Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 31/2009/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 17 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 7 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ ban hành điều lệ bảo vệ thực vật, điều lệ kiểm dịch thực vật và điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật;
Căn cứ Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 63/2007/QĐ-BNN ngày 02 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Website Chính phủ; Vụ Pháp chế (Bộ NN và PTNT)
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng KT, TH, VHXH, NC;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thế Năng

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31/2009/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy định này áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói; xuất khẩu, nhập khẩu; buôn bán; bảo quản, vận chuyển; sử dụng; tiêu hủy; nhãn thuốc; bao bì; hội thảo, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động trong các lĩnh vực tại Điều 1 của Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc chung.

Áp dụng các nguyên tắc chung quy định tại Điều 11, Điều 15, Điều 18, Điều 22, Điều 26, Điều 29, Điều 31, Điều 34, Điều 36 Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật được ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khoản 4, Khoản 7 Điều 1 Quyết định số 63/2007/QĐ-BNN ngày 02/7/2007 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương II

SẢN XUẤT, GIA CÔNG, SANG CHAI, ĐÓNG GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.

1. Thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản cho Chi cục Bảo vệ thực vật về tình hình sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật hàng năm, kể cả việc thay đổi chủng loại thuốc được sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu hoạt động sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật của mình gây ảnh hưởng xấu tới người, vật nuôi và môi trường; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình khi đưa ra lưu thông trên thị trường và đã được sử dụng.

Điều 5. Trách nhiệm của Chi cục Bảo vệ thực vật.

1. Tiếp nhận các báo cáo về hoạt động sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; các thông báo về việc thay đổi chủng loại thuốc được sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói của các tổ chức, cá nhân và tổng hợp báo cáo cho Cục Bảo vệ thực vật.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hàng năm; thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật khi xét thấy cần thiết.

Chương III

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 6. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu và thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật.

Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được phép hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật phải có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 16, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật.

Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được phép hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật phải có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 17, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 và Điều 1, Khoản 5, 6, Quyết định số 63/2007/QĐ-BNN ngày 02 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương IV

BUÔN BÁN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

1. Phải có bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật, không được tự ý nâng giá, đầu cơ nhằm mục đích trục lợi trong phòng, chống dịch bệnh.

2. Đảm bảo cung cấp thuốc bảo vệ thực vật kịp thời cho việc phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.

3. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, chủng loại của sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật khi đưa sản phẩm ra thị trường.

4. Thông báo kịp thời về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo sử dụng những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn sinh thái để nông dân sử dụng.

Điều 9. Điều kiện của cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

1. Người quản lý trực tiếp cửa hàng phải đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và phải có Chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Người trực tiếp bán hàng cho các chủ cửa hàng phải qua lớp huấn luyện về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật tổ chức hoặc có bằng trung cấp nông, lâm nghiệp trở lên. Người được cấp giấy chứng chỉ hành nghề, phải tham gia các lớp tập huấn kiến thức chuyên môn và văn bản pháp luật mới do Chi cục bảo vệ thực vật tổ chức hàng năm để làm cơ sở cho việc gia hạn chứng chỉ hành nghề.

2. Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có địa chỉ ổn định, rõ ràng và phải được sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn. Diện tích cửa hàng tối thiểu là 10m2, nhà cấp 4 trở lên, yêu cầu phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng gió. Tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa. Tường nhà và nền nhà phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi, nền nhà không bị ngập trong mùa mưa lũ. Cửa hàng phải cách xa khu dân cư ít nhất 20 mét; cách xa trường học, bệnh viện, chợ ít nhất 200 mét; cách xa nguồn nước ít nhất 50 mét kể từ mép bờ sông, kênh, rạch.

3. Tủ trưng bày, quầy, kệ hoặc giá đựng thuốc bảo vệ thực vật phải chắc chắn; trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc. Cửa hàng phải có các thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo quy định; phải có phương tiện bảo vệ cá nhân: găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ mắt, quần áo bảo hộ, nước sạch, xà phòng để rửa; phải có vật liệu để xử lý kịp thời thuốc bảo vệ thực vật bị đổ, vỡ, rơi vãi: cát, vôi bột; nơi chứa riêng biệt các chai, gói thuốc bảo vệ thực vật bị vỡ, rách và xử lý theo đúng theo yêu cầu của cơ quan quản lý về môi trường.

4. Cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật phải có biển hiệu, nội dung biển hiệu viết bằng tiếng Việt Nam và phải thể hiện đầy đủ tên chủ cơ sở kinh doanh hoặc tên doanh nghiệp; địa chỉ, số điện thoại, fax; tên người được cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và số Giấy chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định.

5. Cửa hàng phải có tài liệu danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đang còn hiệu lực; tài liệu hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật và các tài liệu chuyên môn thích hợp khác để tra cứu; sổ sách ghi chép việc mua, bán thuốc bảo vệ thực vật; bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật.

6. Nơi chứa hay kho chứa thuốc bảo vệ thực vật phải có địa chỉ ổn định, rõ ràng và phải được sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn. Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật của cửa hàng phải khô ráo, thoáng gió, không thấm dột hoặc ngập úng; có hệ thống phòng chống cháy, nổ, hệ thống thông gió theo quy định; có thiết bị, phương tiện cần thiết để đảm bảo chất lượng của thuốc phù hợp với yêu cầu bảo quản; kệ, giá để hàng cách mặt đất ít nhất 20cm, cách tường ít nhất 30cm để đảm bảo độ thông thoáng; việc sắp xếp các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm không gây đổ vở, rò rỉ, có lối vào để lấy thuốc bảo vệ thực vật xếp phía trong. Thuốc bảo vệ thực vật phải xếp riêng biệt từng loại: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng.

Chương V

VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 10. Vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật.

Người vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải theo đúng quy định tại Điều 23, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 11. Bảo quản thuốc bảo vệ thực vật.

Việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường ở khu vực xung quanh.

Trong trường hợp thuốc bị rò rỉ, khuếch tán gây tác hại đến môi sinh, môi trường, chủ sở hữu thuốc bảo vệ thực vật phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả dưới sự hướng dẫn hoặc kiểm tra của cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý môi trường, ủy ban nhân dân nơi gần nhất và phải chịu mọi chi phí cho việc khắc phục hậu quả đó.

Chương VI

SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 12. Trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng tùy tiện, không đảm bảo thời gian cách ly, sử dụng không đúng kỹ thuật được khuyến cáo để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt mức cho phép, sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người, vật nuôi, môi sinh và môi trường; nếu sử dụng không đúng gây thiệt hại về vật chất cho người khác thì phải bồi thường.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý và đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

1. Chi cục bảo vệ thực vật phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các nguyên tắc chung về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được quy định tại Điều 14 của Quy định này.

2. Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn hoặc cấp tương đương chịu trách nhiệm tham gia quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, hiệu quả và xử lý các hành vi vi phạm có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho người mua thuốc, hoạt động đội ngũ cán bộ kỹ thuật- marketing của doanh nghiệp phải có giấy tiếp nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung khuyến cáo, hướng dẫn khi tham gia các chương trình khuyến nông của địa phương, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại kinh tế do việc tuyên truyền, quảng cáo, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đủ, không đúng, không chính xác, làm cho người mua và sử dụng thuốc nhầm lẫn, gây tác hại đối với sức khoẻ của người, vật nuôi, môi trường sinh thái và tổn hại đến sản xuất.

4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đóng góp kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật các chương trình bảo vệ thực vật ở địa phương.

Chương VII

TIÊU HỦY THUỐC, BAO BÌ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 14. Đăng ký tiêu hủy.

1. Tổ chức, cá nhân có thuốc, bao bì thuốc cần tiêu huỷ phải đăng ký với Chi cục Bảo vệ thực vật để có biện pháp xử lý đúng quy định, đồng thời phải chịu mọi chi phí cho việc tiêu hủy này.

2. Tổ chức, cá nhân có thuốc, bao bì thuốc buộc tiêu huỷ phải chịu mọi chi phí cho việc tiêu hủy.

Điều 15. Việc tiêu hủy.

Việc tiêu hủy thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện theo Điều 30, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương VIII

NHÃN THUỐC, BAO BÌ, ĐÓNG GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 16. Quy định về nhãn.

Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật khi buôn bán và sử dụng phải có nhãn và nội dung nhãn phải đúng theo quy định tại Điều 31, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 17. Nội dung ghi trên nhãn thuốc và bao bì đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.

1. Nội dung ghi trên nhãn thuốc phải đúng theo quy định tại Điều 32, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung của nhãn thuốc chỉ được thay đổi khi có sự chấp thuận của Cục Bảo vệ thực vật.

2. Bao bì đựng thuốc phải đảm bảo bền trong quá trình bảo quản, lưu thông và sử dụng; không làm thay đổi thành phần, tính chất và tác dụng của thuốc và ngăn cản được sự tác động của các yếu tố của môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc và việc đóng gói thuốc bảo vệ thực vật phải đúng theo quy định tại Điều 34, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương IX

HỘI THẢO, QUẢNG CÁO THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 18. Quy định chung về quảng cáo, hội thảo.

1. Chỉ được hội thảo, quảng cáo các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng; hội thảo các loại thuốc trong danh mục hạn chế sử dụng ở Việt Nam nhằm khuyến cáo sử dụng hợp lý và an toàn. Nội dung hội thảo, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải đúng với nội dung đã đăng ký với thuốc đó.

Không được quảng cáo các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục hạn chế sử dụng hoặc thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

2. Tất cả các cuộc hội thảo thương mại về thuốc bảo vệ thực vật của các đơn vị kinh doanh đều bắt buộc phải có chương trình giới thiệu về "An toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật". Nội dung của chương trình này do Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn.

Điều 19. Quảng cáo, hội thảo.

1. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải chấp hành đúng theo quy định của Pháp lệnh Quảng cáo ngày 16 tháng 11 năm 2001; Khoản 3 Điều 35 Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thông tư liên tịch số 96/2004/TTLT/BVHTT- BNN và PTNT ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về quảng cáo một số hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Điều 10, Nghị định số 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hóa chất.

2. Việc hội thảo thuốc bảo vệ thực vật ở các huyện, thị, thành phố hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trên các phương tiện thông tin đều phải có ý kiến bằng văn bản thống nhất về nội dung của Chi cục Bảo vệ thực vật. Trường hợp đã được phép quảng cáo của Cục Bảo vệ thưc vật, đơn vị có sản phẩm quảng cáo phải sao gửi ý kiến chấp thuận bằng văn bản về nội dung quảng cáo loại thuốc đó cho Chi cục Bảo vệ thực vật.

3. Việc quảng cáo, hội thảo thuốc bảo vệ thực vật phải cụ thể, rõ ràng về nội dung và phải tuân thủ các hướng dẫn đúng theo quy trình phòng chống dịch hại của ngành bảo vệ thực vật tỉnh.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Xử lý vi phạm.

- Tổ chức, cá nhân tại Điều 2 của Quy định này ngoài việc thực hiện đúng theo Quy định này còn phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổ chức, cá nhân tại Điều 2 của Quy định này có hành vi vi phạm Quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt và bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 21. Tổ chức thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định này.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện Quy định này.

Điều 22. Giải quyết phát sinh, vướng mắc

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị tổ chức, cá nhân báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2009/QĐ-UBND về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 31/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/08/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Huỳnh Thế Năng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản