Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3278/QĐ-UBND

Vĩnh phúc, ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2022-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/7/2017;

Căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-Ttg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 2522/QĐ-BVHTTDL ngày 13/7/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 4829/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, du lịch Việt Nam;

Căn cứ Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 31/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/02/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án: Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 229/TTr-UBND ngày 10/11/2021 và Báo cáo số 378/BC-SVHTTDL ngày 10/11/2021,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025.

(Có Chương trình chi tiết, kèm theo nội dung Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Duy Thành

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 3278/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2021,  của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-Ttg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 2522/QĐ-BVHTTDL ngày 13/7/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 4829/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, du lịch Việt Nam;

Căn cứ Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 31/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/02/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án: Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2015 - 2021.

1. Những kết quả được

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011- 2020; Kế hoạch hành động số 8275/KH-UBND ngày 24/10/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị gắn với Chương trình hành động số 41-Ctr/TU ngày 31/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hình ảnh và thương hiệu du lịch Vĩnh phúc dần được khẳng định, góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng khách du lịch đến với Vĩnh Phúc.

Trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đến với Vĩnh Phúc đạt 27.655.360 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 193.363 lượt, khách du lịch nội địa đạt 27.461.997 lượt, doanh thu du lịch đạt 8.842 tỷ đồng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

1.1. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch:

Tham gia 22 hội chợ chuyên ngành về du lịch, hội chợ thương mại, du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch và các tỉnh tổ chức; Tổ chức và tham gia 07 sự kiện văn hóa, du lịch do tỉnh Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức; Tổ chức thành công 03 chương trình famtrip mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch, các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến khảo sát đánh giá các khu điểm du lịch của tỉnh; Bên cạnh các hoạt động xúc tiến điểm đến, công tác tuyên truyền quảng bá các khu, điểm du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương cũng được chú trọng.

Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid 19, hoạt động ngành du lịch nói chung và công tác xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc nói riêng bị ảnh hưởng; nhiều sự kiện du lịch quốc gia, quốc tế không được tổ chức; khắc phục khó khăn, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Vĩnh Phúc đã tích cực tổ chức thành công Chương trình vào hè Tam Đảo; tổ chức Hội nghị Liên kết và Kích cầu phát triển du lịch Vĩnh Phúc; tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tại thành phố Hồ Chí Minh và tham gia Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

1.2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá du lịch

Thường xuyên nâng cấp và cập nhật thông tin về tài nguyên văn hóa, du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch Vĩnh Phúc, thông tin các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… trên trang thông tin điện tử dulichvinhphuc.gov.vn (mỗi năm thu hút khoảng trên 30.000 lượt truy cập). Phát triển tiện ích trang điện tử dulichvinhphuc.gov.vn trên phiên bản mobile. Tạo mã quét QR phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin du lịch cho du khách. Ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để quảng bá, cung cấp thông tin, hình ảnh về du lịch Vĩnh Phúc. Xây dựng các ấn phẩm điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch: Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch, tờ gấp, sách ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc, sách mỏng du lịch Tam Đảo, Tây Thiên…

1.3. Xuất bản ấn phẩm, video, tuyên truyền quảng bá du lịch

Mỗi năm xuất bản 10.000 nghìn ấn phẩn, tài liệu du lịch sử dụng song ngữ (tiếng Việt - tiếng Anh) gồm: Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch, tờ gấp, sách mỏng Tam Đảo, Tây Thiên, sách ảnh đẹp du lịch… In sao 2.000 nghìn đĩa VCD Video giới thiệu điểm đến du lịch Vĩnh Phúc.

1.4. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực xúc tiến quảng bá du lịch.

Hàng năm, tỉnh tổ chức cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn do Tổng cục Du lịch tổ chức; Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh.

1.5. Đa dạng hóa nguồn kinh phí thực hiện công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

Trong thời gian qua, ngành du lịch đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cấp cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Bên cạnh đó tích cực đa dạng hóa các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác xúc tiến quảng bá du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh như: Flamingo Đại Lải, FLC Vĩnh Phúc, Cáp treo Tây Thiên, Khách sạn Venus, Khách sạn Sông Hồng Thủ Đô…; Các doanh nghiệp đã phối hợp cùng nhà nước tổ chức một số chương trình khảo sát đánh giá sản phẩm du lịch, hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc.

1.6. Hoạt động liên kết hợp tác với cơ quan trung ương, các địa phương, doanh nghiệp du lịch.

Hoạt động liên kết hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch với các cơ quan trung ương, địa phương và các doanh nghiệp đã, đang triển khai tích cực, đạt hiệu quả: Tỉnh đã phối hợp cùng Tổng cục Du lịch tổ chức thành công một số chương trình khảo sát đánh giá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc; UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng UBND các tỉnh Đông Bắc đã ký kết Hợp tác phát triển du lịch với UBND thành phố Hồ Chí Minh năm 2020; các Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đồng bằng sông Hồng ký kết hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch với Hiệp hội du lịch và Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội… Thông qua hoạt động ký kết, các địa phương đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi chia sẻ kinh nghiệp trong xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm, tour tuyến du lịch.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Những tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xúc tiến quảng bá du lịch thời gian qua vẫn còn một số những tồn tại cụ thể như: Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, quy mô nhỏ hẹp, tần suất tuyên truyền quảng bá thấp; Chưa tham gia nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá trong nước; Chưa tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá nước ngoài; Chưa thường xuyên đón các đoàn Famtrip đến khảo sát du lịch Vĩnh Phúc; Số lượng các loại ấn phẩm phát hành hàng năm còn ít, mới sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh; Công tác chuyển đổi số lĩnh vực du lịch còn chậm. Việc khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến du lịch của các doanh nghiệp còn hạn chế; Hoạt động nghiên cứu thị trường chưa được thực hiện; Công tác phối hợp với Tổng cục Du lịch, các địa phương, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh còn ít; Năm 2019, 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm gặp nhiều khó khăn.

2.2. Nguyên nhân

- Chưa được phê duyệt Chương trình xúc tiến du lịch dài hạn để định hướng chung cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch;

- Ngân sách đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch hàng năm của tỉnh còn thấp (khoảng 400 triệu đồng/năm), không đủ để triển khai chủ động, bài bản; Các huyện, thành phố trong tỉnh chưa quan tâm dành nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; Công tác huy động xã hội hóa các nguồn lực khác tham gia hoạt động xúc tiến còn gặp nhiều khó khăn, chưa huy động được nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh.

- Các doanh nghiệp chưa xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng cao, du lịch đặc thù mang đặc trưng riêng của địa phương; Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền quảng bá, chưa chủ động phối hợp với nhà nước tham gia các sự kiện du lịch để xúc tiến sản phẩm du lịch của doanh nghiệp.

- Nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế, đặc biệt đối với trị trường quốc tế và trình độ ngoại ngữ; thiếu hướng dẫn viên du lịch.

- Các địa phương trong khối liên kết phát triển du lịch chưa xây dựng chương trình hoạt động cụ thể.

Trước những kết quả đạt được và những hạn chế nêu trên, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút du khách đến Vĩnh Phúc ngày một đông, tăng doanh thu du lịch, nâng cao đời sống nhân dân; Việc xây dựng và phê duyệt “Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025” là hết sức cần thiết, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh du lịch Vĩnh Phúc, cụ thể hóa: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành đồng của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh thực hiện NQ số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Góp phần xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước.

III. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc trong vùng, cả nước và thế giới; Thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa về cả số lượng và chất lượng; Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; Hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Mục tiêu cụ thể

Hình ảnh và điểm đến, sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc được giới thiệu và đón nhận tích cực hơn tại các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng trong nước và thế giới.

Hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu, quy trình, phương pháp xúc tiến, quảng bá du lịch thống nhất từ tỉnh đến huyện; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động thêm nguồn lực xã hội, áp dụng công nghệ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Góp phần tăng trưởng kinh tế, lượng khách du lịch: Đến năm 2025, đón được 9 triệu lượt khách nội địa, và trên 1 triệu lượt khách quốc tế; Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 4.000 tỷ.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch:

- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo tỉnh về phát triển du lịch. Tăng cường trách nhiệm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa du lịch và các lĩnh vực có liên quan. Đặc biệt, chú trọng các biện pháp tôn tạo, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường.

- Tăng cường áp dụng việc quản lý dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích hình thành các hiệp hội, mạng lưới nghề nghiệp (như mạng lưới du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hướng dẫn viên, bếp, vận chuyển...) nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kinh doanh, giảm thiểu tối đa xung đột lợi ích và các mâu thuẫn khác thông qua các kênh liên lạc hữu hiệu.

- Ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông để xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch. Trong đó, chú trọng các thông tin về khách du lịch, các điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng...

2. Đẩy mạnh định hướng thị trường:

- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường theo các phân đoạn thị trường mục tiêu; đối với thị trường trong nước tập trung các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang…. Thị trường nước ngoài hướng đến các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Âu.

- Hàng năm xây dựng báo cáo đánh giá, dự báo thị trường đối với các thị trường mục tiêu để phục vụ xúc tiến quảng, bá du lịch.

3. Truyền thông thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc:

- Tổ chức cuộc thi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan) du lịch Vĩnh Phúc.

- Tổ chức triển khai truyền thông bộ nhận diện thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc, lồng ghép các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch.

- Thực hiện điều tra, đánh giá mức độ tiếp nhận của thị trường đối với thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc và các khu du lịch.

4. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch:

4.1. Xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước

a. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường mục tiêu

- Tổ chức hội nghị xúc tiến điểm đến, quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tại các thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhằm giới thiệu điểm đến, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong tỉnh, các sản phẩm, dịch vụ độc đáo của các doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc.

- Tổ chức Không gian văn hóa du lịch Vĩnh Phúc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các thị trường tiềm năng.

 - Tham gia các sự kiện lớn trong nước như: Sự kiện Năm du lịch quốc gia; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội; Hội chợ Du lịch Quốc tế - ITE Hồ Chí Minh; Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Cần Thơ; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc; các hội chợ, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch do các địa phương tổ chức.

b. Tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh

- Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn famtrip mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch, cách doanh nghiệp du lịch, báo chí, truyền hình trong nước đến khảo sát, xây dựng tour tuyến, viết bài tuyên truyền quảng bá du lịch Vĩnh Phúc.

- Tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm Du lịch Vĩnh Phúc.

- Tổ chức giải chạy Marathon “Chinh phục núi Tam Đảo”, giải đua xe đạp “Về đất Mẫu Tây Thiên”.

- Tổ chức Triển lãm xúc tiến quảng bá du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng và phụ cận tại Vĩnh Phúc.

- Tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc;

- Tổ chức cuộc thi “Khám phá du lịch Vĩnh Phúc” qua hình ảnh, video clip, video 360 giới thiệu điểm đến du lịch Vĩnh Phúc.

- Tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Phối hợp với Đài truyền hình Vĩnh Phúc làm các chuyên mục về khám phá du lịch Vĩnh Phúc mỗi tháng 01 số; phối hợp với Báo Vĩnh phúc làm chuyên trang du lịch Vĩnh Phúc mỗi tuần 01 số; trên Tạp chí du lịch mỗi tháng 01 số và trên truyền hình VTV mỗi năm 02 đợt.

- Bảo dưỡng, thay nội dung tuyên truyền quảng bá trên biển quảng cáo tấm lớn tại ngã tư Hương Canh.

- Làm quầy cung cấp thông tin du lịch tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh: Tam Đảo, Đại Lải trong các dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và 2/9; Quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tại Khu Danh thắng Tây Thiên (vào dịp Lễ hội Tây Thiên)

- Thuê đặt baner liên kết trang web dulichvinhphuc.gov.vn trên các website du lich của Tổng cục Du lịch, Tạp Chí Du lịch....

- Mời các youtober, blogger nổi tiếng Việt Nam tham gia quảng bá du lịch Vĩnh Phúc.

4.2. Hoạt động tuyên truyền và quảng bá du lịch ở nước ngoài

Phối hợp với Tổng Cục du lịch:

- Tổ chức các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu điểm đến Vĩnh Phúc tại các thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Âu và một số nước nhân dịp các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao quan trọng giữa Việt Nam và nước bạn.

- Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng với quy mô mở rộng, hình thức và nội dung đa dạng, phong phú.

5. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá du lịch:

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin lồng ghép trong thực hiện số hóa lĩnh vực du lịch Vĩnh Phúc.

- Duy trì, nâng cấp, cập nhập trang thông tin dulichvinhphuc.gov.vn

- Xây dựng trang thông tin du lịch Vĩnh Phúc đa ngôn ngữ: Tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn.

- Quảng bá trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Titok)

- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quảng bá xúc tiến du lịch qua mạng internet (cập nhập video, hình ảnh, ấn phẩm điện tử, USB chứa dữ liệu du lịch, danh sách đối tác lữ hành, báo chí… tại các thị trường trọng điểm).

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền , đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng làm du lịch.

6. Tăng cường xuất bản ấn phẩm, video, vật phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch:

- Thường xuyên thu thập, cập nhập thông tin du lịch, biên tập và xuất bản các ấn phẩm bộ tài liệu, vật phẩm, quà tặng lưu niệm du lịch với nhiều hình thức, chất liệu và ngôn ngữ khác nhau.

- Sản xuất quà tặng lưu niệm phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.

- Phối hợp với các đơn vị truyền hình sản xuất các phóng sự, phim tư liệu, video quảng bá du lịch Vĩnh Phúc

7. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực xúc tiến du lịch:

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch trong tỉnh, mời các chuyên gia về giảng dạy cho cán bộ nghiệp vụ của tỉnh, các huyện, thành phố; lãnh đạo, nhân viên marketing các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh. Kiện toàn hệ thống thuyết minh viên du lịch tại các điểm đến trong tỉnh.

- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về văn hóa du lịch, kỹ năng ứng xử cho các chủ doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ sản xuất các sản phẩm truyền thống và các tầng lớp nhân dân của các làng nghề hoặc tại các khu, điểm du lịch.

- Triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch.

8. Tăng cường liên kết xúc tiến quảng bá du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố:

- Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong hoạt động quảng bá du lịch chung; từng bước xác định rõ thương hiệu du lịch của các địa phương như một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền, địa phương. Tăng cường liên kết tour tuyến du lịch giữa các địa phương.

9. Đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch:

- Tăng cường phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tập trung triển khai công tác quảng bá xúc tiến điểm đến, giới thiệu sản phẩm du lịch.

- Liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến điểm đến. Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Kết hợp hiệu quả công - tư trong hoạt động xúc tiến, quảng bá với xu hướng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực của các doanh nghiệp. Thực hiện quy trình xúc tiến, quảng bá du lịch Vĩnh Phúc theo 3 cấp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng về sản phẩm, hình ảnh, thị trường và kế hoạch, tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến của tỉnh; các địa phương tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến của địa phương; doanh nghiệp, hiệp hội du lịch quảng bá các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường.

V. DỰ TOÁN VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp phác khác để thực hiện các nhiệm vụ trong tâm.

Dự kiến kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2022-2025 là: 59,185 tỉ đồng (Năm mươi chín tỉ một trăm tám mươi lăm triệu đồng chẵn)

Trong đó:

- Nguồn ngân sách nhà nước: 41,821 tỉ đồng

(Bốn mươi mốt tỉ tám trăm hai mươi mốt triệu đồng chẵn)

- Nguồn xã hội hóa: 17,364 tỷ đồng

(Mười bảy tỉ ba trăm sáu mươi tư triệu đồng chẵn)

Cụ thể cho các nhiệm vụ chi:

1. Nhiệm vụ 1: Định hướng thị trường:

Tổng: 480 triệu đồng (NSNN: 336 triệu đồng; XHH: 144 triệu đồng)

2. Nhiệm vụ 2: Truyền thông thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc:

Tổng: 1,500 tỉ đồng (NSNN: 1,050 tỉ đồng; XHH: 450 triệu đồng)

3. Nhiệm vụ 3: Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch:

Tổng: 38,005 tỷ đồng (NSNN: 26,995 tỷ đồng; XHH: 11,010 tỷ đồng)

Hoạt động xúc tiến, quảng bá ở trong nước: 35,905 tỷ đồng (NSNN: 25,525 tỷ đồng; XHH: 10,380 tỷ đồng)

Hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài: 2,100 tỷ đồng (NSNN: 1,470 tỷ đồng; XHH: 630 triệu đồng)

4. Nhiệm vụ 4: Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá du lịch:

Tổng: 3,840 tỷ đồng (NSNN: 2,688 tỷ đồng; XHH: 1,152 tỷ đồng)

5. Nhiệm vụ 5: Xuất bản ấn phẩm, vật phẩm, vi deo:

Tổng: 9,400 tỷ đồng (NSNN: 6,580 tỷ đồng; XHH: 2,820 tỷ đồng)

6. Nhiệm vụ 6:Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực xúc tiến du lịch:

Tổng: 2,360 tỷ đồng (NSNN: 1,652 tỷ đồng; XHH: 708 tỷ đồng)

7. Nhiệm vụ 7: Liên kết phát triển du lịch:

Tổng: 3,600 tỷ đồng (NSNN: 2,520 tỷ đồng; XHH: 1,080 tỷ đồng)

(Có phụ lục danh mục chi tiết các nhiệm vụ kèm theo)

Hàng năm căn cứ nội dung Chương trình đã được phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán chi tiết, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh quyết định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quảng bá xúc tiến, phát triển du lịch của tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm và lập dự toán kinh phí thực hiện các nội dung do ngân sách tỉnh cấp, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh.

- Hàng năm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình và tham mưu, đề xuất điều chỉnh bổ sung nội dung cho phù hợp thực tế.

2. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm cho các nội dung hoạt động của Chương trình; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, trình tự, thủ tục thanh quyết toán, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng quy định và hiệu quả.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm kiếm các nguồn lực đầu tư từ Trung ương và các tổ chức phi chính phủ cho hoạt động xúc tiến du lịch.

4. Sở Công thương: Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động trong nội dung chương trình.

5. Sở Ngoại vụ: Lồng ghép nội dung Chương trình xúc tiến quảng bá Du lịch Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 vào các hoạt động đối ngoại của tỉnh. Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời các cơ quan đại diện ngoại giao và các đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với Vĩnh Phúc tham gia các sự kiện du lịch lớn của tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch Vĩnh Phúc.

7. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc

- Phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các bài viết, chương trình phóng sự, video clip giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; tăng cường tin, bài tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển du lịch của tỉnh; các hoạt động tuyên truyền quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của địa phương;

- Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc.

8. Các Sở, ngành, các cơ quan liên quan khác: Trong phạm vi trách nhiệm, chức năng, quyền hạn của mình, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động trong nội dung Chương trình.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Trên cơ sở Chương trình, xây dựng, lập kế hoạch, bố trí kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động liên quan trên địa bàn.

- Chủ động huy động thêm nguồn lực và lồng ghép với các hoạt động liên quan để đạt được mục tiêu của Chương trình.

10. Hiệp hội du lịch Vĩnh Phúc: Các thành viên trong hiệp hội tham gia tích cực các hoạt động trong Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc và thực hiện các mục tiêu Chương trình đề ra. Phối hợp vận động các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm du lịch của tỉnh, thương hiệu và dịch vụ của doanh nghiệp đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

11. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch: Chủ động đẩy mạnh liên kết, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Trên đây là Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản hồi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3278/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 3278/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Lê Duy Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản