Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2018/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 14 tháng 11 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KHOẢN 1 VÀ KHOẢN 2 ĐIỀU 1 CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 29/2011/QĐ-UBND NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 2011 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN VÀ SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực;
Thực hiện Kết luận số 724-KL/TU ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Tỉnh ủy Kon Tum về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 73/TTr-SKHĐT ngày 22 tháng 10 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, cụ thể như sau:
1.1. Đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- Tập trung phát triển 04 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm: (1) Nhóm ngành nông-lâm nghiệp; (2) Nhóm ngành công nghiệp chế biến; (3) Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; (4) Ngành du lịch.
- Xây dựng, phát triển 09 sản phẩm chủ lực của tỉnh, bao gồm: (1) Sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn; (2) Sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (Sản phẩm trồng trọt và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm trồng trọt); (3) Sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (Sản phẩm từ chăn nuôi và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm chăn nuôi); (4) Cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; (5) Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; (6) Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; (7) Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; (8) Điện; (9) Du lịch sinh thái Măng Đen.
1.2. Phấn đấu đến năm 2020: Diện tích trồng sắn khoảng 35.700 ha, sản lượng khoảng 601.550 tấn - 650.000 tấn; diện tích trồng cây cà phê khoảng 18.000 ha, sản lượng 39.000 tấn/niên vụ - 40.000 tấn/niên vụ; diện tích trồng cây cao su đạt khoảng 90.000 ha, sản lượng mủ cao su đạt khoảng 92.000 tấn; diện tích trồng sâm Ngọc Linh khoảng 1.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 150 tấn, các cây dược liệu khác khoảng 1.000 ha; chế biến khoảng 60.000 m3 gỗ/năm; sản xuất 1,36 tỷ kWh điện; lượt khách du lịch đến Măng Đen khoảng 320.000 lượt.
1.3. Phấn đấu đến năm 2025: Giảm diện tích trồng sắn toàn tỉnh xuống khoảng 34.100 ha; diện tích trồng cây cà phê toàn tỉnh khoảng 20.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 57.000 tấn, sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn; ổn định diện tích trồng cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 93.000 ha, sản lượng mủ cao su đạt 95.000 tấn; phát triển trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 2.500 ha, các cây dược liệu khác trồng khoảng 5.000 ha; đưa vào chế biến khoảng 70.000 m3 gỗ/năm; sản xuất 2,4 tỷ kWh điện thương phẩm; lượt khách du lịch đến Măng Đen khoảng 640.000 lượt.
2. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
2.1. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch
- Đối với các ngành, sản phẩm đã có nội dung quy hoạch đến năm 2020: Định kỳ rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển của từng ngành để kịp thời bổ sung tích hợp vào quy hoạch tỉnh Kon Tum giai đoạn sắp tới khi Luật Quy hoạch có hiệu lực toàn phần. Bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp với chủ trương phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực của tỉnh phù hợp với quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch; thể hiện rõ quan điểm không thực hiện quy hoạch “cứng” đối với toàn bộ các ngành, sản phẩm của tỉnh mà chỉ tập trung xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cho các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực đã được xác định theo nội dung Đề án.
- Đối với các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa được quy hoạch đến năm 2020: Tăng cường giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng nội dung lộ trình phát triển theo Đề án được duyệt và nội dung quy hoạch tỉnh Kon Tum giai đoạn tiếp theo sau khi được xây dựng theo Luật Quy hoạch.
2.2. Giải pháp về thị trường
- Đầu tư nguồn lực tương xứng để mở rộng quy mô và chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại đối với mọi thành phần kinh tế trên địa bàn. Tổ chức tốt các chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài một cách có trọng điểm.
- Phối hợp với Tham tán thương mại nước ngoài, Cục Xúc tiến Thương mại, các Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp trong tỉnh thông qua các hình thức tổ chức các đoàn doanh nghiệp nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh Kon Tum; tổ chức triển lãm, hội chợ thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm của tỉnh Kon Tum tại thị trường trong nước và nước ngoài.
- Tạo điều kiện thành lập và khuyến khích các hiệp hội sản xuất, kinh doanh phát triển; tăng cường vai trò trong việc phổ biến thông tin thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho điều phối thị trường của các hiệp hội này.
- Thường xuyên tổ chức và nâng cao tính chuyên nghiệp của các hội chợ, triển lãm, hội thảo chuyên đề để phát triển thị trường tiêu thụ nhằm hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức mạng lưới tiêu thụ trong các khu vực kinh tế trọng điểm của vùng và cả nước, phối hợp với các công ty du lịch mở các đại lý và văn phòng đại diện ở các thành phố lớn, với phương thức tiếp thị đa dạng và kết hợp với các ngành kinh tế khác để quảng bá sản phẩm ngành nghề của tỉnh, nhất là các sản phẩm đặc trưng của Kon Tum.
- Rà soát, đầu tư mạng lưới thương mại dịch vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường. Rà soát, đánh giá hiệu quả việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trên địa bàn trong thời gian qua để có định hướng phát triển hợp lý trong thời gian tới.
- Phát triển mạnh mẽ, thông suốt, đồng bộ các thị trường, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ trên toàn tỉnh; đồng thời có biện pháp bảo vệ có hiệu quả thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế. Có biện pháp ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng nông sản. Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, bóp méo giá cả, quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ.
2.3. Giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Rà soát, điều chỉnh các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân có hiện tượng nhũng nhiễu gây khó khăn cho nhà đầu tư.
- Rà soát, khảo sát lập danh mục các dự án đầu tư theo hướng có đầy đủ những thông tin cần thiết để kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn. Chú trọng xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Thông qua các cơ quan xúc tiến đầu tư quốc gia, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài mời các nhà đầu tư có năng lực, lĩnh vực kinh doanh phù hợp với tiềm năng của tỉnh đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh.
- Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư. Cơ quan tham mưu cấp phép các dự án đầu tư phải chủ động theo dõi tiến độ triển khai thực hiện của dự án, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
2.4. Giải pháp về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải
- Để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung cần có cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông vận tải và hậu cần để kết nối tỉnh Kon Tum với các thị trường khác và kết nối khu vực nông thôn với các vùng thành thị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2025 cần thực hiện các kế hoạch nâng cấp sau (1) đẩy nhanh quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh và xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thành phố và các thị trấn trên địa bàn tỉnh; đưa hệ thống đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, nâng cấp tất cả các tuyến đường đạt tối thiểu đường cấp IV miền núi; (2) tăng cường phát triển mạng lưới vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Plei Ku (Gia Lai) đi Khu kinh tế Nam Phú Yên; (3) xây dựng mới các tuyến đường giao thông nông thôn đảm bảo tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt từ 60-70%, riêng các tuyến đường đến trung tâm các xã đạt 100%.
- Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum hiện nay, do đó, cần được huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư dưới các hình thức ODA, FDI, PPP, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải; dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông.
2.5. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ
- Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Phục vụ quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu (cao su, cà phê, rau, hoa xứ lạnh, cá nước ngọt...) chuyên canh tập trung, gắn với chế biến. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sạch, cơ giới hóa một số khâu sản xuất...
- Tăng cường thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tiểu thủ công nghiệp phát triển; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thực hiện bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao.
- Tập trung hỗ trợ việc hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và tư vấn chuyển giao công nghệ; hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học gắn với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
- Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ mới; thực hiện cơ chế góp vốn trong hoạt động nghiên cứu và phát triển; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất sạch hơn, xây dựng phong trào năng suất, chất lượng, hiệu quả,
- Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Thực hiện nghiêm túc quy định về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền; bảo đảm quyền lợi và tôn vinh các danh hiệu, thương hiệu, nhãn hiệu, chứng chỉ chất lượng. Đẩy nhanh chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết, thu hút nguồn chất xám, tri thức, kinh nghiệm người Việt Nam ở nước ngoài.
2.6. Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Tăng cường công tác đào tạo nghề; tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút lao động có chất lượng; tổ chức, triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
- Thu hút các nguồn lực trong nước và đầu tư hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực của mạng lưới cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Tăng cường mở rộng các hình thức đào tạo nghề liên kết với các trường danh tiếng trong khu vực, cả nước và của nước ngoài. Đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo các tiêu chuẩn nghề và các tiêu chuẩn chất lượng đối với công tác đào tạo nghề cũng như đối với hệ thống đào tạo nghề phù hợp điều kiện hội nhập quốc tế. Đặc biệt ưu tiên đào tạo cho đội ngũ lao động trẻ các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh.
- Hằng năm tổ chức cho các nhà đầu tư làm việc, đăng ký nhu cầu lao động để có kế hoạch, định hướng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực từ cộng đồng doanh nghiệp. Nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm cho lao động.
- Phát triển và nâng cao năng lực của Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,.... Phát triển thông tin và thống kê thị trường lao động thông qua điều tra, khảo sát, xử lý và lưu giữ thông tin về thị trường lao động, tiến tới thực hiện thu thập thông tin từ cơ sở xã, phường; xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đối với các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, nhất là đào tạo lao động tại chỗ và lao động là người dân tộc thiểu số.
2.7. Giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Từ đó tạo ra sự chuyển biến thực chất trong việc ban hành chính sách phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ở các địa phương trọng điểm.
2.8. Giải pháp đẩy mạnh liên kết kinh tế
- Tổ chức ký kết và thực hiện các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu, các nông sản chủ lực của tỉnh với ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thị trường tiêu thụ thuộc các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Miền trung - Tây nguyên. Khuyến khích các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề giữa Kon Tum và các địa phương liên kết với nhau nhằm hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tích cực vận động các tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn ở các địa phương đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
- Tiếp tục đẩy mạnh liên kết các cơ sở đào tạo của tỉnh với các trường đại học trong khu vực, nhất là Đại học Đà Nẵng để đào tạo nguồn lao động cho địa phương.
- Đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa Kon Tum với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, các tỉnh Duyên Hải miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên trên các lĩnh vực: (1) Hợp tác cung cấp giống cây, con và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để thúc đẩy phát triển nông nghiệp; (2) Hợp tác kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, xây dựng thủy điện, đầu tư - xây dựng hạ tầng khu cụm công nghiệp các tỉnh; (3) Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và hình thức quản lý trong du lịch; khảo sát xây dựng và khai thác các tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái Kon Tum - Thành phố Hồ Chí Minh - Duyên hải miền Trung - các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan; (4) Đẩy mạnh việc trao đổi, thu mua, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa và tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm thương mại và công nghiệp của các địa phương; (5) Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kết quả các công trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực; (6) Hợp tác với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên để phát triển hạ tầng giao thông liên tỉnh, giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến.
- Đẩy mạnh liên kết kinh tế với các địa phương trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; đặc biệt, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh Attapư, Sê Kông (nước CHDCND Lào), Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) trong việc phát triển sản xuất nông sản chủ lực, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển thị trường tiêu thụ...
2.9. Giải pháp tăng cường thu hồi vốn đầu tư trong và ngoài nước
- Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Kon Tum trên cơ sở phối hợp giữa tỉnh và các chủ đầu tư kinh doanh. Tranh thủ cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương. Thường xuyên hoàn thiện nội dung và hình thức xúc tiến đầu tư theo hướng cung cấp những thông tin giúp cho doanh nghiệp thấy được những lợi ích từ môi trường đầu tư của tỉnh cùng với việc sử dụng các kỹ thuật xúc tiến phù hợp. Nội dung và hình thức xúc tiến đầu tư cần được xây dựng dựa trên sự am hiểu nhu cầu và mong đợi của các nhà đầu tư ở những nhóm ngành cụ thể.
- Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài; sử dụng nhiều hình thức nhằm thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
- Tranh thủ vốn của các tổ chức và cá nhân ngoài nước, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện các dự án BOT, FDI hoặc liên doanh liên kết với doanh nghiệp trong nước. Ưu tiên, có chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án có công nghệ, kỹ thuật cao, có đầu ra sản phẩm ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
2.10. Giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân
- Khuyến khích, tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá thể kinh doanh phát triển với quy mô ngày càng lớn, hiệu quả cao hơn, chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
- Khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; động viên ý chí khởi nghiệp, kinh doanh và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.
- Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động. Hoàn thiện pháp luật và thực hiện có hiệu quả các biện pháp, quy định bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án (sửa đổi, bổ sung).
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết Đề án (sửa đổi, bổ sung) theo quy định.
2. Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện Đề án (sửa đổi, bổ sung).
Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2018./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2084/QĐ-UBND năm 2018 về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Khánh Hòa
- 2Quyết định 1052/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh Cao Bằng
- 3Kế hoạch 2835/KH-UBND năm 2018 sửa đổi Kế hoạch hành động 330/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025
- 4Quyết định 4818/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án hình thành và phát huy các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020-2025 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 47/QĐ-UBND năm 2022 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2021
- 1Quyết định 29/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2Quyết định 47/QĐ-UBND năm 2022 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2021
- 1Nghị quyết 16/2011/NQ-HĐND về Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum đến năm 2020
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 4Luật Quy hoạch 2017
- 5Nghị quyết 08/2018/NQ-HĐND sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 16/2011/NQ-HĐND về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum đến năm 2020
- 6Quyết định 2084/QĐ-UBND năm 2018 về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Khánh Hòa
- 7Quyết định 1052/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh Cao Bằng
- 8Kế hoạch 2835/KH-UBND năm 2018 sửa đổi Kế hoạch hành động 330/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025
- 9Quyết định 4818/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án hình thành và phát huy các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020-2025 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 31/2018/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2, Điều 1 của Quyết định 29/2011/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- Số hiệu: 31/2018/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/11/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Văn Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/11/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra