Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3227/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của Liên Bộ: Giao thông vận tải - Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHDT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 4123/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 đến 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 13933/BGTVT-KHĐT ngày 23/11/2016 của Bộ giao thông vận tải về việc góp ý đồ án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị Quyết số 59/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, tại kỳ họp thứ 3 ngày 12/7/2017 về việc Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 2753/SGTVT-KHTC ngày 11/8/2017 về việc phê duyệt Dự án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kèm theo Công văn số 1132/STP-XDVB ngày 09/8/2017 của Sở Tư pháp về việc thẩm định văn bản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải phù hợp với quy hoạch giao thông vùng và cả nước; đáp ứng được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

2. Phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo, liên kết hợp lý giữa hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại, giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

3. Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng tuyến đường trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; chú trọng công tác quản lý, bảo trì để khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

4. Nâng cao chất lượng vận tải với chi phí hợp lý, an toàn, đảm bảo môi trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

5. Phát huy nội lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư; thu hút các thành phần kinh tế, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý để phát triển, đầu tư xây dựng giao thông; đảm bảo hành lang an toàn giao thông.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Xây dựng hệ thống giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa phát triển đồng bộ, hiện đại tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách với chất lượng ngày càng cao góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá; các tuyến kết nối đến Khu kinh tế, Khu công nghiệp, các trục chính trong đô thị và các trục nối các vùng kinh tế trọng điểm; các tuyến đảm bảo quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn đến năm 2020

a) Về vận tải

- Tổng khối lượng vận tải hành khách hơn 68 triệu hành khách, tăng bình quân 16,9%; trong đó đường bộ đảm nhận 95,0%; đường sắt 0,9%; đường thủy nội địa 1,9% và hàng không 2,2%.

- Tổng khối lượng vận tải hàng hóa gần 123 triệu tấn, tăng bình quân 17,3%; trong đó đường bộ đảm nhận 59,2%; đường sắt 0,5%; đường thủy nội địa 8,3%; đường biển 32,0%.

b) Về kết cấu hạ tầng giao thông

- Từng bước đầu tư mở mới, nâng cấp, cải tạo các đoạn tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV; các đoạn tuyến đường tỉnh khu vực đồng bằng đạt tối thiểu cấp IV, khu vực miền núi đạt cấp V; hoàn thành cắm mốc lộ giới các tuyến đường tỉnh, đảm bảo quỹ đất dành cho đường giao thông các giai đoạn tiếp theo. Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn; đến năm 2020, cứng hóa 100% đường ô tô đến trung tâm xã.

- Nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân theo hướng hiện đại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành cảng hàng không quốc tế.

- Nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, nhà ga đường sắt trên địa bàn tỉnh và xây dựng một số cầu đường bộ vượt đường sắt.

- Đầu tư xây dựng cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng để sớm hoàn chỉnh cảng Nghi Sơn theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải. Từng bước đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Lễ Môn, Quảng Châu, Quảng Nam.

- Nâng cấp quản lý tuyến sông Chu, sông Yên lên trung ương quản lý. Cải tạo tuyến vận tải thủy Thanh Hóa - Ninh Bình; một số cảng, bến thủy nội địa như Hàm Rồng, Hoàng Lý, Bình Minh,...

2.2. Giai đoạn đến năm 2025

a) Về vận tải

Đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và vận tải hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; một số chỉ tiêu cụ thể:

- Tổng khối lượng vận tải hành khách đạt 94 triệu hành khách; trong đó đường bộ đảm nhận 95,4%; đường sắt 0,8%; đường thủy nội địa 1,4% và hàng không 2,4%.

- Tổng khối lượng vận tải hàng hóa là 167 triệu tấn, tăng bình quân 11,6%; trong đó đường bộ đảm nhận 59,3%; đường sắt 0,4%; đường thủy nội địa 8,4%; đường biển 31,9%.

- Nâng cao tỷ trọng vận tải biển và thủy nội địa, từng bước hình thành cơ cấu vận tải hợp lý trên cơ sở phát huy ưu thế của mỗi phương thức vận tải.

- Giảm tai nạn giao thông về cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, phấn đấu hàng năm giảm hơn mức giảm bình quân chung của cả nước.

b) Về kết cấu hạ tầng giao thông

- Hoàn thành và đưa vào khai thác đường cao tốc Bắc Nam và đường bộ ven biển đoạn qua Thanh Hoá.

- Đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải; quy mô đường tỉnh đến năm 2025 đối với khu vực địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi thấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, cấp IV; đối với khu vực địa hình miền núi cao đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V tùy theo điều kiện địa hình thực tế.

- Giao thông đô thị: phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 16-25% đối với đô thị xây dựng mới. Hoàn thiện xây dựng đường vành đai khép kín thành phố Thanh Hóa; xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến tránh trung tâm thành phố, thị trấn nhằm mục tiêu mở rộng không gian đô thị, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

- Giao thông nông thôn: Cứng hóa 100% đường huyện, 85% đường xã. Hoàn thành cơ bản việc xây dựng cầu, xây dựng cầu treo trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh tại các vị trí có nhu cầu.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa do trung ương quản lý theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.

- Nạo vét các tuyến đường thủy nội địa chính của địa phương, đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đi lại; xây dựng, nâng cấp một số cảng, bến thủy nội địa chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất, sửa chữa ô tô, các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy.

- Đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe và Trung tâm Đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2.3. Định hướng đến năm 2030
a) Về vận tải

- Tổng khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2030 là 130 triệu hành khách, trong đó đường bộ đảm nhận 95,6%; đường sắt 0,8%; đường thủy nội địa 1,1% và hàng không 2,5%.

- Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đến năm 2030 là 221 triệu tấn, tăng bình quân giai đoạn 2025-2030 là 5,8%; trong đó đường bộ đảm nhận 60,8%; đường sắt 0,4%; đường thủy nội địa 8,6%; đường biển 30,2%.

b) Về kết cấu hạ tầng giao thông

- Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2030 và sau năm 2030 có quy mô đường tỉnh ở khu vực địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi thấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, ở khu vực địa hình miền núi cao đạt tiêu chuẩn đường cấp IV;

- Hoàn thành xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ;

- Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường tỉnh, đường huyện và đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

III. NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GTVT TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

1.1. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường hộ

1.1.1. Các tuyến đường Trung ương quản lý

a) Đường bộ cao tốc: Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Tuyến đi về phía Tây QL1, thành phố Thanh Hóa, dài khoảng 100km, quy mô 4-6 làn xe; có 5 vị trí kết nối với mạng lưới giao thông địa phương tại QL217B, QL217, QL47, đường nối giữa QL45 với đường Thọ Xuân - Nghi Sơn tại xã Vạn Thiện và đường Nghi Sơn Bãi Trành. Nghiên cứu vị trí kết nối với đường từ thành phố Thanh Hóa nối với đường từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn để thay thế vị trí kết nối tại QL47.

- Đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Tây (cao tốc Hồ Chí Minh): Từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, dài khoảng 130km, quy mô 4 - 6 làn xe.

b) Hệ thống quốc lộ: Cập nhật hệ thống quốc lộ theo Quy hoạch của Bộ, ngành Trung ương, trong đó kiến nghị điều chỉnh bổ sung một số đoạn tuyến, cụ thể: quy hoạch 13 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 1.360,2km, gồm:

- Quốc lộ 1A: Từ Bỉm Sơn đến Tĩnh Gia, dài 98km: duy trì cấp III, 4 làn xe. Bổ sung quy hoạch QL1A đoạn từ Sông Tào - cầu Nguyệt Viên, chiều dài 6km, quy mô đường cấp III, 4 làn xe.

- Đường Hồ Chí Minh: từ Thạch Lâm đến Bãi Trành, dài 130km, duy trì cấp III, 2 làn xe. Sau năm 2020 từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp quy hoạch và khả năng nguồn vốn.

- Quốc lộ 10: từ Nga Sơn đến Hoằng Hóa (giao QL1A), dài 451cm: Nâng cấp tối thiểu đạt quy mô cấp III, 2 làn xe; thay thế các cầu yếu. Quy hoạch kéo dài QL10 đoạn cầu từ Thắm đến cầu Ghép, dài 40km, quy mô tối thiểu cấp III, 2 làn xe.

- Đường Nghi Sơn - Bãi Trành: từ Nghi Sơn đến Bãi Trành, dài 54,5km: duy trì đoạn qua Khu kinh tế Nghi Sơn cấp II, nâng cấp các đoạn còn lại đạt cấp III, 2 làn xe.

- Quốc lộ 217: từ Lèn đến cửa khẩu Na Mèo, dài 194km: Nâng cấp đoạn Km0-Km 104+500 đạt cấp III; điều chỉnh đoạn tuyến quốc lộ 217 đoạn qua thị trấn Vĩnh Lộc và khu vực di tích thành nhà Hồ theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Kéo dài QL217 đoạn từ QL1A đến đường ven biển (nâng cấp ĐT508), dài 14km, đạt cấp III, 2 làn.

- Quốc lộ 47: từ cảng Hới đến cửa khẩu Khẹo, dài 138,5km quy hoạch cụ thể như sau:

+ Đoạn từ Cảng Hới đến Cảng hàng không Thọ Xuân: quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 04 làn xe.

+ Đoạn từ Cảng hàng không Thọ Xuân đến Thị trấn Thường Xuân: quy hoạch điều chỉnh hướng tuyến theo đường QL47 đến đường Hồ Chí Minh, sau đó tuyến mở mới đến Thị trấn Thường Xuân, tổng chiều dài 17,0Km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 02 làn xe.

+ Đoạn từ Thị trấn Thường Xuân đến Cửa khẩu Khẹo, quy hoạch nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, quy mô 02 làn xe.

- Quốc lộ 47B: từ phố Kiểu đến Cảng hàng không Thọ Xuân, dài 24,6km nâng cấp tối thiểu quy mô cấp III, 2 làn xe; quy hoạch kéo dài QL47B đến Khu kinh tế Nghi Sơn theo tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân - Khu kinh tế Nghi Sơn dài 65,5km, quy mô đường cấp II, 4-6 làn xe. Tổng chiều dài QL47B kéo dài là 91,1km.

- Quốc lộ 47C: từ xã Trung Chính, huyện Nông Cống đến xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, dài 54,5km, nâng cấp tối thiểu quy mô cấp III, 2 làn xe.

- Quốc lộ 45: từ Thành Vân đến Yên Cát, dài 124,5km nâng cấp đạt tối thiểu quy mô cấp IV; đoạn từ thành phố Thanh Hóa - Thành nhà Hồ dài 43,2km, đạt cấp III. Quy hoạch kéo dài QL45 sang Nghệ An theo tuyến đường Yên Cát - Thanh Quân - Bù Cẩm, dài 56km, quy mô cấp IV, 2 làn.

- Quốc lộ 15: từ Vạn Mai, Hòa Bình đến đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Ngọc Lặc, dài 861km, nâng cấp tối thiểu quy mô cấp III, 2 làn xe.

- Quốc lộ 15C: từ Hồi Xuân đến cửa khẩu Tén Tằn, dài 112,4km, nâng cấp tối thiểu quy mô cấp IV, 2 làn xe.

- Quốc lộ 217B: từ giao QL1 đến đường Hồ Chí Minh, dài 49,7km nâng cấp tối thiểu quy mô đạt cấp III, 2 làn xe. Quy hoạch kéo dài QL217B đến giao với đường bộ ven biển theo tuyến đường Bỉm Sơn - Nga Sơn, chiều dài khoảng 20km, cấp III, 2 làn xe.

- Quốc lộ 16: từ bản Tà Bục, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa đến thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, dài 190km nâng cấp tối thiểu quy mô cấp V, cấp IV; đoạn qua thị trấn, thị tứ theo quy hoạch đô thị.

1.1.2. Đường cao tốc nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân

Quy hoạch tuyến đường cao tốc nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân theo hướng từ thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn (tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn), sau đó tuyến đi theo đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn đến Cảng hàng không Thọ Xuân. Tổng chiều dài tuyến khoảng 37km.

1.1.3. Tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa kết nối với các huyện phía Tây của tỉnh

Nghiên cứu tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa kết nối với các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Hướng tuyến từ thành phố Thanh Hóa nối với khu đô thị Ngọc Lặc, sau đó đi theo QL15 đến Lang Chánh; tuyến tiếp tục đi theo đường Lang Chánh - Lâm Phú, nối với đường Sông Lò - Nam Động và đi theo QL15C lên thị trấn Mường Lát. Tổng chiều dài khoảng 200km.

1.1.4. Hệ thống đường tỉnh: Tổng số đường tỉnh sau khi điều chỉnh bổ sung là 69 tuyến/1.529,88km. Cụ thể:

1.1.4.1. Quy hoạch điều chỉnh 51 tuyến đường tỉnh hiện tại tổng chiều dài 1.134,97km:

a) Nâng 2 tuyến lên quốc lộ, chiều dài 48,2 km

- ĐT508 (Hà Ninh - ngã năm Hạnh), dài 14km (quy hoạch kéo dài QL217).

- Nâng ĐT521B (Cành Nàng - Lũng Cao), dài 34,2km (nối với tỉnh Hòa Bình).

b) Chuyển 2 tuyến sang đường đô thị, dài 18,5 km

- Chuyển ĐT501 (Trường Thi - Hàm Rồng), dài 4,5km thành đường đô thị thành phố Thanh Hóa.

- Chuyển ĐT513 (Cầu Hổ - Nghi Sơn), dài 14km thành đường đô thị Khu kinh tế Nghi Sơn, quy mô 8-12 làn xe.

c) Các tuyến còn lại

Quy hoạch 47 tuyến hiện tại với tổng chiều dài 1.068,27km đến năm 2025 và đến năm 2030 vùng đồng bằng tối thiểu đạt cấp III, IV; vùng núi đạt tiêu chuẩn cấp IV, V; các đoạn qua đô thị theo Quy hoạch đô thị được duyệt, trong đó kéo dài 3 tuyến với tổng chiều dài 44,1km, gồm:

- Kéo dài ĐT504 (Quảng Bình - Quảng Yên) tới đường ven biển và QL47 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Sơn, dài 18,5km, quy mô tối thiểu cấp III, 2 làn xe.

- Kéo dài ĐT514B (Ngã Ba Sim - Xuân Thắng) dài 17km, đạt cấp III, 2 làn xe, từ xã Xuân Thắng (QL47) - Thị trấn Thường Xuân (QL47).

- Kéo dài ĐT517 (Cầu Trâu - Nưa) đến Di tích lịch sử Am Tiên, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn với chiều dài 8,6km đạt đường cấp III, 2-4 làn xe.

1.1.4.2. Nâng cấp 22 tuyến đường huyện, đường đô thị tên đường tỉnh, tổng chiều dài 461,6km

1.1.5. Quy hoạch xây dựng một số tuyến đường kết nối các khu vực trong tỉnh

- Xây dựng đường cao tốc từ thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, chiều dài 11,21km; trước mắt giai đoạn đến năm 2025, xây dựng đạt quy mô đường cấp I.

- Nâng cấp đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đoạn từ xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn đến Cảng hàng không Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; trước mắt giai đoạn đến năm 2025, xây dựng đạt quy mô đường cấp I.

- Đường Nghĩa Trang - Thiệu Long, dài 15km, tối thiểu cấp IV.

- Đường Thiệu Khánh - Thiệu Giang, dài 8,55km, tối thiểu cấp IV.

- Đường nối QL47 - QL15A - QL217 (Lương Sơn - Cẩm Thành), dài 60km, tối thiểu cấp IV.

- Đường Minh Sơn - Thành Minh, dài 42,5km, tối thiểu cấp IV.

- Tuyến nối QL217 - QL45 - QL47 (từ Vĩnh Hùng - Xuân Thắng), dài 27km, tối thiểu cấp IV.

- Đường nối Hồ Chí Minh (khu di tích Lam Kinh) với QL217 (Khu di tích Thành Nhà Hồ), dài 28km, tối thiểu cấp IV.

- Điều chỉnh tuyến kết nối QL16 - Khu kinh tế Nghi Sơn: được hình thành trên cơ sở một số tuyến Quốc lộ, Đường tỉnh sẵn có và nâng cấp, mở mới một số đoạn dài khoảng 20,65km. Cụ thể hướng tuyến: mở mới đoạn cửa Đạt - Dốc Cáy theo ĐT519 - Xuân Thắng (theo ĐT519B) - Cát Tân (theo đường huyện của Như Xuân) - thị trấn Như Xuân (theo QL45 kéo dài) - đường Hồ Chí Minh - đường Nghi Sơn - Bãi Trành - Khu kinh tế Nghi Sơn (trên cơ sở mở mới).

- Đầu tư xây dựng mới đường Đông Tây từ thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn) đến điểm giao đường tránh thành phố Thanh Hóa, chiều dài 8 km, quy mô đường phố chính đô thị.

1.1.6. Hệ thống đường đô thị

- Phát triển mạng lưới giao thông đô thị phải phù hợp với Quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt, 100% các tuyến đường đô thị được nhựa hóa và bê tông hóa.

- Đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 16-25%; các tuyến phố chính đạt quy mô 4-6 làn xe trở lên; bố trí đầy đủ các hệ thống công trình phụ trợ cho kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo hiện đại, mỹ quan và bảo vệ môi trường.

- Thực hiện quy hoạch, dành quỹ đất hợp lý để xây dựng bãi đỗ xe (giao thông tĩnh) tại các huyện, thị xã và thành phố.

- Phát triển trục đường đô thị kết nối theo tuyến Dương Đình Nghệ - Đội Cung - Mai An Tiêm - Lê Lai - Đại lộ Đông Tây (đường vành đai CSEDP) dài 15,4km. Từng bước đầu tư hoàn chỉnh các vành đai 2, 3 thành phố Thanh Hóa quy mô 4 làn xe, có phân kỳ đầu tư, cụ thể:

+ Vành đai 2 thành phố Thanh Hóa: hoàn thành đoạn vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa để kết nối với vành đai 2 phía Đông (theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ) để khép kín vành đai 2.

+ Vành đai 3 thành phố Thanh Hóa: tiếp tục hoàn thành xây dựng đoạn vành đai 3 phía Đông (theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Quy hoạch mới đoạn vành đai 3 phía Tây trên cơ sở đường gom của đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam qua thành phố Thanh Hóa, xây dựng mới 2 đoạn nối từ 2 đầu đoạn đường gồm đường cao tốc và nối vào 2 đầu vành đai 3 phía Đông để khép kín vành đai 3 hoàn chỉnh.

- Đối với các đô thị khác: Tiếp tục đầu tư phát triển các tuyến đường đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển không gian đô thị được phê duyệt. Đầu tư xây dựng mới một số tuyến tránh các thị trấn, quy mô cấp III, IV, 2-4 làn xe.

1.1.7. Hệ thống đường GTNT

- Đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, cứng hóa 100% đường huyện, 85% đường xã và 65% đường thôn xóm. Phấn đấu đưa vào cấp kỹ thuật, cụ thể: đường huyện đạt cấp V, đường xã cấp VI, đường thôn xóm cấp A, B, C - GTNT.

- Hệ thống GTNT phải có mặt đường đủ rộng để đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp, do đó các huyện cần phải lập quy hoạch GTNT nhằm dành quỹ đất hợp lý để phát triển mở rộng đáp ứng mục tiêu phát triển nông thôn mới.

1.1.8. Đường tuần tra biên giới

Đầu tư hoàn chỉnh đường tuần tra biên giới đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.

1.1.9. Hệ thống đường giao thông kết hợp với đê

Tiếp tục xây dựng đê để đưa vào cấp hạng kỹ thuật tuyến đường, đảm bảo cứng hóa mặt đê 100% đê Trung ương (dài 307 km); phối hợp với đê điều, cứng hóa mặt đê địa phương (còn lại 716 km).

1.2. Quy hoạch hệ thống bến xe

Quy hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có khoảng 108 bến xe khách, đảm bảo mỗi huyện có ít nhất một bến xe đạt tối thiểu loại 5, thành phố Thanh Hoá có tối thiểu 02 bến xe khách quy mô loại 1-2.

Tại thành phố Thanh Hóa, chuyển đổi 03 bến xe khách hiện nay gồm: Bến xe phía Bắc, phía Nam, phía Tây thành bãi đỗ xe; xây dựng các bến xe mới: bến xe tạm phía Bắc thành phố Thanh Hóa (gần cầu Hoàng Long), bến xe phía Đông Bắc (gần cầu Nguyệt Viên), bến xe Trung tâm (phía Tây thành phố Thanh Hóa), bến xe phía Nam Thành phố Thanh Hóa (tại nút giao đường vành đai 2 và QL1A).

1.3. Quy hoạch hệ thống đường sắt

- Xây dựng hệ thống đường sắt theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Đầu tư nâng cấp nhà ga đường sắt Thanh Hóa hiện nay và tập trung giải quyết các nút giao cắt giữa đường sắt và đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông, nhất là ở các điểm giao có nhiều phương tiện giao thông và người dân đi lại.

- Thực hiện cải tuyến đường cong ở đầu phía Bắc ga Thanh Hóa; xây dựng đường sắt nhánh kết nối ga Khoa trường với Cảng Nghi Sơn.

- Nghiên cứu tuyến đường sắt nhẹ hoặc Metro kết nối Cảng hàng không Thọ Xuân với thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn (ưu tiên trước đoạn thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn).

- Nghiên cứu tuyến đường sắt nối Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng đến Khu kinh tế Nghi Sơn.

1.4. Quy hoạch, phát triển đường thủy nội địa

1.4.1. Hệ thống tuyến thủy nội địa

- Đưa vào quản lý khai thác khoảng 800km đường thủy nội địa trên cơ sở các tuyến đã được quy hoạch theo Quyết định số 69/QĐ-CT ngày 07/01/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó điều chỉnh một số nội dung như sau:

+ Đưa 6 đoạn tuyến dài 172,2km ra khỏi quy hoạch do hiện trạng nhu cầu không có và khai thác khó khăn gồm: Sông Cầu Chày (đoạn cầu Si đến cầu Vàng dài 17,5km); sông Nông Giang (Ngã ba Nấp đến đập Bái Thượng dài 48,7km); Kênh Than (Ngã ba Văn Mỹ đến Ngã ba Du Xuyên dài 34,5km); Sông Hoạt (Tống) (đoạn Hà Thanh đến Thành Tâm dài 28,51cm); Sông Chuối (Vạn Hoà đến Bao Trê dài 20km); Sông Thị Long (Ngã ba Tuần đến hồ Yên Mỹ dài 23 km).

+ Bổ sung quy hoạch 5 đoạn tuyến trên sông dài 131km: Sông Càn (Đoạn từ Phao số 0 đến cửa Lạch Càn dài 9km); Sông Trường (đoạn từ phao số 0 đến ngã 3 Trương Xá dài 8km); Sông Yên (đoạn từ phao số 0 đến cầu Ghép dài 12km); Sông Lèn (đoạn từ phao số 0 đến cửa Lạch Sung dài 10km); sông Mã (đoạn từ cầu Na Sài - đập thủy điện Hồi Xuân dài 14km; đoạn từ đập thủy điện Hồi Xuân - đập thủy điện Trung Sơn dài 40km; đoạn trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn dài 38km).

+ Bổ sung quy hoạch các đoạn tuyến thuộc 2 vùng hồ 79km: hồ Cửa Đạt (43km), Bến En (36km).

- Nâng cấp 136,5km đường thủy địa phương lên đường thủy trung ương gồm: sông Chu (đoạn Ngã ba đầu - Vạn Hà - đập Bái Thượng dài 57km); sông Bạng (đoạn cảng cá Lạch Bạng - cầu Hổ. Nghi Sơn dài 17,5km), sông Yên (đoạn từ phao số 0 - cầu Vậy, dài 62km).

- Điều chỉnh cấp kỹ thuật của một số tuyến đường thủy nội địa phương theo hướng tăng lên cấp cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải. Thực hiện các dự án nạo vét, phá đá ngầm nối đường thủy lên khu vực phía Tây của tỉnh (thác Đền Hàn trên sông Mã,...). Cải tạo tuyến vận tải thủy Thanh Hóa - Ninh Bình (cải tạo kênh Nga, kênh De).

1.4.2. Hệ thống cảng bến thủy nội địa

- Quy hoạch cảng thuỷ nội địa: Bổ sung quy hoạch các cảng tại các vùng cửa sông tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu lớn ra vào. Quy hoạch đến năm 2025, có 01 cảng khách và 06 cảng tổng hợp, trong đó chuyển đổi cảng Hàm Rồng thành cảng khách, tiếp tục quy hoạch cảng Đò Lèn và bổ sung quy hoạch 5 cảng mới (Hoằng Lý, Nga Bạch, Hải Châu, Bình Minh, Lạch Trường).

- Quy hoạch các bến thủy nội địa: phục vụ khai thác lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trong tương lai (phục vụ các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch,...).

- Đối với các bến khách ngang sông: tăng cường quản lý để đảm bảo an toàn giao thông. Từng bước hoàn thành xây dựng cầu cứng tại những vị trí thuận lợi thay thế cho các bến khách ngang sông.

1.5. Quy hoạch cảng hàng không, sân bay

Xây dựng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam. Đưa Cảng hàng không Thọ Xuân vào quy hoạch cảng hàng không quốc tế và là cảng hàng không dự bị cho Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, mở các đường bay mới nội địa và các đường bay Thanh Hóa đi các nước trên thế giới.

1.6. Quy hoạch phát triển cảng biển, luồng hàng hải

- Thực hiện theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó:

+ Cảng biển Nghi Sơn tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1401/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng biển Nghi Sơn - Thanh Hóa giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.

+ Nâng cao năng lực Cảng Lễ Môn công suất thông qua khoảng 0,5-1 triệu tấn/năm.

+ Xây dựng Cảng Quảng Châu, Quảng Nam có thể tiếp nhận tàu 1.000DWT.

- Về luồng hàng hải: thực hiện nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào Cảng Nghi Sơn nhằm đáp ứng cho giai đoạn phát triển hoàn chỉnh của Cảng Nghi Sơn đến 2030. Ngoài ra chú trọng công tác nạo vét duy tu thường xuyên, định kỳ các tuyến luồng hàng hải hiện có và từng bước cải tạo, nâng cấp phù hợp với nguồn lực và quy mô, công năng của cảng xác định trong quy hoạch.

2. Quy hoạch phát triển vận tải

2.1. Quy hoạch phát triển vận tải hành khách

a) Quy hoạch phát triển vận tải hành khách đường bộ

- Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thực hiện theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.

- Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: tuyến nội tỉnh sẽ đảm nhận các tuyến kết nối từ các khu vực đô thị trung tâm tỉnh đi các huyện với cự ly dài (đến các huyện phía Tây đường Hồ Chí Minh) hoặc kết nối giữa các huyện ở khu vực miền núi phía Tây, phía Nam của tỉnh.

- Quy hoạch tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt: Ưu tiên phát triển ở khu vực phía Đông tỉnh; nghiên cứu mở tuyến xe buýt nội thị trong Khu kinh tế Nghi Sơn phục vụ nhu cầu đi lại của người lao động, nhân dân; mở các tuyến xe buýt nhanh từ thành phố Thanh Hóa đến thành phố Sầm Sơn,....

Nghiên cứu đầu tư các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn để đạt tỷ lệ đảm nhận khu vực nội thành thành phố Thanh Hóa và các đô thị phụ cận từ 7-12%.

- Thực hiện đầu tư các điểm dừng đón, trả khách trên quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt.

- Đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch được duyệt và một số trạm dịch vụ trên cao tốc Bắc Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Quy hoạch vận tải taxi: tỷ lệ phát triển taxi đối với thành phố Thanh Hóa (tỷ lệ 1,4-1,6 xe/1.000 dân), thị xã (0,9-1,3 xe/1.000 dân), các huyện (0,1-0,3 xe/1000 dân).

b) Quy hoạch vận tải hành khách đường sắt trên địa bàn tỉnh trên cơ sở hạ tầng là tuyến đường sắt Bắc Nam với 2 loại hình là tàu nhanh (tàu SE) và tàu khu đoạn. Một số nhà ga hành khách chính như ga Thanh Hóa, Bỉm Sơn,...

c) Quy hoạch vận tải hành khách hàng không: duy trì đường bay đến thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuật, Nha Trang. Mở mới đường bay đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ, Điện Biên, Nà Sản, Lào Cai; đường bay quốc tế đến khu vực Asean và Đông Bắc Á.

d) Quy hoạch vận tải hành khách đường thủy nội địa: phục vụ vận tải khách du lịch trên sông Mã từ bến Hoàng Long ra tới bến cảng Hới; du lịch trên vùng hồ thuộc Vườn quốc gia Bến En, cửa Đạt...

Nghiên cứu đưa vào khai thác tuyến Hàm Rồng (Thanh Hóa) - Sầm Sơn (Âu trú bão, gần khu Đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc).

Nghiên cứu đưa vào khai thác 02 tuyến tàu du lịch trên biển Sầm Sơn - Đảo Mê (Khu phía Nam Sầm Sơn, xã Quảng Vinh và khu phía Bắc Sầm Sơn, xã Quảng Cư).

2.2. Quy hoạch, phát triển vận tải hàng hóa

a) Quy hoạch phát triển vận tải hàng hóa đường bộ

- Vận tải hàng hóa ở cự ly ngắn có phạm vi trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận là Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hòa Bình,...

- Vận chuyển gom hàng tới Khu kinh tế Nghi Sơn, ga Thanh Hóa, cảng Lễ Môn và tới các cảng, bến cảng thủy nội địa.

b) Quy hoạch phát triển vận tải hàng hóa đường sắt

Vận tải hàng hóa đường sắt ưu tiên hướng tuyến từ Thanh Hóa đi theo trục dọc Bắc Nam đến Hà Nội và các khu vực có cự ly từ khoảng 300km trở lên. Hình thức đóng gói hàng hóa gồm có hàng rời, hàng bao kiện và hàng côngtennơ.

Ga hàng hóa chính trên địa bàn tỉnh là ga Thanh Hóa, ga Bỉm Sơn (ga khu công nghiệp) và ga Trường Lâm (sau khi được đầu tư nâng cấp và kéo dài vào cảng Nghi Sơn).

c) Quy hoạch phát triển vận tải hàng hóa đường biển

Tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, vận tải tuyến đường biển Bắc Nam qua cảng Nghi Sơn; đẩy mạnh thu hút đầu tư hệ thống kho bãi, dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển vận tải biển.

d) Quy hoạch phát triển vận tải hàng hóa đường thủy nội địa

Phát triển tuyến vận tải biển pha sông chạy ven biển Bắc Nam từ khu vực cảng biển Lễ Môn, Nghi Sơn đi các cảng thủy nội địa khác.

Đẩy mạnh tuyến vận tải thủy nội địa Ninh Bình - Thanh Hóa từ cảng Đò Lèn đi các tỉnh duyên hải phía Bắc theo các sông kênh là sông Lèn, kênh Nga sang Ninh Bình.

Phát triển các tuyến vận tải hàng hóa địa phương trên sông Mã, sông Bưởi, sông Chu, sông Nhồi, sông Chuối, sông Yên, Lạch Bạng.

e) Định hướng phát triển trung tâm phân phối hàng hóa

Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp lớn cần thực hiện việc quy hoạch và xây dựng khu vực hoặc trung tâm phân phối hàng hóa là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics để đảm bảo hiệu quả của sản xuất, vận tải và tiêu thụ hàng hóa (giảm chi phí logistics).

2.3. Quy hoạch về tổ chức giao thông đô thị

Để đáp ứng việc tổ chức điều hành, quản lý giao thông đô thị khi phát triển đô thị, tương lai cần thiết phải xây dựng mô hình quản lý, cụ thể:

- Xây dựng quy hoạch chi tiết bãi đỗ xe, tổ chức điểm trông giữ xe sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Xây dựng đề án và thành lập trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng ở thành phố Thanh Hóa.

- Thành lập trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông đô thị cho khu vực thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn và chi nhánh ở các thị xã, thị trấn.

2.4. Quy hoạch, mạng lưới cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

- Duy trì số lượng cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe hiện có đã đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, phù hợp với quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở hiện tại (06 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 06 cơ sở đào tạo lái xe ô tô), mở mới 01 trung tâm sát hạch (hiện có 07 trung tâm) để đáp ứng nhu cầu của nhân dân; tăng cường quản lý công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe theo đúng quy định.

3. Quy hoạch phát triển công nghiệp GTVT và trung tâm đăng kiểm

3.1. Quy hoạch phát triển công nghiệp GTVT

Tiếp tục đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp ô tô tại thị xã Bỉm Sơn, thành phố Thanh Hóa và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn).

Mở rộng quy mô, nâng cao năng lực các cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện đường bộ, đường thủy vừa và nhỏ.

Phát triển 13 cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy nội địa tại các khu vực cảng Bình Minh, Hải Châu, Đò Lèn, Nga Bạch, hồ Bến En, hồ Cửa Đạt...

3.2. Quy hoạch trung tâm đăng kiểm

Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại các huyện Tĩnh Gia, Ngọc Lặc nhằm đáp ứng nhu cầu trong tỉnh.

Thực hiện cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa theo đúng lộ trình được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm định, hạn chế tác động của con người vào kết quả kiểm định.

IV. NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT

Quỹ đất dành cho phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 là 49.314ha, tăng so với hiện tại là 18.195ha; đến năm 2030 là 60.554,8ha, tăng so với hiện tại là 29.436ha.

V. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Tổng nhu cầu vốn dự kiến 371.180 tỷ đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2016 - 2025: 211.640 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2025 - 2030: 159.540 tỷ đồng.

VI. CÁC DỰ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

(Chi tiết có phụ biểu kèm theo)

VII. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp quản lý quy hoạch

- Tăng cường quản lý quy hoạch, chống lấn chiếm hành lang; triển khai phân cấp lập quy hoạch chi tiết để cắm mốc quản lý; tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải trên các tuyến (đặc biệt quản lý về tải trọng). Căn cứ quy hoạch này, các cấp chính quyền cần cụ thể hóa thành các kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 5 năm và hàng năm; huy động mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu giao thông vận tải.

2. Giải pháp về vốn, đầu tư

Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính đột phá, các công trình đầu mối giao thông có sức lan tỏa lớn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đa dạng hoá các hình thức đầu tư như liên doanh, liên kết, hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP); đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để thu hút, huy động vốn đầu tư nước ngoài. Xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa,....

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Tập trung đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân lành nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đầu tư các trung tâm đào tạo lái xe; mở rộng các hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo trong nước và nước ngoài,...

4. Giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ kết cấu hạ tầng, tổ chức vận tải, đào tạo, sát hạch, tuyên truyền, cứu hộ, tăng cường sự quản lý của Nhà nước,... Thực hiện các giải pháp nêu tại Quyết định 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

5. Giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm và tiếp cận được các công nghệ mới của nước ngoài.

Bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, xây dựng các công trình giao thông, cam kết thực hiện các kế hoạch quản lý môi trường đầy đủ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo trì, thường xuyên làm sạch mặt đường, sửa chữa kịp thời hư hỏng, hạn chế đào mặt đường để làm đường nước, đường điện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện các nội dung sau:

a) Tổ chức công bố, phổ biến rộng rãi Quy hoạch “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

b) Theo dõi, xây dựng quy hoạch chi tiết, các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án và tổ chức thực hiện quy hoạch.

c) Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông vận tải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp giao thông vận tải thực hiện xây dựng hạ tầng mạng lưới và cung cấp dịch vụ giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch.

e) Chủ động đấu nối với Bộ giao thông vận tải và các Bộ, Ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ, ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành liên quan căn cứ nội dung quy hoạch này để tham mưu cho UBND tỉnh về các nguồn lực đảm bảo việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển giao thông vận tải.

3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí, đề xuất các giải pháp đảm bảo kinh phí cho các chương trình, dự án giao thông vận tải theo kế hoạch được duyệt.

4. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch, cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực giao thông vận tải cho các ngành, các cấp trong tỉnh.

5. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ nội dung quy hoạch này, phối hợp với Sở Giao thông vận tải để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch của đơn vị theo thời kỳ, giai đoạn đảm bảo hiệu quả.

6. Các doanh nghiệp, Hiệp hội giao thông vận tải: Chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước và tại quy hoạch này trong việc triển khai xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động của mình nhằm phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội Vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội giao thông vận tải; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Giao thông vận tải (để b/c);
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh và Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CN

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

PHỤ LỤC

CÁC DỰ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Đơn vị: Tỷ đồng

I

Danh mục dự án

Địa điểm đầu tư

Quy mô đầu tư

Tổng mức đầu tư

Dự kiến nhu cầu vốn

Nguồn vốn

1

CÁC DỰ ÁN THEO KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ TRUNG HẠN, NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

1.487,4

 

*

Dự án khởi công mới năm 2017

 

 

 

 

 

1

Đường vành đai Đông Tây Thành phố Thanh Hoá, đoạn qua thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A.

Thành phố Thanh Hóa

8 km, 4 làn xe

1.283,00

300

Ngân sách tỉnh

2

Đường ven biển, đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã (thành phố Sầm Sơn) đến cầu ghép (huyện Quảng Xương).

Huyện Quảng Xương

5 km

1.480,00

50

Ngân sách tỉnh

3

Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 45 vào Cụm Công nghiệp phía tây thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.

Huyện Yên Định

5km

199,99

60

Ngân sách tỉnh

4

Tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn - KKT Nghi Sơn (đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn).

Khu kinh tế Nghi Sơn

10km

1.487,00

100

Ngân sách tỉnh

5

Nâng cấp mở rộng đường giao thông nối tỉnh lộ 526 với Quốc lộ 10 huyện Hậu Lộc.

Huyện Hậu lộc

4km

23

17,8

Ngân sách tỉnh

6

Cải tạo, nâng cấp đường Đồng Cổ (đoạn từ đường Hàm Long đến Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng).

Thành phố Thanh Hóa

2km

11,81

10

Ngân sách tỉnh

7

Đường giao thông Quảng Bình - Quảng Thái, huyện Quảng Xương.

Huyện Quảng Xương

9km

173,5

147

Ngân sách tỉnh

8

Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 515 Ba Chè - Thiệu Toán - Hạnh Phúc.

Các huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân

22,5km

120

100

Ngân sách tỉnh

9

Đường giao thông Cẩm Bình - Cẩm Thạch - Cẩm Liên - Cẩm Thành huyện Cẩm Thuỷ

Huyện Cẩm Thủy

25km

164,7

140

Ngân sách tỉnh

 

Dự án khởi công mới giai đoạn 2018-2020

 

 

 

 

 

11

Đường gom đường vành đai phía Tây đoạn từ KCN Tây Bắc Ga (mốc A tới mốc C) và đường nối KCN Tây Bắc Ga với nút giao đường vành đai phía Tây, Thành phố Thanh Hóa.

Thành phố Thanh Hóa

12km

150

45

Ngân sách tỉnh

12

Nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 514 đoạn từ Cầu Thiều đi xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn.

Huyện Triệu Sơn

13,5km

135

55

Ngân sách tỉnh

13

Nâng cấp cải tạo đường tỉnh 515B Thiệu Lý - Đông Hoàng.

Các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn

4km

40

25

Ngân sách tỉnh

14

Nâng cấp cải tạo đường tỉnh 526B (Hậu Lộc - Quán Dốc).

Huyện Hậu Lộc

7,8km

85

30

Ngân sách tỉnh

15

Nâng cấp cải tạo đường tỉnh 515C Đu - Thọ Vực

Các huyện: Thiệu Hóa, Triệu Sơn

4km

40

25

Ngân sách tỉnh

16

Đường kết nối từ tỉnh lộ 510 (thị trấn Bút Sơn) đi xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.

Huyện Hoằng Hóa

5km

98

30

Ngân sách tỉnh

17

Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc đi làng Thung, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh.

Huyện Ngọc Lặc

7,5km

83

35

Ngân sách tỉnh

18

Cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ nhà máy may IVORY kết nối với đường tỉnh 526, huyện Hậu Lộc.

Huyện Hậu Lộc

7km

84

35

Ngân sách tỉnh

19

Đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 45 đi xã Tân Bình, huyện Như Xuân.

Huyện Như Xuân

6km

99,1

45

Ngân sách tỉnh

20

Đường giao thông nối tỉnh lộ 45 với tỉnh lộ 505

Huyện Như Thanh

13,5km

50

20

Ngân sách tỉnh

21

Nâng cấp cải tạo đường Xuân Tín - Quảng Phú, huyện Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân

5 km

54,9

25

Ngân sách tỉnh

22

Đường giao thông từ La Hán, xã Ban Công đi Thiết Giang, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Huyện Bá Thước

7km

95,3

45

Ngân sách tỉnh

23

Đường giao thông từ xã Xuân Cẩm đi Lương Sơn, huyện Thường Xuân.

Huyện Thường Xuân

7,5km

119,4

50

Ngân sách tỉnh

24

Đường giao thông từ xã Phú Sơn đi xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia.

Huyện Tĩnh Gia

12km

168,8

60

Ngân sách tỉnh

25

Đường nối Khu di tích Lam Kinh với đường Hồ Chí Minh.

Huyện Thọ Xuân

3 km

30

20

Ngân sách tỉnh

26

Nâng cấp, cải tạo đường giao thông Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thái, huyện Nga Sơn.

Huyện Nga Sơn

3km

25

17,6

Ngân sách tỉnh

II

CÁC DỰ ÁN LỚN, ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

48.350

 

1

Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc qua tỉnh Thanh Hóa

TP Thanh Hoá; Thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Hà Trung, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia

Đường cao tốc loại A, 4 làn xe, dài 100km

 

20.000

BOT

2

Nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá, Tiểu dự án 3 nâng cấp đoạn Km53+00 - Km 109+00 (qua tỉnh Thanh Hoá)

Các huyện: Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc

Cấp III, 2 làn xe

 

1.000

Trung ương

3

Nâng cấp Quốc lộ 15C đoạn Km0 - Km40

Huyện Quan Hóa

Cấp IV, 2 làn xe

 

500

Trung ương

4

Nâng cấp Quốc lộ 45 đoạn Km 14+500 - Km72+370, xây dựng mới tuyến tránh Thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành)

Thành phố Thanh Hóa; các huyện: Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn

58km; Cấp III, 2-4 làn xe

 

2.000

BOT

5

Nâng cấp Quốc lộ 47 đoạn từ Thành phố Thanh Hóa đến Thọ Xuân

Thành phố Thanh Hóa; các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân

31,5km, Cấp III, 4 làn xe

 

2.000

BOT

6

Nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 217 từ Km59+900 - Km104 +475

Các huyện: Hà Trung, Cẩm Thủy, Bá Thước

Cấp III, 2 làn xe

 

1.800

ODA

7

Đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn

Thành phố Thanh Hóa; các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn

Đường cao tốc 6-8 làn xe

 

2.000

Trung ương và Địa phương

8

Đầu tư đường từ thành phố Thanh Hóa kết nối với các huyện phía Tây của tỉnh

Thành phố Thanh Hóa; các huyện: Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát.

 

 

3.000

Trung ương và Địa phương

9

Đại lộ Nam sông Mã

Thành phố Thanh Hóa

14,6 km đường đô thị lộ giới 67m

 

1.500

Địa phương

10

Đường Voi - Sầm Sơn

Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn

12 km đường đô thị, lộ giới 40m

 

1.000

Địa phương

11

Tiểu dự án 2 - Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân di Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1)

Các huyện: Triệu Sơn, Như Thanh, Tĩnh Gia

72,8 Km cấp III, 02 làn xe

 

4.500

BT

12

Cầu vượt đường sắt tại nút giao đầu tuyến Quốc lộ 217 (điểm đầu Km0+00) với Quốc lộ 1A (Km301+514)

Huyện Hà Trung

Cầu BTCT

 

500

Trung ương

13

Cầu vượt đường sắt tại nút giao với Quốc lộ 47 (Km19+463)

Thành phố Thanh Hóa

Cầu BTCT

 

300

Trung ương

14

Cầu vượt đường sắt tại nút giao đầu tuyến Bỉm Sơn - Thạch Quảng (điểm đầu Km0+00) với Quốc lộ 1A (Km293+155)

Thị xã Bỉm Sơn

Cầu BTCT

 

300

Trung ương

15

Cầu vượt đường sắt tại vị trí nút giao đường Bà Triệu - Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Thanh Hóa (Km322+120 Quốc lộ 1A)

Thành phố Thanh Hóa

Cầu BTCT

 

500

Địa phương

16

Dự án đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép Tổ Rồng bắc qua sông Chu

Huyện

Thường Xuân

 

 

125

Ngân sách Trung ương

17

Đầu tư xây dựng khu Cảng Nghi Sơn

Khu kinh tế Nghi Sơn

Đầu tư theo quy hoạch

 

5.000

Trung ương, Địa phương, Doanh nghiệp

18

Nạo vét luồng tàu từ bến số 4 đến Đê Bắc có chiều dài khoảng 3,5km, tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000DWT

Huyện Tĩnh Gia

 

 

305

PPP

19

Đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh

Thành phố  Thanh Hoá Các huyện: Tĩnh Gia, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân

 

 

270

Doanh nghiệp

20

Đầu tư xây dựng vị trí các điểm đón, trả khách tuyến cố định

 

 

 

50

Địa phương

21

Nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa Trung ương

Tuyến Lạch Bạng - Đảo Hòn Mê, Cửa Hới, tuyến sông Tào đoạn từ Ngã ba sông Tào đến cửa Lạch Trường, sông Yên (cửa Lạch Ghép); Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn

Nâng cấp, nạo vét, duy tu

 

700

ODA, Trung ương, Địa phương

22

Nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa địa phương

Xây dựng cụm cảng Đò Lèn, Hàm Rồng, bến Thiệu Khánh (bến Vồm), cầu Tào (cảng Hoằng Lý), Bút Sơn; khắc phục thác đền Hàn trên sông Mã; cải tạo kênh Nga, kênh De; xây dựng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa

Xây dựng, nâng cấp, cải tạo

 

500

Trung ương, Địa phương

23

Đầu tư bến xe

7 bến xe tại trung tâm của  7 huyện chưa có bến xe; bến xe gần cầu Hoàng Long, bến xe phía Đông Bắc (gần cầu Nguyệt Viên), bến xe mới phía Tây Thành phố Thanh Hóa

 

 

500

Địa phương, Doanh nghiệp