng (bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ), giám sát và đánh giá hiệu quả bảo tồn nguồn gen, nhằm duy trì các giống quý, hiếm, chủ lực, có lợi thế để phát triển sản xuất tại địa phương và những vùng sinh thái thích nghi, phù hợp; đồng thời tạo nguồn vật liệu phục vụ quá trình chọn tạo, lai tạo, tạo ra những giống mới trong tương lai.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu, điều tra, đánh giá và thu thập một số nguồn gen thuỷ sản, cây ăn quả, cây dược liệu, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực hiện tư liệu hóa nguồn gen. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn một số nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, chủ lực, có giá trị của tỉnh, phục vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, như:

Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ở cấp quốc gia: Bảo tồn nguồn gen giống Cam sành Hàm Yên, giống Trâu ngố Tuyên Quang; bảo tồn nguồn gen một số loài cây lâm nghiệp quý có trên địa bàn tỉnh như: Nghiến, Đinh, Bách xanh, Thông đỏ, Trai lý, Gù hương.

Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ở cấp tỉnh: Bảo tồn nguồn gen Bưởi đường Xuân Vân, Na Lực Hành, Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, Vịt bầu Minh Hương, cá Rầm xanh, Anh vũ, Lăng chấm, Bỗng, Chiên; Nguồn gen một số loài dược liệu quý hiếm như Lan Kim tuyến, Hoàng đằng, Trà hoa vàng, Bình vôi đỏ, Hoàng tinh hoa trắng,...

- Nghiên cứu, đánh giá được khả năng nhân giống vô tính và lựa chọn được phương pháp nhân giống phù hợp nhằm tăng hiệu quả bảo tồn một số nguồn gen.

- Thu thập, xây dựng mô hình vườn giống gốc phục vụ công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật rừng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, y tế, khoa học và môi trường.

- Hình thành các tổ chức đồng quản lý nghề cá tại các bãi cá đẻ, các bãi sinh trưởng của cá non tại các vùng nước; nhóm sử dụng hiệu quả cây gỗ và các loại dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của các nguồn gen và việc tham gia bảo vệ các nguồn gen, phát huy có hiệu quả những tri thức bản địa trong việc bảo tồn, lưu giữ, sử dụng các nguồn gen quý, hiếm.

PHẦN III. NỘI DUNG CẦN GIẢI QUYẾT

1. Điều tra, khảo sát, thống kê và thu thập bổ sung nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, chủ lực có giá trị trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục tráng nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, như: Cam sành Hàm Yên, Hồng ngâm Xuân Vân, Bưởi Xuân Vân, Na Lực Hành, Trâu ngố Tuyên Quang, Vịt bầu Minh Hương, Lạc Chiêm Hoá,...

2. Điều tra, đánh giá, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thành phần loài, đặc tính sinh học và nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống một số loài thủy sản bản địa quý, hiếm như: Cá Chiên, cá Lăng chấm, cá Bỗng, cá Rầm xanh, cá Anh vũ nhằm bảo tồn, duy trì, nhân rộng để phục vụ nhu cầu nuôi trồng, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; thuần hoá, lưu giữ các loài cá bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; quy hoạch các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản để bảo tồn nguồn gen các loài thủy sản quý, hiếm.

3. Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen một số loài cây lâm nghiệp quý có trên địa bàn tỉnh như: Nghiến, Đinh, Bách xanh, Thông đỏ, Trai lý, Gù hương; Xây dựng vườn nhân giống phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen.

4. Điều tra, nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc tự nhiên như: Lan Kim tuyến, Hoàng đằng, Trà hoa vàng, Bình vôi đỏ, Hoàng tinh hoa trắng,... tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tiến tới tạo sản phẩm OCOP có tiềm năng cho địa phương.

5. Tư liệu hóa các nguồn gen dưới các hình thức: Phiếu điều tra, phiếu mô tả, phiếu đánh giá, tiêu bản, hình vẽ, bản đồ phân bố, ảnh, ấn phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu; đánh giá chi tiết một số nguồn gen cây trồng, vật nuôi chủ lực theo các chỉ tiêu sinh học; xây dựng phòng trưng bầy, lưu giữ, bảo quản các nguồn gen của tỉnh.

6. Giới thiệu, cung cấp, trao đổi nguồn gen và các thông tin có liên quan với các tổ chức, cá nhân trong nước và đối tác nước ngoài (theo quy định của pháp luật) nhằm mở rộng hợp tác khoa học, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen của tỉnh.

7. Cập nhật thông tin về nguồn gen vào hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia hoặc trên trang thông tin điện tử của Chương trình.

8. Nghiên cứu, ứng dụng các quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật để phục tráng, nhân giống; xây dựng vườn giống gốc các loài thực vật rừng cần bảo tồn và nhân giống; xây dựng các mô hình trồng thâm canh.

9. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về bảo tồn và phát triển nguồn gen.

(Chi tiết có danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, cấp quốc gia kèm theo)

10. Hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ từ nguồn của Trung ương cân đối về địa phương để tăng cường, bổ sung tiềm lực cho các tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen cấp tỉnh.

11. Đối với các cây trồng, vật nuôi khác, căn cứ tình hình thực tiễn và khả năng của ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định bổ sung theo từng giai đoạn cụ thể.

PHẦN IV. DỰ KIẾN KẾT QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Tập đoàn mẫu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, lưu giữ, bảo tồn được nguồn gen của 23 nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi như: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Na Lực Hành, Hồng ngâm Xuân Vân, Lạc Chiêm Hóa, Trâu ngố Tuyên Quang, Vịt bầu Minh Hương; Cây dược liệu (Lan Kim tuyến, Hoằng đằng, Trà hoa vàng, Bình vôi đỏ, Hoằng tinh trắng), thực vật rừng quý hiếm (Nghiến, Đinh, Bách xanh, Thông đỏ, Trai lý, Gù hương); Các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Cá Chiên, cá Lăng chấm, cá Bỗng, cá Rầm xanh, cá Anh vũ), kèm theo các thông tin chính xác về nguồn gốc, điều kiện sinh thái, cơ sở dữ liệu về đặc điểm hình thái, điều kiện tự nhiên, nông học của loài.

2. Kỹ thuật nhân giống một số cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và vật nuôi có giá trị.

3. Vườn cây đầu dòng, vườn giống gốc: Vườn giống gốc bảo tồn nguồn gen của 5-15 loài cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu quý, hiếm; Vườn giống gốc Cam sành Hàm Yên với 50 cây giống gốc, khả năng nhân 100.000 cây giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng, cung ứng cho 180-200 ha phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh mỗi năm.

4. Mô hình sản xuất, mỗi loài khoảng 0,5 - 01 ha (cây trồng); 500-1000 con (cá đặc sản và vật nuôi) .

 5. Hệ thống cơ sở dữ liệu, danh mục về thành phần loài, đặc tính sinh học của một số loài thực vật rừng quý, hiếm được bảo tồn.

6. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án.

7. Các tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen cấp tỉnh, cấp quốc gia được đầu tư, tăng cường tiềm lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ về quỹ gen được giao.

8. Báo cáo đánh giá công tác bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn tại tỉnh Tuyên Quang.

9. Tư liệu về nguồn gen dưới một trong các hình thức sau: Giống, hướng dẫn kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, các tài liệu, báo cáo phiếu điều tra, phiếu mô tả, phiếu đánh giá, tiêu bản, hình vẽ, bản đồ phân bố, ảnh, ấn phẩm, thông tin về một số loài thủy sản, thực vật rừng, cây ăn quả và cây dược liệu.

PHẦN V. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng dự toán kinh phí dự kiến thực hiện trong 5 năm (2021-2025): 40.000.000.000 đồng (Bốn mươi tỷ đồng), trong đó:

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh được lấy từ ngân sách sự nghiệp khoa học hằng năm do Trung ương cân đối cho địa phương: 16.000.000.000 đồng.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp quốc gia lấy từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương ương hỗ trợ: 14.000.000.000 đồng.

- Kinh phí huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác: 10.000.000.000 đồng.

2. Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục hằng năm, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ sẽ lập dự toán kinh phí chi tiết theo các quy định hiện hành. Việc lập dự toán ngân sách hằng năm, quản lý sử dụng kinh phí ngân sách chi cho nhiệm vụ thuộc Đề án được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan khác; quy định về lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp nhà nước.

PHẦN VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án;

- Căn cứ vào danh mục nhiệm vụ của Đề án quỹ gen đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức thực hiện theo quy định và đạt hiệu quả.

- Quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp tỉnh, cấp quốc gia theo quy định;

- Báo cáo định kỳ việc thực hiện Đề án với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch nguồn vốn thực hiện Đề án trên cơ sở đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

3. S Tài chính

Căn cứ vào Đề án, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cân đối ngân sách tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt giao dự toán kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh hằng năm.

4. Các cơ quan, đơn vị khác

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân, Trường đại học, Viện nghiên cứu, ... trong và ngoài tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Đề án./.

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số: 361/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên nhiệm vụ (Theo nhóm đối tượng bảo tồn)

Tên tổ chức dự kiến chủ trì (Tổ chức đủ điều kiện và năng lực dự kiến giao chủ trì nhiệm vụ)

Đối tượng và số lượng nguồn gen bảo tồn (Tên nguồn gen và số lượng đối tượng sẽ bảo tồn)

Đặc điểm nổi bật, tính đặc hữu của các nguồn gen

Dự kiến kinh phí NSNN (đồng)

Thời gian thực hiện

1

Bảo tồn nguồn gen một số cây dược liệu quý ở tỉnh Tuyên Quang

Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Tân Trào và một số đơn vị, tổ chức tham gia tuyển chọn

Bảo tồn được nguồn gen 5 loài cây dược liệu:

 

 

- Lan Kim Tuyến (Anoectochilus setaceus Blume)

0,5 ha

Lan Kim Tuyến là một loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Cây ưa độ ẩm cao và ưa bóng râm, Cây cao 10-20 cm, thân màu tím, mọng nước, phần cây non có nhiều lông mềm, mang 2-6 lá mọc cách, xòe trên mặt đất. Lá hình trái xoan hoặc hình trứng, Hoa mọc thành từng cụm, mang 5-10 hoa màu hồng phủ lông đỏ. Cây có thể sinh sản vô tính bằng chồi và thân rễ. Bộ phận sử dụng là toàn bộ cây đều được dùng làm thuốc.

Ở Việt Nam Lan Kim Tuyến có ở Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai.

Tại tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Thực nghiệm và thực hành thuộc Trường Đại học Tân Trào đang lưu giữ giống. Các huyện Na Hang, Lâm Bình có xuất hiện loài này.

1.200.000.000

2021-2023

- Hoàng Đằng (Fibraurea tinctoria Lour); 01 ha

 Hoàng Đằng là loại cây dây leo to, khá dài, rễ và thân già của cây này có những đường nứt xù xì ở vỏ ngoài và có gỗ bên trong màu vàng. Hoa của nó có màu vàng lục, kích cỡ nhỏ; phiến lá bầu dục, đầu nhọn; Hoa nhỏ, màu vàng lục, đơn tính, hoa có lá đài hình tam giác; hoa đực có 6 nhị, chỉ nhị hơi hẹp và dài hơn bao phấn; hoa cái có 3 lá noãn. Quả hạch hình trái xoan, khi chín màu vàng. Bộ phận sử dụng là rễ và thân già.

Hoàng Đằng thường mọc hoang ở các tỉnh miền núi nước ta như vùng núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam.Tại tỉnh Tuyên Quang, Hoàng Đằng có ở Bản Bung (Thanh Tương); Sơn Phú (Na Hang); hiện đang được trồng thử nghiệm tại xã Năng Khả, huyện Na Hang.

1.200.000.000

2023-2025

- Trà Hoa Vàng (Camellia chrysantha)

01 ha

Chè Hoa Vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng như lấy gỗ, có thể trồng rừng phòng hộ, trồng làm cây cảnh và làm đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu. Chè hoa vàng là cây gỗ nhỏ hay cây bụi. Lá có phiến thuôn, không lông, mép có khía răng cưa nhỏ. Hoa mọc đơn độc trên cuống dài 7-10 mm; lá bắc 5. Lá đài 5; cánh hoa 8-10, màu vàng đậm; nhị nhiều; bầu nhụy không lông. Quả nang to 3 cm, vỏ quả dày 3 mm.

Sống trong các khu rừng ẩm có độ cao dưới 500 m. Chúng mọc hoang dại ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Hiện nay chè hoa vàng thường mọc nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình….

Tại tỉnh Tuyên Quang có ở xã Thanh Tương, Đà vị, Lăng Khả, Sinh Long (Na Hang); xã Lăng Can, Khuân Hà, Thượng Lâm (Lâm Bình).

1000.000.000

2021-2023

- Bình Vôi đỏ (Stephania rotunada Lour)

0,5 ha

Bình Vôi đỏ là một loại dây leo, bộ phận dùng làm dược liệu là phần gốc thân phình thành củ, cây mọc bám vào vách đá, củ nhỏ hơn loại trắng nhiều (chỉ nặng khoảng 0,5-1,0kg). Cây Bình vôi đỏ phân biệt đực cái rõ vì hoa đực và hoa cái khác gốc, củ cũng khác, củ cây cái thường tròn, củ cây đực thường dài hơn. Là cây thuốc ít gặp, thuộc loại hiếm, có tác dụng chữa đau dạ dày do viêm loét.

Thường thấy phân bố ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng.

Tại tỉnh Tuyên Quang có ở Bản Bung, xã Thanh Tương; xã Khau Tinh, huyện Na Hang.

900.000.000

2021-2023

- Hoàng tinh hoa trắng (Disporosis longifolia)

0,5 ha

Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,6-1 m. Cây có thể trồng được bằng hạt hoặc bằng đầu mầm thân rễ, dưới tán rừng ẩm. Tuy nhiên, cây trồng phải sau 4-5 năm mới có thể cho thu hoạch, bộ phận sử dụng là thân và rễ. Đặc biệt ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc rải rác dưới tán rừng núi đá vôi ẩm. Hoàng tinh hoa trắng có tác dụng bổ trung, ích khí, nhuận phế.

Ở nước ta Hoàng tinh hoa trắng có ở Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An.

Tại tỉnh Tuyên Quang có ở Bản Bung (xã Thanh Tương, Na Hang); đang trồng thử nghiệm tại xã Năng Khả, huyện Na Hang.

900.000.000

2023-2025

2

Bảo tồn nguồn gen vật nuôi (Vịt bầu Minh Hương, huyện Hàm Yên) có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Tuyên Quang

 Thực hiện tuyển chọn

- Vịt bầu Minh Hương (Anatidae)

500 con

Vịt bầu Minh Hương còn gọi là vịt suối, là một giống vịt bầu bản địa có từ lâu đời ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Thịt vịt khi chế biến có tiếng hương vị thơm ngon, đặc trưng, được nhiều người biết đến.

Nhãn hiệu vịt bầu Minh Hương được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận theo Quyết định số 76136/QĐ-SHTT ngày 02/12/2015. Món ăn chế biến từ vịt bầu Minh Hương Hàm Yên được đề cử Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam 2016.

1.200.000.000

 

2022-2024

3

Bảo tồn nguồn gen một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện tuyển chọn

Bảo tồn được nguồn gen 4 loại cây trồng có giá trị kinh tế cao:

 

 

- Na Lực Hành

(nnona squamosa)

0,5 ha

Na Lực Hành được trồng tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, đây là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Na Lực Hành có quả to, vị ngọt đậm, thịt quả chắc, dai (còn gọi là Na dai).

1.000.000.000

2023-2025

- Bưởi Xuân Vân

(Citrus grandis)

0,5 ha

Bưởi đường Xuân Vân có nguồn gốc từ thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, có đặc điểm quả to, mỏng vỏ, múi dày, vị ngọt mát, mọng nước, nhưng khi bóc hạt tép đều, khô đanh không dính tay. Bưởi đường Xuân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho HTX nông lâm nghiệp Xuân Vân, được Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế xếp ở TOP 10 Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018.

Sản phẩm Bưởi đường Xuân Vân đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2020 đạt hạng 3 sao.

1.200.000.000

2021-2023

- Hồng ngâm Xuân Vân (Diospyros kaki)

0,5 ha

Hồng ngâm Xuân Vân có trên đất Xuân Vân không dưới 60 năm, có đặc điểm quả thuôn dài, có từ 3-4 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả, quả hoàn toàn không hạt, thịt quả màu vàng da cam đến vàng đậm, vị ngọt sắc, giòn và mùi thơm đặc trưng của giống hồng bản địa.

Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu tập thể Hồng ngâm Xuân Vân cho HTX Nông lâm nghiệp Xuân Vân.

1.200.000.000

2021-2023

- Lạc Chiêm Hóa

(Arachis hypogaea)

0,5 ha

Lạc Chiêm Hóa là một trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh Tuyên Quang, năm 2015, lạc Chiêm Hóa đã chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể và được giao cho HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn quản lý.

Năm 2020, sản phẩm lạc Chiêm Hóa đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang.

1.200.000.000

2021-2023

4

Bảo tồn nguồn gen một số loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện tuyển chọn

Bảo tồn được nguồn gen 5 loài cá:

 

 

- Cá Chiên (Bagarius yarrelli)

1000 con

Là loài cá da trơn, có thể biến đổi màu theo môi trường nước, ở môi trường nước trong cá có màu nâu đen, ở môi trường nước đục cá có màu vàng nâu, trên thân có một số vùng đen lớn rất đặc biệt. Các vây xám hồng. Thân dẹp bên. Đầu dẹp đứng, đuôi thon. Trên đầu và thân có các u thịt nhỏ màu vàng nổi lên làm cá trở nên ráp. Loài cá này sống ở tầng đáy, ưa những nơi có khe nước chảy, đáy là cát đá.

Cá Chiên thường thấy nhiều trong các sông suối ở các tỉnh phía Bắc, nhất là ở vùng trung và thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Hồng, sông Đà, sông Mã.

1000.000.000

2021-2023

- Cá Lăng chấm (Hemibagrus guttatus - Lacepede 1803)

1000 con

Cá Lăng chấm là loài cá có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Thịt cá thơm ngon, không có xương dăm và được coi là một trong những đặc sản hàng đầu của miền Bắc. Cá cỡ lớn, thân trần dài, phần trước dẹp bằng, sau dẹp bên. Đầu rộng, bẹt và tương đối dài. Mõm rộng, phía trước hơi bằng. Lưng xám đen, bụng trắng nhạt, bên thân có nhiều chấm đen to, nhỏ. 

Ở Việt Nam, cá lăng chấm thường sống ở các sông lớn phía Bắc như sông Lô, Hồng, sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng, sông Mã, sông Lam tới sông Trà Khúc-Quảng Trị.

1.000.000.000

2021-2023

- Cá Bỗng (Spinibarbichthys denticulatus)

1000 con

Là loài cá thuộc họ Cá chép. Thân thấp, dẹp bên, lưng hơi cong, hình thoi. Đầu tương đối dài, đỉnh đầu hơi lồi. Miệng dưới hình móng ngựa. Có hai đôi râu to dài. Lưng màu xám, nhạt dần về phía bụng. Bụng hơi vàng, các vây màu xám, hai má hơi hồng.

Ở Việt Nam cá bỗng phân bố ở trung và thượng lưu các sông lớn ở các tỉnh phía Bắc dọc theo sông Hồng (Yên Bái trở lên Tuyên Quang,…), sông Lam (Con Cuông, Cửa Rào - Nghệ An), sông Thu Bồn, Trà Khúc (Nam Trung Bộ), sông Lô (Tuyên Quang), cá thích hợp ở những nơi nước cháy.

1.000.000.000

2021-2023

- Cá Rầm xanh (sinilabeo lemassoni)

500 con

Cá Rầm xanh được xếp vào dạng “Ngũ quý” cùng với cá Lăng, cá Chiên, cá Anh vũ và cá Bỗng. Cá Rầm xanh có đặc điểm thân kéo dài, dẹp bên, phần đầu hơi tròn, miệng dưới hai bên của môi trên không được da mõm đậy hoàn toàn, răng hầu 3 hàng. Môi dưới có rãnh sâu phân cách với hàm dưới.

Ở Việt Nam cá Rầm xanh phân bố ở trung, thượng lưu các sông, suối ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện cá Rầm xanh có ở tỉnh Bắc Kạn.

1.000.000.000

2023-2025

- Cá Anh vũ (Semilabeo obscorus)

200 con

Là loài cá quý với danh hiệu cá tiến vua. Cá có thân dày, thuôn dần về phía đuôi, không có râu. Thân cá có màu xám tro, bụng màu vàng nhạt. Miệng phía dưới rạch ngang, có môi dưới rộng hình tam giác, với nhiều gai thịt tròn nổi. Cá Anh vũ có kích thước trung bình, chiều dài toàn thân từ 31-67 cm, khối lượng có thể lên đến 5 kg.

Ở Việt Nam cá Anh vũ thường sống ở lưu vực sông Hồng, Kỳ Cùng, Lam thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An

Tại tỉnh Tuyên Quang, người dân có đánh bắt tự nhiên ở suối thuộc xã Đà Vị, huyện Na Hang.

1.000.000.000

2023-2025

 

Cộng

 

 

 

16.000.000.000

 

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số: 361/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên nhiệm vụ (Theo nhóm đối tượng bảo tồn)

Tên tổ chức dự kiến chủ trì (Tổ chức đủ điều kiện và năng lực dự kiến giao chủ trì nhiệm vụ)

Đối tượng và số lượng nguồn gen bảo tồn (Tên nguồn gen và số lượng đối tượng sẽ bảo tồn)

Đặc điểm nổi bật, tính đặc hữu của các nguồn gen

Dự kiến kinh phí NSNN (đồng)

Thời gian thực hiện

1

Bảo tồn nguồn gen cam Sành Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện tuyển chọn

Cam sành Hàm Yên

(C.reticulata)

50 cây giống gốc

Cam sành Hàm Yên được xem là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây. Cam sành Hàm Yên có quả to, tròn, mọng nước; khi chín vỏ quả có màu vàng đậm, vị ngọt đậm đà, thơm.

Được trồng ở Tuyên Quang, Hà Giang. Thích nghi với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

3.000.000.000

2022-2025

2

Bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp, thực vật rừng quý, hiếm ở tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện tuyển chọn

Bảo tồn được nguồn gen 7 loài cây lâm nghiệp, thực vật rừng:

 

 

- Nghiến (Excentrodendron tonkinense)

01 ha

Nghiến là cây gỗ lớn, cao 30-35m, đường kính tới 80-90cm; là một loại gỗ quý có vân xoăn đẹp ở bướu to, có tính cơ học cao, dai, bền không mối mọt.

Ở Việt Nam, Nghiến tập trung trong các khu bảo tồn; thuộc các tỉnh như Hà Giang; Tuyên Quang, Yên Bái; Lào Cai; Quảng Bình hay vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở Quảng Bình.

1.500.000.000

2023-2025

- Đinh (Markhamia stipulata Seem)

  01 ha

Đinh là loài cây thân gỗ lớn, có chiều cao trung bình 10-25m, đường kính thân 60-80cm, là một trong bốn loại tứ thiết mộc của Việt Nam (có nghĩa là gỗ Đinh được ví là một trong bốn loài thực vật thân gỗ cứng như sắt gồm đinh, lim, sến, táu).

Ở Việt Nam, cây gỗ Đinh sinh trưởng và phát triển chủ yếu tại các tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.

1.500.000.000

2023-2025

- Bách xanh (Calocedrus macrolepis)

01 ha

Cây Bách xanh là cây có thân gỗ to, thẳng, thường xanh, cao khoảng trên 20m, đường kính thân 0,6-0,8m, thân thẳng; Gỗ cây Bách xanh có mùi thơm, thớ thẳng, khá mịn, khi khô ít nứt nẻ và thường không bị biến dạng, không bị mối mọt hay mục, do vậy mà rất dễ dàng cho việc gia công chế tác. 

Ở Việt Nam, cây Bách xanh sống chủ yếu ở các vùng Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Ba Vì, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đắc Lắc.

1.500.000.000

2023-2025

- Thông đỏ (Taxus wallichiana)

01 ha

Cây Thông đỏ thuộc dòng thân gốc rễ cạn, rễ cọc kém phát triển và nằm trong số những loài thực vật phát triển chậm và lâu năm nhất trái đất. Ở độ tuổi trưởng thành, Thông đỏ có thể cao tới 20-35 m, đường kính thân trung bình khoảng 1m; Thông đỏ được đánh giá là loại dược liệu quý hiếm có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Lá Thông đỏ được dùng chữa bệnh và điều chế tinh dầu.

Tại Việt Nam, Thông đỏ phân bố tại hẻm núi quanh địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Độ cao phù hợp với cây Thông đỏ ở Việt Nam trên 1.300 – 1.700m. 

1.500.000.000

2023-2025

- Trai lý (Garcinia fagraeoides)

01 ha

Trai lý cây có chiều cao từ 10 - 25m. Lá và quả giống với gỗ Trai đỏ và quả là thức ăn cho động vật. Gỗ trai màu vàng, rất cứng, được coi là một trong những loại gỗ quý giá. Cây sinh trưởng chậm, tuổi đời của cây thường là 100 năm. Cây gỗ Trai có thể sống ở vùng đất úng và kháng được mọi sâu bệnh. Thân mềm, thớ gỗ mịn, màu gỗ sáng, vân gỗ đều. 

Cây Trai lý mọc rải rác ở Việt Nam, chủ yếu ở khu vực Bình Trị Thiên, đặc biệt, nó có nhiều ở vùng tây Quảng Trị.

1.500.000.000

2023-2025

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN

- Gù hương (Cinnamomum balansae)

  01 ha

Gù hương là loài cây gỗ to, thường xanh, cao tới 50 m, đường kính thân 0,7-1,2 m. Gỗ màu nâu đỏ, thân gỗ tiết dầu.

Ở nước ta, Gù hương mọc nhiều từ Quảng Trị trở vào, nhất là ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, nhưng cũng thấy phân bố ở Cao Bằng, Quảng Ninh.

1.500.000.000

2023-2025

3

Bảo tồn nguồn gen vật nuôi (Trâu ngố Tuyên Quang) có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Tuyên Quang

 Thực hiện tuyển chọn

- Trâu ngố Tuyên Quang

50 con

Trâu ngố là một giống trâu nội (trâu đầm lầy) có nguồn gốc ở miền Bắc Việt Nam. Trâu có vóc dáng to, khỏe, là tài sản qúy báu cần được giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn gen.

2.000.000.000

2022-2024

 

Cộng

 

 

 

14.000.000.000

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 361/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh, cấp quốc gia, giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 361/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Hoàng Việt Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/06/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản