Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2011/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 05 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 149/TTr-SKHĐT ngày 07 tháng 01 năm 2011, Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 3299/STC-NS ngày 07 tháng 7 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười (10 ngày), kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND ngày 27/02/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy định về thực hiện các dự án đầu tư trong nước thuộc Chương trình kích cầu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đã được phê duyệt theo các Quyết định ban hành trước Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố mà chưa hết thời gian được hỗ trợ lãi suất vẫn tiếp tục được thực hiện theo các quy định trước đây cho đến hết thời gian được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành của Thành phố, Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Thành phố quản lý và Chủ đầu tư các dự án liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- Thường trực UBND. TP;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các đoàn thể;
- Văn phòng Thành ủy;
- VP Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND. TP;
- UBND các quận - huyện;
- CN các NH thương mại, NH đầu tư, Ngân hàng cổ phần trên địa bàn TP;
- Các báo, đài TW và TP;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Các Phòng CV, THKH (6b), TTCB;
- Lưu: VT, (THKH/Qt).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

QUY ĐỊNH

VỀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Các doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã của thành phố; các tổ chức trong nước có hoạt động đầu tư trên địa bàn thành phố; các doanh nghiệp, Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã của thành phố thực hiện các dự án đầu tư ngoài nước (Lào, Campuchia).

2. Các đối tượng đã được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 10/02/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND không thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này.

Điều 2. Phạm vi dự án đầu tư thực hiện Chương trình kích cầu của thành phố

1. Các dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo phù hợp với chủ trương đầu tư, quy hoạch được duyệt và thuộc các đối tượng nêu tại Điều 3 của Quy định này; trong đó, ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng mới; đầu tư mở rộng quy mô; đổi mới kỹ thuật, công nghệ, thiết bị.

2. Các dự án đầu tư thực hiện tại Lào, Campuchia do đơn vị của thành phố lập và được trình duyệt theo quy định hiện hành; được các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn thành phố chấp thuận cho vay vốn.

3. Các dự án khác do Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

Chương 2.

LĨNH VỰC, MỨC HỖ TRỢ LÃI VAY VÀ THỜI GIAN VAY VỐN

Điều 3. Đối tượng, mức hỗ trợ lãi suất vay vốn

1. Những dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay:

a) Các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu:

- Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa từ 100 giường bệnh trở lên.

- Trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học (các trường xây dựng mới phải đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành đối với từng cấp học, ngành học tương ứng).

- Trường trung cấp và cao đẳng nghề;

- Công trình văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim (quy mô trên 1.000 chỗ ngồi);

- Cơ sở thể dục thể thao nhằm mục tiêu đào tạo, huấn luyện các vận động viên thành tích cao cấp quốc gia và quốc tế (không bao gồm các dự án đầu tư xây dựng sân golf).

b) Các dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao phù hợp Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao theo quy định hiện hành.

c) Các dự án thuộc các ngành: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su, dự án đầu tư sản xuất các loại máy móc, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, thiết bị thế hệ mới hoặc sử dụng công nghệ mới được điện tử hóa, tự động hóa, điều khiển theo các chương trình máy tính.

d) Dự án đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học; xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

đ) Dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cơ sở xử lý chất thải của các bệnh viện, các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp; dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung; dự án trồng rừng nhằm cải thiện môi trường sinh thái.

2. Những dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất (trừ các dự án quy định tại khoản 1c Điều này) được ngân sách của của thành phố hỗ trợ 50% lãi vay:

a) Dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, máy móc thiết bị kiểm tra an toàn trong quá trình sản xuất công nghiệp.

b) Dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cho các ngành sản xuất vật liệu composit, vật liệu mới có chất lượng cao; sản xuất sản phẩm in phức hợp, bao bì màng đa lớp; cơ khí làm khuôn mẫu phục vụ sản xuất công - nông nghiệp.

c) Dự án đầu tư phát triển các sản phẩm như: điện gia dụng, dây cáp điện, dây điện từ, đèn compact, máy biến áp, ống thép không rỉ, cốp - pha nhựa, lốp ôtô được tiêu thụ trong nước.

d) Dự án đầu tư sản xuất các loại động cơ như: diezen, xăng loại nhỏ, máy kéo phục vụ công - nông nghiệp.

đ) Dự án đầu tư sản xuất và nội địa hóa lắp ráp ôtô; sản xuất các phương tiện vận tải như ô tô từ 12 đến 60 chỗ, ô tô tải nhẹ, ô tô chuyên dùng.

e) Dự án chế biến tinh lương thực, thực phẩm sử dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

f) Dự án đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; dự án đầu tư cơ sở giết mổ; sản xuất giống gia súc, gia cầm. Các dự án này phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm của các dự án phải thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu theo Chương trình bình ổn giá cả thị trường và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

g) Dự án xây dựng kho ngoại quan, chợ đầu mối, khu kinh tế cửa khẩu tại khu vực biên giới ngoài nước (Lào, Campuchia); dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh hàng hóa tại thị trường ngoài nước (Lào, Campuchia). Riêng dự án xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị kinh doanh hàng hóa, phải đảm bảo bố trí tối thiểu 70% diện tích sàn xây dựng để quảng bá, kinh doanh hàng hóa sản phẩm do Việt Nam sản xuất và cơ cấu hàng Việt Nam sản xuất chiếm tỷ lệ tối thiểu 70% trong các chủng loại hàng hóa được bày bán.

3. Mức lãi suất để tính hỗ trợ:

a) Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiền bằng đồng VN kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) công bố hàng tháng (loại trả lãi sau) cộng thêm phí quản lý từ 1% đến 2%/năm.

b) Đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ, ngân sách hỗ trợ theo lãi suất thực tế với tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại mục a nêu trên. Trường hợp tỷ giá tại thời điểm thanh toán thấp hơn tỷ giá tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, ngân sách hỗ trợ theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán.

Ngân sách thành phố chỉ hỗ trợ lãi vay đối với các dự án vay vốn bằng ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị và các dự án thực hiện đầu tư theo quy định tại mục g, Khoản 2, Điều 3 Quy định này.

Điều 4. Thời gian và hạn mức số vốn vay được hỗ trợ

1. Thời gian hỗ trợ lãi vay đối với các dự án nêu tại Điều 3 của Quyết định này không quá 7 năm, kể từ ngày giải ngân lần đầu, số vốn vay của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn: đầu tư xây dựng cơ bản (tính trên cơ sở suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành), công nghệ và thiết bị (trừ các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế công lập).

2. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 tỷ đồng cho 1 dự án (đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ được quy đổi theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng). Đối với các dự án có mức vốn hỗ trợ lãi vay trên 100 tỷ đồng hoặc thời gian hỗ trợ lãi vay trên 7 năm, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

3. Trường hợp dự án đầu tư nhiều giai đoạn: dự án đầu tư giai đoạn đầu phải hoàn thành đưa vào sử dụng (có biên bản nghiệm thu bàn giao đính kèm) mới được xem xét hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo.

4. Tổng vốn vay của các dự án được ngân sách hỗ trợ lãi vay thông qua Chương trình này là không quá 8.000 tỷ đồng, bao gồm số vốn vay theo Quyết định số 20/2009/QĐ-UB. Ngân sách thành phố không thanh toán phần lãi phát sinh do chủ đầu tư không hoàn trả lại vốn gốc đúng thời hạn quy định trong dự án được duyệt.

5. Chủ đầu tư phải hoàn trả vốn gốc theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng tín dụng. Ngân sách không thực hiện hỗ trợ lãi vay đối với các dự án vay vốn trả một lần khi đáo hạn. Trường hợp các chủ đầu tư thực hiện cấu trúc lại khoản vay thì các hợp đồng tín dụng ký mới phải có các điều khoản về thời gian ân hạn, trả nợ gốc và mức lãi suất không làm phát sinh tăng vượt mức dự kiến được hỗ trợ của hợp đồng ban đầu và dự án được duyệt. Trường hợp các điều khoản về trả nợ gốc, lãi vay, thời gian ân hạn làm phát sinh tăng số vốn hỗ trợ từ ngân sách so với hợp đồng ban đầu thì ngân sách hỗ trợ theo các điều khoản của hợp đồng ban đầu.

Chương 3.

QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ, CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Lập, trình duyệt dự án đầu tư theo các quy định hiện hành.

2. Cam kết bằng văn bản: triển khai thực hiện dự án đã được phê duyệt theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; thực hiện đúng các quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo vệ môi trường trong đầu tư và sản xuất; sử dụng vốn vay đúng mục đích theo kế hoạch đầu tư của dự án, không được dùng tài sản tạo thành từ vốn vay để thế chấp, sang nhượng, chuyển đổi … cho cá nhân hoặc pháp nhân khác trong thời gian chưa trả xong nợ vay (trừ việc thế chấp đối với các tổ chức tín dụng đã cho vay vốn để thực hiện dự án); cho phép tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ liên quan dự án theo yêu cầu Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong trường hợp đặc biệt cần thay đổi chủ sở hữu dưới mọi hình thức, phải được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận bằng văn bản.

3. Gửi Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư bản sao hợp đồng tín dụng đã ký và văn bản cam kết nêu trên, bản đối chiếu công nợ hàng năm giữa chủ đầu tư với tổ chức tín dụng hoặc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh kể từ thời điểm bắt đầu vay cho tới khi thanh lý hợp đồng.

4. Định kỳ hàng tháng, báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân và sử dụng vốn vay, các đề xuất, kiến nghị (nếu có), gửi Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức tín dụng cho vay vốn trước ngày 25 hàng tháng, riêng tháng cuối quý gửi trước ngày 15.

Điều 6. Trách nhiệm của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và của các tổ chức tín dụng cho vay vốn

1. Thẩm định tính pháp lý, tính hiệu quả và tính khả thi, tiến độ sử dụng vốn, phương án hoàn vốn, trả nợ vay của dự án đầu tư; kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã được Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

2. Trước khi ký hợp đồng tín dụng, yêu cầu chủ đầu tư có cam kết bằng văn bản đồng ý cho phép tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án cho Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư khi cần thiết.

3. Thực hiện việc kiểm soát giá trị khối lượng xây lắp, thiết bị, công nghệ được giải ngân theo đúng tiến độ thực hiện dự án và theo quy định hiện hành.

4. Hàng tháng phát hành phiếu tính lãi, bảng kê chi phí phát sinh đối với các khoản vay để thực hiện các hạng mục của dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt hỗ trợ lãi suất.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Là cơ quan đầu mối tiếp nhận và xem xét phần vốn được ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay của các dự án đầu tư đã được tổ chức tín dụng, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh thẩm định, đồng ý cho vay vốn và Văn bản của chủ đầu tư đề nghị tham gia Chương trình kích cầu của thành phố; lấy ý kiến của các Sở, ngành, thống nhất với Sở Tài chính trước khi tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt. Nội dung trình duyệt bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, mức vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay, thời gian hỗ trợ lãi vay, nguồn vốn đầu tư, chi phí cho các hạng mục: xây lắp, thiết bị, công nghệ được ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay.

2. Căn cứ vào danh mục các dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước thành phố tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch hỗ trợ lãi vay hàng năm đối với các dự án này.

3. Căn cứ Quyết định giao kế hoạch vốn của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính phân khai chi tiết chỉ tiêu kế hoạch cấp bù lãi vay cho từng dự án theo quy định.

4. Phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay vốn kiểm tra việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm Quy định này.

5. Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện các Dự án, trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 20 của tháng cuối quý.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phần vốn được ngân sách hỗ trợ lãi suất của các dự án đề nghị tham gia Chương trình kích cầu của thành phố để thống nhất trước khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

2. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và Kho bạc Nhà nước thành phố kiểm tra, rà soát, dự toán kinh phí cấp bù lãi vay hàng quý theo số phát sinh thực tế của chủ đầu tư, thông qua kế hoạch ghi vốn hàng năm cho các dự án thuộc danh mục được cấp bù lãi vay.

3. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay vốn kiểm tra việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư.

4. Định kỳ hàng quý, tổng hợp số vốn ngân sách đã hỗ trợ lãi vay trong quý và lũy kế đến thời điểm báo cáo, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm Quy định này.

Điều 9. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước thành phố

1. Căn cứ Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch hỗ trợ lãi vay hàng năm đối với các dự án tham gia Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư và hồ sơ đề nghị cấp bù lãi vay cho các chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát, cấp bù lãi vay cho các chủ đầu tư. Hồ sơ do chủ đầu tư cung cấp để làm cơ sở kiểm soát cấp bù lãi vay bao gồm:

- Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố về quy mô, mục tiêu của dự án, tổng vốn đầu tư, mức vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay, thời gian hỗ trợ lãi vay, nguồn vốn đầu tư, chi phí cho các hạng mục: xây lắp, thiết bị, công nghệ được ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay;

- Bản sao (có thị thực) hợp đồng tín dụng đã ký với các tổ chức tín dụng và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh cho vay;

- Bảng kê chi phí phát sinh và phiếu tính lãi đối với các khoản vay thuộc hạng mục hoặc khoản mục chi phí đã được Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt hỗ trợ lãi suất vay vốn;

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;

- Giấy rút vốn đầu tư.

2. Định kỳ hàng tháng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính báo cáo tình hình thanh toán vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay cho các dự án.

3. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay vốn kiểm tra việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm Quy định này.

Điều 10. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh:

Hàng tháng có văn bản thông báo cho Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh về mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng (loại trả sau) của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố (theo khoản 3 Điều 3 của Quy định này).

Điều 11. Trách nhiệm của các Sở chuyên ngành đối với các dự án có liên quan:

Các Sở chuyên ngành (Sở: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường …) có trách nhiệm xem xét tính phù hợp của dự án đối với nội dung của Quy định trong Chương trình kích cầu đầu tư và có văn bản nêu rõ chấp thuận hay không chấp thuận về lĩnh vực quản lý ngành đối với đề nghị của chủ đầu tư và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau 07 ngày làm việc, nếu các đơn vị được hỏi không có ý kiến trả lời thì xem như đồng ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính sẽ tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 12. Nghiệm thu, báo cáo quyết toán công trình

1. Việc quản lý, nghiệm thu công trình sau khi hoàn thành, báo cáo quyết toán công trình, thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án thuộc Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.

2. Các chủ đầu tư có dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Quy định này chịu trách nhiệm hạch toán và quyết toán khoản kinh phí được hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 13. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp quá 6 tháng đối với các dự án chỉ đầu tư thiết bị và 12 tháng đối với các dự án bao gồm cả xây lắp kể từ ngày Quyết định phê duyệt danh mục hỗ trợ lãi vay cho dự án của Ủy ban nhân dân thành phố có hiệu lực thi hành mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng vay vốn với các tổ chức tín dụng hoặc chưa triển khai dự án đầu tư (đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị, công nghệ … và không báo cáo nguyên nhân chậm triển khai) thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đưa các dự án này ra khỏi Chương trình kích cầu. Trường hợp vì lý do khách quan, chưa ký hợp đồng vay vốn hoặc chưa triển khai dự án, chủ đầu tư phải báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước thành phố, để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

2. Trường hợp Chủ đầu tư sử dụng phần vốn vay được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay không đúng mục tiêu đầu tư đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt thì không được tiếp tục tham gia Chương trình kích cầu của thành phố trong vòng 3 năm; đồng thời phải hoàn trả ngân sách thành phố phần kinh phí đã được hỗ trợ tính đến thời điểm vi phạm. Trường hợp quá 1 năm kể từ khi được yêu cầu hoàn trả phần kinh phí này nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện, giao Sở Tài chính phối hợp với các ngành chức năng xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

3. Các Tổ chức tín dụng cho vay vốn, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, giám sát trong quá trình thực hiện giải ngân dự án của chủ đầu tư.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Các Dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương hỗ trợ vốn và lãi vay kích cầu thông qua đầu tư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành và không vi phạm cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn tiếp tục triển khai thực hiện theo các quy định trước đây.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh vướng mắc; khó khăn cần tháo gỡ, các đơn vị báo cáo, đề xuất, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 33/2011/QĐ-UBND quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 33/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/05/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 07/06/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 09/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản