Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2007/QĐ-UBND | Thành phố Cao Lãnh, ngày 13 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh về phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị quyết số 73/2006/NQ-HĐND.K7 ngày 14 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa VII thông qua tại kỳ họp thứ 7 khung mức thu, chế độ thu nộp đối với các lọai phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thu phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 53/2004/QĐ-UB ngày 27 tháng 5 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Quy định về phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Giao Sở Tài chính có trách nhiệm triển khai và theo dõi việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ THU PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Phí chợ là khoản thu về sử dụng diện tích bán hàng đối với những người buôn bán trong chợ nhằm bù đắp chi phí đầu tư, quản lý chợ của ban quản lý, tổ quản lý hoặc doanh nghiệp quản lý chợ. Đối với các chợ mà ban quản lý, tổ quản lý hoặc doanh nghiệp quản lý chợ thực hiện thu tiền thuê sử dụng địa điểm kinh doanh tại chợ theo hợp đồng thuê sử dụng địa điểm kinh doanh thì phí chợ là tiền thuê sử dụng địa điểm kinh doanh tại chợ (người kinh doanh tại chợ chỉ phải nộp một trong hai khoản: phí chợ hoặc tiền thuê sử dụng địa điểm kinh doanh).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng sử dụng diện tích mặt bằng để mua bán hàng hóa thường xuyên hoặc không thường xuyên trong phạm vi khu vực chợ hay những khu vực khác được Nhà nước cho phép tập trung mua bán hàng hoá phải nộp phí.
Điều 3. Đối tượng miễn
1. Các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm giao dịch mua bán hàng hóa.
2. Những người mua bán hàng hóa trong phạm vi nhà riêng, tiệm quán, các quầy, sạp, Kioque do Nhà nước ký hợp đồng cho thuê thu tiền hàng tháng hoặc năm.
Chương II
MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ CHỨNG TỪ THU PHÍ
Điều 4. Mức thu
Đơn vị tính: đồng/m2/ngày
TT | Đối tượng thu | Mức thu | ||
Chợ loại I | Chợ loại II | Chợ loại III | ||
1 | Khu vực có mái che do nhà nước xây dựng hoặc doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ xây dựng | 2.000 | 1.500 | 1.000 |
2 | Khu vực không có mái che hoặc có mái che do người bán tự xây dựng | 1.500 | 1.000 | 800 |
3 | Hàng tự sản, tự tiêu của dân | 800 | 800 | 800 |
Việc phân loại chợ theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 13/2004/QĐ-UB ngày 20 tháng 02 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Quy chế về tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không thuộc Ngân sách nhà nước hoặc các nguồn viện trợ không hoàn lại, mức thu không quá 02 (hai) lần mức thu quy định tại điểm này.
Điều 5. Quản lý phí chợ
Việc quản lý phí chợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
1. Đối với chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng:
Phí chợ là khoản thu thuộc Ngân sách nhà nước, toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào Ngân sách nhà nước và phân chia cho Ngân sách các cấp như sau:
a) Đối với chợ loại I và II: Ngân sách huyện, thị, thành phố hưởng 100 %.
b) Đối với chợ loại III: Ngân sách xã, phường, thị trấn hưởng 100 %.
2. Đối với chợ không do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng chuyển giao cho Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp để kinh doanh, khai thác và quản lý chợ:
Phí chợ là khoản thu không thuộc Ngân sách nhà nước, Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ có nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí sau khi đã nộp thuế.
Điều 6. Tổ chức đấu giá quyền khai thác phí chợ
Toàn bộ các chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng đều phải tổ chức đấu giá quyền khai thác phí chợ (gọi tắt là đấu giá), trừ trường hợp: chợ do Nhà nước đầu tư nhưng chuyển giao cho Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp để kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
Hàng năm, phòng Tài chính-Kế hoạch huyện, thị, thành phố (gọi chung là phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện) và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) khảo sát về mức giá, tính chất ổn định, số tiền phí thu được của năm trước, khả năng phát triển về số thu của năm tiếp theo để làm cơ sở dự kiến mức giá khởi điểm đưa ra đấu giá cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Để đảm bảo tính công bằng và tăng thu cho Ngân sách, cơ quan chủ trì đấu giá phải thông báo công khai, rộng rãi theo quy định hiện hành của Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân về khu vực đấu giá, thời gian và địa điểm tổ chức đấu giá. Việc đấu giá quyền khai thác phí chợ của năm sau phải thực hiện xong trước ngày 15 tháng 12 năm trước.
Điều 7. Thành phần hội đồng đấu giá
1. Đối với chợ loại I và loại II:
Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng đấu giá do Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng; Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện là Phó Chủ tịch Hội đồng; các Uỷ viên Hội đồng là đại diện của các cơ quan: Chi cục Thuế, Phòng Thanh tra, Công an, Phòng Công - Thương và Uỷ ban nhân dân xã có chợ trên địa bàn.
2. Đối với chợ loại III:
Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Hội đồng đấu giá do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, kế tóan trưởng Uỷ ban nhân dân cấp xã là Phó Chủ tịch Hội đồng, các Uỷ viên Hội đồng là đại diện của các cơ quan: Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, Phòng Công - Thương cấp huyện; Đội thuế, Công an cấp xã.
Điều 8. Điều kiện và nội dung đấu giá
1. Điều kiện tổ chức và tham gia đấu giá:
a) Tối thiểu phải có từ 02 đối tượng trở lên tham gia đăng ký đấu giá cho một địa điểm thu phí chợ. Trong trường hợp chỉ có 01 đối tượng tham gia đăng ký đấu giá, Hội đồng đấu giá xem xét và quyết định.
b) Người tham gia đấu giá phải cam kết đủ năng lực thực hiện hợp đồng; nộp phí đấu giá theo quy định của Nhà nước; đặt cọc thấp nhất 20 % so với mức giá khởi điểm (tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả lại cho người không trúng đấu giá sau khi đấu giá kết thúc, thời gian do Hội đồng đấu giá quy định cho phù hợp).
2. Nội dung đấu giá:
a) Mức giá khởi điểm: mức giá khởi điểm do Hội đồng đấu giá công bố. Mức giá khởi điểm phải đảm bảo các yêu cầu sau: đảm bảo sát với tổng số thu phí của một vài năm trước; được hình thành trên cơ sở mức giá thu phí kèm theo quy định này.
b) Nêu rõ: đối tượng thu; mức thu; phạm vi, ranh giới khu vực được thu; thời gian và số lần nộp tiền trúng đấu giá vào Ngân sách nhà nước.
c) Thời gian thực hiện quyền khai thác phí chợ là 01 năm (một năm).
Điều 9. Phương thức đấu giá , người trúng đấu giá
1. Tuỳ tình hình thực tế, người chủ trì buổi đấu giá quyết định phương thức đấu giá (bằng miệng, thăm kín).
2. Người trúng đấu giá là người có số tiền trả giá cao nhất; người trúng đấu giá sẽ được nhận quyền khai thác phí chợ trong thời gian 01 năm.
Điều 10. Giao, nhận quyền khai thác phí chợ
1. Đối với người trúng đấu giá quyền khai thác:
a) Ký hợp đồng nhận quyền khai thác phí chợ với Phòng Tài chính-Kế hoạch cấp huyện (đối với chợ loại I, II) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã (đối với chợ loại III).
b) Được thu phí chợ theo hợp đồng đã ký; được hưởng toàn bộ phần thu vượt so với số tiền trúng đấu giá, nếu lỗ thì tự bù đắp chi phí; được đảm bảo các quyền lợi khác theo hợp đồng đã ký.
c) Nộp 100 % số tiền trúng đấu giá vào Ngân sách nhà nước theo hợp đồng đã ký; thực hiện thu phí theo mức thu do Nhà nước quy định; thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh theo quy định của Nhà nước.
2. Đối với Phòng Tài chính-Kế hoạch cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã:
a) Thực hiện ký hợp đồng giao quyền khai thác phí chợ với người trúng đấu giá. Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, quy định cụ thể thời gian, số lần nộp tiền trúng đấu giá vào Ngân sách nhà nước, nhưng phải nộp dứt điểm trong 06 tháng đầu năm.
b) Kiểm tra việc thu phí đối với người nhận quyền khai thác; xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với các trường hợp thực hiện không đúng theo hợp đồng đã ký.
c) Phối hợp với Chi cục Thuế cấp huyện hoặc Đội Thuế hướng dẫn và đôn đốc người trúng đấu giá nộp số tiền trúng đấu giá theo hợp đồng đã ký, các khoản thuế vào Ngân sách nhà nước.
d) Thực hiện niêm yết mức thu phí chợ tại nơi thu phí.
đ) Đảm bảo các quyền lợi cho người trúng đấu giá quyền khai thác theo hợp đồng đã ký.
Điều 11. Chứng từ thu phí
Đơn vị thu phí phải sử dụng biên lai thu phí do cơ quan thuế in ấn, cấp phát và thực hiện các quy định về quản lý sử dụng biên lai theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 07 năm 2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định của Pháp luật về phí và lệ phí.
Khi thu phí phải cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí. Nghiêm cấm việc thu phí không sử dụng biên lai hoặc biên lai không đúng quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện thu phí theo quy định.
Điều 13. Cơ quan thuế nơi đơn vị thu đóng trụ sở có trách nhiệm cấp biên lai thu phí cho đơn vị thu; kiểm tra đôn đốc các đơn vị thu phí thực hiện chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phí theo đúng chế độ quy định.
Điều 14. Tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, thu, nộp và sử dụng tiền phí sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Sở Tài chính có trách nhiệm quản lý, kiểm tra thu phí đúng quy định; định kỳ 06 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình việc thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trên địa bàn Tỉnh; theo dõi mức thu phí, tỷ lệ nộp Ngân sách; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương./.
- 1Nghị định 24/2006/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 57/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Phí và Lệ phí
- 2Thông tư 45/2006/TT-BTC sửa đổi Thông tư 63/2002/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí do Bộ Tài chính ban hành
- 3Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001
- 4Thông tư 63/2002/TT-BTC hướng dẫn các quy định pháp luật về phí và lệ phí do Bộ Tài chính ban hành
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Nghị quyết 73/2006/NQ-HĐND-K7 thông qua khung mức thu, chế độ thu nộp đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VII, kỳ họp thứ 7 ban hành
Quyết định 35/2007/QĐ-UBND về quy định thu phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- Số hiệu: 35/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/08/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Võ Trọng Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra