Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3533/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 23 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN SẮP XẾP CÁC TỔ CHỨC HỘI QUẦN CHÚNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2018-2021

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (Khoá XI) về hội quần chúng;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ;

Căn cứ Kết luận số 126-KL/TU ngày 26/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng;

Căn cứ Kế hoạch số 139-KH/TU ngày 28/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy tại Công văn số 2375-CV/BTCTU ngày 09/11/2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2080/TTr-SNV ngày 19/11/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2021 (kèm theo Đề án).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch các Hội có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ (b/c);
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh;
- CPVP; các Phòng Chuyên viên;
- Lưu: VT, NC.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Đinh Văn Thu

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP CÁC TỔ CHỨC HỘI QUẦN CHÚNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2018-2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số:3533 /QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ THỰC TRẠNG CÁC TỔ CHỨC HỘI

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết

Trong thời gian qua, hoạt động của các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực, tham gia cùng Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tuy nhiên, tổ chức hội phát triển nhanh về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác của tổ chức hội còn phụ thuộc nhiều vào Nhà nước, chưa thực sự chủ động, chưa thực hiện đúng nguyên tắc: “Tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, dân chủ, bình đẳng, công khai”… Để tạo điều kiện cho các tổ chức hội hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng nguyện vọng ngày càng đa dạng, phong phú của hội viên và nhân dân, đảm bảo hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời, để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng, gắn với tình hình thực tế của địa phương và các quy định hiện hành; Kế hoạch số 139-KH/TU ngày 28/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh.

2. Cơ sở pháp lý xây dựng đề án

- Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hội quần chúng;

- Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về hội quần chúng;

- Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

- Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ;

- Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP;

- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/8/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 09/11/2018 của Tỉnh ủy 12/8/2016;

- Kết luận số 126-KL/TU ngày 26/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng;

- Kế hoạch số 139-KH/TU ngày 28/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

- Chương trình số 13-CTr/BCS ngày 31/01/2018 của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác năm 2018;

- Kế hoạch số 2275/KH-UBND ngày 07/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Nghị Quyết 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 139-KH/TU ngày 28/02/2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;

- Thông báo số 03-TB/BCĐ ngày 18/4/2018 của Ban Chỉ đạo 809 Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

II. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC, ĐỊNH MỨC LAO ĐỘNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC HỘI

1. Tình hình tổ chức, định mức lao động của các tổ chức hội

1.1. Về tổ chức hội

- Đến nay, toàn tỉnh có 1.800 tổ chức hội quần chúng (sau đây viết tắt là hội), gồm: 58 hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, 190 hội có phạm vi hoạt động trong huyện, 1.552 hội có phạm vi hoạt động trong xã.

Việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ hội được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh quyết định cho phép thành lập, phê duyệt điều lệ các hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động ở xã, phường, thị trấn (theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 2599/QĐ-UBND ngày 17/8/2010).

- Hội được xác định là hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là 1.258 hội (16 hội cấp tỉnh; 130 hội cấp huyện; 1.112 hội cấp xã).

(Chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm)

1.2. Định mức lao động các hội

- Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 thông qua Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018-2021 và giao biên chế công chức, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh năm 2018, theo đó, giao 91 định mức lao động đối với các hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao 91 định mức lao động cho 17 hội ở tỉnh (tại Quyết định số 2250/QĐ-UBND ngày 24/8/2018), bao gồm: 62 biên chế sự nghiệp và 29 hợp đồng lao động cho 16 hội đặc thù; 03 biên chế sự nghiệp cho Hội Làm vườn.

Tổng số người làm việc hiện nay tại các hội là 111 người, trong đó có 39 biên chế và 72 hợp đồng lao động.

(Chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm)

- Ủy ban nhân dân cấp huyện giao 47 định mức lao động cho Hội Chữ thập đỏ để thực hiện hỗ trợ phần kinh phí cho hội đặc thù gắn với nhiệm vụ nhà nước giao.

2. Thực trạng hoạt động của các hội

2.1. Đối với các hội được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động:

Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động cho 12 hội, giao hợp đồng lao động cho 05 hội; với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, các hội đã triển khai thực hiện các hoạt động trong thời gian qua (chủ yếu đánh giá trong năm 2017 để làm cơ sở báo cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương lãnh đạo thực hiện):

a) Đối với các hội được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động:

- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng, củng cố phát triển tổ chức, tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tổ chức các chương trình hoạt động phối hợp, nghiên cứu phổ biến kiến thức khoa học- công nghệ, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, tư vấn phản biện giám định xã hội về chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, Khoa học-Kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, môi trường… Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các thành viên, hội viên…

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp cùng các tổ chức thành viên của Liên hiệp tổ chức giao lưu, đón tiếp các đoàn của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến thăm và làm việc tại Quảng Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác phát triển với các nước Lào, Nga, Pháp, Nhật Bản; vận động, tiếp nhận nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với giá trị tài trợ hơn 70 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ xây dựng các công trình về phát triển kinh tế địa phương, mua sắm trang thiết bị học tập, xây dựng trường học, công trình nước sạch….

- Hội Văn học-Nghệ thuật đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật Khu vực 5, gồm 09 tỉnh trong Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây nguyên, ban hành Quy chế về Giải thưởng Đất Quảng; phát động hội viên tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, với nhiều tác phẩm đạt giải… thực hiện quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước con người Việt Nam.

- Hội Luật gia triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình công tác như: tham gia xây dưng phap luât va văn ban quy pham phap luât ơ đia phương ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật; tham mưu, đề xuất UBND các cấp giải quyết nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện hành chính phức tạp, kéo dài; tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động giám sát, phản biện do các cơ quan dân cử và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nhằm tạo khí thế phấn khởi, gắn bó với tổ chức Hội.

- Hội Nhà báo đã phối hợp các Ban, ngành, địa phương tổ chức giao ban báo chí hằng quý, ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2017 - 2020, tuyên truyền Festival Di sản Quảng Nam năm 2017, phát động, chấm chọn và trao giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng, Cuộc vận động sáng tạo các tác phẩm báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…; tạo điều kiện cho các hội viên, phóng viên tham dự nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn tại Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các cơ chế chính sách nhằm giúp các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tiếp cận chính sách thuận lợi, nhanh chóng, ban hành Hướng dẫn số 117/HD-LMHTX ngày 31/7/2017 về hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh; duy trì mối quan hệ với các tổ chức quốc tế; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho cán bộ chủ chốt các Hợp tác xã, lao động nông thôn…

- Hội Chữ thập đỏ triển khai có hiệu quả các phong trào nhân đạo, từ thiện, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống thiên tai tại cộng đồng, hoạt động cứu trợ thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để vận động các nguồn tài trợ xây dựng các công trình dân sinh và hoạt động cứu trợ xã hội khác.

Tổng giá trị hoạt động của toàn Hội trong năm 2017 đạt hơn 117 tỷ 568 triệu đồng, đã giúp đỡ cho 279.820 lượt người và xây dựng các công trình nhân đạo khác (tồn quỹ ở các cấp Hội hơn 3.522 triệu đồng).

- Hội Từ thiện duy trì và thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân đạo từ thiện như: Bát cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo; khám bệnh cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo và hỗ trợ giáo dục; bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo; xe lăn, xe lắc tay, dụng cụ hỗ trợ cho người tàn tật; hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo chăn nuôi, phát triển đời sống; làm nhà tình thương cho người nghèo; hỗ trợ sinh hoạt phí cho người nghèo; cứu trợ đột xuất …. đã giúp đỡ cho hàng ngàn người nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh, những trường hợp bệnh tật hiểm nghèo… từng bước ổn định cuộc sống góp phần đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Hội Người mù đã triển khai thực hiện tốt công tác hoạt động tạo việc làm với việc đầu tư phát triển 6 cơ sở sản xuất tập trung, 18 tổ sản xuất và 8 cơ sở xoa bóp phục hồi sức khỏe, giải quyết việc làm thường xuyên cho 236 lao động, với sản phẩm tạo ra chủ yếu là chổi đót, tăm tre, sản phẩm đan lát các loại và dịch vụ xoa bóp bấm huyệt-phục hồi sức khỏe; vận động các tổ chức nhân đạo từ thiện giúp đỡ cho Hội hoạt động như tổ chức lớp học chữ Braille, học nghề, làm nhà tình thương, đầu tư cơ sở vật chất, trợ cấp, tặng quà cho người mù... với tổng số tiền ủng hộ quyên góp được: 4.413.089.000 đồng; tạo điều kiện giúp đỡ người mù và gia đình có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh với số tiền 622.840.000 đồng; vận động và tiếp nhận các nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân giúp đỡ cho 13.504 lượt người mù với tổng giá trị đạt 4.413.089.000 đồng nhằm tặng quà, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày và hỗ trợ sửa chữa nhà cho người mù.

- Hội Đông y phối hợp với ngành y tế thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã - phường nhằm tiếp tục duy trì, phát triển bảo tồn vườn thuốc nam. Tuyên truyền, động viên một bộ phận người dân quan tâm đến sử dụng thuốc nam tham gia khai thác, thu gom hàng trăm tấn dược liệu cung ứng tạo hậu cần về thuốc cho thị trường dịch vụ cả trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn người dân trồng và sử dụng cây dược liệu làm hàng hóa và ứng dụng trong khám, chữa bệnh; tổ chức thành công hội thảo chuyên đề về nuôi trồng, phát triển cây thuốc, bài thuốc; đã tổ chức khám 398.072 ca bệnh với 46.027 thang thuốc đã bốc, áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc (Châm cứu, xoa bóp, điện châm, chiếu đèn hồng ngoại....) cho 168.361 lần lượt người bệnh…

- Hội Khuyến học thực hiện hoạt động khuyến học, khuyến tài và phong trào xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; tiếp tục thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, duy trì và phát triển nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và nguồn lãi tiết kiệm từ các quỹ học bổng Đất Quảng, Chan Chu, học bổng Khuyến học; đã tiếp nhận 2.084.635.000 đồng, cấp phát học bổng, khen thưởng, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo với tổng giá trị 3.330.635.000 đồng.

- Hội Làm vườn đã triển khai thực hiện phát động phong trào cải tạo vườn tạp, thi đua làm vườn kiểu mẫu, vận động phong trào xây dựng vườn tình nghĩa, làm vườn theo hướng du lịch sinh thái và từng bước phát động phong trào áp dụng khoa học công nghệ cao, phát triển mô hình VAC thích ứng với biến đổi khí hậu; tham gia viết tin, bài về gương điễn hình làm kinh tế “Vườn ao chuồng” và lĩnh vực liên quan đến cây trồng để phục vụ sản xuất; tham mưu đề xuất cho các cấp chính quyền địa phương tư vấn phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại …

b) Đối với các hội được Nhà nước giao hợp đồng lao động:

- Hội Tù yêu nước tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị 54-CT/TU ngày 20/5/2009 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc “Tiếp tục sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng” với việc xuất bản các tập ký sự “Kiên trung bất khuất”; tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ; tham gia hội thảo, cung cấp tư liệu, danh sách hội viên theo yêu cầu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phục vụ tổng kết công tác “Tổ chức xây dựng đảng trong các nhà tù thực dân đế quốc”; tổ chức sưu tầm và cung cấp hiện vật, chứng tích, danh sách trích ngang hội viên cựu tù các nhà tù Phú Tài, Tân Hiệp, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Hội An để phục vụ công tác bảo tồn bảo tang di tích lịch sử; vận động xây dựng các nguồn quỹ để giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

- Hội Cựu thanh niên xung phong phối hợp với các Sở, Ban, ngành thẩm tra xác nhận hồ sơ để thực hiện chế độ đối với cựu thanh niên xung phong; đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, vì nghĩa tình đồng đội đạt nhiều kết quả, đã hỗ trợ, kịp thời động viên các hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần giúp đỡ các hội viên vươn lên trong cuộc sống.

- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi phối hợp với các Sở, Ban, ngành tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi: khám sức khỏe định kỳ 81.212 người, 105.654 người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 1.794 người với kinh phí hơn 3.5 tỷ đồng; duy trì hoạt động của 877 các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: câu lạc bộ Dưỡng sinh kinh lạc, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ hát sắc bùa, dân ca, chèo, câu lạc bộ cờ tướng, bài chòi, hát tuồng … ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phối hợp với các Sở, Ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/05/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 06/TT-TU ngày 10/6/2015 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; duy trì phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”, vận động tạo nguồn lực để giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình gặp khó khăn với tổng kinh phí là 9.409.736.073 đồng.

- Hội Bảo trợ Người tàn tật-trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo triển khai nhiều hoạt động thiết thực: Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Nam tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà Nước đối với người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức các hoạt động bảo trợ cho 10.866 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và bà con nghèo với tổng kinh phí là: 7.561.770.000 đồng (thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể; tài trợ phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dụng cụ y tế; tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; xây trường mẫu giáo; tặng học bổng) …

2.2. Đối với các hội không được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động, hoặc giao hợp đồng lao động (41 hội)

Các hội xã hội - nghề nghiệp như: Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội Công chứng, Đoàn Luật sư, Hội Nghề cá, Hội Mô tô-Xe đạp, Hội Cổ động viên bóng đá, Hiệp hội ô tô vận tải, Hội Sâm Núi Ngọc Linh và Quế Trà My.... đã tập hợp đông đảo hội viên hoạt động theo nghề nghiệp, sở thích, tự chủ về tài chính, quan tâm bảo vệ lợi ích hội viên, thành viên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của hội viên...; tham mưu, đề xuất và tư vấn, giám sát, phản biện các chính sách, luật pháp liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội...

3. Đánh giá chung:

3.1. Ưu điểm:

Đa số các hội trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và tuân thủ tôn chỉ, mục đích trong Điều lệ hội đã được phê duyệt; đảm bảo quyền và lợi ích của các hội viên khi tham gia hội. Thực hiện các nguyên tắc hoạt động: Tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận; chịu sự quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương nơi hội hoạt động; có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, điển hình là các hội được Nhà nước giao biên chế, cấp kinh phí hoạt động, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, đã tham gia cùng với Nhà nước triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, đối ngoại nhân dân, văn học -nghệ thuật…; một số hội mang tính xã hội như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo, Hội Nạn chất độc da cam, Hội Khuyến học, Hội Từ thiện… đã có những đóng góp tích cực để giúp đỡ cho những đối tượng gặp khó khăn.

3.2. Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của các hội còn có những tồn tại:

- Hoạt động của một số hội chưa được thường xuyên, liên tục kém hiệu quả; nhân sự chủ chốt của hội chưa kịp thời bổ sung, thay thế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động của hội còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước, chưa chủ động xây dựng chương trình để tổ chức triển khai thực hiện. Hội viên và chế độ sinh hoạt của một số hội không đảm bảo theo quy định.

- Một số hội qua nhiều nhiệm kỳ mà chưa tổ chức đại hội như: Hội Chăn nuôi-Thú y; Hội Sinh vật cảnh, Hội Bảo vệ thực vật; Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường; Hội Di sản văn hóa; Hội Khoa học và Kỹ thuật cơ khí-tự động hóa; Hội Tin học-Viễn thông; Hội Châm cứu; Hội Bảo vệ thiên nhiên-Môi trường; Hiệp hội ngành dệt vải-sợi…

Bên cạnh đó, một số hội có tính chất tương đồng, hoạt động trên cùng phạm vi, lĩnh vực như: Hội Chữ thập đỏ và Hội Từ thiện; Hội Bảo trợ Người khuyết tật- Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo và Hội Người khuyết tật; Hội Châm cứu và Hội Đông y; Hội Khuyến học và Hội Cựu giáo chức…

3.3. Nguyên nhân:

- Tính chủ động vươn lên của một số hội chưa cao, chưa thực hiện đúng nguyên tắc:“Tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, dân chủ, bình đẳng, công khai”.

- Văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của hội còn nhiều bất cập, vướng mắc khi thực hiện, cụ thể:

Việc quy định các hội có tính chất đặc thù được Nhà nước giao biên chế, cấp kinh phí hoạt động chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Điều này tạo sự so bì giữa các hội hoạt động trên cùng lĩnh vực, chưa đúng với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội theo quy định của pháp luật hiện hành là: Tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việc quy định chế độ thù lao đối với người nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người làm công tác hội, làm mất đi tính tự nguyện của người đứng đầu hội khi tham gia hội.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP CÁC HỘI

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC SẮP XẾP HỘI

1. Mục tiêu

- Sắp xếp lại các hội gắn với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội; tránh trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho hội tổ chức và hoạt động đúng theo các nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.

- Giai đoạn cuối năm 2018, đầu năm 2019 hoàn thành việc sắp xếp các hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của hội để sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới theo lộ trình đến hết năm 2021.

2. Yêu cầu

- Thực hiện sắp xếp các hội phải căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

- Không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của hội sau khi sắp xếp.

- Có giải pháp đồng bộ trong việc cơ cấu lại, giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động.

3. Nguyên tắc

3.1. Về tổ chức, các hội không nhất thiết có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở; hội hoạt động phải đảm bảo số lượng hội viên theo quy định (có ít nhất 50 công dân đối với hội cấp tỉnh; có ít nhất 20 công dân đối với hội cấp huyện; có ít nhất 10 công dân đối với hội cấp xã).

3.2. Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sắp xếp đối với các hội cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện tiến hành sắp xếp đối với các hội cấp huyện, cấp xã.

3.3. Sắp xếp các hội gắn với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội, trong đó:

- Hợp nhất, sáp nhập các hội có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trên cùng phạm vi, lĩnh vực hoạt động.

- Giải thể đối với các hội: Không hoạt động liên tục trong 12 tháng hoặc quá nhiệm kỳ mà không tổ chức đại hội, số lượng hội viên không đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

- Các hội không hợp nhất, sáp nhập, giải thể thì giữ nguyên.

3.4. Kinh phí hoạt động của các hội thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao:

- Đối với các hội đã được giao biên chế, cấp kinh phí hoạt động và các hội được hỗ trợ kinh phí hoạt động: Tiếp tục thực hiện giữ ổn định đến hết năm 2018. Từ năm 2019, từng bước tiến hành khoán kinh phí hoạt động với lộ trình phù hợp theo quy định của Trung ương.

- Đối với các hội còn lại tự đảm bảo kinh phí hoạt động; Nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được Nhà nước giao (nếu có).

II. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP CÁC HỘI

1. Đối với hội cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện sắp xếp các hội theo phương án như sau:

1.1. Đối với các hội được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động:

Hợp nhất, sáp nhập với một số hội có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trên cùng phạm vi, lĩnh vực hoạt động; trong đó có các hội không được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động, nhưng có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ với các hội khác như: Hội Người Khuyết tật và Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo, Hội Cựu giáo chức và Hội Khuyến học, Hội Châm cứu và Hội Đông y.

a) Hợp nhất 06 thành 03 hội (giảm 03 hội):

- Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo với Hội Người khuyết tật, lấy tên gọi là Hội Bảo trợ và Người khuyết tật.

- Hội Khuyến học với Hội Cựu giáo chức, lấy tên gọi là Hội Khuyến học - Cựu giáo chức.

- Hội Tù yêu nước với Hội Cựu Thanh niên xung phong, lấy tên gọi là Hội Tù yêu nước - Cựu thanh niên xung phong.

b) Sáp nhập 04 thành 02 hội (giảm 02 hội):

- Hội Từ thiện vào Hội Chữ thập đỏ, lấy tên gọi là Hội Chữ thập đỏ.

- Hội Châm cứu vào Hội Đông y, lấy tên gọi là Hội Đông y.

c) Giải thể Hội Làm vườn (giảm 01 hội). Lý do: Hội hoạt động không hiệu quả.

d) Giữ nguyên 09 hội

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; Hội Văn học - Nghệ thuật; Hội Nhà báo; Hội Luật gia; Liên minh Hợp tác xã; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; Hội Người mù; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi.

1.2. Đối với các hội không được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động:

a) Giải thể 10 hội (giảm 10 hội)

- Các hội kéo dài thời gian tổ chức đại hội nhiệm kỳ: Hội Chăn nuôi-Thú y (2002-2005); Hội Sinh Vật cảnh (2007-2012); Hội Bảo vệ thực vật (2011-2016); Hội Di sản văn hóa; (2007-2012); Hiệp hội ngành dệt vải sợi (2010-2014); Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (2009-2013); Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường (2004-2009); Hội Khoa học và kỹ thuật cơ khí-Tự động hóa (2007-2012); Hội Tin học-Viễn thông (2008-2013).

Lý do: Về quá trình hoạt động của các hội nêu trên, từ khi Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép thành lập, phê duyệt điều lệ hội, đến nay, hội không hoạt động thường xuyên, liên tục, còn để kéo dài nhiệm kỳ đại hội và hằng năm, không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

- Hội hoạt động không hiệu quả: Hội Dược học.

d) Giữ nguyên 28 hội

Hội Hữu nghị Việt-Pháp; Hội Hữu nghị Việt-Nga; Hội Hữu nghị Việt-Hàn; Hội Hữu nghị Việt-Lào; Ban Liên lạc Cựu quân tình nguyện Việt-Lào; Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Quảng Nam; Đoàn Luật sư; Hội Công chứng; Hội Kế hoạch hóa gia đình; Hội Điều dưỡng; Hội Nghề cá; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hội Sâm Núi Ngọc Linh và Quế Trà My; Liên đoàn Quần vợt; Liên đoàn Cầu lông; Hội Mô tô-Xe đạp; Hội Cổ động viên bóng đá; Hiệp hội du lịch Quảng Nam; Hiệp hội ô tô vận tải; Hội Xây dựng; Hội Kiến trúc sư; Hội Quy hoạch phát triển đô thị Quảng Nam; Hội Taekwondo; Hội Karatedo; Hội Võ thuật cổ truyền; Hiệp hội ngành nghề mây, tre, lá; Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp.

1.3. Kết quả sau khi sắp xếp các hội:

Tổng số hội cấp tỉnh hiện nay là 58 hội, trong đó có 17 hội được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động; 41 hội không được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động hoặc giao hợp đồng lao động.

Thực hiện sắp xếp với việc hợp nhất 06 hội, sáp nhập 04 hội, giải thể 11 hội, giữ nguyên 37 hội; sau khi sắp xếp, giảm 16 hội, còn 42 hội.

(Chi tiết tại Phụ lục 3 đính kèm)

2. Đối với hội cấp huyện, hội cấp xã

Căn cứ mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc sắp xếp các hội được nêu tại Mục I, Phần thứ hai Đề án này, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tổ chức, hoạt động của các hội thuộc phạm vi quản lý để sắp xếp các hội cho phù hợp.

Tổng số hội cấp huyện là: 190 hội, định hướng sắp xếp giảm 55 hội, còn 135 hội.

(Chi tiết tại Phụ lục 4 đính kèm).

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

1.1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án, chuyển giao nhân sự, tổ chức, hoạt động và quản lý hội theo quy định của pháp luật.

1.2. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao cho các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố và hoạt động của các hội trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định quản lý hoạt động của các hội trên địa bàn tỉnh.

1.3. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính

2.1. Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn về tài chính, tài sản, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các hội theo quy định của pháp luật, phù hợp với ngân sách địa phương.

2.2. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

3.1. Xây dựng Đề án sắp xếp các hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã; báo cáo Ban Thường vụ Huyện, Thị, Thành ủy xem xét quyết định để triển khai thực hiện.

3.2. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội thuộc phạm vi quản lý (hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã).

4. Các Sở, Ban, ngành

Chịu trách nhiệm sắp xếp các hội thuộc lĩnh vực được phân công tại Công văn số 2395/UBND-NC ngày 30/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp Sở Nội vụ, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo đúng tiến độ và thời gian đề ra.

5. Các tổ chức Hội:

5.1. Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Đề án, đảm bảo tiến độ và đồng bộ về nội dung.

5.2. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa các hội; xây dựng Đề án trong đó có phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động (đối với hội được sáp nhập, hợp nhất, giải thể).

5.3. Thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, chuyển giao, tổ chức đại hội theo đúng quy định của pháp luật.

5.4. Các hội không hợp nhất, sáp nhập, giải thể thì tiến hành tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện Đề án; chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống phối hợp với các tổ chức Hội thực hiện hiện tốt công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong quá trình thực hiện, các ngành, các cấp và các hội phải căn cứ vào tình hình thực tế để có lộ trình và bước đi phù hợp; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan nhà nước với các hội nhằm tạo sự đồng thuận chung, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội sau khi sắp xếp.

Trên đây là Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các hội trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các ngành, các cấp và các hội phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3533/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2021

  • Số hiệu: 3533/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/11/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Đinh Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản