Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 350/QĐ-UB | Long Xuyên, ngày 17 tháng 04 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 177/CP ngày 20/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ, V/v: Ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, Giám đốc sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá tỉnh An Giang.
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU I:
Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về quản lý đầu tư và xây dựng áp dụng trên địa bàn tỉnh An Giang. Bản quy định này thay thế cho bản quy định đã ban hành kèm theo quyết định số 126/QĐ.UB ngày 09/04/1993 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang.
ĐIỀU II:
Bản quy định này có hiệu lực thi hành trong toàn tỉnh An Giang kể từ ngày ký. Các quy định trước đây về quản lý đầu tư và xây dựng trái với bản quy định này đều bị bãi bỏ.
ĐIỀU III:
Các ông Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện - thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN LẢNH THỔ TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định của UBND tỉnh số 350/QĐ-UB Ngày 17 tháng 4 năm 1995)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Bản quy định về quản lý đầu tư và xây dựng trên lãnh thổ tỉnh An Giang không lập lại các điều quy định theo điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ số 177-CP ngày 20/10/1994; mà chỉ cụ thể hóa một số điều cần thiết để tiện việc thi hành ở địa phương.
Điều 2: Tất cả các cơ quan nhà nước thuộc các ngành các cấp; các tổ chức và cá nhân có đầu tư và xây dựng trên lãnh thổ tỉnh An Giang, phải nghiêm chỉnh thi hành Nghị định 177-CP của Chính phú, các văn bản pháp quy khác của Nhà nước về đầu tư và xây dựng; và bảng quy định này.
Điều 3: UBND Tỉnh An Giang:
1. Có trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước về đầu tư và xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh An Giang theo quy định của pháp luật.
2. Quyết định các dự án đầu tư thuộc nhóm B và nhóm C. Riêng các dự án thuộc nhóm B, UBND Tỉnh quyết định đầu tư sau khi có sự thống nhất của Bộ Trưởng chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
3. Có ý kiến đề nghị các cơ quan thẩm quyền TW quyết định các dự án đầu tư thuộc nhóm A.
4. Giao cho thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 và 9 của quy định này.
Điều 4: Giao cho chủ nhiệm UBKH Tỉnh giúp UBND Tỉnh về quản lý đầu tư bao gồm các nội dung nhiệm vụ sau:
1. Hoạch định các định hướng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Hướng dẫn lập dự án và chủ trì cùng thủ trưởng các Sở, ngành hữu trách:
a. Thẩm định dự án đầu tư thuộc nhóm B và nhóm C để trình UBND Tỉnh ra quyết định đầu tư.
b. Phân tích, nhận xét, đánh giá các dự án đầu tư thuộc nhóm A giúp UBND Tỉnh có ý kiến đề nghị cơ quan thẩm quyền TW thẩm định và quyết định đầu tư.
3. Dự kiến khả năng các nguồn vốn đầu tư xã hội và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp huy động các nguồn lực để cân đối đầu tư phát triển. Xác định cơ cấu, danh mục, dự án ưu tiên đầu tư.
Kế hoạch hóa vốn và danh mục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và ngân sách xã.
4. Tổ chức phối hợp giúp UBND Tỉnh quản lý thực hiện các chương trình, dự án đầu tư chặt chẽ đúng pháp luật và có hiệu quả.
5. Hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc thi hành các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư.
Điều 5: Giao Giám đốc Sở Xây dựng giúp UBND Tỉnh về quản lý xây dựng, bao gồm các nội dung nhiệm vụ sau:
1. Quy hoạch, xây dựng các Thị xã, Thị trấn, thị tứ và cụm dân cư nông thôn.
2. Tham gia thẩm định các dự án đầu tư.
3. Quản lý hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đơn giá tổng hợp theo quy định của Nhà nước.
Giúp UBND Tỉnh:
a-/ Điều chỉnh đơn giá xây dựng cho sát với thực tế thị trường và điều kiện cụ thể ở địa phương trong trường hợp quy định của cơ quan thẩm quyền TW cao hơn thực tế.
b-/ Kiến nghị cơ quan thẩm quyền TW điều chỉnh đơn giá xây dựng trường hợp quy định của cơ quan thẩm quyền thấp hơn thực tế.
c-/ Ban hành đơn giá xây dựng tạm thời trường hợp cơ quan thẩm quyền TW chưa ban hành.
4. Chủ trì:
a. Thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án đầu tư thuộc nhóm B và nhóm C để trình UBND Tỉnh xét duyệt.
b. Phân tích nhận xét giúp UBND Tỉnh có ý kiến đề nghị cơ quan thẩm quyền TW thẩm định xét duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án đầu tư thuộc nhóm A.
5. Quản lý nhà nước về hành nghề tư vấn đầu tư xây dựng và kinh doanh xây lắp, quản lý và hướng dẫn đấu thầu, chọn thầu tư vấn và xây lắp trên lãnh thổ An Giang.
6. Cấp phép xây dựng theo thẩm quyền.
7. Cùng Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng và chịu trách nhiệm kết luận kỹ thuật, chất lượng và các yếu tố khác mang tính pháp lý về xây dựng công trình đã nghiệm thu.
8. Hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc thi hành các quy định của Nhà nước về quản lý xây dựng.
Điều 6: Giao Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá giúp UBND Tỉnh quản lý tài chính, kế toán về đầu tư xây dựng theo quy định của Bộ Tài chính, và thực hiện cá nội dung nhiệm vụ sau đây:
1. Tham gia: biện pháp chính sách phát triển vốn đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư và quản lý các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn.
2. Bố trí tổng mức vốn đầu tư - xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương và ngân sách xã và các biện pháp bảo đảm nguồn cân đối theo quyết định của UBND Tỉnh. Tham gia xây dựng kế hoạch vốn đầu tư trên địa bàn.
3. Chuyên vốn đầu tư và xây dựng thuộc ngân sách địa phương đến Cục Đầu tư - Phát triển theo kế hoạch đã được UBND Tỉnh phê duyệt.
4. Phối hợp Cục Đầu tư - Phát triển hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, về tài chính - kế toán đầu tư và xây dựng;
5. Kiểm tra báo cáo tổng hợp thực hiện vốn đầu tư và xây dựng hằng năm của Cục Đầu tư phát triển trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7: Giao Cục Trưởng Cục Đầu tư Phát triển giúp UBND Tỉnh quản lý cấp phát và cho vay vốn đầu tư - xây dựng theo đúng quy định của Bộ Tài chính và của Tổng Cục Đầu tư Phát triển; đồng thời lưu ý các nội dung nhiệm vụ sau đây:
1. Tham gia: biện pháp chính sách phát triển vốn đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư và xây dựng kế hoạch vốn đầu tư trên địa bàn.
2. Hướng dẫn thông suốt các quy định, chế độ, thể lệ, thủ tục về cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư - xây dựng để các ngành, các cấp, các chủ đầu tư và các nhà thầu thông suốt thực hiện.
3. Thông báo cho các chủ đầu tư và các nhà thầu biết hạn mức, lịch trình cấp phát vốn theo kế hoạch vốn hàng năm, hàng quý đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; và lịch trình, thời hạn thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.
4. Thông qua quản lý cấp phát vốn đầu tư mà tăng cường kiểm tra kiểm soát nhằm bảo đảm việc cấp phát, sử dụng vốn đầu tư đúng pháp luật, đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả.
5. Hướng dẫn và thẩm tra quyết toán vốn đầu tư - xây dựng các dự án thông qua Sở Tài chính Vật giá kiểm tra trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Tổng hợp báo cáo quyết toán theo quy định của ngành.
Điều 8: Giao Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Giám đốc Ngân hang Đầu tư phát triển, và các Ngân hàng chuyên doanh khác trong khuôn khổ quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam; tích cực huy động vốn trong và ngoài địa phương để đáp ứng, bổ sung vốn dài, trung hạn, và vốn lưu động cho vay thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương.
Phối hợp với các Ngành hữu trách (Tài chính - Vật giá, Cục Đầu tư Phát triển, Kế hoạch ...) dự kiến kế hoạch, khả năng các nguồn vốn xã hội và các biện pháp chính sách huy động để cân đối đầu tư - phát triển. Thông qua hoạt động tín dụng mà tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm sử dụng vốn đầu tư an toàn, có hiệu quả.
Điều 9: Giám đốc các Sở quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành theo quy định hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền và theo chức năng thẩm quyền của từng ngành giúp UBND Tỉnh quản lý các lĩnh vực sau đây trong quá trình chuẩn bị, thực hiện các dự án đầu tư và xây dựng đúng pháp luật:
1. Khoa học kỹ thuật và công nghệ, môi trường.
2. Đất đai, mặt bằng xây dựng.
3. Khai thác và bảo vệ tài nguyên.
4. Các lĩnh vực khác có liên quan đến các dự án đầu tư như Hợp tác đầu tư, lao động, vệ sinh phòng dịch, bảo tồn bảo tàng văn hóa lịch sử, an ninh quốc phòng...
Điều 10: Chủ đầu tư các dự án thuộc sở hữu nhà nước và các DNNN thuộc thẩm quyền quyết định của UBND Tỉnh được phân định như sau:
1. Các dự án đầu tư - xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội thuộc nguồn vốn ngân sách cấp phát: phổ biến là Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành làm chủ đầu tư, trong đó có phân cấp cho UBND Huyện thị làm chủ đầu tư một số dự án theo quy định tại điều 31 chương IV.
2. Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh: do Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư.
3. Chủ đầu tư từng dự án được chỉ định theo quyết định đầu tư của UBND Tỉnh.
4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công việc do phí chủ đầu tư phải thực hiện theo điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng quy định, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quản lý thực hiện dự án, kết thúc xây dựng nghiệm thu, bàn giao đưa dự án công trình vào sử dụng, vận hành.
Chương II:
CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
Điều 11: Để có cơ sở pháp lý và khoa học cho công tác chuẩn bị đầu tư, UBND Tỉnh giao trách nhiệm:
1. Chủ nhiệm UBKH Tỉnh giúp UBND Tỉnh lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1996 - 2000 của Tỉnh.
2. Giám đốc Sở Xây dựng giúp UBND Tỉnh quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn trong toàn tỉnh.
Điều 12: Đối với chủ đầu tư thuộc các cơ quan nhà nước, trước khi tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư cần phải có các điều kiện sau:
1. Phải có tờ trình về việc xin phép nghiên cứu lập dự án đầu tư thông qua UBKH Tỉnh xét, trình UBND Tỉnh (hoặc Bộ Chủ Quản) quyết định.
2. Được ghi kế hoạch danh mục và vốn chuẩn bị đầu tư theo quyết định của UBND Tỉnh (hoặc của Bộ Chủ Quản).
Điều 13: Trong quá trình nghiên cứu lập dự án, chủ đầu tư liên hệ các cơ quan chức năng, các tổ chức Tài chính, Tín dụng, Tư vấn để được chỉ dẫn trước các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) theo quy định tại điều 12 và báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại điều 13 điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng.
Qúa trình tham khảo, đối với các vấn đề quan trọng hoặc có những ý kiến khác nhau giữa chủ đầu tư với các cơ quan, tổ chức; hoặc giữa các cơ quan, tổ chức với nhau, thì Chủ đầu tư báo đến UBKH tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến các ngành hữu quan trình UBND Tỉnh (hoặc Bộ Chủ quản) quyết định trước khi lập dự án.
Điều 14: Các dự án đầu tư phải thông qua Hội đồng thẩm định trước khi trình cơ quan thẩm quyền ra quyết định đầu tư, trừ dự án có mức đầu tư dưới 500 triệu đồng.
Hội đồng Thẩm định Tỉnh An Giang do UBND tỉnh ra quyết định thành lập với thành phần như sau:
1. Một Phó Chủ tịch UBND Tỉnh: Chủ tịch Hội đồng.
2. Chủ nhiệm UBKH Tỉnh: Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
3. Giám đốc Sở Xây dựng: Phó Chủ tịch Hội đồng.
4. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá: Phó Chủ tịch Hội đồng.
5. Giám đốc Sở KH - CN và MT: Uỷ viên.
6. Giám đốc Sở Địa chính : Uỷ viên.
7. Cục Trưởng Cục Đầu tư phát triển: Uỷ viên.
8. Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư Phát triển: Uỷ viên.
9. Giám đốc Sở Quản lý chuyên ngành: Uỷ viên.
Điều 15: Theo đề nghị của HĐTĐ, UBND Tỉnh ra Quyết định thành lập Tổ chuyên viên giúp việc HĐTĐ để tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, tài liệu dự án, xử lý các vấn đề về kỹ thuật nghiệp vụ chuẩn bị các kỳ họp HĐTĐ.
Điều 16: Thành viên HĐTĐ và phần lớn thành viên tổ chuyên viên giúp việc tuy kiêm chức nhưng phải đảm bảo tham dự đủ các kỳ họp theo quy chế làm việc. Tổ chuyên viên giúp việc có từ 2 đến 3 chuyên viên chuyên trách thuộc biên chế UBKH Tỉnh. Hội đồng thẩm định và tổ chuyên viên giúp việc phải có quy chế làm việc và thông báo rõ quy chế, thủ tục, lề lối làm việc để các ngành, các cấp và các chủ đầu tư biết để quan hệ công tác.
Ý kiến thẩm định dự án của mỗi thành viên HĐTĐ phải thể hiện bằng văn bản, và nhất thiết phải nêu rõ ý kiến đối với các nội dung, vấn đề đã đề cập trong dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành mình phụ trách.
Tập thể và cá nhân thành viên HĐTĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh về các ý kiến đã thẩm định dự án.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể dự họp HĐTĐ. thành viên HĐTĐ có thể ủy quyền cho cấp phó của mình dự họp HĐTĐ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến thẩm định của cấp phó.
Điều 17: Các dự án có mức đầu tư dưới 500 triệu đồng không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi và miễn thẩm định nhưng vẫn phải có tờ trình thông qua UBKH Tỉnh xét trình UBND tỉnh quyết định đầu tư.
Điều 18: Để bảo đảm lập kế hoạch danh mục và vốn đầu tư hàng năm các dự án thuộc sở hữu Nhà nước một cách chủ động kịp thời, yêu cầu:
1. Các ngành, các cấp, các chủ đầu tư phải hoàn thành chuẩn bị đầu tư và đăng ký hồ sơ dự án đã có quyết định đầu tư của cơ quan thẩm quyền với UBKH tỉnh trước ngày 30/6 hàng năm.
2. UBKH tỉnh tham khảo các ngành hữu quan để tổng hợp kế hoạch danh mục và vốn đầu tư năm sau thông qua UBND tỉnh để báo cáo đăng ký kế hoạch với UBKHNN trước 31/8 hàng năm.
Điều 19: Căn cứ Quyết định của Chính phủ, UBKHNN, Bộ Tài chính và Nghị quyết hội nghị HĐND Tỉnh, Chủ nhiệm UBKH Tỉnh chủ trì cùng Giám đốc Sở Tài chính Vật giá lập và trình UBND Tỉnh:
1. Kế hoạch danh mục và vốn đầu tư hàng năm bằng nguồn vốn ngân sách địa phương trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của UBKHNN.
2. Tổng mức vốn và cơ cấu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách xã, cùng lúc với kế hoạch đã nêu tại điểm 1.
Chương III:
THỰC HIỆN ĐẦU TƯ
Điều 20: Đối với dự án đầu tư thuộc sở hữu nhà nước, chủ đầu tư chỉ được hợp đồng thiết kế công trình sau khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có quyết định đầu tư của cơ quan thẩm quyền.
2. Có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấp mặt bằng xây dựng.
3. Danh mục dự án và mức vốn đầu tư đã được ghi kế hoạch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và có thông báo vốn của cơ quan cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư.
Điều 21: Thiết kế công trình phải có đủ những căn cứ pháp lý và tài liệu khoa học, thực hiện đầy đủ thủ tục hồ sơ và nội dung theo điều 25 Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và các quy định, hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Điều 22: Tất cả các công trình xây dựng đều phải có hồ sơ thiết kế và được thông qua cơ quan thẩm quyền thẩm định và phê duyệt như:
1. Đối với công trình xây dựng điện: thực hiện theo quy định của Bộ Năng lương.
2. Các công trình còn lại trước mắt:
a. Đối với công trình của dự án thuộc nhóm B và nhóm C: giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thẩm định và trình UBND Tỉnh phê duyệt.
b. Đối với thiết kế công trình của dự án thuộc nhóm A (mà chủ đầu tư là cơ quan đơn vị thuộc UBND Tỉnh): giao Giám đốc Sở Xây dựng giúp UBND Tỉnh có ý kiến đề nghị cơ quan thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
c. Riêng về thẩm định tổng dự toán xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng cần tham khảo ý kiến Sở Tài chính - Vật giá và Cục Đầu tư Phát triển trước khi trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
3. Trong quá trình thực hiện, Các Sở, ngành Giao thông, Thủy lợi nếu hội đủ điều kiện thì Giám đốc Sở có văn bản đề nghị UBND Tỉnh xét giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật chuyên ngành giao thông, thủy lợi cho các Sở này.
Điều 23: Việc cấp phép xây dựng thực hiện đúng quy định tài điều 27 điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng như:
1. Giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng:
a. Các dự án đầu tư xây dựng không thuộc đất đô thị.
b. Riêng các công trình trên đất đô thị: Thực hiện theo điểm 4 Phần II Thông tư số 24 BXD/KTQH ngày 16/12/1994 của Bộ Xây dựng.
2. Chủ tịch UBND huyện, thị xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và công trình xây dựng mới có mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng.
3. Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp Sở Địa chính giúp UBND Tỉnh ra quyết định định rỏ địa giới đô thị ở từng huyện, thị xã trong tỉnh và có hướng dẫn UBND huyện, thị xã cấp giấy phép xây dựng đúng quy định nhà nước.
Điều 24:
1. Các dự án đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước phải tổ chức đấu thầu, chọn thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định tại điều 29 điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng. Hội đồng xét thầu tỉnh giúp UBND Tỉnh quyết định vấn đề này.
2. Hội đồng xét thầu tỉnh được thành lập theo quyết định của UBND Tỉnh, với cơ cấu thành phần như sau:
- 01 Phó Chủ tịch UBND Tỉnh: Chủ tịch Hội đồng.
- Giám đốc Sở Xây dựng: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
- Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá: Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Chủ nhiệm UBKH Tỉnh: Uỷ viên.
- Cục trưởng Cục Đầu tư phát triển :Uỷ viên.
- Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển: Uỷ viên.
- Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành: Uỷ viên.
- Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường: Uỷ viên
- Chủ đầu tư: Uỷ viên.
3. Hội đồng xét thầu hoạt động theo quy chế do nhà nước ban hành.
Điều 25: Khi có xảy ra vi phạm kỹ thuật, chất lượng công trình, Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng thủ trưởng các cơ quan hữu trách tổ chức giám định kết luận, quy trách nhiệm và kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng pháp luật.
Điều 26: Quyết toán vốn đầu tư:
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm báo cáo quyết toán vốn đầu tư với cơ quan cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư.
2. Đối với dự án do Cục đầu tư và phát triển cấp phát hoặc cho vay vốn, Cục đầu tư phát triển có trách nhiệm:
a. Thẩm tra quyết toán vốn đầu tư từng dự án, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
b. Tổng hợp quyết toán vốn đầu tư hàng năm báo cáo đến các cơ quan thẩm quyền địa phương và TW theo quy định của Tổng Cục đầu tư phát triển.
Điều 27: Các khâu: bàn giao công trình, kết thúc xây dựng, bảo hành công trình, vận hành dự án, trả vốn đầu tư, quản lý giá xây dựng, bảo hiểm công trình và quản lý tổng dự toán, thực hiện theo điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng đã quy định.
Điều 28: Hình thức quản lý thực hiện dự án thuộc nhóm B và nhóm C do UBND Tỉnh quyết định theo đề nghị của chủ đầu tư và của Hội đồng thẩm định.
Điều 29: Các tổ chức hành nghề tư vấn đầu tư xây dựng và xây lắp phải hội đủ các tiêu chuẩn và có giấy phép của cơ quan thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Xây dựng mới được hành nghề và mới được xét dự đấu thầu, chọn thầu hoặc chỉ định thầu.
Chương IV:
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CỦA UBND HUYỆN THỊ XÃ:
Điều 30: UBND huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước về đầu tư và xây dựng trên địa bàn theo các nội dung nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến để các tổ chức và nhân dân thông suốt thi hành đúng quy định của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Tham gia ý kiến với Sở, ngành tỉnh về:
a. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
b. Quy hoạch tổng thể và chi tiết xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn.
c. Kế hoạch danh mục và vốn đầu tư hàng năm.
3. Lập kế hoạch danh mục và vốn đầu tư - xây dựng hàng năm đối với dự án do UBND huyện, thị xã làm chủ đầu tư theo quy định của UBND Tỉnh, đăng ký với UBKH Tỉnh.
4. Cùng chủ đầu tư và các cơ quan hữu trách thi hành quyết định của cơ quan thẩm quyền về thu hồi và cấp quyền sử dụng đất, bồi hoàn di dời giải tỏa chuẩn bị mặt bằng xây dựng theo đúng quy định nhà nước.
5. Góp ý và tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư thuộc các sở ngành tỉnh, Trung ương và các doanh nghiệp nhà nước triển khai chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn.
6. Kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật đối với mọi hoạt động đầu tư và xây dựng trên địa bàn. Kiến nghị việc khắc phục thiếu sót và xử lý vi phạm trong đầu tư và xây dựng.
Chủ đầu tư phải tôn trọng và chịu sự kiểm tra giám sát của UBND huyện thị đối với hoạt động đầu tư và xây dựng trên địa bàn.
UBND huyện thị thực hiện chức năng kiểm tra giám sát theo thẩm quyền, trong khuôn khổ pháp luật và không được gây phiền hà cản trở hoạt động đầu tư và xây dựng hợp pháp, hợp lệ.
Điều 31: Giao UBND huyện thị làm chủ đầu tư một số dự án đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương.
Danh mục dự án giao UBND huyện thị làm chủ đầu tư theo quyết định của UBND Tỉnh giao kế hoạch danh mục và vốn đầu tư - xây dựng hằng năm.
Điều 32: Đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách xã vẫn phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng và theo một số điểm quy định cụ thể sau:
1. UBND Tỉnh quyết định tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư theo đề nghị của Chủ nhiệm UBKH Tỉnh và Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá.
2. Đối với dự án có mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, giao Chủ tịch UBND huyện thị:
a. Phê duyệt chủ trương đầu tư để UBND xã (và cấp tương đương) hợp đồng thiết kế dự toán công trình.
b. Phê duyệt thiết kế dự toán công trình xây dựng sau khi đã được cơ quan chuyên môn thẩm định theo quy định của Bộ Xây dựng.
c. Quyết định kế hoạch danh mục và vốn đầu tư hằng năm sau khi có sự thống nhất của Chủ nhiệm UBKH Tỉnh.
d. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư - xây dựng, sau khi đã thông qua thẩm tra của Cục Đầu tư Phát triển; hoặc của Phòng Tài chính Huyện thị nếu có sự ủy nhiệm của Cục Trưởng Cục Đầu tư Phát triển.
3. Cục Trưởng Cục Đầu tư phát triển chịu trách nhiệm quản lý cấp phát vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã.
Trước mắt do Cục Đầu tư phát triển chưa có hệ thống tổ chức bộ máy tại các Huyện thị; đối với dự án đầu tư có dự toán dưới 500 triệu đồng, Cục Đầu tư phát triển có thể ủy nhiệm cho Phòng Tài chính huyện thị quản lý cấp phát qua kho bạc và kiểm tra quyết toán vốn thực hiện đầu tư, xây dựng.
4. Các dự án có mức đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên: thực hiện theo quy định chung của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
Điều 33: Thủ trưởng các Sở quản lý chuyên ngành phải có quy chế, hướng dẫn để bảo đảm các nội dung vấn đề đã nêu tại điều 30 có hiệu lực thi hành.
Điều 34: Cục Đầu tư Phát triển chủ trì cùng Sở Tài chính - Vật giá thống nhất hướng dẫn việc cấp phát vốn đầu tư và xây dựng bằng ngân sách xã phù hợp với trình độ quản lý cấp xã, bảo đảm vừa đúng theo quy định nhà nước, vừa thuận tiện kịp thời.
Điều 35: Chủ nhiệm UBKH Tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng, theo chức năng nhiệm vụ mà có trách nhiệm cùng Giám đốc Sở quản lý chuyên ngành lập dự án mẩu thiết kế sẳn công trình xây dựng có mức đầu tư dưới 200 triệu đồng để hướng dẫn vận dụng giúp UBND huyện, thị xã (và cấp tương đương) chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng thuận tiện đúng pháp luật các dự án đầu tư xây dựng sau:
1. Phòng học mầm non, tiểu học.
2. Nạo vét kinh mương cấp III, nội đồng.
3. Mở rộng, nâng cấp lộ và xây dựng cầu thuộc hệ thống giao thông nông thôn thuộc diện đã phân cấp cho Huyện xã (và cấp tương đương) quản lý.
4. Các dự án nhỏ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm.
Điều 36: Chủ đầu tư thuộc các Sở, ngành Tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thông báo, tranh thủ ý kiến và sự giúp đỡ của UBND huyện, thị xã (và cấp tương đương) nơi triển khai dự án đầu tư. Trong quá trình:
1. Chuẩn bị đầu tư.
2. Thực hiện đầu tư đến kết thúc đầu tư xây dựng.
3. Nghiệm thu đưa dự án công trình vào sử dụng, vận hành.
Điều 37: UBKD tỉnh có trách nhiệm thông báo để UBND huyện thị xã biết kế hoạch danh mục và vốn đầu tư hằng năm và hàng quý trên địa bàn huyện thị theo quyết định của cơ quan thẩm quyền.
Cục Đầu tư Phát triển có trách nhiệm thông báo cho UBND huyện thị xã biết tình hình cấp phát và cho vay vốn đầu tư theo kế hoạch nói trên hằng quý và cả năm trên địa bàn.
Chương V:
CẢI TIẾN HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG
Điều 38: Thủ trưởng các Sở ngành tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ thẩm quyền về quản lý đầu tư và xây dựng có trách nhiệm:
1. Phổ biến hướng dẫn nội dung chi tiết và thông báo rõ trình tự, thủ tục hành chính, lề lối quan hệ làm việc về đầu tư và xây dựng để các ngành các cấp và nhân dân thông suốt thực hiện.
Đối với vấn đề quan trọng phức tạp cần được tổ chức tập huấn chuyên đề.
Đối với vấn đề liên quan đến chức năng nhiều ngành thì liên ngành thống nhất hướng dẫn hoặc phối hợp tổ chức tập huấn.
2. Các Sở, ngành: UBKH Tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài chính - Vật giá và Cục Đầu tư Phát triển có chức năng nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến công tác quản lý đầu tư và xây dựng, do vậy, mỗi ngành phải lập quy chế làm việc riêng và phối hợp lập quy chế liên ngành đối với các lĩnh vực, các khâu có liên quan trách nhiệm giữa các ngành về quản lý đầu tư và xây dựng.
Các khâu thẩm định dự án, thẩm định thiết kế dự toán, nghiệm thu công trình, thẩm tra quyết toán cũng phải được cơ quan chủ trì lập quy chế làm việc.
Các quy chế nói trên do UBND Tỉnh ra quyết định ban hành hoặc phê chuẩn trước khi ban hành.
Điều 39: Quy định rõ thời hạn hoàn thành một số khâu công tác, thủ tục hồ sơ theo phụ lục đính kèm. Trường hợp không hoàn thành đúng hạn, thủ trưởng cơ quan đơn vị phải báo cáo xin phép gia hạn gửi đến UBND Tỉnh xét quyết định và có thông báo cho các bên hữu quan biết.
Điều 40: Khi có đề nghị kiến nghị về đầu tư và xây dựng, thủ trưởng cơ quan phải xem xét giải quyết trong thời hạn không quá 15 ngày. Khi xảy ra khó khăn vướng mắc bất đồng về đầu tư và xây dựng giữa UBND huyện thị xã với sở, ngành tỉnh hoặc giữa ngành với ngành thì thủ trưởng đôi bên phải trực tiếp gặp gỡ trao đổi tìm biện pháp xử lý theo thẩm quyền trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày một bên nêu vấn đề. Trường hợp không xử lý được, thủ trưởng cả hai bên đều phải báo cáo đến UBND Tỉnh trong thời hạn không quá 5 ngày kể từ ngày đôi bên gặp gỡ mà chưa xử lý được.
Điều 41: Trong quan hệ làm việc giữa ngành với ngành, ngành với Huyện, Thị xã (và cấp tương đương), các vấn đề về đầu tư và xây dựng có liên quan đến yếu tố pháp lý cần phải được thể hiện bằng văn bản theo đúng thủ tục hành chính nhà nước.
Chương VI:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 42: Bản quy định này thay thế cho bản quy định ban hành theo quyết định của UBND Tỉnh số: 126/QĐ-UB, ngày 09 tháng 04 năm 1993.
Điều 43: Thủ trưởng các ngành, giám đốc các Sở, UBND huyện thị, xã và cấp tương đương có trách nhiệm thực hiện đầy đủ bản quy định này.
Điều 44: Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành trên phạm vi toàn lãnh thổ Tỉnh An Giang.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- 1Quyết định 67/2003/QĐ-UB ban hành Quy định về phân cấp và uỷ quyền quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2Quyết định 21/2003/QĐ-UB về Quy định phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 3Quyết định 174/2003/QĐ-UB về Bản quy định nhiệm vụ quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 4Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 5Quyết định 1992/1998/QĐ.UB về chấm dứt hiệu lực pháp lý 152 văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ năm 1990 đến năm 1996
- 6Quyết định 126/QĐ.UB năm 1993 về Quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh An Giang
- 7Quyết định 7136/QĐ-UB năm 1997 ban hành quy định về trình tự thủ tục quản lý đầu tư xây dựng do tỉnh An Giang ban hành
- 1Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 2Quyết định 1992/1998/QĐ.UB về chấm dứt hiệu lực pháp lý 152 văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ năm 1990 đến năm 1996
- 3Quyết định 126/QĐ.UB năm 1993 về Quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh An Giang
- 4Quyết định 7136/QĐ-UB năm 1997 ban hành quy định về trình tự thủ tục quản lý đầu tư xây dựng do tỉnh An Giang ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị định 177-CP năm 1994 ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 3Quyết định 67/2003/QĐ-UB ban hành Quy định về phân cấp và uỷ quyền quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 4Quyết định 21/2003/QĐ-UB về Quy định phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 5Quyết định 174/2003/QĐ-UB về Bản quy định nhiệm vụ quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Quyết định 350/QĐ.UB năm 1995 về Quy định quản lý đầu tư và xây dựng áp dụng trên địa bàn tỉnh An Giang
- Số hiệu: 350/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/04/1995
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lê Phú Hội
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra