Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1671/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG NGUỒN GEN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

n cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

- Nguồn gen là tài sản quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen là trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Bảo tồn kết hợp với sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

- Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc.

II. MỤC TIÊU

1. Đến năm 2020

- Thu thập, nhập nội, lưu giữ an toàn được ít nhất 70.000 nguồn gen sinh vật.

- Đánh giá, xác định giá trị nguồn gen, trong đó đánh giá ban đầu được ít nhất 20.000 (khoảng 30%) nguồn gen sinh vật đã thu thập, tập trung vào nguồn gen có giá trị kinh tế, khoa học, môi trường và y - dược; đánh giá chi tiết được ít nhất 10% trong tổng số nguồn gen sinh vật đã đánh giá ban đầu.

- Đánh giá tiềm năng di truyền được ít nhất 300 nguồn gen sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ gen của ít nhất 5 nguồn gen đặc hữu hoặc có giá trị kinh tế cao hoặc là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Việt Nam.

- Tư liệu hóa nguồn gen, bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin trong mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc (Mạng lưới quỹ gen quốc gia).

- Khai thác và phát triển ít nhất 100 nguồn gen có giá trị ứng dụng để phát triển phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng.

2. Đến năm 2025

- Tiếp tục thu thập, nhập nội, lưu giữ, bảo tồn an toàn và nguyên trạng được ít nhất 90.000 nguồn gen sinh vật.

- Đánh giá, xác định giá trị nguồn gen, trong đó đánh giá ban đầu ít nhất 30.000 (khoảng 40%) nguồn gen đã thu thập; nguồn gen có giá trị khoa học, y - dược, kinh tế và có triển vọng phát triển giống cho sản xuất; đánh giá chi tiết ít nhất 10% trong tổng số nguồn gen đã đánh giá ban đầu.

- Đánh giá tiềm năng di truyền của ít nhất 500 nguồn gen sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ gen của ít nhất 10 nguồn gen đặc hữu có giá trị kinh tế cao hoặc là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Việt Nam.

- Tư liệu hóa nguồn gen và hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về nguồn gen phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin trong Mạng lưới quỹ gen quốc gia.

- Khai thác và phát triển ít nhất 200 nguồn gen có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng.

3. Định hướng đến năm 2030

Tiếp tục thu thập, nhập nội, lưu giữ, bảo tồn an toàn quỹ gen quốc gia; đánh giá, khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn gen có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng; các thành viên Mạng lưới quỹ gen quốc gia được tiếp tục nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhiều tổ chức thành viên đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, thế giới.

III. NỘI DUNG

1. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật

a) Thu thập, lưu giữ an toàn nguồn gen sinh vật

- Xác định các nguồn gen ưu tiên cần thu thập, bảo tồn. Đặc biệt chú trọng các nguồn gen có khả năng tạo ra sản phẩm chủ lực có giá trị cao, các nguồn gen đặc sản, đặc hữu, các nguồn gen có nguy cơ thất thoát và tuyệt chủng cao.

- Ứng dụng khoa học công nghệ từng bước chuẩn hóa quốc tế phương pháp bảo quản, lưu giữ nguồn gen trong bảo tồn chuyển chỗ.

- Mở rộng nghiên cứu bảo tồn tại chỗ các giống cây trồng, vật nuôi bản địa và các loài hoang dã có quan hệ gần với các giống vật nuôi, cây trồng, cây làm thuốc, các chủng vi sinh vật quý, hiếm.

- Thực hiện bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn trên đồng ruộng phù hợp với từng đối tượng nguồn gen.

b) Đánh giá, tư liệu hóa nguồn gen có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng

- Đánh giá ban đầu các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển đối với các nguồn gen sau khi được thu thập.

- Đánh giá chi tiết về năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu, bệnh, khả năng thích ứng của các nguồn gen có tiềm năng về giá trị khoa học, giá trị ứng dụng.

- Tư liệu hóa về các nguồn gen đã đánh giá.

c) Đánh giá di truyền nguồn gen

- Tiếp tục đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen phục vụ cho công tác chọn tạo giống; đặc biệt ưu tiên đánh giá các nguồn gen quý hiếm, nguồn gen đặc hữu.

- Đánh giá tiềm năng di truyền của các nguồn gen quý có giá trị cao về kinh tế, dinh dưỡng, chữa bệnh; có khả năng chống chịu sâu, bệnh, điều kiện không thuận lợi; cho năng suất, chất lượng cao.

- Lập bản đồ gen một số đối tượng sinh vật đặc hữu, có các đặc tính quý, sinh vật thuộc đối tượng trọng điểm chủ lực trong sản xuất có tầm quan trọng quốc gia để phục vụ khai thác trực tiếp cũng như phục vụ việc tạo giống mới phục vụ sản xuất và đời sống.

d) Khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen có giá trị ứng dụng

- Khai thác trực tiếp các nguồn gen có đặc tính quý hiếm, có giá trị kinh tế đã được đánh giá trong giai đoạn bảo tồn để phát triển thành các sản phẩm thương mại mang thương hiệu Việt, có tính cạnh tranh trên thị trường.

- Khai thác các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm có giá trị khoa học, giá trị y - dược, có triển vọng phát triển sản phẩm mới nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

- Khai thác và phát triển nhanh những nguồn gen có khả năng làm vật liệu cho công tác chọn tạo giống (cung cấp vật liệu khởi đầu cho chọn giống, dòng bố mẹ cho lai tạo giống).

2. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật

- Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong Mạng lưới quỹ gen quốc gia, trong đó tập trung cho Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, Trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu quốc gia, Vườn thực vật quốc gia, Trung tâm nguồn gen vật nuôi quốc gia, Trung tâm nguồn gen thủy sản quốc gia, Ngân hàng gen vi sinh vật quốc gia.

- Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực thực hiện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

3. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia

- Thu thập, hệ thống hóa dữ liệu về nguồn gen ở từng tổ chức thành viên Mạng lưới quỹ gen quốc gia.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia đáp ứng yêu cầu cập nhật, trao đổi thông tin thuận lợi.

4. Các nhiệm vụ ưu tiên triển khai

Tập trung thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện của Chương trình (Phụ lục chi tiết kèm theo Quyết định này).

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tổ chức quản lý

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

- Kiện toàn hệ thống quản lý về nguồn gen, Mạng lưới quỹ gen quốc gia.

- Xây dựng và triển khai thực hiện đề án khung và các nhiệm vụ, dự án về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

2. Về khoa học và công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong bảo tồn, khai thác nguồn gen sinh vật. Thực hiện chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế các phương pháp trong nghiên cứu bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

- Khuyến khích và hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nguồn gen có giá trị kinh tế, y - dược và khoa học.

- Lồng ghép các hoạt động khoa học và công nghệ về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen, đánh giá di truyền nguồn gen với các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

3. Về nhân lực

- Thực hiện phương thức đào tạo linh hoạt, lồng ghép đào tạo tại một số trung tâm nguồn gen của thế giới với đào tạo tại các tổ chức bảo tồn nguồn gen trong nước.

- Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua việc thực hiện các dự án bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, đào tạo theo ê-kip làm việc.

4. Về hợp tác quốc tế

- Thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung, nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu có sự hỗ trợ của nước ngoài về những vấn đề liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

- Tăng cường nhập nội nguồn gen có giá trị kinh tế, y - dược và khoa học; trao đổi có định hướng nguồn gen với các nước và các tổ chức bảo tồn nguồn gen quốc tế.

- Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực tài chính, chuyên gia tư vấn nước ngoài cho bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

5. Về thông tin, truyền thông

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về vị trí, vai trò ý nghĩa của việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nhà nước bảo đảm ngân sách để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình, ưu tiên đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức đầu mối chuyên ngành trong Mạng lưới quỹ gen quốc gia, thực hiện các dự án bảo tồn và khai thác nguồn gen cấp quốc gia, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia, các nhiệm vụ khác nêu tại Khoản 4 Mục III Điều này. Kinh phí sử dụng theo quy định hiện hành đối với quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân để tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, đặc biệt là cho công tác khai thác phát triển và bảo tồn tại chỗ nguồn gen.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập dự toán kinh phí của Chương trình theo nhiệm vụ cụ thể của từng năm, từng giai đoạn, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Điều phối chung hoạt động của Mạng lưới quỹ gen quốc gia. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc Chương trình.

- Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Bố trí vốn đầu tư phát triển cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tổ chức bảo tồn nguồn gen.

- Vận động, kết nối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

3. Bộ Tài chính

Bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

- Tổ chức thực hiện các nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen quy định tại Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Chương trình; các nhiệm vụ thuộc Đề án khung về quỹ gen cấp Bộ, cấp tỉnh; quản lý các thành viên Mạng lưới quỹ gen quốc gia trực thuộc.

- Huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được phân công thuộc Chương trình; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan.

- Hàng năm báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, KTN, QHQT, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên nhiệm vụ (*)

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

2016 - 2025

2

Xây dựng hệ thống Mạng lưới quỹ gen quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

2016 - 2020

3

Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

2017 - 2020

4

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (để phù hợp với các quy định của Luật Đa dạng sinh học)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ

2016 - 2018

5

Dự án điều tra, thu thập nguồn gen cây nông nghiệp (ở những địa bàn có nguy cơ suy giảm, thất thoát cao)

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2017 - 2025

6

Dự án bảo tồn tại chỗ nguồn gen cây dược liệu đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị cao tại một số vùng sinh thái đặc trưng

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2018 - 2025

7

Các dự án nâng cấp Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, Trung tâm nguồn gen vật nuôi quốc gia, Trung tâm nguồn gen thủy sản quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Khoa học và Công nghệ

2016 - 2025

8

Dự án nâng cấp Ngân hàng gen vi sinh vật quốc gia

Đại học Quốc gia Hà Nội

Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

2016 - 2020

9

Dự án xây dựng Vườn thực vật quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

2018 - 2025

10

Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu quốc gia

Bộ Y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2018 - 2025

(*) Ghi chú: Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ ưu tiên trên thực hiện theo quy định hiện hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1671/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1671/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/09/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản