Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2007/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA THANH TRA HÀNG KHÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Thanh tra số 22/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16/6/2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra hàng không. 

2. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Thanh tra hàng không.

3. Hoạt động của Thanh tra hàng không thực hiện theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và pháp luật về thanh tra; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Vị trí, chức năng

1. Thanh tra hàng không thuộc hệ thống Thanh tra giao thông vận tải, là cơ quan của Cục Hàng không Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hàng không trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam.

Thanh tra hàng không chịu sự chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (sau đây gọi chung là Cục trưởng) và chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ).

2. Thanh tra hàng không có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động nghiệp vụ.

3. Thanh tra hàng không có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh là Vietnam Civil Aviation Inspectorate, viết tắt là CAI.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra hàng không

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục trưởng.

2. Thanh tra việc tuân thủ các quy định về giấy tờ, tài liệu, chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng; tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm an toàn kỹ thuật và điều kiện đối với tàu bay, trang bị, thiết bị phục vụ tàu bay, cảng hàng không, sân bay, bảo đảm hoạt động bay và các lĩnh vực khác của hoạt động hàng không dân dụng.

3. Thanh tra đối với các hãng hàng không Việt Nam, hãng hàng không nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam về hoạt động khai thác vận chuyển hàng không, bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không.

4. Quyết định đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân và phương tiện vi phạm quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật an toàn hàng không, an ninh hàng không.

5. Quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay trong các trường hợp sau đây:

a) Xuất hiện tình huống cấp thiết phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc phát hiện tàu bay có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay, an toàn hàng không, an ninh hàng không, thủ tục chuyến bay, lập và thực hiện kế hoạch bay, thực hiện phép bay;

c) Phát hiện chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không.

Quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay quy định tại khoản này có hiệu lực ngay và phải được gửi cho người chỉ huy tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và các cơ quan, tổ chức hữu quan

6. Quyết định tạm giữ tàu bay trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam;

b) Không khắc phục các vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này hoặc không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm của cấp có thẩm quyền;

c) Thực hiện hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động bay, khai thác tàu bay và vận chuyển hàng không;

d) Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hoá chuyên chở trong tàu bay.

Quyết định tạm giữ tàu bay quy định tại khoản này có hiệu lực ngay và phải được gửi cho người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

7. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

8. Kiến nghị hoặc trình cấp có thẩm quyền kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chuyên ngành hàng không; kiến nghị đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra; kiến nghị áp dụng các biện pháp xử lý và khắc phục những vi phạm trong hoạt động hàng không dân dụng.

9. Giúp Cục trưởng tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

10. Phối hợp với Thanh tra các Cục quản lý chuyên ngành khác thuộc Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình thanh tra về các lĩnh vực liên quan đến hàng không dân dụng; với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

11. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.

12. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ giao.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra hàng không

1. Quản lý, điều hành Thanh tra hàng không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định này.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Cục trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra hoặc phân công thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo thẩm quyền.

4. Kiến nghị Cục trưởng xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Cục trưởng; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.

5. Kiến nghị Cục trưởng giải quyết các vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp thuận thì báo cáo Chánh Thanh tra Bộ để có biện pháp giải quyết theo quy định.

6. Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hành vi trái pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có bằng chứng xác định hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc gây trở ngại cho quá trình thanh tra.

7. Kiến nghị với Cục trưởng hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không theo quy định.

8. Kết luận thanh tra theo thẩm quyền hoặc theo ủy quyền.

9. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Tổ chức và biên chế

1. Thanh tra hàng không có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và chuyên viên.

a) Chánh Thanh tra hàng không do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Chánh Thanh tra Bộ. Phó Chánh Thanh tra hàng không do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh Thanh tra hàng không.

b) Thanh tra viên hàng không các cấp do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

c) Theo đề nghị của Chánh Thanh tra hàng không, Cục trưởng ra quyết định phân công công chức, viên chức có trình độ chuyên môn thuộc các Ban chuyên môn và cơ quan, tổ chức trực thuộc Cục cộng tác thường xuyên với Thanh tra hàng không để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không theo quy định tại Quyết định này. Công chức, viên chức do Cục trưởng phân công cộng tác được đào tạo nghiệp vụ thanh tra; chịu sự quản lý, điều hành và phân công nhiệm vụ thanh tra của người có thẩm quyền theo pháp luật về thanh tra.

2. Biên chế của Thanh tra hàng không thuộc biên chế hành chính của Cục Hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao hàng năm.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Quyết định số 03/2005/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Lưu: VP, TTr (5b).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

Hồ Nghĩa Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/2007/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 36/2007/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 564 đến số 565
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản