Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2013/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VÀ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù;

Căn cứ Thông tư số 01/2011/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho hội;

Căn cứ Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đổi với các hội có tính chất đặc thù;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1849/TTr-SNV ngày 28/8/2013 quy định về tổ chức, hoạt động của hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội trên địa bàn thành phổ Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức, hoạt động của Hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 1996/QĐ-UB ngày 04/10/1991 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về quản lý tổ chức và hoạt động của hội quần chúng trên địa bàn Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc sở, ban, ngành; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND Thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các Hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- TTTU; TTHĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các Ban của TU: TC, TG, DV, UBKT, VP;
- Công an Thành phố;
- TT Công báo: cổng giao tiếp điện tử;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- P. TH, NC, VX;
- Lưu VT, SNV(20b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VÀ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy định này quy định về tổ chức, hoạt động của hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện), UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) thuộc thành phố Hà Nội;

b) Các hội hoạt động trên địa bàn Thành phố được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành (sau đây gội là Hội), gồm hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố, trong huyện, trong xã; hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh có văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn Thành phố.

3. Những nội dung liên quan về tổ chức, hoạt động và quản lý hội không quy định trong Quy định này thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.

Điều 2. Tên, biểu tượng của hội

1. Tên của hội phải bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; tên của hội phải thể hiện rõ ngành, lĩnh vực, phạm vi hoạt động (nếu hội hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực thì tên hội phải thể hiện rõ ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động); tên của hội không được trùng lặp hoặc có phần trùng lặp gây nhầm lẫn với tên gọi của hội được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng một phạm vi; không vi phạm đạo đức xã hội, không sử dụng tên gọi có tính chất nhạy cảm, trái thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

2. Biểu tượng của hội không được trùng lặp, gây nhầm lẫn, được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý nhà nước về hội

1. UBND Thành phố thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động các hội trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện để các hội thành lập và hoạt động theo đúng pháp luật, có hiệu quả thiết thực. Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu giúp UBND Thành phố thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động hội trên địa bàn Thành phố.

2. Sở, ban, ngành Thành phố quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hội hoạt động.

3. UBND cấp huyện, UBND cấp xã quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động hội trên địa bàn huyện, xã.

Chương 2.

VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 4. Về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể hội

1. Căn cứ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhu cầu chính đáng của tổ chức, công dân và tình hình thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Quy định này xét, quyết định cho phép thành lập hội.

2. Hội được tổ chức và hoạt động theo phạm vi lãnh thổ, gồm:

a) Hội có phạm vi hoạt động trong thành phố Hà Nội, bao gồm cả hội hoạt động liên huyện;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, bao gồm cả hội hoạt động liên xã (sau đây gọi chung là huyện);

c) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

3. Các hội hoạt động theo phạm vi (trong Thành phố, trong huyện, trong xã) là tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động theo điều lệ riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Quy định này quyết định phê duyệt và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không có hội cấp trên, hội cấp dưới; không nhất thiết tổ chức hội thành hệ thống từ Trung ương đến Thành phố, quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn. Hội hoạt động trong phạm vi xã không phụ thuộc hay chịu sự chỉ đạo của hội hoạt động trong phạm vi huyện, Thành phố, cả nước; hội hoạt động trong phạm vi huyện không phụ thuộc hay chịu sự chỉ đạo của hội hoạt động trong phạm vi Thành phố, cả nước và hội hoạt động trong phạm vi Thành phố không phụ thuộc hay chịu sự chỉ đạo của hội hoạt động trong phạm vi cả nước. Trong trường hợp hội tự nguyện tham gia và được hội có phạm vi rộng hơn kết nạp làm thành viên sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Quy định này.

4. Hoạt động của hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ pháp luật và điều lệ hội.

5. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật trong nội bộ hội do hội quyết định theo quy định của điều lệ hội và pháp luật. Ban Chấp hành hội có trách nhiệm quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong nội bộ hội phù hợp với điều lệ hội, quy định của pháp luật; báo cáo kết quả giải quyết các tranh chấp, khiếu nại trong nội bộ hội với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Quy định này.

6. Hội được thành lập các pháp nhân trực thuộc hội theo quy định của pháp luật và điều lệ hội. Trong trường hợp hội quyết định thành lập pháp nhân thuộc hội không đúng quy định của pháp luật thì người đứng đầu hội và Ban Chấp hành hội chịu trách nhiệm trước pháp luật; cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 của Quy định này có quyền yêu cầu hội ra quyết định giải thể pháp nhân và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi con dấu.

Hội được thành lập các tổ chức cơ sở thuộc hội (liên chi hội, chi hội, phân hội, tổ hội) theo quy định của điều lệ hội đã cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 của Quy định này phê duyệt.

7. Trong quá trình hoạt động, hội không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp lụật khi thành lập hội, hoạt động không hiệu quả, các sở, ban, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hội hoạt động, các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có trách nhiệm xem xét đề xuất, báo cáo UBND Thành phố, UBND huyện xem xét quyết định giải thể theo quy định của pháp luật. Việc giải thể và bị giải thể của Hội thực hiện theo quy định của pháp luật về hội.

Điều 5. Về tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường)

1. Hai mươi lăm ngày (25 ngày) trước ngày tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường; mười lăm ngày (15 ngày) trước ngày tổ chức đại hội thành lập, Ban Chấp hành hội hoặc Ban Vận động thành lập hội phải có văn bản báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Quy định này và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động. Hồ sơ, nội dung báo cáo thực hiện theo quy định.

Việc tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, hội bất thường) chỉ được tiến hành sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tai Điều 11 của Quy định này.

2. Trường hợp hội tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) không thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Quy định này không phê duyệt Điều lệ hội đã được đại hội thông qua và ra văn bản thông báo hội tổ chức đại hội không hợp pháp.

Điều 6. Quản lý hội thành viên

1. Điều kiện, thủ tục kết nạp, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, mối quan hệ của hội là thành viên tập thể của một tổ chức hội khác (gọi tắt là hội thành viên) do tổ chức hội quyết định theo điều lệ, quy định của hội phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức hội có hội thành viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ, theo dõi, kiểm tra về tổ chức và hoạt động theo điều lệ của hội thành viên.

3. Các hội thành viên chịu sự hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ, theo dõi, kiểm tra về tổ chức và hoạt động theo điều lệ của hội mình tham gia làm thành viên.

4. Các tổ chức hội có hội thành viên có trách nhiệm phối hợp, tham gia các hoạt động quản lý nhà nước đối với các hội thành viên theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 của Quy định này; định kỳ tổng hợp tình hình tổ chức và hoạt động các hội thành viên cùng nội dung báo cáo của hội được quy định tại Điều 8 Quy định này.

Điều 7. Quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản

1. Hội tự bảo đảm kinh phí hoạt động theo quy định của Điều lệ hội và quy định của pháp luật. Thành phố chỉ thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động của hội gắn với nhiệm vụ chính quyền giao theo quy định tại Khoản 12, Điều 23 của Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

2. Hội thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của hội theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và điều lệ hội:

a) Đối với tài sản của Nhà nước tại các hội, việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

b) Đối với hội phí của hội viên, các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác của hội; tài sản của các hội được quản lý và sử dụng theo quy định điều lệ hội, quy chế quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của hội, quy định pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan.

3. Về quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ:

a) Đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

b) Đối với các nguồn tài trợ, viện trợ của các cá nhân, tổ chức không thuộc ngân sách nhà nước, hội quản lý, sử dụng theo điều lệ hội và cam kết giữa hội và tổ chức, cá nhân tài trợ, viện trợ.

4. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý tài chính hiện hành.

Điều 8. Chế độ, thông tin báo cáo

1. Hàng năm, chậm nhất trước 15 tháng 5, Hội gửi báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động 6 tháng và trước 15 tháng 11 gửi báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động năm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Quy định này.

2. Cơ quan nhận báo cáo:

a) Đối với Hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố báo cáo gửi đến Sở Nội vụ, Sở, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hội hoạt động;

b) Đối với Hội có phạm vi hoạt động trong huyện báo cáo gửi đến UBND huyện;

c) Đối với Hội có phạm vi hoạt động trong xã báo cáo gửi đến UBND huyện, UBND xã.

Điều 9. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia hội

1. Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý khi còn đang công tác thì khi thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu đứng ra thành lập hội và làm người đứng đầu hội, hoặc được hội giới thiệu mời làm Chủ tịch danh dự của hội phải được cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Thành phố xem xét, cho ý kiến bằng văn bản.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác, khi tham gia là hội viên của hội phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

3. Đối với chức danh Trưởng Ban vận động thành lập hội, nhân sự dự kiến là người đứng đầu hội hoặc được hội giới thiệu mời làm Chủ tịch danh dự nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

Điều 10. Người đứng đầu hội

1. Người đứng đầu hội là người có khả năng lãnh đạo, điều hành, quản lý, tập hợp, quy tụ được hội viên, có uy tín, sức khỏe, có thời gian, tâm huyết; có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của hội.

2. Người đứng đầu hội không tham gia cùng lúc là người đứng đầu của hội khác, không quá 70 tuổi tại thời điểm bầu cử, không giữ chức danh người đứng đầu hội 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

3. Người đứng đầu hội phải do hội bầu ra theo quy định của Điều lệ và quy định của pháp luật; là người đại diện theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ tổ chức và hoạt động hội.

4. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 Quy định này không thực hiện việc công nhận chức danh đối với người đứng đầu hội, các cơ quan lãnh đạo hội và các chức danh lãnh đạo hội. Riêng các chức danh cấp trưởng, cấp phó của các hội thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

Chương 3.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI

Điều 11. Thẩm quyền cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, tổ chức đại hội và phê duyệt Điều lệ hội

1. Chủ tịch UBND Thành phố quyết định cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt Điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố, trong huyện; cho phép hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoạt động trên địa bàn Thành phố.

2. Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) và phê duyệt Điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã; cho phép tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện theo quy định của pháp luật.

3. Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền Giám đốc Sở Nội vụ cho phép tổ chức Đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) đối với hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm Sở Nội vụ

1. Tham mưu giúp UBND Thành phố thống nhất quản lý nhà nước về hội trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về hội trên địa bàn Thành phố đảm bảo đúng hướng, hiệu quả.

2. Thẩm định hồ sơ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, giải thể và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố, trong huyện theo quy định của pháp luật, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

3. Có ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) đối với hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố.

4. Nghiên cứu, hướng dẫn việc cho phép thành lập hội hoạt động trên địa bàn Thành phố theo lĩnh vực, phạm vi hoạt động.

5. Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, UBND cấp huyện rà soát tổ chức, hoạt động của hội, thống nhất tham mưu UBND Thành phố xem xét, quyết định:

a) Xác định cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động.

b) Đối với các hội có đối tượng hội viên gần giống nhau hoặc mục đích hoạt động của các hội đều hướng đến cùng một đối tượng, nghiên cứu tình hình thực tế xem xét, đề xuất kiện toàn lại mô hình tổ chức hội phù hợp theo quy định của pháp luật và Quy định này.

6. Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ quản lý hội đối với cán bộ, công chức, làm công tác hội các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện thị xã.

7. Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về tài chính theo quy định đối với các hội có tính chất đặc thù của Thành phố.

8. Cấp giấy giới thiệu để hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố thực hiện thủ tục khắc dấu.

9. Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Trung ương, của Thành phố về hội; phối hợp với các sở, ban, ngành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều lệ và chấp hành pháp luật; công tác thi đua, khen thưởng; giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề về tổ chức và hoạt động đối với hội hoạt động trong phạm vi Thành phố.

10. Tổng hợp, đề xuất trình UBND Thành phố hoặc quyết định theo thẩm quyền khen thưởng việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội đối với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn Thành phố.

11. Tổng hợp số liệu về tổ chức, hoạt động của hội trên địa bàn Thành phố phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội.

12. Định kỳ 6 tháng (chậm nhất trước 15 tháng 6), hàng năm (chậm nhất trước ngày 15 tháng 12) báo cáo UBND Thành phố và Bộ Nội vụ về công tác tổ chức, hoạt động, quản lý hội trên địa bàn Thành phố.

13. Xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện các thủ tục về tổ chức, hoạt động của hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về hội của Sở.

Điều 13. Trách nhiệm Sở Tài chính

1. Giúp Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, tài sản đối với hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn Thành phố theo quy định; hướng dẫn, chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, tài sản đối với hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn huyện.

2. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản của hội, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi Thành phố theo quy định.

3. Hàng năm, chậm nhất vào ngày 15 tháng 11, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố việc hỗ trợ kinh phí đối với các hội hoạt động trên địa bàn Thành phố, các hội có tính chất đặc thù của Thành phố.

4. Xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện các thủ tục về tổ chức, hoạt động của hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về hội của Sở.

Điều 14. Trách nhiệm Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, tham mưu trình UBND Thành phố quyết định cho phép các hội thực hiện việc tiếp nhận viện trợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND Thành phố thực hiện việc bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án của các hội được tiếp nhận viện trợ nước ngoài theo quy định của Nhà nước và Thành phố.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét và cho phép các hội hoạt động trên địa bàn Thành phố nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra tình hình tiếp nhận, sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài đối với hội.

5. Xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện các thủ tục về tổ chức, hoạt động của hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về hội của Sở.

Điều 15. Trách nhiệm Công an Thành phố

1. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phòng, chống vi phạm pháp luật đối với hoạt động của hội trên địa bàn Thành phố.

2. Thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký cấp mới, cấp đổi, cấp lại con dấu đối với các hội và tổ chức pháp nhân trực thuộc hội theo quy định của pháp luật; rà soát, sửa đổi con dấu của các hội, pháp nhân trực thuộc hội khắc không đúng tên theo quyết định cho phép thành lập của cơ quan có thẩm quyền; thu hồi con dấu các hội, pháp nhân trực thuộc hội thành lập không đúng quy định của pháp luật, hoặc các hội đã có quyết định giải thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ và chấp hành pháp luật; tài chính, tài sản; thi đua, khen thưởng; đề xuất việc xử lý vi phạm pháp luật của các Hội.

4. Xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện các thủ tục về tổ chức, hoạt động của hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về hội của đơn vị.

Điều 16. Trách nhiệm Sở, ban, ngành Thành phố

1. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hội hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (theo Phụ lục Quy định là Danh sách các hội chịu sự quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành về ngành, lĩnh vực hội hoạt động đính kèm tại thời điểm ban hành và các quyết định cho phép thành lập hội sau thời điểm ban hành Quy định này); phân công lãnh đạo phụ trách, công chức tham mưu, giúp việc quản lý nhà nước về hội; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các hội thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động theo đúng pháp luật; kịp thời xử lý vi phạm pháp luật về hội theo thẩm quyền.

2. Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động xét công nhận hoặc không công nhận Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố; trường hợp cần thiết, lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan trước khi xem xét, quyết định công nhận Ban Vận động thành lập hội.

3. Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn hội phạm vi hoạt động trong Thành phố chuẩn bị các nội dung tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) theo quy định.

4. Có ý kiến bằng văn bản tham mưu với UBND Thành phố (gửi Sở Nội vụ) về việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, và phê duyệt Điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố; những vấn đề có liên quan đến tổ chức, hoạt động đối với hội trên địa bàn Thành phố thuộc ngành, lĩnh vực.

5. Có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Nội vụ về việc tổ chức đại hội (nhiệm kỳ, bất thường) đối với hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố.

6. Có ý kiến bằng văn bản tham mưu với UBND Thành phố (gửi Sở Nội vụ) hoặc gửi UBND huyện về việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, tổ chức đại hội (nhiệm kỳ, bất thường) và phê duyệt Điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã (nếu có yêu cầu, đề nghị).

7. Hướng dẫn, tạo điều kiện để hội tham gia thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện và khả năng của hội. Cung cấp thông tin về quy hoạch, phương hướng, chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi để các hội tham gia phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

8. Thẩm định nội dung các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện của các hội theo ngành, lĩnh vực quản lý; tham mưu UBND Thành phố quyết định giao cho hội hoạt động trong phạm vi Thành phố thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với nhiệm vụ của Nhà nước và khả năng thực hiện của hội. Thẩm định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của hội liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý đối với hội có tính chất đặc thù có phạm vi hoạt động trong Thành phố để hội làm cơ sở lập dự toán kinh phí hỗ trợ hàng năm theo quy định.

9. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, thị xã các cơ quan liên quan thẩm định, xem xét, đề xuất với UBND Thành phố cho phép hội có phạm vi hoạt động trong Thành phố, trong huyện, trong xã được nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật.

10. Hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước về hội theo ngành, lĩnh vực đối với phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

11. Thu thập ý kiến của hội tham gia đóng góp với Đảng, Nhà nước, Thành phố trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, nhiệm vụ công tác của ngành.

12. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động của Hội trong việc chấp hành pháp luật và Điều lệ; việc sử dụng và quản lý tài chính, tài sản; đánh giá tổ chức và hoạt động của hội; đề nghị thi đua, khen thưởng; trả lời các đề nghị, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo; và xử lý vi phạm pháp luật đối với hội hoạt động trong phạm vi Thành phố thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

13. Tổng hợp số liệu về hội theo thẩm quyền quản lý để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội thuộc ngành, lĩnh vực.

14. Định kỳ 6 tháng (chậm nhất trước 15 tháng 5), định kỳ năm (chậm nhất trước 15 tháng 11), báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các hội thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Điều 17. Trách nhiệm UBND cấp huyện

1. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn huyện, xã; phân công lãnh đạo huyện phụ trách, Phòng Nội vụ và công chức của phòng tham mưu, giúp việc quản lý nhà nước về hội; tuyên truyền phổ biến pháp luật về hội thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của hội, kịp thời xử lý vì phạm pháp luật về hội trên địa bàn huyện.

2. Xét công nhận hoặc không công nhận Ban vận động thành lập hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã. Trong trường hợp hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã dự kiến thành lập hiện chưa được thành lập ở phạm vi trong thành phố Hà Nội hoặc trong huyện khác, UBND cấp huyện cần thiết lấy ý kiến của Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động trước khi xem xét, quyết định công nhận Ban Vận động thành lập hội.

3. Lấy ý kiến bằng văn bản của Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính về việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt Điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã trong trường hợp hội có phạm vi hoạt động trong xã dự kiến thành lập hiện chưa được thành lập ở phạm vi trong Thành phố hoặc trong huyện khác thuộc thành phố Hà Nội.

4. Quyết định cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) và phê duyệt Điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.

5. Có ý kiến bằng văn bản báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) về việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, và phê duyệt Điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện.

6. Có lý kiến bằng văn bản về việc tổ chức đại hội (thành lập, nhiệm kỳ, bất thường) đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện. Trong trường hợp cần thiết có thể xin ý kiến Sở Nội vụ, Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội trước khi UBND cấp huyện có ý kiến việc tổ chức đại hội của hội.

7. Cấp giấy giới thiệu để Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã thực hiện thủ tục khắc dấu.

8. Thực hiện hỗ trợ các hội có tính chất đặc thù có phạm vi hoạt động thuộc huyện theo quy định; quyết định giao cho hội thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với nhiệm vụ của nhà nước và khả năng thực hiện của hội và hỗ trợ kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

9. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã được nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật.

10. Cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để các hội tham gia phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh góp phần giữ vững an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

11. Thu thập ý kiến của hội tham gia đóng góp với Đảng, Nhà nước, Thành phố trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, nhiệm vụ công tác của địa phương.

12. Giải quyết, trả lời các đề nghị, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật đối với hội hoạt động trên địa bàn huyện theo thẩm quyền.

13. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Trung ương, của Thành phố, việc chấp hành pháp luật và Điều lệ hội; xử lý vi phạm pháp luật về hội, việc sử dụng và quản lý tài chính, tài sản; công tác thi đua, khen thưởng; giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề về tổ chức và hoạt động của hội trên địa bàn huyện.

14. Tổng hợp số liệu về hội theo thẩm quyền quản lý để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội trên địa bàn huyện.

15. Định kỳ 6 tháng (chậm nhất trước 15 tháng 5), định kỳ hàng năm (chậm nhất trước 15 tháng 11), báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn (trong huyện, trong xã).

Điều 18. Trách nhiệm UBND cấp xã

1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; phân công lãnh đạo xã phụ trách, công chức giữ chức danh Văn phòng - thống kê hoặc giữ chức danh Văn hóa - xã hội tham mưu, giúp việc quản lý nhà nước về hội.

2. Hướng dẫn công tác chuẩn bị đại hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã theo quy định; có ý kiến bằng văn bản với UBND cấp huyện về việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt Điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.

3. Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra tổ chức, hoạt động của hội trên địa bàn xã; đề nghị xét thi đua, khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội đối với hội hoạt động trên địa bàn xã.

4. Cung cấp thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật của nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để các hội trên địa bàn xã tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

5. Thu thập ý kiến của hội tham gia đóng góp với Đảng, nhà nước và Thành phố trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, nhiệm vụ công tác của địa phương.

6. Giải quyết, trả lời các đề nghị, kiến nghị của hội có phạm vi hoạt động trong xã theo quy định của pháp luật và thẩm quyền được phân cấp.

7. Tổng hợp số liệu về hội theo thẩm quyền quản lý để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội trên địa bàn xã.

8. Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các hội hoạt động trên địa bàn xã báo cáo UBND cấp huyện (qua phòng Nội vụ) trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.

Điều 19. Các cơ quan báo chí thuộc Thành phố

Phối hợp với Sở Nội vụ, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất trong công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản quy định pháp luật của Nhà nước và Thành phố về tổ chức, hoạt động, quản lý hội; về các hội hoạt động hợp pháp trên địa bàn Thành phố; giới thiệu, đưa tin các tổ chức hội hoạt động tốt, đúng hướng, hiệu quả, có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Khen thưởng

1. Hội hoạt động có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Hội viên có nhiều thành tích thì được khen thưởng theo quy định của hội và của Nhà nước.

Điều 21. Xử lý vi phạm

1. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép thành lập hội trái với Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Ban Chấp hành hội, người đại diện hội cố tình kéo dài thời hạn đại hội nhiệm kỳ do điều lệ hội quy định hoặc không chấp hành quy định về nghĩa vụ của hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn các hội thuộc đối tượng, phạm vi quản lý thực hiện theo đúng Quy định này; trong quá trình tổ chức thực hiện có phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoặc yêu cầu của pháp luật, Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

 

DANH SÁCH

CÁC HỘI CHỊU SỰ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA SỞ, BAN, NGÀNH VỀ NGÀNH, LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

STT

Các hội hoạt động trong phạm vi Thành phố

Sở, ban, ngành QLNN về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội

1

Hội Chăn nuôi Hà Nội

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2

Hội Sản xuất thuốc thú y Hà Nội

3

Hội Bảo vệ sinh thái và phát triển bền vững HN

4

Hội Thú y Hà Nội

5

Hội Rau an toàn Hà Nội

6

Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng long Hà Nội

7

Hội Làm vườn Hà Nội

8

Hội Sinh vật cảnh Hà Nội

9

Hội Các ngành sinh học Hà Nội

10

Hội phát triển trồng rừng và bảo tồn sinh thái

11

Hội Cơ học TP Hà Nội

12

Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP Hà Nội

Sở Khoa học và Công nghệ

13

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng HN

14

Hội Hóa học Hà Nội

15

Hội Vật lý Hà Nội

16

Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội

17

Hội Thông tin khoa học và kỹ thuật Hà Nội

18

Hội tự động hóa thành phố Hà Nội

19

Hội Nữ trí thức Hà Nội

20

Hội Y học Hà Nội

Sở Y tế

21

Hội Châm cứu Hà Nội

22

Hội Đông y Hà Nội

23

Hiệp hội Dược học Hà Nội

24

Hội Điều dưỡng Hà Nội

25

Hội Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội

26

Hội Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội

27

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (9 thành viên: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ Múa, Hội Nghệ sỹ Sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

28

Hội Sử học Hà Nội

29

Hiệp hội du lịch Hà Nội

30

Liên đoàn điền kinh Hà Nội

31

Liên đoàn cầu lông Hà Nội

32

Liên đoàn Quần vợt Hà Nội

33

Liên đoàn Billiard Snooker Hà Nội

34

Liên đoàn các môn thể thao Hà Nội

35

Liên đoàn Vovina - Việt võ đạo Hà Nội

36

Liên đoàn Bóng đá Hà Nội

37

Liên đoàn Xe đạp mô tô thể thao Hà Nội

38

Hội sưu tầm, nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long Hà Nội

39

Hội Võ thuật Hà Nội

40

Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội

41

Hội Bơi người cao tuổi Hà Nội

42

Hội Golf Hà Nội

43

Hội Tâm năng dưỡng sinh - phục hồi sức khỏe Hà Nội

44

Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội

45

Câu lạc bộ Ô tô địa hình thành phố Hà Nội

46

Liên đoàn Bóng bàn thành phố Hà Nội

47

Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Thành phố

Sở Ngoại vụ

48

Hội hữu nghị Việt - Nhật thành phố Hà Nội

49

Hội hữu nghị Việt - Đức Thành phố Hà Nội

50

Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa thành phố Hà Nội

51

Hội hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hà Nội

52

Hội hữu nghị Việt - Nga thành phố Hà Nội

53

Hội hữu nghị Việt - Mỹ thành phố Hà Nội

54

Hội hữu nghị Việt - Hàn thành phố Hà Nội

55

Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan TP Hà Nội

56

Hội hữu nghị Việt Nam - Australia TP Hà Nội

57

Hội hữu nghị Việt Nam - Cu ba TP Hà Nội

58

Hội hữu nghị Việt - Lào thành phố Hà Nội

59

Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Hà Nội

60

Hội Quốc tế ngữ TP Hà Nội

61

Hiệp Hội CLB Unesco TP HN

62

Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP Hà Nội

63

Hội hữu nghị Việt Nam - Hung Ga Ry TP Hà Nội

64

Ủy ban Hoà Bình

65

Hội hữu nghị Việt Nam - Vương quốc Anh TP Hà Nội

66

Hội hữu nghị Việt Nam - Tây Ban Nha TP Hà Nội

67

Hội hữu nghị Việt Nam - Ucraina TP Hà Nội

68

Hội hữu nghị Việt Nam - Palestine TP Hà Nội

69

Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội

70

Hội Xây dựng Hà Nội

Sở Xây dựng

71

Hội Luật gia thành phố Hà Nội

Sở Tư pháp

72

Đoàn Luật sư Hà Nội

73

Hiệp hội công chứng Hà Nội

74

Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo TP

75

Hội Cầu đường Hà Nội

Sở Giao thông vận tải

76

Hiệp hội Vận tải Hà Nội

77

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP

78

Hội Cơ khí Hà Nội

Sở Công thương

79

Hội Điện lực Hà Nội

80

Hội Đúc luyện kim Hà Nội

81

Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP

82

Hiệp hội Công thương Hà Nội

83

Hiệp hội Dệt may Hà Nội

84

Hiệp hội Dệt lụa tơ tằm Hà Nội

85

Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội

86

Hội Nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội (Hợp nhất hội Nghệ nhân ngành Thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội cũ với Hội nghệ nhân thợ giỏi tỉnh Hà Tây)

87

Hiệp hội Ô tô Hà Nội

88

Hội Gốm sứ Bát tràng Hà Nội

89

Hội Da giầy Hà Nội

90

Hội Triển lãm hội chợ Hà Nội

91

Hội Siêu thị Hà Nội

92

Hội Sản xuất kinh doanh dây dẫn điện Hà Nội

93

Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội

94

Hội Chế biến, kinh doanh nông sản - thực phẩm Hà Nội

95

Hội Doanh nhân cựu chiến binh Hà Nội

96

Hội các tổ chức xúc tiến và dịch vụ phát triển kinh doanh Hà Nội

97

Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội

98

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Hà Nội

Sở Tài nguyên và Môi trường

99

Hiệp hội bất động sản Hà Nội

100

Hội Người mù Hà Nội

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

101

Hội Từ thiện tấm lòng vàng Hà Nội

102

Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội

103

Hội Chữ thập đỏ Hà Nội

104

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội

105

Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội

106

Hội Nghệ thuật nhân đạo Hà Nội

107

Hội sản xuất, kinh doanh và dạy nghề người tàn tật TP Hà Nội

108

Hội Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội

109

Hội Nạn nhân chất độc Dacam/Dioxin Hà Nội

110

Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội

111

Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Sở Quy hoạch và Kiến trúc

112

Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội

113

Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội

Sở Giáo dục và Đào tạo

114

Hội Toán học Hà Nội

115

Hội Ngôn ngữ học Hà Nội

116

Hội Khuyến học Hà Nội

117

Hội Bảo trợ và phát triển ngoại ngữ, tin học HN

118

Hội Cựu giáo chức Hà Nội

119

Hội In Hà Nội

Sở Thông tin và Truyền thông

120

Hội Truyền thông Hà Nội

121

Hội Nhà báo Hà Nội

122

Hội Tin học viễn thông Hà Nội

123

Hội Kế toán Hà Nội

Sở Tài chính

124

Hội Liên hiệp thanh niên Hà Nội

Sở Nội vụ

125

Hội Sinh viên Hà Nội

126

Hội Văn thư lưu trữ thành phố Hà Nội

127

Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội

Sở Kế hoạch và Đầu tư

128

Liên minh Hợp tác xã

Các sở, ban, ngành

129

Hội Mỹ nghệ kim hoàn Hà Nội

Ngân hàng, Kho bạc Thành phố

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2013/QĐ-UBND về Quy định tổ chức, hoạt động của Hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hội trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 34/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/08/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản