Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/1999/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 31/1999/QĐ-BGTVT NGÀY 2 THÁNG 01 NĂM 1999 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC LỘ 5

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 2/12/1994;
Căn cứ Nghị định số 22-CP ngày 22/03/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu bộ máy Bộ Giao Thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Để quản lý, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình quốc lộ 5;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông: Chánh văn phòng bộ, Cục Trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan khác thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Lê Ngọc Hoàn

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC LỘ 5
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/1999/QĐ-BGTVT ngày 2 tháng 01 năm 1999 của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác quốc lộ 5 sau khi tuyến đường được cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn cơ bản của đường cấp 1 cho mọi đối tượng tham gia giao thông, các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị có liên quan và nhân dân ven đường thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình.

Điều 2. Các từ ngữ dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. "Làn xe" là phạm vi giới hạn giữa hai vạch sơn liền hoặc đứt khúc mà phương tiện được phép đi theo hướng quy định. Đối với đường có từ hai làn xe trở lên cho một chiều thì làn phía bên phải theo hướng xe chạy là làn số 1, các làn bên cạnh tiếp theo là làn số 2, làn số 3.

2. "Giải phân cách giữa" là giải được xây bó vỉa và trồng cây để phân cách giữa hai chiều đi và về.

3. "Giải phân cách giữa làn xe cơ giới với làn xe thô sơ, người đi bộ" là giải được vạch bằng sơn, bằng hàng rào tôn lượn sóng hoặc bằng trụ bê tông ống thép để phân cách giữa phần đường cho xe cơ giớí với phần đường cho xe thô sơ và người đi bộ.

4. "Đường ngang" là đường có giao cắt với quốc lộ 5.

Điều 3. Tất cả các phương tiện đi trên đường ngang vào quốc lộ 5 đều phải nhường quyền ưu tiên cho phương tiện đi trên quốc lộ 5 (trừ các xe được quyền ưu tiên quy định tại Điều 42 - Điều lệ TTATGT đường bộ và TTATGT đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ ).

Điều 4. Hành lang bảo vệ quốc lộ 5 được quy định cụ thể như sau:

1. Phạm vi hành lang bảo vệ: theo quy định tại Nghị định số 203/HĐBT ngày 21/12/1982: Tính từ chân mái đường trở ra hai bên, mỗi bên 20m.

2. Phạm vi hành lang đã giải toả và đền bù: tính từ chân mái đường trở ra hai bên, mỗi bên 7m.

3. Phạm vi hành lang bảo vệ đối với đoạn quốc lộ 5 qua đô thị: Là vỉa hè theo quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát mọi tổ chức, cá nhân nói tại Điều 1 Quy chế này trong việc bảo vệ công trình và đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5 theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Chương 2

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG

Điều 6. Quy định sử dụng làn xe cơ giới.

1. Làn xe cơ giới chỉ dành cho các loại xe có động cơ hoạt động.

2. Tất cả các loại xe chạy trên đường chỉ được chạy trên làn xe quy định (giữa hai vạch sơn phân làn), không được để bánh xe chạy đè dọc lên vạch sơn phân làn trừ trường hợp vượt hoặc rẽ.

3. Tất cả các loại xe tải, xe ca, xe chở container, xe cần trục, xe chuyên dụng và các loại xe chạy với tốc độ chậm như xe máy, xe lam... chỉ được đi vào làn bên phải của hưóng đi (làn số 1), không được đi sang làn số 2 hoặc làn số 3 trừ trường hợp vượt.

4. Làn xe số 2 và làn số 3 chỉ giành cho xe con và để cho xe vượt nhau.

5. Nghiêm cấm các loại xe thô sơ, xe đạp, người đi bộ, xe súc vật kéo, trâu bò đi vào phần đường dành cho xe cơ giới; chỉ được vượt qua đường dành cho xe cơ giới tại những nơi có đường ngang hoặc có mở giải phân cách theo quy định, nhưng phải chú ý quan sát, tuân thủ theo biển báo hiệu.

6. Khi xe cơ giới chạy trên đường bị hư hỏng thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp ngay lập tức đưa xe vào sát mép đường và phải có tín hiệu xe đỗ để đảm bảo lưu thông trên đường và sau đó phải nhanh chóng đưa xe ra khỏi làn xe cơ giới.

Điều 7. Quy định sử dụng làn xe thô sơ.

Làn xe thô sơ chỉ dành riêng cho xe thô sơ và người đi bộ.

Trên làn xe thô sơ:

1. Nghiêm cấm chiếm dụng làn xe thô sơ để chứa vật liệu, bày hàng quán, họp chợ, vứt rác hoặc bất kỳ hành vi nào làm cản trở sự đi lại trên đường.

2. Tuyệt đối cấm thả trâu bò trên đường, khi thật cần thiết phải đưa trâu bò ngang qua đường thì phải đi đúng đường ngang đã quy định và phải có người dắt từng con.

3. Cấm phơi rơm, rạ hoặc bất kỳ thứ gì trên mặt đường, trên giải phân cách giữa, giải phân làn, hàng rào phân làn.

4. Cấm lợi dụng giải phân làn, giải phân cách, hàng rào tôn lượn sóng và cọc tiêu, biển báo để làm nơi quảng cáo, trưng bày hàng hoá hoặc làm mất mỹ quan.

Điều 8. Quy định việc đi ngang đường.

1. Tại các điểm có mở hàng rào phân làn và giải phân cách giữa để tạo thành đường ngang cho phép các phương tiện cơ giơí, xe thô sơ và người đi bộ được đi ngang đường nhưng phải tuân thủ các tín hiệu chỉ dẫn giao thông trên đường.

2. Tất cả các phương tiện cơ giới, xe thô sơ đi trên đường ngang vào quốc lộ 5 phải giảm tốc độ xuống tới mức không nguy hiểm và phải quan sát để đảm bảo ưu tiên cho xe chạy trên quốc lộ 5 và sự an toàn của người và phương tiện.

3. Các xe muốn quay đầu chỉ được quay tại vị trí quy định. Nghiêm cấm bất kỳ loại phương tiện nào vượt qua giải phân cách giữa.

4. Các phương tiện muốn rẽ trái, rẽ phải đều phải giảm tốc độ và quan sát đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mọi phương tiện đang lưu thông.

5. Phải đi ngang qua quốc lộ 5 theo các đường gom và cầu vượt khi có đường gom và cầu vượt.

Điều 9. Quy định sử dụng hành lang bảo vệ đường bộ.

1. Trong phạm vi hành lang bảo vệ quốc lộ 5, nghiêm cấm:

- Dựng lều quán làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện;

- Tập kết vật liệu ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện;

- Họp chợ, trưng bày hàng hoá ven đường làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện:

- Đào đất hành lang để kinh doanh hoặc khai thác vật liệu;

- Đổ phế thải, rác thải làm ảnh hưởng đến việc thoát nước và vệ sinh môi trường.

2. Trong phạm vi hành lang đã giải toả và đã đền bù (7m): Cấm lấn chiếm dưới bất kỳ hình thức nào.

3. Trong phạm vi từ mốc giải toả (7m) đến mốc hành lang bảo vệ đường bộ (20m):

- Các công trình đã xây dựng phải giữ nguyên hiện trạng, cấm cơi nới, phát triển thêm và phải tháo dỡ ngay khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Các công trình công cộng đã xây dựng trong phạm vi này yêu cầu phải chuyển dần ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ (20m).

Điều 10. Quy định việc bảo vệ cầu, đường và các thiết bị giao thông trên đường.

1. Nghiêm cấm bất kỳ hành vi nào làm mất mát, hư hỏng các công trình cầu, đường, các thiết bị an toàn giao thông trên đường.

2. Nghiêm cấm việc tự ý phá giải phân cách, đắp đất, đặt bao tải đất cát hoặc bất kỳ hành động gì để đi qua giải phân cách giữa.

3. Các hành động chộm cắp, tự ý tháo gỡ, làm hư hỏng hoặc làm giảm tuổi thọ, hạn chế tác dụng của cầu, đường, các thiết bị trên đường tuỳ theo mức độ mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trach nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 3

QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ

Điều 11. Đơn vị trực tiếp quản lý quốc lộ 5 có trách nhiệm:

1. Quản lý tốt hệ thống cầu, đường, các thiết bị an toàn giao thông đã được thực hiện trong dự án;

2. Thường xuyên sửa chữa, đảm bảo trạng thái kỹ thuật cầu, đường và các thiết bị an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho hoạt động của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường;

3. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện các hư hỏng, mất mát để xử lý kịp thời;

4. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý kịp thời đảm bảo Quy chế được thực hiện một cách nghiêm túc;

5. Đình chỉ ngay các hoạt động gây tổn hại đến an toàn công trình và an toàn giao thông;

6. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về an toàn giao thông trên quốc lộ 5.

Điều 12. Các cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, chính quyền các địa phương có quốc lộ 5 đi qua đảm bảo việc sử dụng, quản lý quốc lộ 5 theo đúng Quy chế này và các quy định pháp luật liên quan khác, cụ thể như sau:

1. Phối hợp với cảnh sát giao thông trong việc tổ chức điều khiển, hướng dẫn giao thông trên đường; phát hiện và xử lý các vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; giải quyết các sự cố ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông như: ách tắc, cản trở giao thông, tai nạn giao thông...

2. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, giáo dục nhân dân trong địa phương thực hiện đúng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5; thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình, các thiết bị trên đường, quản lý việc sử dụng hành lang bảo vệ đường; bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường đối với quốc lộ 5.

Chương 4

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ công trình giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 5 thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 14. Tổ chúc, cá nhân có hành vi vi phạm những quy định của Quy chế này thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại các Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 và Nghị định số 78/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998 của Chính phủ.

(Một số hành vi vi phạm thường xảy ra và mức xử phạt được trích trong Phụ lục kèm theo).

PHỤ LỤC

TRÍCH MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM THƯỜNG XẢY RA TRÊN QUỐC LỘ 5

1. Xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm

a. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 20.000 đồng đối với người đi bộ không đi đúng phần đường quy định hoặc không tuân thủ các tín hiệu giao thông.

b. Phạt 50.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đường để họp chợ, bày bán hàng hoá; để trâu, bò, ngựa hoặc gia súc khác chạy rông trên đường.

c. Phạt 100.000 đồng đối với hành vi phơi rơm rạ, nông sản, thực phẩm và các thứ khác trên đường bộ; ném gạch, đất đá, cát hoặc bất cứ một vật gì khác vào người, phương tiện.

d. Phạt 500.000 đồng đối với hành vi để vật liệu xây dựng hoặc bất kỳ vật gì khác trên đường bộ gây cản trở trật tự an toàn giao thông; đặt, rải bàn chông hoặc các vật sắc nhọn khác trên đường giao thông, tự ý căng dây, đặt barie ngang đường gây cản trở giao thông.

2. Xử phạt người điều khiển môtô, xe máy vi phạm.

a. Phạt 50.000 đồng đối với hành vi đi không đúng phần đường quy định; đỗ, dừng xe ở lòng đường, ở những nơi cấm đỗ, cấm dừng;

b. Phạt 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy vượt quá tốc độ quy định; đi vào đường ngược chiều, không nhường đường cho xe ưu tiên hoặc xe khác đã có tín hiệu xin vượt theo quy định.

c. Phạt 1.000.000 đồng đối với hành vi lạng lách, đánh võng, đi xe bằng một bánh trên đường giao thông;

3. Xử phạt người điều khiển xe ôtô vi phạm.

a. Phạt 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển các loại xe không đi đúng phần đường quy định: đỗ xe, dừng xe, tránh xe, vượt xe, lùi xe, quay đầu xe, rẽ phải rẽ trái không đúng quy định.

b. Phạt tiền 300.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; không nhường đường cho xe khác khi có tín hiệu xin vượt hoặc không nhường đường cho xe đi trên đường chính; điều khiển xe trở đất, cát, vật liệu xây dựng hoặc các loại hàng hoá khác không có dụng cụ che phủ hoặc không có biện pháp đảm bảo an toàn.

c. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn rồi chạy trốn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong giao thông:

Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

+ Làm đổ dâu nhờn, bùn lầy trên mặt đường giao thông:

+ Người kéo xe, đẩy xe, mang vác mà để đất, cát, rác hoặc các chất phế thải khác rơi vãi trên đường giao thông;

+ Vứt xác súc vật, rác hoặc các chất phế thải khác ra đường giao thông.

5. Xử phạt các hành vi làm hư hại công trình giao thông.

a. Phạt tiền 100.000 đồng đối với hành vi be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông.

b. Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý di chuyển mốc chỉ giới của đường giao thông.

c. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Trộm cắp, tháo dỡ, làm hư hỏng cầu kiện, phụ kiện ảnh hưởng đến an toàn giao thông;

+ Khoan, đào, xẻ đường giao thông trái phép hoặc làm hư hại, mất tác dụng hệ thống thoát nước của công trình giao thông hoặc tự ý mở đường có giải phân cách.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/1999/QĐ-BGTVT về Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 31/1999/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/01/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Ngọc Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản