Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 332/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM DOANH NGHIỆP - HỢP TÁC XÃ - NÔNG DÂN TIÊU THỤ NÔNG SẢN VÀ CUNG ỨNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP (MÔ HÌNH TẬP TRUNG)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng;

Căn cứ Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg ngày 25/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng;

Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Quyết định số 2577/QĐ-BTC ngày 29/11/2016 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 74/QĐ-BCT ngày 11/01/2017 của Bộ Công Thương phê duyệt các dự án, nhiệm vụ và kinh phí năm 2017 thực hiện Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc Danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020”;

Căn cứ Quyết định số 1407/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí dự án xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp (Mô hình tập trung)

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất tập trung (Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Dự án xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp (Mô hình tập trung).

2. Chủ đầu tư: Sở Công Thương.

3. Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân và các cơ quan có liên quan.

4. Mục tiêu của các dự án:

4.1. Mục tiêu chung

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với chế biến và thị trường; xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông sản hàng hóa; nâng cao thu nhập của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

4.2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng mô hình DN-HTX-ND tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang thành kênh cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm ổn định cho các hộ nông dân, phù hợp với yêu cầu của các hộ nông tham gia mô hình.

- Nâng cao nhận thức, hiểu biết và ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cho các hộ nông dân tham gia mô hình.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX trong lĩnh vực dịch vụ sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia mô hình có được nguyên liệu đảm bảo chất lượng để chế biến và tiêu thụ trên thị trường.

- Đề xuất phương thức liên kết, cơ chế hoạt động, điều kiện để mô hình DN-HTX-ND hoạt động hiệu quả, bền vững.

- Đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện dự án mô hình thí điểm DN-HTX-ND tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp.

- Có đủ cơ sở tổng kết đánh giá và bài học kinh nghiệm để kiến nghị nhân rộng mô hình đối với sản phẩm khác và địa phương khác trong toàn tỉnh.

- Giúp Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm có thể ký kết Hợp đồng với các đối tác thương mại một khi lượng sản phẩm đầu vào được ký kết hợp đồng ràng buộc. Giúp bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất khi hạch toán được đầu ra sản phẩm, đầu vào vật tư, yên tâm sản xuất kinh doanh và cố gắng nâng cao sản lượng, giá trị cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Phú Lộc.

5. Chủ thể tham gia mô hình thí điểm:

- Doanh nghiệp: Doanh nghiệp được lựa chọn là Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm có trụ sở tại 101 Phan Đình Phùng, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngành nghề kinh doanh chính là thu mua, chế biến và phân phối các sản phẩm nông sản.

- Hợp tác xã: Hợp tác xã được lựa chọn là HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lương 1 thuộc địa bàn xã Phú Lương, huyện Phú Vang được chuyển đổi và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2015.

- Hộ nông dân: Toàn bộ thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lương 1 là 450 hộ với 520 lao động.

6. Nội dung dự án:

6.1. Đánh giá khái quát thực trạng tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp thông qua hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2016.

6.2. Phương án xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất tập trung.

6.2.1. Nhiệm vụ của chủ thể tham gia mô hình

- Đối với Doanh nghiệp:

+ Khảo sát, đánh giá lại thị trường tiềm năng, nhu cầu và thị hiếu đối với sản phẩm được lựa chọn và phát triển sản xuất; Củng cố lại cơ sở vật chất hiện có đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong khâu chế biến, bảo quản.

+ Cung ứng một lượng nhất định VTNN đầu vào mà chủ yếu là chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, giống lúa hữu cơ; đồng thời thuê chuyên gia tư vấn về nông nghiệp đối với các loại giống lúa hữu cơ thuộc mô hình trên địa bàn xã Phú Lương - huyện Phú Vang.

+ Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của công ty bằng các biện pháp đào tạo, tập huấn kiến thức nông nghiệp, kỹ thuật chế biến, khả năng quản lý kinh doanh và đặc biệt là công tác marketing.

- Đối với Hợp tác xã:

+ Tổ chức, cơ cấu lại bộ máy hoạt động cho phù hợp đảm bảo các kiến thức cơ bản về quản trị, kiến thức về kinh tế thị trường, nghiệp vụ soạn thảo, ký kết, thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ và cung ứng.

+ Có trách nhiệm trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong vai trò là cầu nối giữa bà con nông dân với doanh nghiệp.

- Đối với hộ nông dân:

+ Ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia vào liên minh sản xuất, tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp;

+ Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, phổ biến để nắm rõ được các kiến thức liên quan để thực hiện việc sản xuất nông sản theo đúng quy trình và kỹ thuật;

+ Thực hiện các công đoạn của quá trình sản xuất theo đúng quy trình về thời gian, số lượng đảm bảo đúng chỉ dẫn và hướng dẫn của Doanh nghiệp, HTX và các chuyên gia trong lĩnh vực trồng ngô ngọt, dưa bao tử và ớt lai.

6.2.2. Phương thức liên kết, cơ chế hoạt động của mô hình

Xây dựng một Liên minh phối hợp nhằm phát huy được các ưu điểm và thuận lợi của các chủ thể trong mô hình, tương hỗ lẫn nhau khắc phục các mặt yếu của các bên để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, hoạt động mang tính ổn định và bền vững; Phương thức liên kết trước hết trên cơ sở tự nguyện tham gia của các bên, sau đó đến việc thỏa thuận và ký kết hợp đồng mang tính ràng buộc.

Cơ chế hoạt động của mô hình liên kết Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất tập trung cơ bản được thực hiện theo 03 bước như sau:

- Lập bản cam kết và thỏa thuận tham gia của các chủ thể trong mô hình.

- Ký hợp đồng mang tính nguyên tắc về giao nhận sản phẩm được tạo ra của mô hình từ đầu vụ sản xuất.

- Ký kết các hợp đồng kinh tế cụ thể về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư.

6.2.3. Điều kiện để mô hình hoạt động hiệu quả, bền vững

- Các chủ thể tham gia mô hình thí điểm cần phải thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình và các điều kiện và nguyên tắc trong Hợp đồng đã được ký kết.

- Các cấp chính quyền và các ngành tạo điều kiện trong việc định hướng và tham gia giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong mô hình liên kết, có cơ chế chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia mô hình như chính sách ưu tiên về đất đai, chính sách về hỗ trợ tín dụng, tài chính.

- Các chủ thể cần ý thức được sự tồn tại, phát triển phụ thuộc lẫn nhau để sẵn sàng chia sẻ rủi ro hoặc lợi ích thu được từ mô hình thí điểm.

6.3. Đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện dự án mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp.

- Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển sản xuất những mặt hàng nông sản chủ yếu và quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Nhóm giải pháp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với chủ thể tham gia mô hình thí điểm (chính sách thuế, tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại,…)

- Nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại để tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia mô hình thí điểm mở rộng mạng lưới kinh doanh.

- Nhóm giải pháp về bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Doanh nghiệp, HTX,... tham gia mô hình thí điểm.

- Nhóm giải pháp khác.

7. Nguồn vốn thực hiện: Kinh phí Trung ương hỗ trợ năm 2017 (theo Quyết định số 74/QĐ-BCT ngày 11/01/2017 của Bộ Công Thương).

8. Tổ chức thực hiện

8.1. Trách nhiệm của Sở Công Thương

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện Dự án mô hình thí điểm Doanh nghiệp-Hợp tác xã-Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp sau khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án theo tiến độ thực hiện.

Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và địa phương để hỗ trợ các chủ thể trên cơ sở xây dựng kênh phân phối đảm bảo hoạt động có hiệu quả theo nội dung công việc và các hạng mục hỗ trợ đã được phê duyệt, giám sát các chủ thể trong mô hình thực hiện đúng trách nhiệm, cam kết.

Chủ động nghiên cứu các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực thương mại và lưu thông hàng hóa nông sản, khuyến khích hỗ trợ các chủ thể trong mô hình liên kết “Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân”. Trong đó bao gồm cả các chính sách khuyến khích phát triển tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, khuyến khích HTX tiêu thụ nông sản cho nông dân, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và xuất khẩu các loại nông sản hàng hóa.

Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm, tác động của mô hình trong việc thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản đảm bảo nâng cao hiệu quả đối với các chủ thể trong mô hình. Tổ chức nghiên cứu đưa ra các bài học kinh nghiệm giúp cho việc nhân rộng mô hình và đánh giá hiệu quả mô hình đối với các sản phẩm nông sản khác, áp dụng tại địa phương khác trong tỉnh. Xây dựng báo cáo định kỳ quá trình triển khai thực hiện và tổng kết dự án báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương, kiến nghị nhân rộng mô hình.

8.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có trách nhiệm phối hợp với các ngành và địa phương để hỗ trợ các chủ thể của mô hình các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp, các cơ chế quy định liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh và của Trung ương.

Tổ chức quy hoạch và công bố quy hoạch các vùng cây trồng hàng hóa, định hướng cho nông dân trồng các giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương.

Chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất chăn nuôi. Phối hợp và chỉ đạo các địa phương trong việc hỗ trợ cho nông dân các vấn đề liên quan đến giống, VTNN, khắc phục thiên tai, dịch bệnh đối với loại vật nuôi thuộc mô hình...

8.3. Sở Kế hoạch và đầu tư

Phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

8.4. Sở Tài chính.

Chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ các chủ thể tham gia mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

8.5. Liên minh HTX tỉnh.

Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo hội viên, nông dân tham gia tích cực các nội dung của dự án. Phối hợp triển khai việc nhân rộng mô hình và đánh giá hiệu quả mô hình đối với các sản phẩm nông sản khác, áp dụng tại địa phương trong tỉnh.

8.6. Hội nông dân

Tích cực tuyên truyền cho các thành viên và cán bộ Hội về mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ trương, định hướng của nhà nước, của tỉnh trong việc khuyến khích thực hiện việc tiêu thụ nông sản thông qua HĐ và phổ biến về việc nhân rộng mô hình sau khi có báo cáo đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm. Tổ chức học tập nâng cao trình độ tay nghề khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân; nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội.

Lắng nghe, phản hồi kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các chi hội và các hội viên trong quan hệ sản xuất, tiêu thụ; Chủ trì đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp, chính sách kịp thời.

8.7. Ngân hàng Chính sách Chi nhánh Thừa Thiên Huế.

Hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX, nông dân được vay vốn ưu đãi theo các quy định hiện hành của Nhà nước để đầu tư VTNN đầu vào. Đồng thời chủ động đề xuất chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi hỗ trợ HTX được vay vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện thực hiện việc chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp được vay vốn ưu đãi theo các quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch: Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân; Ngân hàng Chính sách Chi nhánh Thừa Thiên Huế; các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Công Thương (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 332/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Dự án mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp (Mô hình tập trung) do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 332/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/02/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản