Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2005/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 08 tháng 11 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỀN, CHÙA VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29/6/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo ngày 18/6/2004;
Căn cứ Nghị định 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Di sản văn hoá;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tại Tờ trình số 472/TT-VHTT ngày 03 tháng 8 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động đền, chùa và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Giao cho Sở Văn hoá Thông tin hướng dẫn và chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỀN CHÙA VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31/2005/QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Qui chế này quy định việc quản lý, bảo vệ, khai thác các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và tâm linh tại các đình, đền, chùa, miếu, am, nghè (gọi chung là đền, chùa) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Việc quản lý, bảo vệ, khai thác các đền chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh được thực hiện theo Luật Di sản văn hoá.
Điều 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 3. Các hoạt động tín ngưỡng đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp luật; các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể và mọi công dân có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều 4. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại sự đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hoá của dân tộc.
Điều 5. Các tổ chức, cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và phạm vi hoạt động của mình; quản lý và bảo vệ tốt các cơ sở thờ tự do mình phụ trách. Tích cực giáo dục, vận động những người đến hành lễ chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều 6. Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín ngưỡng tổ chức và tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, chính trị xã hội, văn hoá, giáo dục, an ninh quốc phòng tại địa phương theo quy định của Pháp luật.
Chương II
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐỀN, CHÙA
Điều 7. Nhiệm vụ, chức năng của Ban quản lý Đền, chùa:
1. Đăng ký kế hoạch hoạt động của đền, chùa hàng năm, các hoạt động đột xuất ngoài chương trình đã đăng ký và việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Xây dựng nội quy hoạt động đền chùa phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ các công trình kiến trúc, cổ vật, đồ thờ tự ... bảo đảm an ninh cho nhân dân và khách đến đền chùa sinh hoạt tâm linh.
3. Các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo có trách nhiệm gắn bia, biển, nội qui, sơ đồ bảo vệ, giới thiệu tại cơ sở thờ tự. Hướng dẫn, phục vụ khách thăm quan, các tín đồ, phật tử sinh hoạt tâm linh tại đền, chùa theo đúng quy định của Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.
4. Tổ chức các kỳ lễ hội truyền thống.
5. Quản lý các nguồn thu tại đền, chùa, thực hiện việc thu, chi theo đúng quy định của Nhà nước về tài chính. Các lọai tiền do khách cúng tiến tại cơ sở thờ tự có nguồn thu ổn định thường xuyên như: Tiền đặt trên các ban thờ, tiền đưa tay của khách, tiền ghi sổ... đều phải lập sổ theo dõi và đưa vào hòm công đức hàng ngày trước sự chứng kiến của Ban quản lý đền, chùa. Có hình thức phù hợp để ghi nhớ công lao đóng góp của các tập thể và cá nhân đã hảo tâm công đức bằng tiền hoặc hiện vật.
Mỗi tháng, Ban quản lý đền chùa kiểm hòm công đức một đến hai lần, có đại diện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ văn hoá, cán bộ tài chính xã, phường, thị trấn và lập biên bản chi tiết có chữ ký của các thành phần trên.
Điều 8. Các tổ chức tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sử dụng cơ sở thờ tự đúng mục đích; bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh, xanh, sạch, đẹp, văn minh, lành mạnh. Nghiêm cấm các hành vi: Bói đoán, tướng số, truyền sấm, sóc thẻ, lên đồng, hầu bóng... tại các cơ sở thờ tự.
Điều 9. Các tổ chức tín ngưỡng cần phải lập hồ sơ đất đai của cơ sở thờ tự đang quản lý, sử dụng gửi cơ quan chức năng xem xét thẩm định, xác minh để trình UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 10. Việc xây dựng mới hoặc xây dựng lại, sửa chữa lớn hoặc làm thay đổi kiến trúc công trình và cảnh quan môi trường xung quanh nơi thờ tự phải có giấy phép xây dựng do Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp, nếu là di tích được xếp hạng Quốc gia phải có ý kiến thoả thuận của UBND tỉnh với Bộ Văn hoá thông tin. Phải tuân thủ theo Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh do Bộ VHTT ban hành (kèm theo quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 6/2/2003).
Việc tu bổ, sửa chữa nhỏ không làm thay đổi kiến trúc công trình, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh phải thông báo bằng văn bản trước cho Uỷ ban nhân dân xã, phường sở tại và cơ quan chức năng biết.
Điều 11. Các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo phải có sổ kiểm kê theo dõi các di vật, hiện vật tại cơ sở thờ tự theo sự hướng dãn của Sở VHTT. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành xem xét đánh giá thực trạng và kiểm kê hiện vật tại các đền, chùa trên địa bàn quản lý. Nghiêm cấm tự ý việc đưa tượng và đồ thờ tự vào đền, chùa trái phép, khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương III
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Điều 12. Ban quản lý các đền, chùa và các tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đăng ký chương trình kế hoạch hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ diễn ra năm sau với chính quyền xã sở tại trước ngày 15/10 hàng năm. Các hoạt động đột xuất (ngoài chương trình đăng ký hàng năm) phải báo cáo và được phép của Chủ tịch UBND xã quản lý trực tiếp. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức trong khuôn viên thờ tự hoặc vượt ra khỏi cơ sở thờ tự mà các hoạt động thuần tuý và chỉ có người trong xã, phường đến dự chỉ cần Chủ tịch UBND xã nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp thuận; nếu các hoạt động có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội và có sự tham gia của tín đồ từ các huyện, thành phố trong tỉnh phải được Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp thuận. Trường hợp các tín đồ đến từ các quận, huyện, thành phố ngoài tỉnh phải được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận, Phòng Tôn giáo Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm báo cáo Ban tôn giáo Chính phủ biết.
Điều 13. Đối với các đền, chùa là di tích lịch sử đã xếp hạng quốc gia thành lập Ban quản lý di tích, Ban khánh tiết; riêng khu di tích Nhị-Tam Thanh chỉ thành lập Ban khánh tiết.
Điều 14. Thành lập Ban quản lý đền, chùa.
Ban quản lý hình thành thông qua bầu cử. Các thành viên tham gia hội nghị thành lập hoặc (kiện toàn Ban quản lý đền chùa) gồm: Đại diện cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn; đại diện thôn bản, khối phố; đại diện con hương, đệ tử và toàn bộ những người trông coi nơi thờ tự. Tỷ lệ cụ thể về đại diện các thành phần tham gia do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thành phố quy định. Mỗi Ban quản lý đền, chùa có thể cơ cấu từ 5 - 9 thành viên, tuỳ theo điều kiện của từng đền, chùa đó.
Thành viên Ban quản lý phải là người có hộ khẩu thường trú cùng địa bàn với cơ sở thờ tự (xã, phường, thị trấn).
Việc bầu cử tiến hành theo qui trình: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tiến hành hiệp thương, biểu quyết danh sách bầu, bỏ phiếu kín, công bố kết quả công khai. Các trường hợp tổ chức bầu cử, khi đã có kết quả thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thành phố quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận.
Nhiệm kỳ hoạt động của Ban quản lý đền, chùa là 3 năm.
Điều 15. Các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo muốn thành lập các bộ phận giúp việc cho các nghi lễ tín ngưỡng phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý trực tiếp chấp thuận. Nghiêm cấm việc lập ra các tổ chức trái pháp luật.
Điều 16. Trụ trì chùa và Thủ từ đền có phận sự trông coi và điều hành phật sự, sinh hoạt tín ngưỡng tại đền, chùa theo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 17. Trụ trì chùa phối hợp với Ban quản lý chùa xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, bảo vệ an ninh trật tự, gĩư gìn cảnh quan, môi trường, tôn tạo, xây dựng, sửa chữa đền, chùa, xây dựng, phát huy các giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục cho tín đồ, phật tử.
Trụ trì chùa có trách nhiệm phối hợp với ban quản lý chùa ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng để làm những việc vi phạm luật pháp của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trụ trì chùa, giáo hoá hướng dẫn tín đồ phật tử, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật Nhà nước, nội quy của đền, chùa. Phối hợp với ban quản lý bảo vệ tượng, cổ vật, đồ thờ và tài sản của chùa; tổ chức, giám sát ghi nhận công đức, quản lý thu chi tài chính công khai dân chủ hàng tháng, hàng quý.
Trụ trì chùa và ban quản lý có trách nhiệm quyết toán thu, chi tài chính báo cáo các ngành hữu quan và phật tử.
Trụ trì chùa có trách nhiệm đề xuất với chính quyền địa phương và các ngành chức năng về kế hoạch phật sự của chùa theo từng lễ tiết, lễ trọng trong năm. Các dự án trùng tu, tôn tạo, sửa chữa đền, chùa theo quy định của pháp luật.
Sư trụ trì chùa hoạt động phật sự trong khuôn viên thờ tự. Nếu làm phật sự ngoài nơi trụ trì phải có sự chấp thuận của UBND cấp huyện nơi thực hiện.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, THANH TRA, KIỂM TRA
Điều 18. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tốt các nơi thờ tự tín ngưỡng được khen thưởng. Các hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 19. Các cấp chính quyền, cơ quan có chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra phải có báo cáo chi tiết về kết quả kiểm tra và xử lý theo chức năng, quyền hạn được giao.
Điều 20. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến các hoạt động tín ngưỡng thực hiện theo trình tự của luật khiếu nại tố cáo quy định.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các Sở, ban, ngành có trách nhiệm xây dựng các phương án quản lý cụ thể cho từng cơ sở thờ tự thuộc địa bàn và lĩnh vực ngành quản lý.
Điều 22. Sở Văn hoá Thông tin là cơ quan giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng trong lĩnh vực văn hoá có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tôn giáo Văn phòng UBND tỉnh, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy chế đến các tổ chức tín ngưỡng trong toàn tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- 1Quyết định 06/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 2Quyết định 183/QĐ-UBND năm 2022 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 3Quyết định 387/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 06/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 2Quyết định 183/QĐ-UBND năm 2022 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 3Quyết định 387/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
Quyết định 31/2005/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động đền, chùa và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành
- Số hiệu: 31/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/11/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Đoàn Bá Nhiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/11/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra